C
ác bạn có cảm giác tội lỗi ư? Điều đó tốt đấy!
Nhưng hãy tìm cách xua tan cảm giác đó.
Cảm giác tội lỗi là một cảm giác tích cực. Bất kỳ người nào dù tốt hay xấu, tất cả đều ít nhất một lần mang trong người cảm giác tội lỗi. Cảm giác này là kết quả của một “giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh” đang nhắn gửi đến bạn. Và lương tâm của bạn chính là “giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh” ấy.
Nào, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về điều này: điều gì sẽ xảy ra nếu con người không mang cảm giác tội lỗi sau một hành động sai trái mà họ vừa gây ra? Người nào không có cảm giác tội lỗi sau một hành động sai trái thường là người không thể phân biệt giữa đúng và sai – hoặc giả họ không được dạy cách phân biệt chúng.
Rất nhiều cảm giác tội lỗi mang tính kế thừa. Còn những cảm giác khác có được thông qua trải nghiệm sống.
Chúng ta biết rằng xung đột nội tâm thường diễn ra khi những cảm xúc và niềm đam mê được kế thừa bị điều chỉnh bởi xã hội nơi người đó sinh sống. Ngoài ra, người sống trong môi trường này thường tuân theo một chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác so với người sống trong môi trường kia. Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, khi một người đã được dạy các nguyên tắc đạo đức cụ thể nhưng anh ta lại vi phạm thì anh ta hẳn sẽ có cảm giác tội lỗi.
Chúng tôi xin lặp lại ở đây rằng: cảm giác tội lỗi không hẳn là cảm giác xấu: cảm giác ấy thậm chí còn khuyến khích những người sống có đạo đức nhất biết suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực hơn.
Trước đây từng có một người đàn ông khác cũng đã mang cảm giác tội lỗi vì những gì ông tin tưởng lại trở thành việc làm xấu trong cuộc đời mình. Sự hối hận đã tạo động lực để ông thực hiện những việc làm có ích. Khi ở trong tù, ông đã dành phần lớn thời gian của mình để viết sách. Cuốn sách của ông được xem là một tác phẩm kinh điển dạy cho con người những tính cách cao thượng và vẻ đẹp của cuộc sống. Tên ông ấy là John Bunyan(*).
(*) John Bunyan (1628 – 1688): Nhà thuyết giáo, nhà văn Thiên Chúa giáo người Anh, nổi tiếng với tác phẩm The Pilgrim’s Progress.
Tiếp theo là kẻ tội lỗi mà chúng tôi đã nhắc đến trong Chương 15, người đã quyên góp nửa triệu đô-la cho tổ chức Chicago Boys Clubs và thêm một triệu đô-la nữa cho nhà thờ. Ông đã làm điều đó như để chuộc lại lỗi lầm của mình.
Ông quyên tiền để giúp các thiếu niên không đi vào vết xe đổ mà ông đã từng đi qua.
Ngay cả một nhà hảo tâm như Tiến sĩ Albert Schweitzer cũng được cảm giác tội lỗi tạo động lực phấn đấu. Ông mang cảm giác tội lỗi khi nhận thấy mình sống thiếu trách nhiệm với những người xung quanh. Chính vì ông có thể nhưng lại không làm những điều có ích cho mọi người nên cảm giác tội lỗi đã kích thích ông bắt đầu nhiệm vụ táo bạo của mình.
Nào, giờ thì các bạn có thấy rằng cảm giác tội lỗi với thái độ tích cực là tốt hay không? Nhưng ngoài điều này ra thì còn có cảm giác tội lỗi với thái độ tiêu cực. Tất nhiên cảm giác ấy là không tốt.
Không phải bất kỳ cảm giác tội lỗi nào cũng mang lại những kết quả có lợi. Khi con người mang cảm giác tội lỗi và không xua tan nó bằng thái độ tích cực thì những kết quả xấu sẽ xảy đến.
Triết gia vĩ đại Sigmund Freud đã nói: “Công trình nghiên cứu của chúng ta càng tiến triển, sự hiểu biết của chúng ta đối với đời sống tinh thần của những người loạn thần kinh càng tăng lên thì hai yếu tố này mới đòi hỏi chúng ta phải chú ý và xem đó như nguồn gốc của sự chống đối càng trở nên rõ ràng hơn... Cả hai đều có thể được xem là ‘nhu cầu được ốm’ hay ‘nhu cầu được đau khổ’... Yếu tố đầu tiên trong hai yếu tố này là cảm giác tội lỗi hay nhận thức tội lỗi...”.
Cảm giác tội lỗi khiến con người tự hủy hoại cuộc sống của mình, làm tổn thương cơ thể, gây hại cho bản thân dưới nhiều hình thức khác nhau. May thay, giờ thì những binh pháp trị thiên hạ như vậy hiếm khi được áp dụng. Và chúng cũng không được phép áp dụng ở những đất nước văn minh. Tuy vậy, những “bản sao” của chúng vẫn có thể được tìm thấy ở một số nơi. Lý do chính là nhận thức không mang cảm giác tội lỗi, nhưng tiềm thức thì lại có.
Và tiềm thức thì không bao giờ quên.
Tiềm thức có thể sử dụng sức mạnh của nó hiệu quả không kém gì nhận thức. Tiềm thức sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu của những ai không chịu xua tan cảm giác tội lỗi của mình bằng thái độ tích cực. Tiềm thức không những khiến họ phát ốm mà còn khiến họ đau khổ.
Cảm giác tội lỗi có thể dạy bạn cách quan tâm đến người khác. Quan tâm người khác là một trong những phẩm chất mà tất cả chúng ta nên có. Một đứa bé sơ sinh không quan tâm đến sự thoải mái và dễ chịu của bất kỳ ai khác. Bé chỉ muốn có những gì mình muốn. Vì vậy, trong giai đoạn này đứa bé bắt đầu học hỏi từng chút một. Bé biết rằng mọi người xung quanh cũng đang tồn tại, và nếu xét trên góc độ nào đó, đôi khi bé cũng phải quan tâm đến họ phần nào. Tuy nhiên, sự ích kỷ lại là bản tính của con người. Tính ích kỷ chỉ giảm đi phần nào trong mỗi chúng ta thông qua quá trình phát triển. Khi đủ chín chắn để hiểu rằng tính cách ấy không tốt thì chúng ta mới mang cảm giác tội lỗi vì những hành động ích kỷ của mình. Chúng ta có thể lựa chọn giữa việc chiều theo ý muốn của mình hay chiều theo ý muốn của người khác.
Đứa cháu trai 6 tuổi của Thomas Gunn đã đến nhà để thăm ông ở Cleveland, Ohio. Cậu bé thường chạy ra góc phố mỗi tối để đón ông đi làm về. Điều này khiến người ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mỗi khi cậu bé nhìn thấy ông, ông đều tặng cho cậu một túi kẹo nhỏ.
Một hôm, cậu bé chạy đến góc đường và chào đón ông với vẻ phấn khởi. Vừa gặp ông, cậu đã dò hỏi: “Kẹo của cháu đâu?”. Người ông liền cố che giấu cảm xúc thật của mình. Ông ngập ngừng nói: “Có phải cháu đến đón ông vào mỗi tối chỉ vì túi kẹo không?”. Nói xong, ông lôi túi kẹo trong túi áo ra và trao cho cậu bé. Hai ông cháu không nói thêm điều gì khi họ cùng rảo bước về nhà. Cậu bé cảm thấy bị tổn thương. Cậu cảm thấy không vui. Và cậu cũng không thể ăn kẹo. Những viên kẹo trong túi dường như không còn ngon lành như trước nữa. Cậu đã làm tổn thương một người mà cậu vô cùng yêu mến.
Đêm hôm đó, cậu bé 6 tuổi và người ông của mình cùng quỳ gối và cầu nguyện. Về phần mình, cậu bé đã cầu nguyện thêm điều sau: “Hỡi Chúa nhân từ, xin Người giúp cho ông của cháu biết rằng cháu rất yêu ông”.
Tâm trạng buồn bã và cảm giác ăn năn của cậu bé trước những gì mình đã làm là một điều tốt. Tại sao? Vì chúng buộc cậu phải hành động để xua tan cảm giác tội lỗi và sửa đổi những gì mình đã làm với người ông.
Để xua tan cảm giác tội lỗi, bạn phải biết sửa đổi. Cảm giác tội lỗi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng một cảm giác tội lỗi luôn đi kèm với cảm giác “mắc nợ”... đó là một cảm giác cần được xua tan.
Điều này được minh họa rõ nét qua câu chuyện của vị bác sĩ trẻ trong tiểu thuyết của Lloyd C. Douglas, The Magnificent Obsession. Trong câu chuyện đó, các bạn sẽ thấy một chàng thanh niên vốn là người hùng lại cảm thấy mình đang nợ cả thế giới, bởi lẽ sinh mạng của anh đã được cứu nhờ vào sinh mạng của một bác sĩ phẫu thuật não.
Nhưng chính cảm giác mắc nợ này đã khiến chàng thanh niên kia trở thành một chuyên gia về não có năng lực tương đương với vị bác sĩ đã đánh đổi sinh mạng cho anh. Nhờ cảm giác tội lỗi mà anh đã trở thành một người sống rất có ích.
Mỗi câu chuyện được kể đều là chuyện đời của một ai đó. Trên các tờ báo bạn đọc mỗi ngày, các bạn sẽ thấy rất nhiều câu chuyện như vậy: chẳng hạn như câu chuyện của Jim Vaus, một người từng được cứu sống do đã đáp lại một quyết định không thể lay chuyển, đó là xua tan cảm giác tội lỗi. Tất cả đều nhờ ông đã bắt tay vào hành động.
Để xua tan cảm giác tội lỗi, bạn hãy bắt tay vào hành động! Đôi khi, con người như bị mắc kẹt trong một loạt các hành động sai trái và họ gần như không thể thoát ra được. Lý do chính là họ đã từ bỏ mọi nỗ lực của mình. Họ ngày càng lún sâu hơn vào những hành động đó và chỉ khi một “sự kiện chấn động” xảy ra thì họ mới tìm được lối thoát. Đó chính là trường hợp của Jim Vaus.
Jim Vaus là người đã nợ sinh mạng của mình đối với quyết định rằng “Tôi sẽ”. Tuy nhiên, quyết định này của ông lại được đưa ra khá muộn màng. Trong suốt nhiều năm liền, ông đã thường xuyên tỏ thái độ chống đối với Các Điều Răn của Chúa. Ông hầu như vi phạm hết điều răn này đến điều răn khác. Lần đầu, ông vi phạm điều răn: “Ngươi không nên ăn cắp” khi còn là một sinh viên đại học. Một hôm, ông đã đánh cắp 92,74 đô-la; ông đi đến sân bay, mua vé và bay thẳng đến Florida. Một thời gian ngắn sau, ông lại gia nhập một băng cướp có vũ trang và cướp bóc tài sản của người khác. Ông đã bị bắt và ở tù. Không bao lâu sau, ông được hưởng chính sách ân xá và gia nhập quân đội Mỹ; tuy nhiên, ngay trong thời gian tại ngũ Jim lại tiếp tục dính vào rắc rối. Tòa án quân sự đã tuyên án ông: “... sử dụng tài sản chính phủ vào mục đích riêng...”.
Và mọi việc cứ thế tiến triển. Sự nghiệp của Jim Vaus ngày càng xuống dốc. Càng lún sâu vào sai lầm bao nhiêu thì ông lại càng mang cảm giác tội lỗi nhiều bấy nhiêu. Cảm giác tội lỗi này lại dẫn đến cảm giác tội lỗi khác, và ông luôn tìm cách tự dối gạt mình để che giấu chúng.
Giờ thì Jim không còn ý thức gì về cảm giác tội lỗi nữa – bởi lẽ cảm giác tội lỗi có ý thức trong ông đã chết. Tuy nhiên, tiềm thức của ông thì không như vậy. Cảm giác tội lỗi đã dần tích lũy trong tiềm thức mà Jim không hề hay biết.
Và như trong những câu chuyện các bạn đã đọc trên báo, Jim phải cần đến một “sự kiện chấn động” mới có thể tỉnh thức.
Vaus được giải ngũ; ông kết hôn, dọn nhà đến California và mở một công ty tư vấn điện tử. Một ngày nọ, có người xưng tên là Andy tìm gặp Jim và đưa ra một ý tưởng không tốt, đó là gian lận để giành chiến thắng trong các kỳ đua ngựa bằng một thiết bị điện tử. Chỉ trong vòng vài tuần, Jim đã lún sâu vào tội ác. Ông mua được một chiếc ô tô trị giá 9.000 đô-la, sở hữu một ngôi nhà đẹp ở khu ngoại ô và nhận được vô số việc để làm.
Một hôm, giữa Jim và vợ đã nảy ra một cuộc tranh cãi. Người vợ muốn biết tất cả số tiền này từ đâu ra, trong khi Jim lại không muốn nói. Người vợ bắt đầu khóc. Jim không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy vợ khóc. Bởi lẽ ông rất yêu vợ. Lương tâm của Jim bắt đầu khiến ông cảm thấy khó chịu. Ông muốn làm cho vợ vui nên đã đề nghị chở cô ra biển dạo chơi cho khuây khỏa. Trên đường đi, họ đã bị kẹt xe: hàng trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau cùng chạy vào một bãi đỗ xe.
Alice nói: “Nhìn kìa, Jim. Đó là nhà truyền giáo Billy Graham! Chúng ta hãy đi thôi. Sẽ thú vị lắm đây!”.
Vì muốn làm vui lòng vợ nên Jim đã nghe theo. Nhưng chỉ không lâu sau khi ngồi xuống, ông đã bắt đầu cảm thấy ngột ngạt: dường như Graham đang trò chuyện trực tiếp với ông. Do lương tâm của Jim đang cắn rứt nên ông cảm thấy như thể mình đã là người được chọn làm đối tượng trong câu chuyện của Graham. Trong buổi thuyết giảng, Graham đã hỏi rằng:
“Con người sẽ có lợi gì nếu anh ta giành được cả thế giới này nhưng lại đánh mất linh hồn mình?”.
Sau đó, Graham lại nói:
“Trước đây từng có một người đã nghe hết câu chuyện này. Anh ta là một người có trái tim vô cùng sắt đá. Anh ta rất ngang bướng với niềm kiêu hãnh của mình. Anh ta đã quyết tâm lên đường mà không có một quyết định rõ ràng nào cả. Nhưng đó chính là cơ hội cuối cùng của anh ấy.”
Cơ hội cuối cùng ư? Suy nghĩ này bắt đầu xuất hiện trong tâm trí của Jim. Có lẽ ông đã có một linh cảm nào đó. Hoặc có lẽ ông đã sẵn sàng. Nhà truyền giáo có ý gì đây?
Graham yêu cầu mọi người hãy bước tới một bước. Ông muốn mọi người sử dụng một bước đi để hình tượng hóa cho quyết định của mình. Điều gì đang xảy ra đây, Jim tự hỏi. Tại sao ông lại có cảm giác như thể mình đang khóc? Ông bỗng buột miệng nói rằng: “Mình đi thôi, Alice”. Alice đã bước đến lối đi giữa hai hàng ghế và quay mặt đi như thể cô muốn bước ra khỏi nhà thờ. Jim đi phía sau cô đã nắm lấy tay kéo cô trở lại.
“Không, em yêu”, ông nói. “Lối này...”.
Nhiều năm sau đó, sau khi đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống, Jim tổ chức một buổi diễn thuyết ở Los Angeles. Ông đã kể lại cái ngày mang tính quyết định thay đổi cả cuộc đời của mình, ngày mà ông ”nhận lệnh” phải bay đến St. Louis với nhiệm vụ nghe trộm điện thoại. “Tôi đã không đi St. Louis”, ông nói. “Thay vào đó, tôi tìm thấy sự can đảm để đứng vững trên đôi chân của mình”.
Trong buổi diễn thuyết này, Jim đã kể lại những điều tốt lành mà ông đã được nhận, cũng như cách ông tạ ơn Chúa vì điều đó, cách ông cầu xin sự tha thứ, nỗ lực sửa đổi những hành động sai lầm của mình.
Sau buổi diễn thuyết, một người phụ nữ đến nói với ông thế này: “Thưa ông Vaus, tôi nghĩ ông hẳn sẽ muốn biết điều này. Hôm ông có ý định bay đến St. Louis thì tôi đang làm việc trong văn phòng của ngài thị trưởng. Vào ngày hôm đó, cảnh sát đã gửi một bức điện tín đến cho chúng tôi. Nội dung bức điện nói rằng ông sẽ bị một nhóm tội phạm ở St. Louis hạ sát”.
Công thức xua tan cảm giác tội lỗi. “Cơ hội cuối cùng” của bạn có thể không bi kịch như câu chuyện kể trên. Nhưng trong câu chuyện của Jim Vaus ẩn chứa một bài học sâu sắc. Làm thế nào để Jim có thể xua tan cảm giác tội lỗi của mình? Ông đã làm điều đó bằng cách sống một cuộc sống mẫu mực. Đó là lối sống mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi.
... Trước hết, các bạn phải biết lắng nghe những lời khuyên, những buổi diễn thuyết hay các bài thuyết giảng truyền cảm hứng có thể giúp thay đổi cuộc đời bạn.
... Sau đó, các bạn hãy nhìn lại những điều tốt đẹp mà bạn có. Hãy tỏ rõ sự ăn năn và cầu xin sự tha thứ. Khi nhận ra những điều tốt đẹp của mình, các bạn sẽ dễ dàng bày tỏ sự ăn năn vì những hành động sai trái đã làm. Và phải biết cảm thấy hối tiếc. Từ đó, các bạn sẽ đủ can đảm để cầu xin Chúa tha thứ cho mình.
... Các bạn phải bước lên một bước. Điều này rất quan trọng vì nó cho thấy bạn đang bước đi trên con đường làm thay đổi cuộc sống. Khi Jim bước xuống lối đi giữa hai hàng ghế nhà thờ, ông đã công khai tuyên bố rằng mình rất hối tiếc vì quá khứ đen tối và đang sẵn sàng thay đổi cuộc đời mình.
... Ngoài ra, các bạn phải sửa đổi bằng cách bước thêm nhiều bước nữa: bắt đầu sửa chữa mọi lỗi lầm ngay lập tức.
... Và sau đó là bước quan trọng nhất: Áp dụng Quy tắc Vàng. Điều này sẽ rất dễ dàng. Bởi lẽ mỗi khi có xu hướng làm điều sai trái thì “giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh” ấy sẽ thì thầm bên tai. Nếu nghe thấy giọng nói ấy thì các bạn hãy dừng lại để lắng nghe thật kỹ. Hãy nhìn lại những điều tốt lành của mình. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và sau đó quyết định xem mình sẽ làm gì nếu đứng trên cương vị của họ.
Sau đây là công thức giúp bạn xua tan cảm giác tội lỗi của mình. Nếu gặp khó khăn trước những cám dỗ của cuộc sống, và nếu cảm giác tội lỗi khiến bạn không thể tận dụng sức mạnh của mình để bước đi đúng hướng, thì bạn hãy học hỏi một lối sống không còn mang theo cảm giác tội lỗi nữa. Hãy liên hệ lối sống ấy với cuộc sống của riêng bạn. Hãy vận dụng lối sống ấy cho bản thân. Và hãy tiến bước về phía trước để hướng đến thành công.
Tư Duy Tích Cực Tạo Thành Công khuyến khích các bạn hãy sử dụng sức mạnh của nhận thức và tiềm thức để:
• Tìm ra chân lý.
• Tạo động lực cho bạn để thực hiện những hành động mang tính quyết định.
• Giúp bạn nỗ lực để đạt được những lý tưởng cao đẹp nhất của mình, giữ gìn sức khỏe và trạng thái tinh thần thật tốt.
• Sống có ích.
• Giúp bạn tránh khỏi những nguyên nhân có thể gây ra các tổn thương không cần thiết.
• Giúp bạn bắt đầu từ vị trí hiện tại và đến được nơi mình muốn đến, bất chấp bạn đã và đang như thế nào.
Bất kỳ điều gì gây trở ngại cho bạn trên con đường dẫn đến những thành tựu mơ ước đều có thể được gạt sang một bên. Điều này đặt lên vai bạn một gánh nặng để biết phân biệt giữa đúng và sai, cũng như để biết phân biệt điều xấu điều tốt trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó.
Các bạn đã quen thuộc với các Quy tắc Vàng và các chuẩn mực đạo đức trong xã hội nơi mình đang sống. Việc lựa chọn tiêu chuẩn nào để đưa mình đến với những mục tiêu khao khát hoàn toàn tùy thuộc ở bạn.
“Hiểu rõ mục tiêu là một chuyện, còn hành động để đạt được mục tiêu ấy lại là một chuyện khác”, Giám mục Fulton J. Sheen đã viết như vậy trong cuốn Life Is Worth Living. Hãy lựa chọn những mục tiêu rõ ràng cho mình! Hãy hành động để đạt được chúng! Hãy định hướng suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc, bắt tay vào hành động và làm chủ số phận của mình. Các bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho mình nếu biết kiên trì tìm kiếm. Bằng cách nào? Bằng một công cụ hỗ trợ quan trọng là “nắm bắt cá tính”.
Nắm bắt. Nắm bắt (catch) có hai nghĩa gốc: (1) “bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với môi trường” (thường là phản ứng của tiềm thức); và (2) “chộp và giữ lấy” (hành động của nhận thức).
Một biện pháp hữu hiệu để rèn luyện tính cách là đặt bản thân bạn hay con cái của bạn vào một môi trường giúp phát triển những suy nghĩ, động cơ và thói quen tích cực. Nếu sau một thời gian môi trường được chọn tỏ ra không hiệu quả, các bạn hãy nhanh chóng thay đổi nó.
Nhưng tính cách có thể được rèn luyện. Nếu bố mẹ dành nhiều thời gian hơn để dạy dỗ cho con cái, cả bằng những lời giáo huấn lẫn hành động nêu gương, thì con cái của họ sẽ nắm bắt và học hỏi một phẩm chất cần thiết để thành công.
Điều gì khiến con người phạm sai lầm? E. E. Bauermeister, cựu giáo dục viên của trại cải tạo tù nhân nam California ở Chino, California, nói: “Các thanh thiếu niên trong trại chúng tôi cần được chỉ dẫn để lựa chọn những hành động tốt. Nhưng đáng lẽ bọn trẻ phải nhận được điều này từ gia đình... Khi nói về tình trạng phạm pháp ở độ tuổi vị thành niên, chúng ta nên đổi tên vấn đề này lại thành vấn đề của các bậc làm cha làm mẹ và đặt trách nhiệm về đúng chỗ. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng các bậc cha mẹ mắc phải sai lầm trong việc giáo dục con cái ngày nay. Các bậc phụ huynh cho rằng nghĩa vụ và trách nhiệm đó không thuộc về họ”.
J. Edgar Hoover đã phát biểu như sau: “Các bạn có thể nêu ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tội ác, nhưng thực tế thì tội ác đã phát sinh do sự thiếu vắng của một yếu tố duy nhất: trách nhiệm đạo đức của con người”.
Lý do khiến con người thiếu trách nhiệm đạo đức là vì họ không có cảm giác tội lỗi. Chính vì lẽ đó, họ đã không phát triển tính cách của mình. Lương tâm của họ đã trở nên ngu muội và không thể chỉ dẫn cho họ được nữa. Từ tính cách xấu xa và những việc làm trái đạo lý đó, con cái của họ sẽ không bao giờ có thể học hỏi hay rèn luyện được những tính cách tốt đẹp.
Khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính kia. Thỉnh thoảng, việc quyết định trả lời có hoặc không là điều chẳng dễ dàng chút nào. Bởi lẽ câu hỏi cần giải đáp có thể liên quan đến sự mâu thuẫn giữa các tính cách. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với tình huống này và buộc phải đưa ra quyết định. Họ buộc phải lựa chọn giữa những gì muốn làm và những gì nên làm; hoặc giữa những gì mình muốn và những gì xã hội kỳ vọng ở họ.
Và có khi con người buộc phải lựa chọn giữa một số thứ như là: tình yêu, tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành. Ví dụ: (a) tình yêu và tinh thần trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ mâu thuẫn với tình yêu và tinh thần trách nhiệm trong vai trò làm chồng hoặc làm vợ; (b) lòng trung thành đối với người này mâu thuẫn với lòng trung thành đối với người kia; hoặc (c) lòng trung thành dành cho cá nhân mâu thuẫn với lòng trung thành dành cho tổ chức hay xã hội.
Chúng ta hãy minh họa điều này bằng câu chuyện của một người bán hàng từng làm việc với George Johnson. Họ đã phải đối mặt với sự mâu thuẫn giữa lòng trung thành dành cho cá nhân và lòng trung thành dành cho một cá nhân khác, cũng như dành cho tổ chức.
George Johnson đã huấn luyện, khuyến khích, tạo động lực và hỗ trợ tài chính cho một người bán hàng tên là John Black. George hoàn toàn tin tưởng ở John. Ông thích chàng trai này. Ông trao cho anh ta một cơ hội tốt. Ông để anh ta phục vụ những khách hàng tốt nhất của mình – những khách hàng có quan hệ lâu năm. Hợp đồng làm việc ghi rõ rằng vào thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng, người bán hàng sẽ không phá rối công việc hay can thiệp vào những tổ chức kinh doanh của công ty. Johnson đã tặng Black cuốn Cách Nghĩ để Thành Công. Nhưng John đã không đọc thấy những điều nằm bên dưới những câu chữ trong cuốn sách và đã hành động sai lầm!
Mối bận tâm duy nhất của anh ta là làm sao để trở nên giàu có. Anh ta tin rằng cứu cánh sẽ lý giải cho mọi phương tiện. Chính vì những tiêu chuẩn tiêu cực của mình mà anh ta đã phản ứng lại một cách thái quá bằng thái độ tiêu cực.
“Với tôi, George Johnson giống như một người cha. Tôi xem ông ấy như cha mình”, người bán hàng nói. Nhưng cùng lúc đó, anh ta lại ngấm ngầm lên kế hoạch để chuyển khách hàng và cả lực lượng bán hàng của công ty sang cho một đối thủ cạnh tranh – tất cả chỉ vì tiền.
John được tiếp đón nồng hậu tại nhà của các đồng nghiệp của mình. Họ không hề hay biết về những dự định hay kế hoạch của anh ta. Khi ghé thăm nhà họ, anh ta dựa vào lòng thành thật của từng cá nhân để buộc họ giữ lời hứa và không tiết lộ bí mật. Anh ta thường hỏi: “Các anh có muốn thu nhập của mình tăng lên gấp đôi không? Các anh có muốn cuộc sống của mình sung túc hơn không?”. Câu trả lời tất nhiên sẽ là: “Nghe hay đấy! Việc này như thế nào?”.
Khi đó, Black sẽ đáp: “Tôi không muốn làm đảo lộn cuộc sống của bất kỳ ai. Vì vậy, tôi sẽ chỉ nói nếu anh hứa danh dự với tôi là sẽ không nói với bất kỳ ai. Anh có chịu hứa danh dự không?”.
Và nếu câu trả lời là có, anh ta sẽ dụ dỗ họ tham gia vào tổ chức của đối thủ cạnh tranh. Anh ta xoa dịu nỗi cắn rứt lương tâm của những người này bằng cách đề cập đến những điều gây bất mãn có thật hoặc do anh ta bịa đặt ra ở trong công ty.
Những nhân viên bán hàng khác xem như “đã vào bẫy”. Một mặt, họ đã hứa danh dự với John rằng sẽ không kể chuyện này với bất kỳ ai. Mặt khác, họ biết rằng những gì anh ta đang làm có thể gây tổn hại cho ông chủ của mình. Hơn nữa, họ nợ George Johnson và công ty của mình sự trung thành, một sự trung thành mang tính xung đột lẫn nhau.
Mặc dù vậy, những người bán hàng khác đã đủ can đảm để xóa bỏ những tấm mạng nhện trong suy nghĩ của John. Họ còn chỉ cho anh ta thấy rằng những gì anh ta đang dự tính là không tốt. Khi anh ta vẫn khăng khăng giữ lấy quan điểm thì họ biết phải làm gì: họ kể cho George Johnson nghe toàn bộ sự thật. Họ chọn lựa lòng trung thành đối với ông chủ. Như Abraham Lincoln đã từng nói: Họ chọn lựa “đứng về cái tốt”.
Những người bán hàng này đã thể hiện lòng trung thành của mình khi đưa ra quyết định. Họ cho thấy rằng mình là những người can đảm, thành thật và trung thành. Họ biết cách phân biệt giữa đúng và sai khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính khác.
Có rất nhiều kiểu mâu thuẫn như vậy. Trong cuộc sống, các bạn nhất thiết phải đưa ra quyết định cụ thể khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính kia. Vậy thì quyết định của bạn sẽ như thế nào? Có lẽ lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho các bạn ít nhiều:
Hãy làm những gì lương tâm mách bảo để không phải mang cảm giác tội lỗi. Đó hẳn là những việc làm đúng đắn. Để hỗ trợ bản thân trong việc đưa ra quyết định sáng suốt dưới những hoàn cảnh như vậy, các bạn hãy đọc Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công trong chương sau.
Định hướng số 19
Ý TƯỞNG THỰC HÀNH
1. Bạn có cảm giác tội lỗi ư? Đó là điều tốt! Tiếp theo bạn hãy xua tan cảm giác tội lỗi đó.
2. Để xua tan cảm giác tội lỗi thì hãy sửa đổi.
3. Một công thức có thể giúp bạn xua tan cảm giác tội lỗi là:
(a) Lắng nghe những lời khuyên, buổi thuyết trình, bài thuyết giảng... và liên hệ vận dụng những nguyên tắc bổ ích.
(b) Nhìn lại những điều tốt đẹp của mình và cám ơn cuộc sống vì điều đó.
(c) Thể hiện sự hối tiếc thực sự trước những hành động sai trái của mình. Nhưng bạn cần phải kết hợp với một quyết định cụ thể để chấm dứt các hành động sai trái.
(d) Bước lên một bước về phía trước: chấp nhận cảm giác tội lỗi và bày tỏ ý định sửa sai.
(e) Sửa đổi tất cả những gì các bạn có thể.
(f) Ghi nhớ, hiểu rõ và cố gắng áp dụng Quy tắc Vàng trong cách cư xử đối với người khác.
4. Bất kỳ điều gì gây trở ngại cho bạn trên con đường dẫn đến những thành tựu mơ ước, bạn đều có thể gạt chúng sang một bên.
5. Tính cách có thể rèn luyện.
6. Bạn sẽ làm gì khi hai đức tính mâu thuẫn với nhau?
7. Bạn cần phân biệt giữa đúng và sai, xấu và tốt trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó.