I.
Duy hãm xe, tắt máy rồi quay sang phía Nga nói:
- Còn kịp chán. Tầu đường này bao giờ cũng chậm ít ra là nửa giờ.
Vừa mệt vừa chán, Duy thở dài một cái thật mạnh rồi quặt hai tay chống vào lái xe, yên lặng đợi Nga nhặt các thức lặt vặt rơi trên đệm. Nga đưa mắt nhìn Duy, nói đùa:
- Cấm anh không được buồn đấy. Em về cố lên ngay.
Duy vội vàng mỉm cười và tươi tỉnh nét mặt, nhưng việc cỏn con ấy chàng thấy sao nặng nhọc, khó khăn thế! Không phải chàng buồn vì tiễn Nga đi. Sau bao nhiêu ngày gần gụi Duy đã chán hẳn Nga, người mà lúc mới gặp chàng tướng có thể yêu mãi mãi chứ không như những tình nhân trước. Thấy Nga đòi về Hà Nội vì có việc nhà, chàng sung sướng như được thoát nợ. Duy dựa vào câu nói của Nga làm như mình buồn sắp từ biệt Nga để khỏi phải cố vui gượng:
- Vui làm sao được. Chắc đâu còn gặp nhau nữa.
Câu nói khách sáo ấy chàng đã nhiều lần dùng để đuổi nhẹ các cô tình nhân hay bám riết, nhưng lần này là lần đầu chàng ngượng mồm vì đã nói dối; cái nguýt lẳng lơ của Nga đáp lại câu nói sao chàng thấy trơ trẽn thế và chàng tự thẹn với mình khi nhận thấy mình cũng trơ trẽn như một con đĩ khi tiễn khách đi. Duy nói dối không phải vì sự ngượng với Nga; chàng có thể giở mặt với Nga như không được nếu trước sau chàng vẫn khách sáo với Nga cũng như với mọi người khác; nhưng lần này, trong khi còn mê man người mới, chàng đã nói sẽ yêu Nga trọn đời, mãi mãi mà nói một cách rất thành thực; chàng phải cố gượng để khỏi nhận thấy sự thay đổi rất nhanh chóng của mình, để khỏi ngượng vì mình đã giở mặt với chính mình.
Nga cũng hiếu rằng Duy có ý muốn đuổi mình. Nàng không yêu Duy, nàng về ở với Duy vì Duy là một người tình nhân dễ chịu, giàu có và tính hào phóng. Nếu Duy thực tình yêu nàng thì nàng cũng có thể bỏ cái đời ăn chơi để trở lên một người vợ rất ngoan của Duy được. Nhưng hôm đầu, nàng đã phải cố làm ra cao thượng, không để ý gì đến tiền của, vì nàng thấy Duy đối đãi với mình như đối đãi với một người vợ rất yêu thương. Bây giờ nàng thật hết hy vọng; nàng biết chắc là Duy đã chán rồi và dẫu nàng có quay lại Vĩnh Yên, Duy cũng trốn tránh không để nàng gặp mặt nữa. Duy cũng chỉ như những người đàn ông khác đã gặp. Nàng không buồn và cũng không tiếc, vì dẫu sao nàng cũng đã được sống một cách rất dễ chịu bên cạnh Duy trong bấy lâu.
- Mấy giờ rồi anh?
- Năm giờ kém mười lăm, còn thong thả chán.
- Thế à? Thích nhỉ!
Nga vừa nói vừa để ý nhìn cái đồng hồ đeo tay của Duy, cái đồng hồ vàng nàng đoán đáng giá trăm bạc.
Xuống xe, Duy nhường Nga đi trước; mấy người đàn ông mặc âu phục đứng trong ga nhìn Duy và Nga đi lại. Họ thì thầm nói với nhau, mắt vẫn nhìn về phía hai người. Đã quen rồi nên Duy không thấy ngượng khi biết có người ngắm nghía mình; chàng đi có phần mạnh bạo hơn. Tấm khăn (san) mong manh của Nga theo gió đưa ngang qua mặt Duy, với một luồng hương thơm của phấn và nước hoa. Dưới bước chân nhẹ của Nga, bụi hồng là là bay từng làn trên mặt đường. Gió buổi chiều lành lạnh ở phía bắc thổi về phía Tam Đảo; chàng không nghĩ hẳn đến một cảnh nào nhưng chàng thoáng thấy ở đâu rất xa, như ở trong sương mù, một nỗi buồn không cỗi rễ vẫn yên lặng đợi chàng và hiện ra mỗi khi chàng quên những cái bên ngoài, âm thầm nghĩ đến lòng mình. Khi chợt nhận thấy mình nghĩ sâu vào trong như vậy, Duy vội vã đập mạnh hai bàn tay vào nhau như mọi lần để thôi khỏi nghĩ.
Tuy trong lòng như vậy mà chàng vẫn có cái thú tự kiêu lúc bước vào nhà ga, bên cạnh một thiếu nữ đẹp và sang trọng, Những người đứng gần cửa, Duy thấy họ lùi lại sau, để nhường chỗ cho Nga và chàng bước qua. Thoáng thấy có người quen, Duy tự nhiên khó chịu; chàng muốn lánh mặt và chàng thấy Đạm cũng có ý lùi lại sau, trốn tránh, nhưng cả hai người đều không kịp, đành phải gượng cười giơ tay bắt tay nhau.
Đạm giới thiệu Duy với các bạn:
- Ông Duy... một nhà doanh nghiệp.
Câu giới thiệu ngập ngừng và giây phút yên lặng theo ngay sau rất khó chịu cho Duy. May sao vừa lúc ấy Nga cất tiếng giục lấy vé.
Đạm hỏi:
- Ông xuôi Hà Nội?
- Không, tôi ra tiễn... người nhà.
Ra đến ngoài, Duy rủ Nga đi về phía “ghi”.
Chàng chỉ mong xe lửa đến ngay lúc đó, nhưng chuyến xe lại chậm hơn nửa giờ. Duy đứng lại lấy mũi giầy hất những hòn sỏi, thẫn thờ nói:
- Có lẽ hôm nay chín giờ tàu mới đến Hà Nội.
Mắt Nga bỗng long lanh nhìn vào chiếc đồng hồ ở cổ tay Duy:
- Anh xem lại mấy giờ.
- Hơn năm giờ. Xem mãi thì tàu đến chậm vẫn đến chậm như thường.
Nga cười rồi mở ví lấy bông đánh phấn:
- Em không chừa được cái tính hay hỏi giờ luôn. Trước em có cái đồng hồ của anh ấy cho tốt quá, đánh mất ngay.
Duy nói luôn:
- Cái đồng hồ này cũng tốt. Em cầm lấy dùng tạm, hôm nào lên lại đem trả lại anh.
Biết là Nga có ý muốn xin mình cái đồng hồ nên Duy vồn vã đưa ngay để Nga khỏi phải ngượng ngập lựa lời nói cho ý rõ thêm, Chàng mừng rằng tìm được một cách trả nợ Nga mà không phải tủi tay đưa tiền. Hai người nhìn nhau. Duy nói:
- Em hay xem giờ thì hay nghĩ đến anh.
Nga cười bỏ đồng hồ vào ví. Duy thấy sung sướng lộ ra nét mặt và chính chàng cũng sung sướng, nhẹ hẳn người đi. Duy chắc rằng nhờ cái đồng hồ, Nga không bao giờ trở lên với chàng nữa. Chàng vụt nhớ đến hôm nào cùng Nga ngồi bên bờ suối ở cánh đồng Ba Xứ và câu chàng nói với Nga:
- Trong đời chúng mình yêu nhau mãi như thế này.
Duy thấy cái gì cũng giả dối; chàng muốn cố tìm cho mình một cái chân thật mà rồi lần nào chàng cũng phải trở nên dối trá với mình. Chàng muốn cố bám vào một thứ gì vững chãi nhưng chỉ hời hợt, bấp bênh. Đã bao lần như thế rồi nên chàng không tin ở chàng nữa, đành cứ chịu sống cái đời mà chàng đã chán nhưng yên trí trời đã định cho mình.
Tiếng còi xe lửa làm cho Duy và Nga đều giật mình. Duy nói:
- Hôm nào em lại cố lên nhé?
Nga rút khăn tay, nói rất khẽ như nghẹn ngào:
- Giá em cứ được ở mãi trên này với anh có hơn không? Em sợ về thì đẻ em không cho đi nữa.
- Số giời định như thế. Hôm qua anh cũng vừa nhận được thư nhà gọi về gấp nhưng phải giấu em.
Duy thấy những câu nói không thật của cả hai người đều có giọng cảm động như những câu từ biệt của đôi tình nhân rất thương tiếc nhau. Nga giơ khăn tay lên mặt. Duy vội can và giục Nga lên xe. Nga vừa kịp ló đầu ra cửa là xe chạy. Nàng giở khăn vẫy; Duy đứng yên nhìn theo cho đến khi xe đi vòng vào con đường sẻ qua đồi. Cả chuyến xe chỉ còn như một mảng vuông từ từ nhỏ dần rồi khuất hẳn.
Duy thấy một sự yên tĩnh mông mênh ùa vào tâm hồn; bao giờ cũng vậy, khi một cuộc vui mê mệt với các bạn đến lúc hết, chàng thấy trơ vơ đứng một mình ở đời, mệt mỏi, và có một sự yên tĩnh hiện ra, sừng sững như một dãy núi cao lớn, nặng nề mà người bộ hành về chiều thấy đứng dựng trước mặt khi dừng chân ngửng đầu lên nhìn.
Duy ấn gót giầy xuống sỏi, xoay người một vòng rồi thổi sáo miệng nhìn ngang ngửa. Chàng tự hỏi thầm:
- Mình làm cái gì bây giờ?
Chàng thọc hai tay vào túi quần rồi thong thả đi ra khỏi ga. Nhớ chưa có diêm, Duy chạy lại quán hàng nước; chàng ngồi xuống ghế, lật bát và lấy một cái bánh bóc ăn.
Ánh trăng thượng tuần soi mờ mờ xuống sân. Trên con đường về tỉnh bụi bay lên lúc nãy vì xe tay đi qua, trông mơ hồ như sương tỏa. Duy muốn cử động chân tay cho đỡ bứt rứt; nghĩ vậy, nhưng Duy chỉ ngồi yên, thừ người ra, hai tay chống lên đùi, bàn tay bỏ thõng, và đầu gục xuống, mỏi mệt như không bao giờ còn có sức cất lên được.
Mấy người nhà quê gầy gò vào ngồi cạnh chàng; bà hàng nước vui vẻ hỏi chuyện:
- Chuyến này đi khá không, ông cụ?
- Cũng chả có gì, bà ạ. Vất vả hơn mọi lần nhiều mà chẳng ăn thua gì cả.
Ông cụ nhìn đứa bé đương bú, hỏi bà hàng:
- Bà mới ở cữ!
- Vâng, cháu được hai tháng. Nó thứ tám đấy, ông cụ ạ. Hàng bán một ngày một ế ẩm mà con thì lốc nhốc một lũ. Không biết ông giời có cho đủ lực mà nuôi không.
- Lo gì. Giời sinh voi giời sinh cỏ.
Duy ngồi yên như không để ý đến. Song những mẩu chuyện vẫn lọt vào tai chàng, những câu ca thán về đời sống hàng ngày không có gì đáng kể ấy sao chiều hôm nay lại vang động vào tâm hồn chàng một cách thấm thía đến thế. Duy không buồn riêng gì cho họ; chàng buồn là buồn cho tất cả cuộc đời sống bao la và chán nản, trong đó có chàng. Duy thấy lạnh ở vai; chàng tưởng như một mình chàng phải chịu tất cả những nỗi buồn của hết thảy các cuộc đời trên thế gian. Sau những khi mải vui chơi, uống nhiều rượu và thức suốt đêm dòng, chàng vẫn có cái cảm tưởng ác nghiệt và vô lý ấy. Chàng thường tự nhủ nếu thôi không chơi bời quá độ nữa thì cảm tưởng đó sẽ mất, nhưng lần này chàng lại chắc không phải vì cớ ấy nữa rồi. Duy lẩm bẩm:
- Tại sao vậy, vì lẽ gì?
Không hiểu rõ vì lẽ gì nên chàng lại mất cả ý quyết định chừa chơi bời đã mấy tháng nay. Chàng trả tiền, đứng thẳng dậy và trong trí ẩn ra cái ý phóng ô-tô lên Việt Trì rủ mấy anh em bạn đi hát, rồi vui đùa cho hết cách, uống rượu cho thật say, cho quên hết đi. Chàng vẫn sợ những cái thú tai hại ấy, nhưng cái sợ đó không thấm đâu với cái sợ vừa thoáng qua óc chàng; cái ý tưởng quyên sinh mà chàng thấy lẩn quất đâu đó như một kẻ gian náu hình trong bóng tối. Quên, quên đi được, đó là điều cần thiết nhất cho chàng lúc đó.
Đi hết dãy phố Vĩnh Thịnh, Duy cho xe phóng thật nhanh. Nhìn về phía ấp nhà, chàng sực nhớ đến bức thư giục chàng về ngay. Đã lâu lắm chàng chưa về thăm nhà.
- Về thì chẳng có chuyện gì. Thêm buồn cho tất cả mọi người, mà nhất là buồn cho mình. Chịu sao nổi!
Trên lưng chừng sườn núi, ánh đèn điện ở Tam Đảo trông như một sợi dây kết bằng sao lấp lánh. Chàng lại tưởng như một đám rước đèn Trung Thu, nhất là đêm hôm ấy trời sáng trăng. Duy chợt nghĩ đến những ngày còn thơ đi rước đèn trên những con đường trắng xóa dưới ánh trăng rằm. Sao những ngày ấy chàng dễ vui thế; một cái đèn xếp màu hoa lý cũng đủ khiến chàng sung sướng được đến mấy ngày. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ đến nỗi tức bực của chàng khi mẹ chàng bắt nhường cái đèn hoa lý cho Thơ, vì Thơ ít tuổi hơn.
Những ngày ấy bây giờ đối với Duy thực là xa lắm rồi.
II.
Duy đỗ xe trước cổng nhà. Nhìn không thấy đèn sáng, Duy khó chịu vì chàng đoán Hoàng lại bỏ cửa hiệu đi chơi. Cửa hiệu bán đồ phụ tùng xe đạp này Duy lập ra ở Việt Trì và giao cho một người cháu họ trông nom, không phải là để buôn bán mà chỉ cốt tránh tiếng, lấy chỗ đi lại chơi bời cho tiện. Ít lâu nay, Duy thấy Hoàng hay giao du với những bạn mà chàng biết là những tay thích ăn chơi và ham mê cờ bạc. Chàng khó chịu vì chàng không muốn Hoàng cũng bị sa vào cái cảnh khốn đốn mà chàng đương tìm cách thoát khỏi.
Duy gõ cửa. Trong khi đợi, bất giác chàng gục đầu vào tường, trán đặt trong lòng bàn tay. Có tiếng mở then; Duy vội vàng đứng thẳng dậy vì chàng không muốn họ tưởng lầm rằng chàng buồn vì nhớ tiếc một người nhân tình.
Thấy Hoàng, Duy làm bộ vui vẻ hỏi:
- Có gì lạ không?
Không đợi Hoàng trả lời, chàng hỏi luôn tới mấy người bạn chàng định rủ đi chơi tối ấy:
- Ông Kính và ông Nghiệp có nhà không, cháu?
- Thưa chú, có ạ. Các ông ấy cũng vừa lại đây tìm chú lúc nãy.
- Thế à? Tốt lắm.
Chàng nói luôn miệng hai tiếng “tốt lắm” và vừa nói vừa bước lên thang gác ra vẻ một người không có sự gì lo nghĩ bận đến óc.
Có ánh trăng lọt vào phòng. Duy không bật đèn vì chàng không cần lấy gì cả; bao giờ cũng vậy, sau một chuyến đi vắng lâu, chàng về qua nhà là chỉ cốt cho đủ lệ thường.
Có tiếng Hoàng ở ngoài hỏi vào:
- Chú muốn uống nước để cháu pha?
- Không, chú không uống gì cả. Chú đi ngay bây giờ.
Nói là đi ngay và cũng muốn đi ngay đến nhà Nghiệp, Kính nhưng nửa giờ sau chàng vẫn ngồi yên trong ghế bành. Chàng đã định rủ anh em đi chơi cho quên đi, nhưng chàng vẫn lưỡng lự ngồi trốn lại đón lấy cái buồn và nhất là nghĩ kỹ hơn về cái ý tưởng quyên sinh lẩn quất trong óc chàng. Duy muốn can đảm đem cái ý đó ra cân nhắc để xem nó có thực hay không; chàng không sợ chết nếu chàng biết hẳn rằng không có lẽ gì giữ chàng sống lại ở đời; như thế còn hơn là để cái ý đó mơ màng, hiện ra lại mờ đi, làm chàng sợ và đau khổ hơn là cái chết thực.
Duy đút hai tay vào túi quần rồi lững thững đi ra phía cửa sổ, úp mặt vào giữa hai chấn song sắt. Cả một vùng rộng, mờ mờ trong sương mùa thu, dưới ánh trăng, hiện ra trước mắt. Vẫn cảnh mọi ngày sao lúc đó Duy thấy nó rộng bao la và cũng lúc đó chàng thoáng nhận thấy hết cả cái trống rỗng của đời chàng.
Ánh đèn trong các thuyền và các nhà bè phía bên kia sông lấm tấm vàng thành một vệt dài. Một làn trắng, không rõ là khói hay cát, bốc lên ở ngoài bãi xa rồi lẩn vào trong ánh trăng. Núi Tản Viên vẫn rõ hình; sau làn sương, quả núi mờ như xa hẳn và vì thế trông tưởng núi cao lớn hơn mọi ngày. Quả núi ấy, ngay từ thuở bé, luôn luôn Duy trông thấy trước mắt, và chàng vẫn coi nó như một sự gì rất hùng tráng, nhìn vạn năm nay yên lặng đứng bao quát cả một vùng, một sự rất lớn lao nhưng xa xôi không bao giờ chàng tới được.
Duy nghĩ đến cái cảm tưởng chàng đã có từ lâu, cái cảm tưởng rằng khi chàng bắt đầu được sống, là chàng bắt đầu được làm một công cuộc rất quý trọng và đời chàng cũng như ngọn núi kia sẽ là một vẻ đẹp hồn nhiên hiện ra trong ánh sáng của thế gian. Nhưng cái cảm tưởng ấy chỉ là một cái mộng tưởng; chàng thấy nó xa xôi như ngọn núi cao đẹp kia mà chàng chỉ được đứng ngắm nhìn và mong ước mãi. Duy đã thấy mình bỏ phí mất cả một đời, mà từ nay về sau chàng không còn có phương gì cứu vớt được nữa.
Duy thấy những cái đẹp mà chàng đã đánh mất ấy lúc nào cũng canh cánh bên chàng như một sự ăn năn không bao giờ nguôi; chàng tiếc đời chàng như tiếc một người yêu không bao giờ còn gặp mặt.
Ngày trước chàng không có gì cả, chưa được hưởng một thứ gì của đời, nhưng lúc nào chàng cũng vui vì chàng cứ sống không cũng đủ vui rồi. Bây giờ chàng đã trải qua hết các lạc thú của đời mà chàng vẫn như là không có một thứ gì; chàng chỉ cốt tìm vui để quên sống đi chứ không phải là sống và vui chỉ vì được sống ở đời.
Duy đánh diêm châm thuốc lá hút. Chàng nhổ mạnh mấy sợi thuốc dính ở môi và cúi nhìn xuống đường cái. Vừa lúc đó có hai người đàn bà đi ngang; Duy trông dáng dấp đoán là hai “me tây”. Một người đưa tay vẫy Duy. Duy giơ tay vẫy lại nhưng chàng cũng không cố nhìn rõ xem ai. Chàng gạt tàn thuốc lá, nghĩ thầm:
- Quyên sống đi.
Tiếng một con mối kêu ở sau lưng chàng. Duy nhớ lại nhiều lúc ở nhà quê, nghe tiếng mối kêu về mùa đông đương khi sung sướng nhằm trong chăn, thiu thiu sắp ngủ. Rồi giấc ngủ đến êm đêm, như có một nàng tiên yêu kiều khẽ phủ lên chàng một tấm thảm nhung đen thắm để chàng ấm áp thêm. Duy ngẫm nghĩ:
Quyên sống... sao không quên hẳn đi.
Duy nhắm mắt lại. Chàng tưởng cái chết sẽ êm ái như giấc ngủ của chàng khi còn trẻ lại. Chàng sẽ quên hết và cái tối đen trong chiếc áo quan chôn dưới đất chàng thấy trước rằng nó cũng đen như một tấm nhung đen của nàng tiên.
Trong một lúc, trí chàng nghĩ rộng ra và loăng quăng tìm những thứ có thể giữ chàng lại ở đời; chàng nghĩ đến bố mẹ, anh em và Khoa, một người bạn rất thân của chàng đã bỏ nhà đi xa, không biết đi đâu. Một vài kỷ niệm êm đẹp nổi bật lên, như những ngọn cỏ non nhô lên trên mặt gương xám và lạnh của một mảnh ao tù.
Duy quay mặt nhìn lại vì chàng thấy rùng rợn ở sau gáy. Bóng chàng in trong chiếc gương tủ đứng; chàng yên lặng nhìn chàng một lúc lâu và đem lòng thương hại cho mình như thương hại một người đau gần lúc chết, Duy đưa mắt nhìn khắp gian buồng. Nếu lúc đó có cái súng lục ở tay, chàng sẽ coi việc quyên sinh giản dị như không. Chỉ một cái bấm cò khẽ, chưa chắc đã khó nhọc bằng cái bấm cò đầu tiên khi chàng bắn con chim thứ nhất. Duy thu tay ôm lấy hai vai, rồi gục xuống bàn, khói thuốc lá làm chàng cay mắt; chàng chớp luôn mấy cái, mong cho nước mắt ràn ra vì chàng chỉ muốn có thể khóc lên được ngay lúc đó.
Duy cứ ngồi gục trên bàn như thế lâu lắm. Chàng thôi không nghĩ ngợi gì nữa và nghịch lấy ngón tay miết bóng ngón tay in trên hình bàn.
- Ngủ đấy à? Về đây mà ngủ à, như thế?
Duy giật mình khi nhận được tiếng Kính, chàng ngáp dài một cái thật to, vui vẻ nói:
- Cha Kính, cha Nghiệp đấy à? Sao biết tớ về đây mà sang hầu?
- Vừa gặp con Lê Thi, nó bảo trông thấy thằng Khương Duy đứng ở cửa sổ. Nó bảo chắc thằng Khương Duy đau bụng.
- Lê Thi đấy à? Thế mà tớ không biết.
Rồi Duy cười vì câu nói khôi hài của Lê Thi.
Nghiệp vừa bật đèn vừa bảo:
- Ăn cơm chưa?
- Chưa, lúc nào ăn cũng được.
Nghiệp quay lại nhìn Duy tỏ vẻ kinh ngạc:
- Mày sao thế? Bơ phờ như thằng chết trôi.
Kính nói luôn theo:
- Đáng kiếp! Ai bảo mê gái, bỏ bạn. Hôm nọ mình gặp anh chị, anh chị lờ hẳn mình đi.
Duy ngồi nghiêng người dựa vào thành bàn, áp má trên cánh tay gập chéo, lơ đãng nghe Nghiệp và Kính nói chuyên. Nghiệp nhận thấy dáng mệt mỏi của Duy, chạy đến kéo tay lôi dậy:
- Đi!
Duy vừa ngáp vừa hỏi:
- Đi đâu bây giờ? Hạc Tri?
Nghiệp nói:
- Hạc Tri thì thường rồi. Có cảnh khác thường mới thú. Chúng tôi để phần anh ở nhà bè.
Duy đưa mắt hỏi Kính:
- Thú thực không?
- Thú thực.
Duy mỉm cười:
- Thế à! Tí nữa thì hoài của.
- Sao lại hoài của?
Duy vội nói chống chế:
- Vì đã toan ngủ. Mà tớ đã ngủ là không bao giờ tớ dậy nữa.
Duy lại phía gương rút lược chải tóc. Chàng nhìn hai con mắt của chàng trong gương, dịu vẻ mặt để tự an ủi mình như an ủi một người bạn thân và thấy lòng nguôi nguôi dần.
III.
Duy chớp luôn mấy cái cho đỡ cay mắt rồi duỗi thẳng hai chân và hai tay, yên lặng nhìn lên đình màn. Chàng muốn được nằm yên như thế mãi, muốn người tê liệt hẳn đi, muốn cả óc cũng tê liệt để khỏi nghĩ ngợi nữa.
Chàng thấy Lan xoay người nằm sát vào người chàng; tóc Lan chạm vào má làm chàng thấy hơi ngứa nhưng chàng không muốn cất tay gạt tóc ra. Một mùi nước hoa rẻ tiền phảng phất giống hương nhài xông lên và như đượm lấy hơi nóng trong chăn. Đêm qua, trong lúc đắm đuối mê man về xác thịt, mùi nước hoa rẻ tiền và quê mùa ấy đã cho chàng một cái thú hơi là lạ. Đã lâu lắm chàng mới lại nằm với một cô đào quê, trong một cái nhà bè; căn buồng nhỏ xinh với bức màn the dầy và thấp phủ xuống chiếc chiếu cạp hoa còn thơm mùi cói đã cho chàng được hưởng một cái thú khác hẳn những cái thú sang trọng và ý nhị vẫn hưởng xưa nay. Nhưng trong buổi sáng lạnh và thanh khiết, mùi nước hoa quá nồng nặc và âm ấm khiến chàng ghê tởm; cô đào quê béo mũm mĩm đối với chàng thành thô tục và chàng có cái cảm tưởng rằng quần áo và da thịt chàng bị dơ bẩn vì hơi nóng của người cô đào chuyền sang thấm vào người chàng.
Hai bàn chân chàng thòi ra ngoài chăn và lạnh buốt vì gió lọc từng cơn qua khe liếp, nhưng chàng vẫn để yên không kéo chăn vào. Tiếng người gọi nhau vang trên sông; một chiếc thuyền qua làm nước sông lên kêu róc rách trong các khe nứa dưới sàn nhà.
Duy thốt nhiên thấy lòng mình lắng xuống; chàng vừa sực nhớ đến những ngày đã lâu lắm, từ khi còn trẻ dại ở nơi quê nhà, những ngày xa như thuộc về kiếp trước của chàng. Cả tuổi thơ đã êm đêm trôi qua bên con sông Luống nhỏ bé và thân yêu. Có một lần cậu bé Duy ra vườn chanh đứng khóc, nhìn qua lũy tre, mải ngắm làn hơi trắng lan trên mặt nước rồi nguôi dần và quên khóc. Đến khi cậu sực nhớ ra định khóc tiếp nhưng nước mắt đã khô rồi; cậu cố mãi cũng không thể khóc được nữa, và cứ lấy làm tiếc và ân hận mãi.
Nhớ lại Duy mỉm cười. Trong mấy năm trời say đắm trong các thú vui trụy lạc, Duy đã nhiều lần muốn rứt bỏ, nhưng mỗi lần có cái ý định đó thì chàng lại chúi đầu vào đám vui chơi nhiều hơn lên, mong sao chơi cho thật chán đi để có đủ can đảm thôi hẳn. Chàng cũng như đứa bé đã nguôi tức rồi còn cố khóc cho chán chường để khỏi ân hận tiếc về sau. Nhưng chàng muốn xa lánh mãi vẫn không được; sau ít ngày, chàng lại nhớ tiếc cái đời vui thú chưa chán hẳn hay ít ra còn dễ chịu hơn cái đời bình thường mà chàng thấy vô vị buồn nản lạ. Chàng chán cả sự sống rồi nên đứng trước đời sống bình thường chàng vẫn ân hận tiếc những cuộc vui nó đã giúp chàng quên được sự sống. Chàng lại tự bảo:
- Còn sống được như thế thì hãy cứ sống như thế có sao đâu?
Rồi chàng lại dấn mình vào cuộc đời vui thú trụy lạc. Càng ngày Duy càng thấy chán hơn và càng thấy khó rứt bỏ hơn trước. Lòng chán sự sống cũng tăng dần; tuy ngày sắp đến chàng biết chỉ đem lại cho chàng toàn những thú vui cả mà lúc nào chàng cũng nơm nớp sợ những ngày sắp đến. Chàng mang máng không muốn sống như thế này nữa, nhưng chàng không biết sống khác là sống thế nào và sống khác để làm gì.
Muốn thôi nghĩ, Duy ngồi nhỏm dậy, lấy tay đập mạnh vào vai Lan rồi vừa ngáp vừa nói:
- Sáng rồi dậy thôi, cô mình!
Duy ra ngoài đánh thức hai bạn dậy. Qua cửa sổ, chàng thoáng thấy mặt nước sống lóng lánh sáng và những gợn nước làm rung rinh những ánh hồng, ánh lam của bóng mây. Màu xanh của núi Tản Viên xa thẫm lại và mát dịu như vì ướt sương ban đêm.
Nghiệp thức giấc hỏi:
- Dậy làm gì sớm thế?
Như cái máy, Duy đáp lại:
- Tôi về ấp thăm nhà. Mai thế nào tôi cũng ra rồi cùng xuôi Hà Nội.
Nhưng tâm trí chàng vẫn chăm chú vào tiếng một người đàn bà nói ở xa xa:
- Bán mau mà về cho sớm.
Câu ấy không có gì lạ cả, chỉ là một câu nói thường của cuộc đời sống hàng ngày, nhưng lúc đó Duy thấy tâm hồn mình vang lên như một tiếng chuông và cả một thế giới lạ vừa hé mở ra trước mắt chàng như cảnh sông núi lộ ra sau cửa sổ ban nãy.
***
Duy về nhà lấy xe. Hoàng đợi cùng đi nhưng chàng từ chối vì chàng không muốn có ai bên cạnh. Tuy mệt Duy cũng cho ô-tô phóng hết sức nhanh. Chàng ấn còi điện luôn tay và thấy người con gái nào trông dáng đằng sau hơi đẹp là lượn xe sát hẳn. Chàng nhớ đến những cô con gái xinh đẹp ở ấp nhà và vẻ mặt ngây dại đầy thèm muốn của họ khi nhìn chàng. Tự nhiên Duy thấy hồi hộp thèm muốn. Chàng nhớ đến đào Lan và so sánh Lan với những cô con gái quê trong sạch mà chàng đã cám dỗ. Duy nghĩ thầm:
- Độ này gặt lúa chắc đông đủ cả.
Nghĩ vậy, chàng thấy về thăm nhà đỡ ngại hơn trước.
Một chiếc ô-tô ngược lại, Duy dận “ga” cho xe phóng thật nhanh và tinh nghịch lái xát hẳn vào xe kia.
Yên lặng một lúc lâu, bỗng Duy tự hỏi thầm:
- Có nên không?
Chàng đăm đăm nét mặt và lấy làm lạ về câu tự hỏi, không định mà thốt nhiên buột miệng ra như một lời ăn năn vẫn ngấm ngầm trong khi chàng đương mải tránh xe và đã tưởng là không nghĩ đến ý muốn cám dỗ ám muội kia nữa. Chàng thấy khó chịu và tự nhủ:
- Không nên thế.
Nhưng thực ra chàng vẫn nghĩ: “Có hại gì đến ai đâu” và chàng thấy lòng mình rung động hồi hộp như sắp được hưởng một cái thú mới mẻ.
Bối rối, Duy vội kết thúc bằng một lời than để tự tha thứ:
- Bao giờ cho thoát được! Mình chỉ là một người yếu ớt như mọi người.
Chàng nghĩ đến những hành động của các chủ ấp khác và tự cho mình cũng chưa đến nỗi kém họ.
Duy quặt xe sang phía tay trái để đi vào con đường về ấp. Đường nhỏ, Duy hãm xe đi rất thong thả. Chàng bỏ mũ để cho gió thổi mát tóc và mát hai bên thái dương. Trước mặt Duy, giữa đám ruộng lúa xanh còn ngậm mầu, những thửa ruộng lúa yêu, lúa di chín sớm, màu vàng tươi, sáng hẳn lên, trông như những mảnh ánh nắng. Hai bên đường những ngọn lúa nặng hạt nằm ngã rạp vào bờ cỏ may hồng. Tiếng bánh xe chạm vào lúa nghe rào rào và châu chấu bay lên đậu cả vào trong xe, trên mũ, trên áo Duy. Những con châu chấu đều một loạt màu vàng như màu lúa và trông tưởng chừng như chúng nó cũng vừa mới chín theo lúa.
Xe đương đi bỗng tắc nước “săng”. Duy gắt lên một tiếng, hãm xe lại rồi xuống lấy kim loay hoay tháo ốc.
Trời nắng to hẳn lên. Duy thấy bóng mình in rõ trên đường sáng. Một cơn gió heo may đưa qua, thoảng mùi lúa chín thơm như cốm; cát ở đường bay lên thành một làn trắng mờ rồi là là quyện lấy các cây lúa.
Duy đương lom khom xoáy ốc, bỗng ngừng tay, yên lặng như chờ đợi một sự gì chàng chưa biết rõ, nhưng đoán là rất quan trọng. Bên người Duy, những bông thóc dáng cong cong gió đưa đẩy lắc lư rất thong thả; những ngọn lá nhọn đâm vút lên cao, màu vàng, trong như hổ phách; qua khe lá đan nhau ánh nắng đọng ở dưới gốc lúa còn ướt nước chiếu lên sáng chói. Ngoài xa nữa, lúa chín hàng nghìn hàng vạn bông đều đều rung động vui vẻ đón lấy sức ấm của mặt trời, đón lấy ánh sáng ở trên cao tỏa xuống như bụi vàng.
Ánh sáng, lúa chín, gió lạnh và thơm... Duy vẫn cúi lưng, tay chống vào tai xe; chàng nín thở, không dám động đậy. Chàng vừa thoáng thấy biết bao nhiêu sự vui sống, cả một đời sáng đẹp mà bấy lâu chàng chỉ được đi bên cạnh, gần mà vẫn như xa không bao giờ tới được. Duy lại nhớ đến những ngày trong sáng hồi thơ ấu, một nửa đời của chàng mà chàng tưởng đã qua hẳn rồi; ánh sáng với màu lúa vàng kia chàng thấy là biểu hiện của những nỗi vui xưa vẫn còn ở đây đợi chàng và đương lấp lánh như gọi chàng.
Chỉ một lúc tình cờ cúi xuống chữa xe, chàng lại thấy cái cảnh đời đẹp đẽ vẫn mơ ước trở về với chàng, gần ngay cạnh chàng. Cảnh đời mà chàng muốn sống thay vào cảnh đời buồn nản, trụy lạc hiện giờ, chàng vừa mới tìm thấy mà tìm thấy một cách rất tự nhiên, ngay một lúc bất ngờ, không định tâm tìm kiếm.
Duy say sưa như người đột nhiên nhận được tin mừng, tin một người yêu cũ ở xa sắp trở về. Chàng lấy làm lạ rằng lại tìm được thấy ngay trong một lúc dễ dàng như thế nhưng chàng có ngờ đâu rằng cái mà chàng vừa mới thấy, chàng vẫn tìm kiếm từ lâu lắm rồi. Đột ngột quá, Duy chưa dám tin hẳn, chàng luống cuống tự hỏi:
- Có thật hay không?
Thực ra, Duy không tìm thấy gì hết. Nhưng chàng thêm được một thứ rất khó tìm là lòng chàng đã đổi khác: không phải là một đời mới đợi chàng mà chính là một người mới đã thay vào người chàng.
Duy ngửng lên, tự kiêu nhìn ra chung quanh đồng ruộng. Chàng lim dim mắt lại và choáng váng vì tưởng như thấy nhiều ánh sáng, nhiều gió quá tràn vào trong tâm hồn. Song chàng vẫn ngầm thấy một nỗi phấp phỏng lo sợ rằng mình vừa tự lừa dối mình.
Về phía tây, ngọn núi Tản Viên hùng tráng in lên nền trời xanh nhạt. Ngắm hình núi, Duy tưởng tượng ra một con đại bàng khổng lồ đã sống từ đời thái cổ, cúi đầu dương hai cánh như chực cất mình bay nhưng không bao giờ bay lên được.
IV.
Duy cúi mình múc nước trong bể đổ ra thau. Ánh sáng phản chiếu chạy loang loáng trên bức tường trắng, trên lá cây rồi thong thả dần và dừng lại trên tường thành một vùng sáng rung rinh. Duy rút chiếc khăn bông ở dây thép rồi dúng hai bàn tay vào thau nước; một cơn gió heo may vừa thoáng qua và nước lạnh khiến chàng rùng mình một cách sung sướng. Duy tẩn mẩn ngẫm nghĩ đến những cái vui cỏn con của sự sống, chàng đứng yên ngắm nghía vẻ trong của nước mưa và những làn sóng lăn tăn chạy trên bàn tay. Duy rửa mặt rất thong thả; chàng vẫn định sáng hôm nay ra Việt Trì nhưng một ý tưởng trái ngược lại vừa mới đến bảo chàng không nên ra nữa. Duy lưỡng lự và lấy làm khó chịu rằng một việc rất tầm thường như thế cũng làm chàng băn khoăn. Chàng nghĩ ngay đến câu hứa với hai người bạn: “Mai thế nào tôi cũng ra” và chàng cho đó là một cớ bắt buộc chàng phải ra Việt Trì để khỏi sai lời hẹn.
- Vả lại mình ở nhà cũng chẳng biết làm gì!
Mặc quần áo xong, Duy ra đứng ở hiên nhà đợi ăn sáng. Chàng ngạc nhiên thấy cái ô-tô của mình ai đã cho ra đỗ trước thềm. Chàng hỏi to, giọng gắt gỏng:
- Ai đánh xe ra đây thế?
Hiền sợ hãi chạy ra:
- Bẩm, cậu dặn con hôm qua rằng sáng nay đánh xe ra cậu đi Việt Trì.
Duy không có cớ để tức nữa, gật đầu rồi nói:
- Anh đánh xe vào “ga-ra” ngay lập tức cho tôi.
Duy nhìn cái ô-tô lừ lừ tiến về phía nhà “ga-ra” rồi đứng tựa vào bao lơn, trong người nhẹ nhõm.
Chàng đành sai hẹn với các bạn, một lời hẹn không có nghĩa lý gì còn hơn là chính mình sai hẹn với mình. Thâm tâm chàng từ hôm qua vẫn ngầm bảo rằng nên ở lại ấp, đi là nguy hiểm và sẽ lại bị lôi kéo vào những cuộc vui cũ. Chàng thấy sự quả quyết ấy chỉ khó khăn đối với mình thôi, còn đối với mọi người trong nhà thì việc chàng đi hay không đi chẳng có một chút quan hệ gì. Nếu chỉ ở lại một, hay hai ngày thì việc quyết định ấy cũng không khó khăn lắm; Duy ngại là vì sự quyết định nhỏ nhặt ấy có bao hàm một ý nghĩa rất to tát đối với chàng: chàng đổi cả cách sống và như thế suốt đời.
Duy cố sức nhưng không thấy lại được cái cảm giác say sưa êm thú sáng hôm qua khi cúi mình tháo ốc xe. Chàng rất lấy làm ngại khi nghĩ rằng đã phải vất vả bao nhiêu mà kết cục để làm gì? Để sống mãi một cuộc đời mà chàng chỉ thấy vô vị.
Duy biết trước là sau này sẽ sung sướng, nhưng hiện nay thì chỉ có nhẽ phải bảo chàng như thế chàng không sao cảm thấy và cảm được mạnh mẽ để giúp can đảm cho mình. Chàng tự nhủ sẽ cố sức nhưng chính sự cố sức ấy làm chàng đau đớn; chàng sẽ phải cố sức từng giây từng phút một và như thế chưa chắc đã ăn thua gì, - biết đâu lại không như mấy lần trước, chỉ một phút chán nản cũng đủ mất công bao nhiêu ngày. Cái nơm nớp sợ sa ngã trước kia nó đã đưa chàng một cách chắc chắn đến sự sa ngã.
Duy nghĩ đến bao nhiêu bạn của chàng quằn quại ở trong vòng trụy lạc, không ra thoát, khác nào như những con thiêu thân sa vào màng nhện, càng rẫy rụa cánh càng xơ xác và vướng chặt thêm. Duy đưa mắt nhìn quanh như người cầu cứu và trong ý thương hại các bạn, chàng lại thấy ngầm nảy ra cái vui tự kiêu và ích kỷ rằng chàng thì chàng thoát được lần này.
Thấy cái vui đương e ấp lộ ra, chàng lại sợ hãi như người đương cầm vật gì quý giá và rất mong manh; Duy muốn yên lặng, thôi nghĩ để hạt sương vui mới long lanh trong lòng chàng khỏi tan đi.
Ngay lúc ấy, người quản lý chạy ra mời Duy ăn sáng. Chàng vui vẻ bước vào phòng, nhìn đĩa xôi lạc hơi còn bốc nghi ngút, xoa hai tay khoan khoái. Liễn nói:
- Thưa ông xôi mới ở ấp bên cụ đưa sang hôm qua.
Duy ăn một miếng to; chàng thấy ngon miệng và hương thơm của nếp mới gợi chàng nghĩ đến những vụ mùa hồi còn bé, khi chàng còn sống luôn ở ấp, những ngày nắng hanh, rơm mới cắt về phơi đầy sân, trong không khí thoảng hương lúa thơm, và châu chấu bay khắp nơi, đậu cả bên trên màn, trên giường ngủ của chàng. Duy thấy cái vui ngày mùa náo nức quá, rạo rực quá, hàm cái ý ngầm báo trước một sự trống rỗng mênh mông như khi lúa vàng đã cắt hết, chỉ còn trơ lại cánh đồng chân rạ phẳng lì và vắng vẻ dưới trời ám mây. Mấy năm nay, chàng trải qua nhiều lúc vui, nhưng trong khi vui thái quá, chàng vẫn nơm nớp sợ hãi cái trống rỗng ghê gớm của đời chàng nó theo liền sau. Vì đã nhiều lần như thế rồi, nên lúc này, khi thấy cái vui e ấp lộ ra trong lòng, chưa chi chàng đã chăm chú lo sợ cái vui ấy mất đi. Chàng ngẫm nghĩ:
- Sao ta không hồn nhiên, bình tĩnh nhận lấy sự sống như người bộ hành đương khát nhận được bát nước suối? Có lẽ nếu ta không đi tìm những thú vui nhất thời để quên sống thì ta có thể sống rất bình thường mà vui mãi trong lòng được.
Duy đưa mắt nhìn Liễn, tự hỏi:
- Không biết anh ta có sung sướng không? Nếu mình chịu khó mãi mới được như anh ta thì cũng chẳng hay ho gì.
Chàng lại thấy sinh ra nghi ngờ cái nhẽ phải của cuộc đời; chàng không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì hết, và tự nhủ thầm rằng có lẽ cuộc đời chỉ có nghĩa lý đối với những người không nghĩ đến nghĩa lý cuộc đời bao giờ.
Bao nhiêu ý tưởng và cảm tưởng trái ngược, chỉ trong một lúc, thay đổi nhau rồn rập đến, khiến Duy không biết đâu là sự thực.
Chàng lại thấy cái ý quyết định sống hẳn ở ấp bị lung lay. Thấy vậy, Duy không dám nghĩ ngợi nữa; chàng thong thả gắp xôi ăn, nhìn ra ngoài sân nắng, chăm chú nhai rất kỹ, vô tư lự như con trâu nhai cỏ khi về nằm trong chuồng. Duy thấy lòng mình như mặt nước còn đương sóng sánh trước khi lặng hẳn, và chàng hãy cố ngồi đợi cho lòng mình lắng xuống đã.
Qua khung cửa trống ở phía vườn sau, bóng một người con gái vụt đi ngang qua. Tấm áo trắng sáng hẳn lên dưới ánh nắng. Vì có chiếc nón che khuất mặt nên Duy không nhận rõ là ai. Chàng quay lại hỏi Liễn:
- Ai thế?
Liễn nhìn ra, nhưng chỉ thấy bóng trắng thấp thoáng sau lũy tre:
- Tôi không nom rõ. Chắc lại cô Thơ ra trông gặt.
Duy buột miệng nói to, giọng đùa bỡn:
- Mời cô vào xơi nước đã.
Duy thấy bóng trắng dừng lại sau lũy tre một giây rồi lại đi thẳng và chàng đợi mãi không thấy tiếng trả lời. Duy khó chịu, ngẫm nghĩ:
- Làm gì cô ấy chẳng nhận ra tiếng mình.
Chàng mỉm cười nhìn Liễn. Nhưng thấy Liễn nhìn lại mình có vẻ khác, chàng vội nghiêm ngay nét mặt lại. Chàng vừa mới nhận ra trong giây phút chàng đã ngầm coi Thơ như những người con gái gặp trong các cuộc vui, và chàng ngượng khi ngờ rằng Liễn đã đoán được ý tưởng bất chính của mình.
Vội vàng, chàng hỏi Liễn:
- Không biết cụ Tham có nhà không?
- Hình như có đấy ạ.
Cố lấy giọng bình tĩnh, Duy nói:
- Lát nữa phải sang thăm cụ mới được.
Nhưng tâm trí chàng đương chăm chú vào một nỗi băn khoăn mới nhóm lên trong lòng. Nghĩ lại các cử chỉ không được thẳng thắn của mình ban nãy, Duy buồn rầu nhận thấy cuộc đời trụy lạc đã in sâu vào tâm hồn chàng những vết nhơ không bao giờ phai. Xưa kia chàng vẫn coi Thơ như một người em gái yêu quý, cái tình yêu ấy chàng vẫn giữ được trong sạch ở trong lòng. Duy không ngờ rằng mấy năm sa ngã đã thay đổi tâm trí chàng đến nỗi khiến chàng có thể thốt ra lời nói lơi lả làm gợn bẩn đến cả thứ tình yêu cao quý và thanh khiết. Điều nhận xét ấy làm Duy phấp phỏng lo sợ phải mang mãi cái gánh nặng của những điều lầm lỗi đã qua, suốt đời không bao giờ rũ sạch.
Chàng đứng dậy, nhìn ra ngoài hiên, cố xua đuổi những tư tưởng hắc ám. Ánh nắng tỏa xuống sân gạch rộng, phủ bụi vàng lên những đống rơm mới cắt, lấp lánh trên những giọt sương còn đọng lại trên lá tre, ngọn cau. Một cơn gió mát ở ngoài đồng lúa lùa vào: quần áo phơi trên dây thép phất phơ như từng mảnh ánh sáng lay động, Duy khoan khoái đón lấy gió, nhìn ra xa.
Bỗng chàng thoáng thấy sau lũy tre những miếng trời sáng như một sự mơ ước đẹp đẽ nhưng xa xôi, chàng trông thấy trước mắt nhưng không bao giờ tới được. Duy rùng mình nghĩ đến thân thế, trong óc nảy ra cái ý tưởng so sánh cuộc đời giản dị trong sạch chàng muốn sống với những mảnh trời xa, chàng mong ước đi đến, rồi lưu luyến mãi không dứt nhưng cái đời trụy lạc lại là bức tường, lũy tre ngăn giữ chàng lại. Tuy cảm thấy tâm trí chàng ươn hèn, không đủ sức để chiến đấu nữa. Chàng tự khinh mình. Lòng tự khinh ấy có đã lâu lắm; bao nhiêu cuộc hành lạc của chàng trong mấy năm sa ngã đều bị lòng khinh miệt ấy đánh dấu và hạ thấp xuống; những giây phút chàng miệt mài vui thứ nhất đều như ngấm một nỗi chua chát mênh mông. Bây giờ, chàng mới rõ, chính những nỗi chua chát ấy do lòng tự khinh mà ra, đã đem giấn chàng vào sự buồn nản, sự trống rỗng không cùng sau những ngày vui rộn rịp.
Một mảnh áo trắng bị gió thổi tung lên là là rơi xuống đất, Duy nghĩ đến Thơ:
- Không biết Thơ có khinh mình không? Duy thở dài. Tự nhiên chàng như thấy trước rằng nếu gặp Thơ, nhìn nét mặt của cô con gái trong sạch xưa kia vẫn kính mến chàng, chàng sẽ nhận thấy rõ lòng khinh bỉ ghê gớm của Thơ. Duy lấy làm lạ rằng ý nghĩ ấy lại xui giục chàng sang chơi bên ông Tham để gặp mặt Thơ; hình như linh tính báo cho Duy biết rằng dẫu Thơ có khinh, nàng vẫn không ghét mình. Trải qua mấy năm sống tầm thường, đốn mạt, cái căn bản tốt chàng vẫn còn thấy nguyên vẹn ở trong thâm tâm như ở trong một bông lan rất kín đáo nhưng vẫn thoảng hương nhắc chàng nhớ đến.
Duy lại vụt thấy trở lại cái ý muốn tha thiết sống thế nào cho sáng tỏ cái căn bản tốt của mình, để lấy lại những nỗi vui không gợn đã mất đi. Ý muốn ấy giúp Duy có can đảm rời bỏ cuộc sống trụy lạc mạnh hơn là những câu khuyên răn về luân lý; chàng vẫn biết từ lâu rằng những sự khoái hoạt của cuộc sống bê tha kia là tai hại, nhưng sự biết ấy không giúp cho Duy dược gì cả: Chàng chỉ có can đảm bỏ khi nào chàng cảm thấy có một cách sống đẹp đẽ và sung sướng hơn để thay vào cách sống kia.
Thấy cái ý muốn ấy vụt đến, Duy chỉ vui vẻ và cố sức nuôi lấy cho mạnh mẽ thêm, chàng yên lặng để ngẫm nghĩ đến một nỗi vui êm dịu đương nhẹ nhàng tràn vào tâm hồn và lần này càng nghĩ đến, Duy càng nhận thấy nỗi vui ấy nở dần ra như một bông hoa đương giãn cánh đón lấy nắng ấm.
Cách sống mới sẽ thế nào, chàng cứ yên để cho ngày tháng trôi đi như dòng sông Luống êm đềm lắng bóng mây giữa hai bên bờ cỏ xanh tươi, hay chàng phải cố sức tìm cách hành động nào có thể làm nảy nở bông hoa đương giãn cánh trong lòng, Duy chỉ thấy lờ mờ không rõ. Chàng cũng không giám để tâm trí đi sâu hơn nữa, vì chàng e lại gặp một ý tưởng ngang trái đến làm rối loạn cả sự yên tĩnh của linh hồn.
Duy quay mình vào, miệng thổi sáo se sẽ vớ lấy chiếc mũ rồi mạnh dạn bước xuống sân. Con chó lai sồ lại gần, phe phẩy đuôi, ngước mắt ướt lên nhìn chàng. Hiên chạy đến hỏi:
- Cậu có đi ô-tô để con đánh ra?
Duy khó chịu không trả lời chỉ lắc đầu rồi bước ra ngoài cổng. Chàng đi rất thong thả, tẩn mẩn quẹt tay vào giậu lá ruối bên đường. Chợt chàng lẩm bẩm:
- Hay là ta quay trở lại?
Duy vừa nhận thấy mình đi theo con đường đưa ra ngoài cánh đồng và nghĩ đến Thơ đương trông gặt ở ngoài ấy, chàng ngại gặp Thơ chàng sẽ ngượng nghịu vì cử chỉ sỗ sàng ban nãy. Nhưng trong khi ấy, chàng vẫn bước đều đều trên con đường cỏ. Bỗng Duy đứng dừng hẳn lại, trong lòng thấy xao xuyến nôn nao. Về bên tay phải, trong một thửa ruộng cao, Thơ đương đứng đốc thúc người nhà gặt. Tấm áo trắng của nàng nổi bật lên màu vàng thẫm của lúa chín, màu xanh lam của rặng cây xa. Duy thẫn thờ nhìn khuôn mặt của Thơ in lên nền trời xanh trong, nhẹ nhàng thanh cao dưới mái tóc vấn trần. Chàng chợt nảy ra cái ý tưởng so sánh tấm thân mảnh giẻ kia với một bông huê trắng mát, và sực nhớ đến một bức tranh chàng ưa nhìn hồi còn bé, vẽ một nàng tiên đứng thổi sáo trên ngọn đồi. Cùng một lúc, một cảm giác thanh thoát gội mát vào lòng chàng.
Trong bức tranh màu thần tiên đột ngột hiện ra, Duy cảm thấy một cách mãnh liệt cái gì cũng trong sáng, thanh khiết đến cực độ. Không khí không vướng một mảnh bụi, ánh nắng trong như hổ phách; từ ngọn lúa lay động, lá cây phất phới ở gần cho đến rặng tre ở chân trời, mọi vật đều nổi hình rõ rệt như cắt. Hết cả cảnh vật thuần tĩnh ấy, Duy có cảm tưởng là để tôn cái thanh sắc thiêng liêng của thơ, như bình pha lê trong suốt làm tôn vẻ cao quý của nhánh lan bạch ngọc mới hái.
Duy ngây ngất đứng nhìn những màu tươi sáng, trong lòng náo nức một sự ham muốn không bờ bến. Chàng cảm thấy mình đột nhiên rơi vào một cảnh mộng, chung quanh là những mảnh trời huyền ảo mà chàng mong ước và đã tưởng không bao giờ đến được. Chàng không thấy có sự gì khó khăn nữa; cái đời trụy lạc của chàng như lùi về xa lắm; trong lòng chàng chỉ còn lại, mạnh mẽ như chứa đầy nhựa, cái mầm non của một đời mới, sáng sủa và trong trẻo như hình ảnh Thơ buổi sáng hôm nay.
Nghĩ đến Thơ, Duy giật mình, nghĩ thầm:
- Nếu Thơ quay lại trông thấy mình!
Lúc bấy giờ Duy mới nhận thấy chàng đứng chăm chú nhìn Thơ và thấy dáng điệu của mình trơ trẽn như dáng điệu một gái giang hồ. Chàng vội vàng lùi lại sau bụi tre, và khó chịu khi nghĩ rằng cử chỉ ấy có vẻ lẩn lút.
Duy hết sức lấy dáng tự nhiên bước thẳng ra cánh đồng. Chàng định bụng làm như tình cờ gặp Thơ và sẽ cố ý thốt ra một câu ngạc nhiên: “Cô Thơ đấy à?” song những tiếng ấy như tắc ở trong họng không ra được. Chàng chua chát nghĩ rằng bắt đầu từ đây, thái độ của chàng đối với Thơ sẽ không bao giờ được thẳng thắn như xưa nữa.
- Anh Duy! Anh Duy!
Nghe tiếng gọi của Thơ, Duy quay lại và giả vờ ngạc nhiên:
- Kìa cô Thơ.
Chàng lấy làm lạ rằng Thơ đối với chàng vẫn thân mật và chàng vui vẻ nhận thấy Thơ vui cười nhìn mình, đôi mắt long lanh sáng. Tâm hồn Duy bỗng tươi hẳn lên như bông lúa chín gặp ánh nắng.
Thấy chàng đến, bọn thợ gặt dừng tay đứng lên chào, rồi lại cúi xuống làm việc. Tiếng hái đưa vào gốc lúa lại bắt đầu đều đều, nghe sột soạt như tiếng trâu bò ăn cỏ. Thơ tinh nghịch nhìn Duy, hai gò má phơn phớt hồng:
- Anh mới về đấy à? Có gặt giúp em được một tay không?
Rồi nàng cười vang lên, tiếng cười ròn rã, Duy tưởng chừng như điệu đàn của buổi sáng trong. Chàng mỉm cười đáp:
- Tôi về cũng chỉ có ý ấy thôi. Nhưng cô phải trả tiền công tôi kia.
Duy bỗng dừng lại, lo lắng. Câu nói đùa của chàng, Duy thấy có ngụ một ý lơi lả. Nhưng Thơ ngây thơ nhìn chàng, nét mặt chỉ lộ ra một nỗi vui vẻ trong sạch.
Sợ nàng dò biết được ý định, Duy vội vã nói tiếp:
- Để tôi cát lúa cho cô xem.
Thơ cười:
- Gặt mà anh gọi là cắt được thì em cũng đến chịu.
- Ừ thì gặt.
Duy mượn hái của một người thợ và vui vẻ bước xuống ruộng đứng theo hàng với những thợ gặt, nhanh nhẹn đưa hái vào gốc lúa, Thơ vỗ tay vui sướng nhí nhảnh như một con chim non, chạy lại gần nhìn chàng gặt một cách khó khăn ngượng ngập và cười rúc rích mỗi khi chàng đưa hái nhầm chỗ. Bọn thợ gặt cũng rúc rích cười theo.
Duy cười to hơn ai hết. Mùi thơm của lúa chín lẫn với mùi rạ ướt mới cắt xông lên, khiến chàng say sưa, ngây ngất. Thỉnh thoảng chàng ngửng nhìn nét mặt trong trẻo của Thơ in hình lên nền trời cao sáng và tự nhiên chàng cảm thấy sung sướng vẩn vơ, như một người đương đợi chờ trong gió thơm những sự vui mừng êm ái chưa đến nhưng biết chắc rồi thế nào cũng đến.
V.
Thơ thấy trong lòng êm ả. Nàng ngồi têm trầu nhưng mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Qua kẽ lá tường vi thưa thớt, Thơ đưa mắt theo một đám mây trắng lững thững trôi lên vòm trời màu nguyệt bạch. Nàng cảm thấy tâm hồn nàng nhẹ nhàng như làn mây; một nỗi vui không cỗi rễ rung động trong lòng, khiến nàng xao xuyến muốn nhảy múa hay cất tiếng hát vang. Nàng thấy cái gì cũng tươi sáng, đẹp đẽ, vui vẻ lạ thường. Mấy luống cải trong vườn, hoa nở vàng, nàng trông rực rỡ như những bông hoa nắng. Tiếng chim sẻ đối đáp nhau đâu đây, ngày thường nàng không để ý đến, hôm nay Thơ nghe như tiếng ca ngợi cuộc đời sáng đẹp.
Thơ đặt mấy miếng trầu mới têm vào trong quả, nắn lại những miếng cau lòng đỏ thắm, rồi nhẹ nhàng cầm lấy quả đến bên sập gụ, để cạnh bà Tham:
- Thưa mẹ, trầu đây ạ.
Rối lơ đãng nhìn những người ngồi đánh tổ tôm, đương chăm chú vào quân bài, Thơ nghĩ thầm:
- Trời sáng tươi thế này mà đánh tổ tôm thì thật hoài.
Thơ vẩn vơ nghĩ đến cánh đồng lúa chín vàng gió hanh lay động dưới ánh nắng. Và thoáng thấy hiện ra trước mắt nét mặt rắn rỏi của Duy, Thơ ngừng nghĩ để sống lại một cảm giác êm dịu và mãnh liệt. Ánh nắng hôm nay như nhuộm màu rực rỡ của ánh nắng sáng hôm qua, lúc nô rỡn trong mái tóc rối loạn của Duy và chiếu sáng vừng trán rộng của chàng. Và hôm qua cũng như hôm nay, lòng Thơ chứa đầy nắng ấm. Nàng không hiểu tại sao mỗi lần gặp hay nghĩ đến Duy lòng nàng lại đầm ấm như vậy, và nàng cũng không tìm để hiểu. Như con chim gặp buổi sáng đẹp cất tiếng hót, nàng vui nhận lấy sự sung sướng tự nhiên đến. Và cũng hồn nhiên như thế, lòng vui của Thơ bỗng gợn một nỗi lo lắng phấp phỏng, khi nàng nhớ đến cặp mắt của Duy mà nàng thấy mơ màng, nhìn những sự nàng không bao giờ hiểu. Thơ chỉ biết nghĩ thầm:
- Trông anh ấy bao giờ cũng có vẻ buồn.
Và nàng thấy lòng nàng hơi se lại. Thơ nghĩ đến những lời dị nghị về cuộc đời chơi bời của Duy, nàng lờ mờ sợ hãi như đứng trước một sự gì nguy hiểm nhưng nàng không rõ ra sao; nàng cố ý không nghĩ đến nữa, để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm hơn, rõ rệt hơn mà nàng vẫn giữ kín trong ký ức như những bông hoa ngày còn đi học nàng ép ở trong sách. Hồi còn bé, nàng chơi đùa với Duy, trong những buổi sáng tươi đẹp như hôm nay hay những đêm trăng mát, về nàng cảm thấy rằng Duy nàng gặp hôm qua giống hệt cậu bé vui vẻ và lúc nào cũng bênh vực nàng ngày xưa.
Có tiếng động ngoài vườn. Thơ thấy tim đập mạnh, nhưng nàng không quay mặt lại, yên lặng nghe tiếng giầy lạo xạo trên sỏi.
Nàng thất vọng khi nghe tiếng bà hàn Minh. Nàng nghĩ thầm:
- Anh ấy nói sang chơi kia mà!
Nàng mỉm cười một mình khi nhớ ra rằng Duy không hẹn rõ giờ nào. Nhưng trời hôm nay đẹp đẽ quá, lòng nàng vui vẻ quá, nên nàng tưởng chừng như không bao giờ thiếu được cái vui gặp mặt Duy.
Bà hàn Minh đỡ lấy chén nước, nhìn Thơ nói:
- Cô Thơ sao hôm nay trông tươi thế?
Thơ e ấp nhìn mẹ, phấp phỏng sợ bà Tham để ý đến làn phấn nhạt nàng mới vừa thoa lên má, nhưng thấy mẹ còn mải xoay bài, nàng vững dạ.
- Kìa, cậu tú. Mời cậu vào chơi.
Nghe tiếng ông Tham nói, Thơ giật mình, nhưng nàng vẫn ngồi im không nhúc nhích. Cảnh vật chung quanh nàng hình như không có nữa, tan vào khinh không, một thứ khinh không yên lặng; trong đó vang lên giọng nói mạnh mẽ của Duy:
- Được ạ. Cụ để mặc con.
- Cậu vào đây. Chả mấy lúc cậu về chơi, ngồi một hội nhé?
- Bẩm thôi ạ. Để con ngồi xem cũng được.
Chàng kéo ghế lại gần sập. Ông Tham vừa đánh bài vừa nói chuyên. Duy trả lời như cái máy, và lặng yên như chăm chú nghe. Kỳ thực, ngay từ lúc vào, chàng đã chú ý đến Thơ và chàng biết Thơ đương long lanh nhìn mình. Lòng chàng bấy lâu lạnh lẽo bỗng thấy êm ấm như trong cảnh sương mù bỗng vụt hiện ra một tia nắng.
Một lúc lâu, Duy kéo ghế sát đến bên cột, để mặt khuất vào bóng tối. Thơ biết là chàng muốn nhìn lại mình, tự nhiên thấy e thẹn, hai má nóng bừng. Nàng vội cúi mặt xuống, hai hàng lông mi se sẽ rung động. Duy ngồi lặng yên trông sang. Chàng hồi hộp nghĩ thầm:
- Thơ tươi đẹp một cách phi thường.
Chàng thốt nghĩ đến một đời êm ả, liên miên những ngày trong sáng, và trong cuộc đời ấy, Thơ sẽ là một nàng tiên diễm ảo ở nơi bồng lai nào lạc về để ngày ngày an ủi sự buồn nản mênh mông của lòng chàng.
Của một nàng tiên, Duy nghĩ thầm, Thơ có hai bàn tay nhỏ và trắng, những ngón tay thon thon hình búp hoa ngọc lan, những ngón tay đặt lên trán chàng sẽ làm dịu mọi vết thương, có đôi mắt trong và thơ ngây dưới hàng mi dài và đen, một cái nhìn đủ khiến chàng chìm đắm vào trong biển êm dịu. Còn cặp môi, cặp môi thắm đương mím một nụ cười ý nhị, chàng ngây ngất muốn đặt lên một cái hôn nồng nàn say sưa; cặp môi nàng chắc mềm và thơm sẽ khiến chàng quên hết mọi nỗi cô đơn trống trải.
Bỗng Duy cau mặt cúi xuống, hai tay ôm lấy đầu. Chàng vừa mới nghĩ đến cặp môi của Nga, đến những cặp môi của bao nhiêu nhân tình cũ của chàng đã để lại trong tâm hồn chàng cái hương vị chua chát, đau đớn của những thú vui ngao ngán về xác thịt.
Cũng như mọi lần, Duy sẽ xoa hai tay vào nhau để xua đuổi cái hình ảnh trước mắt, cố sức để tâm đến một việc khác. Chàng ngẩng lên chăm chú nhìn vào bàn tổ tôm. Ông tham Hiền bốc nọc lật quân bài, reo lên:
- Tam vạn. Bốc lấy mà ù.
Ông hạ bài, rồi quay lại, cười ha hả bảo Duy:
- Có tham tôm cũng có lợi, cậu tú nhỉ? Cứ chờ lục văn thì còn xơi.
Duy nhìn ông cụ, tự hỏi rằng làm sao người ta có thể sung sướng một cách dễ dàng đến thế. Chàng thèm thuồng sống dễ dãi như vậy trong sự vui hiện tại, như ông tham Hiền, như tất cả mọi người chung quanh, không để ý tưởng chán nản nào của đời quá khứ đến làm tiêu tán. Trong lòng Duy, một ý muốn nổi dậy mạnh mẽ, ý muốn biến thành một người khác, một người khác hẳn, với một tâm hồn vô tư lự, nếu không trong sạch, không gợn những dấu vết nhơ nhớp của dĩ vãng.
Chàng tự nhủ:
- Việc gì cứ phải bận tâm đến Nga, đến Đào, đến cuộc đời đốn mạt đã hết. Cứ quên đi là hơn.
Và chàng quả quyết:
- Ta muốn quên là phải được.
Duy bất giác đưa mắt nhìn sang chỗ Thơ ngồi, như để một hình ảnh trong sạch chiếu sáng vào tâm hồn, gây sức mạnh cho ý muốn tha thiết kia. Nhưng trên nét mặt thanh cao của người yêu, chàng thấy lờ mờ hiện ra nụ cười đĩ thõa của Nga và cặp mắt lim dim khêu gợi của một cô nhân tình nào mà Duy đã quên mất tên.
Duy vội nhắm mắt lại. Chàng vẳng nghe thấy tiếng bà hàn Minh phân vua:
- Bài thế này chẳng đánh thất sách thì còn đánh gì nữa.
Liên tưởng nhắc chàng nhớ đến Nhung, một cô đào đã cùng chàng sống một thời phóng đãng hai năm trước đây. Chàng nghĩ:
- Tiếng bà hàn sao giống tiếng Nhung thế!
Và Duy buồn cười nghĩ đến những buổi chiều ngồi đánh bài với Nhung. Chàng hết sức chiều chuộng Nhung, chọn những quân bài thật tốt lấy ở phù ra đánh cho Nhung ăn, và phá lên cười khi chàng đem bài ra phần vua để nghe những câu bắt bẻ cợt nhả của chúng bạn. Đến bây giờ, chàng còn như nghe rõ tiếng cười lanh lảnh của chàng buổi ấy, chất đầy một nỗi oán hận không căn cứ, như tiếng cười ở cõi âm đưa lên.
Bỗng Duy giật mình. Chàng chợt nghe thấy Thơ lên tiếng ngay bên cạnh mình:
- Mời anh xơi nước.
Tiếng nói trong và êm. Duy lúng túng nói mấy câu cám ơn và không dám nhìn thẳng vào mặt Thơ, như sợ Thơ trông thấy rõ trong mắt mình những hình ảnh gợn bẩn vừa thoáng qua. Chàng nhận thấy Thơ dừng lại bên cạnh ông Tham, ngay sau lưng chàng; và bỗng nhiên Duy thấy lòng êm ả lại, như có một bàn tay vô hình đến vuốt ve mơn trớn.
Duy cầm chén nước chè nóng uống từng ngụm, nhắm nghía hương chè thơm và ấm, không nghĩ ngợi gì nữa, chỉ muốn thời gian ngừng lại để hưởng hết cái lạc thú của giây phút êm ái, đầm ấm, nhưng chàng biết rất mong manh, chỉ sẽ động đến cũng đủ tan ra.
VI.
Lúc Duy ở nhà Thơ ra về, trời đã xế chiều. Chàng muốn tìm yên tĩnh để hỏi lại lòng mình, và nhất là nghiền ngẫm lại những ý tưởng rồn rập trong óc. Tình yêu của Thơ đối với chàng, Duy đã nhìn thấy rõ trong sự ngập ngừng kín đáo, dè dặt, trong sự yên lặng âu yếm, và chàng cảm thấy lần đầu trong lòng chàng rung động một thứ ái tình trong sạch. Nhưng trước tình yêu ấy, Duy thấy mình bỡ ngỡ; sợ hãi như trước một vật thiêng liêng, không thể lầm lỡ hay vô ý xúc phạm đến.
Duy đút tay vào túi quần, lững thững lần theo con đường cỏ. Chàng ngẫm nghĩ:
- Sao lại không thể được?
Chàng tưởng tượng ra cuộc đời êm đẹp bên cạnh Thơ, một cuộc đời riêng để phụng sự tình yêu, Duy và Thơ sẽ chiều chiều dắt tay nhau đi trên con đường này, hai mái tóc phấp phới dưới gió mát, và trong hai tấm lòng hòa hợp cùng phấp phới một nỗi vui không ngừng.
Duy thở mạnh, nhìn về phương đông. Chàng ao ước cuộc đời kia sẽ êm dịu như da trời màu cỏ non nhẹ vờn mấy dải mây trắng nhạt trên dãy núi lam xa.
Có tiếng ếch kêu phía sau lưng chàng. Tiếng vang lên, Duy tưởng chừng như linh hồn của buổi chiều yên lặng. Duy nhớ đến những ngày còn thơ, chàng đi học về lúc trời chiều kéo màn sương xuống cánh đồng xa vắng. Duy sống lại những mẩu đời đã mất, trong lòng còn như man mác nỗi vui êm ả lần đầu tiên nhận thấy tiếng ếch nhái làm tăng yên lặng của buổi chiều ở thôn quê.
Đã biết bao nhiêu lần, chàng nhớ lại, cậu bé Duy quên cả về nhà, ngồi thơ thẩn trên bờ ruộng để lắng nghe tiếng ếch nhái như tiếng của im lặng lên cao dần trong tâm hồn. Những lúc ấy, Duy có cái cảm giác tan vào bóng chiều và cùng với cảnh vật dần dà tiêu diệt, chìm đắm vào trong đêm.
Duy thở dài tự bảo:
- Trong nỗi vui nào cũng ẩn sự buồn.
Chàng nghĩ đến cuộc đời chàng mong sống với Thơ và chàng không thấy cuộc đời ấy tươi đẹp hoàn toàn nữa. Ngay bây giờ, Duy đã có cái cảm tưởng đột ngột và buồn nản rằng: những ngày vui chàng ao ước sẽ có lúc chìm đắm trong sự chán chường, không khác cảnh chiều chìm đắm vào bóng tối. Và chàng nhớ đến tình yêu của chàng đối với Nga buổi đầu nồng nàn tha thiết một cách thành thực, nhớ đến những câu âu yếm chàng nói với Nga mà chàng đã tưởng là để diễn cái tình yêu nồng nàn ấy. Rồi Duy mỉm cười nghĩ đến hôm tiễn Nga về Hà Nội. Cũng một buổi chiều như hôm nay, cách đây bao nhiêu lâu, mà chàng thấy đã xa xôi, mịt mù như ở một tiền kiếp nào.
Duy bỗng lo sợ cho cái tính chóng thay đổi của chàng. Chàng nhớ lại hồi còn nhỏ, khi có người đem cho chàng đồ chơi, những con ngựa con chó bằng gỗ, những con búp bê xinh xinh, chàng vồ vập trong một vài ngày, có khi một vài giờ rồi chán đập phá hay vứt bỏ di. Nhân tình của chàng cũng không khác gì những con búp bê kia, và những thú vui chàng đã nếm, đều có vị chua chát của những quả hồng chưa chín. Chỉ có sự buồn nản không cỗi rễ, không bờ bến là lúc nào cũng sẵn sàng đợi chàng sau những cuộc vui, tưởng chừng như là cái “phông” của đời chàng, màu xám và lạnh, trên đó một họa sĩ vô tình thỉnh thoảng chấm lên vài màu sơn sặc sỡ.
Chàng ngẫm nghĩ:
- Không biết có nên chăng?
Không phải là chàng vốn là người rụt rè, không có thể bỏ được một người nhân tình khi đã hết yêu, nhưng Duy không thể coi Thơ như những gái chàng đã gặp. Chàng lấy làm lạ rằng trong lòng chàng mới nhóm lên một tính tình mới mẻ. Duy cảm thấy mình nghĩ đến sự sung sướng của Thơ hơn là đến hạnh phúc của chính mình, khác hẳn với trước kia chàng chỉ tìm lạc thú của riêng mình trong các cuộc vui.
Bây giờ, nghĩ đến Thơ, đến cuộc đời mong ước, Duy phân tách rõ linh hồn của chàng. Không phải là để tìm thú riêng cho chàng, Duy cảm thấy lòng phiền phức quá, tâm trí chàng xao xuyến hỗn loạn, chàng lo sợ cho Thơ. Chàng đau khổ đã đành rồi, vì đã quen với sự đau khổ như với một người bạn; nhưng Thơ, Thơ trong sạch và non nớt như đóa hồng mới hé nở đón ánh sáng mặt trời, Thơ sẽ vì chàng mà đau khổ cả một đời: đó là một ý nghĩ khiến lòng chàng bứt rứt.
Duy nhắc sẽ lại ý nghĩ:
- Mà không đau khổ sao được!
Chàng yêu Thơ, nhưng một ngày kia, xa hay gần không biết, có thể chàng sẽ hết yêu Thơ như đã hết yêu Nhung hay Nga đến lúc ấy, cuộc đời của hai người sẽ thế nào, câu hỏi đó khiến Duy băn khoăn, đứng dừng lại.
Duy xoay mình một vòng, chăm chú nhìn về phía trời tây, cố thôi không nghĩ. Chàng thấy quáng cả mắt; những màu rực rỡ chói lói của trời chiều khiến chàng chớp luôn mấy cái. Qua hàng mi, Duy nhìn những hình kỳ dị, ngổn ngang hỗn độn những màu xám thẫm, đỏ ối hay trắng như màu bạc chảy, và thốt nhiên có cái ý tưởng so sánh với lòng mình. Duy thấy tâm hồn chàng cũng rối loạn những đám mây ảm đạm, khác hẳn với tâm hồn Thơ mà chàng tin chắc là êm ả dịu dàng như màn trời ở phương đông. Chàng buồn rầu nghĩ đến sự tương phản ấy và cảm thấy hai tâm hồn xa cách nhau như hai phương trời. Thơ, chàng thấy trong sạch quá, còn chàng, trái lại, như một cây cỏ mọc dưới ao tù, muốn nhô lên mặt nước để đón lấy ánh sáng mặt trời nhưng lại bị sóng đè dập xuống.
Xa xa có tiếng ai hát trong sương mù:
Muốn tắm mát thì lên ngọn con sông đào...
Tiếng hát ngân nga trong bóng chiều, nghe như tiếng than cuối cùng của ngày sắp tắt, xa xôi như một thế giới khác đưa đến, tiếng than vô cùng êm đềm, như âu yếm mơn trớn sự tiêu diệt của chính mình. Duy tự nhiên thấy lòng nguôi nguôi như với cảnh chiều cùng lắng xuống. Chàng đứng yên một lúc lâu, như mong bóng tối tràn lên đem chàng vào cõi khinh không.
Duy ngạc nhiên khi thấy bóng mình dần dần in rõ lên nền cỏ. Chàng ngẩng nhìn. Bên trời đông một màu trong như lọc, mảnh trăng nhạt vừa nhô lên khỏi ngọn tre, lóng lánh như ai vừa gọi qua một lần nước. Duy vội vàng rảo bước và lúc đi lên thềm vào trong nhà, chàng có cái cảm giác là lạ như đi vào trong một hang tối.
VII.
Thấy Duy về, người nhà vội vàng lên thắp đèn. Duy tựa vào khung cửa sổ nhìn ngọn đèn “măng-sông” sáng dần, tỏa ánh xanh ra chung quanh êm dịu và ấm áp. Căn phòng tươi hẳn lên; những lọ sứ nổi bật trên nền xám của tường; một bông hoa giấy dúng vào ánh đèn đột ngột như cắt trên bóng tối.
Vui vẻ, Duy huýt sáo miệng ngồi vào bàn ăn. Cơm gạo mới thơm ngát làm cho chàng khoan khoái. Tuy đồ ăn rất thô sơ, vài miếng đậu, một đĩa muối vừng, một bát canh cà chua nổi lều bều mấy miếng thịt mỡ, Duy ăn ngon miệng hơn là một bữa thịnh soạn. Không thấy Liễn, Duy lấy làm lạ hỏi người nhà:
- Ông Liễn đâu?
Trạch ngập ngừng trả lời:
- Bẩm, ông con... về bên làng ạ.
Duy mỉm cười. Chàng hiểu là Liễn mò về nhà vợ bé mới cưới giấu ở xóm Trà. Chàng không thấy khó chịu nữa khi nghĩ đến cách quên sống ấy của chàng ngày trước; trong lòng Duy chỉ còn lại sự thương hại cho hết thảy những người như Liễn, đi tìm những thú nhục dục trong chốc lát, sống như những con thiêu thân đến đập cánh vào bóng đèn ở trước mắt chàng. Chàng thấy sự sống của Liễn không có nghĩa lý gì hết, vì không có chủ đích gì. Từ trước đến nay, chàng vấn đau khổ, nhưng đem mình so sánh với Liễn, Duy tự kiêu rằng mình hơn người, vì đã ngẫm nghĩ đến cội rễ của cuộc đời. Ngọn đèn trong lòng chàng là một ngọn đèn lu mờ, song còn có chút ánh sáng, không như đêm tối của nhiều tâm hồn khác.
Thấy Duy lặng yên nghĩ ngợi, Trạch rón rén lại gần, một nụ cười bí mật ở trên môi. Hắn lưỡng lự một lát, rồi se sẽ nói:
- Thưa cậu...
Duy giật mình, ngước mắt nhìn Trạch. Thấy dáng điệu e ấp của người đầy tớ tin cẩn, Duy nghĩ ngay đến những cô gái quê thơ ngây chàng đã nhờ Trạch làm môi giới và đoán chừng hôm nay Trạch đã dự sẵn cho chàng một cô nào.
Nhưng Duy vờ như không hiểu ngơ ngác hỏi:
- Cái gì thế, anh?
Trạch nhìn vẻ mặt lạnh lùng và thản nhiên của chủ, lúng túng đáp:
- Con vừa mới gặp chị Nứa... Chị ấy bảo con rằng đêm nay bên cụ Tham có đập lúa vui lắm.
Nứa là con gái một người tá điền, Duy đã có lần muốn cám dỗ. Chàng gặp cô ả trong đám hội, thấy nhanh nhẹn nhí nhảnh khác hẳn những cô gái quê khác, đần độn và thực thà, nên lần trước về thăm ấp, Duy đã sai Trạch đi dụ, nhưng cô ả chưa thuận thì chàng đã chán bỏ ra tỉnh. Trạch tưởng nhắc đến tên Nứa thế nào Duy cũng để ý và săn sóc hỏi, và ngạc nhiên khi thấy Duy trả lời một câu thờ ơ:
- Thế à? Được, lát nữa sang xem cho vui.
Trạch nói đến việc đập lúa, chẳng qua là để nhắc đến Nứa, hắn có ngờ đâu rằng lòng Duy đã thay đổi hẳn rồi. Trước vẻ mặt ngơ ngác của Trạch, Duy cười vang lên, rồi uống một hớp rượu lớn, trong lòng thấy khoan khoái và dễ dãi với cả mọi người.
Lúc Duy ăn cơm xong, trăng đã lên cao. Chàng châm một điếu thuốc lá, thủng thỉnh đi bách bộ, lần theo con đường cỏ ban chiều.
Cả một cánh đồng im lặng dưới bóng trăng; những bông lúa nặng sương ở gần lóng lánh một thứ ánh sáng lạnh; ngoài xa, sương mù màu trắng đục êm tỏa mãi đến tận chân trời; từng chỗ, trên biển sương, nổi lềnh bềnh màu lam nhạt của những dải rừng xa.
Duy thấy trong lòng không lo nghĩ, êm nhẹ như cảnh sắc chung quanh, và khi tiếng đập lúa ở nhà Thơ vang vang lên trong thanh vắng, chàng nghe như tiếng gọi của một nỗi vui mới hé nở trong lòng.
Nhìn qua cổng, Duy thấy đông đảo và huyên náo. Trên sân gạch rộng thênh thang, ánh trăng lặng phủ những đống lúa xếp ngổn ngang, lấp lánh trên những bóng đen hoạt động. Tiếng cười nói rộp rịp lẫn trong tiếng đập lúa đều đều. Nhìn vào trong nhà, Duy sung sướng nhận thấy Thơ cầm chiếc đèn hoa kỳ đi ra phía chàng.
Duy bước vào sân: con chó bông ở đâu xồ ra rồi đứng dừng lại, vẫy đuôi. Chàng vuốt ve con vật, lững thững bước lên thềm, Thơ trông thấy chạy ra mừng rỡ:
- Anh Duy đấy à?
- Vâng, tôi sang đập lúa giúp cô đây.
Thơ cười:
- Lần này thì chả dám nhờ anh làm, chỉ nhờ anh xem thôi.
Nàng nhấc một chiếc ghế con để lại gần Duy.
- Mời anh ngồi đây. Để em đi trông làm cơm nếp cho thợ. Anh cố ở lại ăn xôi mới nhé.
Câu nói thẳng thắn. Duy sung sướng cho là một câu săn sóc âu yếm. Chàng nhìn Thơ mỉm cười cám ơn, nhưng Thơ đã đi khuất vào bóng tối.
Lực điền đứng xếp từng hàng, trước một dãy cối đá lớn ngẩng lên cúi xuống đập lúa đều đều. Duy nhìn dám người hoạt động, những bắp thịt lấp loáng dưới ánh trăng, những bóng đen thu nhỏ lại rồi kéo dài ra trên sân; chàng có cái cảm tưởng đương được xem cuộc diễn võ của những hiệp khách trong một chuyện hoang đường. Hạt lúa bắn xuống gạch, tung tóe ra khắp sân, Duy nghe như tiếng mưa rào. Mùi thơm của lúa mới lẫn với mùi rạ ướt, mùi bụi rác bốc lên, Duy tưởng chừng là mùi của hết cả thôn quê và bỗng nhớ đến những ngày mùa hồi còn bé, như đượm cả cái mùi thơm riêng ấy. Chàng nhớ lại những đêm trăng như đêm nay, trời sáng và trong cực độ, cậu bé Duy ngồi bên cạnh cô bé Thơ ăn ngô rang, xem đập lúa. Cảnh vật từ độ ấy hình như còn đọng lại đến đêm nay, Duy thấy mình trẻ lại, tâm hồn ngây thơ như hồi xưa, ngây ngất ngồi hưởng cái thú êm đềm và ý nhị của một đêm trăng ngày mùa.
Bỗng Duy lắng tai nghe một dịp cười ròn ở phía bên kia sân đưa lại. Đó là bọn thợ con gái ra vò lúa. Thấy họ đến, một chàng lực điền dừng tay, nói với sang:
- Các chị đã ra đấy à? Hát lên cho chúng tôi nghe với.
Có tiếng con gái trả lời:
- Anh Bến đấy phải không? Động thấy mặt đâu là đòi nghe hát.
Ngừng một giây, tiếng ấy lại cất lên, ỡm ờ trêu ghẹo:
- Kìa chị Bến đâu? Ra đây mà hát cho anh ấy nghe.
Tiếng cười ầm lên, ròn rã.
Bến cũng cười, nói to hơn nữa:
- Tiếng ai như tiếng chị Tẹo. Chị cứ cố hát đi, rồi tôi gả Bút cho.
Tiếng cười rúc rích và tiếng trả lời:
- Mã anh gả được tôi.
Trong khi ấy, bọn thợ đàn bà bắt đầu làm việc. Họ vịn tay lên thân một cây tre buộc ngang lưng chừng, lấy chân day những lượm lúa đã đập gần hết hạt, thì thầm cười nói.
Bọn thợ con trai, đợi mãi không nghe thấy tiếng hát, xoay ra thi ném lúa với nhau. Một chàng lực điền đập xong một lượm lúa, cầm cái néo thả lỏng bó rơm còn lại rồi cùng một lúc hết sức quăng ra xa. Lượm rơm vụt qua sân rồi rơi xuống. Các thợ khác đua nhau ném theo. Tiếng đập lúa nghe mỗi lúc một nhanh; người thợ nào cũng mong đập chóng xong để dự vào cuộc thi. Tiếng cười phá lên như vỡ đê khi một lượm lúa mắc vào néo rơi xuống chân thợ hay lúc một chàng lực điền ranh mãnh ném lượm lúa vào đám thợ con gái.
Duy nhìn cái cảnh tượng náo nhiệt trước mắt, trong lòng vui sướng. Chàng vụt nảy ra một ý muốn náo nức, cái ý muốn cởi bỏ ngay bộ quần áo tây chật chội và xa hoa, ăn mặc như lực điền để nhập vào bọn thợ, đập lúa, ném thi và cười nói với họ, để được hưởng hết cả sự vui vẻ sung sướng của họ trong lúc làm việc mệt mỏi. Chàng cảm thấy cái vui ở trong công việc nặng nhọc ngày mùa, cái vui trong sạch nó đợi chàng từ lâu, như cánh hoa lan ép trong sách chàng đã quên đi nay ngẫu nhiên giở ra vẫn thấy y nguyên, còn thoang thoảng hương thơm của một quãng đời chàng tưởng không bao giờ trở lại.
Lần này, Duy không thấy lo sợ phấp phỏng nỗi vui nhóm lên trong lòng, chàng thấy mạnh mẽ và bền chặt, tưởng chừng mỗi giây phút đến lại nuôi cho mạnh mẽ và bền chặt thêm lên. Duy nhớ đến những lần trước, chàng vui vẻ nhận ra rằng những cảm giác mạnh mẽ rồn rập đến trong lòng mấy hôm nay dần dần gột những tro bụi bám bẩn lên tâm hồn chàng trong năm sáu năm trụy lạc, khiến mỗi lúc một trong sạch hơn. Duy suy nghĩ về cuộc đời trụy lạc kia, không thấy tâm trí bứt rứt nữa, chàng cảm thấy chàng đã thành một người khác hẳn, không rụt rè sợ hãi, cũng không nghiêm khắc với những điều lầm lỗi của mình nữa. Chàng tự bảo thầm:
- Trong lòng người ta vui sướng, thì người ta sẵn lòng khoan dung với cả mọi người.
Duy nhớ mang máng đọc một câu tương tự như thế ở đâu rồi, nhưng bây giờ chàng mới thấy ý tưởng ấy rõ rệt và hiển nhiên như một chân lý. Duy thấy mình trở nên dễ dãi, khoan dung với mình, yêu mến tất cả những người chung quanh, cả những người thợ mạnh khỏe kia đã vô tình đem lại cho chàng một lối sống mới, một con đường đi đến hạnh phúc. Chàng còn mơ màng chưa biết rõ lối sống ấy sẽ phải thế nào, nhưng chàng đã tìm thấy một vài ý tường chính soi sáng con đường chàng sẽ đi. Duy thấy làm việc trong sự trong sạch của linh hồn và thể phách là cần thiết cho cuộc đời mới của chàng và vui vẻ để ý nghĩ đi sâu mãi vào con đường sáng ấy.
Duy nhận ra rằng trước kia chàng chỉ nghĩ đến chính thân mình; hôm nay tình yêu của chàng đối với Thơ đã khiến chàng bỗng nhiên đặt hạnh phúc của Thơ lên trên hạnh phúc của mình, bây giờ, tình yêu ấy đã lan rộng ra, trùm lên cả những người thợ mà hôm qua chàng còn coi như không có liên lạc gì với chàng, cách biệt như người ở một thế giới khác.
Duy nhìn những người thợ, tươi cười hớn hở, tự nhủ thầm:
- Làm cho người ta vui là lòng mình cũng vui theo.
Bỗng Duy trông thấy Thơ ở trong nhà bước ra, theo liền sau hai ba người mang những rá cơm nếp, khói bốc lên nghi ngút, đầy mùi thơm của xôi mới. Bọn thợ đều dừng tay, vui mừng.
Trăng đã lên cao gần đến đỉnh trời. Bóng nhà, bóng cây ngắn lại, không khí sáng và trong hơn. Duy nhìn bọn thợ ngồi vui vẻ hả hê chung quanh những rá cơm mới, nhìn bóng Thơ uyển chuyển đi lại dưới ánh trăng, trong lòng nhẹ lâng lâng.
Trên nền trời sáng, một đám mây trắng nhẹ theo gió mát lên cao dần.
VIII.
Duy đẩy mạnh hai cánh cửa sổ. Ánh sáng lùa vào trong căn phòng tối, khiến chàng hoa cả mặt. Mặt trời chưa lên cao; ở mọi góc tre, ánh bình minh còn phơi màu hồng nhạt; một cơn gió lạnh đưa lại mùi thơm của hoa cau, Duy ngửng lên nhìn, nhíu đôi lông mày cho khỏi chói mắt; trên thân trắng một cây cau mọc cạnh cửa sổ, buồng hoa mới nở đêm hôm qua xòe ra ngoài bẹ, màu vàng non và tươi đẹp như nỗi vui mới nở trong lòng chàng.
Duy khoan khoái thở mạnh. Theo hương cau, chàng thấy thấm dần vào trong người hết cả cái mát trong của ban mai. Một vài con chim sâu gọi nhau trong cành tử vi. Duy chống khuỷu tay lên khung cửa, nhìn mấy con chim nhẹ nhàng chuyền cành nọ sang cành kia, ríu rít gọi nhau, rồi cũng vụt bay sang cây khác. Lòng Duy hôm nay nhẹ nhàng, và như cánh chim non, khẽ rung động một nỗi vui êm tĩnh, hòa hợp với cảnh sắc chung quanh. Chàng vui vẻ nghĩ thầm:
- Lại một ngày tươi sáng.
Duy có cảm tưởng rằng trong đời chàng chỉ còn những ngày tươi sáng, không bao giờ đổi khác được nữa. Mấy ngày vừa qua đã hửng nắng trong lòng Duy, chàng say sưa cái hương vị của tình yêu mới nở, đằm thắm như mùi thơm của hoa cau. Bao nhiêu ý nghĩ buồn, bao nhiêu hình ảnh của một ký vãng không xa tan đi trong nỗi vui mới như bóng tối trước ánh sáng của bình minh. Không còn vết nhơ nào gợn bẩn lòng Duy nữa; chốn thôn quê êm tĩnh này sẽ là cái tổ ấm áp của con chim bấy lâu bay mỏi ở những rừng xa, xứ lạ, vẩn vơ tìm cái hạnh phúc nó vẫn đợi sẵn ở đây. Thơ yêu chàng, Duy không nghi ngờ gì nữa; tình yêu ấy hình như để dành riêng cho chàng tự bao giở, như tất cả cây cỏ, ánh nắng, hương thơm bên bờ sông Luông; bao nhiêu những cái đẹp trong sạch có thể mưu hạnh phúc cho Duy hình như giấu sẵn ở đây từ lâu, đến bây giờ chàng mới tìm thấy.
Những ý tưởng ấy làm Duy bồng bột, máu chạy mạnh trong huyết quản, náo nức muốn cử động cho thật nhiều, cho thật mệt để phát tiết bớt ra ngoài nỗi vui chan chứa ở trong. Chàng cất tiếng hát vang một bài ca Pháp, mặc áo rất nhanh, rồi quên cả ăn sáng, vội vàng đi vào trong nắng như muốn đón lấy cái ấm man mác trong không gian.
Gió rung động các chòm lá tre ở hai bên đường; một vài chiếc lá khô nhẹ nhàng rơi xuống bay ngang mặt Duy. Ở đâu, văng vẳng lại tiếng du em, trong vắt như ánh nắng, khiến Duy nhớ đến những ngày thơ ngây và trong sạch hồi nhỏ. Mãi đến bây giờ chàng mới lại cảm thấy trở lại với cái linh hồn của thuở xưa.
Đến cổng làng, Duy rẽ sang con đường nhỏ lên đồi. Chàng hất tóc xõa xuống mắt ra sau, đánh diêm châm thuốc lá rồi trèo lên tận đỉnh đồi, ngồi dựa vào một gốc thông. Lặng yên, Duy nhìn làn khói thuốc bay lên, tan trong làn gió nhẹ, không lo không nghĩ, tâm hồn bình tĩnh êm ả như buổi sáng trong.
Qua làn khói, Duy cảm thấy vẻ đẹp man mác trong bức tranh hoạt động trước mắt. Dưới chân chàng, trái đồi cỏ non thoai thoải chạy xuống những thửa ruộng lúa vàng lấp lánh sương dưới nắng. Bên tay trái, con sông Luông khuất khúc hiện ra từng chỗ. Xa hơn nữa, là những đồi núi nhịp nhàng cây chùm đến ngọn.
Mơ màng, Duy nhìn màu lá úa ở sườn đồi lẫn vào màu xanh thẫm của cây cỏ, xa trông như đám hụi hồng vương lại trên những cành khô.
Không lúc nào Duy thấy đời tươi thắm và đáng sống bằng lúc đó; chàng sẽ làm trên trái đồi này một cái nhà tranh, trồng đầy hoa và mộng. Trước cảnh thiên nhiên, Duy thấy mình trở nên rất lãng mạn, và chàng mỉm cười nghĩ thầm:
- Thơ chắc cũng lãng mạn như mình.
Bỗng Duy thoáng thấy ở phía bên kia đồi một mái nhà tranh. Chàng vui mừng nói một mình.
- Dễ thường đã có người đồng ý với mình.
Và liên tưởng xui Duy nghĩ ngay đến những người điền tốt đập lúa ở nhà Thơ, đến những thợ gặt lúa: kia hẳn là nhà của một người nông phu biết yêu cảnh đẹp. Duy đứng dậy chợt nhớ đến một cái ý muốn đã nảy nở trong lòng, ý muốn làm cho người khác, tất cả người chung quanh được vui vẻ sung sướng:
- Nhưng biết đâu họ không sung sướng rồi!
Một người đã biết chọn nơi làm nhà để hưởng hết cả thanh sắc bàng bạc trong cảnh vật, Duy còn làm gì cho họ sung sướng hơn nữa?
Nghĩ miên man, Duy đã đi đến bên dậu tre lấp kín mái nhà tranh nên thơ kia mà không biết. Duy chưa lên tiếng, một con chó đen gầy còm đã nhảy xổ ra sủa. Chàng cứ thẳng tiến vào trong nhà, và bật cười khi thấy con chó vừa sủa vừa lùi lại sau bức tường.
Tiếng ồn ào trong nhà bỗng im bặt.
- Ai?
- Tôi đây mà.
Chàng vừa cười vừa trả lời như một người quen đã lâu. Có tiếng nói:
- À bác Tẹo đấy, phải không? Mời bác vào trong này.
- Không, tôi đây.
Duy vừa cười nói vừa cúi xuống bước vào trong nhà.
- Ồ quan! Quý hóa quá.
Một người đàn bà đứng tuổi đương ngồi vội đứng dậy, hai tay chấp lại kính cẩn, vẻ sợ sệt và ngượng nghịu:
- Bẩm... quan đến chơi. Bé, đứng dậy lấy chiếu mày.
- Được, bác mặc tôi.
Duy vừa nói vừa ngồi xuống phản. Nhưng chàng không cười được nữa. Linh hồn rung động một mối thương tâm vô hạn, Duy nhìn hai đứa bé đương ngồi ăn. Nhem nhuốc, hai đứa trẻ ẩn cạnh cái mâm gỗ mộc, thò tay vào rá bốc cơm đưa lên miệng. Duy rùng mình, buồn nôn; ở rá cơm bay lên một mùi mốc như mùi của rơm rác. Hai đứa bé gầy gò như hai cái que, bụng ỏng chảy xuống, khiến Duy nhớ đến bụng trứng của những con kiến chàng bắt chơi hồi nhỏ. Đứa lớn nhìn chàng mỉm cười, nét mặt nhăn nheo như một ông cụ già. Nụ cười của đứa trẻ, Duy tưởng chừng như ẩn một nỗi nhẫn nại vô cùng, khiến chàng tự nhiên thấy xót thương bâng khuâng.
Nghẹn ngào, Duy vội quay mặt ra chỗ khác. Nhưng chỗ nào cũng có lạnh lẽo như trong một chiếc nhà bỏ hoang. Lỏng chỏng vài chiếc phản mọt để cạnh cái bàn thờ siêu vẹo, bằng gỗ mộc; Duy buồn rầu nhìn mấy chiếc mâm bồng đã long sơn và cái bát hương như không bao giờ có khói. Trên cột tre, một vế câu đối dán đã rách gần hết, chỉ còn lại một mẩu giấy đỏ lấm chấm vàng, Duy trông như một ít màu tươi sáng ở đâu đến lạc loài trong những màu ảm đạm để làm tăng vẻ nghèo nàn của căn nhà trống trải.
Không muốn nhìn, không muốn nghĩ nữa, Duy hỏi cho có câu hỏi:
- Nhà bác làm ăn có khá không?
Người đàn bà lắc đầu thưa:
- Bẩm túng đói lắm. Nhờ cửa quan lớn, chúng cháu vay được ít thóc để dành gieo mạ, thì bữa rau bữa cháo, trời cho thế nào được thế.
Nhưng Duy không để ý nghe câu trả lời, chàng đương tò mò tự hỏi rằng người đàn bà kia đã bao nhiêu tuổi rồi. Nét mặt răn reo như bà cụ, nhưng tay chân còn vẻ cứng cáp của tuổi trẻ, nên Duy không sao đoán được, và tự nhiên chàng thấy buồn, một nỗi buồn thấm thía.
Muốn xua đuổi sự buồn nản ào ạt đến, Duy vội vàng đứng dậy, gọi hai đứa bé móc túi cho mấy hào. Mắt người đàn bà sáng hẳn lên sung sướng:
- Chúng bay cảm ơn quan lớn đi.
Duy buồn rầu bảo:
- Bác đừng gọi thế. Tôi có là quan lớn gì đâu!
Và chàng đổi ngay câu chuyên:
- Bác được mấy cháu?
- Bẩm giá trời để cho thì được năm cơ đấy. Bây giờ, cháu chỉ còn hai đứa này với cháu bé nữa thôi ạ.
Người đàn bà vừa nói vừa nhìn vào phía trong. Bất giác nhìn theo, Duy thấy một đứa bé độ năm sáu tháng nằm cuộn tròn trong một chiếc tã màu gio bẩn, và chàng ngạc nhiên nhận ra rằng mặt mũi nó sạch sẽ hơn hai đứa lớn, và ở bên cạnh nó lại có một chai sữa.
Người đàn bà như đoán được ý nghĩ của Duy, chép miệng nói:
- Bẩm nó sống được thật là phúc đức quá! Ở cữ xong lần này cháu khan sữa quá, không có cho cháu ăn nữa. May sao cô Thơ cháu cho sữa, không thì cháu cũng bỏ nó rồi.
- À ra cô Thơ...
- Vâng, cô Thơ cháu thật là phúc tinh của chúng cháu, của cả ấp đấy ạ.
Duy lặng yên nghe nói, lòng rung rung vì cảm động.
Duy từ giã người đàn bà, bước ra ngoài sân. Chàng thấy nhẹ hẳn người, như trên ngực có một vật nặng ai vừa mới cất đi. Nhưng nỗi vui làm nảy nở lòng Duy ban nãy cũng không còn. Ánh nắng vẫn phấp phới trên ngọn cỏ, có phần rực rỡ hơn, tiếng chim vẫn như cả sự vui sống ở đời; trên cao trời vẫn trong và sáng. Duy không thấy lòng mình hòa cùng một điệu với cảnh sắc nữa; chàng chỉ thấy tâm hồn rạo rực một nỗi thương man mác. Cái cảnh đời đói khó như còn vẩn vơ trước mắt chàng, in lên nền trời cao sáng, và một sự ngạc nhiên đau đớn làm se lòng chàng khi Duy nghĩ đến đời cơ cực của nhà người tá điền trong cảnh trí diễm ảo.
Duy thủng thỉnh đi bước một, để mặc gió thổi bạt mái tóc ra đằng sau gáy và lộng vào tâm hồn những ý nghĩ miên man. Trái hẳn với mọi lần gặp sự buồn, Duy để tư tưởng đi sâu vào nỗi ngạc nhiên đau đớn của chàng trước sự trái ngược của đời cực khổ bên trong và cảnh rực rỡ bên ngoài. Duy nhớ lại và so sánh với đời chàng trước đây, một đời mà mọi người đều trông thấy vẻ lộng lẫy hào nhoáng nhưng chỉ riêng có Duy đã âm thầm nhìn rõ sự thực điêu đứng. Nỗi đau khổ không căn cứ xưa kia của chàng, Duy cảm thấy thấm thía hơn, khó thoát khỏi hơn là sự cực khổ về vật chất của gia đình người tá điền. Chàng tự nhủ thầm:
- Nếu chỉ có thế...
Và chợt nghĩ đến nét mặt tươi sáng của người đàn bà khi hai đứa con được chàng cho tiền, Duy vui mừng nói một mình:
- Ta có thể làm cho người khác sung sướng hơn lên được.
Bất giác, chàng nhìn xuống chân đồi. Rải rác trong lũy tre, những mái nhà tranh liên tiếp nhau. Duy trông không biết là bao nhiêu nữa. Những cuộc đời sống ở dưới các mái tranh màu xám ấy, chàng chắc là cũng buồn tẻ, cơ cực như cuộc đời lam lũ chàng vừa mới trông thấy. Lòng thương người làm Duy bâng khuâng buồn, nhưng là một nỗi buồn chàng biết rõ căn nguyên, và chàng cảm thấy cố đủ sức để đưa người và đưa mình thoát khỏi. Một ý muốn tha thiết làm chàng rạo rực cả tâm hồn, ý muốn đem lại cho hết các gia đình ẩn náu dưới những mái tranh tối tăm kia, một đời đầy đủ, đầm ấm: chỉ có thế, Duy nghĩ thầm, mới làm sáng tỏ được cái căn bản tốt còn nguyên vẹn trong lòng chàng, mới đem lại cho chàng những nỗi vui đã mất.
- Nhưng muốn thế thì làm gì bây giờ?
Trước câu hỏi đột nhiên của tâm trí, Duy hoang mang như người bộ hành đến trước một khu rừng rậm, đường lối chi chít không biết theo ngả nào để sang được phía bên kia. Chàng sực nhớ đến Thơ, đến sự săn sóc của cô con gái thơ ngây đối với người nghèo, và tự nhiên thấy một nỗi vui tràn ngập vào trong lòng. Kẻ bộ hành đã có bạn, một người bạn thân yêu, mới hiện ra cũng đã đủ soi sáng con đường cần phải đi.
Duy lặng yên nghĩ đến hành vi của Thứ và trong tưởng tượng, chàng như cái bóng theo dõi dấu vết của người yêu trong công việc từ thiện một mình nàng lặng lẽ đảm đang. Mơ màng, Duy thấy hiện ra trước mắt hình ảnh một cô con gái mảnh dẻ hằng ngày đem thuốc cho người ốm, đùa với con trẻ, giúp đỡ người già, lúc nào cũng ngoan ngoãn chăm chỉ, chỗ nào cũng đem đến một chút ánh sáng, một ít an ủi, một nụ cười tươi vui. Duy nghĩ đến những nàng tiên đẹp và hiền từ, - đã đẹp là phải hiền từ, - trong những truyện thần tiên chàng đọc hồi nhỏ, lòng nhẹ nhàng như chiếc lá thông gió đưa qua trước mặt, man mác một ý muốn xa xôi, ý muốn được bàn tay của một nàng tiên đến mơn trớn, vỗ về thúc giục.
IX.
Qua trái đồi, Duy định rẽ vào đường làng trở về nhà, nhưng chàng bỗng đứng dừng lại, tim đập mạnh hơn. Thơ ở sau lũy tre bước ra, huyền ảo, nhẹ nhàng như ở trong giấc mộng, một nụ cười nở trên cặp môi thắm.
- Anh Duy!
- Kìa cô... cô đi đâu đấy?
- Em vừa đến thăm bà cụ Trẻ.
Tiếng “em” Duy nghe êm dịu như một lời âu yếm. Chàng hỏi lại:
- Bà cụ Trẻ nào thế, cô?
- Bà cụ bán lạc rang cho chúng ta thửa bé ấy, anh quên rồi à?
Cả một thời ký vãng bỗng hiện ra trong tâm trí Duy như một khung ánh sáng trong đêm tối của ký ức. Duy nhớ lại những buổi sớm lạnh lẽo mùa đông, chàng và Thơ cùng đi học, dừng chân lại trước quán bà cụ, và trong miệng còn như thơm cả mùi lạc nóng mới rang xong. Duy nhớ hôm con trai của bà cụ sang Pháp tòng chinh, Thơ và chàng đến quán thấy bà cụ say mềm nằm nói ba hoa cạnh chai rượu. Hai đứa bé sợ hãi quá vội vàng cùng nhau vừa chạy trốn vừa cười rúc rích. Chàng quên bẵng bà cụ đi trong mười mấy năm cũng như quên mọi người khác, cả cậu bé Duy ngớ ngẩn đùa nghịch với cô bé Thơ thơm sạch, cả đến cảnh trí chốn quê hương, nay đột nhiên nhớ đến từng tiểu tiết, nhớ rõ như mới ngày hôm qua. Chàng cảm thấy quãng đời chàng tưởng là không bao giờ thay đổi, không bao giờ quên, quãng đời trụy lạc, lại chính là quãng đời chóng phai nhất trong trí nhớ.
Duy vui vẻ hỏi đùa Thơ:
- Bà cụ đã hết say chưa?
Thơ hơi buồn nét mặt:
- Chưa... em phải mua cho bà cụ một cút rượu đấy.
Rồi nàng kể cho Duy nghe tình cảnh đáng thương của bà cụ, con chết, nhà nghèo, kiếm không đủ ăn mà còn nghiện rượu.
- Bà cụ nghiện để quên đi đấy, anh ạ.
Duy nghĩ thầm; đấy là kết quả của một đời cặm cụi làm ăn. Nhưng trí chàng nghĩ đến tình cảnh đáng buồn ấy một cách thờ ơ, vì lúc ấy chàng mải nhìn ánh nắng nô rỡn trong mái tóc mây của Thơ. Bao nhiêu ý nghĩ ngổn ngang tự nhiên biến đi hết, chỉ còn lại trong lòng Duy một tình cảm mãnh liệt và tươi thắm. Chàng đắm đuối nhìn bạn, hai má hây hây đỏ dưới đôi mắt trong lóng lánh, chàng say sưa như đang nhấp một cốc rượu mạnh. Duy lúc đó muốn cho thì giở ngừng hẳn lại để chàng được mãi mãi hưởng những giây phút êm ái chàng đương sống.
Thấy Duy nhìn mình có ý khác. Thơ e thẹn má nóng bừng bừng, nhưng nàng cảm thấy bỗng ở đâu một sự êm đẹp nhẹ nhàng dần dần đến chiếm lấy tâm hồn. Nàng cúi xuống nhìn mũi giày nàng ấn trên sỏi, tay mâm mê vạt áo, lặng yên để cho Duy nhìn mình.
Duy hồi hộp như sắp được hưởng một giây phút thần tiên, chàng nghe thấy rõ tiếng trái tim chàng rồn rập, khi chàng nao nao trong lòng cái ý muốn tha thiết ôm nhẹ lấy người yêu và đặt lên vừng trán lấp lánh ánh vàng một cái hôn nồng nàn âu yếm.
Nhưng ý muốn ấy mạnh mẽ tha thiết quá, nên Duy không còn đủ sức mà thi hành. Một cái mãnh lực vô hình như chôn chặt chân chàng xuống đất, không nhấc lên được nữa, Duy tự nhiên thấy mình trở nên dút dát, e dè, không táo bạo sỗ sàng như những lần gặp gỡ tình nhân. Hình như riêng đối với Thơ, ở trong người Duy vẫn có một chàng say mê và trong sạch bấy lâu náu hình một nơi đến bây giờ mới xuất hiện với cái tính e lệ của một thiếu niên rung động lần đầu tiên vì tình ái.
Như trong giấc mộng, Duy sẽ nói:
- Cô Thơ...
Thơ ngước mắt lên nhìn Duy, có vẻ chờ đợi. Hai người như đã cùng một ý, cùng hiểu lòng nhau, chỉ một câu nói sẽ là đủ phá tan nốt lần tơ mỏng đang chia rẽ hai tâm hồn. Nhưng Duy vẩn vơ nói tiếp:
- Trời hôm nay đẹp quá.
Thơ cũng như chợt tỉnh, đáp một câu vẩn vơ:
- Vâng, trời đẹp quá.
Trong thâm tâm, Duy cảm thấy hơi bực tức vì câu nói không ăn nhập với ý định của mình. Chàng cố sức vớt lại cái can đảm sắp mất:
- À... này cô có gặp bà cụ Trẻ không?
Duy thở mạnh, biết thế là hết. Chàng không còn đủ can đảm để tỏ tình yêu cho Thơ biết nữa. Và chàng thẫn thờ nghe Thơ se sẽ trả lời:
- Có anh ạ.
Rồi hai người lại nhìn vẩn vơ. Hai cây lau mọc ở cạnh đường, gió thổi cùng tạt về một phía, thân cong như hai cánh cung giương mạnh. Ở dưới đồi, tiếng người nói văng vẳng đưa lên như ở một xứ nào xa xôi cách biệt.
Thơ lấy tay vuốt mấy sợi tóc gió tạt xuống trán, nói:
- Gió quá. Anh đưa em sang nhà bác Tẹo đi.
- Bác ấy là bác Tẹo à?
Thơ ngạc nhiên nhìn Duy.
- Anh biết bác ấy?
Duy mỉm cười:
- Biết lắm chứ. Anh vừa ở nhà bác ấy ra đây. Bác ấy đã cho con ăn sữa rồi.
Rồi chàng tiếp luôn:
- Cô phúc tinh của bác Tẹo chả cần đến nữa!
Thơ sung sướng mỉm cười, nhưng vội vàng nói lảng:
- Mai trời cũng nắng thế này thì tốt quá. Nhà em còn phải gặt nốt năm thửa ruộng ở cánh đồng Ba xứ, mà trời lại đổ mưa thì rầy.
Câu nói tự nhiên, Duy sung sướng cho là một câu hẹn hò. Chàng quay sang phía tây, chỉ mấy khu ruộng lúa vàng thẫm chạy từ ven đồi xuống thung lũng, nói:
- Có phải ở chỗ gần suối kia không, cô?
- Vâng, chính đấy. Ở đây phải vòng ra đường cái, lội qua suối mới đến nơi được.
- Ồ thế à? Thích quá.
Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong trí Duy. Mai chàng sẽ gặp Thơ ở một nơi vắng vẻ và thế nào cũng sẽ tỏ cho Thơ biết lòng mình. Chàng tự nhủ thầm:
- Lúc ấy sẽ liều.
Nhưng ý định chưa quyết, Duy đã thấy cái tính rụt rè trở lại ngăn cản. Tự nhiên, chàng mong ngày hôm sau sẽ mưa to, và cùng một lúc, cảm thấy sự vô lý của điều mình ao ước.
Trên đỉnh núi lam xa, một đám mây từ từ lên cao dần trên nền trời sáng, Duy trông như một sự mong ước đẹp đẽ nhưng xa xôi không bao giờ tới được.
X.
- Cô đưa cho tôi xách hộ. Trông cô mệt lắm rồi.
Thơ đưa giỏ đồ ăn cho Duy, cười nói:
- Anh cứ tưởng. Chúng em ở nhà quê đi bộ quen, mới có một thôi đường làm gì đã mệt.
Duy nhấc giỏ lên nói:
- Không biết trong này có những gì đây?
Thơ cười đáp.
- Chỉ có cơm nắm, muối vừng và giò kho thôi. Cơm bữa của em đấy.
Duy cũng cười theo:
- Cả của tôi nữa chứ! Tôi thấy đói lắm rồi; đến bờ suối thế nào cũng phải nhờ cô một bữa.
Chàng cười to hơn và nói tiếp:
- Nhưng không biết có đủ cho hai người ăn không?
- Anh không lo. Đến bốn người ăn cũng không hết. Cơm nắm không ăn được nhiều đâu.
Thơ vừa nói vừa đưa hai bàn tay mềm mại lên sửa lại mái tóc; trên cổ tay tròn và trắng, vòng ngọc xanh Duy trông như đúc bằng lá cỏ non. Duy muốn nói:
- Trông tay cô đẹp lạ.
Nhưng Duy không có can đảm cất tiếng khen, cũng không dám quyến luyến nhìn lâu. Hôm nay chàng đến được ở đây đợi Thơ, Duy cho là đã làm một việc quá táo bạo rồi. Chàng quay ra nhìn lên sườn đồi:
- Kìa, cô có thấy không?
Thơ ngơ ngác nhìn chung quanh:
- Không, em không thấy gì cả.
Duy giơ tay trỏ một cây cao in lên nền trời ám mây những lá úa màu vàng thẫm:
- Đẹp quá. Trông như hết cả bướm ở đồn điền đều bay về đậu ở đây.
Thơ nhíu hai mắt để nhìn cho rõ hơn.
- À, lá lao xao. Nhưng em trông không giống bướm, mà lại giống một đàn nhạn mới bị gió bấc đuổi về.
Duy ngạc nhiên nhìn Thơ nói:
- Cô Thơ của tôi lại thi sĩ kia đấy... Câu tỉ dụ đúng quá. Quả là một đàn hồng nhạn đương rung động đập cánh sắp sửa bay đi.
Duy ngừng lại, hỏi:
- Cô vừa bảo là cây gì nhỉ?
- Cây lao xao.
Duy nhắc lại:
- Cây lao xao, cái tên đẹp quá, nghe đến là tưởng chừng thấy tiếng gió thu xao xác trong lá khô.
Lên đỉnh đồi, Duy đi thong thả lại để đợi Thơ. Lòng chàng mê mải và sung sướng một cách tự nhiên, cái sống như bồng bột trong các thớ thịt. Gió men sườn đồi nhẹ nhàng đưa lên mùi cỏ thơm. Duy ngây ngất đón lấy, thốt ra một câu bằng tiếng Pháp:
- Đời đẹp làm sao!
Lúc Thơ bước đến bên chàng, Duy quay lại hỏi:
- Đã sắp đến chưa, cô?
Duy hỏi để có cớ nhìn Thơ. Chàng thơ thẩn ngắm mái tóc quấn lỏng buông xõa xuống một bèn cổ, màu đen nhánh nổi bật lên màu da trắng, hàng lông mi dài và cong chớp trên đôi mắt huyền dương to như thu cả thanh sắc vũ trụ vào trong, những nét tà áo rung chuyển theo hình cong mềm của chiếc quần lụa ngà, và hai gót chân ửng màu hồng non như đương e thẹn trong đôi giầy nhung.
Tiếng Thơ trả lời làm Duy giựt mình:
- Sắp đến nơi rồi. Lắng tai nghe đã thấy tiếng suối róc rách, anh ạ.
Duy lặng yên nghe tiếng nói của Thơ vang lên, trong như tiếng sối dưới chân đồi.
Thơ đi chọn một chỗ có bóng cây để rải lên đá một tấm vải trắng, trong lúc Duy ra suối vốc nước rửa mặt.
- Nước suối mát lắm, mời cô ra rửa tay.
Thơ bảo:
- Đá trơn lắm đấy, khéo ngã.
Duy đã tháo giầy lội xuống suối. Một cảm giác giá lạnh làm chàng rùng mình, khoan khoái. Chàng cúi nhìn nước gợn bọt và vẩn cát lên trên trong khoảnh khắc, bọt đã theo giòng trôi đi và nước trở lại trong vắt. Chàng tinh nghịch giơ chân lên khỏi mặt suối để nước rỏ xuống và nhìn theo đám bọt hiện ra rồi tan ngay.
Bỗng Duy kêu sẽ lên một tiếng. Chàng vừa thoảng nhìn thấy một bông hải đường mới nở trong một đám lau rủ hoa màu bạc xám xuống bên bờ suối. Chàng gọi Thơ:
- Có hoa hải đường đẹp lắm cô Thơ ạ. Để tôi hái đặt lên bàn ăn cho đẹp.
Không đợi Thơ trả lời, Duy nhảy lên bờ, len vào đám lau sậy. Một lát sau, chàng ôm một vốc hoa hải đường về. Lúc đó Thơ cũng vừa rửa mặt xong, phấn đánh đã trôi hết nên Duy thấy nàng lộ một vẻ đẹp riêng khác hẳn mọi ngày, một vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên có cái hương vị mát mẻ của rau nguồn mới hái. Nhìn Thơ cúi xuống những bông hải đường rực rỡ, Duy nhận thấy màu hồng của cánh hoa phản ánh lên đôi má và buột mồm đọc:
- Hải đường mơn mởn...
Nhưng chàng nghĩ đến màu hồng của cặp má nhung hơn là đến sự mơn mởn của hoa tơ.
Bỗng Duy nghe thấy tiếng bồm bộp trên lá cây. Chàng ngẩng lên nhìn, ngạc nhiên:
- Ồ mưa, cô Thơ ạ.
Trong khoảnh khác, trời tối xầm lại; tiếng mưa đổ rào rào trên ngọn cây mỗi lúc một to hơn; cây rừng trông lờ mờ như ai phủ lên một bức màn trắng đục. Duy và Thơ vội vàng xếp các thức ăn lại, chạy ẩn dưới một gốc cây lá to bản. Hai người đứng lăng yên phủi áo.
Thơ nói:
- May quá. Tìm được cái cây gì mà lá to quá nhỉ?
Duy thẫn thờ nói:
- Cô đứng áp lại đây, chỗ này không ướt.
Duy thấy rạo rực trong lòng. Những giọt nước mưa lóng lánh trên má Thơ, chàng trông như đương âu yếm mơn trớn da thịt người yêu. Chàng thấy lạnh, rùng mình, và tự nhiên có cái cảm giác rõ rệt rằng một cái hôn đặt lên môi Thơ sẽ đem lại cho chàng một sự ấm áp dị thường.
Thơ biết Duy đương nhìn mình một cách nồng nàn, nên nàng sẽ đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc ướt, rồi bỗng dưng nàng không hiểu tại sao trở nên rất táo bạo, thong thả quay mặt lại nhìn Duy như nhìn một người tình nhân yêu đã lâu lắm. Thơ đắm đuối nhìn đôi mắt đen của Duy; nàng thấy rung động từng thớ thịt, và chợt thấy thẹn, thẹn một cách khác thường, toan quay ngoắt đi để chạy trốn. Nhưng bàn tay Duy đã nắm lấy tay Thơ và nàng theo đà tay ngoan ngoãn ngả đầu vào người Duy, ngực phập phồng rất mau theo điệu thở.
Thơ ngây dại cả người; nàng mê man như trong một giấc mộng, mơ màng thấy Duy kéo nàng xát vào người Duy, và đến lúc Duy âu yếm nâng đầu nàng lên, môi nàng hé mở trong khi trái tim nàng đập mạnh.
Vẫn như trong giấc mơ, Thơ nghe thấy Duy nói rất sẽ, tiếng nói như lẫn vào trong điệu thở:
- Trời, anh yêu em quá.
Thơ ngẩng lên nhìn vào hai mắt Duy, như muốn nhìn đến tận linh hồn người yêu, se sẽ thưa:
- Em thì em yêu anh đã lâu lắm rồi.
Ngừng lại một giây, Thơ lờ đờ nói tiếp:
- Bây giờ thì em không còn mong gì nữa.
Rồi nàng nhắm mắt lại để nhận thêm cái sung sướng của mình.
Duy âu yếm hôn lên mi mắt Thơ, lặng yên hưởng lấy giây phút say sưa, linh hồn và thân thể chìm đắm trong biển êm dịu mênh mang. Chàng tự nhủ thầm:
- Đây là một kỷ niệm êm đẹp nhất trong đời ta.
Duy thấy trong lòng xao xuyến như muốn tỏ cho Thơ biết chàng yêu quý Thơ là ngần nào, yêu quý và kính trọng như một nàng tiên diễm lệ ở nơi trong sáng nào về đây để đưa chàng rời khỏi vòng trụy lạc và đến một đời vui sướng. Bao nhiêu ý tưởng rồn rập trong óc không thoát ra được ngoài môi, Duy muốn đưa lên cả sóng mắt.
Lúc bấy giờ trời đã tạnh mưa. Ở những lá cây nặng trĩu nước mưa, thỉnh thoảng một tia nắng bỡ ngỡ siên ánh vàng lên tà áo của Thơ, Duy tưởng chừng như đến chiếu sáng cả tâm hồn chàng.