Diệp Tuy còn chưa kịp rời đi thì đã có mấy cô nương tiến tới bên Diệp Thân. Ánh mắt mấy cô nương ấy không mang vẻ mỉa mai âm thầm giống Diệp Thân, mà tỏ thái độ trực tiếp hơn nhiều.
Một cô nương mặc y phục màu vàng nhạt cười nhạo ra tiếng, ra vẻ tò mò hỏi: “Tĩnh Vân, thứ hạng kỳ thi lần trước thế nào nhỉ? Ta quên mất rồi.”
Cô nương tên Tĩnh Vân nhìn về Diệp Tuy che miệng cười.
Từ đầu chí cuối, bọn họ không nói bất cứ lời khinh miệt nào nhưng ý đồ của thì lại rõ mười mươi.
Thấy họ như vậy, Diệp Tuy cau mày nhưng vẫn im lặng không nói coi như không hiểu ý. Nàng tiến lên chào hỏi với vẻ mặt tươi rói: “A Ninh xin chào chị họ.”
Nàng vốn có dung mạo tuyệt đẹp, hôm nay lại mặc váy áo đỏ rực. Tuy dải lụa choàng đi kèm có màu xanh nhạt, nhưng bên trên lại thêu những đốm lửa điểm xuyết. Nàng cười tươi như vậy làm cho cả người trở nên rực rỡ phóng khoáng hơn nhiều. Thật sự là đẹp không gì sánh bằng, khiến người ta không thể dời mắt.
Mấy cô nương kia tức thì nghẹn thở, ánh mắt xem thường lộ liễu, nhưng ẩn giấu sâu bên trong là sự ghen tị.
Có cô nương nào không muốn mình xinh đẹp? Đáng giận là Diệp Tuy - người luôn đứng cuối trong các kỳ thi lại xinh đẹp đến mức làm lu mờ bọn họ.
Nói ra thì, triều Đại An coi trọng sự văn nhã nhã nhặn. Nhất là các cô nương ở Kinh Triệu, mỗi người đều dốc sức làm theo. Dù là y phục hay trang điểm đều rất nhạt và cực kỳ trang nhã. Đến cả những màu sắc rực rỡ cũng không dám mặc, sợ bị người ta cười là dung tục lòe loẹt.
Trước kia, Diệp Tuy cũng vậy, toàn mặc quần áo màu ngà hoặc xanh nhạt, trang điểm cũng rất nhạt. Nhưng lối ăn mặc như vậy lại khiến vẻ đẹp của nàng trông chẳng ra sao.
Nay nàng đã sống lại, đương nhiên biết mình thích hợp nhất với thứ gì. Mặc kệ dung tục, mặc kệ lòe loẹt bà già này cứ thích đỏ chót với vàng chói thì làm sao? Cứ để những cô nương kia khinh thường đố kỵ đi!
Theo nàng thấy, Diệp Thân cũng được xem là thông minh, nhưng không tính là quá thông minh. Nếu nàng là nàng ta, nhất định sẽ nhiệt tình chào hỏi lại để người bên cạnh không còn lời nào để bới móc.
Dù gì hai người vẫn là cô nương nhà họ Diệp, có vinh cùng hưởng có họa cùng chịu. Nàng bị các cô nương kia chê cười sỉ nhục thì Diệp Thân được cái gì?
Suy cho cùng, Diệp Thân vẫn còn quá trẻ tuổi, chưa học hỏi đến nơi đến chốn. Nói cách khác, là Diệp Thân quả thực rất coi thường nàng, đến nỗi không buồn diễn kịch.
Còn mấy cô nương kia... Diệp Tuy liếc nhìn một lượt, vậy mà chẳng nhận ra ai cả. Ồ, để lão thái quân Diệp thị không hề có ấn tượng, chẳng phải gia cảnh sa sút thì chính là chưa chạm đến mức vinh hoa phú quý.
Ha, nàng không buồn chấp nhặt với những tiểu cô nương này!
Nụ cười trên mặt nàng càng thêm rạng rỡ, nàng ngẩng đầu sải bước đi vào Trạc Tú Viên, bỏ Diệp Thân cùng mấy cô nương kia lại phía sau.
Tiết trời đang độ sắc thu, trong Trạc Tú Viên, lá phong đỏ tươi, dẻ quạt vàng óng, còn có mùi hoa cúc ùa vào khoang mũi khiến lòng người khoan khoái. Miệng nàng khẽ cười, tâm trạng càng trở nên dễ chịu.
Sau khi được tu sửa, Trạc Tú Viên đã bớt đi vẻ chải chuốt kỳ công lúc trước, ngoài phong đỏ và dẻ quạt, còn có rặng trúc xanh bên dòng nước biếc, hòn non bộ… mang nhiều hơi thở thiên nhiên hơn, cảnh vật so với khi trước đẹp hơn bội phần. Xem ra, tấm lòng dành cho rừng cây suối nước của Trưởng công chúa chỉ hơn chứ không kém Định Quốc Công phu nhân.
Khuê Học nằm ở góc bên kia, không thay đổi quá nhiều, vẫn ở bên dòng suối róc rách. Trên bờ còn có đủ loại hoa khoe sắc, còn có thêm một ít tu trúc*.
(*) Tu trúc: tên một loại trúc thân dài.
Nhìn cảnh đẹp này từ phía xa, Diệp Tuy bỗng nhiên hiểu ra dụng ý của Định Quốc Công phu nhân và Trưởng công chúa. Khuê Học Kinh Triệu dạy bảy kỹ năng, đây là yêu cầu các cô nương học về công danh lợi lộc của thế tục. Thế nhưng Khuê Học lại nằm trong Trạc Tú Viên là để nhắc nhở bọn họ phải giữ gìn cõi lòng an tĩnh thuần khiết.
Đôi mẹ chồng nàng dâu của phủ Định Quốc Công này quả là đã tốn nhiều tâm tư. Không biết các cô nương Khuê Học có hiểu được khổ tâm của họ không? Trước kia Diệp Tuy không hiểu, nhưng may thay, chí ít hiện giờ nàng đã hiểu.
Đồng thời, nàng cũng hiểu được phần nào về tính cách của Trưởng công chúa. Thực ra rất ít những công chúa hoàng tộc nào có thể quên đi công danh lợi lộc, gửi gắm tình cảm vào chốn non nước như thế này.
Thoáng chốc, Diệp Tuy đã tới trước cửa Khuê Học. Vừa bước vào cửa, nàng đã gặp chị em tốt Thẩm Văn Huệ. Nàng mỉm cười đến chào hỏi, nhưng lại phát hiện khuôn mặt tỷ ấy có phần tiều tụy, dưới mắt có quầng thâm, thậm chí tinh thần cũng uể oải.
Diệp Tuy giật mình, không khỏi nghĩ đến những chuyện từng trải qua ở kiếp trước. Hiện giờ, Trung Thu vừa mới qua, nhà họ Thẩm sẽ không xảy ra chuyện nhanh như vậy chứ?
Diệp Tuy nhớ rõ, nhà họ Thẩm gặp chuyện vào tháng mười hai. Khi đó, còn mười ngày nữa là sang năm mới, việc chung thân đại sự của Huệ tỷ đột nhiên được đóng ván thành thuyền, vài ngày sau thì bị gả gấp đến đạo Kiếm Nam, Ích Châu.
Hay tin, Diệp Tuy đã tức tốc chạy ngay đến nhà họ Thẩm, chỉ thấy Huệ tỷ không ngừng rơi nước mắt, kinh hoàng và bất lực nói: “A Ninh, sao lại thế này? Mẹ tỷ khóc suốt, tỷ chẳng biết gì cả, rốt cục đã xảy ra chuyện gì?”
Lúc ấy, Diệp Tuy cũng không biết là có chuyện gì. Nhưng thiết nghĩ cha mẹ Huệ tỷ trước giờ luôn yêu thương tỷ ấy, họ làm vậy chắc hẳn là có lý do, bèn kiên nhẫn an ủi Huệ tỷ.
Nàng đã quên mất cụ thể mình đã nói những gì. Tuy nhiên, nàng nhớ Huệ tỷ về nhà chồng chưa đến ba ngày thì nhà họ Thẩm bị quan binh triều đình bao vây. Sau đấy, toàn bộ con cháu nhà họ Thẩm bị nhốt vào ngục, nữ quyến chưa nhập tên vào gia phả thì bị lưu đày tới đạo Lĩnh Nam, Đam Châu.
Huệ tỷ vừa xuất giá nên may mắn thoát nạn. Nhưng đất Thục nghèo nàn, Huệ tỷ lại nhớ thương người thân, chẳng bao lâu sau thì qua đời.
Người bạn tốt nhất của nàng cứ thế đau khổ sống qua kiếp người ngắn ngủi. Còn nàng lại bất lực, không giúp được gì.
Bây giờ, Diệp Tuy nhìn thấy dáng vẻ này của Huệ tỷ, nuối tiếc ngày xưa chợt dâng lên, vội hỏi: “Huệ tỷ, tỷ... tỷ sao vậy?”
Thẩm Văn Huệ ngẩng đầu nhìn nàng, mờ mịt và luống cuống đáp: “A Ninh, tối qua tỷ không cẩn thận nghe được vài lời, hình như liên quan đến chức quan của cha tỷ. Lòng tỷ quả thực không yên, cứ cảm thấy hình như sắp xảy ra chuyện gì đó rất lớn...”
Lòng Diệp Tuy khẽ chùng xuống, cũng không biết nên nói lời an ủi thế nào mới phải. Bởi vì nàng biết, nỗi lo của Huệ tỷ là đúng.
Năm đó, chuyện của nhà họ Thẩm bắt đầu từ cha của Huệ tỷ - Thẩm Túy Sơn. Thẩm Túy Sơn là lang trung đồn điền* Công Bộ phụ trách trông coi công việc đồn điền của quốc gia. Họa của nhà họ Thẩm bắt nguồn từ chính chức quan của Thẩm Túy Sơn.
(*) Lang trung đồn điền là chức quan trông coi những công việc liên quan đến nông nghiệp như trồng trọt, đắp đê trị thủy...
Vì Thẩm Túy Sơn gặp chuyện đầu tiên, sau đó kéo theo cả nhà họ Thẩm, Huệ tỷ tất nhiên không thể may mắn tránh thoát.
Mà nàng vẫn nhớ rõ mồn một ngọn nguồn tai họa của nhà họ Thẩm.
Giờ, có lẽ nên nói cho Huệ tỷ rồi...