"Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ", "Đàm phán với ông Thọ quả là cân não!", “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn với tay nghề của một nhà phẫu thuật"... Henry Kissinger-cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon từng thừa nhận với báo chí phương Tây sau những cuộc đàm phán với cố vấn đặc biệt của phái đoàn ta-đồng chí Lê Đức Thọ-tại Hội nghị Paris (Pháp) năm 1973.
Phải đạt được “Mỹ cút, quân ta ở lại"
Đồng chí Lê Đức Thọ (bí danh Sáu), tên thật là Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Tháng 5-1968, đang là Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông được Bộ Chính trị gọi ra Bắc, giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Hội nghị Paris...
Cùng với việc cử đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 54-LCT, ngày 10-5-1968 cử đồng chí Xuân Thủy giữ chức Bộ trưởng Chính phủ, làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Paris. Giữ vai trò cố vấn, nhưng trên thực tế, đồng chí Lê Đức Thọ là linh hồn của phái đoàn ta do được trực tiếp Bộ Chính trị và Bác Hồ giao phó. Nhớ về đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (tại Hội nghị Paris là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) trong một bài viết đã khẳng định: "Anh Lê Đức Thọ cho rằng kết quả đàm phán tùy thuộc trước hết vào tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay thế cho thực lực, nó chỉ góp một phần, thậm chí một phần quan trọng làm tăng thêm thực lực".
Cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger. Ảnh tư liệu
Năm 2013, tôi được gặp ông Lưu Văn Lợi (hay còn gọi là Lợi B), nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ông Lợi cho biết, trước ngày đoàn ta lên đường sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập cuộc họp các thành viên. Tại cuộc họp, đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu đoàn ta phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Nhiệm vụ chính của giai đoạn đầu đàm phán là phục vụ chiến trường, thăm dò ý đồ của Mỹ mà chưa phải đi vào giải pháp. Ông còn nhớ, năm 1968 khi tiễn đoàn lên đường, do đứng ngay cạnh đồng chí Lê Đức Thọ nên ông nghe rất rõ lời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dặn: “Giờ anh Sáu sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao. Làm thế nào thì làm nhưng anh phải đạt được “Mỹ cút, quân ta ở lại".
Thực tế, ta đã phải trải qua gần 5 năm (1968-1973) đấu trí tại bàn đàm phán Paris. Ông Lợi cho biết, các phiên họp riêng giữa Bộ trưởng Xuân Thủy, cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger đều là những ngày làm việc dài, có khi hơn 10 giờ liên tục. Đồng chí Lê Đức Thọ khi ấy đã hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger khoảng 10 tuổi. Vì vậy, Kissinger lúc nào cũng muốn gặp cố vấn Lê Đức Thọ vào buổi tối và thường cố tình kéo dài đến khuya, thậm chí tới tảng sáng hôm sau. Mục đích của ông ta là làm cho cố vấn Lê Đức Thọ mệt mỏi, thiếu minh mẫn hòng tìm cách “gài” ông đưa ra những đối sách không có lợi cho ta. “Nhưng anh Sáu lúc nào cũng vững vàng và khôn khéo. Khi mệt mỏi quá, anh cương quyết đề nghị phía Mỹ nghỉ giải lao, lúc đó tranh thủ vừa đi bộ thư giãn anh vừa bàn bạc với các thành viên trong đoàn”, ông Lợi kể.
Chiến thắng trên bàn đàm phán
Cho đến tháng 10-1972, nội dung cơ bản dự thảo Hiệp định Paris đã được các bên liên quan thống nhất. Trong các phiên họp kín, đoàn ta và đoàn Mỹ đã thống nhất dự kiến ngày ký chính thức là 25 hoặc 26-10-1972. Tuy nhiên, ngay sau đó phía Mỹ tìm cớ trì hoãn bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận. Ngày 23-10-1972, Tổng thống Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thông báo rằng, do Sài Gòn ngăn cản nên Mỹ đề nghị có thêm một cuộc gặp bí mật nữa.
Vạch mặt sự tráo trở của Mỹ, Chính phủ ta công bố nội dung Hiệp định hòa bình đã được ta và Mỹ thỏa thuận cùng hai bức điện của Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đến ngày 20-11-1972, ta và Mỹ mới gặp lại nhau. Tại cuộc gặp này, cố vấn Lê Đức Thọ đã lên án sự lật lọng của Kissinger và chính quyền Mỹ. Kissinger đòi sửa một số chi tiết trong hiệp định đã thỏa thuận nhưng ta chỉ đồng ý sửa một vài chi tiết không thực chất, không chấp nhận sửa những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Ngày 14-12-1972, Kissinger về Mỹ, ngày hôm sau đồng chí Lê Đức Thọ cũng rời Paris về nước để báo cáo Bộ Chính trị chuẩn bị tình huống xấu nhất. Không có nhiều bất ngờ khi ông vừa về đến Hà Nội ngày 18-12-1972 thì ngay đêm hôm đó, Mỹ cho máy bay B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Và bằng trận "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", ta đã đánh bại chiến dịch tấn công của Mỹ.
Kể về sự kiện này với chúng tôi, lúc sinh thời, ông Võ Văn Sung (một trong 5 thành viên của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham gia ký Hiệp định Paris) nói: “Tháng 11-1970, tôi sang Pháp, bên trong là tham gia nhóm làm việc của anh Lê Đức Thọ đàm phán bí mật với Kissinger, bên ngoài tôi làm Tổng đại diện của Chính phủ ta. Tôi nhớ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom miền Bắc nước ta, tại Paris, ngày nào Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Maurice Schumann và tôi cũng gặp gỡ hoặc gọi điện thoại cho nhau để thông tin tình hình, trao đổi ý kiến vì phía Pháp cần có thông tin để có thái độ. Ngược lại, ta cũng mong muốn phía Pháp góp phần lên án cuộc ném bom đó. Qua đường dây kín, tôi biết tin chiến thắng từ Hà Nội. Ngày 31-12-1972, khi nghe tôi thông báo thắng lợi của ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B-52, ngoại trưởng Pháp đã thốt lên: “Thật kỳ diệu!”. Còn ông Lưu Văn Lợi thì kể: "Sau chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, mặc dù phía Mỹ đã đề nghị nhưng đến ngày 8-1-1973, ta mới trở lại bàn đàm phán. Buổi gặp hôm đó, đoàn ta đến địa điểm trước và không ra cổng đón Kissinger như mọi khi để biểu thị thái độ của mình. Mở màn cuộc gặp, đồng chí Lê Đức Thọ nghiêm khắc lên án hành động của Mỹ, yêu cầu chấm dứt thủ đoạn thương lượng trên thế mạnh và đi vào đàm phán nghiêm chỉnh”.
Toàn cảnh Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh tư liệu
Thực tiễn cho thấy, trong những năm 1968-1975, ta đã đưa ngoại giao thành một mặt trận với các cuộc đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ (1968); hiệp thương hai bên miền Nam Việt Nam (từ tháng 3-1973 đến cuối năm 1974)... Đặc biệt là đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger (1970-1973) mà kết quả mang tính quyết định của cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao, trong đó có vai trò quan trọng của cố vấn Lê Đức Thọ. Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Hiệp định Paris được ký kết (1-1973 / 1-2013), tôi có may mắn được gặp và trò chuyện với nhiều nhà ngoại giao từng có mặt trong giai đoạn lịch sử đó. Họ đều có chung nhận xét, thời gian ở Paris, trên cương vị và nhiệm vụ của mình, đồng chí Lê Đức Thọ không chỉ lo toan các vấn đề chiến lược, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp riêng, góp ý cho các bộ phận chuyên môn... mà còn rất quan tâm đến cuộc sống của anh em trong đoàn.
Khi sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Bộ trưởng Xuân Thủy quan tâm củng cố, động viên, huy động, phát huy vai trò của lực lượng Việt kiều tại Paris và toàn Pháp. Đồng thời gắn kết với các hội Việt kiều ở Tây-Bắc Âu và Mỹ nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, phát huy sự đóng góp vào một số công việc của đoàn và tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta. “Khi được đi theo đoàn Chính phủ ta sang ký hiệp định và dự Hội nghị quốc tế về Việt Nam, tôi đã được chứng kiến những hoạt động rất sôi nổi, đầy năng động của anh Sáu với chính quyền, bạn bè Pháp cũng như kiều bào Việt Nam ở Pháp và bạn bè quốc tế. Đồng chí phân công cả các thành viên chủ chốt trong hai đoàn cùng với Tổng đại diện Việt Nam tại Paris là tôi và Phòng Thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lo từng việc cụ thể”, ông Võ Văn Sung kể.
Cho đến ngày 23-1-1973, sau gần một tháng nối lại đàm phán, các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng và ký tắt hiệp định và 4 nghị định thư. Đến ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, kết thúc cuộc đàm phán lịch sử kéo dài 5 năm và đầy kịch tính. Cố vấn Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Bác Hồ giao phó.
Bài viết có tham khảo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế "Hiệp định Paris-40 năm nhìn lại" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, tháng 1-2013.
SONG THANH