Họ nói hết chuyện rồi nhưng vẫn chưa muốn đi ngủ. Ngủ sao đang! Có những đêm chẳng bao giờ trở lại. Người ta phải thức suốt sáng để tận hưởng từng phút một. Chợp mắt đi một phút, tức là bỏ phí một phút sung sướng trong đời mình…Họ lặng lẽ nhìn nhau. Cái nhìn êm dịu, giống như tiếng ngân, kéo dài thêm những lời ân ái họ đã ngừng kể lể. Quyên thấy lòng tràn đầy hạnh phúc. Nỗi hoan lạc long lanh trong đôi mắt lăn tăn, bừng bừng trên đôi má ửng hồng, và mơn mởn trên đôi môi hé một nụ cười bất tuyệt. Nhưng bỗng nàng nhận thấy một chút lơ đãng trong đôi mắt Phúc, mà chợt nhớ ra một điều mà suýt nữa nàng quên khuấy mất…
- À! Em hỏi …Mình nghĩ gì mà lúc nãy ngồi tiếp rượu các anh ấy, mình thừ người ra mấy lượt như người mất vía thế!
Phúc lắc đầu:
- Không …
- Có! …Mình giấu em sao nổi? Em biết thừa! Em bảo nhé! Ngay lúc này đây, mình vẫn còn nghĩ gì lẩn quẩn trong óc đấy. Nghĩ gì? Nói đi!
- Không mà!...
- Có!
- Ừ thì có … Anh nghĩ: Anh yêu Quyên lắm.
- Không! Không! Chả chơi với mình nữa đấy! Mình giấu em! …
Phúc mỉm cười, vuốt ve người yêu. Quyên nũng nịu:
- Kìa! Mình bảo em …Nghĩ gì?
Người đàn ông nào có thể từ chối một câu hỏi như thế ấy? Nhưng nói ra, vớ vẩn lắm! Chàng nắm lấy bàn tay Quyên, ngắm nghía những ngón tay muôn muốt, để có cớ mà nhìn xuống cho đỡ ngượng…
- Ừ thì nói nhé …Anh nghĩ đến một người cô không đến ăn cơm cưới chúng mình hôm nay. Cô Hoàn…
Chàng ngừng lại. Bởi vì Quyên mở to đôi mắt như ngạc nhiên lắm lắm. Phúc buồn bã vì một người cô không có mặt trong đám cưới? Nàng không thể nghĩ một người như Phúc lại có thể tỉ mỉ như thế được. Theo ý nàng, thì việc trăm năm của hai người chỉ quan hệ đến hai người. Có dính dáng gì đến những ông chú, bà bác, cô dì với bạn bè, có khi lại cả những người dưng nước lã, để phải gắng gượng nói cười với họ và nghe họ cười cười, nói nói, đến mệt óc, chán tai? Trong một đám cưới của ta, người ta bày ra đủ trăm trò để làm khổ chú rể, cô dâu. Nào lễ hết bàn thờ nọ đến bàn thờ kia, nào lễ sống cha mẹ, nào chào hết bà cô này lại đến bà dì khác; trả lời những câu đùa cợt của họ - cợt đùa để thử khéo, thử khôn, ấy là chưa kể cái khổ nghe quan viên hai họ đối chọi nhau chan chát những lời đanh thép vặt. Thật là nhọc mệt, Quyên cho là còn nhọc mệt hơn một kỳ thi có nhiều bài. Chính cái đám cưới, đối với Quyên, đã là một cái gì đoảng vị lắm rồi. Vậy thì nàng có để ý gì đến cái sự một bà cô đến dự hay không đến dự! Mặc bà cô ấy! Miễn là nàng với Phúc yêu nhau là đủ. Cái đáng kể trong đám cưới, ấy là tình yêu giữa đôi trai gái, đâu có phải vì một bà cô hay một bà dì?...
Tuy nghĩ vậy, nhưng nàng cũng lơ đãng hỏi:
- Cô Hoàn? … Cô Hoàn nào?
- Cô Hoàn mù. Cô ấy là chị ruột thầy. Để anh kể chuyện cô ấy cho Quyên nghe nhé. Buồn cười lắm!
Buồn cười lắm! Phúc do quen miệng mà nói thế. Thật ra thì chuyện cô Hoàn chẳng có gì buồn cười lắm. Có thể nói là trái lại. Phúc kể như thế này:
Bà nội anh chết sớm. Lúc chết bà mới được một trai một gái. Chị hơn em bốn tuổi. Chị là cô Hoàn. Em tức là thầy chúng ta. Cô Hoàn rất yêu thầy. Mẹ chết đi rồi, cô phải thay mẹ coi sóc em, tuy cô mới lên mười. Mỗi tối khi em học xong rồi, cô phải đi lấy cơm lồng từ ban trưa để lại làm cơm tối cho em; dầm ra và chan mắm để em ăn (bởi nhà túng nên chỉ mình em bé được ăn cơm tối). Em ăn xong, cô dẫn em ra ao rửa mặt mũi chân tay, rồi về dọn giường chiếu cho em ngủ. Mùa bức cô quạt cho em ngủ. Mùa rét, cô luôn luôn để ý kéo chăn lên cho em, mỗi lần em giãy khỏe nên trật cả ra bên ngoài. Những khi em ốm, chính cô sắc thuốc, rót thuốc, dỗ em uống và nấu canh, nấu cháo. Ngay từ hồi ấy, cô đã tập sống cho em, chứ không phải cho chính cái thân cô nữa. Bất cứ cô làm một việc gì, cũng là vì em mà làm… Năm cô mười bảy tuổi, bố chết. Tất cả di sản của nhà nho thanh bạch ấy gồm hai tủ sách và mấy cuốn thuốc. Cô Hoàn vì phải giúp cha hoàn tán mãi nên nhớ được. Nhờ mấy món thuốc ấy, và nhất là nhờ đức hy sinh của cô, cô nuôi được em cho đi học. Năm sau, một nhà giàu chuộng cái nết của cô, muốn cưới cô về làm dâu. Người ta hứa sẽ nuôi cả người em, cấp lương cho đi học. Em muốn chị lấy chồng để có chỗ nương thân. Nhưng chị bảo:
- Ta chả dại! Bây giờ người ta muốn lấy mình thì nói thế. Nhưng lấy được mình rồi, biết họ còn giữ lời hay không? Cái nghề đời: anh rể nuôi em vợ …Mà nào có một anh rể mà thôi! Lại còn có bố mẹ, anh em anh rể nữa… Chị chỉ lo em khổ. Chi bằng cứ thế này, chị em đùm bọc lấy nhau, có no ăn no, có đói ăn đói.
Nhưng mấy năm sau, khi có một nhà giàu không có con trai, muốn nhận người em cô làm rể thì cô lại khẩn khoản xin em nhận lời, gửi rể…
- Chúng ta bây giờ bồ côi bồ cút, tìm được một chỗ tử tế mà nương tựa là phúc lắm. Em không nên bỏ lỡ.
- Em đợi chị lấy chồng rồi mới tính đến lượt em.
- Ngộ không có ai lấy chị?
- Thì em sẽ chẳng lấy ai, ở vậy mà thờ chị.
- Sao em nói thế? Em không nghĩ đến việc nối dõi tông đường hay sao?
Bị chị thúc bách nhiều quá, người em đành thuận vậy. Ngày vui mừng của em gần tới thì chị bị đau mắt nặng. Rồi chị hỏng cả hai mắt. Cả một đời con gái lỡ! Câu nói gỡ buột miệng nói ra hôm nào, không ngờ thành sự thực. “Ngộ không có ai lấy chị?” … Có ai lấy một thiếu nữ mù làm chi! Người em khóc như mưa như gió, thương chị lắm. Nhưng chị bảo:
- Em đừng nghĩ ngợi làm gì lắm. Đất nhà ta thế: đời nào cũng phải có một người mù hoặc chột. Người này chết, tự nhiên người khác bị. Chị cảm ơn trời Phật lắm! Chị được mù để khỏi lo em mù là may lắm rồi.
Em cảm động lắm, khóc rưng rưng bảo:
- Nhưng trời bắt chị như thế này, em không thể ở rể nhà người ta được. Em không lấy vợ. Em nhất định ở vậy mà nuôi chị.
- Em đừng nghĩ thế. Em cứ lấy vợ đi. Bây giờ chị chỉ còn mong em sớm có con; chị sẽ ở với vợ chồng em suốt đời mà bế các cháu. Mà rồi, chỉ còn việc bế trẻ con là làm được. Chị được bế con cho em thì còn gì hơn? Chị đã không có con để bế, nếu không được bế cháu thì buồn chết!...
Người em đành lấy vợ và xin phép bố mẹ vợ cho rước chị về nhà vợ. Người chị mù không chịu để em nuôi. Cô vẫn chống gậy, lần ra chợ bán thuốc kiếm ăn. Cho mãi đến khi em được đứa con đầu lòng, bấy giờ người em mới ép được chị ở nhà để bế cháu, không được mò ra chợ nữa…
Phúc kể đến đây thì ngừng lại. Chàng hơi nhíu cặp lông mày. Chàng suy nghĩ hay khó chịu. Có lẽ chàng do dự. Nên nói tất cả ra chăng? Hay giấu giếm bớt đi một phần sự thật, mà nếu phải nói ra chắc chàng ngượng lắm…Nét mặt chàng, nhất là đôi mắt, buồn bã hơn một chút. Thở dài một tiếng xong, chàng bùi ngùi kể tiếp:
- Thế rồi không biết tại sao, về sau cô không ở nhà em nữa. Cô đi hẳn một nơi biệt tích, ở với một bà dì, và trở lại nghề làm thuốc. Dần dần, tại nhà người em, người ta quên hẳn cô. Chỉ còn chính người em, vẫn nhớ. Mỗi năm, một vài lần, ông dắt đứa con lớn nhất của mình đến thăm cô. Người cô móc một ít tiền dành dụm ra (đó là tiền mua ván sau này) mượn người mua kẹo bánh về, ẵm cháu vào lòng bảo nó ăn, rồi vừa xoa đầu cháu, nắn cổ tay cổ chân nó để xem lần ấy nó gầy hay béo, hỏi xem em út nó biết làm gì rồi? Thầy nó có hay đánh nó không? Nó học đến đâu rồi? Hoặc kể cho nó nghe chuyện Phật hiện lên để thử người đời xưa…
Cuộc đời đổi thay luôn. Gia đình người em rời nhà quê đến một thành phố nhỏ. Họ buôn bán và làm giàu ở đấy. Đứa con lớn, lớn hơn xưa, bắt đầu thấy cái việc ngồi lòng cô, ăn bánh của cô và trả lời những câu hỏi lẩm cẩm của cô là vô vị. Người cha cũng bận buôn bán. Hai cha con ít đến thăm cô hơn trước. Rồi đứa cháu ấy được lên Hà Nội học. Nó có nhiều bạn, nhiều thú vui, và có lẽ cũng nhiều bài vở nữa nên quên hẳn người cô mù của nó. Mà cứ gì người cô mù ấy! Ngay đến cha mẹ nó, nó cũng thấy xa hơn một chút. Nhiều kỳ nghỉ, nó không hăm hở về thăm nhà như trước nữa. Nó ở lì Hà nội. Nó say mê thể thao, âm nhạc, những cuộc hội họp trẻ trung, những buổi chiều đi lượn phố, và bóng dáng thướt tha của những cô thiếu nữ nhởn nhơ trên bờ hồ…
Một hôm, trong cuộc đi chơi bằng xe đạp, đến một làng kia, nó sực nhớ ra rằng đây là làng người cô mù ở. Sự tò mò, nhiều hơn là tình thương, xui nó rẽ vào thăm. Người cô đã già và gầy, và xanh hơn trước rất nhiều. Tóc cô đã lốm đốm hoa râm. Cô không đi chợ nữa. Cô ngồi nhà bán thuốc, ai mua thì đến. Số tiền kiếm được, do thế, có sút đi đôi chút. Muốn bù vào đấy, cô nhận bế trẻ con thuê. Những người mẹ cần đi làm hay đi chợ, sáng sáng cứ đem đến chỗ cô, kèm theo một nắm cơm. Cô sẽ ẵm nó cho, khi nó đói, cô mớm nó. Rồi cô ru nó ngủ. Cô còn mày mò tắm rửa cho nó nữa. Tối đến, mẹ lại tới rước con về. Họ trả công cho cô mỗi ngày hai hoặc ba xu. Cũng có người chẳng có xu nào! Họ trả công bằng một lời nói suông. Thì cũng được. Miễn là cô được nâng niu đứa trẻ, nghe nó cười, nó khóc, vuốt ve cái mông mát trơn của nó. Không có chúng, đời cô sẽ buồn biết bao!...
Mới đầu cô không biết cháu là ai. Và khi đứa cháu đã nói rõ cho cô biết thì cô reo lên, cười rồi khóc. Cô chìa bàn tay run run về phía nó. Chà! Nó đã lớn lắm rồi đây nhỉ. Cô hỏi nó bao nhiều là chuyện! Nó học mãi trên Hà Nội. Ồ! Xa nhỉ! …Nó đã đỗ tú tài. Ồ! Giỏi nhỉ! …Rặt những “ ồ “, những “ à” như vậy. Người cô tiếc nuối không còn đôi mắt để nhìn nó. Cô sờ lại. Ồ! Nó giống thầy nó ngày xưa như đúc! Chắc nó cũng ngoan như thầy nó ngày xưa đấy. Thầy nó ngày xưa ngoan lắm! Thầy nó ngày xưa học chăm mà sáng lắm! Thầy nó ngày xưa…thầy nó ngày xưa…Cô kể lại biết bao nhiêu là chuyện về thầy nó ngày xưa, với một giọng tha thiết lắm. Hình như thầy nó ngày xưa là hình ảnh cuối cùng in trong đáy đôi mắt đã khép kín hẳn lại. Sau những hình ảnh ấy, chẳng còn một hình ảnh nào nữa chồng lên trên…
Cuối cùng cô bỗng reo lên:
- À, cháu có vợ chưa?
Và khi biết rằng chưa …
- Ồ! Cháu hư lắm! Thầy cháu ngày xưa bằng tuổi cháu đã có con rồi. Cháu phải lấy vợ đi! Lấy mau lên! May ra cô còn sống mà ăn cưới cháu. Đám cưới cháu chắc là to đấy nhỉ? Cưới vợ cậu tú mà chả to!
Quyên hỏi Phúc:
- Thế cô ấy có được tin không mà không về ăn cưới chúng ta?
- Cô ấy chết rồi.
- Thế thì anh còn nghĩ làm gì?
- Để mà buồn. Bởi vì giá cô Hoàn còn sống thì cũng chả chắc cô ấy về ăn cưới chúng ta đâu. Ai còn nghĩ đến cô? Chỉ còn một mình anh. Mà lòng lại hỏi lòng, anh nhận ra rằng chẳng bao giờ anh có can đảm mời cô về để khoe với bao nhiêu khách sang trọng nhà em và chính em.