Thuận rồi đấy!.
Phải, nếu thời gian còn giữ được cái nhịp thường của nó thì về rầy đêm dài, ngày ngắn, ban đêm có sương, người ta đắp một cái chăn đơn vừa dễ chịu, ban ngày thì mát mẻ, trời rất xanh, không khí trong veo, nắng dịu, heo may giãi đồng. Nhưng các cụ già thường nói rằng: thời tiết bây giờ có khác đi, không còn được đúng như xưa. Ngày xưa, thời nào tiết ấy rất phân minh, mưa gió thuận hòa. Bây giờ thì các mùa liên tiếp nhau xem chừng cũng chẳng còn đúng mực. Chao ôi! Ở trên đời này có cái gì bền vững mãi đâu?
Có như vậy thật. Ai dám ngờ sang tháng chín rồi mà còn có bão to? Thấy trời trở heo may, người ta tưởng đấy là thu. Những người giàu lấy áo mặc thêm. Những nhà nghèo mơ ước một nồi ngô bung để ăn cho chắc dạ trước khi đi ngủ. Trời lạnh lại càng khỏe đói. Nếu có mà ăn, người ta có thể ăn suốt ngày. Trong lúc người ta rất yên lòng nghĩ đến mặc và ăn, gió cứ mỗi lúc một thêm to. Gió suốt đêm. Hình như lại có mưa. Đến gần sáng thì những cái nhà tre đã bắt đầu chuyển kêu răng rắc. Người ta giật mình choàng dậy. Gió đã hung hăng lắm. Lấn át những tiếng kêu rên của lá, gió chồm lên hồng hộc.
Bây giờ thì chẳng còn ai ngủ nữa. Ngay trong những căn nhà vững chãi người ta cũng thức. Người ta thở dài, chép miệng, rên lên như sốt rét. Người ta lo chết đói. Lúa lớp này đang dỗ. Cây cối mà trận bão trước còn để sót vừa mới hơi hơi lại. Trận này nữa là không một giống cây gì còn sống nổi. Rồi đây vườn sẽ chỉ còn đất trắng, củ chuối mà ăn cũng không còn nữa. Nhà nào nhà ấy lại sắp sửa xem còn có thể đi nơi nào được, thì vợ chồng con cái bồng bế nhau mà đi đi.. Khốn nạn cho những người mẹ yếu đuối đốt một ngọn đèn tù mù ngồi nhìn lũ con vô tư ngủ lăn ngủ lóc dưới một cái nóc nhà bẩy rẩy! Một tiếng két lại làm cho họ giật mình thon thót. Họ lo lắng nhìn những cái xà cựa quậy. Nhà khó lòng mà khỏi đổ. Biết làm sao bây giờ được. Trời đen như mực. Không đèn đóm nào chống lại nổi với mưa, với gió. Ngay người cũng khó lòng mà đi vững.
Làm thế nào để khuôn được ba, bốn đứa con đi trú nhờ? Họ tự hỏi như vậy, rồi lại tự trả lời bằng những tiếng kêu trời thật to. Bởi vậy, ánh sáng trở lại thật đã đẩy một khối nặng đè trên ngực họ. Mắt họ sáng lên một chút. Nhưng chúng sáng lên để lập tức lại tối sầm ngay lại. Chúng vừa nhận thấy cái cảnh đổ nát ghê gớm bên ngoài. Biết bao nhiêu chuối đổ, cây gẫy gục, cây tróc gốc. Biết bao nhiêu mía đổ. Bưởi, cam rụng lở tở. Những cây xoan bị gẫy cành, nát lá. Những cây tre rũ rượi như gần kiệt sức. Gió đã tuốt đi của chúng bao nhiêu lá! Những chiếc còn sót lại tước ra thành từng sợi nhỏ như những chùm lá thông.
Những người nhà quê nhìn ra vườn, thương xót cây cối của họ như thương xót những con vật sống. Họ thương cây và thương chính họ. Bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt! Chỗ mía kia giá trời để nguyên lành, cuối năm nay làm gì không có ba chục bạc. Mấy buồng chuối tiêu kia tháng sau bán thật vừa: bán cho người ta ăn tết cơm mới. Cây bưởi có người trả mười đồng còn dùng dằng chưa chịu bán. Còn cam. Còn trấp. Còn cây hồng sai chíu chít. Bao nhiêu tiền của vào đấy. Tối hôm qua đi ngủ, còn nguyên vẹn. Bây giờ đã sạch sành sanh cả rồi.
Những người đàn bà khóc thật. Họ khóc hu hu như cha chết. Những người đàn ông sốt ruột quát om sòm. Những thằng liều nghiến răng lại chửi trời. Những thằng nhút nhát hơn chửi trống không. Mặc! Gió vẫn gào, vẫn thét, vẫn hồng hộc như những con ngựa chiến. Và trên cao, cái thứ tiếng u u vẫn kéo dài ra mãi, như có người chọc tiết hàng trăm con bò.
Nhưng trận bão ít nhất cũng đã làm cho một người sung sướng. Ấy là Thai cao kều. Không phải Thai là một kẻ dở hơi. Nhưng hắn chỉ có hai bàn tay trắng, những thằng không có của không bao giờ mất của.
Vốn xưa kia Thai cũng có vườn. Có ba sào. Chẳng phải của ông cha để lại cho. Ông cha hắn cũng nghèo. Lúc sống cơ nghiệp có bao nhiêu thì lúc chết lại quây gói vào mà mang đi hết. Bởi vì người không phải là con chó, người không thể chết như con chó chết: chết còn làm lợi cho kẻ khác. Người chết phải đem chôn. Lại không thể cầm cái mai, moi một đống đất lên mà chôn như chôn một con mèo chết vào một gốc cây khế cho cây khế ngọt. Phải mua cỗ gỗ. Phải mời xóm, mời làng. Phải có bát nước, miếng trầu.
Phải biện lưng cơm cho những người khiêng. Ấy nói phận nghèo. Nếu cái thể còn vay mượn được thì còn phải đến trăm thứ khác. Cái chết ở thôn quê là một cái gì rầy rà to.
Vậy thì dẫu bố mẹ Thai có vườn để lại cho Thai thì Thai cũng phải bán đi rồi. Nhưng thật tình là không có. Ba sào vườn của hắn, nguyên do là của ông lý Biên cho hắn. Hồi ấy hắn làm đầy tớ nhà ông lý. Chính vào hồi kinh tế. Thóc có hào tám, hai hào một thúng. Làm ruộng không đủ tiền trâu bò với tiền nộp thuế. Người ta lũ lượt kéo nhau đi mộ phu, đi lên rừng. Vườn, ruộng ế. Những mảnh tốt còn có người muốn giữ. Những mảnh xấu, chẳng ai còn thiết.
Người ta bỏ thuế. Lý trưởng sợ không lấy gì nộp được, mang gán cho bà con thân thuộc, người một mảnh, người vài mảnh. Còn một mảnh ba sào đất bãi, không ai chịu nhận, ông bèn cho Thai. Cho thì lấy vậy. Dẫu chẳng lợi lộc thì cũng không phải thiệt. Đủ nộp thuế, là phần nhất.
Không đủ thì cứ ỳ ra đấy. Hắn là đầy tớ ông lý, không lẽ ông giết hắn? Ngày ấy hắn chưa vợ, chưa con gì.
Mấy năm sau, ông lý Biên từ lý trưởng. Người khác lên thay, Thai không thể ăn vườn mà không nộp thuế. Hắn đã toan bỏ phắt, nhưng không bỏ được. Bởi bây giờ hắn đã trót đa mang vào cái cảnh vợ con. Vợ hắn bảo rằng: cái vườn cũng như một cái xương để gặm dần. Thị nhất định cứ giữ khư khư lấy cái xương ấy, không chịu nhả. Sự co quắp của đàn bà thật là khó chịu nhưng nhiều khi có lý. Bởi vì cái thời mọi cái rẻ như bèo dần dần phải qua đi. Thóc gạo trở lại giá bình thường rồi quá giá bình thường. Một thùng sắt tây đã có kỳ lên đồng tám. Gấp mười lần khi trước. Những người ăn đong méo mặt. Ngày nắng còn có thể đong được gạo; ngày mưa, nhiều khi có tiền mà đành nhịn. Cầm rá ra hàng gạo, đố ai thấy đầu hàng gạo đâu; người đi đong chen chúc. Hàng gạo vừa bán vừa mắng sa sả, người mua cũng phải lăn lưng vào. Ờ! Bây giờ thì vườn, ruộng sao mà quý thế! Ba sào vườn của Thai bỗng nhiên có giá. Nó không còn là xương nữa. Nó là miếng nạc. Biết bao nhiêu anh thèm! Hồi đầu năm, có người trả trăm hai. Rồi có người trả trăm ba. Rồi có người trả trăm tư. Rồi tháng năm vừa rồi, thấy hắn phải chạy tiền nộp thuế, có anh cay mua quá, trả luôn trăm sáu. Đã ghê chưa? Chưa bao giờ hắn tưởng hắn có một cái cơ nghiệp to đến thế. Ngót hai trăm đồng bạc! Vợ hắn vênh mặt lên mà bảo hắn:
- Đấy! Chả đòi bán mãi đi! Giá bán rồi thì bây giờ được ngồi nhìn người ta ăn mà xít xoa.
Hắn cười:
- Người ta đùa đấy chứ ai chịu bán? Có ba sào vườn bán đi thì ở đâu?
- Úi chào!
- Thật chứ!. Bây giờ ai cứ trả hai trăm bạc, tôi có bán thì cho cứ phỉ vào mặt tôi.
Có người biết thế. Người ấy dòm ngó cái vườn của Thai lâu lắm. Y biết rằng Thai túng, nghĩa là cái mồi còn có thể giằng ra được. Miễn là phải khéo. Y chờ từng cơ hội. Mà cơ hội thì này đây: một hôm y thấy Thai đến sòng xóc đĩa.
Dấu hiệu này rất tốt. Bởi đến sòng xóc đĩa thì phải đánh.
Đánh thì thua hoặc được. Được thì đánh nữa, cho đến bao giờ hóa thua. Kết thúc thì bao giờ cũng thua.
Y chờ lúc đó. Lúc đó đã đến, như lời y đoán. Y cho Thai vay vài chục. Rồi y lại cho Thai vay chục nữa, rồi vài chục nữa. Sau cùng thì y gạ Thai cố vườn. Cố thôi, chứ y không có tiền mua đâu. Không muốn cố thì xoay tiền mà trả y. Y không cho vay thêm nữa. Vay nhiều rồi. Xoay? Xoay đâu cũng phải lãi mười phân. Thôi thì cố mẹ nó cái vườn cho xong! Thai nghĩ thế, bởi vì hắn đã thua cay lắm. Cần phải gỡ. Dẫu phải bán thân hắn đi mà gỡ, hắn cũng không ngần ngại. Ấy thế là cái vườn mất. Bởi vì cái vườn bán có đắt khét mới được hai trăm thì người lấy cố lấy luôn cho hắn những trăm hai. Trăm hai, viết là hai trăm cho cẩn thận, do cái lẽ trong văn tự chỉ có thể nói lãi y như quốc lệ. Y như quốc lệ nghĩa là đồng bạc, tháng có một xu. Tiền để có mục ra cũng không cho vay nhẹ lãi như thế. Vậy thì viết tăng lên hai trăm cũng được, nhưng đến lúc chuộc cứ số hai trăm tính lãi mười phân mà trả. Người có tiền bỏ ra bao giờ cũng muốn nắm đằng chuôi như vậy. Được! Được! Muốn thế nào thì muốn. Thai cần tiền..
Cái lịch sử vong gia thất thổ bắt đầu như vậy. Tiếp đến những ngày vợ chồng nghiến ngấu nhau. Rồi thì chị vợ bỗng lẩn mẩn nghĩ rằng, cho cái thằng chồng bạt mạng này ăn thật phí cơm. Thị không cho chồng ăn nữa. Muốn ăn thì đi mà kiếm gạo. Anh chồng nghĩ, về nhà thế này thì cũng vô ích quá. Hắn không về nữa. Ban ngày hắn đi làm thuê để kiếm cơm. Đêm hắn ngủ nhờ luôn ở nhà chủ để sáng mai lại làm. Chị vợ đi mò cua, bắt ốc hoặc cắt cỏ đem sang chợ. Chị bán lấy tiền để nuôi thân và nuôi đứa con nhỏ. Đứa con lớn cho đi ở. Thế là ai lo phận ấy. Tay có làm thì hàm mới nhai. Trong khi ấy, số lãi cố vườn - mỗi tháng mười hai đồng bạc - cứ chồng chất lên.
Trận bão tháng sáu bùng ra. Giá không sợ người ta chửi, Thai đã reo lên một tiếng reo đắc chí. Bởi vì lúc ấy cái vườn đã đến độ không còn lấy gì mà chuộc được. Tiền chuộc quá giá vườn rồi. Vậy thì những cây cối đổ la liệt, hoa màu bị tàn phá chẳng ăn nhập gì đến hắn. Chỉ có vợ hắn là hơi bị thiệt: cái nhà bị đổ. Nhưng cũng được. Thị dỡ củi đi bán dần lấy tiền đong gạo. Rồi thị đi ở nhờ. Có sao?
Sau trận bão, nhà nào cũng phải dọn vườn, phải chữa nhà, không ai rỗi để làm thuê. Bấy giờ mới là lúc những anh đi làm thuê "lên râu tợn". Thai tự nhiên thấy người ta cần mình. Cần thì bắt chẹt, để bù lại những lúc sức làm việc của con người rẻ rúng, hắn ngồi mốc lên cũng chẳng ai thuê. Mọi khi ăn cơm nhà, hắn vẫn được người ta trả công ba hào. Cơm chủ thì hào rưỡi. Họ cho ăn tệ lắm, được miếng cơm chín đã là tốt phúc. Bây giờ không thế được. Hắn đã làm, cứ phải cơm ngày ba bữa, có cái tôm cái tép hoặc bát canh, bát riêu tử tế. Rồi tối về lại phải xỉa ra luôn bốn hào công. Có bằng lòng thế thì thuê, không thì cứ để hắn chơi mà nhịn đói. Cố nhiên là người ta phải bằng lòng. Hắn gạt ra không hết việc. Luôn nửa tháng trời, ngày nào cũng cơm no phĩnh độ, tiền bỏ túi lúc la lúc lỉu. Một lớp ấy, tính ra hắn để được năm sáu đồng.
Bởi vậy, khi trận bão bất ngờ đầu tháng chín xẩy ra, Thai mừng rỡ. Hắn thấy hắn cố vườn là phải lắm. Để vườn, bây giờ chỉ việc trông nhà mà khóc. Không có vườn, lại được đi làm thuê tính tiền. Ôi! Chí lý thay là những anh cố vườn. Hắn ngửa mặt lên trời cười ặc ặc.
Nhưng hôm nay thì công việc cũng đã vãn rồi. Người ta không còn phải tranh nhau mướn người làm như trước nữa. Công trở lại ba hào không cơm. Gạo thì kém. Không những thế, lại sắp sửa đến cái dạo không việc. Thai đã phải vác xác ra bờ để ngồi tán chuyện với những kẻ vô công rồi nghề.
Trời lành lạnh. Gió thổi trên những ruộng lúa xanh cuồn cuộn. Thai nghĩ bụng, không khéo thì lại bão!. Nhưng không phải. Trời có vẻ như đã thuận. Mà thuận là phải lắm. Gần sang tháng mười rồi còn chi? Mùa lạnh tới. Thai buồn rầu nghĩ đến bộ quần áo độc nhất của hắn đã xác như tổ đỉa. Giá vải như giá vải năm nay thì hắn chẳng dám mong có thể may bộ khác. Bộ cũ cần vá víu..
- Thuận rồi đấy!
Hắn nhắc theo những người khác như cái máy, nhưng mắt hắn lờ đờ. Gió may thổi đám lá tre bối rối. Trong lòng hắn, những nỗi niềm không rõ rệt, nhưng buồn bã lắm, cũng rối lên bời bời. Trời lạnh lẽo. Con chim nhớ tổ. Người ta thấy yêu gia đình. Thai nghĩ đến vợ, đến đứa con nhỏ, đến những buổi tối của những mùa rét trước. Cái ổ rơm ấm nóng, mẻ ngô rang thơm ngọt, tiếng trẻ con cười giòn. Và người đàn bà, người đàn bà ấm hơn chăn chiếu.
Chiều hôm ấy, Thai đi tìm vợ. Chúng điều đình với nhau một cuộc tái hợp. Không có gì ngăn trở cả. Người đàn bà rất muốn có một chốn để đi về như con chim có tổ. Cái khó bây giờ là làm sao có nhà..
Thai bảo vợ:
- Kể thì cũng dễ. Cái vườn tuy cố rồi nhưng vẫn chưa mất hẳn. Ta vẫn có thể ở nhờ họ được. Còn nhà thì mỗi đứa chung hai đồng. Ta đi mua vài chục nữa, vài gánh mía về làm một cái lều con con.
Ngày hôm sau, cái chương trình ấy được đem ra thi hành. Thai bỏ ra hai đồng bạc. Vợ hắn cũng có tiền bỏ ra hai đồng bạc. Người chồng hí hửng đi sắm sửa. Vừa tre, vừa nứa hết hai đồng chín. Cứ nói là ba đồng cho gọn. Sáu hào lá mía. Còn thì để xem ai có lạt vàng, giả lại vài ba trăm cái. Mua tre để chẻ đã mất công, mà cái lạt trắng không được bền. Bây giờ thì khởi công. Vốn tính phân minh, hắn giao hẹn với vợ:
- Tớ mất công làm thì đằng ấy mất cơm. Cái gì cũng vậy. Ở thì cả hai cùng ở, vậy chịu cũng cả hai cùng chịu. Nhịn đói thì trời cũng không làm được. Chị vợ lừ đừ đôi mắt. Thị cho là hắn định xoay thị. Đã góp hai đồng bạc, lại mỗi ngày vài hào gạo cho hắn nữa, thì ra phần thị phải đến ba đồng à? Thị nguây nguẩy chối:
- Thôi! Thôi! Tôi xin kiếu!. Đừng vòi nữa. Tôi đã giao hẹn tôi chỉ có hai đồng bạc.
- Dở lắm, thế tôi không phải hai đồng bạc à?
- Ừ! thì mỗi người hai đồng bạc. Còn thì cơm ai người ấy ăn.
- Nói chó cũng không ngửi được!. Ồ, nếu vậy thì mỗi ngày giả công tôi ba hào.
- Có ngay!
Thị gân cái cổ lên một cách vô cùng bướng bỉnh. Hắn phải dọc đường dọc lối cho thị hiểu:
- Thế này này.. Để yên tôi nói: mỗi ngày làm của tôi đáng ba hào, thế tức là cứ làm một ngày cũng như tôi góp ba hào, nhà chẳng góp hào nào cả.
- Việc gì tôi phải góp.
- Thì cứ để tôi nói nốt! Bây giờ nhà thổi cho tôi độ hào rưỡi gạo, có phải tôi còn thiệt hào rưỡi không? Rành rọt quá. Chị vợ cứng họng, không cãi được. Thị đành chịu vậy. Nhưng thị đã hậm hực không vui rồi. Thị thấy cứ hơi dây với hắn là y như hắn tìm đủ cách để có phần hơn về cho hắn. Phương ngôn nói: "Cuốc giật vào lòng" thật không sai tí nào. Nhưng mà thôi! Đã trót bỏ ra hai đồng bạc, bây giờ có đòi về cũng không được nữa. Thị đành nín nhịn cho xong việc. Thành thân cái nhà rồi sẽ liệu.
Nhưng mấy hôm sau, khi cái nhà được lợp rồi, hắn lại giở giọng bảo thị như thế này:
- Tôi quên đi mất. Còn trúc buộc dừng chưa có. Nhà bỏ ra vài ba hào đi mua…
Thị không đợi cho chồng nói hết:
- Thôi, thôi, thôi, thôi!. Tôi không biết!
Thị vừa lắc đầu vừa chạy lụt cụt để tỏ ý nhất định không nhượng bộ một tí nào nữa. Hắn gọi với theo:
- Này, thì yên tôi bảo đã!
- Tôi không biết! Tôi không biết!.
Thị ngoắt ra tận ngõ. Mồm thị lẩm bẩm gì như chửi rủa.
Hắn bực mình lắm lắm. Hắn quẳng phắt con dao xuống đất.
- Nó làm như ông ở một mình không bằng.
Hắn xoa bàn tay nọ vào tay kia và vỗ bèn bẹt cho hết đất. Rồi hắn đi. Cổ hắn cứ nghèn nghẹn suốt từ giờ cho đến tối. Có lúc nước mắt ứa ra một chút. Hắn ngao ngán quá. Cái ý nghĩ liều lĩnh lại trở về óc hắn:
Kệ bố nhà! Kệ tiên nhân vợ! Ông lại đi làm cút rượu. Ấy thế là số phận của cái lều đã định. Nó đành bỏ dở. Kèo, cột đâu vào đấy cả rồi. Nó buộc rồi. Hai mái lợp gần xong. Chỉ còn thiếu vách. Nó trống bốn bề như quán chợ. Gió, sương vào mặc sức. Giun dế đùn cả lên mặt nền.
Một hôm người chủ lấy cố vườn trông thấy, và bỗng nghĩ ra một việc. Gặp vợ Thai, y bảo:
- Thôi, chị ạ. Cái lều của anh chị không dùng nữa, có dỡ đi bán củi cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi trả hai đồng đấy; chị có bán thì để lại cho tôi, tôi trả tiền. Nài được thêm năm hào nữa, thị bằng lòng bán. Người chủ vườn sai đầy tớ buộc dừng, trát vách. Rồi ít lâu sau, đêm nào cũng vậy, cứ tối một lúc, người ta thấy thằng ở nhóc con nhà ông ta nằm trong lều hát toáng lên như để bảo trộm rằng "có ta đây", rồi một lúc sau đã lăn ra ngủ khì khì, giá trộm có vào vần xuống sông cũng chưa tỉnh hẳn. Ấy là hắn ta coi vườn.
Tiểu thuyết thứ bảy, số 45 , ngày 3-4-1943.