Cuộc khám khung cửi bắt đầu. Quan đã sức cho tất cả ban hội đồng và các hương chức trong làng phải làm chung. Tiên, thứ chỉ, lý, phó trưởng, và tất cả những người có chân trong ban hội đồng kỳ hào phải hợp sức với nhau, đi khám tất cả các nhà có khung cửi trong làng, xem mỗi nhà đích thực có bao nhiêu khung cửi máy, khung cửi tay, về làm bản kê khai rành mạch, đệ lên cho quan xét. Tờ sức rất rõ ràng. Và các cụ phen này hình như đã thề thật độc với nhau: quyết làm việc rất phân minh. Cụ nào cũng thẳng băng; nhà nào có bao nhiêu khung cửi thì khai bấy nhiêu thôi, bất cứ nhà ai chẳng vị nể gì. Ông tiên chỉ cũng vậy, mà thằng bạch đinh cũng vậy. Cụ chỉ, biết cái trách nhiệm của mình rất lớn lao, và cũng muốn là gương cho những cụ dưới noi theo, hăng hái chửi đứa nào còn ăn bẩn. Ăn bẩn, nghĩa là thiên tư cho con cháu nhà mình, có ít xít ra nhiều để mua sợi thật nhiều về lấy lãi ăn cho cái dạ thật đầy. Như vậy, tất nhiên là bọn đàn em chúng nó kêu. Trước là rát tai mình. Sau là thiệt một mối lợi to của dân làng. Nghĩ khổ.
Cứ xét lần trước là đủ biết. Lần trước, quan cũng đã sức về cho lý trưởng khai. Các cụ trên quá tham lam. Các cụ vào hùa với nhau, cụ nào cũng khai cho mình một vé riêng, vợ mình một vé riêng, các con mình mỗi đứa một vé riêng, rồi đến thằng ở cũng làm một vé riêng nốt, cho đầy đủ cả. Số sợ Nhà nước cấp cho có hạn. Các cụ và bầu đàn thê tử nhà các cụ chiếm hết rồi, tất nhiên là lũ đàn em phải ngồi trơ. Hoặc giả có còn lại năm, ba chục vé vào tên bọn đàn em, thì các cụ lại lợi dụng sự trùng tên để mà chiếm nốt. Những kẻ bị chiếm, đó là manh mối biết ai là người chiếm của mình rồi, mua cau chè đem đến tận nhà lạy van xin. Khổ một điều: mối lợi khá to, ai dại gì lại nhả ra? Chúng có có lạy van mấy cũng hoàn toàn vô ích. Chúng bèn không lạy nữa. Ngọt không được thì chúng xẵng. Chúng bàn nhau dùng cách chửi. Ôi chao! Ở cái làng này, người ta chửi đã nhiều nhưng thật tự cổ chí kim, chưa có bao giờ người ta chửi hăng đến vậy. Từ rạng đông cho tới hoàng hôn, trên đường cái, trên cái đường nhỏ, các ngõ con, trong chợ, ngoài bến đò, trước cửa đình, thôi thì khắp mọi nơi, lũ năm, lũ ba, chỗ này là một anh chàng say rượu mặt đỏ gay, mắt gườm gườm, chân nam đá chân xiêu, chỗ kia là mấy chị đàn bà, vạt áo vắt vai, quần vén lên quá đầu gối, cũng có khi là một người mẹ yếm áo xộc xệch, tha một đứa bé mũi thò lò, mắt toét… chúng chửi bằng đủ giọng, đủ lời, đủ mọi cách ghê gớm. Cái cổ duỗi ra, cái mặt kéo gân lên, cái mồm ngoác thật to, vỗ đùi, vỗ đoi, nhảy cẫng lên hoặc dậm chân bình bịch đến gần thụt đất….
- Tên mày là cái Thút, tên tao là cái Thút, mày cướp vé của tao, thì ông bà, ông vải nhà mày bật săng lên! Cha bố tiên nhân mày!
Rồi chúng tìm những cái xấu của nhà người ta để rêu rao. Chúng kể ra vanh vách, kể bằng lối văn tả chân mà chưa một nhà văn tả chân nào dùng đến…Sống suốt ngày nọ sang ngày kia như thế. Làng cứ sôi lên. Không còn biết bao nhiêu là đám đánh nhau. Những người bị chửi, nghe chửi nhiều, cũng nhuốc nhơ. Nhưng quá bước rồi. Lúc nó xin, mình trót không cho. Không lẽ bây giờ nó chửi lại đem trả nó. Tránh sao người ta bảo: nuốt của nó không trôi, lại phải mửa ra mà trả. Mặc kệ, thằng nào chửi thì cứ chửi. Chửi lắm thì mỏi miệng. Lớp này, những thằng không phải nghe chửi là những thằng vô phúc, có phải nghe chửi thì mới no…Họ tự an ủi như thế ấy. Thành thử cái cách chửi cũng lại vô ích nốt. Người ta dùng đến cái phương sách cuối cùng: đi kiện. Không có lửa thì lấy đâu ra khói? Trong việc này, hẳn cũng có điều ám muội chi đây…Các ngài phải sinh nghi. Và chưa rõ đen trắng thế nào, quan trên hãy ra lệnh cho việc phát sợi đình tạm lại. Rồi hội đồng kỳ hào và toàn ban hương chức phải lập tức mở cuộc điều tra mới.
Các cụ chừng như cũng đã hiểu rằng: tham quá không thể được, có thuận dân thì mới ổn. Tốt hơn là cứ thu xếp sao cho trên dưới đều có phần; và các cụ định bảo nhau làm rất thẳng. Bởi vậy mới có sự thề thốt nặng lời như ta vừa thấy trên…
Chị cu Thiêm đội một đội rau đi chợ, mới đi được nửa đường thì gặp các cụ vào khám khung cửi nhà bà mục Đảng. Chị bèn không đi chợ nữa. Chị quẳng đội rau vào nhà một người chị em gần đấy, rồi ù té chạy một thôi về nhà. Về đến sân, chị đứng lại, hồng hộc thở, mặt không còn một hột máu. Anh cu Thiêm đang đào một con giun để gài bẫy hét, ngẩng đầu lên, trố đôi mắt ngạc nhiên nhìn vợ. Chị chỉ vào mặt anh mà hổn hển.
- Mày chết đi!... mày chết đi!... mày chết đi cho rồi!...
- Ô hay! Cái gì mà ghê gớm thế?
Anh cu Thiêm quắc mắt, toan quát lên với vợ. Nhưng vợ anh rên rỉ:
- Trời ơi là trời! Mày giết tao!... mày giết tao!... có một tí khung cửi thì mày đem mày bán.
- Mẹ! Không có sợi, không bán thì để mà thờ ông tổ nhà mày, hở?
- Không có sợi! Ấy thế cho nên mày mới giỏi…Không có sợi mà người ta đang đi khám khung cửi từng nhà đây kia.
Anh cu Thiêm đứng phắt lên, như một cái lò xo bật, mặt anh tái mét:
- Người ta đi khám thật?
- Ấy đấy! Tao đi kiếm… Cái thẻ của tao đâu rồi?... À, trong kèo nhà..
Anh chạy xô vào nhà một loáng rồi chạy ra, một tay đút vào túi áo. Cứ vậy, anh huỳnh huỵch chạy ra ngoài đường cái, chạy lên mạn làng Trịnh. Chị cu thì vẫn xốc váy lên quá gối, chạy đi, chạy lại, kêu trời, kêu đất. Thỉnh thoảng chị lại chạy ra ngõ nhìn trở lên, trở xuống. Các cụ còn xa lắm…À, mà kia! Anh cu Thiêm kia rồi! Chị thấy từ đằng xa, bóng một người vác một cái khung cửi nghênh ngang, chạy lại. Các cụ thì bây giờ khéo lắm mới đi hết xóm nhà bà mục Đảng. Còn cách hai xóm nữa. Chị mừng quá đến nỗi cười khành khạch. Chị vừa vẫy vừa gọi chồng rối rít:
- Mau lên! Mau lên! Hết rồi!...
Hai vợ chồng cười với nhau. Chị chạy lại, đỡ một đầu cái khung cửi, cho anh bỏ xuống. Chồng vừa cười vừa thở, họ khiêng cái khung vào nhà. Anh cu Thiêm lăn ra giường thở. Chị cu nhìn chồng, ái ngại. Chị vừa toan hỏi xem: mượn ở đâu được thế thì bỗng thấy bốn năm người hàng xóm, mặt hoảng hốt, tuôn vào và bâu tất cả chung quanh cái giường anh cu nằm…
- Tôi lạy bác!...
- Tôi cắn cỏ tôi lạy bác!...
- Bác giùm chúng tôi không chúng tôi chết mất!..
Họ cũng bán mất khung cửi như anh vậy. Có người bán không được, lại phá ra làm củi bán. Bây giờ mới quýnh. Họ van lạy anh cu, nhờ anh xem có còn thuê đâu được, thì thuê giúp mỗi người một cái. Bao nhiêu tiền cũng được. Họ lại xin trả công vác của anh mỗi khung ba hào… Anh Thiêm vội đứng lên:
- Đồng bạc, cứ đồng bạc một khung, bằng nào cũng có.
- Vâng, thì đồng bạc.
- Với ba hào vác là đồng ba đấy.
- Vâng, thì đồng ba. Bác giúp chúng tôi, làm phúc.
Họ tranh nhau đưa tiền trước. Anh cu Thiêm lại huỳnh huỵch chạy. Anh chạy được đủ năm khung cho năm người hàng xóm, mới nghe tiếng các cụ láo quáo ở ngoài đê. Anh chạy sang tôi:
- Nhà chú đủ khung cửi rồi đấy chứ?
- Vâng, tôi trước sau chỉ có hai khung, vẫn để nhà.
- Chú đứng hai hay thím ấy?...
- À, đấy là của nhà tôi, bởi tôi có nghề riêng.
- Thế thì chú ở nhà cũng vô ích. Đi đằng này với tôi một chút.
- Việc gì thế? Có cần không?
- Cần lắm.
Tôi ngần ngại. Thú thật rằng tôi có hơi ích kỷ, xét theo một vài phương diện. Tôi thích giữ trung lập, đối với các cuộc gây gổ trong dân xã. Tôi muốn đứng ngoài tất cả các việc lôi thôi. Bởi vì cái mà tôi cần trước nhất, khi ở hẳn đây, ấy là sự bình tĩnh của tâm hồn. Tôi muốn óc tôi hoàn toàn rảnh rang, để chỉ nghĩ đến công việc văn chương. Ấy thế mà anh cu Thiêm gọi tôi đi, nếu không phải để đánh nhau, ắt là để hỏi mưu mẹo kiện cáo một người nào đó. Tôi thực lòng muốn từ chối quá. Nhưng từ chối sao cho tiện? Tôi với anh vừa là chỗ láng giềng, lại vừa là chỗ họ hàng. Anh có dịp giúp tôi luôn. Có lần, giữa đêm khuya, tôi phải nhờ anh khoác áo tơi dầm mưa đi lấy thuốc cho con. Lần khác, anh xoay trần ra, đẵn cau chống hộ cái nhà, bão lung lay. Còn biết bao nhiêu việc cấp bách tương tự thế, tôi phải nhờ anh giúp. Lần nào tôi cũng có trả tiền, nhưng chẳng lần nào anh chịu lấy. Đã đành anh không lấy, thì tôi càng phải nghĩ: tôi làm bữa rượu xoàng xoàng để mời anh hay cho con anh vài ba hào để ăn quà. Nhưng như thế không thể gọi là trả công người ta được. Dẫu sao thì tôi vẫn mắc nợ anh ấy một chút lòng tử tế. Gặp lúc anh cần đến tôi, tôi phải lấy sự tử tế ra mà đối lại. Không lẽ tôi ghẻ lạnh? Tôi đành xếp tập giấy đang viết dở lại, đi theo anh ấy vậy…
Chúng tôi ra đường cái. Đến hàng thịt chó nhà Mạo khiễng, anh khẽ đẩy tôi vào…
- Làm vài cút rượu đã.
Nguy tai thật!... Thế này thì đích là anh ấy định kéo tôi đi cà khịa với anh nào thật. Tôi nghiêm mặt, bảo:
- Bác có chuyện gì thì cứ nói. Tôi giúp được, xin hết lòng giúp bác. Đừng vẽ vời làm gì nữa, cho thêm tốn.
- Tốn quái gì? Chuyện trò gì thì cũng phải ăn đã chứ!...
- Không bác ạ. Chẳng lẽ chỗ tôi với bác, mà bác có việc tôi lại đợi bác cho uống rượu rồi tôi mới giúp bác hay sao?
- Không phải thế, nhưng tôi muốn mời chú uống chén rượu cho vui.
- Nhưng tôi không biết uống.
- Thì ăn bún. Nồi xáo hôm nay khá lắm.
Thấy tôi vẫn ngần ngừ, anh đẩy phứa tôi vào, rồi vừa cười vừa bảo:
- Chẳng chó gì cả!... Chú thì chú chỉ tiếc vài ba trang giấy; tôi kéo chú đi thế này làm mất thì giờ của chú…
Tôi toan cãi lại nhưng anh nói át đi:
- Với lại chú cũng sợ tốn tiền của tôi nữa, nhưng cần quái gì, chú ạ…Nay mai có sợi, anh em mình lại rủng rỉnh. Làm làm gì lắm? Con người ta giàu tự số, nếu làm mà giàu được, thì tôi đã giàu ức triệu. Mấy năm về trước, tôi làm khiếp lắm; ban ngày đi làm thuê cho người ta, tối về có trăng lại đi cuốc vườn nhà, ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo; có thằng chỉ ăn chơi suốt đời vẫn có tiền để ăn chơi. Ấy thế thì chú bảo sao nào? Tôi nghĩ chán cả ra, nên đã ít lâu nay, cái sự làm ăn, tôi chỉ tiềm tiệm xong thôi, không tham bò như trước nữa. Số mình khá, tự khắc ông trời cho khá, chứ không phải cứ nai lưng ra làm mà khá. Tôi thấy chú gầy gò thế này mà cứ viết suốt ngày, tôi lo cho chú lắm: nó bại sức đi một cái là chú chết.
Tôi cười nhạt. Anh gọi lấy rượu và tái chó, với một bát xáo để tôi ăn bún. Anh uống, tôi ăn. Ăn uống xong, anh vất năm hào ra trả…
- Ta đi chứ?
- Đi đâu vậy bác?
- Để tôi còn nghĩ… Lên nhà ông chánh Thiện.
- Làm gì vậy?
- Thì chú cứ đi, rồi sẽ biết.
Tưởng là gì! Đến nhà ông chánh Thiện, tôi mới biết ở đấy người ta đang chơi xóc đĩa. Anh cu Thiêm định phá chăng? Không, anh ghé mồm vào tai tôi bảo nhỏ:
- Chẳng nói giấu gì chú cả. Lúc nãy tôi đi vác khung cửi cho người ta, phát tài được đồng rưỡi bạc. Anh em mình chén mất năm hào rồi. Còn đúng một đồng. Tôi định đặt một tiếng xóc đĩa chơi. Nhưng chết cái, tôi còn nợ lung tung, chúng nó đòi, chỉ khất lần. Bây giờ mà chúng nó trông thấy tôi có tiền chơi xóc đĩa thì chúng nó thịt mất. Vậy tôi đưa tiền cho chú, chú cứ làm như chú đánh.
- Nhưng tôi không biết đánh.
- Thì đã có tôi. Chúng mình cứ đứng xem, để tôi nghe. Tôi nghe trúng một tiếng rồi, tôi sẽ bấm cho chú đặt. Chú hiểu chưa?
- Hiểu rồi.
Anh tuồn vào tay cho tôi đồng bạc. Chúng tôi lại gần đám xóc đĩa, im lặng đợi. Anh cu Thiêm có vẻ chăm chú lắm. Bỗng một lúc kia, mắt anh sáng hẳn lên. Nhà cái vừa buông cái bát, anh đã bấm tôi, khẽ bảo:
- Chú đặt đi: một đồng bạc, chẵn.
Tôi ngượng nghịu vất đồng bạc xuống. Làng nước đặt. Ông chánh Thiện kiểm qua số tiền mặt nọ, mặt kia, xướng “cái cân” rồi mở bát. Trăm mắt đổ dồn cả vào cái đĩa có bốn đồng trinh Khải Định. Nhà cái xướng:
- Sấp ba!
Anh cu Thiêm tái mặt đi. Trán anh và mũi anh râm rấp mồ hôi. Những giọt mồ hôi có vẻ lớn dần lên. Anh đứng thừ người ra một lúc lâu. Rồi anh bỗng vỗ vai tôi, cười gượng, bảo:
- Thôi, đi về!...
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 458, ngày 24-4-1943