T
rong chương này, bạn sẽ tìm hiểu bí quyết để hoàn thành mục tiêu. Bạn cũng sẽ nhận được một câu động viên tuyệt vời để buộc mình phải bắt tay hành động. Đây quả thật là một bộ máy khởi động hiệu quả dành cho bạn và bạn hoàn toàn có thể điều khiển nó theo ý muốn. Lúc đó, bạn sẽ vượt qua sự chần chừ và sức ỳ tâm lý có thể là bản tính của bạn.
Tất cả đều nhờ vào thói quen và bạn hãy tập thói quen thông qua hành động được lặp đi lặp lại. “Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Đó chính là câu nói của triết gia, nhà tâm lý học vĩ đại William James. Ông khẳng định rằng chính thói quen làm nên con người. Và bạn có thể lựa chọn thói quen cho mình. Bạn cũng có thể tập bất kỳ thói quen nào khi sử dụng câu nói khởi động.
Vậy bí quyết hoàn thành mục tiêu là gì? Còn câu khởi động buộc bạn phải vận dụng bí quyết ấy như thế nào?
Bí quyết để hoàn thành mục tiêu chính là hành động. Còn câu khởi động chính là câu HÃY LÀM NGAY! (*)
(*) Nguyên văn: DO IT NOW!
Bạn đừng bao giờ tự nói “HÃY LÀM NGAY!” trừ phi theo sau câu nói đó là một hành động cụ thể. Mỗi khi cần hành động và biểu tượng HÃY LÀM NGAY! được chuyển từ tiềm thức sang nhận thức, bạn hãy bắt tay vào hành động.
Hãy tập thói quen đáp lại lời kêu gọi của câu HÃY LÀM NGAY!, thậm chí trong những việc nhỏ nhặt nhất. Bạn sẽ nhanh chóng tập được thói quen phản xạ tức thì. Khi đó, nếu phải đối mặt với những trường hợp khẩn cấp hay chợt thấy cơ hội xuất hiện, bạn sẽ bắt tay vào hành động ngay.
Giả sử bạn cần phải gọi điện thoại, nhưng lại chần chừ chưa muốn gọi. Và rồi bạn đã không gọi. Khi “bộ máy khởi động” HÃY LÀM NGAY! được chuyển từ tiềm thức sang nhận thức, bạn sẽ gọi điện ngay lập tức.
Hoặc giả sử bạn đã đặt đồng hồ báo thức để thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, nhưng khi chuông đồng hồ reo, bạn vẫn còn buồn ngủ nên đã tắt chuông đi để ngủ tiếp. Bạn sẽ có khuynh hướng lặp lại chuỗi động tác đó trong tương lai. Nhưng nếu tiềm thức nhắc nhở nhận thức bằng câu khẩu hiệu HÃY LÀM NGAY!, mọi việc chắc chắn sẽ khác đi. Bạn sẽ thức dậy ngay! Tại sao? Tại vì bạn muốn tập thói quen đáp lại mệnh lệnh HÃY LÀM NGAY!
Trong Chương 13, bạn sẽ đọc được câu chuyện về một trong các tác giả đã mua lại một công ty có tài sản ròng trị giá 1,6 triệu đô-la bằng tiền của chính người bán. Vụ mua bán này thành công bởi vì vào thời điểm thích hợp, người mua đã biết đáp lại “bộ máy khởi động” HÃY LÀM NGAY!
H. G. Wells(*) là người nắm vững bí quyết hoàn thành mục tiêu. Là một nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng, ông luôn cố gắng để không bỏ sót bất kỳ một ý tưởng nào, dù chỉ thoáng qua. Nếu bắt gặp một ý tưởng mới lạ, ông liền viết ra giấy. Có khi ông vùng dậy vào lúc nửa đêm chỉ để ghi lại một ý nghĩ thoáng qua. Ông bật đèn, chộp lấy cây bút chì và tờ giấy luôn đặt sẵn bên giường rồi nghí ngoáy viết vào đó. Xong, ông lên giường ngủ tiếp.
(*) Herbert George Wells (21/09/1866 – 13/08/1946), thường được biết đến với tên H. G. Wells, là một nhà văn người Anh nổi tiếng với những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng như The Time Machine (Cỗ Máy Thời Gian), The War of the Worlds (Chiến Tranh Thế Giới), The Invisible Man (Người Vô Hình), The First Men in the Moon (Người Đầu Tiên trên Cung Trăng) và The Island of Dr Moreau (Hòn Đảo của Tiến sĩ Moreau). Ông là một nhà văn của nhiều thể loại truyện, tiểu thuyết, bao gồm cả viễn tưởng, phi viễn tưởng hay các bài bình luận về lịch sử và xã hội. Wells cũng là một người theo chủ nghĩa xã hội, các tác phẩm của ông sau này thường nặng tính chính trị và giáo điều. Chỉ có những tác phẩm tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của ông là vẫn còn rất được ưa chuộng hiện nay. Wells và Jules Verne thường được coi “cha đẻ của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng”.
Những ý tưởng lẽ ra đã bị lãng quên lại có cơ hội tái hiện khi ông nhìn vào tờ giấy. Thói quen này rất đơn giản và không tốn nhiều công sức.
Rất nhiều người hay chần chừ, do dự. Thói quen đó có thể làm họ bị nhỡ tàu, muộn giờ làm, hay thậm chí là mất đi cơ hội làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Lịch sử đã ghi nhận biết bao cuộc chiến thất bại chỉ vì ai đó chần chừ không hành động.
Các học viên mới của khóa học Thái độ tích cực - Khoa học của thành công thỉnh thoảng vẫn nói rằng thói quen chần chừ chính là thói quen họ muốn loại bỏ nhất. Khi đó, chúng tôi đã nói với họ bí quyết hoàn thành mục tiêu. Chúng tôi trao cho họ câu nói khởi động. Chúng tôi tạo động lực thúc đẩy họ bằng cách kể một câu chuyện về “câu nói khởi động” đã xảy ra với một tù binh trong Thế Chiến thứ hai.
Ý nghĩa của “câu khởi động” đối với một tù binh. Kenneth Erwin Harmon là một quân nhân trong lực lượng Hải Quân ở Manila khi quân Nhật đổ bộ xuống đảo quốc này. Ông bị bắt và bị giam giữ trong một khách sạn khoảng hai ngày trước khi bị đưa đến trại tù binh.
Ngay ngày đầu tiên, Kenneth đã để ý thấy người bạn tù luôn đặt một cuốn sách ở dưới gối. Ông hỏi: “Tôi mượn xem được không?”. Đó là cuốn Cách Nghĩ để Thành Công và Kenneth bắt đầu đọc. Trong lúc đọc, ông bắt gặp người quan trọng nhất luôn mang theo bên mình lá bùa vô hình có hai mặt, một mặt là PMA và mặt kia là NMA.
Trước khi đọc cuốn sách này, ông đã mang trong mình một cảm giác tuyệt vọng. Ông kinh hãi khi nghĩ về những kiểu tra tấn dã man, thậm chí là nghĩ đến cái chết. Nhưng khi đọc xong cuốn sách đó, thái độ của ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông muốn có cuốn sách đó. Ông muốn nó sẽ luôn ở bên mình trong những ngày tháng khủng khiếp sắp tới. Khi trao đổi về nội dung cuốn sách Cách Nghĩ để Thành Công với người bạn tù, ông đã phát hiện ra rằng cuốn sách này mang ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với người sở hữu nó.
“Cho phép tôi chép lại một bản nhé!” - Ông nói.
“Vâng, anh cứ tự nhiên!” - Người bạn tù đáp.
Ở đây, Kenneth Harmon đã vận dụng bí quyết hoàn thành mục tiêu. Ông bắt tay ngay vào hành động cụ thể. Ông đã đánh máy lại toàn bộ cuốn sách. Từng từ, từng trang và từng chương. Sợ rằng cuốn sách có thể bị lấy đi bất kỳ lúc nào, ông đã cố gắng ngồi đánh máy cả ngày lẫn đêm.
Đây quả là một quyết định đúng đắn. Chỉ một giờ sau khi đánh máy xong, người quản giáo đã chuyển ông đến trại tù binh Santo Tomas khét tiếng. Ông đã hoàn thành công việc kịp lúc nhờ biết khởi đầu đúng thời điểm. Kenneth Harmon đã giữ bản sao của cuốn sách bên mình trong suốt 3 năm 1 tháng bị cầm tù. Ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Cuốn sách đã tạo cho ông động lực phát huy lòng can đảm, lập kế hoạch cho tương lai, giữ gìn sức khỏe và trạng thái tinh thần thật tốt. Rất nhiều tù nhân ở Santo Tomas đã bị thương tật vĩnh viễn và mắc bệnh tâm thần do suy dinh dưỡng và sợ hãi – sợ hãi cả hiện tại lẫn tương lai.
“Khi ra khỏi trại Santo Tomas, tôi cảm thấy mình tốt hơn rất nhiều, hơn cả khi chưa vào trại. Tôi đã chuẩn bị tinh thần tốt hơn để đón nhận cuộc sống,” - Kenneth Harmon kể cho chúng tôi nghe. Bạn có thể cảm nhận được suy nghĩ của ông trong câu nói sau: “Thành công phải được rèn luyện không ngừng, nếu không nó sẽ vuột khỏi tay bạn”.
Bây giờ chính là lúc hành động.
Bí quyết hoàn thành mục tiêu có thể biến thái độ tiêu cực của một người thành thái độ tích cực và một ngày đen tối bỗng có thể hóa thành một ngày tươi sáng.
Một ngày lẽ ra đã bị lãng phí. Jorgen Juhldahl, sinh viên trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đã được nhận vào làm hướng dẫn viên du lịch trong dịp làm thêm vào mùa hè. Do nhiệt tình và hoàn thành tốt công việc nên một số khách tham quan đến từ Chicago đã cám ơn cậu bằng cách tặng cậu một chuyến du lịch đến Mỹ. Lịch trình của chuyến đi là một ngày tham quan Thủ đô Washington, D. C., sau đó sẽ lên đường đi thăm Chicago.
Khi vừa đáp máy bay xuống Washington, Jorgen đã làm thủ tục nhận phòng ở khách sạn Willard. Mọi hóa đơn thanh toán của cậu đều đã được trả trước. Trong túi áo khoác của cậu là vé máy bay đến Chicago; còn trong túi quần là chiếc ví, hộ chiếu và tiền. Nhưng ngay sau đó, chàng thanh niên trẻ tuổi này đã bị giáng một đòn trí mạng.
Khi chuẩn bị lên giường đi ngủ, cậu chợt phát hiện chiếc ví và hộ chiếu của mình đã không cánh mà bay. Cậu lao nhanh xuống quầy tiếp tân của khách sạn.
Viên quản lý khách sạn hứa: “Chúng tôi sẽ cố gắng giúp anh”.
Nhưng đến sáng hôm sau, người ta vẫn chưa tìm thấy chiếc ví, trong khi Jorgen Juhldahl còn chưa đến hai đô-la trong túi. Một mình nơi đất khách quê người, cậu không biết phải làm gì. Liên lạc với bạn bè ở Chicago và kể cho họ nghe chuyện đã xảy ra? Đến đại sứ quán Đan Mạch và báo cậu bị mất hộ chiếu? Ngồi đợi ở sở cảnh sát cho đến khi họ tìm ra manh mối?
Nhưng cậu đã quyết định: “Không! Mình sẽ không làm như thế. Mình sẽ đi tham quan Washington. Có thể mình không có cơ hội được đến đây lần nữa. Mình đang có một ngày rất quý giá tại thành phố tuyệt vời này. Xét cho cùng, mình vẫn còn vé để bay đến Chicago tối nay và ở đó mình sẽ có nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề liên quan đến tiền bạc lẫn hộ chiếu. Nhưng nếu không tham quan Washington ngay bây giờ thì mình chẳng biết gì về nơi này. Lúc ở nhà, mình đã đi bộ rất nhiều và mình thích được đi bộ ở đây.
Bây giờ chính là thời điểm để vui vẻ. Mình nên vui vẻ ngay lúc này đây vì mình đang có kỳ nghỉ ở một thành phố lớn.
Mình sẽ không phí thời gian để buồn phiền vô ích”.
Thế là cậu rảo bước tham quan Thủ đô Washington. Cậu nhìn thấy Nhà Trắng và tòa nhà Quốc hội. Cậu cũng đã đến thăm các bảo tàng lớn và leo lên đỉnh Đài Tưởng niệm Washington. Tuy cậu không thể đến Arlington và một số địa danh nổi tiếng khác, nhưng cậu đã quan sát rất kỹ những gì cậu nhìn thấy. Số tiền hai đô-la cậu dành để mua hạt dẻ và kẹo ăn tạm cho đỡ đói.
Khi quay trở lại Đan Mạch, ấn tượng sâu đậm nhất của cậu về chuyến đi Mỹ chính là ngày đi bộ quanh quẩn ở Washington. Jorgen Juhldahl lẽ ra đã để hoang phí ngày hôm đó, nếu cậu không vận dụng bí quyết hoàn thành mục tiêu. Cậu đã hành động nhờ hiểu rõ chân lý bên trong lời câu nói “BÂY GIỜ chính là thời điểm đúng để hành động”. Cậu biết rằng khoảnh khắc hiện tại phải được nắm bắt ngay, trước khi nó trở thành “ngày–hôm–qua–đáng–tiếc...”.
Bạn biết không, chỉ năm ngày sau đó, cảnh sát Washington đã tìm ra cả chiếc ví lẫn hộ chiếu và gửi trả lại cho cậu.
Bạn có sợ hãi trước những ý tưởng tuyệt vời của mình không? Một trong những lý do khiến chúng ta do dự không nắm bắt khoảnh khắc hiện tại chính là sự nhút nhát khi đối mặt với những suy nghĩ của bản thân. Chúng ta thường có đôi chút sợ hãi trước những ý tưởng vừa mới nảy sinh trong đầu. Đôi khi, những ý tưởng đó có vẻ hơi xa vời và cường điệu. Thực tế cho thấy, chúng ta cần có lòng can đảm để thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ, chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, chính sự can đảm này lại thường tạo ra những kết quả phi thường. Nhà văn Elsie Lee đã nói thế này về Ruth Butler và chị gái bà, Eleanor - hai con gái của một nhà buôn lông thú ở New York.
“Cha tôi là một họa sĩ,” - Ruth nói. - “Ông có tài, nhưng việc kiếm sống đã khiến ông không có thời gian để sáng tác nên những bức tranh bất hủ, để tạo dựng tên tuổi cho mình. Vì vậy, ông đã chuyển sang sưu tập tranh. Sau này, ông bắt đầu mua tranh cho chị Eleanor và tôi.” Nhờ đó mà các con gái của ông đã tích lũy được kiến thức trong bộ môn mỹ thuật. Sau này, bạn bè vẫn thường tham khảo ý kiến của họ khi muốn mua tranh để trang trí cho ngôi nhà của họ. Đôi khi, họ còn mượn tranh của hai chị em cô về treo.
Một hôm, Eleanor đánh thức Ruth dậy vào lúc 3 giờ sáng. “Chị có ý này hay lắm! Chúng ta sẽ kinh doanh bằng cách cho thuê các bức tranh!”.
Và Ruth đồng ý. Đây quả là một ý tưởng độc đáo. Họ bắt tay vào việc ngay trong ngày hôm đó, cho dù bạn bè cố gắng khuyên can và cảnh báo rằng những bức tranh có giá của họ có thể bị mất hoặc bị đánh cắp. Ngoài ra, họ còn có thể gặp rắc rối với các vụ kiện tụng và những vấn đề liên quan đến bảo hiểm. Tuy nhiên, hai chị em vẫn cương quyết triển khai kế hoạch như đã định. Họ có 300 đô-la làm vốn và mượn tầng hầm trong cửa hàng bán lông thú của cha để làm phòng trưng bày, đỡ tốn tiền đi thuê.
“Chúng tôi đặt 1.800 bức tranh trong bộ sưu tập của mình giữa các mẫu áo khoác lông thú, bất chấp ánh mắt buồn bã và không đồng tình của cha,” - Ruth nhớ lại. - “Năm đầu tiên rất khó khăn. Đó đúng là một cuộc chiến đích thực.”
Nhưng ý tưởng hoang đường của hai chị em đã được đền đáp. Công ty của họ lấy tên là Circulating Library of Paintings ở New York dần dần trở nên khấm khá với khoảng 500 bức tranh được các công ty, bác sĩ và luật sư thuê lại. Bên cạnh đó, họ còn có khách hàng là những cá nhân đến thuê tranh để treo trong nhà. Một trong những khách hàng đặc biệt của họ là một tù nhân bị giam 8 năm ở trại cải tạo Massachusetts. Ông nghĩ rằng với địa chỉ là trại cải tạo, công ty có thể sẽ không cho ông thuê tranh. Nhưng những bức tranh đã được gửi đến cho ông. Hai chị em còn miễn cho ông khoản phí thuê tranh mà chỉ lấy tiền công vận chuyển. Đáp lại, Ruth và Eleanor đã nhận được một bức thư của những người quản lý trại giam. Họ kể rằng các bức tranh đã được sử dụng cho một khóa học thưởng thức nghệ thuật trong trại giam và đã giúp ích cho hàng trăm tù nhân ở đó.
Bạn thấy đấy, Ruth và Eleanor khởi nghiệp từ một ý tưởng rất độc đáo. Sau đó, họ biến ý tưởng của mình thành hiện thực thông qua những hành động cụ thể. Kết quả là họ vừa thu được lợi nhuận cho mình, vừa mang lại niềm vui và hạnh phúc đến cho nhiều người khác.
Bạn đã sẵn sàng để tăng gấp đôi thu nhập chưa? W. Clement Stone đã đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương với vai trò là giám đốc điều hành đại diện cho tổ chức National Sales Executives International. Vào một ngày thứ Ba, Stone có một buổi trò chuyện với một nhóm doanh nhân ở Melbourne, Úc. Đến đêm thứ Năm của tuần sau đó, ông bất ngờ nhận được một cú điện thoại. Người gọi là Edwin H. East, giám đốc một công ty chuyên mua bán tủ sắt. Ông East tỏ ra hào hứng: “Điều kỳ diệu đã xảy ra! Ông hẳn cũng sẽ vui lây nếu tôi kể cho ông nghe điều này!”.
“Kể tôi nghe xem nào. Điều kỳ diệu gì đã xảy ra vậy?”
“Một điều đáng ngạc nhiên! Trong buổi nói chuyện ngày thứ Ba, ông đã giới thiệu 10 cuốn sách và tôi đã mua cuốn Cách Nghĩ để Thành Công và đọc ngay tối hôm đó. Tôi đã đọc say sưa hàng giờ liền. Sáng hôm sau, tôi đọc lại cuốn sách đó một lần nữa và viết lên giấy rằng:
‘Mục tiêu chính của mình là năm nay phải đạt doanh số bán hàng cao gấp đôi năm ngoái’. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là tôi đã thực hiện được điều đó trong vòng 48 giờ đồng hồ”.
“Ông đã làm cách nào vậy?” - Stone hỏi ông East. “Làm thế nào để ông tăng gấp đôi thu nhập?”
East đáp: “Hôm đó, ông đã kể cho chúng tôi nghe về Al Allen, một nhân viên kinh doanh ở Wisconsin đã tìm cách bán bảo hiểm tai nạn ở một tòa nhà nọ. Ông kể rằng Al thật may mắn khi đã nỗ lực suốt ngày nhưng không ký được một hợp đồng nào cả.
Ông nói rằng ngay tối hôm đó, Al Allen đã chuyển sự không hài lòng thành nguồn cảm hứng. Anh ta quyết định ngày mai quay trở lại bán bảo hiểm cho những khách hàng cũ. Anh quả quyết rằng số lượng hợp đồng bảo hiểm anh bán được sẽ nhiều hơn của bất kỳ nhân viên kinh doanh nào khác bán trong vòng một tuần.
Ông đã kể cho chúng tôi nghe cách Al Allen vận động mua bảo hiểm. Anh ta gặp lại những vị khách hàng cũ và bán được tới 66 hợp đồng bảo hiểm tai nạn. Tôi vẫn còn nhớ lời ông nói khi đó: ‘Một số người có thể cho rằng điều này là bất khả thi, nhưng Al đã thành công’. Tôi tin ông. Và tôi đã sẵn sàng.
Tôi nhớ lại câu HÃY LÀM NGAY mà ông đã nói.
Tôi mở hồ sơ lưu trữ thông tin khách hàng và phân tích mười khách hàng khó tính nhất. Tôi chuẩn bị thật chu đáo như thể đây là một chương trình trọng đại. Tôi lặp lại một vài lần câu HÃY LÀM NGAY. Sau đó, tôi gọi điện cho mười vị khách hàng kia bằng thái độ tích cực và ký kết được tám hợp đồng lớn. Thái độ tích cực quả là mang lại những kết quả tuyệt vời cho những ai biết tận dụng sức mạnh của nó!”.
Edwin H. East đã sẵn sàng khi ông nghe xong buổi nói chuyện của Stone. Ông lắng nghe thông điệp có thể ứng dụng trong hoàn cảnh thực tế của mình. Ông đang tìm kiếm một điều gì đó. Và ông đã tìm thấy thứ mình cần. Chúng tôi đề cập đến câu chuyện này là vì bạn cũng đã từng đọc về Al Allen. Tuy nhiên, rất có thể bạn chưa biết cách vận dụng các nguyên tắc thành công vào cuộc sống của mình. Edwin H. East đã làm được điều đó và tất nhiên là bạn cũng có thể. Bạn hãy vận dụng những nguyên tắc thành công trong các câu chuyện mà bạn đọc được.
Giờ thì bạn hãy học thuộc lòng câu HÃY LÀM NGAY!
Bạn có thể kết hợp công việc với sở thích. Đôi khi, quyết định bắt tay ngay vào việc có thể biến mọi ước mơ của bạn thành hiện thực. Đây là điều đã từng xảy ra với Manley Sweazey.
Manley rất thích săn bắn và câu cá. Anh luôn mong đến kỳ nghỉ hoặc ngày cuối tuần để được đi vào rừng săn bắn và câu cá. Sau khi vui chơi thỏa thích, anh quay về nhà, người lấm lem bùn đất nhưng tâm trạng thật phấn chấn, vui vẻ.
Tuy nhiên, công việc bán bảo hiểm không cho phép anh thực hiện sở thích tiêu tốn khá nhiều thời gian này. Lần nọ, đang tiếc rẻ vì phải rời một cái hồ đầy cá vược để quay trở lại làm việc, Manley bỗng nảy ra một ý tưởng. Anh đoán rằng trong rừng thế nào cũng sẽ có những người cần mua bảo hiểm. Như vậy, anh sẽ có thể vừa làm việc, vừa được thỏa mãn thú vui của mình! Và Manley đã tìm được một nhóm khách hàng như vậy. Đó là những người làm việc cho Công ty Đường sắt Alaska. Họ sống rải rác trong những khu nhà dọc hai bên đường sắt. Ngoài ra, anh cũng có thể bán bảo hiểm cho những người giữ cửa thông hơi hầm mỏ và cả thợ đào vàng dọc theo tuyến đường này nữa.
Manley lập tức lên kế hoạch ngay ngày hôm đó. Anh bắt đầu gói ghém đồ đạc lên đường. Không để bất kỳ một ý nghĩ thoái lui nào có cơ hội xuất hiện khiến anh nghĩ đến thất bại, anh nhanh chóng lên đường thẳng tiến đến Seward, Alaska.
Anh đi bộ dọc theo đường sắt không biết bao nhiêu lần. “Sweazey đi bộ” là biệt danh mọi người đặt cho anh. Anh được chào đón bởi hầu hết các gia đình vùng sâu vùng xa này. Họ chào đón Sweazey không chỉ vì anh đã đến đây để bán bảo hiểm cho họ mà còn vì anh đại diện cho “thế giới hiện đại”, vốn cách xa họ hàng ngàn cây số. Anh cố gắng làm những việc mà trước đây anh chưa từng làm. Anh tự cắt tóc và tự nấu ăn. Do đàn ông độc thân ở đây thường ăn thực phẩm đóng hộp và thịt xông khói nên Manley, với tài nấu nướng giỏi, đã trở thành một vị khách được chào đón nồng nhiệt. Thế là anh đã có thể làm những điều mình yêu thích: leo núi, săn bắn, câu cá và “sống cuộc sống của riêng Sweazey!”, như anh nói.
Trong ngành bảo hiểm, có một tổ chức chuyên vinh danh những cá nhân xuất sắc có doanh số bán hàng trong năm đạt trên một triệu đô-la. Tổ chức đó có tên là Bàn Tròn Triệu Phú (Million Dollar Round Table). Đây mới là phần đáng nhớ nhất trong câu chuyện của Manley Sweazey. Sau khi hành động dựa trên sự thôi thúc của ý chí, quyết định đến với những vùng hoang dã ở Alaska và đi bộ dọc theo tuyến đường sắt, nơi không nhà bán bảo hiểm nào muốn đặt chân đến, anh đã có doanh số bán bảo hiểm lên đến hàng triệu đô-la chỉ trong vòng một năm, và được vinh dự có tên trong Bàn Tròn Triệu Phú.
Tất cả những điều này có lẽ đã không diễn ra nếu anh chần chừ không vận dụng bí quyết hoàn thành mục tiêu ngay khi ý tưởng xuất hiện.
Luôn ghi nhớ câu HÃY LÀM NGAY!
HÃY LÀM NGAY! có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn, có thể giúp bạn thực hiện những việc nên làm dù thâm tâm bạn không thích lắm. Nó cũng giúp bạn vứt bỏ thái độ do dự khi phải đối mặt với một trách nhiệm nào đó. Ngoài ra, “khẩu quyết” này còn giúp bạn làm những việc mình yêu thích, giúp bạn nắm bắt những khoảnh khắc quý giá mà nếu để mất đi bạn sẽ không bao giờ lấy lại được. Dù bạn dự định nói với một người thân rằng bạn rất yêu quý họ hay gọi một cuộc điện thoại cho đồng nghiệp để nói rằng bạn khâm phục anh ấy, bạn HÃY LÀM NGAY bây giờ!
Viết thư cho chính mình. Đây là một ý tưởng rất độc đáo giúp bạn khởi động tâm thế của mình. Bạn hãy ngồi xuống và viết cho mình một bức thư, trong đó liệt kê những việc bạn từng có ý định thực hiện, nhưng vẫn chưa làm vì một lý do nào đó. Có thể đó là một việc riêng tư, một ý định làm từ thiện hay một công tác xã hội. Hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ và vận dụng bí quyết hoàn thành mục tiêu với khẩu hiệu HÃY LÀM NGAY!
Hãy luôn nhớ rằng cho dù bạn đã và đang như thế nào, bạn vẫn có thể trở thành hình mẫu mà mình mong muốn, chỉ cần bạn hành động với thái độ tích cực.
HÃY LÀM NGAY! là một câu nói quan trọng để tạo động lực cho bản thân, đồng thời là một bước quan trọng trong quá trình tìm hiểu và vận dụng những nguyên tắc thành công của chương tiếp theo.
Định hướng số 8
Ý TƯỞNG THỰC HÀNH
1. Thường thì sách vở và lời nói sẽ trở thành vốn kiến thức của chúng ta và là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống chúng ta. Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về điều đó. Bạn biết rõ những nguyên tắc thành công có thể giúp mình đạt được các mục tiêu cao cả, vậy bạn đã biến những nguyên tắc ấy thành một phần trong cuộc sống của mình hay chưa?
2. “Gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt tính cách; gieo tính cách gặt số phận.” Trong mọi hoạt động của con người, bạn thích tập thói quen suy nghĩ hay hành động nào nhất? Đâu là thói quen bạn muốn bỏ? Bạn cần biết cách từ bỏ thói quen xấu và tập thói quen tốt. Bạn sẽ làm được điều đó khi nhận ra và áp dụng những nguyên tắc thành công trong cuốn sách này.
3. Bí quyết hoàn thành mục tiêu chính là HÃY LÀM NGAY!
4. HÃY LÀM NGAY! được truyền từ tiềm thức sang nhận thức để thôi thúc bạn thực hiện một điều gì đó và nhanh chóng bắt tay hành động. Đây là một thói quen tốt có thể giúp bạn đạt được mọi mục tiêu trong cuộc sống.
5. Việc học hành có nhẹ nhàng hay không là tùy thuộc vào cá nhân người muốn học. Bạn muốn học cách đạt được mọi thành tựu trong cuộc sống phải không? Đây chính là thời điểm thích hợp để học hỏi và tìm hiểu những khái niệm có thể giúp bạn học cách đạt được mục tiêu của mình. Đừng đọc qua loa những dòng chữ được viết trong sách này mà hãy tìm hiểu và vận dụng các nguyên tắc thành công trong đó. Hãy hành động.
HÃY LÀM NGAY!