Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (bí danh Ba Cung), nguyên Phó tư lệnh Mặt trận 479, Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia là người con của quê hương Bình Định. Phần lớn thời gian quân ngũ, ông chiến đấu, công tác ở vùng địch hậu và làm nhiệm vụ quốc tế.
Ở đâu, ông và đồng đội cũng dựa vào dân, được nhân dân che chở, đùm bọc. Câu chuyện xảy ra khoảng cuối năm 1960 sau đây là một ví dụ.
Lúc đó, đồng chí Phùng Đình Ấm là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Đức, phụ trách xây dựng và bảo vệ đoạn đường hành lang mới khai thông từ Đăk Mil (huyện cuối của Đắc Lắc) đến đầu tỉnh Phước Long, nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ.
Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện khó khăn chồng chất như lương thực không, quân không, cơ sở trong quần chúng cũng không có… nhưng ông vui vẻ đón nhận với niềm tin vững chắc vào nhân dân. Sau khi bám nắm địa bàn, đồng chí Phùng Đình Ấm báo cáo với Tỉnh ủy Phước Long để xin lực lượng, đồng thời liên hệ với bộ phận hoạt động công khai hợp pháp của Đắc Lắc ở Buôn Ma Thuột chuyển một chuyến gạo để tại cây số 308 trên trục lộ 11. Một đêm hạ tuần tháng 12-1960, 500kg gạo do đồng chí Nguyễn Văn Tùy với vỏ bọc hoạt động lúc bấy giờ là thầu khoán khai thác gỗ ở thị xã Buôn Ma Thuột mang đến được đơn vị tiếp nhận, đưa vào kho an toàn.
Thời gian này, theo quy định của trên, cứ 5 ngày các ông phải tổ chức một chuyến đưa rước khách từ Đăk Mil đến căn cứ “nửa lon” Phước Long. Những ngày không có đoàn đi qua, Phùng Đình Ấm cùng đồng đội tranh thủ tiến hành vũ trang tuyên truyền vào các buôn, sóc trong vùng, nhằm tổ chức nòng cốt trung kiên, xây dựng cơ sở. Và sau một chuyến công tác như thế, quay lại khu đất cất giấu 500kg gạo-vốn quý vừa nhận, ông gặp phen “thót tim”. Khu rừng rậm không còn nữa, nó đã bị đồng bào phát rẫy, cây cối đổ ngổn ngang. Thiếu tướng Phùng Đình Ấm kể trong hồi ký: “Sau một hồi bàng hoàng, chúng tôi bám lại gần thì một bất ngờ ngoài sự tưởng tượng. Khoảng rừng lớn xung quanh đều bị phát sạch, lá vừa héo nhưng khu vực kho gạo của chúng tôi cây cối vẫn tươi xanh. Tôi mừng đến lặng người và bất giác hai hàng nước mắt lăn nhanh xuống má. Tôi hiểu đó là lòng tốt của đồng bào”.
Quả thật sau đó, khi đơn vị tổ chức đón đồng bào trên đường ra rẫy để tìm hiểu tình hình thì được một ông cụ cho biết, khi dân làng chọn rừng phát rẫy không biết ở đó có gạo, lúc phát hiện, họ đoán đó là gạo của “Việt cộng” dự trữ để đánh Mỹ-Diệm, đúng cái ý của người M’Nông nên quyết định để dành rừng giữ kín kho gạo này.
Sự việc trên càng khẳng định niềm tin của bộ đội vào nhân dân. Để những ngày sau đó, như chia sẻ của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, dựa vào dân làng nơi đây, một trạm hành lang trong khu rừng cách đồn Tuy Đức của địch không đầy 1,5km theo đường chim bay, suốt nhiều năm trời hoạt động vẫn giữ được bí mật và tuyệt đối an toàn.
VĂN TÁM