John Sculley được đề bạt chức Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Apple vào năm 1983 khi doanh số của Apple chỉ đạt 600 triệu đô la một năm. Dưới quyền điều hành của ông, doanh thu của Apple tăng đến 8 tỉ đô la và Apple đã từng nhận được giải thưởng xuất sắc nhất về quảng cáo trên truyền hình và sách báo.
Sculley nổi tiếng nhờ việc phát triển thương hiệu Apple vào công nghệ máy vi tính cá nhân. Nhiều nhãn hiệu lớn đã được tạo ra trong nhiệm kỳ của ông như: Macintosh, Apple Desktop Publishing và máy tính xách tay Apple PowerBook. Tạp chí Advertising Age và Adweek đều bình chọn ông là Nhà Quảng cáo Xuất sắc nhất của năm và Bản tin điện tử Tài chính bầu John Sculley là Tổng giám đốc điều hành giỏi nhất trong mười năm đầu của Kỷ nguyên Tiếp thị (tức vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90).
Sculley đến Apple từ Tập đoàn Pepsi, nơi ông có năm năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành và mười sáu năm làm quản lý và tiếp thị. Ông là người đã từng đưa Pepsi qua mặt Coca Cola để giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường nước giải khát tại Mỹ, theo đánh giá của AC Nielsen, một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay ông đang làm việc cho công ty tư vấn và cho thuê tài chính do ông hùn vốn với hai người anh trai Athur và David.
Tôi gặp John lần đầu vào những năm đầu của thập niên 1980. Lúc đó ông nhận được nhiều mối quan tâm của công chúng về Apple và tôi nghĩ rằng ông rất tự mãn và kiêu ngạo. Nhưng tôi đã lầm. Ông rất khiêm tốn, thông minh, sâu sắc, sẵn sàng lắng nghe và không hề cao ngạo. John cuốn hút mọi người bởi vóc dáng cao lớn, cân đối, nhanh nhẹn, mái tóc hoe đỏ và một cá tính mạnh mẽ. Dường như ông cố ý ăn mặc không đúng cách như muốn nói rằng ông không chú ý nhiều đến vẻ bề ngoài của mình. Và cũng vì thế mà ông rất quyến rũ. Tôi từng giới thiệu ông với nhiều người và ai cũng có ấn tượng tốt về ông. Một trong những người đó là cha tôi, Thomas Watson Jr., người thật sự mến ông dù rằng họ là những đối thủ của nhau (cha tôi làm CEO của IBM). Một trong những thế mạnh trong kinh doanh của John là ông được rất nhiều người yêu quý.
Mùa thu năm ngoái, ông đến nói chuyện tại Hội nghị Công nghệ của Đại học Haas ở Berkeley và được chào đón nồng nhiệt. Cuối buổi thuyết giảng đó, tôi đến hỏi xin bản ghi chép của ông, và ông đã đưa cho tôi một tấm thẻ ghi chú các đề mục và thời lượng cho từng đề mục được ông ghi chép rất tỉ mỉ. Ông là một con người xuất sắc trên nhiều phương diện.
Đừng sợ phạm sai lầm!
"… Bất cứ ai muốn thành công trong kinh doanh ngày nay đều phải có khả năng đương đầu với rủi ro. Tôi không tin rằng họ chưa từng kinh qua một nỗi sợ hãi nào đó trên con đường sự nghiệp của mình. Học được cách đối phó với sợ hãi không có nghĩa là sợ hãi sẽ biến mất, mà điều đó nói lên rằng bạn biết cách đi đến thành công từ trong sợ hãi."
- John Sculley
Tôi đã khá từng trải để có thể nhìn lại và biết được những gì tôi thích hoặc không thích, những gì tôi làm tốt và chưa tốt. Tôi biết mình thuộc típ người ưa sáng tạo và thích khai phá những ý tưởng mới để thành lập các công ty kinh doanh trong các lĩnh vực mới phù hợp với nền kinh tế hiện đại.
Đối với những công ty đang ở giai đoạn phát triển, chúng tôi giúp họ bằng cách hỗ trợ tiếp thị, quản lý nhân sự, và kêu gọi đầu tư. Trước đây, khi còn điều hành một công ty lớn, tôi chỉ sử dụng một quỹ thời gian rất nhỏ để làm những việc đó.
Hiện tại tôi thoải mái hơn nhiều khi không còn phải chịu áp lực từ công việc quản lý và điều hành ở nhịp độ cao như trước kia. Tôi có thể dành toàn bộ thời gian vào những công việc tôi thật sự ưa thích. Bạn có thể được thăng chức vì làm việc xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó nhưng khi bạn là một tổng giám đốc điều hành, bạn phải am hiểu tất cả mọi lĩnh vực! Nhìn lại, tôi thấy phấn đấu trở thành CEO thật sự thú vị hơn làm việc ở cương vị CEO. Thành công là một hành trình, chứ không phải là một điểm đến.
Đối với tôi, kinh doanh là một công việc rất lý thú. Bạn có thể tự do chọn người mà bạn tin tưởng để giao nhiệm vụ. Bạn sẽ không làm được như thế ở một công ty lớn vì bản thân bạn cũng do người khác tuyển dụng. Là doanh nhân, tôi tin tưởng chính mình vì tôi đầu tư bằng tiền của tôi và mọi người đã tin tưởng góp vốn kinh doanh với tôi và tin rằng tôi sẽ mang lại lợi ích cho cả nhóm.
Tôi tin rằng việc hoạch định các mục tiêu trong đời là cực kỳ quan trọng. Nếu có một điều ước, tôi ước gì tôi đã rời Pepsi và Apple sớm hơn để trở thành một doanh nhân độc lập. Phải chi tôi nghe theo tiếng nói bên trong của bản thân mình để thực hiện điều đó sớm hơn. Thế thì điều gì đã ngăn tôi nghỉ việc ở Pepsi hay Apple? Tôi lớn lên trong những chuẩn mực đạo đức mà lòng trung thành rất được coi trọng, nên tôi đã xem lòng trung thành là kim chỉ nam cho hành động thay vì tuân theo tiếng nói của bản thân.
Tôi không tin ai đã từng thành công trong kinh doanh mà chưa từng đối diện với nỗi lo sợ. Nếu bạn chấp nhận mạo hiểm để đạt được những điều lớn hơn, bạn sẽ luôn quan tâm đến những đối thủ cạnh tranh bên cạnh bạn và phía sau bạn, hoặc những tác động có thể tạo ra những thay đổi không mong muốn trên thị trường, hoặc những quyết định có thể dẫn đến sai lầm trong tổ chức của bạn. Cũng giống như các vận động viên thường căng thẳng trước các giải đấu lớn - họ sợ thất bại. Nhưng điều đó thực sự rất tích cực vì nó tạo sự hưng phấn cho bạn, làm bạn trở nên nhạy bén hơn trong suy nghĩ và hành động vào những thời điểm khó khăn.
Có nhiều nỗi sợ khác nhau và nhiều cách xử lý khác nhau. Có người chọn biện pháp an toàn ngay từ đầu để tránh rủi ro về sau. Có người lại sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đánh cược cuộc đời và sự nghiệp của mình với nó. Tôi nghĩ, trong kỷ nguyên này, rủi ro cũng lớn như phần thưởng. Hệ quả là, bất cứ ai muốn thành công trong kinh doanh ngày nay đều phải có khả năng đương đầu với rủi ro. Tôi không tin rằng họ chưa từng kinh qua một nỗi sợ hãi nào đó trên con đường sự nghiệp của mình. Học được cách đối phó với sợ hãi không có nghĩa là sợ hãi sẽ biến mất, mà điều đó nói lên rằng bạn biết cách đi đến thành công từ trong sợ hãi.
Giờ đây tôi đã dày dạn hơn nhiều, những gì từng làm tôi lo lắng hai mươi năm trước hầu như không còn làm tôi chao đảo nữa. Tôi đã đối mặt và giải quyết vô số các tình huống khó khăn trong suốt hai thập niên làm việc nên cái được lớn nhất của tôi là kinh nghiệm. Ngày nay, những doanh nhân năng động nhất thường là những người trẻ tuổi nhất, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm và sự từng trải của thế hệ chúng tôi. Họ sợ phải đối mặt với những rủi ro mà chúng tôi đã không còn sợ nữa.
Chớp thời cơ hoặc phạm sai lầm trong kinh doanh đều mang đến những kinh nghiệm đáng giá và thú vị. Tuy nhiên, dù có là hậu quả từ những sai lầm thì cũng không đến nỗi quá tệ như bạn nghĩ. Thậm chí trong những tình huống cam go nhất, vẫn có những tia sáng xuất hiện cuối đường hầm. Tôi học được từ những sai lầm của mình nhiều hơn từ những thành công. Thật thế, bạn không nhớ nhiều về những chiến tích của mình đâu, nhưng sai lầm thì bạn chẳng bao giờ quên. Cho nên, đừng sợ phạm sai lầm!
Sai lầm lớn nhất mà tôi đã phạm phải là đánh giá sai một số người và tin những người không đáng tin. Để rồi, sau khi tin tưởng và trung thành với họ, họ ngoảnh mặt làm ngơ và đâm sau lưng tôi. Đó là sự mù quáng lớn nhất của đời tôi.
Lúc còn bé, tôi rất muốn trở một nhà phát minh, nghệ sĩ hoặc một nhà thiết kế. Tôi thật sự quan tâm đến những gì có tính sáng tạo và chưa bao giờ mơ rằng mình sẽ trở thành một doanh nhân. Cha tôi là luật sư ở New York còn mẹ tôi là một họa sĩ. Tôi nghĩ tôi được thừa hưởng tính sáng tạo từ mẹ vì hầu như họ hàng bên ngoại tôi ai cũng có khả năng hội họa. Cha tôi là một sinh viên giỏi nhưng không sáng tạo. Ông muốn anh em chúng tôi phải thành công trong kinh doanh, trong đó ít nhất một đứa phải là luật sư tài danh vì ông luôn quan niệm rằng "hổ phụ sinh hổ tử". Tôi nghĩ họa chăng tôi là một luật sư kinh khủng thì đúng hơn vì chưa bao giờ tôi thích nghề này. Cuối cùng, không ai trong hai anh em chúng tôi trở thành luật sư mà đều trở thành những doanh nhân thành đạt.
Tôi là anh cả và là người duy nhất có máu nghệ sĩ. Lúc nhỏ, hễ rảnh ra là tôi xây đắp, tô vẽ, chạm trổ và "nghiên cứu" các loại đồ dùng điện tử. Tôi từng đến khu chợ trời Courtland ở New York để mua đồ cũ về lắp ráp thành máy thu phát sóng. Mười hai tuổi tôi đã là một người chơi vô tuyến điện nghiệp dư và có thể trò chuyện với nhiều người xa lạ trên các tần số vô tuyến. Chúng tôi cố gắng bắt liên lạc với nhau ở những khoảng cách từ năm trăm đến một ngàn dặm, nói chung càng xa càng tốt để tăng thêm phần cảm hứng và cảm giác chiến thắng của kẻ chinh phục.
Con người tôi luôn có hai nửa: một nửa dành cho những ước mơ và sáng tạo còn nửa kia thì thích gặp gỡ mọi người. Mười một tuổi, tôi được vào trường nam và làm lớp trưởng sáu năm liền. Tôi cũng là thành viên đội bóng đá và nhiều hội đoàn khác nhau trong trường học. Tôi có nhiều mối quan tâm vào lúc đó nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kinh doanh. Tôi vẫn nghĩ mình sẽ trở thành một nhà phát minh đại tài nhưng không nghĩ nhà phát minh sẽ làm ra tiền như thế nào. Tôi không bao giờ quan tâm đến việc kiếm nhiều tiền. Tôi chỉ quan tâm thực hiện những gì khác biệt và nghĩ rằng như thế mới là "anh hùng".
Ông ngoại tôi mới thực sự là cố vấn của tôi. Ông cũng là một nhà phát minh. Vào đầu thế kỷ XX, ông là một thành viên trong nhóm thiết kế chế tạo ra chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới. Thời niên thiếu, tôi rất thích đến thăm ông và chúng tôi thường dậy sớm, khoảng 4 giờ 30 sáng, để trò chuyện về những ý tưởng có vẻ như rất viển vông như xây dựng một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt hoặc lấn biển lấy đất, hoặc thảo luận về thuyết tương đối và du hành trong không gian và nhiều chuyện đại loại như thế. Đó quả là những năm tháng rất tuyệt vời.
Tôi không muốn học đại học. Tôi chỉ muốn vào trường mỹ thuật thiết kế nhưng cha tôi sỉ vả tôi thậm tệ mỗi khi tôi hé ra rằng tôi đang có ý nghĩ đó. Cuối cùng cha và tôi đi đến một giải pháp nhượng bộ lẫn nhau: tôi sẽ vào Đại học Brown và học Trường Mỹ thuật Thiết kế Rhode Island. Rồi tôi lại thay đổi ý nghĩ khi học đến môn kiến trúc. Tôi nhận ra tôi không thích làm kiến trúc sư vì phải làm việc dưới quyền người khác trong công ty hay một tổ chức nào đó, ngay cả đó là Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố hay một công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng. Sau cùng tôi nhận ra kiến trúc không phải là ngành tốt nhất đối với tôi. Thứ nhất, tôi muốn có một công việc có tính sáng tạo và tôi không nghĩ rằng lĩnh vực này có thể cho tôi cơ hội đó. Thứ hai, ngành này có rất ít công việc nên khó lòng làm ra tiền. Cuối cùng, từ những gì tôi nhìn thấy nơi các công ty thiết kế kiến trúc, tôi thấy đó không phải là phong cách sống của tôi. Tôi quyết định sẽ làm chủ lấy mình. Tôi vào trường kinh doanh và lấy bằng MBA (Master of Business Administration - Thạc sĩ quản trị kinh doanh). Thời đó, tiếp thị chỉ được xem là một ngành bổ trợ cho việc bán hàng và thường được thực hiện thông qua các công ty quảng cáo chứ không do doanh nghiệp tự đảm trách. Mọi người chưa hiểu hết sức mạnh của nó. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, tôi làm cho một công ty quảng cáo và rất thích lĩnh vực sáng tạo này. Nhưng vì một số lý do, tôi đã bỏ ngành quảng cáo và làm nghiên cứu thị trường cho Tập đoàn Coca Cola. Cuối cùng, tôi nghỉ việc ở công ty quảng cáo và chuyển sang làm việc cho Pepsi.
Làm việc tại Pepsi hoàn toàn khác biệt với công ty quảng cáo vì đó là một công ty sản xuất. Tôi cũng là người đầu tiên có bằng MBA được Pepsi tuyển dụng nên họ không biết bố trí tôi làm việc gì. Họ cho tôi điều hành đội vận chuyển hàng hóa để học kinh doanh. Tính tôi ham học hỏi nên đã tìm hiểu và cải tiến được rất nhiều thứ. Nghĩ cũng buồn cười, ít năm sau đó, khi trở thành Giám đốc tiếp thị của Pepsi, việc đầu tiên tôi làm là sử dụng những kinh nghiệm đã nắm bắt được từ chương trình huấn luyện ấy để thiết kế lại các phương tiện vận tải hàng hóa sao cho phù hợp với sản phẩm lon, chai của Pepsi. Những thiết kế của tôi cuối cùng được sử dụng trong ngành công nghiệp nước giải khát trên khắp thế giới (tức những chiếc xe thớt chở bia hay nước ngọt chúng ta thường thấy trên đường ngày nay - ND).
Luôn có một kiểu mẫu nhất quán trong từng công việc mà tôi đã làm - đó là tôi luôn định nghĩa lại công việc để có thể làm những gì tôi thích. Đôi khi điều này đem lại những thành công ngoài sức tưởng tượng. Những lúc Pepsi và Apple cần những ý tưởng sáng tạo để thay đổi những nguyên tắc sáo mòn là lúc tôi cảm thấy phấn khích nhất. Tôi coi trọng sự uyển chuyển lựa chọn các cơ hội trong điều kiện nhiều thay đổi đang diễn ra từng giờ từng phút. Những ý tưởng sáng tạo có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn, và những kinh nghiệm tôi tích lũy được qua nhiều thập niên có thể mang lại những cơ hội thành công tốt đẹp hơn trước những tình huống đầy mạo hiểm.
Khi còn bé, chúng ta hay có nhiều thần tượng. Khi có tuổi, ít ai nghĩ đến việc tìm kiếm cho mình một tấm gương. Tôi từng rất ngưỡng mộ Leonardo da Vinci ở khả năng nhìn trước thời đại và phát minh ra những giải pháp cho các vấn đề hóc búa của đời sau. Ngày nay, cuộc sống thay đổi nhanh đến mức chúng ta khó lòng tìm thấy một thần tượng. Nếu bạn chỉ hiểu vấn đề theo một cách duy nhất thì bạn chưa hiểu gì cả. Nếu bạn chỉ nhìn sự việc qua lăng kính truyền hình hoặc báo chí, bạn sẽ làm méo mó tầm nhìn của bạn. Những gì bây giờ nghe rất hiển nhiên nhưng ba, bốn năm về trước thì không hiển nhiên chút nào. Ngày nay, mọi quyết định đều phải được đưa ra một cách nhanh nhất. Nghịch lý là ở chỗ, nếu muốn vậy thì người ra quyết định phải nắm càng nhiều thông tin càng tốt, nhưng hầu như tất cả các thông tin đó đều sai lệch cả. Nhiều người biết điều đó nên họ chỉ thích dựa vào trực giác của mình trong lúc phán đoán và quyết định.
Ở phần đầu, khi nói về sai lầm lớn nhất tôi phạm phải, tôi nói đó là sự đánh giá lầm về con người. Tuy vậy khi tôi hồi tưởng lại những chuyện đó thì trong đa số các trường hợp, nếu tôi nghe theo trực giác của mình thì tôi đã xử sự khác đi. Vấn đề là, tôi cũng như nhiều người khác đã mâu thuẫn ngay từ những nguyên tắc đầu tiên. Tức là, trước hết phải tin vào trực giác của mình và sau đó mới là lòng trung thành. Hai điều này có thể mâu thuẫn nhau. Khi tôi đánh giá nhầm người, đó là vì tôi đã quá trung thành hoặc biểu lộ lòng trung thành quá vội vã. Hơn một lần, tôi đã không nghe theo trực giác của mình và để lòng trung thành lấn át. Hình như nếu không lặp lại sai lầm thì chúng ta không khá lên được. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng kinh nghiệm rút ra từ sai lầm quý giá hơn nhiều so với những kinh nghiệm được đúc kết từ thành công của chúng ta.
Kết luận
John Sculley là típ người đặc biệt sáng tạo, có trách nhiệm cao trong công việc và hầu như trung thành tuyệt đối khi làm thuê cho bất cứ ai, dù đó là Apple, Pepsi, hay một công ty quảng cáo không tên tuổi nào đó. Ông có tài tiếp thị và một tầm nhìn rộng. Cũng như Nick Nickolas, ông ao ước sử dụng tài năng kinh doanh của mình sớm hơn để có thể làm những gì ông thích (chứ không phải những việc mà cấp trên của ông thích). John cũng đề cập đến nỗi sợ hãi và ảnh hưởng của nó đối với sự thành công của bất kỳ ai. Theo ông, mạo hiểm là điều không thể thiếu trong kinh doanh, nhưng sự thiếu hiểu biết về nó thường gây ra sợ hãi và thành công nghĩa là phải sống chung với nỗi sợ và biết cách vượt qua nó.
John rất quý những kinh nghiệm ông đã gặt hái được trong sự nghiệp của mình và đặt chúng vào thế so sánh với những ưu điểm trong công việc của giới trẻ ngày nay. Sức mạnh và sự thông minh của tuổi trẻ không phải luôn là nhân tố quyết định mọi thành công trong kinh doanh, mà còn có cả sự từng trải trên thương trường. Nhiều thập niên lăn lộn trong ngành tiếp thị đã giúp ông trở nên dày dạn hơn và không sợ phạm sai lầm, vì theo ông, sai lầm mang lại những bài học đáng giá gấp bội so với thành công.
Năng lực hồi tưởng và khả năng tự đánh giá một cách khiêm tốn là một trong những đức tính đáng quý của bất cứ nhà lãnh đạo, doanh nhân, hay chiến lược gia nào trong quyển sách này. John nhìn thấy căn nguyên dẫn đến sai lầm của mình là việc đánh giá lầm người khi lẫn lộn những nguyên tắc quản lý đầu tiên. Đó là sự mâu thuẫn giữa sự mách bảo của trực giác và tiếng nói của lòng trung thành. John không đưa ra một công thức chung nào để giải quyết mâu thuẫn này. Thay vào đó, ông kết thúc buổi phỏng vấn với một gương mặt đầy suy tư, như muốn nhắn nhủ rằng: Hãy cảnh giác với những gì đang xảy ra xung quanh bạn, luôn làm hết khả năng, và hãy kiên nhẫn với chính mình.