Bầu trời sáng lên một màu trắng như da ở bụng cá, gió thổi cuốn cát vàng bay, giương cao ngọn cờ, mười vạn đại quân tập trung ở ngoài cửa Tây thành Thông Dương, tiếng trống trận dừng, con người cũng tĩnh mặc lại.
Y Nặc Hoàng tử xông lên trước, trèo lên đầu tường, đưa mắt nhìn ra xa. Dưới ngọn cờ, là áo giáp quen thuộc, lưng thẳng như cây bút, tay cầm đại đao nặng tám mươi tám cân, giống như mũi lao cắm trên lưng ngựa không bao giờ biết mệt mỏi, chỗ lông mày cong có ánh sao lạnh lóe qua.
Là cô ta, đúng là cô ta.
Hoàng tử không nhịn được mỉm cười, hàm răng trắng như tuyết, giống như nanh sắc của con sói đói, khua tay, đội cung nỏ tiến lên trước, giương cung lắp tên, chỉ về phía những binh sĩ đang nâng thân gỗ cực lớn chuẩn bị công thành.
“Hứ! Đúng là không coi Đông Hạ ra gì?!”. Hiệu lệnh còn chưa phát ra, quân lính vẫn chưa hành động, đại Hoàng tử đã dẫn quân đuổi đến tường thành, ở phía sau nhìn lên, to giọng dặn dò: “Nghiêm phòng tử thủ! Để xem con đàn bà này còn có thủ đoạn gì!” Sau đó cảnh giác nhìn sang Y Nặc Hoàng tử, ra lệnh: “Người chỉ huy trận chiến này phải là ta”.
Sự tập trung của Y Nặc Hoàng tử bị gián đoạn, nghe thấy những lời này của đại Hoàng tử, cực kỳ phẫn nộ, không kìm chế được: “Việc ta hận nhất trên đời này, chính là có người huynh đệ ngu như lợn như ngươi”.
Đại Hoàng tử rút đao: “Cẩu tạp chủng! Ngươi đang nói gì vậy?!”.
Hoàng tử Y Nặc lớn giọng nói: “Đồ ngu dốt! Đã đến giờ phút này rồi! Nhìn cho kỹ đi, Liễu Tích Âm là thích khách của Đại Tần, phụ hoàng đã chết, mấy vị thủ lĩnh bộ tộc vì thế mà hôn mê bất tỉnh, ngươi còn muốn tranh giành nội bộ trước mặt quân địch hay sao? Có phải muốn quân địch phá vỡ tường thành, làm cho đại quân bị giết sạch mới chịu thôi hả?”.
“Nói năng hồ đồ!”. Đại Hoàng tử vẫn kiên trì quan điểm của mình: “Đừng quên, cô ta là mỹ nhân do Kỳ Vương đích thân đưa đến. Ngươi thử nói xem, tại sao Kỳ Vương mưu phản lại đưa thích khách của Đại Tần đến Đông Hạ giúp đỡ Hoàng đế? Ngươi cho là khắp thiên hạ này đều là đồ ngu chắc?! Nếu như không phải là ngươi xúi giục phụ hoàng, ép Kỳ Vương vào bước đường chó cùng dứt giậu, sự tình có đến nước này không?!”.
Hoàng tử Y Nặc cũng không hiểu được tại sao Kỳ Vương lại đưa thích khách của Đại Tần đến, anh ta cứng họng, một lúc lâu sau mới nói: “Hoặc là ông ta không biết Liễu Tích Âm có quan hệ với Đại Tần”.
Đại Hoàng tử cười lạnh nhạt: “Chứng cứ đâu?”.
Lùi bước cũng có nghĩa là từ bỏ ngai vàng, lùi bước cũng có nghĩa là con đường cùng bị tính sổ vào mùa thu.
Biết làm sao khi đang trong cảnh đại quân ép sát, nghìn vạn thù hận cũng phải để lại phía sau. Hai người còn nhìn nhau thêm chốc lát, cuối cùng cũng bình tĩnh lại, tạm thời bắt tay, chỉ huy bộ lạc của bên mình, cùng nhau chống lại quân địch.
Biết rõ đó là cạm bẫy, nhưng từ bỏ lại là con đường chết, bọn họ không ai có thể dùng hai tay đem ngai vàng dâng cho đối phương cả.
Bên ngoài thành Thông Dương, trong đại quân.
Lần đầu ra chiến trường, tim Hạ Ngọc Cẩn chưa bao giờ đập nhanh đến thế, áo giáp nặng trịch trên vai, tay cầm thanh trường đao, bên tai gió rít, khói lửa chiến tranh rực rỡ, giấc mộng thuở thiếu thời đã thành hiện thực mà không dám tin. Chân do cưỡi trên ngựa nên từng đợt từng đợt tê mỏi, từng thớ thịt trên vai đều mệt mỏi, đầu óc không cách nào suy nghĩ nổi, nhưng cậu vẫn ngồi rất thẳng trên lưng ngựa, học theo ánh mắt sắc bén giống như Diệp Chiêu, nhìn vào thành Thông Dương, trên mặt phảng phất vẻ của một lão tướng đã nhiều năm trận mạc, không có chút sợ sệt.
Trịnh tướng quân không ngừng đưa ra các chỉ thị bố trí, cải trang thành Trại Ngọc Lang dùng giọng của Diệp Chiêu để ra lệnh, đội tiên phong bắt đầu tấn công nghi binh.
Tất cả mọi người ai giữ phận sự người đó, đều đợi tín hiệu đưa ra, Diệp Chiêu xông đến cửa Tây, cũng là lúc tập hợp để tổng tấn công.
Khói bay lên, tín hiệu được phát đi.
Trong thành Thông Dương, tiếng giết người chấn động trời xanh, kho lương thảo lửa ngút trời. Hoàng tử Y Nặc kinh ngạc quay đầu lại, trong lòng nhận ra lại trúng vào độc kế của Diệp Chiêu, lập tức lệnh cho quân rút về phòng ngự, xem xét tình hình địch.
Có binh sỹ trấn thủ Đông thành liều chết chạy thoát, dùng chút sức lực cuối cùng báo tin, rằng tướng quân Diệp Chiêu câu kết với sứ tiết Kỳ Vương cải trang, xâm nhập vào cửa Đông, đánh vào kho lương của quân mình.
Đại Hoàng tử chưa bao giờ gặp Diệp Chiêu, không rõ cô tướng mạo ra sao, có chút hoài nghi: “Nếu Diệp Chiêu ở phía sau, tên ở phía trước là ai?”.
Đồ Ba theo Hoàng tử Y Nặc thừa cơ nói: “Kỳ Vương sứ tiết là giả, Diệp Liễu Nhi hành sự theo lệnh của Kỳ Vương sứ tiết, có thể thấy con tiện phụ đó là thích khách do Đại Tần phái tới”.
Tướng quân Nặc Nhĩ Khải đi sau đại Hoàng tử cười lớn: “Tôi thấy lạ là người đẹp làm sao lại làm việc ngu ngốc? Hóa ra có người giả truyền mệnh lệnh Kỳ Vương, lừa cô ta”. Nói trăm nghìn lần, bọn họ có chết cũng không thừa nhận Diệp Liễu Nhi có quan hệ với Đại Tần: “Đúng là cô nương đáng thương, bị người ta lừa làm bia đỡ đạn”.
Đồ Ba tức giận, lệnh cho người tiếp tục thẩm vấn tra khảo Diệp Liễu Nhi.
Đáng tiếc thay tướng quân Nặc Nhĩ Khải chỉ sợ đêm dài lắm mộng, sợ Diệp Liễu Nhi nói ra những lời không nên nói, nên đã sớm sắp đặt người, ra tay trong khi thẩm vấn, làm sao cho cô ta mau chóng chết đi.
Đại Hoàng tử hận cô ta giết chết cha mình, lại nhớ đến những ngày tháng quấn quýt mê đắm kia, phải vĩnh biệt giai nhân, lòng đau như cắt. Vì sự tự tôn của nam nhi, anh ta tự thuyết phục mình tin theo lời của tướng quân Nặc Nhĩ Khải, chắc như đinh đóng cột rằng Diệp Liễu Nhi bị người ta lừa gạt, mới ra tay, cuối cùng vẫn bảo vệ mình, chịu đựng sự đánh đập cũng không khai ra những lời có hại cho anh ta. Cho nên, anh ta mang tất cả thù hận chất lên người Hoàng tử Y Nặc và Kỳ Vương. Nếu như không phải hai tên cẩu tạp chủng này, sự việc đâu tệ đến mức này?
Hoàng tử Y Nặc không để ý đến tâm sự của huynh trưởng, anh ta nhìn chằm chằm vào Diệp Chiêu trong đại quân, nói: “Mở cửa thành, điểm binh, nghênh chiến trực diện”.
Đại Hoàng tử lắc đầu: “Trước sau đều có địch, rút”.
Hoàng tử Y Nặc nói: “Diệp Chiêu ở phía trước có lẽ là giả, chỉ cần vạch trần bộ mặt thật, lòng quân chắc chắn sẽ bị lung lay, có thể thừa thắng truy đánh, đây là cơ hội tốt nghìn năm hiếm có”.
Đại Hoàng tử kiên quyết làm trái lại với anh ta: “Diệp Chiêu ở phía sau lẽ nào không có khả năng là giả mạo? Không thể mang người của bộ tộc vào nguy hiểm được!”.
“Ngươi muốn rút, cứ rút!” Hoàng tử Y Nặc không để ý đến đại Hoàng tử, dẫn tướng sỹ của mình theo, mặc áo giáp, ưỡn người nghênh chiến.
Tướng quân Nặc Nhĩ Khải vội vàng hỏi: “Đại Hoàng tử, chúng ta làm sao đây?”.
“Ngang ngạnh!”. Đại Hoàng tử vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ, đột nhiên cười nhạt: “Nhờ vào trận này cho hắn chết chẳng phải càng tốt sao? Chúng ta tập hợp quân lính tinh nhuệ, tìm người mang theo cả những thủ lĩnh bộ tộc đang hôn mê đi, rút theo cửa Nam!”.
Từ cửa Đông đến cửa Tây, tốc độ chậm hơn so với dự tính, Hạ Ngọc Cẩn đợi mãi chưa thấy Diệp Chiêu đến, lại thấy Y Nặc Hoàng tử bất ngờ mở cửa thành, dẫn thiết kỵ Đông Hạ, khí thế ngút trời, đánh địch chính diện. Trong lòng anh ta rất lo lắng, cán đao trong tay ướt đẫm. Trong đầu cứ vẳng lên ba chữ “làm sao đây”.
“Quân địch tiến công, nhất định phải nghênh tiếp”. Trịnh tướng quân dứt khoát nói: “Mời chủ soái ra lệnh”.
Nhưng, trên vai là bộ áo giáp không cách nào động đậy được, dưới là con tuấn mã không quen thuộc, trên tay là thanh đao giả chỉ cần đụng vào là gãy.
Quận Vương gầy yếu phải chiến đấu thế nào đây?
Nếu nghênh chiến, chân tướng của chủ soái giả mạo sẽ bị lộ, phải làm thế nào?
Nếu không nghênh chiến, chứng tỏ chủ soái nhát gan, tình hình sẽ càng xấu hơn.
Thời gian không thể kéo dài được.
Tướng quân và cận vệ vây quanh Hạ Ngọc Cẩn rơi vào sự hoang mang tột cùng, người thông minh đã có thể dự cảm được cục diện lòng quân lay động, binh bại như núi đổ.
Ai có thể tránh được sóng dữ?
“A Chiêu nói với ta”. Hạ Ngọc Cẩn nâng đại đao lên, lắc cái cổ kẹt cứng, kiêu ngạo ngẩng đầu lên: “Cô ấy nói rằng việc một chủ soái cần làm lúc này chỉ có một…”.
Tất cả mọi người đều không chớp mắt nhìn anh ta.
“Văn tử gián, võ tử chiến. Càng là cục diện càng khốc liệt, tướng quân phải đi lên trước! Cho nên, theo ta…” Hạ Ngọc Cẩn nhấc đao lên, chỉ về hướng Y Nặc Hoàng tử, đạp mạnh sườn ngựa, ra lệnh như sấm rền: “Theo ta xông lên!”. Trại Ngọc Lang vội vàng phát lệnh thay anh ta.
Tuấn mã màu trắng, bóng người màu bạc, tiến lên như bay trên trời, không hề do dự, xông thẳng vào quân Đông Hạ.
Cho dù có rắc cạn máu, cho dù có rơi đầu, cho dù biết chắc là sẽ chết, anh ta vẫn phải mang hết dũng khí của tất cả tướng sỹ, xông về phía trước.
Bởi vì…
“Ta là đại tướng quân binh mã thiên hạ!”.
Tướng không sợ chết, lính có gì sợ?
Tướng sỹ Đại Tần được sự anh dũng của chủ soái cổ vũ, không chịu yếu thế, phóng ngựa theo sát, sỹ khí dương cao, thề cùng chủ soái vào sinh ra tử.
Tiếng trống trận lại vang lên, cờ bay phấp phới, tiếng hô hét chấn động bầu trời.
Trong vạn quân xông lên, anh ta cưỡi ngựa đi đầu.
Hoàng tử Y Nặc trên vai có vết thương cũ, cứ đau ê ẩm, anh ta quyết tâm giơ tay lên, lính cầm cung lại lắp tên lên, bắn ra.
Theo tiếng gáy của gà trống, sao mai trên bầu trời dần dần khuất đi.
Khắp trời là màn mưa tên, trùm lên hình dáng màu bạc kia.
Ở phía đầu tường của thành Thông Dương, mặt trời dần dần nhô lên ở hướng Đông, có cờ của đại quân Tần mở ra nghênh đón mặt trời.
Máu nhuộm Tu La, tay cầm roi sắt, dẫn đầu tinh binh, lao xuống…
Người dân Đại Tần không bao giờ là cừu non cả. Thiên tử vương thất, văn võ bá quan, văn nhân thư sinh, con buôn đầy tớ, nhìn thì có vẻ như yếu ớt dễ bị bắt nạt, nhưng lúc thực sự bị áp bức, bất luận là tướng sỹ kiên cường, nữ lưu yếu đuối đều sẽ đứng lên, dùng sinh mệnh dùng máu tươi thề chết để phản kháng. Tinh thần của họ giống như dòng sông chảy mãi không ngừng, dù cho có bảo kiếm sắc bén thế nào cũng không thể chặt đứt sự kiên cường và sự tôn nghiêm từ trong cốt cách.
Từ xa xưa nhu có thể khắc cương.
Vó sắt từ xa vọng tới, hổ sói cũng ngậm hờn.
Trong tiếng kèn lệnh hộ vệ sơn hà.
Kẻ xâm lược sẽ thất bại mãi mãi.
“Ngọc Cẩn, đánh xong trận rồi, đã về đến doanh trại rồi, sao còn không xuống ngựa? Ngây ra đấy làm gì?”.
“A Chiêu…”.
“Không ngờ chàng lại thích con Đạp Tuyết đến thế? Ôm mãi không chịu buông tay”.
“Tôi… Ta sợ đến nỗi khắp người tê cứng rồi, không động đậy được…”.
“Hí…”.
“Khốn kiếp, không được cười, mau đỡ phu quân của nàng xuống ngựa, không được để người khác nhìn thấy, nếu không ta bỏ nàng luôn!”.
“Tuân mệnh”.
Năm mười lăm triều vua Đức Tông, Kỳ Vương làm phản, câu kết cho Đông Hạ vào xâm lược, đại tướng quân Binh Mã Thiên Hạ Diệp Chiêu dẫn quân chống địch. Đông Hạ Vương chết trong trận chiến, đại Hoàng tử Ha Nhĩ Đôn rút lui, tam Hoàng tử Y Nặc bị thương, quần vương tranh giành quyền lực, Đông Hạ rơi vào cảnh hỗn loạn năm mươi năm liền.
Năm mười sáu triều vua Đức Tông, Kỳ Vương bị giáng tội, ban cho cái chết, có tên hiệu là “Bái”. Sau khi chiến tranh kết thúc, Nam Bình Quận Vương cùng vợ Diệp Thị đưa linh cữu vô danh về kinh, giữa đường sinh được một con trai, Vua rất vui mừng, ban cho tên là Thiên Hựu.
Năm mười bảy triều vua Đức Tông, hai nhà Diệp Liễu nhiều lần thương lượng, linh cữu vô danh nhập vào mộ phần nhà họ Diệp, trên bia viết họ Diệp Liễu, dẫn đến nhiều sự nghi ngờ, Liễu gia và vương phi Nam Bình Quận Vương không nói, nên thành huyền án thiên cổ.
Năm mười tám triều vua Đức Tông, Thần Vũ tướng quân Thu Lão Hổ do phẩm hạnh xuất chúng, Thái hậu tuyên ý chỉ, công chúa Vinh Dương góa bụa nhiều năm, chồng thì ngang ngược, vợ thì dữ dằn, sở thích hợp nhau, cho thành vợ chồng suốt đời tôn trọng chăm sóc nhau.
Năm mười chín triều vua Đức Tông, vương phi Nam Bình Quận Vương sinh một con gái, phong làm Hoa Hà quận chúa.
Năm hai mươi ba triều vua Đức Tông, Thái hậu qua đời.
Năm ba mươi tư triều vua Đức Tông, Hoàng đế băng hà, Thái tử đăng cơ, lấy niên hiệu là Đức Minh.
Năm thứ ba triều vua Đức Minh, Nam Bình thế tử Hạ Thiên Hựu chăm chỉ đèn sách, đỗ khoa cử, Nam Bình Quận Vương và vợ bày tiệc liên tiếp mười ngày, vô cùng xa hoa. Theo như ghi chép, vương phi say, đập bàn: Tổ tông mười tám đời phù hộ! Nam Bình Quận Vương đã say đáp: Toàn vì giống ta! Quận chúa Hoa Hà nói: Em nguyện giúp anh tiếp tục khổ luyện đèn sách.
Năm thứ tư triều vua Đức Minh, Nam Bình thế tử chạy trốn.
Năm thứ năm triều vua Đức Minh, Nam Bình thế tử bị bắt về, lấy Lâm Thị con gái cả của học sỹ Hàn Lâm Viện làm vợ.
Năm thứ sáu triều vua Đức Minh, Quận chúa Hoa Hà chạy trốn.
Năm thứ bảy triều vua Đức Minh, Quận chúa Hoa Hà được gả cho con trai thứ của Tướng quân du kích.
Năm thứ mười lăm triều vua Đức Minh, Thiên Hạ Binh Mã Đại Tướng quân Diệp Chiêu cởi bỏ giáp, trao lại ấn soái.
Năm thứ mười sáu triều vua Đức Minh, Nam Bình Quận Vương dẫn vợ bỏ trốn, đi khắp Nam Bắc, chốn thành thị nơi sông nước đều có dấu tích của họ. Hành hiệp trượng nghĩa, thời đó ai ai cũng biết, được bách tính rất yêu mến.
Năm hai mươi ba triều vua Đức Minh, Nam Bình Quận Vương cùng vợ trở về.
Năm hai mươi tám triều vua Đức Minh, Nam Bình Quận Vương qua đời, thọ sáu mươi tám tuổi, vương phi rất đau buồn. Được táng ở Hoàng Lăng, bách tính đều gọi là mộ “Hiệp Vương”.
Năm ba mươi triều vua Đức Minh, Nam Bình Quận Vương Phi qua đời, hưởng thọ bảy mươi hai, ba quân đưa tang, Vua đích thân dẫn bá quan đến, truy phong Thái tử Thái Bảo, Tuyên Võ Công, hiệu “Chung Chinh”. Lập bia “Nữ tướng quân thư”, phường hát dân gian có sách “Diệp gia nữ tướng”, “Nữ tòng quân hành”, “Chinh liệt truyện” lưu truyền thiên cổ.
“Nghĩ lại năm xưa, ông đây đơn thân độc mã, xông thẳng vào doanh trại quân địch, tay cầm đại đao tám mươi tám cân, thật sự uy phong lẫm liệt! Làm quân địch sợ đến nỗi chỉ nghe tiếng đã vỡ gan, thấy ngựa trắng của ta từ phía Đông đến, lập tức chạy về phía Tây, thấy ngựa ta từ phía Nam đến, lập tức chạy trốn về phía Bắc. Đó chính là khí phách của đại tướng quân, nhớ lại năm xưa…”
“Hồ gia gia nói, là do ông không biết gì, cứ làm bừa xông lên tiên phong, toàn bộ binh lính thân cận vì bảo vệ ông, nên ai cũng bị dọa cho chỉ còn lại nửa tính mạng”.
“Hồ gia gia còn nói, may mà bà đến kịp, liều chết đánh đuổi, mới kéo được ông về”.
“Cái tên Hồ Ly toàn nói láo! Ông con làm gì có chuyện nhát gan đến thế?! Không tin đi hỏi bà con xem!”.
“Con không tin đâu, việc gì bà cũng thuận theo ông hết, hỏi cũng vô ích”.
“Đúng thế đúng thế, ông nói mặt trăng vuông, bà chắc chắn sẽ nói là nó có góc nhọn! Chúng con không tin đâu!”.
“Đây gọi là gì nhỉ?”.
“Lang bái vi gian?” (câu kết với nhau làm việc xấu)
“Rắn với chuột cùng một hang?”.
“Cáo mượn oai hùm?”.
“Hai tên tiểu tử thối! Thành ngữ không biết thì đừng có dùng tùy tiện, ta và bà con lấy đạo tôn trọng phu quân hiểu chưa? Lại quên lời giáo huấn rồi phải không?! A Chiêu! Lại đây! Dạy cho cháu nàng biết thế nào là quy tắc!”.
“Bà, không phải chứ?! Chúng cháu là những đứa cháu ngoan quý giá nhất của bà mà! Bà mau bỏ gậy xuống đi!”.
“Ông ơi, cứu cháu với! Chúng cháu sai rồi!”.
“Ông ơi, chúng cháu không dám nữa!”