Faye Wattleton là Chủ tịch Liên đoàn Planned Parenthood Hoa Kỳ từ năm 1978 đến 1992. Trong suốt thời gian đó, bà đã giữ vai trò đấu tranh và tác động đến chính phủ các nước qua các chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ trên khắp thế giới.
Mùa thu năm 1996 bà hợp tác với nhà xuất bản Ballantine Books để viết cuốn tự truyện Life on the Line (tạm dịch: Cuộc sống vẫn tiếp diễn).
Các thành tích của Faye được đánh giá cao. Năm 1993, bà được bầu vào Nhà Danh vọng Phụ nữ Hoa Kỳ. Bà nhận được Giải thưởng Jefferson vào năm 1992 dành cho công dân có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phục vụ công chúng, Giải thưởng Magaret Sanger năm 1992, Giải thưởng của Bộ Y tế Hoa Kỳ vì những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp y tế cộng đồng, Giải thưởng của Hội nghị các Tổ chức Nhân đạo Black Caucus, Giải thưởng John Gardner 1987 và Giải thưởng Người Phụ nữ Danh dự năm 1986 của Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ. Tạp chí Bussines Week bình chọn bà là một trong những giám đốc xuất sắc nhất của các tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ. Tạp chí Money bình chọn bà là một trong năm người Mỹ xuất sắc nhất đã giúp định hình lại cuộc sống. Bà cũng tham gia nhiều diễn đàn công cộng và là cộng tác viên của nhiều nhà xuất bản cũng như hãng tin. Faye lấy bằng Cử nhân điều dưỡng Đại học Ohio và tốt nghiệp Thạc sĩ Sản-Nhi Đại học Columbia.
Hiện thời, Faye Wattleton là Chủ tịch Trung tâm vì Quyền Bình đẳng Giới tính, một viện nghiên cứu và phát triển phi lợi nhuận hoạt động vì sự tiến bộ và quyền bình đẳng của phụ nữ tại Hoa Kỳ. Bà cũng có chân trong Ban giám đốc Công ty Estee Lauder, Empire Blue Cross và Blue Shield, Quidel Corporation, Leslie Fay Inc., Henry J. Kaiser Foundation, Viện Giáo dục Quốc tế, Tổ chức vì Môi trường và sự Phát triển của Phụ nữ, và tổ chức Thirteen/WNET.
Tôi phỏng vấn bà tại Trung tâm vì Quyền Bình đẳng Giới tính, trên tầng cao của một tòa nhà ở khu Manhattan. Ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp, phong thái tự tin và nét duyên dáng của bà. Với chiều cao hơn một mét tám mươi và sự đáng yêu của mình, bà hoàn toàn có thể theo nghề người mẫu thay vì cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Dù bà rất nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng, tôi vẫn thấy thoải mái khi trò chuyện với bà. Bà quả thực là một người xuất sắc trong giao tiếp, bà nói rất lưu loát, rõ ràng và súc tích và dĩ nhiên không chút sáo rỗng.
Bà bàn về các thành công và thất bại trong sự nghiệp của mình một cách không thiên lệch. Faye là người luôn có ý thức tự bảo vệ mình. Không biết đó là một phẩm chất bà thừa hưởng từ cha mẹ hay từ những yếu tố nào khác. Sự uy nghi toát lên từ con người bà buộc người đối diện phải tỏ lòng kính trọng ngay lần gặp đầu tiên. Khi nói về thất bại của bà lúc không thể vận động thành công một chương trình truyền hình, bà không có chút biểu hiện hay thái độ nào tỏ lòng tiếc nuối hay ta thán. Như nhiều người tôi đã phỏng vấn từ đầu quyển sách tới giờ, bà học được rất nhiều từ thất bại và không bao giờ cho phép mình mãi day dứt với những điều không may. Thất bại không bao giờ là một rào cản không thể vượt qua, mà chỉ là một cơ hội để chúng ta sáng tạo hơn và tiến lên phía trước.
Bất đồng chỉ có thể giải quyết thông qua thương lượng
"Người ngồi cao nhất phải nhận lãnh tất cả. Đó thực sự là một chiếc ghế rất biệt lập. Trừ phi bạn ngồi vào chiếc ghế đó và đi đúng đôi giày đó, bạn mới có thể đánh giá đầy đủ toàn bộ cái giá mà bạn phải trả…"
- Faye Wattleton
Tôi sinh ra và lớn lên ở St. Louis. Năm tôi bảy tuổi, mẹ tôi quyết định dâng hiến trọn đời mình cho giáo hội. Kể từ đó, chúng tôi chu du khắp nơi vì bà phụng sự khắp các nhà thờ trên toàn quốc. Tôi tin rằng sở dĩ ngày nay tôi có thể giao tiếp tốt với mọi người từ mọi nền văn hóa khác nhau là nhờ tôi được đi nhiều nơi lúc còn bé.
Chúng tôi từng sống hai năm ở một thị trấn toàn người da trắng tại Nebraska năm tôi mười tuổi. Mùa hè, chúng tôi thường đi dự những buổi họp giáo dân tại các nhà thờ miền Nam, Trung Tây và miền Đông.
Tôi đã từng có ý muốn trở thành y tá hay không, tôi cũng không biết nữa. Nhưng nếu có thì đó là do tác động của mẹ tôi. Bà muốn tôi trở thành một y tá tu sĩ, theo bà lý giải, như thế sẽ càng có ích hơn so với một y tá thông thường. Y tá tu sĩ làm việc trong các bệnh viện của nhà thờ ở châu Phi và khắp thế giới. Tôi ngờ rằng ý tưởng này đã làm tôi luôn nghĩ rằng lớn lên tôi sẽ làm y tá. Tôi học được hai bằng về điều dưỡng, nhưng chưa bao giờ thực tập làm y tá. Hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, bạn có thể tin rằng tôi đã, đang và lúc nào cũng làm điều dưỡng, nhưng không mang tính chất chuyên môn. Sau khi ra trường, tôi dạy về điều dưỡng hai năm rồi thi vào Đại học Columbia và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Sản-Nhi. Sau đó, tôi chuyển về Dayton làm việc cho Sở Y tế bang Ohio. Tại đó, tôi được mời vào Ban giám đốc của Tổ chức Planned Parenthood địa phương. Hai năm sau tôi trở thành Giám đốc điều hành của chi nhánh đó. Bảy năm sau, tôi trở thành Chủ tịch Liên đoàn Planned Parenthood Hoa Kỳ.
Gia đình tôi di cư đến đây từ Cực Nam nước Mỹ. Mẹ tôi ở Mississippi và cha tôi người Alabama. Họ là những người sống phúc âm theo kiểu cổ điển trong làn sóng di cư thứ hai lên miền Bắc vào cuối những năm 1930 đầu 1940. Cha tôi là người lao động thuần túy và mẹ là thợ may, nhưng họ có tính tự lập cao và sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để kiếm sống. Chúng tôi phải tự lo liệu lấy mọi thứ. Điều này tạo cho tôi thói quen luôn có một lịch trình rõ ràng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Dù vất vả, nhưng bọn trẻ chúng tôi phải được đến trường và phải vào đại học. Đó là quyết tâm vươn lên của gia đình chúng tôi.
Tôi chắc rằng ý nghĩ trở thành y tá được tô vẽ bằng những giới hạn trong quyền lợi của phụ nữ vào thời đó. Phụ nữ chỉ làm y tá, nhân viên công tác xã hội, hoặc giáo viên mà thôi. Tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần mình được bảo một cách dứt khoát rằng: "Ồ, con không thể làm nghề đó được, vì con là con gái mà!". Trước khi chu du vòng quanh nước Mỹ, chúng tôi sống trong một đại gia đình lớn ở St. Louis. Mẹ tôi và các dì rất độc lập, chồng họ đi làm còn họ ở nhà may vá kiếm sống. Tôi chưa bao giờ tin rằng có những giới hạn nào đó trong những việc tôi làm, nhưng ý nghĩ trở thành y tá thay vì làm bác sĩ hay một nghề nào khác là do những quan niệm khắt khe về vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn đó.
Hình ảnh đầu tiên in sâu vào tâm trí tôi là hình ảnh của những người phụ nữ trong đại gia đình tôi và cả những người phụ nữ khác lấy việc may mặc làm nghề kiếm sống. Thời đó người ta rất chú ý đến các loại y phục đẹp mắt và đồ trang điểm phù hợp với các sự kiện khác nhau. Dù chúng tôi là dân lao động nhưng tôi được đi học trường y với con ông bác sĩ cạnh nhà. Đó là những năm trước khi phong trào đòi Quyền Bình đẳng cho người da đen phát triển mạnh mẽ (những năm 1960, đứng đầu là Mục sư M. Luther King - ND), trước khi người da đen dọn vào ở xen lẫn trong khu của người da trắng. Trải nghiệm đó cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong nhận thức của tôi về sắc tộc và triển vọng phát triển nghề nghiệp của tôi.
Vì nhà thờ là trung tâm đời sống xã hội của gia đình tôi nên ảnh hưởng của cộng đồng giáo dân lên gia đình tôi cũng rất mạnh. Từ sâu thẳm, quyết định của mẹ tôi về việc theo đuổi và cống hiến toàn thời gian phụng sự giáo hội đã trở thành tư tưởng chủ đạo chi phối cả gia đình chúng tôi.
Sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh ngày càng được biểu hiện rõ ràng hơn khi con người đổ xô đi tìm những thứ mà họ không tìm thấy trong các thể chế tôn giáo chính thống. Tất cả chúng tôi đều cần có một thế lực vô hình nào đó phù trợ để cứu rỗi và an ủi chúng tôi. Trung tâm (ý nói Trung tâm vì Quyền Bình đẳng về Giới - ND) sắp đưa ra một cuộc trưng cầu ý kiến về các tổ chức tôn giáo, nhất là các tổ chức tôn giáo có khuynh hướng bảo thủ, và về thái độ của phụ nữ đối với quyền bình đẳng cho nữ giới. Như một trong các vị thuộc Hội đồng Cố vấn Quốc gia từng lưu ý: "Phụ nữ luôn là những người trung thành với đức tin. Cuộc trưng cầu cho thấy phụ nữ thiên về tôn giáo và tâm linh, họ xem tôn giáo và tâm linh quan trọng hơn tất cả các mặt khác trong cuộc sống".
Khi tôi chứng kiến sự chống đối của những người có đầu óc tôn giáo chính thống ở Planned Parenthood, tôi không lấy làm lạ vì tôi đã từng lớn lên với nó. Mẹ tôi không phải là một tu sĩ Tân giáo mà là một tu sĩ Tin lành chính thống và bước đường thăng tiến của tôi cũng có liên quan đến điều này. Tôi hiểu rõ bằng trực giác của mình không những họ từ đâu đến mà còn hiểu được cả những nguy hiểm từ sự cuồng tín của họ. Mẹ tôi cũng cuồng tín như thế, bà từ bỏ mọi thứ, kể cả cha con tôi, để theo đuổi sự nghiệp rao giảng đức tin của bà. Một khi bạn nghe tiếng Chúa gọi thì không điều gì có thể cản nổi bạn. Tôi hiểu rõ điều đó hơn đa số những người khác ở Planned Parenthood. Tôi nhận ra rằng, sự kết hợp giữa đức tin và sự cuồng tín sẽ trở nên rất nguy hiểm. Tôi bắt đầu quan tâm hơn đến việc hạn chế những ảnh hưởng đang lên của các nhà tôn giáo chính thống cực đoan trong các vấn đề chính trị. Nhưng thật đáng buồn, tôi không thể thắng được họ.
Năm 1967, tôi lấy bằng thạc sĩ Sản-Nhi. Sau đó ba năm, tôi trở thành Phó giám đốc Hiệp hội Điều dưỡng viên Thỉnh giảng thành phố Dayton và các quận thuộc Montgomery. Cùng thời gian đó, tôi được mời vào Ban giám đốc Chi nhánh Planned Parenthood địa phương. Mọi người dần dần quen với cách điều hành công việc của tôi và đến năm 1970 tôi được đề cử vào chức Giám đốc Điều hành của họ. Vào thời đó, nếu bạn có bằng thạc sĩ thì hoặc bạn sẽ đi dạy, hoặc làm quản trị viên chứ không có nhiều phân ngành điều dưỡng như hiện nay. Dĩ nhiên khi chấp nhận hướng đi đó, tôi đã thành một quản trị viên.
Tôi nhận chức Chủ tịch Tổ chức Planned Parenthood Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1978 cho tới tháng 3 năm 1992. Mười bốn năm quả là một thời gian dài nhưng đầy thú vị và chưa có ngày nào giống ngày nào. Giờ đây nghĩ lại tôi thấy mình nên rời chức vụ đó sớm hơn để tránh những mâu thuẫn nội bộ do tôi ngồi quá lâu trên chiếc ghế đó. Thật ra, vào năm thứ mười tôi đã thấy mệt mỏi nhưng chưa muốn ra đi vì dường như đâu đó vẫn còn những điều còn phải tranh đấu tiếp. Và, thật lòng mà nói, bên ngoài cũng không có nhiều phương án cho tôi lựa chọn. Đó là một trong những điều mà những người phụ nữ có địa vị cao, nhất là ở các tổ chức phi lợi nhuận, gặp phải. Nếu tôi là một người đàn ông đứng đầu một tổ chức nhân đạo lớn thứ bảy ở Mỹ, hoặc một công ty trị giá bốn trăm triệu đô la và thành đạt ở mức tôi thì tôi tin rằng người ta sẽ đặt vô số lời mời làm việc ngay dưới chân tôi để tôi tha hồ lựa chọn. Điều tôi quan tâm nhất vào lúc đó là khả năng tổ chức một chương trình truyền hình xuyên quốc gia xoay quanh các vấn đề có liên quan đến phụ nữ. Tôi cảm thấy nếu thực hiện được dự án này, phụ nữ sẽ có một diễn đàn rộng lớn hơn để tranh luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề thiết thân của họ.
Tạp chí Business Week bình chọn tôi là một trong các nhà quản lý xuất sắc nhất trong lĩnh vực phi lợi nhuận, có lẽ vì họ cho rằng tôi điều hành một tổ chức rất quy củ. Tôi tin rằng tôi có khả năng ăn nói lưu loát và truyền đạt được tinh thần truyền giáo và tầm nhìn về tương lai. Người ta sẽ hưởng ứng nhiệt liệt khi nghe một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa nói rằng: "Đây là đường chúng ta đi, đây là nơi chúng ta sẽ đến". Tôi không phải là một nhà lãnh đạo độc đoán, dù có người nói rằng tôi rất tự chủ. Thỉnh thoảng tôi phải thức liên tục bốn mươi tám giờ để điều hành mọi thứ cho trôi chảy trong một tổ chức như Planned Parenthood. Dĩ nhiên có những việc chính tôi phải gánh vác vì tầm quan trọng của chúng. Tuy vậy, phong cách lãnh đạo cơ bản của tôi vẫn là tổ chức một đội ngũ hỗ trợ điều hành, giao cho họ trách nhiệm rõ ràng, để họ tự do hành động và đánh giá họ qua kết quả công việc. Tôi vẫn dành cho họ sự ủng hộ khi họ phạm sai lầm, miễn là họ thực sự đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng là một lãnh đạo có tinh thần cầu thị. Tôi luôn cố tìm người giỏi nhất trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để giúp tôi điều hành công việc một cách tốt nhất và tôi cũng có thể học hỏi họ. Kết hợp mọi thứ và làm cho nó chạy suôn sẻ như một cỗ máy hoàn chỉnh, theo tôi là một công việc đầy thử thách và thú vị. Ở một mức độ nào đó, tôi muốn mọi người ủng hộ tôi hết mình nhưng không muốn họ cứ luôn gật đầu đồng ý với tôi. Thực lòng mà nói, tôi đã tạo ra được một tập thể có tính đồng thuận cao so với các tổ chức phi lợi nhuận khác cho đến ngày tôi rời khỏi Planned Parenthood.
Tôi luôn cố gắng lắng nghe, nhất là trong các cuộc đối đầu về quan điểm. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy mâu thuẫn trong tình cảm khó giải quyết hơn. Một điều tôi luôn tin tưởng là nếu có đủ thời gian nói chuyện với nhau thì hầu như bạn luôn tìm ra cách để giải quyết mâu thuẫn. Bất đồng chỉ có thể giải quyết thông qua thương lượng. Tôi có một niềm tin mãnh liệt là con người luôn có xu hướng thỏa hiệp với nhau nếu trước đó họ đã từng có một mối quan hệ khăng khít. Thay vì hò hét khẩu hiệu, tôi cố gắng nói sao cho hợp tình hợp lý, ngay cả đối với kẻ ngang bướng chỉ muốn phá rối. Tôi nghĩ ngay những người khó chịu nhất cũng phải công nhận rằng tôi là người biết chuyện. Rồi cũng có người cho rằng tôi quá nguyên tắc. Dù đối với với họ tôi là gì đi nữa, tôi cũng không quan tâm lắm. Tuy nhiên, điều thật sự có ý nghĩa nhất đối với tôi là: tôi là một người rất nguyên tắc trong khi giải quyết các mâu thuẫn.
Tôi luôn đau khổ vì sự hoài nghi chính mình. Tôi luôn tự hỏi liệu tôi đã làm đúng một công việc nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó hay không, liệu tôi có thể làm việc đó tốt hơn thế không. Tôi lo lắng cho những công việc ở phía trước và không biết mình có sẵn sàng hay chưa. Tạo ra một tổ chức có phong cách mới khuấy động nhiều tình cảm như thế, nhưng đó chỉ là một trong những điều mà tôi sống chung từ lâu lắm rồi, chung sống để vươn lên. Ngay cả khi bạn sợ hãi và lo rằng bạn không thể làm nổi việc ấy, hãy nhớ rằng ngày mai trời lại sáng, nếu bạn luôn cố gắng, bạn sẽ có thêm nhiều nghị lực và quyết tâm trước khi bạn kịp nhận ra điều đó.
Khi rời Planned Parenthood, tôi thật sự mệt mỏi vì những mối bất hòa nội bộ, vì những chuyện vặt vãnh và những mưu toan phá hoại thành tựu của các tổ chức từ thiện quốc gia. Tổ chức này đã không bao giờ nổi bật hơn kể từ ngày Margaret Sanger sáng lập ra nó. Nó đã không thể đi xa hơn nữa. Tuy nhiên, khó khăn không ngừng chồng chất đối với tôi khi vừa làm việc vừa chịu đựng những hằn học trong nội bộ mà tôi đã đề cập. Quá nhiều nỗi u uất trong lòng khi bạn theo đuổi một sự nghiệp như thế. Đoạn kết trong sự nghiệp của tôi là ở một hội nghị tổng kết hoạt động vào đầu năm 1992. Các chi nhánh bỏ phiếu tán thành giảm bớt sự ủng hộ của họ cho tổ chức quốc gia này. Tôi cảm thấy điều đó thật sỉ nhục và không thấy có lý do nào khác để tiếp tục.
Tôi rời Planned Parenthood để thực hiện một chương trình truyền hình liên tiểu bang với Công ty Giải trí Tribune, nhưng rồi nó bất thành. Chương trình chúng tôi đề cập trước khi tôi rời Planned Parenthood không phải là chương trình họ sẵn lòng thực hiện. Họ muốn tôi làm chương trình theo kiểu Jerry Springer (kiểu rẻ tiền - mì ăn liền) mà chúng tôi lại không đủ can đảm dàn dựng. Chỉ mới thử nghiệm một số cảnh thôi tôi đã cảm thấy chán muốn khóc khi nghe diễn viên kể lể hàng giờ rằng họ đã không được ái ân cả nửa năm rồi – và những chuyện đại loại như thế. Ngay cả trước khi diễn thử lần đầu tiên tôi đã biết là chương trình sẽ chẳng đi tới đâu. Sau đó họ tổ chức một cuộc họp với giám đốc các đài truyền hình, những người hình như không ủng hộ chương trình đó và nghi ngờ rằng có lẽ tôi quá thông minh đối với khán giả chương trình buổi sáng của họ. Họ cảm thấy tôi phù hợp với khán giả của chương trình buổi chiều hơn và muốn tôi làm cho các chương trình của họ được xếp hạng cao. Một vị hỏi: "Bà có sẵn lòng làm người phụ nữ "gợi cảm" trong một vài tuần không?". Tôi bảo "Không!".
Tối đó tôi về nhà và bảo con gái rằng chương trình đó sẽ không diễn ra. Và thực sự nó đã không xảy ra. Tribune đã cố tình lừa dối tôi. Lúc đó tôi cũng đang có hợp đồng viết sách nên cần phải tập trung vào đó. Và quan trọng hơn, tôi cần phải ổn định lại cuộc sống của tôi vì trước đó tôi nghĩ rằng tôi sẽ theo đuổi các chương trình truyền hình vì phụ nữ cho đến cuối đời. Tôi cũng cần phải kiếm sống để có thể theo đuổi một mục đích nào đó trong đời. Tôi nhận ra điểm mạnh của tôi là khả năng giao tiếp với khán giả và nếu tôi có thể lên truyền hình, tôi tin rằng tôi sẽ thành công. Bạn chỉ cần vài năm trong ngành truyền hình là có cuộc sống thoải mái về mặt tài chính. Tôi hình dung sau khi chương trình kết thúc tôi sẽ viết sách và thực hiện các sứ mạng quốc tế mà tôi thích. Giá như tôi có sự hỗ trợ về tài chính để tôi tha hồ vùng vẫy và tự do thực hiện các dự án mà tôi từng ấp ủ.
Điều đó không xảy ra vì con gái tôi sắp vào đại học và sự chọn lựa của tôi cũng có giới hạn. Tôi đã hoàn thành cuốn sách và đó là một trong những mục tiêu chính của đời tôi. Rồi tôi cũng có nhiều cơ hội cộng tác với các công ty tư vấn quản lý. Tôi bắt đầu liên lạc với bạn bè và các đồng nghiệp cũ qua mạng và gợi ý một sự quan tâm đến việc hợp tác trách nhiệm. Đó là cả một thách thức đối với tôi. Tôi luôn bị thương tổn với ý niệm rằng thành công trong lĩnh vực phi lợi nhuận khác xa với thành công trong kinh doanh vì lợi nhuận. Có ai nhìn thấy tài năng và giá trị thực của tôi trong một tổ chức hoạt động vì mục đích lợi nhuận? Tôi không thích cuộc sống tri thức của tôi được định nghĩa chỉ qua một công việc nào đó. Tôi muốn đương đầu với các thử thách đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm để giải quyết. Tôi đã không lường trước được sự khó khăn khi phải tự mình bươn chải với bốn, năm khách hàng trong tay. Thật sự đó là một công việc khó hơn những gì tôi thường làm ở Planned Parenthood.
Mở một Trung tâm (Trung tâm vì Quyền Bình đẳng về Giới tính) thực sự là một thử thách lớn. Chúng tôi muốn tạo ra một cái gì đó độc nhất vô nhị. Thật không dễ để mọi người hiểu được rằng tại sao nó quan trọng, làm thế nào để nó có thể tạo ra một sự khác biệt, hay nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chiều dư luận về vai trò của phụ nữ. Nhưng chúng tôi hiểu. Điều hành một tổ chức lớn khác với điều hành một tổ chức mới thành lập. Điều hành một tổ chức danh tiếng và có truyền thống khác với điều hành một tổ chức chưa có tên tuổi. Thuyết phục mọi người đầu tư ý tưởng và nghiên cứu tạo ra sự thay đổi thật khó khăn. Tôi không nghi ngờ rằng thành lập trung tâm là đúng, nhưng liệu tôi có thể đi đến thành công hay không? Không ai có thể thành công một mình mà họ cần rất nhiều sự ủng hộ của những người xung quanh.
Ba năm cuối cùng tại Planned Parenthood tôi cảm thấy rất đơn độc, dù tôi có một cấp phó xuất sắc, một người hết lòng ủng hộ tôi. Suy cho cùng, ông ấy không phải là người phải gánh chịu trách nhiệm và căng thẳng vì các cuộc biểu tình, bạo động và những hiểm họa đe dọa đến tính mạng. Người ngồi cao nhất phải nhận lãnh tất cả. Đó thực sự là một chiếc ghế rất biệt lập. Trừ phi bạn ngồi vào chiếc ghế đó và đi đúng đôi giày đó, bạn mới có thể đánh giá đầy đủ toàn bộ cái giá mà bạn phải trả, nhất là về mặt tình cảm, khi bạn thuộc típ người không thích làm to chuyện.
Mọi dấu hiệu đều rất đáng buồn và chúng chỉ ra rằng phụ nữ đang tụt hậu. Khoảng cách tiền lương ngày càng cách biệt hơn. Phụ nữ vẫn luôn ở vị trí thiểu số trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp tuy họ đã có nhiều tiến bộ rõ nét. Sự tiếp cận của chúng ta trong các dịch vụ y tế vẫn còn rất bất bình đẳng. Phụ nữ được xếp ngang hàng với nam giới về bằng cấp nhưng lương bổng thì không có sự công bằng đó. Trong các viện hàn lâm, con số các vị nữ giáo sư được bổ nhiệm lại càng ít hơn nữa. Phụ nữ chỉ chiếm khoảng năm phần trăm trên tổng số các nhà quản lý cao cấp. Trong Top Fortune 500, bạn chỉ có thể đếm được các nữ tổng giám đốc điều hành trên đầu ngón tay, trong khi chị em chúng ta chiếm đến năm mươi hai phần trăm dân số thế giới. Cuối cùng, tôi muốn nói đến quyền sinh sản của phụ nữ, như chúng ta đã biết, vào những năm 1970 nó đã bị tước bỏ hầu hết phần cốt lõi. Hành động phá thai khi thai ở giai đoạn cuối bị lên án. Chúng ta có thể phải dính líu với pháp luật vì giúp bọn trẻ phá thai là một tội ác, trừ trường hợp được phép của cha mẹ chúng hay tòa án.
Tôi thấy đâu đó, thái độ tự mãn đang tồn tại. Các cô gái trẻ đang sống trong một thế giới hào nhoáng đầy rẫy những lựa chọn hấp dẫn. Phụ nữ đang ngày càng tiến bộ và thực tế đó làm họ ngộ nhận rằng mọi việc đang rất tốt đẹp.
Quyền lực thật sự không nằm ở cấp quản lý bậc trung - nơi có nhiều phụ nữ thành đạt - mà nó vẫn nằm ở các căn phòng thâm u bí hiểm của các tập đoàn tư bản khổng lồ và các cấp lãnh đạo quốc gia. Đó là nơi các quyết định tối hậu được đưa ra. Chỉ khi nào phụ nữ có được tiếng nói ngang bằng ở những nơi đó thì mới có được một sự công bằng thực sự. Chính vì thế, vẫn còn muôn vàn khó khăn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Kết luận
Rõ ràng thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và sự nghiệp của những người tôi từng phỏng vấn, dù đó là việc học hỏi các kỹ năng trồng trọt như trường hợp Don Kendall, hoặc sống hòa hợp trong một gia đình dễ thay đổi như Jack Kornfield, hay phát triển một ý chí đấu tranh, một tinh thần trách nhiệm và lòng kiên cường như Faye Wattleton.
Mặc dù được đào tạo thành một y tá nhưng Faye chưa bao giờ sử dụng trực tiếp nghề nghiệp của bà vào lĩnh vực này. Thay vào đó, bà nuôi dưỡng tinh thần làm việc cho người khác bằng công việc của bà trong một tổ chức phi lợi nhuận. Điều bà đã mang lại cho Planned Parenthood là một tiếng nói hợp tình hợp lý trong mọi tình huống và lối tiếp cận vấn đề mang tính nguyên tắc thông qua quá trình lãnh đạo của bà. Bà quản lý nhân viên bằng cách đặt vào họ những kỳ vọng rất cụ thể và để họ tự do hành động. Sau đó bà đánh giá họ dựa trên kết quả công việc của họ. Faye tin tưởng mạnh mẽ rằng kỹ năng giao tiếp hiệu quả góp phần tạo ra sự an tâm và tin tưởng trong đội ngũ nhân viên của mình.
Nhìn nhận về sự thành đạt, Faye xác nhận rằng tầm nhìn xa, lòng tin, sự thành thật, tinh thần làm việc tập thể, tính chân thực và biết lắng nghe là chìa khóa của thành công. Bà khuyên chúng ta không nên ngại va chạm hay mâu thuẫn mà hãy kêu gọi mọi người cùng đối thoại để giải quyết vấn đề. Cũng như Robert Mondavi, Faye tin rằng nếu ai cũng diễn đạt đúng ý nghĩ và cảm nhận của mình và thật lòng lắng nghe người khác thì mọi xung đột đều có thể được giải quyết một cách tốt đẹp.
Câu chuyện về cuộc đời Faye là một minh họa đích thực cho các thách thức mà nhiều người ngày nay đang phải đương đầu khi tự làm lại cuộc đời. Thật thú vị khi nghe bà kể về những nỗ lực của mình trong việc đè nén sự thất vọng khi chương trình truyền hình mà bà hằng ấp ủ bị thất bại. Dù bước vào Planned Parenthood, tổ chức thiện nguyện lớn thứ bảy của Mỹ thời điểm đó, trong vinh quang và chia tay nó trong ray rứt, Faye Wattleton vẫn không nản chí. Bà vẫn bền bỉ đấu tranh vì sự bình đẳng và tiến bộ không chỉ của phụ nữ Mỹ mà của tất cả phụ nữ trên thế giới. Bà tham gia vào ban giám đốc các công ty, viết tự truyện và nhất là thành lập Trung tâm vì Quyền Bình đẳng Giới tính. Hiện thời Faye vẫn đơn độc trong chức vụ lãnh đạo ở tổ chức của bà nhưng bà quan niệm rất rõ ràng rằng: kinh doanh là động lực để bà tiếp tục giúp đỡ phụ nữ giành lấy quyền bình đẳng cho mình.