John Chen là Chủ tịch tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Tổng giám đốc điều hành Sybase, một trong những công ty phần mềm độc lập lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty mở rộng thêm bốn phân ngành chuyên cung cấp cho khách hàng những giải pháp kinh doanh theo định hướng thị trường có mục tiêu.
Trước khi bước vào Sybase, John đã là Chủ tịch và Tổng giám đốc Siemens Pyramid, một liên danh chuyên sản xuất máy vi tính của Tập đoàn ba tỉ đô la Siemens Nixdorf. Trước khi gia nhập Pyramid Technology, ông đã từng làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành tại Công ty Unisys trong mười ba năm. John cũng có chân trong Ban Giám đốc Tập đoàn Niku và Wafer Technology. Ngoài ra ông còn là thành viên của nhiều hiệp hội khác nhau kể cả Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, Hiệp hội Các Kỹ sư Lập trình người Hoa, Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm Mỹ - Á, Ủy ban 100 công ty hàng đầu Hoa Kỳ, và là Cố vấn cao cấp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Á - Mỹ.
Tôi gặp John Chen lần đầu tiên trên một chuyến bay từ New York đi San Francisco. Khi đó có một hành khách đề nghị ông đổi ghế nhưng với giọng điệu như muốn gây hấn và tôi thật sự ấn tượng bởi lối ứng xử hết sức bặt thiệp của John trong tình huống đó.
Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn John Chen tại trụ sở chính của Sybase ở Emeryville, California. Đó là một tòa nhà màu đen sang trọng bên ngoài và tĩnh lặng bên trong. John rất quan tâm đến phong thủy nên mọi thứ bên trong tòa nhà đều được bày trí theo đúng nguyên tắc phong thủy Trung Hoa để vừa tận dụng được diện tích và không gian, vừa đem lại sự riêng tư thoải mái cho mọi nhân viên. Cũng như Dan Case, John Chen là người tình cảm, luôn nhớ về nguồn cội và luôn dành cho gia đình một vị trí xứng đáng trong tim mình. Ngồi với John, tôi quên mất rằng mình đang phỏng vấn ông vì bị cuốn hút vào những câu chuyện của ông. John có tư tưởng và triết lý sống khoáng đạt và là người rất dễ trò chuyện. Ông nói về mình rất cởi mở, đó là điểm khá khác biệt so với một số doanh nhân hàng đầu khác. Khả năng theo đuổi và chia sẻ ý tưởng của ông chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành phong cách lãnh đạo tuyệt vời và những thành tích đáng khâm phục của ông.
Sự kết hợp văn hóa Đông và Tây
"Thành công xuất phát từ một tầm nhìn rõ ràng và sự nỗ lực hết mình. Không phải mọi cố gắng của bạn luôn mang lại thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì đã cố gắng hết mình. Làm được điều đó, bạn đã thành công đến chín mươi phần trăm."
- John Chen
Tôi là Chủ tịch Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Sybase. Mười lăm năm trước, Sybase được thành lập bởi một nhóm người đến từ Berkeley, California và công việc kinh doanh của họ ngày càng phát đạt.
Họ đã đi đầu trong làn sóng thu nhỏ những chiếc máy tính mainframe của IBM (máy chủ, rất đồ sộ về kích thước nhưng dung lượng hạn chế) để hạ giá thành và tăng tính hiệu quả.
Đó là cả một kỷ nguyên mới về mạng máy tính. Hãng Sun Microsystems cũng từng bước lớn mạnh thành một công ty cung cấp dịch vụ mạng sừng sỏ với trị giá tài sản lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Một số công ty đã có phần mềm bổ sung và một trong số này là Sybase. Vào thời điểm đó, Sybase thiết lập những cơ sở dữ liệu để chạy những máy vi tính đời mới nhằm thay thế dần những chiếc máy IBM vừa kềnh càng vừa có hệ điều hành phức tạp.
Ngày đó người ta đồn rằng IBM sắp phá sản nhưng rõ ràng họ vẫn lớn mạnh cho đến hôm nay. Riêng Sybase có những bước tăng trưởng nhảy vọt và trở thành một trong những đứa con cưng của ngành công nghiệp máy tính non trẻ này vào những năm đầu của thập niên 90. Tất cả các công ty ở Wall Street và vô số các công ty bưu chính viễn thông đều sử dụng phần mềm của chúng tôi. Lúc đó, các sáng lập viên và những người giữ vị trí chủ chốt trong công ty có thu nhập rất cao và họ trở nên kiêu ngạo - ít nhất là theo suy nghĩ của tôi. Còn tôi thì đang điều hành một công ty sản xuất linh kiện máy tính (phần cứng) và đang cố tìm cách hợp tác với Sybase. Nhưng Sybase thành công đến mức họ chẳng chịu ngồi nghe ai cả. Nếu bạn đến Sybase để giới thiệu về công ty bạn mà không đồng ý hoặc không hiểu mọi điều họ nói thì tốt nhất là đừng tới đó. Một trong những "nạn nhân" của Sybase là SAP, kẻ dẫn đầu trong trào lưu tiếp theo, tức thiết kế và cung cấp các dịch vụ mạng trọn gói cho khách hàng. SAP muốn hợp tác với Sybase để cải tiến và phát triển phần mềm hơi kém hiệu năng của Sybase nhưng Sybase ngoảnh mặt làm ngơ.
Hành động này đã biến SAP thành đối thủ cạnh tranh của Sybase và giải pháp phần mềm Oracle ra đời. Thật không may cho Sybase, vào giữa thập niên 90, nhiều công ty bắt đầu lo lắng về cái gọi là sự cố Y2K. Việc lập trình lại mọi thứ tỏ ra không hiệu quả, nhất là về giá cả, nên họ cần những trình ứng dụng trọn gói. Đó là thời cơ của SAP và họ đã không bỏ qua. Cuối năm 1993, Sybase bắt đầu lao vào ngõ cụt, và thay vì cố gắng hết mình để giành lại thị trường thì họ lại đi theo một hướng khác. Họ liên doanh liên kết với các đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau hòng mở rộng thanh thế - từ nghiên cứu phát triển, cơ sở dữ liệu, triển khai ứng dụng, và công nghệ kết nối không dây. Tuy nhiên, sự hợp tác chỉ kéo dài không quá chín tháng vì công ty chẳng có một chiến lược kinh doanh hay thế mạnh quản lý nào để có thể điều hòa các lợi ích giữa các bên. Đó là vào năm 1995 và Sybase là một Liên minh (Conglomerate) có tổng doanh thu hơn một tỉ đô la. Dù Sybase cho chào đời nhiều công nghệ tiên tiến nhưng thị trường vẫn không chấp nhận vì khách hàng chuộng những phần mềm trọn gói hơn cho việc giải quyết sự cố máy tính năm 2000. Do đó Sybase rơi vào tình thế khó khăn, mất dần thị phần và doanh số sụt giảm xuống mức 800 triệu đô la trong bốn năm liên tiếp. Cuối năm 1997, tôi được mời vào Sybase thế chỗ Mitchell Pressman, Tổng giám đốc vừa bị cho nghỉ việc, để thực hiện ý đồ của Ban giám đốc là cải tổ công ty và đưa nó trở về vị trí trước đó trên thương trường. Lúc tôi vào thì các lãnh đạo chủ chốt đã bỏ đi nên hệ thống tổ chức nội bộ bị thiếu hụt, gãy vỡ và rối tung. Sybase có chi nhánh ở 60 quốc gia với hơn 6.000 nhân viên nhưng hoạt động kém hiệu quả vì thiếu tầm nhìn chiến lược và tính đồng nhất. Tôi đã từng thành công trong việc xoay chuyển tình thế của Pyramid Technology, một công ty có quy mô nhỏ hơn, chẳng những đưa nó trở lại làm ăn có lãi mà còn khuyếch trương thêm. Vì vậy, Hội đồng quản trị Sybase tin tưởng tôi có thể bắt tay vào việc để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề của công ty, từ những nguyên lý kinh doanh nền tảng đến việc thành lập một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả và xây dựng một tầm nhìn chiến lược hướng về thị trường, cũng như tăng doanh số bán và làm cho các bảng cân đối kế toán trở lại sáng sủa hơn. Họ cần một người biết việc, và đó là lý do tôi được chọn. Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, tôi thường kiêu ngạo cho rằng mọi người đều khờ khạo còn tôi thì quá khôn ngoan. Tôi tốt nghiệp Cal tech (Học viện Công nghệ California), nơi chúng tôi được nhồi nhét ý nghĩ rằng mình nằm trong số một phần trăm những con người có đầu óc siêu việt nhất thế giới. Nhưng về sau, càng thành công, tôi càng thấm thía một câu châm ngôn của Trung Quốc rằng núi cao còn có núi cao hơn.
Tuy vậy, tôi đã đem về nhiều thành tích ngoài mong đợi và rất tự hào về những gì tôi đã làm cho Sybase vào thời điểm đó. Tôi đã dốc toàn lực để đáp ứng mọi kỳ vọng của công ty và nâng cao năng lực quản trị chung để phù hợp với các mục tiêu hoạt động của công ty. Còn tầm nhìn chiến lược? Thật ra, nếu bạn đã ở đủ lâu trong ngành kinh doanh thì việc xây dựng một tầm nhìn xa là không khó vì bạn có thể cảm nhận được nhịp đập của nó một cách rất tự nhiên. Tôi muốn là người chiến thắng nhưng không phải bằng mọi giá, tôi thích thực hiện những bước đi chậm mà chắc. Andy
Grove (Chủ tịch Tập đoàn Intel) có câu nói rất nổi tiếng:
"Tôi luôn là người hoang tưởng". Thật vậy, mỗi sáng thức dậy ông đều lo rằng sẽ có người đuổi kịp ông và thế là ông càng nỗ lực. Đó là lý do tại sao ông trở nên cực kỳ thành công. Tôi cho rằng lòng tin cùng với một chút "hoang tưởng" kiểu ấy là điều kiện mà mọi người cần có để đạt đến thành công.
Thành thật mà nói, hầu như tất cả mọi thành công của tôi đều đến từ một tập thể lớn. Từ nhỏ, trong khi chơi thể thao, tôi đã biết rằng đồng đội thật sự mạnh hơn cá nhân và nếu tập thể cần một thủ lĩnh thì tôi luôn cố gắng trở thành người đứng mũi chịu sào. Đoàn kết là sức mạnh. Vì thế, tôi cho rằng tạo được một tập thể gắn bó và hưng phấn chính là yếu tố quan trọng để thành công trong mọi tình huống, nhất là những lúc dầu sôi lửa bỏng.
Có nhiều cách để làm giàu nhanh nhưng cá nhân tôi được thăng tiến không phải vì tiền. Tôi muốn rằng sau khi về hưu, tôi sẽ tự hào nói rằng chí ít mình cũng đã làm được một điều gì đó có ý nghĩa hơn; tôi đã chia sẻ những điều vĩ đại với những con người vĩ đại, đó mới chính là động cơ của tôi.
Tôi lớn lên gặp thời khó khăn, cha mẹ tôi là dân di cư từ Trung Quốc sang Hong Kong. Cha tôi được dạy làm kế toán thực hành. Sống trong vùng đất nằm dưới sự đô hộ của Vương quốc Anh, gia đình tôi thoạt đầu rất khó khăn vì không ai trong chúng tôi nói được tiếng Anh còn bằng cấp kế toán của cha tôi thì vô giá trị. Ông học tiếng Anh vàobuổi tối còn ban ngày làm những việc vặt nuôi sống gia đình. Hong Kong vào những năm 1950 chỉ là một hòn đảo nhỏ với một làng chài. Nhưng ba, bốn thập niên tiếp theo, nó đã trở thành một trung tâm tài chính và thương mại hùng mạnh đứng thứ hai trên thế giới. Sự biến chuyển này là kết quả của sự cần mẫn của mọi người dân. Viễn cảnh đó đã mài giũa tầm nhìn của tôi. Nếu bạn tập trung vào mục đích của mình và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ tiến bộ. Đó là điều giúp tôi luôn hướng về phía trước.
Lớn lên, tôi làm đủ mọi việc để có miếng ăn, để được đi học. Tôi luôn tâm niệm rằng không có gì được cho không bao giờ. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời, bạn phải vào những trường đại học danh tiếng và phải học hành cũng như làm việc cật lực. Còn nếu bạn chỉ muốn vào những trường hạng hai, hạng ba thì bạn học ra sao cũng được nhưng cuộc đời bạn rồi cũng sẽ thường thường như thế.
Tôi may mắn được học những trường tiếng tăm ở Mỹ. Tôi học được nhiều về các nền văn hóa khác nhau. Tôi học được tinh thần thi đua quyết liệt trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đại học Brown làm tôi say mê, còn ở Cal tech thì việc học rất gian nan nhưng nhờ đó tôi rèn luyện được sự tự tin không gì có thể sánh được. Sự kết hợp giữa thời niên thiếu khó khăn và nền giáo dục khắt khe của Mỹ đã thực sự làm tôi tự tin hơn rất nhiều. Dần dần tôi nhận ra rằng đừng bao giờ chăm chăm vào thành công của người khác mà phải chú ý tạo thành công cho riêng mình. Nếu có một cái nhìn thực tế về những gì bạn phải hoàn thành và làm theo cách của bạn là điều rất quan trọng. Tôi từng thấy nhiều người cố gắng làm việc cật lực để giống người khác. Không phải thế, cái chính là những gì bạn làm phải tỏ ra khác biệt. Nếu bạn đã làm hết sức và cảm thấy thoải mái với chính mình thì đó là điều bạn cần phải tự hào.
Tất cả bạn bè của tôi, những người tôi cho là cực kỳ thành đạt đều rất tự tin. Họ có những mục tiêu rõ ràng và theo đuổi chúng bằng cả con tim và khối óc. Khi vào Sybase, tôi nói: "Chúng ta sẽ thành công". Khoảng chín tháng trước đây, tôi triệu tập một cuộc họp gồm những giám đốc hàng đầu của Sybase trên toàn thế giới. Tôi bảo họ rằng phẩm chất quan trọng nhất mọi người cần có là niềm tự hào, và nó phải xuất phát từ một tầm nhìn rõ ràng và sự nỗ lực hết mình. Không phải mọi cố gắng của bạn luôn mang lại thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì đã cố gắng hết mình. Nếu bạn làm được điều đó, bạn đã thành công tới 90%. Đôi khi tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng để nghe báo cáo qua điện thoại. Có nhiều điều không chắc chắn từ những quyết định quan trọng, rằng không biết công việc có xuôi chèo mát mái hay không. Có lúc bạn bắt buộc phải chấp nhận những hậu quả xấu. Nếu công việc không như ý bạn thì bạn phải tự nhủ: "Chúng ta đã được chia những lá bài này, hãy cố tập trung chơi tốt nhất". Tôi nghĩ rằng những người thành đạt cao đều hài lòng với cách thức xử lý công việc của bản thân họ.
Những người thành đạt cũng rất thông minh nhưng tôi nghĩ rằng sự khác biệt giữa họ và những người không thành đạt là rất nhỏ. Nhiều người không biết khoa trương để mọi người biết đến nhưng không có nghĩa là họ ngốc nghếch. Nhiều người có bằng cấp thường tỏ ra khôn ngoan lanh lợi, nhưng thực tế là những người khác cũng đâu kém hơn.\
Nhưng có rất nhiều điểm chung giữa những người thành đạt, chẳng hạn như lòng kiên trì, sự cần cù vượt khó và một đức tính khác mà ít người nói đến là tinh thần chấp nhận cả thành công lẫn thất bại. Tôi nghĩ có đến 90% người thành đạt đồng ý rằng kết quả cuối cùng không phải là quan trọng nhất, mà quan trọng hơn cả là con đường dẫn đến thành công. Vì thế, tôi tin rằng ý chí góp phần rất quan trọng trong sự thành công của mỗi người.
Điều tôi học được ở cương vị một người nước ngoài điều hành một công ty Mỹ là sự cần thiết của việc nỗ lực phát triển kỹ năng giao tiếp. Để làm việc tốt ở đất nước này bạn phải giao tiếp một cách minh bạch. Tôi cố gắng tập trung vào những ý chính để đảm bảo rằng tôi đang diễn đạt những ý tưởng quan trọng nhất chứ không phải cố thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài hay cách nói chuyện. Năm 1973 tôi đặt chân đến nước Mỹ, khi đó khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của tôi rất tệ. Những gì cần diễn đạt, tôi nghĩ trong đầu bằng tiếng Hoa rồi sau đó dịch sang tiếng Anh một cách chậm chạp khiến người ta nghĩ rằng tôi không cógì để nói nên đã bỏ đi. Để cải thiện tình hình, tôi dành khá nhiều thời gian cho việc học nội dung, cấu trúc câu và cách sử dụng trọng âm trong tiếng Anh. Giờ đây cách nhấn giọng của tôi vẫn mang chút âm hưởng của tiếng Hoa nhưng nó không còn làm tôi bối rối nữa và tôi thật sự tự hào về điều đó.
Cuối cùng, tôi biết vẫn còn một cái nhìn thiên lệch về hình ảnh của người châu Á ở đất nước này. Tôi nghĩ một trong các thế mạnh của tôi là sự nhận thức sâu sắc về các nền văn hóa khác nhau và sự hiểu biết thấu đáo rằng: chiếc áo không bao giờ làm nên thầy tu.
Kết luận
Không như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay với những phi vụ đầu tư chớp nhoáng, thật dễ chịu khi chúng ta nghe John quan niệm rằng ông xem trọng việc đầu tư chậm mà chắc. Hơn nữa, cách nhìn nhận sự việc không bị bó buộc khiến ông dám mạo hiểm và nhận được những kết quả tốt đẹp từ những nỗ lực tối đa của mình.
Thật vậy, biết rõ các thế mạnh của mình, và biết thể hiện chúng ở đâu, lúc nào là những đức tính quan trọng của các CEO. Ngoài ra, niềm tự hào và lòng tự tin cũng rất quan trọng. Làm thế nào một người có thể có được những đức tính này, nhất là niềm tự hào? John nói rằng lòng tự hào đến từ việc bạn nắm rõ các mục tiêu của mình và cố gắng hết sức để thực hiện chúng. Đối với ông, cách thức đi đến thành công luôn quan trọng hơn kết quả cuối cùng. John cũng nói rằng tinh thần làm việc tập thể, một chất keo kết dính cần thiết trong mọi tổ chức, đang bị mất đi. Nhưng ông tin tưởng rằng đó chỉ là tạm thời và cùng với lòng trung thành, nó sẽ sớm quay trở lại với các công ty trong tương lai gần.
Ngoài ra, thời thơ ấu của các CEO cũng tác động đến tính cách và sự thành công của họ sau này. John Chen từ nhỏ đã biết sự làm việc chăm chỉ và học vấn là chìa khóa của thành công. Trong nền kinh tế toàn cầu đa văn hóa ngày nay, chính sự đa dạng sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn. Đối với John, sự nhạy bén này dường như xuất phát từ ước muốn thấu hiểu và khả năng giao tiếp hiệu quả của ông với những người xung quanh.
Nhớ về cuộc phỏng vấn John, tôi thấy dường như ở ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính cạnh tranh và tính thực tế của phương Tây với triết lý "vô vi" của phương Đông, thể hiện qua sự từng trải của ông khi nhận thức rằng "mình giỏi còn có người giỏi hơn". John Chen thật là một Tổng giám đốc điều hành có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người.