Một ngày cuối tháng 8, tôi được Đại tá Lê Đông Hải, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn tiếp tại nhà tưởng niệm cha mình tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
Sau khi xin phép được kính cẩn thắp nén hương thơm lên ban thờ vị danh tướng, biết tôi muốn tìm hiểu tư liệu để viết về Đại tướng Lê Trọng Tấn, đặc biệt khi ông trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Đại tá Lê Đông Hải hồ hởi: “Tôi đưa sang nhà bác Nguyễn Nhật Minh, nguyên là thư ký của cha tôi, như thế mới khách quan...”.
Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên trái) tại Mặt trận Trị Thiên năm 1972. Ảnh chụp lại
TẠO NIỀM TIN VÀ QUYẾT TÂM CHIẾN ĐẤU CHO BỘ ĐỘI
Dù đã bước qua tuổi 90 nhưng Đại tá Nguyễn Nhật Minh còn khá minh mẫn, ký ức về những ngày sát cánh cùng vị tướng tài giỏi, đức độ Lê Trọng Tấn vẫn vẹn nguyên trong ông. Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Nguyễn Nhật Minh đúc kết: “Điều mà anh Lê Trọng Tấn đặc biệt quan tâm trong xây dựng quân đội là xây dựng lực lượng và cách đánh. Với anh, để tiêu diệt gọn được binh đoàn của địch, giành thắng lợi lớn tiến tới đánh bại chúng thì quân chủ lực phải được xây dựng thành các đơn vị lớn, có trang bị mạnh, có sức cơ động cao, có sự phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng thích hợp...”.
Đầu năm 1971, địch tập trung quân chiếm lại một số khu vực tại Đường số 9. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mở một cuộc hành quân với mục đích phá kho tàng, ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của địch... Ta chủ động mở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào và đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy chiến dịch. Trong tình hình quá gấp rút, vị tư lệnh chiến trường vừa phải lo điều động lực lượng, vừa phải giải quyết các công việc còn lại để chuẩn bị lên đường. Ông vẫn vui vẻ, bình tĩnh tổ chức cơ quan chỉ huy của chiến dịch gọn nhẹ nhưng đủ khả năng và thẩm quyền chỉ huy các lực lượng trong khu vực diễn ra chiến dịch. “Ngày 8-2-1971, anh cùng chúng tôi lên đường vào Sở chỉ huy chiến dịch, nơi anh em Cục Tác chiến đã vào trước chuẩn bị. Vị trí Chỉ huy sở tuy xa mặt trận khoảng 10 cây số nhưng anh vẫn rất hài lòng vì Tổng đài A72 tại chỉ huy sở có thể chỉ huy tất cả các đơn vị. Anh bắt tay ngay vào điều hành chiến dịch...” - Đại tá Nguyễn Nhật Minh nhớ lại.
Tình hình chiến trường diễn biến vô cùng phức tạp và khẩn trương, Tư lệnh Lê Trọng Tấn lo chỉ huy liên tục nên trong suốt 43 ngày đêm diễn ra chiến dịch, hầu như ông chỉ ngủ vài ba tiếng mỗi ngày. Nhưng không vì thế mà ông mất đi sự sáng suốt, nhạy cảm đặc biệt của một nhà chỉ huy dạn dày trận mạc. Ông đã kịp thời điều động lực lượng B4 và Sư đoàn 2 đánh từ phía Nam lên các cao điểm, diệt các trung đoàn của địch. Dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Lê Trọng Tấn, các cánh quân của ta đã nhanh chóng tiêu diệt nhiều trung đoàn quân đội Việt Nam cộng hòa được sự yểm trợ tối đa bằng hỏa lực của không quân, hải quân Mỹ, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, bảo vệ thành công tuyến vận chuyển chiến lược, đập tan cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” của địch.
Cuối năm 1971, với cương vị đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử sang Mặt trận Cánh Đồng Chum trực tiếp chỉ đạo Đoàn 959 và các Sư đoàn 312, 316 mở Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Sự có mặt của anh ở chiến trường đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây niềm tin và quyết tâm chiến đấu rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng của ta cùng các đơn vị quân đội bạn đã đập tan hệ thống phòng ngự vững chắc của quân Thái Lan, diệt 5 tiểu đoàn quân Thái, thu toàn bộ pháo hạng nặng của địch, giải phóng khu vực Cánh Đồng Chum. Đây cũng là lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn các đơn vị địch ở vùng rừng núi. “Qua Chiến dịch Đường 9-Nam Lào và Chiến dịch Cánh Đồng Chum, anh Tấn đã giải quyết được vấn đề lớn, đó là Quân đội ta đủ sức đánh lớn và tiêu diệt gọn các đơn vị lớn quân chủ lực của địch. Điều này thể hiện tài năng tổ chức mưu lược về quân sự, sự lãnh đạo tài tình cùng sự nhạy bén của vị tướng đã từng trải qua nhiều chiến trường...” - ông Nguyễn Nhật Minh, khẳng định.
QUẢNG TRỊ - BƯỚC NGOẶT TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN
Cho đến tận bây giờ, Đại tá Lê Đông Hải vẫn còn nhớ như in những ngày cha mình chuẩn bị trở lại chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục được Đảng, Quân ủy Trung ương tin tưởng cử vào làm Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên. “Tình hình chiến tranh khẩn trương, không có thời gian cho sự bi lụy, nhưng biết ba tôi sắp vào chiến trường, mẹ đã xin nghỉ việc ở bệnh viện 354 mấy ngày để chăm sóc và chuẩn bị cho ba. Còn riêng với tôi, thời điểm đó cũng là một sĩ quan quân đội công tác tại Khoa Phòng hóa-Phòng nguyên, Viện Y học quân sự, nay là Học viện Quân y, nên cũng phần nào hiểu được nhiệm vụ và công việc của ba. Chính vì hiểu công việc của ba, thương ba nên tôi luôn cố gắng rèn luyện phấn đấu, không khi nào để ba phiền lòng...”- Đại tá Lê Đông Hải nhớ lại.
Ngày 30-3-1972, trong buổi giao ban của Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên, sau khi nghe báo cáo về quy trình chuyển quân hoán đổi vị trí của địch ở những cao điểm trên chiến trường, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch nhận định: “Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công”. Và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, vị tướng tài danh đã phát lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Từ đó, trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa Quân Giải phóng với kẻ thù...
Đại tá Nguyễn Nhật Minh kể rằng, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 được chia làm 2 đợt. Đợt đầu tiên ta đã giải phóng được Quảng Trị, nhưng ở đợt 2, khi chuẩn bị đánh Thừa Thiên-Huế, ta gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vì vào mùa mưa, phà qua sông một ngày chỉ đi được hai chuyến, vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch không dễ giải quyết. Để khắc phục vấn đề đó, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cho anh em thả lương khô và gạo từ đầu nguồn để phía dưới cho người ra vớt...
Vấn đề khiến Đại tướng Lê Trọng Tấn mãi sau này vẫn còn day dứt, đó là: Có nên đánh đợt 2 không? Bởi theo ông khi đánh đến sông Mỹ Chánh, ta phải chuyển sang phòng ngự để chuẩn bị cho bước sau đánh vào Huế là hợp lý nhất. Nhưng ở thời điểm ấy, không ai dám nói đến từ “phòng ngự chiến dịch” mà chỉ nhấn mạnh tới “tập trung tấn công”. Thực tiễn đánh vào Huế cho thấy, qua mấy ngày tiến công nhưng không đạt được yêu cầu đề ra, nếu như chuyển vào phòng ngự ngay thì còn kịp nhưng ta bỏ lỡ thời cơ. Vì thế, khi địch phản kích, chúng ta gặp khó khăn nhiều về lực lượng, lương thực, đạn dược. Đến khi phải chuyển vào phòng ngự thì ta từ thế chủ động thành thế bị động.
“Tác phong chỉ huy của anh Tấn lúc nào cũng vô cùng dứt khoát. Có một lần sang Chỉ huy sở, tôi thấy anh Lê Quang Đạo đang động viên đơn vị đánh ra cầu Nhùng-Bến Đá, nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng bây giờ địch bắn phá ban ngày nên không thể cơ động bộ đội, chắc chắn sẽ thiệt hại. Lúc đó anh Tấn tỏ rõ thái độ không hài lòng. Anh nói vào ống nghe: Quân địch thua ở La Vang - Ái Tử chạy về có 60-70 xe tăng và xe thiết giáp. Bây giờ phải ra đánh diệt gọn ngay, nếu để địch chạy về phía bên kia sông Mỹ Chánh là các anh có tội với dân... Thẳng thắn, cương quyết, nhưng anh Tấn luôn quan tâm đến khó khăn của cấp dưới. Chiến trường căng thẳng, điều kiện sinh hoạt khó khăn, sức khỏe giảm sút, có thời điểm sút đến 7kg, nhưng anh vẫn sẵn sàng nhường 2 miếng sâm được cấp theo chế độ cho 2 đồng chí trung đoàn trưởng và chính ủy của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, để họ có sức chỉ huy bộ đội... ”- Đại tá Nguyễn Nhật Minh nhớ lại.
Mặt trận Quảng Trị tuy có những tổn thất, nhưng thắng lợi này đã đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân đội ta về tác chiến hiệp đồng binh chủng. Cuộc chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ngày ấy đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, tạo điều kiện thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán với đối phương...
NGÔ DUY ĐÔNG