Một cô gái trẻ vừa rời khỏi văn phòng của tôi trong tâm trạng bối rối, đờ đẫn, pha chút tỉnh ngộ. Đó cũng là tâm trạng tôi thường thấy ở nhiều sinh viên mới ra trường. Tôi không phải là bác sĩ mà là Giám đốc nhân sự với nhiệm vụ quản lý nhân viên trong công ty. Công việc thường ngày của tôi là tuyển dụng nhân viên mới cho công ty, tạo điều kiện cho họ phát triển, thưởng - phạt khi cần thiết và theo dõi một số vấn đề khác như việc những nhân viên này về hưu hay tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tất cả những công việc này diễn ra như một chu kỳ không thay đổi suốt 14 năm qua, dù tôi có chuyển công tác đến những công ty khác chăng nữa.
Quan sát nhiều sinh viên mới ra trường, tôi nhận thấy trong năm đầu tiên tiếp xúc với công việc, họ thường bị vỡ mộng. Tôi không nói về sự thất vọng chung chung, bởi đây là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ ai từng đi làm, mà tôi muốn nói đến sự thất vọng mang tính cá nhân. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ đề cập đến những yêu cầu cần thiết đối với một công việc chuyên nghiệp, cách quản lý tiền bạc và nắm được yêu cầu của cấp trên. Trước đây, khi quan sát một nhân viên trẻ tuổi cố gắng đương đầu với thách thức, tôi chợt nghĩ: “Mình có thể làm gì để sinh viên mới ra trường nhanh chóng hòa nhập vào môi trường công sở?”. Trăn trở đó chính là động lực thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này.
Thông qua những chủ đề trình bày trong quyển sách, tôi muốn giúp các bạn phần nào hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc. Với 14 năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý nhân sự, tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ mới vào nghề phạm phải những sai lầm tưởng là nhỏ nhưng rất đáng tiếc. Hậu quả là họ để lại ấn tượng xấu trong lòng cấp trên, hoặc cũng vì thế mà họ tự đánh mất hoài bão nghề nghiệp của mình. Trong những trường hợp ấy, nếu được hướng dẫn trước đâu là điều nên và không nên làm, chắc chắn những sai lầm không đáng có như vậy sẽ không xảy ra.
Khi viết cuốn sách này, đối tượng tôi muốn hướng đến là những sinh viên mới ra trường, những bạn trẻ hiện đang hoặc chẳng bao lâu nữa sẽ bước vào môi trường làm việc mới. Họ là những người năng động, nhiệt tình và đầy hoài bão. Ngoài ra, nếu bạn là người đã đi làm, bạn vẫn có thể dành một ít thời gian để tham khảo cuốn sách này, biết đâu bạn sẽ tìm được trong đó những kinh nghiệm bổ ích, tránh được những sơ suất đáng tiếc.
Thực tế cho thấy một số nhà tuyển dụng cũng có thiện chí tạo điều kiện cho nhân viên mới hòa nhập vào môi trường làm việc. Nhưng thường thì đó chỉ là sự giúp đỡ qua loa, chẳng bao lâu sau đó, những nhân viên này sẽ bị đưa vào “mê hồn trận” và phải tự thân vận động. Một số nhà tuyển dụng cho rằng, đây là cách tốt nhất để các “tân binh” chứng tỏ mình có đủ sức tồn tại trong môi trường ấy hay không. Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này. Theo tôi, làm như vậy chẳng khác nào ta đang bắt nhân viên của mình chơi trò “sinh tử”. Không những thế, đó còn là cách chối bỏ trách nhiệm của những người giữ vị trí dẫn dắt nếu nhân viên mới bị đánh bật ra khỏi môi trường làm việc.
Sỡ dĩ tôi tập trung vào năm đầu khởi nghiệp vì đây là khoảng thời gian ngắn nhưng cực kỳ quan trọng; người ta sẽ dựa vào đó để đánh giá năng lực của bạn. Những điều tôi sắp chia sẻ với bạn sau đây không có nghĩa sẽ giúp bạn trở thành vị lãnh đạo cao nhất, mà đơn giản chỉ là những kinh nghiệm giúp bạn bắt đầu xây dựng nền móng nghề nghiệp vững chắc để có được thành công trong tương lai. Bên cạnh vấn đề làm thế nào tránh được những sai lầm không đáng có, bạn sẽ được tìm hiểu nhiều vấn đề khác, ngoài công việc – những điều bạn vốn không xem trọng nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến nền tảng nghề nghiệp của bạn.
Cuốn sách này không đi vào những kỹ năng cụ thể mà tập trung tìm hiểu các hành vi. Nếu kỹ năng là điều bạn có được dựa trên kiến thức và thực hành thì hành vi là những phản ứng mang tính bản năng. So với kỹ năng thì hành vi phức tạp hơn nhiều. Hành vi của bạn như thế nào thường xuất phát từ tư cách của bạn, chứ không phải ở việc bạn có hiểu biết hay không. Một trong những mục đích của cuốn sách này là đi vào phân tích những hành vi cần và nên tránh trong năm đầu khởi nghiệp.
Chẳng hạn, khi xích mích với ai đó, bạn phản ứng bằng cách tranh cãi lớn tiếng. Đây là điều tối kỵ trong công sở - nơi rất cần tinh thần làm việc tập thể. Khi ai đó nhắc nhở bạn phải bình tĩnh, không nên lớn tiếng, bạn đồng ý và hứa sẽ không để tình trạng này xảy ra. Tuy nhiên, khi gặp một tình huống tương tự, phải đối diện với một mâu thuẫn khác, bạn lại tiếp tục mắc phải sai lầm cũ. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở chỗ, hành vi ấy thuộc một phần bản năng của bạn. Để sửa đổi, bạn cần có thời gian và quyết tâm. Hãy ghi nhớ những hành vi tốt đẹp trong tâm trí, theo đó, hành vi của bạn sẽ dần dần thay đổi theo.
Theo tôi, giai đoạn khởi nghiệp là khoảng thời gian tốt nhất để tự nhận thức về hành vi của bản thân, so sánh nó với điều nên làm hoặc không nên làm trong công ty. Nếu nhận ra rằng, hành vi ấy “trật đường ray” và cần phải sửa đổi thì ngay bây giờ, bạn hãy sửa đổi nó.
Bạn có thể xem cuốn sách này như một cẩm nang gợi ý học tập theo chủ đề. Mỗi chủ đề sẽ có một bài kiểm tra để bạn thử sức. Do không thể biết trước được đâu là tình huống bạn sẽ phải đối mặt trong năm đầu tiên, nên cách tốt nhất, chúng ta hãy đi vào thảo luận tất cả chủ đề. Điều này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và tránh bị sốc trước những khó khăn bất ngờ gặp phải trong môi trường làm việc mới.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta bắt đầu nhé!
- T. Jason Smith