C
ác bạn đã đọc gần như tất cả ngoại trừ ba chương cuối cùng của cuốn sách này. Đây là thời điểm thích hợp để kiểm tra thái độ tinh thần của riêng bạn. Và tất nhiên là bạn có thể tự làm lấy điều này cho mình.
Nhưng trước khi thực hiện bài kiểm tra này, chúng tôi muốn các bạn biết rằng thái độ của chúng ta là:
Gánh nặng dạy dỗ được đặt trên vai người dạy.
Thế còn gánh nặng học hỏi được đặt trên vai ai? Có lẽ J. Milburn Smith sẽ có câu trả lời cho bạn. J. Milburn Smith đã thăng tiến từ phụ tá đến nhân viên văn phòng và rồi trở thành Chủ tịch Công ty Continental Casualty ở Chicago. Ông ấy nói với chúng tôi rằng:
Gánh nặng học hỏi được đặt trên vai người học, không phải trên vai người dạy. Ông còn nói thêm:
“Người nghèo tin rằng một ý tưởng nào đó sẽ không phù hợp với mình trừ khi đó là ý tưởng do chính anh ta nghĩ ra. Còn tôi thì nói rằng:
Hãy học hỏi những người thành công! Tất cả những gì đã làm đều do tôi mượn ý tưởng từ người khác hay công việc kinh doanh của họ. Hãy tôn trọng và lắng nghe những người có kinh nghiệm.
Những người giàu kinh nghiệm sẽ luôn có được điều gì đó mà tôi mong muốn. Đó là lý do tôi thích kết giao với những người lớn hơn mình hoặc những người thành công. Tôi sẽ lĩnh hội được những gì họ có: sự thông minh, kiến thức và kinh nghiệm, nhưng tôi loại trừ sự yếu đuối. Sau đó, tôi sẽ bổ sung những điều này vào những gì mình đang có. Chính vì vậy, tôi được hưởng lợi ngay cả với những sai lầm của họ cũng như của chính mình.
Để học hỏi thì mọi người đều phải trả giá. Tôi sẵn lòng trả giá để được học những gì mình chưa biết. Tôi muốn học. Kiến thức ư? Các bạn phải chủ động tìm kiếm!”.
Hãy học hỏi từ những người thành công”, J. Milburn Smith nói.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt ra cho mình một số câu hỏi như sau: Tôi có sẵn lòng trả giá không? Tôi có sẵn lòng đón nhận trí thông minh, kiến thức và kinh nghiệm, nhưng loại trừ sự yếu đuối của những nhân vật thành công mình đã được biết đến trong cuốn sách này hay không?
Nếu câu trả lời là có thì chúng tôi biết chắc một lời đề nghị của mình có thể giúp ích cho các bạn ít nhiều. Nhưng trước tiên, các bạn hãy nhớ lại một điều rằng khi đọc những trang sách này, các bạn thường xuyên được đòi hỏi phải trả lời một số câu hỏi dành cho bản thân. Đó có thể là những câu hỏi rất đơn giản, nhưng thực ra thì: còn điều gì khó hơn việc đánh giá bản thân một cách chính xác? “Hiểu rõ bản thân” chắc chắn là lời khuyên khó khăn nhất dành cho mỗi người chúng ta.
Và để giúp bạn hiểu rõ bản thân mình, chúng tôi đã chuẩn bị một bảng câu hỏi đặc biệt để phân tích cá nhân. Bảng câu hỏi này đã giúp cho rất nhiều người làm được điều đó một cách dễ dàng.
Các bạn đã từng làm rất nhiều bài trắc nghiệm kiểm tra – từ trí tuệ, năng khiếu, cá tính, từ vựng, v.v. Nhưng bài kiểm tra lần này thì lại hoàn toàn khác. Chúng tôi gọi đó là Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công.
Phép phân tích này dựa trên 17 nguyên tắc thành công vốn là nền tảng dẫn đến những thành tựu tuyệt vời của các nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới thuộc mọi lĩnh vực. Nó bao hàm rất nhiều mục đích khác nhau:
Định hướng suy nghĩ của các bạn theo chiều hướng tích cực. Tối ưu hóa suy nghĩ của riêng bạn.
Xác định rõ vị trí hiện tại của bạn trên con đường dẫn đến thành công. Khuyến khích bạn quyết định chính xác nơi mình muốn đến.
Đánh giá cơ hội của bạn trong việc tiến đến những mục tiêu mà mình mong muốn. Xác định rõ những tham vọng hiện tại và một số đặc điểm khác của bạn.
Tạo động lực để bạn thực hiện những hành động tích cực bằng thái độ tích cực.
Đề nghị của chúng tôi. Nào, bạn hãy cố gắng trả lời tất cả những câu hỏi trong Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công sau đây. Hãy vận dụng tối đa năng lực của mình để trả lời triệt để và thành thật. Cố gắng đừng tự lừa dối mình. Bài kiểm tra này chỉ hiệu nghiệm nếu các bạn trả lời thành thật từng câu hỏi.
PHÉP PHÂN TÍCH CHỈ SỐ THÀNH CÔNG
Xác định và trả lời câu hỏi Có, Không
1. Xác định rõ mục đích
(a) Bạn đã xác định rõ một mục tiêu chính trong cuộc sống của bạn?
(b) Bạn đã đặt cho mình thời hạn cụ thể để đạt được mục tiêu đó?
(c) Bạn đã có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu của mình trong cuộc sống?
(d) Bạn đã xác định những lợi ích rõ ràng mà mục tiêu trong cuộc sống của mình sẽ mang lại?
2. Thái độ tích cực
(a) Bạn có hiểu thái độ tích cực là gì không?
(b) Bạn có thể kiểm soát thái độ tinh thần của mình không?
(c) Bạn có biết điều duy nhất giúp con người hoàn thiện quyền kiểm soát chính mình không?
(d) Bạn có biết làm thế nào để nhận diện thái độ tiêu cực ở mình và người khác không?
(e) Bạn có biết làm thế nào để thái độ tích cực trở thành một thói quen tốt không?
3. Nỗ lực hơn nữa
(a) Bạn có thói quen cống hiến nhiều hơn so với tiền lương bạn được nhận hay không?
(b) Bạn có biết khi nào thì một người làm thuê được quyền yêu cầu tăng lương không?
(c) Bạn có biết người nào từng thành công trong nghề nghiệp của mình mà không phải nỗ lực nhiều hơn so với những gì anh ta được trả?
(d) Bạn có tin ai đó có quyền hy vọng được tăng lương mà không nỗ lực nhiều hơn so với những gì mình được trả?
(e) Nếu bạn là ông chủ, liệu bạn có hài lòng với những gì mình đang được hưởng trong vai trò một người làm thuê không?
4. Suy nghĩ chính xác
(a) Bạn có xem việc học hỏi thêm trong nghề nghiệp của mình là một trách nhiệm thường xuyên?
(b) Bạn có thói quen bày tỏ “quan điểm” trước những chủ đề mình không quen thuộc?
(c) Bạn có biết làm thế nào để tìm ra sự thật khi cần lĩnh hội kiến thức không?
5. Kỷ luật tự giác
(a) Bạn có biết kiềm chế giọng nói khi giận dữ không?
(b) Bạn có thói quen không suy nghĩ trước khi nói không?
(c) Bạn có dễ mất kiên nhẫn không?
(d) Bạn có phải là một người điềm tĩnh không?
(e) Bạn có thói quen để cảm xúc của mình áp đảo lý trí không?
6. Tinh thần tập thể
(a) Bạn có tạo ảnh hưởng lên người khác để đạt được mục tiêu của mình không?
(b) Bạn có tin rằng một người có thể thành công trong cuộc sống mà không cần sự giúp đỡ của người khác không?
(c) Bạn có tin rằng một người có thể dễ dàng thành công trong sự nghiệp của mình nếu anh ta bị vợ hay những thành viên khác trong gia đình chống đối?
(d) Liệu có lợi ích gì hay không khi ông chủ và người làm thuê hợp tác hài hòa với nhau?
(e) Bạn có tự hào không khi một tập thể mà bạn là một thành viên trong đó được khen ngợi?
7. Niềm tin
(a) Bạn có niềm tin vào Trí tuệ Vô biên hay không?
(b) Bạn có phải là người chính trực không?
(c) Bạn có lòng tin vào khả năng của mình trong việc thực hiện những gì mình muốn không?
(d) Bạn có hoàn toàn tự do trước bảy nỗi sợ hãi cơ bản được liệt kê sau đây không?
(1) sợ nghèo khổ?
(2) sợ bị phê bình?
(3) sợ đau ốm?
(4) sợ mất đi tình yêu?
(5) sợ mất tự do?
(6) sợ tuổi già?
(7) sợ cái chết?
8. Tính tình vui vẻ
(a) Bạn có thói quen công kích người khác không?
(b) Bạn có thói quen vận dụng Quy tắc Vàng trong cuộc sống không?
(c) Những người làm việc cùng bạn có thích bạn không?
(d) Bạn có làm người khác buồn không?
9. Sức sáng tạo cá nhân
(a) Bạn có lập kế hoạch cho công việc của mình không?
(b) Công việc phải được lập kế hoạch sẵn cho bạn hay không?
(c) Bạn có sở hữu những phẩm chất nổi trội mà mọi người trong phạm vi công việc của bạn không có hay không?
(d) Bạn có thói quen trì hoãn không?
(e) Bạn có thói quen lập nên những kế hoạch hoàn hảo hơn để gia tăng hiệu quả trong công việc không?
10. Lòng nhiệt tình
(a) Bạn có phải là một người nhiệt tình không?
(b) Bạn có vận dụng lòng nhiệt tình của mình để thực hiện các kế hoạch đã đặt ra hay không?
(c) Lòng nhiệt tình có áp đảo sự phán đoán của bạn không?
11. Khả năng tập trung
(a) Bạn có thói quen tập trung mọi suy nghĩ vào công việc đang làm không?
(b) Bạn có dễ dàng bị tác động để thay đổi kế hoạch hoặc quyết định của mình hay không?
(c) Bạn có xu hướng từ bỏ mục tiêu và kế hoạch của mình khi gặp sự phản đối không?
(d) Bạn có thể tiếp tục làm việc bất chấp những sự xao nhãng không thể tránh khỏi không?
12. Làm việc nhóm
(a) Bạn có sống hòa thuận với mọi người hay không?
(b) Bạn có thể hiện thiện chí của mình một cách hào phóng như những gì bạn đòi hỏi ở người khác hay không?
(c) Bạn có thường xuyên bất đồng với người khác không?
(d) Có thuận lợi lớn gì hay không khi có sự hợp tác thân thiện giữa các đồng nghiệp với nhau?
(e) Bạn có ý thức về sự nguy hại mà một người có thể gây ra do thiếu hợp tác với đồng nghiệp của mình?
13. Học hỏi từ thất bại
(a) Liệu thất bại có khiến bạn thôi nỗ lực?
(b) Nếu thất bại trong một nỗ lực nào đó, liệu bạn có tiếp tục tiến lên không?
(c) Liệu thất bại nhỏ, tạm thời có là thất bại cuối cùng của bạn không?
(d) Bạn có rút ra bất kỳ bài học nào từ thất bại không?
(e) Bạn có biết làm thế nào để biến chuyển một thất bại thành vốn quý giúp dẫn đến thành công không?
14. Tầm nhìn sáng tạo
(a) Bạn có thường sử dụng trí tưởng tượng của mình không?
(b) Bạn có đưa ra những quyết định của riêng mình không?
(c) Liệu người chỉ biết tuân theo sự chỉ dẫn có đáng giá hơn người biết nêu ra những ý tưởng mới của riêng mình hay không?
(d) Bạn có phải là người có óc sáng tạo không?
(e) Bạn có nêu ra những ý tưởng thực tế liên quan đến công việc của mình không?
(f) Mỗi khi cần thiết, liệu bạn có tìm kiếm lời khuyên không?
15. Khả năng quản lý thời gian và tiền bạc
(a) Bạn có tiết kiệm một khoản phần trăm nhất định từ thu nhập của mình hay không?
(b) Bạn có tiêu tiền mà không cần quan tâm đến nguồn thu nhập tương lai của mình như thế nào không?
(c) Bạn có ngủ đủ giấc mỗi đêm không?
(d) Bạn có thói quen dành thời gian để đọc những cuốn sách giúp tự cải thiện bản thân hay không?
16. Giữ gìn sức khỏe
(a) Bạn có biết năm yếu tố cần thiết để có được sức khỏe tốt hay không?
(b) Bạn có biết sức khỏe tốt bắt đầu từ đâu không?
(c) Bạn có ý thức về mối liên hệ giữa nghỉ ngơi và sức khỏe tốt không?
(d) Bạn có biết bốn yếu tố quan trọng cần thiết để duy trì sự cân bằng của một sức khỏe tốt không?
(e) Bạn có biết ý nghĩa của “chứng nghi bệnh” và “bệnh căng thẳng thần kinh” không?
17. Sử dụng sức mạnh tự nhiên vì nó gắn liền với thói quen cá nhân của bạn
(a) Bạn có thói quen nào mà bạn cảm thấy không thể kiểm soát được hay không?
(b) Gần đây, bạn có từ bỏ thói quen xấu nào không?
(c) Gần đây, bạn có tập được bất kỳ thói quen tốt nào không?
Sau đây là cách đánh giá các câu trả lời của bạn.
Tất cả những câu hỏi sau đều cần câu trả lời “Không”, bao gồm: 3c – 3d – 4b – 5b – 5c – 5e – 6b – 6c – 8a – 8d – 9b – 9d – 10c – 11b – 11c – 12c – 13a – 13c – 14c – 15b – 17a.
Còn tất cả những câu hỏi còn lại nên được trả lời “Có”.
Điểm số của bạn sẽ khoảng 300 điểm nếu tất cả câu hỏi được trả lời là “Không” và “Có” như đã chỉ dẫn ở trên. Đây là điểm số hoàn hảo và rất ít người có thể đạt được điểm số đó. Nào, chúng ta hãy cùng xem điểm số của các bạn là bao nhiêu.
Nếu bạn trả lời “Không” đối với bất kỳ câu hỏi nào cần được trả lời “Có”, hoặc “Có” đối với câu hỏi cần trả lời “Không”, bạn hãy trừ đi 4 điểm:
x 4 = Cộng hai số này với nhau rồi lấy 300 trừ cho tổng số này. Được bao nhiêu điểm thì đó chính là điểm số của các bạn.
Ví dụ minh họa
Số câu trả lời “Có” thay vì “Không”: 3 x 4= 12
Số câu trả lời “Không” thay vì “Có”: 2 x 4= 8
Tổng số điểm trừ 20
Điểm số hoàn hảo 300
Trừ tổng số điểm bị trừ do trả lời sai 20 Điểm số của bạn 280
Thang đánh giá điểm số của bạn:
300 điểm ––– Hoàn hảo (Rất hiếm)
275 đến 299 điểm ––– Tốt
200 đến 274 điểm ––– Khá
100 đến 199 điểm ––– Kém
Dưới 100 điểm ––– Rất kém
Giờ thì các bạn đã tiến một bước rất quan trọng trên con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc.
Các bạn đã cố gắng trả lời kỹ càng và thành thật những câu hỏi trong Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công. Điều quan trọng nhất cần nhớ bây giờ là những kết quả này không phải là kết quả cuối cùng và cũng không phải là không thể thay đổi. Nếu có điểm số cao thì các bạn sẽ đón nhận và tập luyện những nguyên tắc trong cuốn sách này nhanh hơn. Nhưng nếu điểm số chưa cao thì các bạn cũng không nên thất vọng! Hãy sử dụng thái độ tích cực! Các bạn có thể đạt được thành công to lớn trong cuộc sống!
Khi cần sự giúp đỡ từ một nhà tâm lý học để biết mình phù hợp với nghề nghiệp hay công việc nào, ông ấy sẽ yêu cầu các bạn thực hiện một loạt các bài kiểm tra.
Những bài kiểm tra này sẽ giúp bạn thấy được thiên hướng cụ thể của mình là như thế nào. Tuy nhiên, nhà tâm lý học sẽ không xem kết quả của những bài kiểm tra này là kết quả cuối cùng. Ông ấy sẽ thu xếp một buổi phỏng vấn cá nhân để tìm hiểu những gì mà các bài kiểm tra không thể giải đáp.
Ông ấy sử dụng kết quả của những bài kiểm tra và buổi phỏng vấn để tư vấn cho bạn và đánh giá sự tiến bộ của bạn.
Tương tự như vậy, các bạn có thể sử dụng điểm số đầu tiên trong bảng câu hỏi làm phương tiện giúp xác định chỉ số thành công đang gia tăng không ngừng của mình.
Hãy đọc cuốn sách này từ đầu đến cuối một lần nữa. Rồi một lần nữa. Và một lần nữa. Hãy đọc lớn cùng với vợ, chồng, bạn thân và thảo luận từng quan điểm trong đó. Hãy đọc cho đến khi nào mọi nguyên tắc trong nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn và tạo động lực cho mọi hành động của bạn.
Sau đó, khi đã kiên trì vận dụng những nguyên tắc này trong ba tháng, bạn hãy kiểm tra chỉ số thành công của mình một lần nữa. Các bạn không những sửa đổi được những câu trả lời sai của mình mà còn cảm thấy tự tin hơn và dứt khoát hơn với những câu trả lời đúng.
Tuy nhiên, Chỉ Số Thành Công của bạn còn có công dụng tích cực hơn một tiêu chuẩn so sánh đơn thuần. Chỉ số ấy giúp nhấn mạnh những lĩnh vực mà bạn cần phải nỗ lực hơn để cải thiện bản thân. Ngoài ra, nó còn giúp bạn biết được đâu là sở trường đặc biệt của mình.
Tương lai đang ở trước mắt bạn. Bạn có đủ sức mạnh để định hướng suy nghĩ và kiểm soát cảm xúc của mình. Hãy đánh thức người khổng lồ đang ngủ quên bên trong bạn.
Bằng cách nào?
Các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong chương tiếp theo.
Định hướng số
20 Ý TƯỞNG THỰC HÀNH
1. Hãy xem lại Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công thường xuyên cho đến khi có thể thành thật nói với mình rằng: “Giờ thì tôi có thể trả lời đúng đối với bất kỳ câu hỏi nào.” Mỗi câu hỏi sẽ giúp định hướng suy nghĩ để các bạn có thể dễ dàng xác định đâu là những việc mình có thể và nên làm.
2. Giải quyết vấn đề hay tập những thói quen tốt bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi thích hợp là một hành động rất có ý nghĩa. Hãy viết ra giấy những câu hỏi này. Sau đó, trong thời gian suy nghĩ của mình, hãy cố tìm ra giải pháp thích hợp để đạt được những kết quả mà bạn mong muốn.
GIEO HÀNH ĐỘNG GẶT THÓI QUEN; GIEO THÓI QUEN GẶT TÍNH CÁCH; GIEO TÍNH CÁCH GẶT SỐ PHẬN.