T
hanh khiết, bình an, sức mạnh và hạnh phúc là bốn điều có liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó, thanh khiết thật sự là nền tảng của ba điều còn lại.
Chúng ta càng chú ý đến sự thanh khiết, tâm hồn càng trở nên trong sạch và càng trải nghiệm bình an nội tâm nhiều hơn.
Khi những điều ô trọc xâm nhập vào tâm hồn, giống như tạp chất lẫn vào trong vàng, thì chúng ta mất dần sự bình an. Những điều ô trọc xâm nhập vào chúng ta một cách bất ngờ đến nỗi ta không biết được, thế rồi chúng ta cũng không hiểu vì sao lo buồn, sợ hãi và đau khổ lại trở thành một phần trong cuộc đời của ta. Cứ như thể là những cảm xúc tiêu cực này là một phần trong bản chất của chúng ta vậy. Đúng là những điều ô trọc đó là một phần trong trải nghiệm của con người. Và như vậy, chúng ta cũng không cần cảm thấy tệ hại về nó. Điều gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi.
Thế nhưng, khi chúng ta phát triển quan hệ với Chân lý Thiêng liêng, chúng ta nhận được một cái gương để có thể nhìn thấy một chân lý cao hơn hơn.
Chúng ta nhận thức rằng, khi tư tưởng của mình được làm cho rất trong sạch và bình an thì không có gì khuấy rối, làm nhiễu mình nữa. Chúng ta có thể liên hệ với Cội nguồn Năng lượng sống sâu sắc đến mức chúng ta trở thành một hiện thân của tình yêu thương, không còn dừng lại ở việc cho hay nhận tình yêu thương nữa. Khi ấy, mọi người cảm nhận tình thương đó, cảm nhận chúng ta là con người rất thông tuệ và hiểu biết. Đấy là do, khi tâm trí chúng ta không còn có những tư tưởng tiêu cực và vô ích nữa, chúng ta có thể thấy rõ cái gì đang diễn biến, và mình cần phải làm gì.
Với kiến thức về bản thân và về Chân lý Thiêng liêng, chúng ta trở nên hiểu biết. Suy nghĩ của chúng ta trở nên thanh khiết và bình an. Thế rồi chúng ta như có sức mạnh, và khi đã có sức mạnh thì sẽ có uy quyền. Khi chúng ta sống với ý thức rõ ràng rằng mình là một tâm hồn bình an và yêu thương thì chúng ta cảm thấy như mình có quyền lực.
Sự thanh khiết khiến chúng ta thoát khỏi ý thức về cơ thể. Chúng ta càng trở thành thanh khiết thì sự bình an và tình yêu thương càng trở thành một phần tự nhiên trong ta. Vì chúng ta đã trở thành hiện thân của tình yêu thương, cho nên chúng ta rất dễ dàng và tự nhiên trao tặng tình yêu thương cho mọi người.
Hành động và phản ứng của chúng ta cũng trở thành một hình thức trao tặng. Theo quy luật, chúng ta cho cái gì thì chúng ta sẽ nhận lấy cái ấy. Năng lượng của tình yêu thương tiếp tục tăng lên trong chúng ta, cho đến lúc bản tính cũ của chúng ta không còn nữa. Dường như đang xuất hiện một bản tính mới ở trong chúng ta, dựa trên cơ sở chân lý. Đó là sự bao dung rộng lượng, sự tích cực và thông tuệ.
Đó chính là bản chất nguyên thủy của bạn, của tôi, và của tất cả chúng ta… Chúng ta có cảm giác là, việc đồng hành với Chân lý Thiêng liêng đã giúp mình trở thành con người đích thực, con người chân chính.
Điều này đem lại hạnh phúc chân thực và bền lâu.
Khi chúng ta nhìn thấy mọi vật xung quanh mình – thiên nhiên cùng với đồng ruộng và cây cối, động vật và chim muông, lập tức chúng ta có cảm giác hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc không cần phải cố gắng mới có. Cũng như vậy, khi chúng ta có được sức mạnh và sự thanh khiết qua nối kết với Nguồn Năng lượng Cao cả, điều đó cũng giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Khi thấy một người nào đó tìm được hạnh phúc, chúng ta cũng thấy cảm động. Khi chúng ta trải nghiệm được kiểu hạnh phúc đó, tức là niềm hạnh phúc thật sự từ trong tim, thì các kiểu hạnh phúc khác tạo ra bởi những thành tựu thế gian tạm thời, trở nên hời hợt, hình như không còn là hạnh phúc nữa.
Chúng ta thường phải cố gắng nhiều để làm cho người khác được hạnh phúc, và những người khác cũng thường phải cố gắng rất nhiều để làm cho chúng ta được hạnh phúc. Thời gian, tiền bạc, năng lượng bị lãng phí trong những trao đổi như vậy và chúng ta luôn phải lo âu, suy nghĩ quá mức.
Khi có người làm chúng ta chao đảo, hay là không đem đến cho chúng ta hạnh phúc như mong đợi, chúng ta cảm thấy tổn thương và bực bội, làm nảy sinh trong thâm tâm chúng ta sự khinh ghét.
Rồi xảy ra xung đột. Vì không cảm nhận được hạnh phúc nên con người thường sinh ra thói đố kỵ và lòng tham, rồi bắt đầu muốn dối trá, dối trá với bản thân và với người khác. Dường như bản tính của chúng ta trở nên bị nhuốm màu dối trá. Và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ?
Bây giờ, chúng ta trở thành người tự do, nhờ nhận thức được những gì mình đã đánh mất, nhờ hấp thu những đức hạnh thánh thiện. Chúng ta hài lòng và vui vẻ với mọi người và nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn, vượt ra ngoài ganh tỵ và xung đột.
Sự mát mẻ của lòng bao dung rộng rãi cho phép chúng ta giữ được đầu óc minh mẫn và một trái tim ấm áp. Lòng bao dung rộng rãi và sức mạnh cũng giúp chúng ta hành động đúng đắn.
Nguồn Năng lượng Cao cả cho chúng ta sức mạnh để tiếp thu đức hạnh thánh thiện - những đức hạnh mà thế giới ca ngợi.
Chính những đức hạnh đó giúp chúng ta trải nghiệm bình an, tình yêu thương và sự thanh khiết, và qua đó, chúng ta cũng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc thật sự. Đó là một niềm hạnh phúc không cần bộc lộ ra ngoài, không tốn đồng tiền nào hết, và cũng không bị ai lấy đi mất.
Thỉnh thoảng, khi nghĩ về một ai đó, chúng ta cũng cảm thấy vui và thích thú. Nhưng khi nhớ tới Chân lý Thiêng liêng, thì cảm giác hạnh phúc của chúng ta là vô hạn. Khi hành động của chúng ta dựa trên niềm hạnh phúc đó, cùng với đức hạnh, thì kết quả thu được thật là mỹ mãn, và có sự vui vẻ nữa.
Một người quan sát khách quan
Sẽ có được nhiều niềm vui và hạnh phúc khi chúng ta hiểu rõ chính mình, và đóng vai trò như người quan sát khách quan, tách rời. Nó cho phép chúng ta hoàn thành vai trò của mình một cách tốt đẹp. Chúng ta sẽ không bao giờ bị hoang mang, hay lúng túng, mà ngược lại, luôn luôn vui vẻ và tạo mối quan hệ với những người xung quanh một cách dễ dàng.
Người quan sát khách quan cũng giống như diễn viên tài ba trong vở kịch. Họ diễn hết mình, cùng với mọi người trên sân khấu. Nhưng họ vẫn để mắt đến ông đạo diễn đang đứng bên cánh gà, và sẵn sàng đáp ứng mọi dấu hiệu của ông ta. Khán giả theo dõi từng động tác của những diễn viên. Ông đạo diễn cũng theo dõi họ và tự hào về họ. Những diễn viên đó làm mọi việc một cách rất nhẹ nhàng và họ rất hạnh phúc khi tham gia vở diễn.
Sự thanh khiết, bình an và tình yêu thương giúp chúng ta diễn “vai” của mình trên sân khấu cuộc đời một cách dễ dàng với niềm hạnh phúc thật sự.
Khi chúng ta trải nghiệm những phẩm chất đó, “những người bạn diễn” với chúng ta cũng được hạnh phúc, “khán giả” theo dõi vở diễn cũng hạnh phúc, và “ông đạo diễn” cũng hạnh phúc. Như vậy, còn niềm hạnh phúc như thế nào hơn thế nữa? Hãy hạnh phúc lên và cho thế giới biết thế nào là niềm hạnh phúc đích thực.
Hạnh phúc là điều chúng ta không thể giải thích chính xác được. Hạnh phúc chân thực bên trong sẽ bộc lộ qua nét mặt rạng rỡ, trong kiểu cách chúng ta đi, đứng và trong mối quan hệ với tất cả mọi người.
Những người có được niềm hạnh phúc đó đều tỏa sáng rạng ngời, và sống rất chân thực, thoải mái.
Họ cảm nhận được hạnh phúc xuất phát từ trong nội tâm, và muốn mọi người cũng trải nghiệm được niềm hạnh phúc như họ. Đây không phải là lời thuyết giáo mà như là món quà của chân lý. Và niềm hạnh phúc được nhân lên, do người nhận đáp lại bằng lời chúc phúc của họ.
Sự thanh khiết và bình an giúp chúng ta chinh phục những thói hư tật xấu vốn làm sai lệch hành vi của mình, và phá hoại niềm hạnh phúc của mình.
Tình yêu thương và hạnh phúc, có được qua việc đem lại cho người khác cũng như cho bản thân, luôn luôn ở bên chúng ta trên chuyến hành trình hướng đến sự hoàn thiện, để trở thành một con người với đức hạnh cao cả.
Nếu không hạnh phúc, chúng ta sẽ không có được cái gì hết. Và trong giây phút chúng ta cảm thấy bất hạnh, dường như có một lỗ rò rỉ trong “chiếc cục pin tinh thần” của chúng ta khiến cho mọi cái đều bị rò rỉ, và lọt ra ngoài. Có đôi khi lại bị ách tắc: mọi cái trước kia đến với chúng ta từ Cội nguồn Năng lượng sống nay không còn đến nữa. Mọi thứ ở trong ta đều ngưng lại, giống như hệ tuần hoàn trong cơ thể bị ngưng vì một cục máu ứ đọng.
Trong khi đang sống trong thế giới này, trong cơ thể được cấu tạo nên bởi 5 yếu tố thiên nhiên, chúng ta vẫn giữ mình tách rời. Qua đó, chúng ta có thể giữ mình hạnh phúc liên tục, và trở thành người có ích cho thế giới này. Sẽ luôn có thành công trong mọi nhiệm vụ.
Khi chúng ta không còn yếu đuối nữa, chiến thắng trở thành vòng hoa đeo quanh cổ. Chúng ta chiến thắng ở bên trong và thành công ở bên ngoài, và hạnh phúc sẽ là vô bờ bến.
Điều gì trong trái tim tôi?
Hãy nhìn vào trái tim mình và tự hỏi: Tôi có những cảm xúc nào đối với bản thân và đối với những người khác? Cảm xúc từ trái tim tôi đối với thế giới là như thế nào?
Hạnh phúc có liên hệ với trái tim, và có một sự liên kết sâu sắc giữa trái tim, khối óc và tầm nhìn.
Điều gì có trong trái tim cũng đều có trong khối óc, sẽ bộc lộ qua đôi mắt của chúng ta. Nếu trái tim chúng ta tràn đầy hạnh phúc thì điều này cũng thấy rõ trong ánh mắt của chúng ta. Dường đôi mắt cũng biết chia sẻ niềm hạnh phúc vậy.
Nên có một điều mới mẻ như thế ở trong chúng ta, phải có một niềm hạnh phúc như vậy, mà trước đây chúng ta chưa bao giờ mơ đến. Muốn được như vậy, trước hết, trái tim phải tuyệt đối trong sạch.
Không được để sót lại một chút gai góc nào - nỗi đau từ quá khứ, nỗi buồn hiện tại hay lòng sợ hãi. Chúng ta phải biết tự hỏi: trong trái tim tôi đang có gì? Khi chúng ta làm cho một người khác nào đó lo buồn, chúng ta sẽ xin người đó tha thứ để họ quên đi nỗi buồn chúng ta đã gây ra cho họ. Nhưng nếu không được tha thứ thì chúng ta có thể làm gì?
Chúng ta phải biết tự kiểm tra lại cảm xúc của mình. Chúng ta phải tự kiểm định lại xem chúng ta có thật sự muốn được người kia tha thứ hay không.
Chúng ta phải biết cảm nhận mình có tình yêu thương đối với họ không.
Trái tim phải thực sự trong sạch và trung thực.
Nếu không thì việc chúng ta xin tha thứ, sẽ chỉ là một hình thức khác của sự “nhận lấy” mà thôi.
Không được có bất cứ một thái độ sốt ruột, thiếu kiên nhẫn nào. Cảm xúc của chúng ta phải tràn đầy lòng trắc ẩn, trung thực và tình yêu thương. Hãy nhận thức rằng ba phẩm chất đó phải hiện hữu trong trái tim chúng ta. Rồi người đó sẽ cảm nhận được những phẩm chất ấy đến với họ, như là món quà trao tặng, và họ sẽ chấp nhận rằng chúng ta thật sự hối tiếc về việc đã làm và muốn xin lỗi.
Đôi khi, chúng ta không thể trải nghiệm được những phẩm chất thánh thiện ấy ở trong chúng ta, không thể trao tặng những giá trị tốt đẹp ấy cho bản thân mình, và chắc chắn là chúng cũng không có tác dụng đối với người khác.
Bí mật ở đây chính là kiểm tra và loại bỏ hết mọi dấu vết của cảm xúc vị kỷ. Tính vị kỷ làm cho bản chất cao cả nhất của chúng ta bị ách tắc. Nó làm nảy sinh đau khổ, lo buồn và sợ hãi ở trong ta, là những cảm xúc tiêu cực phá hoại sức mạnh và khả năng suy xét của chúng ta, không để cho chúng ta cư xử thành công khi giao tiếp với những người khác.
Do đó, dù chúng ta có cố gắng tạo ra những cảm xúc tích cực, nhưng cũng không thành công. Chúng ta không thể cho đi những gì không có ở trong mình.
Để có lòng bao dung đích thực ở trong trái tim, chúng ta cần có lòng trung thực và vị tha, không vị kỷ. Điều thú vị là, món quà tốt nhất cho bản thân chính là sự vị tha. Nếu chúng ta không còn vị kỷ trong cảm xúc và động cơ thì chúng ta không còn những âu lo, và rồi sẽ có được bình an và hạnh phúc.
Chắc chắn là không cần phải lo âu cho người khác. Một người đã loại bỏ hết lo âu rồi thì sẽ luôn làm việc thiện, việc lành, và chia sẻ cảm xúc tốt lành với người khác; còn những người cứ canh cánh nỗi âu sầu, lo lắng, sợ hãi trong nội tâm thì làm sao có thể chia sẻ hạnh phúc với người khác và có được giấc ngủ yên bình?
Trong đời, chúng ta đã từng giao tiếp với hàng nghìn người. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, trong các mối giao tiếp và quan hệ đó, chúng ta phải có tình thương thật sự từ trái tim và thái độ trung thực. Điều này cho phép chân lý tuôn chảy trong những mối quan hệ đó; trí tuệ của chúng ta thấy rõ chính chúng ta phải làm như vậy.
Khi có được mối quan hệ được dựa trên những suy nghĩ và cảm xúc trong sáng, thì chúng ta không cần phải sợ hãi và cũng không ai sợ hãi chúng ta.
Chúng ta hướng về Cội nguồn Năng lượng sống vì tình yêu thương và hạnh phúc. Nếu tiếp tục làm được như vậy, chúng ta sẽ không còn lo buồn nữa, vì đã có sự tích lũy sức mạnh của hạnh phúc từ bên trong.
Niềm hạnh phúc nội tâm cũng là một dạng năng lượng. Chúng ta thật sự hạnh phúc và không còn lo buồn nữa.
Trong khi lo buồn làm suy yếu tinh thần thì hạnh phúc đem lại lòng can đảm và niềm tin ở bản thân.
Những đức hạnh đó cho chúng ta sức mạnh để làm việc hướng thiện, đem đến niềm hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Không thắc mắc sự việc ấy xảy ra khi nào và như thế nào, vì thắc mắc như thế là do thiếu sức mạnh. Hơn nữa, khi chúng ta thực hiện mọi việc xuất phát từ động cơ tốt đẹp, thì sẽ không còn sợ hãi hay lo buồn. Nhưng nếu vì lo buồn mà hướng về Nguồn Năng lượng Cao cả, thì đó có thể là niềm an ủi, nhưng sẽ không đem lại sức mạnh.
Do đó, bạn hãy chấm dứt lo buồn. Hãy hướng về Nguồn Năng lượng Cao cả bằng tình yêu thương và niềm hạnh phúc. Bạn sẽ thấy mình như đang đắm chìm trong cả một đại dương yêu thương và hạnh phúc, và bạn sẽ nhận thức được những phẩm chất đó cũng chính là bản chất của mình.
Đây không phải là chuyện gì lớn. Nếu bạn là một người mẹ, bạn sẽ biết người mẹ thương đứa con mình như thế nào, và đứa con sẽ đáp lại tình thương cho người mẹ ra sao. Bạn biết rõ mối quan hệ đó. Nó thật là tự nhiên!
Cũng như vậy, hãy tưởng tượng xem, chúng ta trải nghiệm được gì từ Cội nguồn Năng lượng Sống - tình yêu thương tuyệt vời.
Trọng tâm của cuộc đời
Hãy yêu thương Chân lý Thiêng liêng. Hãy mở rộng trái tim, hãy xem đó như là mẹ, cha, bạn, người yêu – là tất cả của chúng ta. Bởi vì khi có được một trải nghiệm như thế, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Rồi tâm hồn ta sẽ hát lên trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Chân lý giúp xua tan đi mọi lo buồn.
Đồng hành với Chân lý giúp ta trở thành người bạn của cả thế giới, vì rằng mọi người đều thuộc về Chân lý.
Con người cần có sức mạnh của tình yêu thương và hạnh phúc, sức mạnh đó có thể nâng cao họ lên.
Nếu không, họ sẽ nhìn nhau theo một cách đem lại lo buồn cho nhau. Mà dẫu có đem lại hạnh phúc chăng nữa thì cũng chỉ là tạm thời. Còn nếu, chia sẻ hạnh phúc từ trái tim thì niềm hạnh phúc ấy sẽ tự nhiên và lâu dài.
Không có nỗi buồn nội tâm, chúng ta sẽ không hỏi những câu như: “Tại sao người đó lại làm chúng ta lo buồn?” hay “Vì sao chúng ta gặp nhiều phiền muộn đến thế?”. Chúng ta biết, có nhiều cảnh ngộ khác nhau đang chờ đợi thử thách chúng ta, và nhiều hậu quả từ những hành vi trong quá khứ cũng sẽ đến. Nếu chỉ biết lo buồn, chúng ta chỉ làm cho tình hình trở nên xấu hơn, khiến bản thân cạn kiệt sức mạnh để làm việc tốt cho hiện tại và tương lai.
Một số người có trái tim rất nhạy cảm, chỉ cần một vết gai đâm cũng đủ làm họ đau đớn khắp cơ thể giống như bị cả một thánh giá đè lên người. Nhưng cũng có người lại có trái tim sắt đá lạnh lùng, không bao giờ tha thứ cho bất cứ sai lầm nào của người khác, họ bị sự giận dữ chi phối và không nhận thức được những tổn hại do họ gây ra. Có thể là họ cảm thấy hài lòng ngay hiện tại, nhưng về sau họ sẽ rất đau khổ.
Ai phải sợ hãi? Phải sợ hãi là những người làm điều không phải, những người không giữ đúng lời hứa, nói dối, ăn cắp, lừa đảo… Khi những người này đối mặt với sự thật, đối diện với chính mình, chân lý hay với những người có tâm hồn trong sáng, họ có cảm giác sợ hãi.
Hiểu biết và nhận thức được những vấn đề như vậy, và bằng cách đi sâu vào nội tâm, chúng ta có thể đem lại sự chuyển hóa cho bản thân.
Trong mọi trường hợp, nỗ lực đầu tiên là phải hướng về Chân lý Thiêng liêng với trái tim trung thực. Khi trái tim trong sáng và trung thực, nó sẽ không còn mang cảm xúc giận dữ hay chao đảo, và có thể hiểu được cảm xúc của người khác như thế nào. Sự khác biệt bộc lộ rõ như giữa ngày và đêm vậy. Những người thân quen sẽ thấy được sự thay đổi ở ta. Ngay cả không còn có cảm giác phải xin tha thứ về những việc làm trước đây của mình nữa, vì mọi người đều thấy chúng ta đã hoàn toàn khác trước rồi.
Và nếu có ai đó làm điều không phải với chúng ta, thì chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để cho qua, để quên đi, xem như không có việc gì xảy ra thay vì tìm cách trả thù.
Cảm nhận này sẽ tăng lên ở những người có trái tim trung thực, thanh khiết, và trong sáng, như thể họ có sức mạnh chia sẻ đức hạnh với người khác. Rồi người khác cũng sẽ phục hồi sức mạnh để bao dung, tha thứ, và phát triển khả năng thay đổi bản thân. Đó là điều mà niềm hạnh phúc chân chính tác động đến chúng ta.
Một số người có bản tính hay lo buồn nên khi có ai đó trao cho họ một điều tốt lành, hay một điều gì đó có thể đem đến cho họ hạnh phúc, thì họ cũng không dễ dàng dang tay đón nhận. Đôi khi, chúng ta thắc mắc tại sao họ lại luôn mang vẻ mặt lo buồn như vậy. Thì ra, đó là do vài chuyện vặt vãnh xảy ra từ nhiều năm trước đây, bây giờ nhớ lại, họ cũng còn cảm thấy rất buồn.
Có thể, họ sẽ trả lời tôi: “Bà có biết tôi đã từng trải qua những gì không? Trước đây, tôi buồn khổ quá chừng. Người ta luôn đối xử và làm khổ tôi như vậy”. Nếu có ai đem lại cho họ hạnh phúc, thì họ cũng không nhớ. Cho nên, chính họ thực sự tạo ra đau khổ. Rồi họ cũng không làm được chuyện gì dũng cảm, có niềm tin ở bản thân mình.
Vì vậy, trước hết chúng ta phải học cách sống hạnh phúc. Con người hạnh phúc sống nhẹ nhàng, thoát khỏi mọi đau khổ và lo buồn, có thể hành động nhanh chóng, sáng suốt và tập trung. Khi chúng ta không suy nghĩ đến điều tốt lành, thì tâm trí sẽ bận bịu với nỗi lo lắng và đau khổ. Nhưng khi làm việc với niềm hạnh phúc, với trái tim trung thực thì ắt tạo ra được sức mạnh nội tâm. Chúng ta không còn sợ hãi, vì mọi người xung quanh đều cảm thấy hạnh phúc với chúng ta.
Lo buồn là vô ích
Trong suốt cuộc đời mình, tôi không có gì phải lo buồn. Cho dù ngày mai không còn gì để ăn, tôi cũng không lo lắng. Tôi cảm nhận rằng, cho dù ngày mai có xảy ra việc gì đi nữa thì đến ngày mai, chúng ta sẽ xem xét. Còn hôm nay, chúng ta vẫn còn cái gì đó để ăn.
Nếu có 50 hay 100 người đến nơi tôi ở, và tôi không có gì để đãi họ ăn. Không bao giờ tôi có ý nghĩ: “Ta không có gì để đãi họ cả”. Ít nhất, tôi cũng có thể đón chào họ nồng nhiệt với nụ cười, và mời họ cốc nước. Nhưng nếu vẻ mặt tôi lộ vẻ lo buồn, thì ngay cả việc đón chào họ và mời họ một cốc nước, tôi cũng không làm nổi.
Con người có thói quen lo âu, sợ hãi trước khi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu con cái đi học về chậm đôi chút, bà mẹ có thể nghĩ ngợi: “Cầu mong thằng bé nhà tôi không có chuyện gì. Cầu mong nó không bị tai nạn”. Đó là sự sợ hãi. Nỗi sợ hãi làm cho hạnh phúc bị cạn kiệt. Bà mẹ đó không thể làm gì tốt hơn cho con mình! Rồi khi đứa bé về đến nhà, nếu người mẹ nổi cơn giận dữ thì nó không còn vui vẻ gì nữa.
Tất cả những điều đó đều là vô ích. Chúng ta phải chấm dứt những thói quen như thế nếu muốn cuộc sống của mình được hạnh phúc.
Cái tôi cũng làm cạn kiệt nguồn hạnh phúc. Cái tôi làm hại nhiều lắm. Cái tôi đó giống như là con rắn. Trong trò chơi leo cầu thang, khi bạn leo lên sắp đến nơi, thì ở một trong những ô cuối cùng của bàn cờ sẽ xuất hiện con rắn, con rắn “cái tôi” ấy nó sẽ cắn bạn và bạn lại trở về điểm xuất phát ban đầu.
Nếu chúng ta học cách hành động một cách khiêm tốn, không cảm nhận mình làm việc gì đó, mà chính Chân lý Thiêng liêng đã làm cho việc ấy xảy ra, thì cái tôi sẽ được khắc phục.
Khi có sự trung thực thì cũng có sự khiêm nhường. Khi có sự dối trá, thì cái tôi nhất định hiện hữu. Cái “tôi” tạo ra sự giả dối. Sự trung thực và khiêm nhường đem lại hạnh phúc trong khi sự dối trá và cái tôi làm tiêu tan hạnh phúc. Một người dối trá sẽ có cái tôi, và cái tôi đó sẽ sinh ra giận dữ. Rồi họ nhanh chóng bị chao đảo. Do đó, chúng ta đừng giữ cái tôi quá lớn, nó sẽ khiến chúng ta nảy sinh ra những vấn đề phức tạp.
Chỉ cần có quyết tâm, cần thấy mình phải làm việc đó. Luôn hướng về Cội nguồn Năng lượng sống, chúng ta sẽ có sức mạnh làm việc đó. Năng lượng từ đó cũng giống như món quà dành cho tâm hồn, nhằm giữ cho tâm trí bình an và trái tim trong sáng.
Khi trái tim trong sáng thì cái “tôi” bị phá vỡ.
Khi một người nào đó có trái tim trong sáng, anh ta có thể học mọi thứ một cách rất dễ dàng. Họ có lòng tự trọng. Họ không né tránh các lỗi lầm. Họ biết học tập từ những lỗi lầm đó, và thấm nhuần đức hạnh.
Và tâm hồn họ sẽ trở nên rất ổn định, tập trung, sáng suốt, và có sự trung thực từ bên trong.
Khi trái tim trung thực, thì tâm hồn tăng thêm sức mạnh. Một người có động cơ trong sáng và thái độ vị tha sẽ được sự đồng hành từ Chân lý Thiêng liêng. Họ luôn luôn nhận được lời chỉ dẫn và sức mạnh từ Nguồn Năng lượng Cao cả, và luôn luôn có khả năng giúp đỡ người khác.
Một trái tim trong sáng và trung thực cũng sẽ tự nhiên trở nên bao dung, quảng đại và sẵn sàng hợp tác. Do đó, các mối quan hệ cũng trở nên bền vững và lành mạnh.
Sẽ không còn có cảm giác nặng nề hay phải cho đi quá nhiều. Cũng không cần thiết phải nói về sự cống hiến của chính mình. Chỉ cần bạn cảm nhận: “Tình thương từ Chân lý Thiêng liêng đã làm nên tất cả”.
Theo cách này, hạnh phúc sẽ là vô tận.