S
inh lực của bạn hôm nay như thế nào? Bạn có thức dậy và háo hức với ngày mới cùng những công việc thú vị hay không? Bạn có đẩy ghế đứng dậy sau buổi ăn sáng với cảm giác nôn nóng được làm việc hay không? Và bạn có bắt tay vào việc với một thái độ nhiệt tình hay không?
Không ư? Nếu vậy thì có lẽ bạn đang thiếu sức sống đấy. Có lẽ bạn đã cảm thấy mệt mỏi trước khi ngày mới bắt đầu, và có thể bạn đang làm việc mà không cảm nhận được niềm vui trong đó.
Hãy làm điều gì đó để thay đổi trạng thái này!
Vernon Wolfe, một trong những huấn luyện viên nổi tiếng nhất nước Mỹ. Dưới sự huấn luyện của ông, một số học sinh trung học đã phá kỷ lục điền kinh quốc gia ở cấp trung học.
Ông đã huấn luyện những ngôi sao điền kinh này như thế nào? Wolfe đã sử dụng một công thức kép. Ông dạy họ cách kiểm soát cả tinh thần lẫn thể xác của mình.
Vernon Wolfe nói: “Nếu có niềm tin thì các bạn đều có thể thành công. Chính suy nghĩ sẽ kiểm soát vấn đề”.
Bạn sở hữu hai dạng năng lượng. Một là năng lượng cơ thể, hai là năng lượng tinh thần hay tâm linh. Rõ ràng năng lượng tinh thần quan trọng hơn hẳn so với năng lượng cơ thể. Bởi lẽ tiềm thức con người có thể thu hút một nguồn năng lượng và sức mạnh to lớn trong những thời điểm cần thiết.
Bạn hãy nhớ lại những nhân vật trong các câu chuyện đã đọc. Họ đã thực hiện những điều phi thường, thể hiện sức mạnh và khả năng chịu đựng của con người trong những tình huống hết sức cam go. Một tai nạn ô tô xảy ra và người chồng bị đè chặt dưới chiếc xe đã bị lật úp. Trong khoảnh khắc sợ hãi mang tính quyết định ấy, người vợ nhỏ bé và yếu đuối của anh ấy đã nâng cả chiếc xe lên để cứu anh! Hoặc có lẽ bạn cũng từng một lần nhìn thấy một người bệnh tâm thần nâng, uốn cong và phá vỡ đồ đạc bằng một sức mạnh mà bình thường họ không bao giờ có thể làm được.
Trong loạt bài viết cho tạp chí Sports Illustrated, Tiến sĩ Roger Bannister đã kể lại cách ông phá vỡ kỷ lục chạy bốn phút/dặm vào ngày 6 tháng 5 năm 1954. Ông đã tập luyện cho cả tinh thần lẫn cơ bắp của mình để hoàn thành giấc mơ mà ông đã ấp ủ từ lâu. Trong suốt nhiều tháng liền, ông đã buộc tiềm thức phải tin rằng việc phá vỡ kỷ lục, điều được nhiều người cho là bất khả thi, là một mục tiêu có thể đạt được. Một số người còn nghĩ rằng cột mốc bốn phút/dặm là rào cản không thể vượt qua. Nhưng Bannister lại cho rằng mục tiêu đó là một cánh cổng đặc biệt, nếu mở được cánh cổng ấy thì ông sẽ mở ra con đường dẫn đến nhiều kỷ lục mới cho chính mình và cho nhiều vận động viên điền kinh khác.
Và tất nhiên là ông đã đúng. Roger Bannister chính là người tiên phong trong việc phá kỷ lục chạy một dặm. Trong thời gian chưa đầy bốn năm sau khi ông lập kỷ lục chạy bốn phút/dặm, kỳ tích này đã được ông và một số vận động viên khác lặp lại đến 46 lần! Trong cuộc đua diễn ra ở Dublin, Ai-len vào ngày 6 tháng 8 năm 1958, có năm vận động viên đã chạy một dặm với thời gian chưa đầy bốn phút!
Người đã dạy cho Roger Bannister bí quyết thành công đó là Tiến sĩ Thomas Kirk Cureton, giám đốc phòng thí nghiệm giáo dục thể chất thuộc Đại học Illinois. Tiến sĩ Cureton đã phát triển những ý tưởng mang tính cách mạng liên quan đến mức năng lượng đối với cơ thể của con người. Ông nói rằng những ý tưởng đó có thể áp dụng cho cả vận động viên lẫn người bình thường. Chúng có thể giúp cho một vận động viên chạy nhanh hơn và gia tăng tuổi thọ trung bình của con người.
Tiến sĩ Cureton nói: “Chẳng có lý do gì mà con người không thể khỏe mạnh như năm họ 20 tuổi lúc đã 50 tuổi – với điều kiện anh ta biết cách rèn luyện cơ thể”.
Hệ thống huấn luyện của Tiến sĩ Cureton dựa trên hai nguyên tắc chính: (1) huấn luyện toàn bộ cơ thể (2) thử thách bản thân với ngưỡng chịu đựng để mở rộng giới hạn của con người thông qua từng bài luyện tập.
Ông nói: “Nghệ thuật phá kỷ lục là khả năng tận dụng nhiều hơn những gì mình có. Bạn buộc bản thân mình phải rèn luyện mỗi ngày một nhiều và chỉ nghỉ ngơi trong những quãng thời gian ngắn mà thôi”.
Tiến sĩ Cureton bắt đầu quen với Roger Bannister khi đang tiến hành một số bài thí nghiệm thể chất đối với các ngôi sao điền kinh châu Âu. Ông nhận thấy các chỉ số hình thể của Bannister rất tuyệt vời xét trên một số phương diện. Ví dụ, tim của Bannister lớn hơn 25% so với người bình thường, nếu xét đến sự tương quan với kích thước cơ thể. Tuy nhiên, hình thể của Bannister lại không phát triển hoàn thiện được như một người trung bình. Bannister đã lắng nghe lời khuyên của Cureton để phát triển toàn bộ cơ thể của mình. Ông đã học cách kiểm soát đầu óc bằng cách tập leo núi. Chính quá trình rèn luyện này đã dạy ông cách khắc phục khó khăn.
Một điều quan trọng không kém là Bannister đã biết chia nhỏ những mục tiêu lớn của mình. Roger Bannister lập luận rằng con người có thể chạy từng 1⁄4 dặm nhanh hơn so với 4 lần chạy 1⁄4 dặm. Chính vì lẽ đó, ông đã tập trung suy nghĩ vào 4 lần 1⁄4 dặm một cách riêng biệt. Trong quá trình tập luyện, ông đã chạy từng quãng đường 1⁄4 dặm và cứ thế lặp lại cho đến khi hết đường chạy. Sau đó, ông sẽ lại tiếp tục chạy một vòng khác. Trong mỗi lần chạy như vậy, ông thường đặt mục tiêu cho mình là 58 giây hoặc dưới 58 giây. 58 nhân 4 bằng 232 giây, tương đương 3 phút 52 giây. Ông miệt mài tập cho đến khi nào kiệt sức mới thôi. Chỉ khi đó thì ông mới chịu nghỉ ngơi. Cứ mỗi lần như vậy, thời điểm kiệt sức lại được kéo xa hơn. Cuối cùng, khi tham gia cuộc đua lớn, ông đã chạy một dặm với thời gian chỉ 3 phút 59,6 giây!
Tiến sĩ Cureton dạy Roger Bannister rằng “cơ thể càng chịu đựng lâu bao nhiêu thì nó lại càng quen với hoàn cảnh đó bấy nhiêu”. Ông nói rằng những nhận xét như “tập luyện quá sức” hay “kiệt lực” chỉ là chuyện hoang đường.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nghỉ ngơi là một yếu tố hết sức cần thiết trong tập luyện và vận động. Cơ thể cần tái tạo lại những thành phần đã mất đi trong quá trình tập luyện, với số lượng có thể còn nhiều hơn trước. Đó chính là quá trình phát triển của sức mạnh, sinh khí và năng lượng của con người. Cơ thể và tinh thần đều tự nạp lại năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu không tạo cơ hội để nghỉ ngơi và thư giãn, cơ thể sẽ phải đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng – và thậm chí là cả cái chết.
Đây có phải lúc nạp lại năng lượng cho bạn hay không? Chẳng vinh quang gì khi được trở thành người giàu nhất trong... nghĩa địa. Bạn hẳn không muốn trở thành nhà khoa học, bác sĩ, giám đốc điều hành, người bán hàng, hay ông chủ vĩ đại đang nằm yên nghỉ ngàn thu dưới tấm bia mộ sang trọng nhất trong nghĩa địa. Mẹ, vợ, cha, con trai hay con gái yêu của bạn đều có thể mang lại hạnh phúc cho bạn. Vậy tại sao bạn lại mang đến nỗi đau buồn cho họ? Tại sao bạn lại tự giam mình trong viện an dưỡng hay nằm bất động dưới mặt đất, bên trên là một lớp cỏ xanh tuyệt đẹp – đơn giản chỉ vì nguồn năng lượng của bạn đã bị bòn rút một cách vô ích và không được nạp lại đầy đủ.
Khi năng lượng của bạn ở mức thấp, sức khỏe và những phẩm chất tích cực của bạn sẽ bị khuất phục bởi sự tiêu cực. Giống như một viên pin, các bạn sẽ chết đi khi mức năng lượng của bạn bằng 0. Vậy đâu là giải pháp cho tình huống này?
Hãy nạp lại năng lượng cho mình!
Bằng cách nào?
Thư giãn, vui chơi, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc!
Phải nói như thế nào khi bạn cần được nạp lại năng lượng? Bạn cần kiểm tra những điều sau đây để biết được đâu là mức năng lượng hiện tại của bạn. Bạn có thể xem lại những điều này bất kỳ khi nào cảm thấy mức năng lượng của mình đang giảm sút. Nếu sống điều độ, bạn chỉ cần nạp lại năng lượng mỗi khi bạn cảm thấy:
Ngủ không đủ giấc hay mệt mỏi
Cư xử thiếu thân mật, hay tỏ ra nghi ngờ
Hay càu nhàu, xúc phạm, có thái độ thù địch
Cáu kỉnh, chỉ trích, keo kiệt Lo lắng, dễ bị kích động, cuồng loạn
Tức giận, sợ hãi, đố kỵ Vội vã, nhẫn tâm, ích kỷ thái quá
Nhạy cảm thái quá, suy nhược hay thất vọng
Thái độ tích cực đòi hỏi một mức năng lượng cao – và ngược lại! Khi mệt mỏi, những cảm xúc, suy nghĩ, cảm nhận và hành động vốn tích cực của bạn thường có khuynh hướng chuyển sang tiêu cực. Khi bạn nghỉ ngơi đầy đủ và có sức khỏe tốt thì khuynh hướng này sẽ lại chuyển thành tích cực. Sự mệt mỏi thường làm bộc lộ những điểm tiêu cực nhất của bạn. Ngược lại, khi cơ thể được nạp đầy đủ mức năng lượng cần thiết, bạn sẽ thể hiện được những gì tốt nhất của mình! Đó chính là khi các bạn suy nghĩ và hành động với thái độ tích cực!
Nếu cảm xúc và hành động cho thấy những phẩm chất tốt nhất đang bị các yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng, thì đây chính là lúc các bạn cần nạp lại năng lượng cho mình!
Vâng, để duy trì mức năng lượng thể chất và tinh thần, các bạn cần phải tập luyện cho cả thể xác lẫn tâm hồn bạn. Ngoài ra, cần lưu ý nạp năng lượng đúng cách. Các bạn duy trì sức khỏe của mình bằng những loại thức ăn bổ dưỡng. Bên cạnh đó, các bạn còn phải làm đẹp cho tâm hồn bằng những loại “vitamin” hữu ích có trong các cuốn sách.
Vitamin – yếu tố cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh và một tâm hồn đẹp! Tiến sĩ George Scarseth, cựu Giám đốc Nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Nông nghiệp Mỹ ở Lafayette, Indiana, đã kể một câu chuyện về ngôi làng nọ nằm bên bờ biển châu Phi. Ngôi làng này tiến bộ hơn nhiều so với cộng đồng dân cư của các bộ lạc khác trong vùng. Tại sao? Vì dân làng ở đây mạnh khỏe hơn và cũng tỉnh táo hơn – họ có mức năng lượng cơ thể cao hơn so với dân làng ở các bộ lạc khác. Sự khác biệt giữa dân làng sống cạnh bờ biển và những dân làng khác sống trong vùng là do chế độ ăn uống khác nhau. Các bộ tộc lân cận không ăn đủ lượng protein cần thiết, trong khi dân làng sống cạnh bờ biển thì lại hấp thụ đủ mức protein nhờ ăn nhiều cá.
Trong cuốn sách Khí Hậu Tạo Con Người (Climate Makes the Man), Clarence Mills viết rằng chính phủ Mỹ phát hiện ra một số cộng đồng dân cư sống ở Eo biển Panama có khả năng hoạt động tinh thần và thể chất vô cùng chậm chạp. Một nghiên cứu khoa học sau đó cho thấy cây trồng và động vật ở đây, vốn cũng là nguồn cung cấp thức ăn cho họ, bị thiếu vitamin B. Khi vitamin B được bổ sung vào khẩu phần ăn của họ thì những con người này đã trở nên năng động và tích cực hơn trước.
Nếu nghi ngờ chế độ ăn uống của mình bị thiếu một số vitamin hay khoáng chất cần thiết khiến cho mức năng lượng bị suy giảm, bạn nên tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng, một cẩm nang dạy nấu ăn hay những cuốn sách chỉ dẫn chế độ ăn uống hợp lý. Bạn cũng có thể đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Tương tự như cơ thể, tiềm thức của các bạn sẽ đón nhận và hấp thu những loại “vitamin tinh thần” cần thiết. Tuy nhiên, không giống như cơ thể, tiềm thức chúng ta có thể tiêu hóa và giữ lại một lượng không giới hạn những dưỡng chất này. Tiềm thức không bao giờ bị đầy như dạ dày của chúng ta! Tiềm thức tiếp nhận và giữ lại tất cả những gì được các bạn cung cấp – và quá trình này cứ thế tiếp diễn mãi mãi!
Các bạn có thể tìm thấy những loại “vitamin tinh thần” này ở đâu? Câu trả lời là trong những cuốn sách được giới thiệu ở Chương 22 “Sức mạnh kỳ diệu của những cuốn sách”.
Quả vậy, tiềm thức con người giống như một viên pin. Các bạn có thể nhìn thấy sự dâng trào mạnh mẽ của nguồn năng lượng tinh thần trong đó. Đây là nguồn năng lượng sẽ tự biến đổi thành sinh khí cho cơ thể chúng ta. Những “đợt sóng” năng lượng này sẽ bị lãng phí nếu chúng ta làm “đoản mạch” viên pin bằng những cảm xúc tiêu cực không cần thiết. Tuy nhiên, nếu được sử dụng đúng cách thì sức mạnh của nguồn năng lượng này sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Tổng biên tập quá cố, William C. Lengel, người rất nổi tiếng trong ngành xuất bản sách, đã minh họa quan điểm này một cách rõ nét thông qua một bài viết cho tạp chí Success Unlimited. Lengel đã mô tả sự phung phí năng lượng vì những thái độ không cần thiết như “lo lắng, căm ghét, sợ hãi, nghi ngờ, giận dữ và hận thù”.
Ông nói: “Tất cả những yếu tố lãng phí này đều có thể dễ dàng chuyển đổi thành năng lượng”.
Để minh họa, Lengel đã vẽ một bức tranh mô tả nhà máy điện như sau: “... những miệng hố khồng lồ đang mở toang, những ngọn lửa cháy đỏ rực trong đó, mực nước trong máy đo áp lực nhấp nhô ở nhiệt độ thích hợp, hơi nước đẩy pít- tông làm quay những chiếc máy phát điện lớn, những thiết bị chuyển mạch bằng đồng mạ vàng quay rất nhanh đến mức mọi người tưởng chúng không chuyển động, những tia lửa xanh lục và xanh dương lập lòe bên dưới chổi quét, những sợi cáp dày móc vào bảng cầu dao mang dòng điện truyền đi khắp thành phố với hàng ngàn mục đích sử dụng hữu ích khác nhau”.
Lengel tiếp tục. “Nhưng cũng nhà máy điện đó, với nồi đun đó, động cơ đó và máy phát điện đó. Sự khác biệt duy nhất là bảng cầu dao sẫm màu và những sợi cáp nặng, thay vì được móc vào bảng cầu dao, lại được móc vào một thùng nước bên dưới trong khi các công nhân tiến hành thử nghiệm thiết bị. Hệ quả là tất cả năng lượng sinh ra đều bị lãng phí. Không một máy nâng nào có thể vận hành, không một cỗ máy nào có thể hoạt động, và không một bóng đèn nào có thể được thắp sáng”.
Và Lengel kết luận: “Nguồn năng lượng được kẻ thất bại sử dụng cho công việc chẳng đi đến đâu của mình cũng tương đương với nguồn năng lượng được người thành công sử dụng cho mục đích vươn đến thành công”.
Tommy Bolt, nhà vô địch đánh gôn, đã từng lãng phí năng lượng của mình như thế. Nếu đánh hỏng một quả hay đánh trượt bóng ra khỏi đồi cỏ, ông thường bỏ đi trong sự tức giận. Ông thường xuyên nổi giận đến mức ném cả chiếc gậy đánh gôn của mình vào một gốc cây gần đó.
Khi đọc lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh Francis thành Assisi, ông đã thay đổi thành một người biết sử dụng năng lượng của mình cho những hành động có ích. Lời cầu nguyện đã giúp Tommy tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. Kể từ đó, ông luôn mang theo trong túi tấm thẻ có ghi một đoạn trích trong lời cầu nguyện. Đoạn trích đó như sau:
Chúa ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều con không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều con có thể, và trí thông minh để hiểu rõ sự khác biệt.
Con người có thể kiểm soát cảm xúc của mình nhờ vào các chức năng của nhận thức. Những tác nhân bên ngoài không thể bắt con người làm như thế. Chỉ con người mới có thể thay đổi những thói quen phản ứng của cảm xúc. Càng sống có văn hóa, hiện đại và văn minh bao nhiêu thì các bạn càng dễ dàng kiểm soát cảm xúc lẫn cảm giác của mình bấy nhiêu – nếu thực sự bạn chọn như vậy.
Chẳng hạn, sợ hãi là một cảm xúc có lợi trong một số tình huống nhất định. Nếu không sợ nước thì có lẽ rất nhiều trẻ em đã bị chết đuối. Tuy nhiên, việc các bạn lãng phí năng lượng tinh thần của mình vào những cảm xúc bị định hướng sai là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu quả thực như vậy thì các bạn vẫn có thể tái định hướng nguồn năng lượng tinh thần của mình sao cho hợp lý. Bằng cách nào? Bằng cách luôn nghĩ đến những gì bạn muốn làm và loại bỏ ra khỏi đầu óc những gì bạn không muốn. Cảm xúc phụ thuộc tức thời vào hành động. Do đó, các bạn hãy bắt tay vào hành động. Hãy thay thế cảm xúc tiêu cực bằng cảm xúc tích cực.
Ví dụ, nếu cảm thấy sợ hãi và muốn trở nên can đảm thì các bạn hãy hành động một cách can đảm! Nếu muốn mạnh mẽ thì hãy hành động một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bạn phải bảo đảm rằng nguồn năng lượng của mình đang được sử dụng vì một mục đích tốt đẹp và có ích.
Dawn Fraser ở Úc có thể được xem là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Lớn lên trong một khu dân cư nghèo ở Balmain, vùng ngoại ô ven bờ biển ở Sydney, Dawn có một thể hình xanh xao vì thiếu máu. Tuy nhiên, cô lại ấp ủ lòng quyết tâm phi thường để trở thành một nhà vô địch bơi lội vĩ đại. Cô là một người tốt, nhưng đôi khi, cô lại không đủ tốt để tự làm hài lòng chính mình.
Trên đường trở về nhà từ Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung thuộc Anh ở Cardiff, Anh Quốc, cô đã đọc một cuốn sách đặc biệt. Đó chính là Cách Nghĩ để Thành Công.
“Tôi nhận thấy những công thức thành công của Napoleon Hill rất thú vị”, cô nói. “Tôi bắt đầu nghĩ đến thất bại của đội chúng tôi trước những cô gái Anh trong nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp, trong khi ở phần bơi tự do, tôi bơi 60,6 giây. Thành tích này nhanh hơn kỷ lục thế giới của tôi đến 6/10 giây, nhưng vẫn chưa đủ để mang lại khoảng cách 11 mét lúc bắt đầu mà chúng tôi cần.
“Tôi tự hỏi rằng liệu mình đã thể hiện tất cả năng lực hay chưa trong vòng bơi cuối cùng ấy”.
Dawn Fraser bắt đầu suy nghĩ về giấc mơ mà cô đã ấp ủ từ lâu – trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi 100 mét trong thời gian dưới 60 giây. “Đó là Một Phút Thần Kỳ”, cô nhớ lại.
“Nếu tôi có thể thực hiện vòng bơi cuối trong một phút thần kỳ, chúng tôi hẳn đã chiến thắng!”, cô nghĩ.
“Từ khoảnh khắc đó, niềm hy vọng bấy lâu về việc phá vỡ kỷ lục một phút đã trở thành khát vọng cháy bỏng trong tôi. Tôi xem đó là mục tiêu của mình và lập ra một kế hoạch cụ thể gồm những hành động tích cực. Như Napoleon Hill đã khuyên, tôi quyết định nỗ lực hơn nữa – cả về tinh thần lẫn thể chất”, Fraser nói.
Bên cạnh việc rèn luyện cơ thể, Fraser còn tập kiểm soát tinh thần của mình. Cô đã phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác cho đến khi đạt được mục tiêu của mình. Theo Thomas H. Wyngard, một nhà báo người Úc thì các huấn luyện viên điền kinh trên toàn nước Úc bắt đầu bị thu hút trước những lời dạy của Napoleon Hill.
Wyngard nói: “Trong quá trình tìm kiếm những biện pháp giúp các nhà vô địch của mình nỗ lực thêm nữa so với chương trình huấn luyện khoa học truyền thống, các huấn luyện viên hàng đầu đã tìm ra nguồn cảm hứng mới mẻ từ những học thuyết của vị ‘chuyên gia vĩ đại’ người Mỹ. Về cơ bản thì họ đã vận dụng kỹ thuật huấn luyện tinh thần của Napoleon Hill cho những vấn đề thuộc về thể chất. Một số người đã tham gia khóa học Thái độ tích cực - Khoa học của thành công để biết được cách vận dụng những nguyên tắc này sao cho thích hợp”.
Đây có phải là lúc nạp lại năng lượng cho bạn hay không? Bạn đã bắt đầu vận dụng những nguyên tắc được giới thiệu trong cuốn sách này hay chưa? Bạn đã sẵn sàng để trở thành một nhà vô địch? Nếu đã sẵn sàng thì hẳn các bạn sẽ muốn học cách tận hưởng một sức khỏe tốt và sống thọ hơn – mời bạn bước sang chương tiếp theo.
Định hướng số 16
Ý TƯỞNG THỰC HÀNH
1. Nguồn sinh lực hiện tại của bạn như thế nào?
2. Nguồn năng lượng cơ thể, tinh thần và tâm hồn quan trọng nhất của bạn là gì?
3. Làm thế nào các bạn có thể vận dụng các nguyên tắc mà Tiến sĩ Thomas Kirk Cureton đã dạy cho Roger Bannister để có thêm năng lượng nhằm đạt được những mục tiêu của mình?
4. Bạn có liên tục gia tăng ngưỡng chịu đựng của mình – rồi sau đó nghỉ ngơi và thử lại hay không?
5. Đây có phải là lúc nạp lại năng lượng cho bạn hay chưa?
6. Làm thế nào các bạn có thể tránh được hay xua tan sự mệt mỏi?
7. Bữa ăn của bạn có dựa trên một chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý không?
8. Các bạn có tích lũy đủ lượng vitamin tinh thần mỗi ngày bằng cách đọc sách hay nghe băng đĩa không?
9. Nguồn năng lượng của các bạn đang được sử dụng một cách hữu ích phải không? Hay nó đang bị “đoản mạch” và phung phí?
10. “Nguồn năng lượng được kẻ thất bại sử dụng cho những công việc chẳng đi đến đâu cũng tương đương với nguồn năng lượng được người thành công sử dụng cho mục đích vươn đến thành công.”
11. “Chúa ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều con không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều con có thể, và trí thông minh để hiểu rõ sự khác biệt.”
12. Khi nào thì cảm giác sợ hãi có ích? Và khi nào thì không?
13. Để trở nên mạnh mẽ, hãy hành động một cách mạnh mẽ!
HÃY GIA TĂNG NGUỒN SINH LỰC BẰNG THÁI ĐỘ TÍCH CỰC!