Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày tướng Nguyễn Bình hy sinh, nhưng dường như hình bóng của ông vẫn còn ở lại mãi với Chiến khu Đông Triều…
QĐND – Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày tướng Nguyễn Bình hy sinh, nhưng dường như hình bóng của ông vẫn còn ở lại mãi với Chiến khu Đông Triều. Cụ Bùi Đình Hoàn ở thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một trong những người làm liên lạc ở Đệ tứ chiến khu năm xưa, dẫn tôi đi thăm Khu lưu niệm ở chùa Bắc Mã. Đứng trước tượng tướng Nguyễn Bình, cụ Hoàn thành kính vái lạy, đôi mắt rưng rưng. Cụ kể: “Cả chiến khu lúc đó ai cũng kính trọng tướng Nguyễn Bình, Tổng tư lệnh, bởi ông thao lược lắm, giỏi giang lắm. Lại gần dân và gắn bó, gần gũi với n hem”.
Trước bức tượng tướng Nguyễn Bình, cụ Bùi Đình Hoàn bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm với người thủ trưởng năm xưa. Ảnh: Huỳnh Đăng.
Năm 1935, Nguyễn Bình ra tù và quay lại hoạt động cách mạng. Năm 1944, đồng chí Nguyễn Văn Tuệ (sư Tuệ) đi gặp Nguyễn Bình mời ông về Đông Triều, Quảng Ninh lập chiến khu. Thiếu tướng Lê Mai (nguyên Giám đốc Công an Quảng Ninh, Đội trưởng Đội trinh sát Đệ tứ chiến khu) kể: “Khi Chiến khu Đông Triều được thành lập thì Nguyễn Bình thành Tư lệnh, là người lãnh đạo của chúng tôi. Nguyễn Bình trực tiếp phụ trách công tác quân sự, binh vận và trang bị vũ khí cho nghĩa quân. Theo kế hoạch của Nguyễn Bình, một đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Đông Triều đã được thành lập bao gồm những chiến sĩ tình nguyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương”.
Theo lời kể của cụ Lê Mai, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, phong trào lúc đó sôi nổi lắm, biểu tình tuần hành khắp nơi dồn về văn phòng mỏ, dồn về bên cạnh nhà tên chủ mỏ Mạo Khê v.v.. Cuối tháng 4-1945, Nguyễn Bình về chùa Bắc Mã (xã Bình Dương), thống nhất thành lập lực lượng vũ trang (LLVT) thoát ly. Sau đó, ông về Hải Phòng vận động n hem binh lính ở các đồn địch về với cách mạng. Ông đã mang về được nhiều vũ khí, đạn dược, cả khẩu đại liên, bản đồ đi biển. Cùng với đó, ông mua sắm súng trường, mìn, tiểu liên, lựu đạn mang về chiến khu. Cụ Phạm Hồng Sơn (hiện ở phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) lúc đó là thành viên Đội Thanh niên trung kiên kể: “Vũ khí hiếm lắm, n hem đồng đội phải tự kiếm bằng nhiều cách, có thể mua của bọn Pháp, bọn Nhật, rồi kể cả việc lấy của địch. Muốn mua được vũ khí của địch, phải khôn khéo vận động chúng. Tướng Nguyễn Bình là người làm tốt nhất công việc này”.
Tướng Nguyễn Bình (đứng giữa) chụp ảnh với Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.
Từ số vũ khí và binh lính trong tay, Nguyễn Bình thống nhất lực lượng cách mạng ở Đông Triều, Thủy Nguyên, Chí Linh nhằm chiếm lĩnh một địa bàn rộng lớn. Giữa tháng 5-1945, LLVT tập trung đã được thành lập ở chùa Bắc Mã, bao gồm tự vệ các làng xã, những binh sĩ yêu nước bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tướng Nguyễn Bình. Lực lượng này lớn mạnh nhanh chóng, làm chỗ dựa vững chắc để lập kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 6-6-1945, Nguyễn Bình và lãnh đạo chiến khu đã bàn kế hoạch khởi nghĩa ấn định vào ngày 8-6. Theo lời kể của cụ Hoàn, lúc đó Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy đánh vào huyện lỵ Đông Triều. Khoảng 5 giờ sáng 8-6, Nguyễn Bình phát lệnh xuất quân. Đi đến đâu đoàn quân Việt Minh cũng được nhân dân chào đón. Nguyễn Bình dẫn quân vào phá kho súng của địch, bao vây huyện đường, thu giữ tài liệu, giấy tờ và thóc của Nhật. Các mũi tiến công vào Tràng Bạch, Mạo Khê và Chí Linh cũng giành được nhiều thắng lợi. Sau đó, Nguyễn Bình tổ chức mít tinh ngay tại huyện lỵ tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của Nhật, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh.
Chiều 8-6, Ủy ban Quân sự cách mạng được thành lập, người đứng đầu Ủy ban là Nguyễn Bình. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo đã chính thức tuyên bố thành lập chiến khu mang tên “Đệ tứ chiến khu” (còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo hay Chiến khu Đông Triều), thành lập LLVT chiến khu mang tên “Du kích cách mạng quân” và công bố danh sách Ủy ban Quân sự cách mạng. Việc xây dựng chiến khu đã giúp củng cố lực lượng, nhanh chóng phát triển lực lượng ra một địa bàn rộng lớn ở duyên hải phía Bắc.
Ngay sau đó, Nguyễn Bình đã chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và giành lấy vũ khí ở một số huyện. Cụ Phạm Công Thành (tức Nguyễn Đức Thuần, thành viên tổ công tác binh vận của Việt Minh ở Quảng Yên) hiện đang cư trú ở phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh kể: Lúc đó tôi 21 tuổi, được tham gia vào một tổ đặc biệt gồm 4 người chuyên làm công tác binh vận, vận động lính Nhật quay sang theo Việt Minh, thậm chí còn đề nghị những binh lính, sĩ quan người Nhật theo chúng ta, huấn luyện tác chiến cho Việt Minh. Thêm nữa, chúng tôi phải làm công tác trinh sát theo dõi mọi hoạt động của binh lính Nhật để báo cáo với cấp trên. Bởi vậy, tôi thường được tiếp xúc với các vị cán bộ lãnh đạo của phong trào. Tôi thấy tướng Nguyễn Bình lúc đó tràn đầy dũng khí. Sự chỉ huy của ông góp phần để Quảng Yên sớm giành được chính quyền…
Khi thực dân Pháp đánh chiếm trở lại toàn Nam Bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam lo việc thống nhất các LLVT. Ngày 20-1-1948, ông được phong quân hàm Trung tướng và cử làm Tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Khi Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10-1948, ông làm Tư lệnh, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Tháng 9-1951, ông lên đường ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới, bị quân Pháp phục kích và hy sinh tại tỉnh Stung Treng, Cam-pu-chia. Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
PHẠM HỌC
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 13/9/2016)