Ngày nay Nick Nickolas tự nhận mình là một nhà đầu tư độc lập, nhưng ông đã có một sự nghiệp xuất sắc trong kinh doanh ở cương vị Tổng giám đốc điều hành và Chủ tịch của nhiều công ty. Ông gia nhập Tập đoàn Time vào năm 1964 và làm thủ quỹ vào năm 1971, đảm trách mảng truyền hình cáp có thu phí.
Ông nhận chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Công ty Truyền hình cáp Manhattan vào năm 1974. Năm 1976 Nickolas trở thành Chủ tịch Công ty giải trí Home Box Office (Hãng phim HBO), một chi nhánh của Tập đoàn Time. Năm 1981, Nickolas được cử làm Giám đốc Phát triển Chiến lược, năm 1983 làm Giám đốc Tài chánh, năm 1984 trở thành Phó Tổng giám đốc điều hành và năm 1986 là Chủ tịch của Tập đoàn. Đầu năm 1990, Time Inc. và Warner Communications sáp nhập và trở thành công ty truyền thông và giải trí hàng đầu thế giới. Chức vụ sau cùng của Nick sau khi hai tập đoàn sáp nhập là Tổng giám đốc điều hành từ tháng 5 năm 1990 đến tháng 2 năm 1992.
Hiện nay Nick là một giám đốc của Hãng Xerox, Boston Scientific Co., DB Capitol Partners, và Priceline.com. Ông cũng là thành viên ban giám đốc của nhiều công ty truyền hình tư nhân, Hãng truyền hình Turner, và ủy viên Ủy ban Cố vấn các vấn đề về Môi trường của Tổng thống. Nick Nickolas cũng là Hiệu trưởng trường Đại học Báo chí Columbia, ủy viên Ủy ban Bảo vệ Môi trường, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế.
Nick để lại trong tôi ấn tượng đầu tiên rằng ông là một con người mạnh mẽ, năng động, thích khám phá và tràn đầy sinh lực. Nick hiện sống với gia đình trong một biệt thự sang trọng ở Colorado. Ông rất yêu vợ và dành nhiều sự quan tâm đến từng sở thích của các con.
Nick là người duy nhất tôi phỏng vấn qua điện thoại. Thoạt đầu ông rất cẩn trọng khi trả lời. Vâng, thật khó thổ lộ về bản thân qua điện thoại, nhất là khi ta biết trước cuộc nói chuyện sẽ được ghi âm lại. Tôi thật sự kính nể khả năng diễn đạt và tư duy chặt chẽ của ông trong suốt cuộc phỏng vấn.
Hãy gõ mọi cánh cửa để đến được nơi bạn muốn
"Đưa ra những quyết định chính xác tại những thời điểm khó khăn, biết nói "không" hoặc "có" khi cần thiết. Đó là cái tài của người lãnh đạo và là điểm khác biệt của họ với những người khác."
- Nick Nickolas
Việc tôi đang làm hiện nay là giúp các bạn trẻ, những người có tinh thần doanh nhân thực hiện những ước mơ của họ. Đó là một công việc hầu như hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã làm ba mươi năm về trước trong lĩnh vực truyền thông, nơi tôi chỉ biết có mệnh lệnh và kiểm soát.
Giờ đây tôi thường xuyên sử dụng điện thoại, fax, e-mail để kết nối với các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, những người giỏi hơn tôi gấp nhiều lần trong chuyên môn của họ.
Là con đầu lòng trong một gia đình di cư đến Annapolis, từ nhỏ tôi đã biết làm đủ mọi việc. Cha tôi phục vụ trong ngành hải quân và đồn trú khắp năm châu bốn biển trên thế giới. Mẹ tôi là một phụ nữ có ý chí mạnh mẽ. Chúng tôi thuộc tầng lớp công nhân viên chức nhưng cũng có niềm tự hào của riêng mình. Vừa rồi em trai tôi được Tạp chí Forbes xếp vào 400 người giàu nhất nước Mỹ năm nay. Mười năm trước đây, cậu ấy thành lập một công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế kỹ thuật cao từ hai bàn tay trắng. Hiện công ty cậu ấy trị giá đến một tỉ đô la.
Thần tượng của tôi khi còn nhỏ là Ted Williams. Như tất cả những người sinh ra ở New England, tôi rất thích đội Red Sox. Williams là một cầu thủ tấn công cánh trái của đội bóng chày Red Sox - Thành phố Boston. Tôi ngưỡng mộ tính cách trầm lặng bên dưới tài năng của anh. Tôi bị những người như Ted Williams lôi cuốn ở chỗ họ không cần mọi người chú ý đến chiến công của họ. Em trai tôi cũng là một người như thế.
Tôi cũng không biết cha mẹ tôi kỳ vọng ở tôi điều gì. Vào đầu những năm 1950, chúng tôi sống ở Copenhagen, Đan Mạch khoảng bốn năm, tôi vào học tại một trường Đan Mạch. Có rất ít người Mỹ ở thủ đô Đan Mạch nên họ không mở trường cho học sinh Mỹ. Sau đó, chúng tôi chuyển về Hoa Kỳ và tôi vào học năm hai ở một trường Trung học Mỹ. Năm đó tôi mười lăm tuổi. Nhưng cha tôi lại bảo: "Con sẽ đi Andover vào năm tới nếu con có thể thi đậu vào đó". Tôi không biết Andover là gì, ở đâu và không vui với ý nghĩ bị giam lỏng ở đâu đó. Nhưng, Andover đã mở ra cho tôi một thế giới rộng lớn hơn. Em trai tôi cũng đến St. Paul một năm sau đó, nhưng học ở một trường khác. Tất cả những gì cha mẹ tôi làm là cho chúng tôi một nền giáo dục tuyệt vời và sau đó chúng tôi phải tự quyết định cuộc sống của mình. Tôi đi học bằng những khoản tiền vay mượn, mà sau mười năm làm việc, tôi vẫn chưa trả hết.
Không ai ngạc nhiên hơn chính bản thân tôi về sự thành công của tôi. Tôi luôn cho rằng mình sẽ là một nhà tư bản dù xuất thân gia đình tôi không phải thế. Sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton, tôi quyết định vào học một trường kinh doanh. IBM cho tôi một học bổng toàn phần ở Đại học Wharton nhưng tôi không thích. Tôi vay tiền và vào Harvard vì nghĩ rằng Harvard là trường dạy kinh doanh tốt nhất. Nhưng có đúng như vậy không thì không ai biết chắc chắn được.
Khi tốt nghiệp Đại học Harvard, tôi quyết định vào làm cho bất kỳ công ty nào làm tôi nể trọng và thán phục về cung cách làm việc và sản phẩm của họ. Vì thế, tôi chấp nhận làm cho một hãng báo chí với mức lương thấp dù lúc đó tôi luôn trong cảnh nợ nần. Từ kinh nghiệm này, tôi khuyên các bạn trẻ ngày nay nên chọn cho mình một công ty mà sản phẩm của họ làm bạn bị mê hoặc, chứ đừng để bị cám dỗ bởi những hứa hẹn như thăng tiến nhanh, lương bổng hậu hĩ, an sinh xã hội và phúc lợi tốt của những công ty khác. Những thứ đó ở đâu cũng có, miễn là bạn say mê công việc và thể hiện hết khả năng của mình.
Thật sự khi còn trẻ tôi không có ai là cố vấn cả. Người đầu tiên khiến tôi chú ý đến là Jim Shepley, người được Đại tướng George Marshall tuyển dụng làm phụ tá vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, và sau này trở thành Chủ tịch Tập đoàn Time. Ông ấy là một người rất thô lỗ và cứng rắn.
Tôi cũng khởi nghiệp như bao người khác, bắt đầu từ con số 0, nhưng tôi dám nghĩ dám làm. Khi có một ý tưởng hay, hoặc tôi tự cho rằng nó hay, tôi sẵn sàng đặt lên bàn thảo luận mà không bao giờ sợ bị làm trò cười cho thiên hạ. Đó là một điều khá ngạc nhiên khi tôi hồi tưởng lại. Em tôi cũng là một người như thế nên ắt hẳn đó là một phẩm chất mang tính di truyền của gia đình tôi.
Ngày nay, mọi việc đều khó khăn hơn, từ chính trị, thương mại, giáo dục hay ở bất cứ lĩnh vực nào. Vì thế các nhà lãnh đạo tài giỏi luôn phải cân đối mọi nguồn lực trong quá trình phát triển, và phải ra những quyết định chính xác trong những tình huống khó khăn, biết nói "không" hoặc "có" khi cần thiết. Đó là cái tài của người lãnh đạo và là điểm khác biệt của họ với những người khác.
Tôi thích những người sống có mục đích và chí hướng rõ ràng. Hiện thời, rất ít chính trị gia được tôi ngưỡng mộ hoặc tôn là thần tượng. Em trai tôi có thể là một trong những thần tượng của tôi vì cậu ấy thật sự có định hướng và biết tập trung cho mục tiêu của mình. Công ty của cậu ấy kinh doanh với phương châm: "Tích tiểu thành đại" và họ rất nghiêm túc về chuyện đó. Càng có quyền lực thì con người càng dễ bị cuốn hút vào cái bẫy của thành công, của sự nổi tiếng trên mặt báo cũng như đủ mọi thứ khác. Ít ai có thể cưỡng lại những cám dỗ đó và giữ mình được nguyên vẹn. Nhưng em trai tôi thì không vậy, ít ra là cho tới lúc này.
Nếu tôi có thể làm điều gì đó khác với những gì tôi đã làm, có lẽ tôi đã trở thành một doanh nhân từ rất sớm. Nếu bạn quyết định suốt đời chỉ đi làm thuê, bạn vẫn sống khỏe và hầu như không hề gặp rủi ro gì trên đường đời. Nhưng bạn sẽ không tự mình quyết định được điều gì cả. Nếu được làm lại, tôi sẽ tự làm chủ mình và dành nhiều thời gian hơn để làm những điều mình thích. Tôi sẽ đi thám hiểm cuộc sống của người da đỏ, đi câu cá hoặc đọc những cuốn sách mà tôi ưa thích.
Lời khuyên của tôi cho các bạn đang theo học ngành kinh doanh hay sắp khởi sự kinh doanh là trước tiên hãy nghĩ đến lĩnh vực hay sản phẩm mà bạn sẽ tham gia sản xuất. Bạn nên đặt ra hệ thống các chuẩn mực cho mình, chẳng hạn như: "Tôi muốn tự khẳng định mình thế này. Tôi cảm thấy rất hài lòng với ý nghĩa đó và thiết tha bỏ ra hai mươi năm sắp tới để khẳng định mình qua nỗ lực hoàn thành công việc XYZ". Tôi nghĩ đó là cách mọi người nên làm khi nghĩ về tương lai của mình - chứ không phải những vị trí hấp dẫn ban đầu, lương bổng, các kỳ nghỉ hoặc một ông chủ nào đó. Cho nên, các bạn trẻ của tôi, hãy gõ mọi cánh cửa, bước vào, và nhận mọi việc họ có thể cho bạn, ngay cả làm lao công. Bởi vì, một khi bạn đã vào đúng nơi bạn muốn, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì, làm như thế nào, ai là người bạn muốn học hỏi, kết giao, điều gì mang lại hứng thú cho bạn… trước khi bạn có thể khởi sự công cuộc kinh doanh của riêng bạn. Những lựa chọn đó mới thực sự là quan trọng nhất.
Kết luận
Nick Nickolas không nói nhiều về sự thành đạt của mình. Ông bắt đầu sự nghiệp ở một công ty mà ông ngưỡng mộ. Theo Nick, đó là quyết định khôn ngoan nhất đối với một người trẻ tuổi ngày nay. Hãy chọn một công ty có những sản phẩm bạn yêu thích. Hãy làm việc tại nơi bạn cảm thấy thoải mái và phấn khích. Đó là tiền đề của một sự nghiệp tối ưu nhất.
Giống như Frank Cary, ông khuyên mọi người nên mạnh dạn phát biểu những ý tưởng mới lạ và đừng quan tâm đến những hậu quả có thể xảy đến cho những suy luận chân thành của mình. Ông dẫn chứng sự thành công của người em trai của mình để chứng minh tầm quan trọng của việc không để mất tầm nhìn và xa rời những mục tiêu kinh doanh.
Trong lúc này, Nick đang hỗ trợ các nhà doanh nghiệp trẻ nhận ra những mục tiêu kinh doanh của họ và dường như đó là sở trường của ông. Nick chỉ có một tiếc nuối duy nhất là ông đã không trở thành một doanh nhân sớm hơn. Có lẽ việc giúp người khác nhận ra ước mơ của họ là cách mà Nick có thể lấy lại những năm đã mất.