Từ Upanishad nghĩa là giáo huấn bí truyền, giáo huấn ẩn giấu, giáo huấn bí mật. Upanishad nghĩa là con đường bí mật, chìa khóa bí mật – điều bí truyền, điều ẩn giấu, điều không biết. Upanishad nghĩa là điều huyền bí.
Tôi đã lựa chọn nói về bộ kinh Upanishad bởi vì với tôi, nó đại diện cho một trong những sự diễn đạt điều tối thượng thuần khiết nhất có thể – nếu có thể diễn đạt được điều đó. Điều này thực sự khó, theo nghĩa là không thể truyền tải thông qua tâm trí điều vượt ra ngoài tâm trí. Ở một phương diện nào đó, hoàn toàn không thể nói gì về điều bạn cảm nhận được khi bạn đang ở trong sự im lặng sâu xa nhất. Khi lời nói không tồn tại bên trong bạn, khi ngôn từ ngừng hoàn toàn, khi trí năng không còn vận hành, khi tâm trí hoàn toàn không ở đó để ghi nhớ, lúc ấy điều đó xảy ra, lúc ấy bạn trải nghiệm. Và khi tâm trí quay lại, khi kí ức bắt đầu vận hành, khi trí năng chiếm hữu bạn một lần nữa, trải nghiệm đã qua đi rồi. Bây giờ trải nghiệm không còn ở đó; chỉ còn lại những tiếng vọng của nó, những rung động của nó. Chỉ có thể nắm bắt được những tiếng vọng, những rung động đó.
Đó là lí do tại sao những ai đã biết luôn không thể, rất khó, thốt ra điều gì đó. Những người không biết gì hết có thể nói nhiều. Nhưng với những ai biết, ngày càng khó nói điều gì đó bởi vì bất cứ điều gì họ nói đều có vẻ sai. Họ có thể so sánh trải nghiệm của mình với những cách diễn đạt nó bởi vì họ có một trải nghiệm sống. Giờ đây họ có thể cảm nhận ngôn ngữ đang làm gì với nó: Ngôn ngữ đang làm sai lệch nó.
Khi một trải nghiệm sống bước vào lời nói, nó trông như đã chết, nhợt nhạt. Một trải nghiệm sống có tính toàn bộ, trong đó toàn thể bản thể bạn nhảy múa và hân hoan, còn khi được diễn đạt thông qua trí năng, nó trông mờ đục, chẳng có ý nghĩa gì.
Những người không biết có thể nói nhiều bởi vì họ chẳng có gì để so sánh. Họ không có trải nghiệm nguyên gốc, họ không thể biết họ đang làm gì. Một khi ai đó biết, anh ta biết việc diễn đạt nó đúng là một vấn đề. Nhiều người đã hoàn toàn giữ im lặng và vì thế, nhiều người đã hoàn toàn không được ai biết đến – bởi chúng ta chỉ có thể biết về người nói ra. Khoảnh khắc ai đó nói ra, anh ta bước vào xã hội. Khi ai đó ngừng nói, anh ta rời khỏi xã hội, anh ta không còn là một phần của nó. Ngôn ngữ là môi trường trong đó xã hội tồn tại. Nó giống hệt như máu: Máu lưu thông trong bạn và bạn tồn tại. Ngôn ngữ lưu thông trong xã hội và xã hội tồn tại. Thiếu ngôn ngữ thì không có xã hội. Cho nên những ai vẫn còn im lặng thì rơi ra ngoài xã hội. Chúng ta đã lãng quên họ. Kì thực, chúng ta chưa bao giờ biết đến họ.
Ở đâu đó, Vivekananda1 đã nói – và nói rất đúng – rằng những Đức Phật, những Krishna2 và những Chúa Jesus mà chúng ta đã biết không thực sự là những điển hình. Họ không thực sự là trung tâm, họ ở ngoại vi. Lịch sử đã để thất lạc những diễn biến cốt yếu nhất. Những người đã trở nên im lặng tới mức không thể giao tiếp với chúng ta thì không được biết đến. Không thể biết đến họ, không có cách nào để biết đến họ. Theo một cách nào đó Vivekananda đúng, nhưng những người trở nên im lặng tới mức không thốt ra điều gì về trải nghiệm của họ đã không giúp đỡ chúng ta. Họ đã không thực sự đủ lòng trắc ẩn. Trên một phương diện nào đó, họ hoàn toàn ích kỉ. Đúng là thật khó nói điều gì về chân lí, nhưng ngay cả vậy thì vẫn phải thử. Phải thử bởi vì thậm chí một chân lí bị pha loãng cũng sẽ giúp ích cho những ai sống hoàn toàn trong ảo tưởng. Thậm chí một điều đem theo một tiếng vọng rất xa xăm cũng sẽ giúp họ thay đổi.
2 Hóa thân thứ tám của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo.
Không phải là Đức Phật rất hài lòng với những gì ông nói. Bất cứ điều gì ông nói, ông đều cảm thấy không đúng. Ông có cảm giác giống như Lão Tử. Lão Tử nói: “Điều có thể được nói ra không thể đúng. Khoảnh khắc nó được nói ra, nó đã bị sai lệch.” Nhưng dù vậy, đối với những ai sống trong các thế giới nhiều ảo tưởng, những ai đang ngủ sâu, đang ngủ say, thì thậm chí một hồi chuông báo thức giả cũng có thể giúp ích. Nếu họ có thể bước ra khỏi giấc ngủ của mình, nếu có thể mang họ đến một ý thức mới, một bản thể mới, thì thậm chí một báo thức giả cũng là tốt. Đương nhiên, khi bản thân họ thức tỉnh, họ sẽ biết rằng nó là giả – nhưng nó sẽ giúp ích.
Trên một phương diện nào đó, bất kể chúng ta có ở đâu và có là gì, chúng ta đều giả tới mức chân lí thuần khiết tuyệt đối, đích thực, chẳng cần thiết chút nào. Nó không thể thâm nhập vào bạn. Nó sẽ không tạo được mối liên lạc nào, bạn sẽ không có khả năng thấu hiểu nó. Chỉ một chân lí được pha rất loãng, được chỉnh sửa – theo một nghĩa nào đó, bị làm sai lệch – mới có thể có chút hấp dẫn với bạn, bởi vì khi đó bạn có thể hiểu được ngôn ngữ của nó; nó đã được dịch ra cho bạn.
Bộ kinh Upanishad này rất đơn giản, chúng nói theo cách từ trái tim đến trái tim. Chúng không mang tính triết lí, chúng mang tính tôn giáo. Chúng không liên quan đến những khái niệm, những học thuyết, những giáo lí; chúng liên quan đến một chân lí sống – nó là gì, và có thể sống theo nó như thế nào. Bạn không thể suy nghĩ về nó, bạn không thể triết luận về nó. Bạn chỉ có thể di chuyển vào trong nó và cho phép nó di chuyển vào trong bạn. Bạn chỉ có thể chứa đựng nó, bạn chỉ có thể đắm chìm toàn bộ vào trong nó. Bạn có thể tan chảy trong nó.
Chúng ta sẽ nói về bộ kinh Upanishad, và tôi sẽ mang trải nghiệm của riêng mình vào để đáp lại chúng. Nhưng đó chỉ là một bước đệm. Trừ khi bạn di chuyển vào bên trong chính cõi giới ấy, còn không, nó sẽ không có nhiều tác dụng. Trừ khi bạn di chuyển và nhảy vào bên trong cái không biết, còn không, nó sẽ không giúp gì được cho bạn. Hoặc, nó thậm chí có thể gây hại bởi vì tâm trí bạn đã chồng chất quá nhiều, quá nặng nề. Nó không cần bị đè nặng thêm nữa. Tôi ở đây để làm nhẹ gánh cho nó.
Tôi sẽ không dạy bạn một tri thức mới nào đó. Tôi sẽ chỉ dạy bạn một kiểu ngu ngốc thuần khiết. Khi tôi nói ngu ngốc thuần khiết, tôi muốn nói đến sự ngây thơ. Tôi muốn nói đến một tâm trí hoàn toàn trống rỗng, cởi mở. Một tâm trí đã biết thì không bao giờ mở, nó đóng. Chính cảm giác “Tôi biết” đóng kín bạn lại. Khi bạn cảm thấy “Tôi không biết” thì bạn mở ra; bạn sẵn sàng di chuyển, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng du hành.
Tôi sẽ dạy bạn ngu ngốc, quên đi những điều đã học, chứ không phải tri thức. Quên đi những điều đã học là thứ duy nhất có thể giúp bạn. Khoảnh khắc bạn quên đi những điều đã học, khoảnh khắc bạn quay lại trạng thái ngu ngốc, bạn trở nên giống như một đứa trẻ, bạn trở nên ngây thơ. Jesus nói: “Chỉ những ai giống như trẻ nhỏ mới có thể bước vào vương quốc của Thượng Đế.” Tôi sẽ cố gắng làm cho bạn giống như trẻ nhỏ.
Hãy can đảm. Sẽ cần phải nỗ lực. Đó là thử thách lớn nhất có thể được trao cho bạn. Trừ khi bạn chấp nhận thử thách, còn không, bạn sẽ không thể thấu hiểu bộ kinh Upanishad – hay tôi.
Đối với thử thách này, yêu cầu cơ bản là cần thấu hiểu một vài điều. Đầu tiên là đặt sang một bên tất cả tri thức của bạn. Trong mấy ngày này, xin vui lòng ngu ngốc. Bạn sẽ không mất tri thức đó. Nếu bạn vẫn cảm thấy nó là tốt thì sau mấy ngày này, bạn có thể lại đem nó theo. Nhưng trong mấy ngày này, xin hãy đặt tất cả gánh nặng của tâm trí bạn xuống. Bất kể bạn biết gì, đừng cho phép nó can thiệp ở đây, bởi vì nếu bạn cho phép nó can thiệp, tôi sẽ không thể tạo ra sự tương thông mà vì nó, tôi đã kêu gọi bạn.