Buổi tối hôm ấy, sau khi đưa anh ra thuyền trở về Nam, tôi bực tức vô cùng. Tôi bực tức với tôi. Tôi đay nghiến tôi trong một phút cao hứng quá, đã mời các anh về nhà. Anh đừng giận, anh Kim ạ. Tôi hiểu lắm. Chúng ta biết nhau không phải vì một bộ quần áo may khéo, một đôi giày đúng kiểu, một cái xe hơi tốt máy. Chúng ta biết nhau vì cái khác. Chúng ta mến nhau vì cái khác. Chúng ta đánh giá nhau cũng ở chỗ khác, đâu có phải ở chỗ cái nhà to hay bé. Cố nhân chê kẻ sĩ mà còn lấy sự cơm ăn không được ngon, áo mặc không được lành làm nhục. Người quân tử phải có thể uống nước lã, khoanh tay dưới đầu làm gối mà không tủi. Tôi cũng hiểu. Vậy mà tôi cứ hậm hực mãi với tôi vì lẽ đã để mấy người bạn trông rõ thấy cái cảnh bần bách của tôi như thế, chẳng hóa ra tôi là người nhỏ nhen?
Vâng thì tôi là người nhỏ nhen! Nhưng các anh phải xét cho tôi chỗ này. Đến nhà anh, tôi ngồi trên những cái ghế kiểu mới, có nệm êm, có vách tựa rất cao, ngồi vào đấy, sự nghỉ ngơi của thân thể hoàn toàn lắm. Đến nhà anh Đề, chúng ta ngồi trên những chiếc ghế tàu nạm đá vân. Đến nhà anh Phùng, chúng ta có những bàn ghế bằng gụ khảm xà cừ.
Đến nhà anh Minh, chúng ta nằm nghỉ ngơi trên những chiếc giường tây. Cùng lắm đến nhà bác Lý, chúng ta cũng còn có thể trải chiếu hoa trên hè gạch để trông trăng. Nhưng đến nhà tôi, các anh đã phải cúi khom người để chui vào một cái lều tối om om. Nền nhà bằng đất nện âm ẩm dưới chân. Một mùi mốc khăng khẳng làm cho anh nhăn mũi. Đứa con lớn của tôi, đau bụng thổ từ đêm, nằm trên cái võng nhuộm nâu căng từ đầu nhà nọ đến đầu nhà kia, chắn cả lối đi. Nó mặc một cái quần, một cái áo bằng thứ vải mà con sen nhà các anh cũng không thèm mặc. Dưới nó là một vũng bùn to tướng: nước nó thổ ra đã pha trộn vào với nền nhà lầm lên. Mặt tôi đã đỏ bừng. Và khi các anh lại gần con tôi, cúi xuống để hỏi han, thì chỉ thiếu một chút nữa là tôi khóc. Không, anh Kim ạ. Anh tốt lắm. Tay anh nắm lấy tay con tôi không một chút rụt rè. Anh đã khen: cháu trông ngoan. Anh đã hỏi nó bằng những câu rất dịu dàng. Lòng trắc ẩn đối với một người bạn khổ đã giúp anh những cử chỉ rất tự nhiên. Nhưng nghề nghiệp của chúng ta đã luyện chúng ta thành những người nhận xét rất tinh. Dù chỉ một cái run nhẹ của hàng mi, một chút ngập ngừng rất thoáng nhanh trên đầu một ngón tay, một gợn nhỏ trên nét mặt vô cùng bình tĩnh thì con mắt thấu suốt của chúng ta cũng không bỏ sót. Anh đừng chối, anh Kim ạ. Chúng ta phải là những người bạo nói. Tôi biết lắm. Tôi biết sau khi anh nắm bàn tay cháu, anh thầm ước một chậu nước sạch và một miếng xà phòng để rửa tay. Giá anh cứ nói ra thì cũng được. Tôi sẽ cho sự ấy là tự nhiên lắm lắm.
Nhưng anh cố nhịn. Anh nhìn gian nhà mà bảo tôi:
- Cái nhà này còn tốt đấy chứ.. Nhà có bốn, năm người ở thế này rộng chán!
Tôi biết trả lời anh sao được? Tôi chỉ cười. Tôi còn đang bận thu xếp chỗ, vợ tôi phải ẵm con bé sang nằm nhờ hàng xóm. Tôi vắt cái màn ở giường ngủ lên. Bốn người trong bọn chúng ta ngồi. Còn hai người nữa thì đứng cho nó mát, bởi chẳng biết còn ngồi vào đâu cho hết.
Cũng may, trời tạnh ráo. Lúc ăn cơm, chúng ta có thể ra sân, trải chiếu trên mặt đất. Các anh tháo giày ra, cởi quần tây, để ngồi xếp bằng. "Có làm quái gì cái vặt ấy! Chúng ta ăn vẫn ngon là được!." Các anh bảo thế. Anh nào cũng cố làm ra dễ tính. Sự cố gắng ấy do lòng quý bạn. Cái nhà thật không đáng cho lòng tôi phải bận. Các anh muốn cho tôi nghĩ thế. Tôi cũng bắt tôi nghĩ thế. Nhưng không được. Suốt đêm ấy tôi đã thức để mà hành tội tôi.
Tôi còn phải khổ với tôi lâu lắm. Bởi biết đến bao giờ tôi mới có thể làm một cái nhà khác, rộng rãi và sạch sẽ hơn một chút! Tôi làm việc ghê gớm lắm. Tôi giết dần tôi đi để kiếm tiền. Nhưng sức người ta chỉ có chừng. Mà giá tre gỗ bây giờ tăng lên vô hạn. Nó tăng từ tháng này sang tháng khác. Cái đích của tôi thành thử cứ lùi xa mãi. Tôi dự định độ hai trăm, tôi mới kiếm được một trăm thì cái giá hai trăm đã không đủ nữa. Phải ba trăm là ít. Vay nợ lãi thì tôi không dám. Đời tôi, đã nhiều phen vay nợ lãi.. Ngay bây giờ, tháng tháng lãi nợ cũng còn ngốn mất quá nửa số tiền tôi kiếm được. Nợ nó đẻ ra mau chóng lắm. Vay liều thì chết.
Nhưng một tai nạn đã xảy ra. Ấy là trận bão, tận lúc đã sang tháng chín. Nó xảy ra bất ngờ. Vợ chồng chúng tôi phải xông pha mưa gió, bế con đi. Chúng tôi đưa các cháu đi tìm chỗ ẩn. Lưng tôi cõng đứa con lớn, vừa ốm dậy. Tay tôi cầm một con dao. Nhà tôi ẵm đứa con nhỏ theo sau. Gió thổi xiêu người. Mưa như những cái roi da quất xuống đầu, xuống mặt chúng tôi túi bụi. Tôi phải chém những cành tre ngã xuống đường để phá một lối đi. Gai ở dưới chân. Gai ở hai bên. Gai từ trên chĩa xuống. Chúng tôi phải nhắm mắt lại mà đi phứa. Người lạnh giá. Chân tay tê dại. Gai cắm vào chân, gai cào rách vai rách má, chúng tôi cũng không còn biết nữa. Chúng tôi đi quên chết. Nhà tôi chúi người đi năm, sáu lượt. Đến nhà ông nhạc tôi thì chúng tôi kiệt sức.
Con gái tôi xám ngắt. Nhà tôi không còn nói được. Tôi cũng thế. Cũng may mà sẵn lửa. Chúng tôi ngồi sưởi. Trong khi ấy, hai ông bà ngoại ủ ấp và hơ cho hai cháu. Một lúc lâu, chúng tôi sưởi hoàn hồn. Chúng tôi phải trú lại nhà ông nhạc tôi một ngày, một đêm.
Sáng hôm sau, gió ngớt. Gửi hai cháu lại, vợ chồng tôi về nhà. Cái nhà bị ụp rồi. Nó nằm ụp xuống, như một người già khuỵu gối. Khó lòng mà còn bắt nó đứng lên được nữa. Sức nhà tre, mấy nả? Cái này đã lão. Nó đã qua tay ba chủ. Tôi là bốn. Chỉ gió to, nó đã có quyền đổ lắm huống hồ gặp bão. Nó trung thành với tôi đến được bây giờ, kể đã là tận tâm tận lực. Tôi không nên ép nữa. Tôi biết thế. Nhưng biết làm sao được? Có những ông bố, những bà mẹ già lụ khụ, chỉ vì thương con nghèo quá không chạy được tiền chôn cất mà không nỡ chết. Cái nhà của tôi sao nó không nghĩ thế? Nó sụp đổ vào lúc này, thật đã làm khổ tôi. Vợ tôi phát khóc. Tôi cũng ứa nước mắt. Tôi thương tiếc cái nhà của tôi như người ta thương tiếc một người vợ lâu ngày bị hắt hủi. Ấy là nói cho văn vẻ. Thật ra thì tôi chỉ thương tôi. Tôi bỗng nhiên thành ra không nhà. Không những thế, vườn của tôi bị tàn phá hết. Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra chăm chút cho giàn trầu, bụi mía, thôi thế là mất toi.
Không có cái khổ nào vô ích hẳn. Sau mấy ngày ngao ngán, tôi lại phải an ủi tôi như vậy. Bởi đằng nào tôi cũng còn phải sống. Đằng nào tôi cũng còn cần phải có nhà để ở. Vậy thì tôi không thể dằn dỗi với ông được. Ông giời không sợ ai dằn dỗi. Tôi gượng cười. Tôi bảo vợ tôi thế này:
"Thôi mình ạ! Cái nhà của ta đổ đi cũng phải. Nếu không đổ, bao giờ ta mới làm nhà khác? Ta đã do dự mãi. Bây giờ là lúc ta không còn phải so kè nữa.."
Lẽ đương nhiên như vậy. Không làm nhà không được.
Vậy thì chẳng còn phải nghĩ. Chúng tôi tính việc mua tre, mua nứa và thuê thợ. Không có tiền thì vay nợ lãi. Không vay không được, thì vay cũng không ân hận. Rồi tôi lại cố làm việc hơn trước nữa. Tôi sẽ giết tôi nhanh hơn trước nữa.
Trước sau thì cũng chết. Ai cũng chết. Mà ai cũng chỉ chết một lần mà thôi. Sống sẻn so làm gì?
Tôi nghĩ liều. Nhưng sau một trận bão, không thiếu gì người nghĩ liều như tôi. Cũng vì thế mà tôi đã mua được một cái nhà rẻ quá, anh Kim ạ. Một cái nhà gỗ có ba trăm bạc. Giá phải thế, thì năm trăm. May cho tôi lắm. Bởi chúng tôi đã tính: làm nhà tre bây giờ cũng tốn hai trăm đồng.
Kẻ bán nhà là một kẻ nhiều công nợ. Anh ta góa vợ. Anh ta phải nuôi hai đứa con thơ dại. Anh ta lại mới thua xóc đĩa ba, bốn canh mất tất cả đến hai trăm đồng bạc. Nợ người ta đòi rát quá. Trông vào mấy sào mía để bán đi trang trải thì mía đã bị bão làm tong cả. Anh ta tìm tôi và bảo tôi thế này:
- Tôi nghe nói: chú định làm nhà. Làm nhà tre bây giờ cũng phải hai trăm đồng bạc. Chú cố gắng lên chút nữa, tôi để cái nhà gỗ nhà tôi cho.
- Bao nhiêu thì bác bán?
- Ba trăm, đúng.
Cái giá này hời lắm. Thấy hắn thật thà, tôi ái ngại. Tôi hỏi hắn:
- Bác bán đi làm gì?
- Chẳng làm gì sốt. Tôi trót thua cay quá. Chết thì chết, tôi cũng còn phải gỡ. Trường vốn thì dễ gỡ. Tôi bán cái nhà đi, lấy vài trăm đồng để đi gỡ vài canh, xem thế nào.
À! Nếu vậy thì tôi chưa lấy chi làm liều. Vay nợ lãi mà mua nhà là một cái liều bắt buộc. Bán nhà đi để gỡ bạc mới là cái liều thục mạng. Đã liều thì phải chết. Chẳng chết vì tay tôi thì chết vì tay người khác. Dù vậy, tôi cũng chưa nỡ cầm dao đâm hắn. Thành thực hay giả trá? Tôi đã can kẻ liều lĩnh kia:
- Tôi tưởng bác không muốn ở nhà, hoặc cần tiền buôn bán nên mới bán nhà, chứ nếu chỉ bán để đi đánh bạc thì tôi can bác. Vào chiếu bạc, khó mà biết trước, tôi chỉ sợ gỡ ra chẳng được, bác lại bậm mãi vào thì sao?
- Không có lý nào như vậy. Trước tôi thua, chỉ vì ít vốn, không dám đuổi. Trường vốn không đời nào thua. Chú lấy giùm được là phần nhất, bởi tôi biết tiền chú sẵn, có thể xếp cho tôi chóng vánh. Nếu như không muốn lấy thì tôi để cho người khác.
Tôi ngẫm nghĩ: hắn đã muốn chết thì cho hắn chết. Tôi có quyền gì cấm hắn? Hắn không bán cho tôi thì bán cho người khác. Tôi để lỡ một dịp tốt là ngu. Vậy thì tôi mua cái nhà.
Tôi chạy ngược chạy xuôi. Chỗ thì lãi năm phân. Chỗ thì lãi sáu phân. Cùng quá tám phân cũng lấy liều. Chỉ hôm sau là tôi đã có đủ ba trăm bạc. Đôi bên làm giấy má xong xuôi. Tôi trao tiền cho hắn. Vợ tôi đi mượn thợ để ngày mai dỡ nhà..
Chưa có thợ. Sau ngày bão, thợ làm nhà bận lắm. Cái nhà ba bốn hôm sau vẫn chưa dỡ được. Một người bà con với tôi, một buổi tối đến nhà ông nhạc tôi mà bảo tôi:
- Anh nên liệu dỡ phắt về. Ba trăm bạc của anh nó nướng phắt cả rồi. Vừa ở nhà anh ra chúng nó biết có một số tiền to, chúng nó vây riết lắm. Ngay đêm hôm ấy, chúng nó đã thịt cu cậu hơn trăm bạc. Cu cậu còn nhiều nợ lắm.
Vườn cũng cố rồi. Nếu không dỡ nhà ngay, nó thua quá, đi đâu mất, sợ lôi thôi cho mình.
Có thể. Nếu tôi chậm dỡ, sợ người khác hớt tay trên. Đã đành rằng mình mua bán có làm văn tự. Nhưng tiền tôi đã cạn. Không lẽ lúc ấy còn kiện nhau. Vậy tôi phải cố thuê cho được thợ. Chỉ ngày mai là dỡ luôn.
Ngày hôm sau.. Chúng tôi đến nhà hắn thì thấy hắn đang nằm thườn trên một cái giường tre, chiếu rách và bẩn thỉu. Đứa bé ngồi ngay dưới đất, ôm lấy cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu vừa đấm cho em thùm thụp. Tôi chào hắn. Hắn khẽ hé môi đáp lại. Chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu như hai kẻ thù nhìn nhau. Sao lại chết? Tôi không dám nhìn lâu hai đứa con của hắn. Hình như tôi thẹn với lòng tôi thế nào.
Tôi nhìn xuống đất mà bảo hắn:
- Bác làm ơn cho tôi dọn đồ đạc ra để người ta dỡ.
Hắn cười chua chát:
- Đồ đạc thì có gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này.
Cứ quăng bố nó ra ngoài kia cho tôi, rồi dỡ đi.
Hắn đứng dậy mà bảo con:
- Chúng mày cũng đứng lên. Sang nhà bác Vi nằm nhờ.
Con chị phải quát tháo, gắt gỏng với em một lúc, hai đứa mới lếch thếch cõng được nhau sang nhà bác Vi. Vẫn một đứa lạu bà lạu bạu, một đứa oằn oại và rên la. Thợ trèo lên mái, dỡ gianh quăng xuống. Tôi ngồi ở sân, trông họ.
Một lúc sau, chẳng biết đã gửi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi, xem dỡ nhà. Tôi có dịp trông gần nó. Nó gầy ốm quá. Cổ tay, cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau.
Quần áo rách lượt thượt. Hàm răng của nó cứ nhe ra một cách trông thương hại lắm. Tự nhiên tôi ngán ngẩm. Tôi thở dài một tiếng. Rồi tôi buột mồm hỏi nó:
- Từ sáng đến giờ, em đã có gì ăn chưa?
Nó không đáp, chỉ lắc đầu uể oải. Hình như nó đang bận nghĩ ngợi điều gì. Mắt nó nheo lại. Cái mắt nó cau cau. Có lẽ chỉ vì nắng quáng. Nhưng tôi cứ thấy nó có vẻ thù ghét tôi lắm lắm. Tôi nhắc thầm trong trí: ta không mua thì người khác..
Những mè, rui đã dỡ xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lọng óc. Tôi thấy con bé con đỏ bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy. Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:
- Mẹ ơi!.
Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa.
Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi. Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ. Rồi đây, hối hận sẽ tỏa một bóng đen vào trong cái nhà mới của tôi, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tắc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!. Nhưng mà thôi anh Kim ạ! Nghĩ ngợi làm gì nữa. Ở cảnh chúng ta lúc này hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được?
Ai bảo đời cứ khe khắt vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt gì đến ai!.
Tiểu thuyết thứ bảy, số 4 8, ngày 13-2-1943.