Diệp Tuy vừa về đến viện Tây Đường thì Bội Ngọc tiến lên hầu hạ, nhỏ giọng nói: “Cô nương, Đại phu nhân quả thực đã mua Âm Niểu cô nương, và còn đưa tới trước mặt Lục thiếu gia. Theo lời dặn của cô, em đã tìm người giả làm lái buôn Dương Châu mua lại nàng ta ạ.”
Diệp Tuy khẽ gật đầu, không hề cảm thấy bất ngờ với kết quả này.
Chu thị làm vậy cũng tuyệt tình quá, đưa Dư Âm Niểu đến trước mặt Lục đường huynh rồi còn bán nàng ta đi, e là để làm nhục rồi tiện thể khiến Diệp Hướng Chinh tỉnh ngộ.
Diệp Tuy thậm chí còn có thể nghĩ ra Chu thị đã nói gì, hẳn là những câu đại loại như “Kỹ nữ vô tình, con hát bất nghĩa”. Chu thị xuất thân từ phủ Trường Hưng Hầu, nhưng biết không ít những lời tục tĩu mắng chửi người khác. Kiếp trước, nàng đã được lĩnh giáo điều này.
Chậc... Nói thế nào nhỉ, mẹ con Chu thị căm giận Dư Âm Niểu là có lý do. Nhưng nếu Chu thị không có lòng dạ độc ác, thuê phường lưu manh làm những chuyện kia thì cho dù Dư Âm Niểu có đưa lời phong thanh đến đâu đi chăng nữa, Diệp Hướng Chinh cũng sẽ không bị thương.
Có lẽ với phẩm chất và tính cách con người họ, không nghĩ được như vậy cũng là chuyện thường tình.
Nói gì thì nói, nàng đã mượn lời của Dư Âm Niểu để phá hỏng mưu kế nham hiểm của Chu thị, giờ thu xếp ổn thỏa cho nàng ta là điều nên làm. Chắc hẳn lúc này Dư Âm Niểu đã thấm thía, lang quân trong tim nàng ta là người bạc tình thế nào.
Giết người là chuyện chỉ một câu nói, nhưng mẹ con Chu thị lại cứ khăng khăng bán Dư Âm Niểu cho lái buôn Dương Châu. Làm vậy là muốn sỉ nhục Dư Âm Niểu đến chết đây. Đám lái buôn Dương Châu thường buôn “ngựa ốm*”, chỉ thực sự coi trọng những cô bé bảy tám tuổi, còn với tuổi tác như Dư Âm Niểu thì chỉ để làm kỹ nữ mà thôi.
*Buôn “ngựa ốm”: một mánh lới làm ăn của lái buôn Dương Châu thời Minh – Thanh. Đầu tiên là mua những bé gái có diện mạo xinh đẹp của những gia đình nghèo khó về nuôi, dạy cầm kì thi họa. Sau bán lại cho nhà giàu làm thiếp, hoặc lầu xanh. Các bé gái nhà nghèo thường gầy yếu nên mới có tên “ngựa ốm”.
Nghĩ đến cái nghề buôn “ngựa ốm” này, ánh mắt Diệp Tuy tối lại. Nàng nhớ tới trợ thủ đắc lực thân tín của mình kiếp trước - Di Sơ, cũng là từ bọn lái buôn Dương Châu này mà ra. Rốt cuộc bây giờ nàng ấy đang ở đâu đây?
Trong chốc lát, Diệp Tuy đã trở lại như thường, dặn dò Bội Ngọc: “Sắp xếp ổn thỏa cho nàng ta là được, về sau không được nhắc đến chuyện này ở trong phủ nữa.”
Anh trai nàng đã được chọn vào Nghi Loan Vệ, sẽ nhanh chóng được vào đó để nhận huấn luyện. Chuyện nàng áy náy cả đời, cuối cùng cũng không xảy ra giống kiếp trước rồi.
Bây giờ điều nàng lo lắng nhất chính là chị gái ở trong cung…
***
Lại mấy ngày nữa trôi qua, trong cung truyền tới tin tức về Diệp Tự. Thì ra, điện Lâm Hoa nơi Diệp Tự đang ở đột nhiên xuất hiện mèo chết, khiến tỷ ấy bồn chồn không yên lòng, bèn nghĩ đến chuyện thành tâm lễ Phật cầu xin phù hộ. Hiện giờ đang ở tạm trong Phật đường của thái hậu nương nương.
Nghe được tin này Diệp Tuy bật cười, thầm nhủ: Đây hẳn là mưu tính của chị gái nàng. Lúc này, chắc hẳn tỷ ấy đã nhận ra điều gì đó rồi.
Nếu tỷ ấy đã vào Phật đường ở tạm, với sự thông minh của tỷ ấy, sự kiện trong buổi tiệc Trung Thu kiếp trước sẽ không còn là tai họa nữa.
Lòng Diệp Tuy cũng nhẹ nhõm hơn nhiều, lúc thỉnh an Đào thị ở viện Ánh Tú, nàng luôn miệng cười hì hì. Không ngờ, Đào thị lại liếc nàng với ánh mắt trách cứ, nhắc nhở: “Khuê Học chắc sắp sửa chữa xong rồi nhỉ? Sau Trung Thu là có thể nhập học rồi.”
Nụ cười của Diệp Tuy trở nên cứng ngắc. Khuê… Khuê Học? Nàng hoàn toàn quên mất còn có việc này.
Hai chữ “Khuê Học” đã thoát ly khỏi ký ức của Diệp Tuy quá lâu rồi, lâu đến nỗi nàng không hề nhớ đến nó nữa!
Bây giờ, nghe Đào thị nhắc nhở, nàng mới nhớ ra.
Năm nàng cập kê, Khuê Học ở Kinh Triệu quả thực nghỉ dạy để tiến hành tu sửa, đúng sau Trung Thu mới mở cửa trở lại.
Theo ý của mẹ thì qua Trung Thu, nàng phải đến Khuê Học? Chuyện... chuyện này đâu xảy ra trong kiếp trước!
Kiếp trước nàng ngã ngựa hôn mê, thời gian Khuê Học mở cửa trở lại đúng lúc nàng ở nhà dưỡng bệnh. Sau đó nhà họ Cố tới xin hỏi cưới, nàng vì tập trung cho chuyện cưới xin nên không đến Khuê Học nữa.
Kiếp này, nàng không hôn mê, không bị bệnh nặng đã là khác với quá khứ rồi, đương nhiên phải đến Khuê Học học bài thôi.
Vừa nghĩ đến việc phải đi học cùng mấy tiểu cô nương mới hơn mười tuổi, Diệp Tuy xanh mặt. Quan trọng hơn là, dù có sống thêm một đời nàng cũng tự thấy mình không thể sánh được với những tiểu cô nương đó!
Bảy môn học ở Khuê Học Kinh Triệu là cầm, kỳ, thi, họa, soạn, tú, sách*. Không may là Diệp Tuy chẳng có mấy thiên phú với bảy môn này. Kiếp trước, bởi tính tình nàng hiếu động, không chăm chỉ chịu khó, có thể xem như vừa không thông minh lại chẳng cần cù, cho nên thứ hạng trong các kỳ thi luôn đứng ở... khụ khụ, ở mấy vị trí chót.
(*) Cầm, kỳ, thi, họa, soạn, tú, sách là chơi đàn, chơi cờ, làm thơ, vẽ tranh, nấu ăn, thêu thùa và quản lý việc nhà..
Kiếp trước, nàng không đến trường không hẳn là vì bị bệnh, vì bận chuyện kết hôn mà là cố ý trốn không muốn đi. Thử hỏi lần thi cử nào cũng đứng gần cuối thì ai còn muốn đi học chứ?
Trên thực tế, nàng đã không ít lần bị cười nhạo vì thứ hạng trong các kỳ thi ở kiếp trước. Nàng biết những cô nương ở trường còn nói xấu sau lưng rằng nàng ngốc nghếch nên càng không muốn đi học.
Chính vì những kinh nghiệm ở Khuê Học Kinh Triệu này, mà sau khi nàng gả đến nhà họ Cố ở Nam Bình, lúc đối diện với tướng công Cố Chương tinh thông lễ, nhạc, xạ, ngự, thư* không gì là không giỏi, nàng không khỏi tự ti trong lòng.
(*) Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư là lễ nghĩa, nhạc cụ, bắn tên, cưỡi ngựa và điều khiển xe ngựa, sách.
Nàng thầm tự ti, nên càng ra sức tốt với hắn ta…
Giờ ngẫm nghĩ lại, nàng hồi ấy đúng là quá ngu ngốc, không khác gì một tên hề tấu hài. Không, Cố Chương thật sự coi nàng là trò cười, bằng không về sau sao hắn ta có thể làm ra những chuyện như vậy?
Diệp Tuy lắc đầu, cố vứt bỏ Cố Chương ra khỏi đầu mình để quay trở lại chuyện Khuê Học trước mắt, sắc mặt nàng không khỏi thêm phần buồn bã.
Sống lại một đời, tầm nhìn, sự từng trải và kinh nghiệm của nàng đã đủ. Nhưng mấy chục năm gây dựng toan tính, nàng đâu còn tự mình đụng vào cầm, kỳ, thi, họa, soạn, tú, sách nữa? Nàng của bây giờ e là còn chẳng bằng kiếp trước, không chừng sẽ là cái tên đứng chót luôn!
Diệp Tuy thầm kêu khổ, không nhịn nổi liền dụi vào cánh tay Đào thị, làm nũng: “Mẹ, con có thể không đến Khuê Học được không? Con... con thực sự không thích mà!”
Đâu chỉ không thích? Lúc này nàng quả thực sợ hãi, nàng gần như quên hết kiến thức của bảy môn Khuê Học rồi, nên làm sao bây giờ? Nếu kỳ cạch học lại từ đầu thật thì... cũng chưa chắc có thể thông qua kỳ thi ấy chứ.
Huống hồ nàng sống lại một kiếp, còn nhiều chuyện phải làm như vậy, thực sự không muốn dành thời gian, tinh thần và sức lực vào bảy môn Khuê Học.
Đào thị cau mày, nói: “A Ninh, giờ con cũng học đến trình độ tam đẳng (cấp) của chương trình Khuê Học rồi. Còn có một năm rưỡi nữa là kết thúc, chẳng lẽ muốn bỏ dở giữa chừng? Vậy càng không được!”
Bà biết thành tích của A Ninh ở trường không được tốt, nhưng cũng đã cố gắng mấy năm, vẫn phải cắn răng kiên trì tiếp thôi. Nếu A Ninh qua được kỳ thi tam đẳng của chương trình Khuê Học thì tương lai xuất giá sẽ có lợi hơn nhiều.
Nói thẳng ra là cô nương Kinh Triệu nào qua được kỳ thi tam đẳng của chương trình Khuê Học thì đều được gả vào nhà tốt!
Hơn nữa, các cô nương chốn khuê phòng của Kinh Triệu, ô dù gia tộc phía sau không phải quan kinh thành ngũ phẩm trở lên thì cũng là nhà nho hoặc thương nhân có tiếng tăm. Đây là những mối quan hệ cực kỳ quý giá, tầm quan trọng của nó không hề thua kém việc con cháu các gia tộc gia nhập vào Nghi Loan Vệ hay Quốc Tử Giám.
Những cô nương này trưởng thành kết hôn, khả năng lớn sẽ trở thành vợ của người quyền quý, phu nhân của vọng tộc, và sẽ qua lại hỗ trợ lẫn nhau trong tương lai. Tình bạn ở Khuê Học năm đó sẽ trở thành sự trợ giúp của các cô nương.
Chính bởi thế nên mỗi nhà đều dốc hết sức gửi con gái vào Khuê Học bằng được. Ngay cả mấy vị công chúa trong cung cũng cải trang xuất cung tới nghe giảng. Sao A Ninh có thể không đến Khuê Học chứ?