Nhà họ Diệp nằm ở ngõ Thái Bình của Kinh Triệu, là gia đình tiếng tăm lẫy lừng nơi đây. Bởi dòng dõi quyền quý nhiều đời, tổ tiên lại xuất thân từ Tùng Dương, nên người xưa đều tôn kính gọi họ một tiếng “Tùng Dương Diệp”.
(*) Tùng Dương Diệp: Nhà họ Diệp của Tùng Dương.
Tuy Diệp Tuy chưa từng đến Tùng Dương, nhưng con người nàng lại mang đậm dấu ấn của nơi đó.
Kiếp trước, ai cũng biết, lão thái quân nhà họ Cố ở Nam Bình là cô nương nhà họ Diệp ở Tùng Dương.
Lúc này, Diệp Tuy nén xúc động trong lòng, vững vàng bước xuống xe ngựa, sau đó dừng chân trước cửa thùy hoa*.
(*) Cửa thùy hoa: tiếng gốc là “垂 花 门”, là một loại cửa đặc trưng của Trung Quốc thời xưa, còn được gọi là “Cửa núm tua”, loại cửa có mái phía trên, bốn góc là bốn trụ lửng, đỉnh trụ được chạm trổ, sơn màu. Có công dụng ngăn cách bên ngoài với bên trong nội viện.
Nhà họ Diệp... Nhà họ Diệp nàng luôn nhớ mong mà không thể quay về ở kiếp trước giờ đang ở ngay trước mắt nàng.
Chỉ cần tiến thêm vài bước nữa là sẽ vào tới nơi vô cùng quen thuộc ngày trước, và có thể gặp những người mà nàng hằng mong nhớ... Nhất thời, nàng cảm thấy bước chân trở nên nặng trịch, khó nhấc lên nổi.
Lão thái quân nhà họ Cố không sợ bất kỳ điều gì, thế nhưng bây giờ trong lòng Diệp Tuy lại không ngừng dâng lên nỗi sợ hãi.
Nàng sợ, sợ rằng hết thảy chỉ là hư ảo. Nàng sợ, sợ phía sau cửa thùy hoa chẳng có gì hết…
Thấy Diệp Tuy đứng yên, nha hoàn đi theo bên cạnh nàng là Bội Ngọc bèn bước tới, khẽ hỏi: “Cô nương, người vẫn ổn chứ ạ?”
Bội Ngọc thầm lo, luôn có cảm giác sau khi bị kinh hãi ở trường ngựa Thiên Ân thì dường như cô nương nhà mình không được khỏe. Suốt đường về, cô nương không nói lời nào, giờ lại thế này. Mong rằng đừng xảy ra chuyện gì.
Nghe vậy, nét mặt Diệp Tuy khẽ thay đổi, vẻ sợ hãi vừa hiện lên bỗng tan thành mây khói.
Nàng tiến lên một bước, lại thêm một bước nữa, sau khi nhìn thấy quang cảnh sau cánh cửa mới an tâm trở lại.
Qua cửa thùy hoa, thứ đầu tiên lọt vào mắt nàng là hồ nước xanh biếc hình trăng lưỡi liềm. Đây là hồ Minh Chiếu cực kỳ nổi tiếng của nhà họ Diệp.
Nàng vẫn nhớ, mỗi dịp mùng một và ngày rằm, các cô nương nhà họ Diệp sẽ mời vài người bạn thân thiết tụ họp ở đây, còn tổ chức hội thơ Minh Chiếu…
Chắc bởi Diệp Tuy ít khi để ý tới hồ này, hoặc do sức mạnh của thời gian, đã rất lâu rồi nàng mới lại trông thấy nên bây giờ cảm thấy nó đẹp lạ thường.
Men theo hồ Minh Chiếu, chỗ chóp nhọn của vầng trăng nhô ra một con đường đá nối với hành lang chín khúc, băng qua hành lang ấy sẽ thấy được những sân viện trùng điệp.
Nơi này, là nội trạch của nhà họ Diệp.
Nhà họ Diệp mấy đời quyền quý, từng có tới năm vị Thượng Thư, tám vị thị lang giữ chức trong triều Đại An, và hơn ba mươi vị quan viên trên ngũ phẩm, mà dưới ngũ phẩm còn nhiều hơn.
Tục ngữ nói “Năm đời xem văn chương*”. Nhà họ Diệp sinh ra nhiều quan viên và người có học như vậy, điều đó vừa vặn được thể hiện rõ nhất trong nội trạch này.
(*) Cụm từ “Năm đời xem văn chương” xuất phát từ một câu tục ngữ của Trung Quốc, đầy đủ là “Ba đời xem ăn, bốn đời xem mặc, năm đời xem văn chương”, (三代看吃、四代看穿、五代看文章), ý chỉ để đánh giá một gia đình có được coi là cao sang quyền quý hay không phải trải qua nhiều đời, ba đời nhìn cách ăn, bốn đời nhìn cách mặc, mà năm đời thì sẽ nhìn vào văn thư lễ nghĩa của họ.
Bất kể là bài trí sân viện hay trang trí trong phòng đều toát lên gia thế địa vị nhà họ Diệp. Ví dụ như, những bức thư pháp mang hàm nghĩa sâu xa trong hành lang chín khúc là từ bàn tay nhà đại Nho - Cố Thiên Thu viết nên.
(*) Đại Nho: Bậc học giả Nho giáo có đạo đức học vấn cực cao.
Đến năm Thái Ninh thứ năm, một cuốn sách của Cố Thiên Thu đã đáng giá ngàn vàng. Nàng còn nhớ có người đã dâng tặng lễ vật mừng thọ nói như vậy…
Ôi, nhà họ Diệp! Gốc rễ vững chắc là thế, dòng họ vinh hoa hiển hách là vậy, tại sao chỉ vài năm ngắn ngủi đã lụi bại? Mà còn lụi bại hoàn toàn, giống như tòa lầu đồ sộ đổ sụp, chẳng còn sót lại gì.
Diệp Tuy đã trải qua một kiếp nên đương nhiên biết rõ nguyên nhân ấy. Cực thịnh tất suy*, đây là lẽ tự nhiên, chẳng qua không biết hiện giờ người nhà họ Diệp đã nhận ra được điều này chưa?
(*) Cực thịnh tất suy: ám chỉ sự vật khi phát triển đến cực hạn sẽ chuyển hóa phát triển theo hướng ngược lại.
Dù nhà họ Diệp vinh hoa quyền quý đến thế nhưng cũng không so được với nhà họ Cố ở Nam Bình. Nhà họ Cố còn phồn thịnh giàu có hơn nhà họ Diệp nhiều, tâm cũng lớn hơn nhiều.
Ha ha. Nàng khẽ nhếch khóe môi, chậm rãi đi qua những bức thư pháp được dày công gìn giữ này.
Ra khỏi hành lang chín khúc, bước chân nàng nhanh hơn, sắc mặt cũng điềm tĩnh hơn.
Diệp Tuy làm lão thái quân nhà họ Cố ở Nam Bình hơn hai mươi năm, từng ấy thời gian đã tôi luyện cho nàng một thói quen: Gặp chuyện càng nguy cấp thì càng phải bình tĩnh.
Dẫu lòng nàng bây giờ đang cuồn cuộn sóng, chỉ mong được gặp cha mẹ ngay lập tức, thế nhưng không hề biểu hiện ra mặt.
Về nhà phải báo với cha mẹ, huống chi nàng còn là người trở về từ hơn hai mươi năm sau. Theo ký ức, Diệp Tuy vội rảo bước đi thẳng tới viện Ánh Tú, nơi ở của cha mẹ nàng.
Ngày trước, nàng ra ngoài về chỉ sai nha hoàn đến viện Ánh Tú thông báo, mình thì rửa mặt chải đầu xong xuôi mới qua thỉnh an mẹ.
Còn lúc này, nàng không muốn để lỡ một khắc nào nữa, nàng muốn mau mau được gặp mẹ mình. Mẹ nàng vẫn khỏe chứ? Giờ mẹ nàng đang làm gì?
Viện Ánh Tú là viện có năm căn, nằm ở phía Nam nhà họ Diệp, cũng là trung tâm của Tam phòng.
Không sai, Diệp Tuy là cô nương của Tam phòng nhà họ Diệp.
Phụ thân nàng đứng hàng thứ ba trong nhà, chính là Diệp An Thế - người được dân Kinh Triệu gọi bằng cái tên Diệp Tam gia.
Nghĩ đến cha mẹ, lòng nàng bỗng đau xót, bước chân không dưng mà ngưng lại. Tức thì, nỗi hận như lóe lên trong ánh mắt, nhưng nhanh chóng bị giấu đi.
Thật may, thật may... giờ mới là năm Vĩnh Chiêu thứ mười tám, cha mẹ bị chết thảm trong ngục ở kiếp trước hiện tại vẫn sống, vẫn còn sống!
Nàng sống bốn mươi năm, sinh ra trong gia đình dòng dõi quyền quý, sau cũng gả đến thế gia vọng tộc, người nào nhắc tới nàng đều không khỏi cảm khái một câu: “Tốt số!”
Quả là tốt số, nàng có địa vị hiển hách trong tay, cũng hưởng hết sự tôn vinh của thế gian. Năm Thái Ninh thứ năm, ngay cả Hoàng thượng Đại An cũng vượt ngàn dặm xa xôi đích thân tới chúc thọ nàng.
Nàng quá tốt số mà!
Song, ai có thể biết rằng nàng vốn cũng chẳng muốn số mình “tốt” như thế? Nguyện vọng lớn nhất đời nàng, kể cả thà giảm ba mươi năm tuổi thọ cũng chỉ mong cha mẹ còn sống.
Diệp Tuy không ngờ nguyện vọng này còn có thể thành hiện thực. Nàng đã trở về quá khứ, quay lại thời điểm cha mẹ vẫn ở trên đời!
Trời cao thương xót, điều này khiến nàng không kìm nén nổi, khóe mắt cay cay, viền mắt tức thì đỏ hoe, khiến ma ma quản sự của viện Ánh Tú hoảng hốt, vội nói: “Cô nương mau tiến vào trước, để lão nô đi bẩm báo với phu nhân.”
Nô bộc của viện Ánh Tú đều biết, cô con gái mà Tam gia thương yêu nhất chính là vị Lục cô nương, xuất thân con vợ cả này. Hiện tại, Lục cô nương trông như sắp khóc đến nơi, bà sao dám thờ ơ được?
Diệp Tuy chớp chớp mắt, nén nỗi chua xót lại, cười nói: “Ta đi vào cùng Vân ma ma.”
Viện Ánh Tú có hai ma ma quản sự là Vân ma ma và Hải ma ma, người phụ trách thông báo ra vào chính là vị Vân ma ma này.
Diệp Tuy lúc này thực sự không thể đợi thêm được nữa, làm sao có thể chờ Vân ma ma đi bẩm báo trước được?
Nhìn dáng vẻ của nàng, Vân ma ma mềm lòng, bèn gật đầu đồng ý.
Tuy nhiên, Diệp Tuy vừa bước qua cánh cửa cuối cùng thì nghe thấy có tiếng nói, giống như ai đó đang tranh luận.
“Lão thái gia thật bất công! Rõ ràng... Ngu nhi nhà chúng ta cũng có thể vào Nghi Loan Vệ, sao cứ nhất định bắt phải từ bỏ? Làm gì có cái lý này!” Người phụ nữ lớn tiếng nói.
“Nàng yên tâm! Lần này ta cũng không đồng ý.” Một giọng nói hồn hậu khác đáp lời.
Diệp Tuy nhanh chóng nhận ra, hai người đang nói chuyện chính là cha mẹ nàng.
Xem ra, không phải cha mẹ nàng đang tranh cãi, mà là tức đến mức mất bình tĩnh, ngay cả giọng nói cũng vang dội thế kia.
Nghi Loan Vệ, Ngu nhi... Nàng vừa nghĩ thoáng qua liền hiểu tại sao cha mẹ tức giận đến vậy.
Ngu nhi được nói tới là anh trai ruột của nàng, Diệp Hướng Ngu. Cha mẹ nhắc tới Nghi Loan Vệ, hẳn là đang nói về chuyện anh trai nàng tham gia kì tuyển chọn của Nghi Loan Vệ.
Hình ảnh cất giữ sâu trong trí óc Diệp Tuy mỗi lúc một rõ nét, nhuốm mùi bi thương, khiến nàng không kìm được mà nhắm mắt lại.
Năm Vĩnh Chiêu thứ mười tám ấy, Nghi Loan Vệ tuyển người, ban đầu anh trai đã có cơ hội tham gia.
Nhưng, vì nàng bị ngã ngựa ở trường ngựa Thiên Ân nên anh trai vĩnh viễn không còn cơ hội…