Ray Kassar vào Đại học Brown từ năm mười sáu tuổi và tốt nghiệp ba năm sau đó, bắt đầu bước đường thăng tiến liên tục trong cả cuộc đời mình. Sau khi ra trường, ông tham gia chương trình huấn luyện của Tập đoàn Công nghiệp Burlington hai năm.
Sau đó ông thi vào Đại học Harvard, lấy bằng MBA rồi trở về Burlington và được Spencer Love, nhà sáng lập và Tổng giám đốc mời vào hàng ngũ những người quản lý hàng đầu của tập đoàn.
Khi Spencer Love qua đời, Ray tiếp tục ở lại với Burlington thêm vài năm nữa rồi mới ra mở công ty riêng và thành công trong nhiều năm liền cho đến khi bán nó cho người khác và nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Atari, một công ty đang làm ăn thua lỗ. Dưới sự dẫn dắt của ông, Atari đã sống lại và phát triển tột bậc trong chỉ vài năm sau đó.
Tôi biết Ray vì ông là bạn của mẹ tôi thời niên thiếu ở Long Island. Khi dọn về San Francisco, ông có mời chúng tôi đến ăn tối. Ông là người rất niềm nở và dễ mến. Nhà ông có rất nhiều trò chơi điện tử Atari, tuy vào những năm 70, trò chơi điện tử còn chưa phổ biến lắm. Ray có quan hệ rất rộng và hầu như quen biết tất cả mọi người danh tiếng trong mọi lĩnh vực trên thế giới. Hình các ngôi sao điện ảnh, các nhân vật hoàng gia và dĩ nhiên ảnh gia đình cùng nhiều kỷ vật khác treo khắp nhà phản ánh một cuộc sống sành điệu về du lịch và giải trí. Nhà ông nằm trên một ngọn đồi ở San Francisco nhìn xuống khung cảnh tuyệt vời của thành phố, vừa sảng khoái, vừa quyến rũ như tính cách của ông vậy.
Thành công của Ray một phần nhờ sức thu hút kỳ lạ trong cách nói chuyện của ông cũng như khả năng làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu. Ông luôn có cái nhìn lạc quan về mọi việc – chính điều đó giúp truyền niềm tin sang mọi người xung quanh. Mọi người gặp ông đều thích và muốn hợp tác với ông, có lẽ vì sự chân tình hiếm có của ông.
Hãy tìm tòi khám phá và đặt câu hỏi
"Luôn đặt câu hỏi cho những điều mình đang kiếm tìm và hãy hiểu rằng không có gì tự nhiên mà có."
- Ray Kassar
Tôi sinh ra ở Brooklyn, New York, học trường nam sinh. Nhờ sự giới thiệu của thầy giáo tiếng Anh cùng với bảng điểm trung học đạt loại xuất sắc mà tôi nhận được học bổng vào Đại học Brown. Đó là vào những năm Chiến tranh Thế giới thứ II đang diễn ra nên họ rút ngắn chương trình học và tôi tốt nghiệp đại học năm tôi mới mười chín tuổi.
Sau khi ra trường, chưa biết mình sẽ làm gì nhưng tôi có rất nhiều tham vọng. Tôi muốn mình làm được một việc gì đó thật lớn lao. Cha tôi là một người an phận và luôn bằng lòng với những gì mình có. Mẹ tôi thì chỉ muốn mọi điều tốt nhất cho chúng tôi nhưng không hề thúc ép nên chúng tôi không phải chịu một áp lực buộc phải thành công bằng mọi giá.
Cha tôi không ủng hộ việc học đại học, ông cho đó là một sự lãng phí thời gian. Mẹ tôi thì tự hào về trình độ học vấn và học bổng của tôi. Gia đình cha tôi di cư từ Syria vào năm 1911 và kinh doanh trong ngành tơ lụa. Do hậu quả của thời kỳ suy thoái kinh tế nên những nhà máy sợi của gia đình tôi ở Patterson, New Jersey đều bị phá sản. Cha tôi phải làm những công việc độ nhật qua ngày, kể cả tài xế taxi. Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì gia đình tôi rất thương yêu nhau.
Cha không muốn chúng tôi làm thêm các công việc vào mùa hè. Ông nghĩ gia đình chúng tôi không đến nỗi phải quá túng quẫn để chúng tôi phải làm như vậy. Tuy nhiên, lúc học đại học, tôi cần tiền để tự trang trải chi phí cá nhân nên đã lén gia đình xin làm nhân viên trực tổng đài điện thoại cho hội sinh viên trường từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng để kiếm hai mươi lăm đô la mỗi tuần, một số tiền khá lớn đối với một sinh viên, tương đương ba, bốn trăm đô la ngày nay.
Sau khi tốt nghiệp, tôi vỡ ra nhiều điều bất ngờ. Số là Bob Love, bạn cùng phòng của tôi là con của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Burlington. Vậy mà tôi chẳng biết gì vì Bob luôn cháy túi, thường xuyên phải mượn tiền tôi và quần áo thì lúc nào cũng lôi thôi, lếch thếch. Giáng sinh năm đó, Bob rủ tôi đi thăm cha cậu ấy ở Florida. Tôi bảo tôi không đủ tiền. Cậu ấy nói úp mở rằng chúng tôi sẽ thu xếp được. Hóa ra chúng tôi đến Florida bằng máy bay riêng của công ty cha cậu ấy. Gia đình Bob có một biệt thự rộng mênh mông ở Palm Beach. Don David - trưởng khoa của Đại học Harvard cũng là một khách mời của gia đình Bob. Thế rồi chẳng hiểu sao cha Bob lại đề nghị cho tôi một chỗ làm trong công ty ông và vị trưởng khoa nọ hứa cho tôi một học bổng vào trường Harvard của ông với điều kiện tôi có hai năm kinh nghiệm làm việc thực tế. Không biết tôi đã làm gì gây ấn tượng nơi họ nhưng đó là một câu chuyện có thật. Thế là sau khi tốt nghiệp ở Brown, tôi vào làm thực tập viên, rồi nhân viên chính thức cho Tập đoàn Burlington trong các nhà máy ở Bắc Carolina trong hai năm. Sau đó, họ cho tôi tạm nghỉ phép để theo học Harvard.
Khi trở về Burlington, tôi trở thành nhân viên tiếp thị ở New York và tôi rất thích công việc đó. Chẳng bao lâu tôi trở thành một phó giám đốc chi nhánh trẻ tuổi nhất của Burlington. Sau đó, ngài Spencer Love đột ngột qua đời trong một buổi chơi tennis, viên thủ quỹ Charlie Myers trở thành giám đốc mới. Lúc đó tôi chỉ là một phó giám đốc ngành hàng trang trí nội thất nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn vị tân giám đốc nên ông ta đã giáng chức tôi. Hầu hết các nhân viên của Burlington, trừ một số người biết tôi và công việc của tôi, đều cho rằng tôi có địa vị như thế là nhờ sự sủng ái của ngài Spencer Love. Tôi tức giận và muốn nghỉ việc. Nhưng làm thế chẳng khác nào chứng tỏ lời nói của họ là đúng. Thế là suốt ba năm sau đó, tôi bộc lộ năng lực bản thân cho Charlie Myers thấy. Sau đó tôi được đề bạt và mọi việc trở nên tốt đẹp.
Với cương vị là một giám đốc, tôi luôn quan tâm rèn luyện cho mọi nhân viên những kỹ năng làm việc tốt hơn. Đó là thế mạnh của tôi. Tất nhiên, tôi may mắn gặp cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng một lúc. Có lẽ sự chững chạc của một cậu bé mười chín tuổi tại bữa tiệc Giáng sinh đã làm ngài Spencer Love và trưởng khoa Don David chú ý và cho tôi những cơ hội đáng giá ngàn vàng. Tôi rất hạnh phúc khi làm việc tại Burlington và thực sự xem đó là ngôi nhà thứ hai của mình.
Ba năm sau, đã đến lúc chọn ra một giám đốc mới. Có ba ứng viên. Một là Bill Klopman, giám đốc ngành may mặc, đến một người nữa, và sau đó là tôi, người thua họ đến cả một con giáp. Họ đã chọn Bill Klopman mặc dù chính tôi là người đem về hai phần ba lợi nhuận cho công ty. Tôi cho rằng có một thông điệp trong quyết định của họ và quyết định xây dựng một con đường cho riêng mình. Tôi nghỉ việc. Đó là một sự ra đi đầy chí khí. Tôi mở một công ty nhập khẩu hàng may sẵn từ Ai Cập và gọi nó là RA Kassar Corp. Đó là công ty đầu tiên ở Mỹ kinh doanh xuất nhập khẩu ngành may mặc và việc kinh doanh tiến triển rất thuận lợi.
Lần nọ, khi còn làm ở Burlington, tôi ăn trưa với Bill Sarnoff, một người bạn thân hồi học Harvard. Cậu ấy bảo tôi rằng Tập đoàn Truyền thông Warner vừa mua lại công ty Atari và đang tìm một giám đốc điều hành. Tôi cảm thấy bị đánh giá thấp vì Atari chỉ đáng giá 27 triệu đô la, cớ sao tôi phải nghỉ ở Burlington và sang đó? Rồi sau khi tôi mở công ty RA Kassar Corp, cậu ấy lại nằn nì mời tôi đến gặp Manny Gerard ở Văn phòng Công ty Warner. Tôi đành phải đồng ý cho qua chuyện. Manny quả là một nhà thương thuyết số một. Ông ấy mời tôi đến California, bảo tôi cứ xem qua nhà máy và cho họ một số nhận xét. Tôi đến Sunnyvale, gặp nhà sáng lập Atari là Nolan Bushnell và quan sát một lượt. Đó là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi, mọi thứ đều được tự động hóa theo công nghệ tiên tiến nhất. Tôi rất thích thú nhưng lại bảo với họ rằng tôi không phải là người thích hợp vì tôi không biết nhiều về máy móc. Họ bảo họ chỉ cần một người có đầu óc kinh doanh như tôi mà thôi. Rồi họ đề nghị tôi đưa ra điều kiện. Tôi nói tôi không thể bỏ công ty của mình nhưng sẵn sàng đến Atari làm việc một, hai ngày mỗi tháng, và tôi cần có tài xế riêng để đưa đón. Họ đồng ý mọi yêu cầu của tôi.
Sau tháng đầu tiên, tôi nhận thấy công việc không tiến triển như tôi nghĩ và làm như thế là thiếu công bằng cho Công ty Warner. Thực sự tôi không thể có những đánh giá toàn diện về Atari nếu chỉ đến làm việc một, hai ngày mỗi tháng. Vì tôi đã có một người thay thế điều hành khá tốt Kassar những lúc tôi đi vắng nên tôi quyết định ở lại Atari trong sáu tháng. Họ đánh giá cao sự trung thực của tôi và đồng ý. Đến cuối tháng thứ sáu, họ cứ đinh ninh rằng tôi sẽ khuyên họ giải thể công ty nhưng qua bản đánh giá chi tiết vừa lập xong, tôi chỉ ra cho họ một cơ hội lớn và khuyên họ đầu tư thêm. Họ đề nghị tôi tiếp tục giúp họ và tôi bấm bụng ở lại cho đến cuối năm.
Vào cuối thời hạn họ lại muốn tôi làm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Nolan Bushnell. Tôi nói sẽ cân nhắc đề nghị của họ nếu tôi toàn quyền điều hành công ty và Nolan ra đi. Thật lòng mà nói, lối điều hành của Nolan quá lỗi thời và kìm hãm sự phát triển của công ty. Họ đồng ý và tôi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Atari. Về phần tôi, tôi phải bán công ty của mình để toàn tâm toàn ý với Atari. Thật là thú vị khi có riêng một công ty nhưng như vậy cũng chưa chắc là hay nhất.
Khi tôi đến Atari thì nó chỉ đạt doanh thu bảy mươi lăm triệu đô la với số lỗ hàng năm là mười lăm triệu đô la. Công ty không có kế toán trưởng, cũng chẳng có giám đốc sản xuất. Tôi phải cơ cấu lại bộ máy quản lý. Còn sản phẩm họ làm ra đầy những lỗi. Họ bán ra được một trăm ngàn máy chơi game thì bị trả lại đến tám mươi ngàn chiếc (tức sản phẩm hỏng chiếm tỉ lệ 80%). Tôi lại lao vào chấn chỉnh khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Và trong vòng ba năm công ty đã đạt doanh số một tỉ rưỡi đô la. Vào năm thứ tư, doanh số đã tăng lên hai tỉ rưỡi đô la, trong đó lãi ròng là bốn triệu rưỡi đô la.
Tôi tin sự hiệu quả quản lý của tôi nằm ở lối điều hành kinh doanh cứng rắn. Bề ngoài tôi có vẻ dễ chịu, thoải mái nhưng kỳ thực tôi rất khắt khe trong công việc. Nếu có ai đó không làm việc cho đàng hoàng nghiêm túc, tôi sẽ cho anh ta nghỉ ngay không chút hối tiếc, miễn là chứng cứ rõ ràng. Công việc là công việc, tôi không bao giờ để tình cảm lấn át lý trí mình.
Tôi làm cho Atari từ tháng 2 năm 1978 đến tháng 6 năm 1983 thì bị cho nghỉ việc. Nhưng vì bị ràng buộc bởi điều khoản không cộng tác với đối thủ của họ trong vòng năm năm nên tôi chẳng biết làm gì sau đó. Trong quá trình làm việc, họ luôn sợ tôi chuyển sang một đối thủ nào đó của họ nên đã trả lương cho tôi rất hào phóng. Và tôi dùng số tiền đó đầu tư vào các công ty khác và trở thành cố vấn.
Steve Ross, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Warner, sếp của sếp tôi, là người ra lệnh sa thải tôi. Tôi nhớ lần đó Steve gọi điện hỏi ý kiến tôi về một hợp đồng hợp tác sản xuất trò chơi điện tử phóng tác theo bộ phim E.T. (Sinh vật ngoài trái đất) mà ông ấy vừa ký với đạo diễn Spielberg với giá hai mươi triệu đô la. Tôi bác bỏ ngay ý tưởng ấy nhưng ông ấy vẫn cứ khăng khăng bảo chúng tôi phải sản xuất xong trò chơi đó trong vòng sáu tuần (thay vì sáu tháng như tôi đề nghị). Spielberg có ghé qua chỗ chúng tôi đôi ba lần để trợ giúp và chúng tôi cũng hoàn thành được một game. Steve cương quyết bảo chúng tôi gửi đi năm triệu game đó vào Giáng sinh năm 1982. Chúng tôi giao năm triệu game và bị trả về toàn bộ.
Thương vụ thất bại thảm hại và mọi người đồn đãi ngày càng rộng ra làm Steve phật ý. Ông ấy đến và nhận toàn bộ trách nhiệm. Tôi mời ông ấy vào phòng mình và nói rằng dường như ông không hài lòng với cách làm việc của tôi và nếu đúng như vậy ông cứ nói thẳng và tôi sẽ ra đi. Ông bảo tôi làm việc rất tốt. Tôi nói nếu thế thì ông đừng can thiệp vào chuyện của chúng tôi nữa, cứ để chúng tôi tự chủ. Chỉ có thế nhưng vào tháng 6 năm 1983, họ gọi tôi đến New York, hôm đó là thứ Năm, để gặp Manny Gerard. Anh ta chẳng thể nói được một câu cho rõ ràng là tôi bị sa thải. Anh ta vòng vo rằng có lẽ tôi nên xin thôi việc, rằng Steve muốn anh ta đuổi tôi ra khỏi Atari. Tôi khá bối rối - không phải vì bị sa thải mà vì cách hành xử không chuyên nghiệp của họ. Ngày hôm sau, Manny gọi đến khách sạn Mayfair Regent và nói với tôi rằng Steve đề nghị tôi ở lại thêm ba tháng nữa vì họ chưa tìm được người thay thế. Tôi bảo: "Manny này, anh đang làm cái quái quỷ gì thế? Anh vừa sa thải tôi hôm qua và bây giờ anh lại muốn tôi ở lại!". Tôi đáp: "Không đời nào!" và bay sang châu Âu mười ngày. Họ thuê người khác và công việc kinh doanh của họ sa sút từ đó.
Steve Ross là một con người cực kỳ phức tạp. Ông ấy vừa dễ mến nhưng cũng rất thâm trầm. Tôi nghĩ ông ấy căng thẳng vì "thằng tí hon" Atari chiếm tới 60% lợi nhuận của Tập đoàn Warner và 40% tổng doanh số của họ. Bỗng dưng tin tức về Atari trên các phương tiện truyền thông đại chúng lấn át cả tên tuổi của Warner Communications. Tôi được báo chí nói đến rất nhiều và Steve không thích điều đó. Ông ấy có cái tôi quá lớn và vấn đề là ở chỗ đó. Tôi hoàn toàn không hối tiếc gì về những năm tháng ở Atari. Kinh nghiệm tôi có được thật tuyệt vời. Tôi đã mở đầu một nền công nghiệp mới giúp đất nước này tiến lên như vũ bão và chuẩn bị cho bọn trẻ những bước đi cần thiết để bước vào thời đại máy vi tính tiếp theo.
Trong tương lai, tôi và David Ferguson sẽ thực hiện một ý tưởng Internet gọi là Shoppers IQ (tạm dịch Người mua sắm thông minh). David sẽ lo về kỹ thuật còn tôi phụ trách tiếp thị. Nếu thành công, nó sẽ rất hấp dẫn vì ý tưởng này chưa hề xuất hiện trên Internet. Tôi khá bận rộn với dự án trên nhưng nếu có một công ty lớn nào đó đang gặp nhiều vấn đề nan giải cần nhờ đến tôi, tôi sẵn sàng xem xét đề nghị của họ một cách nghiêm túc.
Ngày nay, trong kinh doanh, mọi việc đã thay đổi rất nhiều. Vào thời của tôi, nhân viên rất trung thành với công ty và ngược lại. Hồi đó, tôi rất phẫn nộ khi có ai đó mồi chài tôi sang một công ty khác, dù mức lương họ đề nghị rất hậu hĩnh. Khi tôi kể rằng suốt đời tôi chỉ làm có hai công ty thì ai cũng cười cho rằng tôi bị tâm thần. Ngày nay, một người nhảy cóc hai, ba chỗ làm trong năm không phải là chuyện lạ. Tôi đã từng thấy có người thay đổi tới mười chỗ làm trong ba năm. Có lẽ đó là sở thích của họ. Song song đó, các nhà tuyển dụng ngày nay, đặc biệt là những công ty công nghệ cao, cũng thích những nhân viên đã từng làm việc cho nhiều công ty. Họ cho rằng những nhân viên này có nhiều kinh nghiệm. Riêng tôi thì không nghĩ thế. Phần còn lại của thế giới đang tiến nhanh. Châu Âu đang cải cách kinh tế mạnh mẽ và châu Á sẽ vươn lên trong một thời gian ngắn nữa thôi.
Tôi cũng hết sức khuyên các bạn trẻ nên học thật nhiều từ các trường kinh doanh. Hãy đặt ra cho mình những câu hỏi thông minh về kinh doanh hiệu quả và gọt giũa các kỹ năng giao tiếp của mình. Tôi chưa bao giờ run sợ trước ai đó, và nếu có tôi cũng đã vứt bỏ nó sau khi học xong Harvard. Tò mò trong công việc cũng là một đức tính tốt. Hãy luôn đặt câu hỏi cho những điều mình đang kiếm tìm và hãy hiểu rằng không có gì tự nhiên mà có.
Khi còn bé, thần tượng của tôi là các nhân vật lịch sử. Tôi quan tâm nhiều đến những người lãnh đạo đất nước như tổng thống, thủ tướng, như Napoleon chẳng hạn. Trong thế giới kinh doanh ngày nay, tôi ngưỡng mộ những người như Jack Welch của General Electric, Roberto Goizueta của CocaCola, và những người đã thực sự xây dựng được những đế chế kinh doanh của riêng họ. Rất nhiều người như thế, nhưng người tôi ngưỡng mộ nhất là Spencer Love, người được sinh ra ở Cambridge, Massachusetts, có cha làm giáo sư toán ở Đại học Harvard. Ông là người từng vay mượn 3.000 đô la để đến Bắc Carolina và sáng lập ra Burlington, sau này trở thành một công ty dệt may lớn nhất thế giới.
Kết luận
Dù Ray Kassar không chịu áp lực phải thành công từ phía gia đình và cũng không có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ ban đầu như nhiều doanh nhân thành đạt khác, nhưng ông luôn tin rằng mình sẽ làm nên chuyện lớn trong đời. Cho nên khi cơ hội đến, và đến như trong truyện cổ tích, ông nắm bắt ngay lấy nó. Ông bảo: "Tôi thật may mắn khi ở vào một thời điểm và vị trí thích hợp như thế".
Ray đem tài năng đổi mới và kỹ năng dùng người của mình vào công việc kinh doanh ở Tập đoàn dệt may Burlington cũng như ở Công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari. Ông còn là người có bản lĩnh và có tài đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn ở những thời điểm khó khăn. Mọi thành công của ông đều bắt nguồn từ một tầm nhìn chiến lược và óc kinh doanh nhạy bén. Tuy nhiên, người tài thường hay gặp nạn. Việc làm thuê không phải lúc nào cũng trôi chảy và hơn một lần ông đã quyết định tự mình làm chủ việc kinh doanh của riêng mình.
Lời khuyên của ông thật xác đáng: hãy tìm tòi khám phá trong công việc, hãy biết đặt câu hỏi, nhưng đừng nhận những gì không thuộc về mình.
Thế giới việc làm đang thay đổi và lòng trung thành của nhân viên đối với công ty dường như không còn nữa. Đó là nhận xét chung của nhiều tổng giám đốc điều hành ngày nay. Riêng ở Ray, cuộc đời và sự thành đạt của ông là một tấm gương khích lệ mọi người đi tìm sự thành công trong nghề nghiệp, cũng như tìm lại giá trị đáng được tôn vinh của lòng trung thành trong công việc như ngày trước.