Tôi sinh ra tại một làng quê Ninh Bình, không có sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người cha suốt tuổi thiếu niên, vì ông đi làm thuê ở Lào rồi bị dạt sang Thả Bò, Noỏng Khai, Thái Lan và định cư ở đó. Sống trong cảnh nghèo khó, thương mẹ vất vả, tôi đã cố gắng học hành để hy vọng được vào đại học, kiếm một cái nghề nuôi thân và giúp đỡ mẹ nuôi các em.
Tháng 9-1965, tôi có giấy gọi vào học tại Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Cùng lúc ấy, tôi có lệnh nhập ngũ. Thế là tôi trở thành chiến sĩ Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) 239 Công binh, tham gia bắc cầu, ghép phà, phục vụ binh khí kỹ thuật, đặc biệt là xe kéo tên lửa cơ động chiến đấu từ Đồng bằng Bắc Bộ đến Hàm Rồng, Thanh Hóa…
Thời đó, miền Bắc được giải phóng đã 11 năm, số học sinh nhập ngũ học hết lớp 10 còn ít. Nhiều đồng đội thân tình nói, tôi do có trình độ văn hóa, sức khỏe, gia đình cơ bản, có lẽ chỉ phải làm lính vượt sông một hai năm là được đi học sĩ quan, hoặc học lái xe, lái ca nô thôi. Nhưng khi mấy chiến sĩ cùng nhập ngũ với tôi tốt nghiệp lớp 10 đã được chọn đi học thì tôi vẫn không thấy cấp trên thông báo gì.
Một anh cùng đại đội là giáo viên cấp hai, nhập ngũ trước tôi một năm chưa được đi học, nghe tôi kể bố tôi sống ở Thái Lan từ năm 1946 đến 1963, anh nói: “Có lẽ em không được đi học sĩ quan hay lái xe là do cấp trên nghi vấn trong thời gian ở Thái, bố em có liên quan gì với địch không. Bây giờ, chiến tranh đang diễn ra, đi xác minh chắc khó khăn lắm. Thôi, cố gắng công tác mấy năm, nếu không phát triển được thì xin ra quân, về nhà đi học”.
Tuy buồn nhưng tôi vẫn cố gắng công tác. Tôi được đề bạt là tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng. Năm 1968, một hôm tôi được ban cán bộ trung đoàn gọi lên cho biết chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Tôi phấn khởi vô cùng, nghĩ rằng những cố gắng của mình đã được cấp trên biết tới. Nhưng hai ngày sau, tôi bị trả về đơn vị. Cán bộ đại đội gặp gỡ động viên tôi cố gắng công tác, chờ dịp khác. Sau này tôi mới được biết, cấp trên định cho tôi đi học Trường Đại học Kỹ thuật quân sự, nhưng lại hủy, vì lý do lý lịch bố chưa rõ ràng.
Thiếu tướng Trần Thế Môn. Ảnh tư liệu
Tôi lại lao vào công tác với hy vọng được đi học lái xe, lái ca nô. Bên cạnh đó, với một chút năng khiếu văn chương, tôi bắt đầu ghi lại những cảm xúc của mình về con người, cảnh vật xung quanh bằng thơ. Cuối năm 1968, tôi gộp một số bài thành một tập gửi về Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Nhà thơ Xuân Sách gửi thư động viên tôi viết tiếp và giới thiệu tôi với Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị (nay là Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị), Binh chủng Công binh. Đầu năm 1969, tôi được điều về Ban Tuyên huấn phòng Chính trị, Binh chủng Công binh để học lớp bồi dưỡng viết văn. Sau hơn 3 tháng học tập, tôi viết được vài truyện ngắn, bài thơ. Lớp học giải tán, tôi được Ban Tuyên huấn giữ lại làm nhân viên Bản tin Công binh (sau này là Báo Công binh) và cho tôi học lớp cảm tình Đảng. Tôi hy vọng tại môi trường mới mình có điều kiện đi học sĩ quan hoặc nhân viên kỹ thuật.
Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi lao vào làm mọi việc của Bản tin Công binh rồi viết truyện, làm thơ, viết bài cho các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội. Năm 1970, tôi đi B ngắn. Cả năm 1972 tôi có mặt tại chiến trường Quảng Trị, viết được khá nhiều bài động viên bộ đội và du kích chiến đấu.
Nhưng chuyện được đi học sĩ quan hoặc đi học chuyên môn nghiệp vụ, chuyện kết nạp Đảng vẫn xa vời đối với tôi. Tới năm 1974, tính ra tôi đã được 9 tuổi quân. Lúc này, anh em cùng nhập ngũ với tôi có người đã lên trung úy, thượng úy, nhiều người là quân nhân chuyên nghiệp, ai không được đi học đều ra quân. Còn tôi vẫn mang quân hàm thượng sĩ, hưởng phụ cấp, không giúp đỡ gì được cho gia đình.
Nghĩ mình không còn cơ hội phát triển trong quân đội, tôi đề nghị Ban Tuyên huấn cho tôi chuyển ngành. Phòng Chính trị đồng ý. Qua thăm dò, tôi được biết Báo Phụ nữ Việt Nam đang cần một, hai phóng viên nam để xông pha vào nơi đi lại khó khăn. Tôi nộp đơn tới Ban biên tập báo và được đồng ý tiếp nhận. Cũng thời điểm đó, Thiếu tướng Trần Thế Môn từ Mặt trận Tây Nguyên trở lại làm Chính ủy Binh chủng Công binh. Một hôm, tôi được lệnh đi viết tin, chụp ảnh hoạt động của ông tại đơn vị. Lên xe, tôi ngồi ở ghế trước. Quay lại phía sau, tôi thấy ông giở tài liệu ra đọc.
Một lát sau ông gọi:
- Cậu Thủy ơi! Cậu nào ở Ban Tuyên huấn chấp bút cho tớ bài này đấy?
Tôi thưa:
- Báo cáo thủ trưởng, em ạ.
Dường như ông ngạc nhiên khi thấy tôi đeo quân hàm thượng sĩ bạc phếch nên nói:
- Ban Tuyên huấn bao nhiêu sĩ quan, sao lại giao cho cậu?
- Dạ, em không rõ ạ.
Rồi tôi mạnh dạn hỏi:
- Thủ trưởng đọc thấy thế nào ạ?
- Tớ thấy tốt, phải sửa ít thôi. Tiếp tục cố gắng lên nhé. Lần sau đi đâu tớ lại nhờ cậu chấp bút bài phát biểu.
- Dạ. Tôi rất vui được phục vụ thủ trưởng. Nhưng…
Thấy tôi im lặng, Thiếu tướng Trần Thế Môn hỏi:
- Nhưng làm sao, cậu nói tớ nghe nào!
Tôi mạnh dạn:
- Thưa thủ trưởng. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng em đi phục vụ thủ trưởng ạ.
Thiếu tướng Trần Thế Môn trầm ngâm một lát rồi yêu cầu tôi nói rõ. Được lời như cởi tấm lòng, tôi kể lại chặng đường 9 năm quân ngũ của mình và quyết định chuyển ngành ra Báo Phụ nữ Việt Nam. Thiếu tướng Trần Thế Môn chăm chú lắng nghe và nói:
- Đúng là cậu bị thiệt thòi. Nhưng tớ không cho cậu ra quân, mà sẽ trao đổi với cơ quan cán bộ tìm cách gỡ cho cậu.
Ít lâu sau, tôi được Ban Cán bộ, Phòng Chính trị, Binh chủng Công binh thông báo được tập trung ôn tập văn hóa, nghiệp vụ lý luận chính trị để thi vào Đại học báo chí khóa II Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tôi nghĩ, có được kết quả đó là do sự quan tâm lớn lao của Thiếu tướng Trần Thế Môn đối với tôi.
Sau 4 năm học tập, tốt nghiệp loại khá, tháng 6-1979, tôi được phong quân hàm thiếu úy và trở lại Bản tin Công binh làm việc. Lúc này, Thiếu tướng Trần Thế Môn đã chuyển lên làm Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương. Công việc bận rộn và việc chăm sóc con bị bệnh mất nhiều thời gian, cộng với tâm lý tự ti, tôi không dám lên gặp bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiếu tướng. Mãi tới năm 1985, là Phó tổng biên tập Báo Công binh, tôi mới gặp và thể hiện giúp ông hồi ký “Bác Hồ xem triển lãm công binh”. Nhớ ơn ông và sự quan tâm của Binh chủng Công binh, tôi đã cố gắng công tác thật tốt, được thăng quân hàm theo niên hạn. Năm 1989, tôi được điều về Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị làm trợ lý báo chí.
Năm 1999, tôi được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Thông tấn báo chí. Năm 2000, tôi được thăng quân hàm đại tá. Tôi luôn nghĩ, đầu đời quân ngũ của mình bị trục trặc quá dài, nếu không có sự quan tâm cụ thể của Thiếu tướng Trần Thế Môn và sau đó là cơ quan chính trị Binh chủng Công binh thì tôi không thể có sự trưởng thành. Tháng 12 năm nay, tròn 10 năm Thiếu tướng Trần Thế Môn từ trần, bài viết này thay cho lời tri ân của tôi đối với ông-một vị tướng trận mạc có nhiều đóng góp với quân đội, với đất nước.
DUY THỦY