Tin Thiếu tướng Phan Thanh Dư, sinh năm 1931, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579-Quân khu 5 qua đời ngày 5-7-2021 khiến những ai từng biết ông đều vô cùng thương tiếc. Quê Thừa Thiên Huế, nhưng vị tướng trận mạc này cả cuộc đời gắn bó với Quân khu 5, trong đó với trận đánh cửa biển Sa Huỳnh năm 1972, nhiều người còn nhớ mãi.
Nửa tháng giành giật cửa biển
Thiếu tướng Phan Thanh Dư về hưu được thời gian ngắn thì ông bị tai biến mạch máu não và gần như nằm một chỗ suốt 13 năm. Khi ông còn tỉnh táo, tôi may mắn nhiều lần được nghe chuyện trận mạc từ vị tướng nói ít làm nhiều này.
Khi nói về trận Sa Huỳnh, tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ đến từng chi tiết. Ông từng kể: “Cuối năm 1971, tại xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi), Sở chỉ huy phía trước của Quân khu 5 triệu tập tôi lên giao nhiệm vụ. Khi tôi đến thì thấy trong lán chỉ huy có đồng chí Võ Thứ, Tham mưu trưởng Quân khu 5 và đồng chí Trần Kiên, Thường vụ Khu ủy Khu 5 đang họp. Thấy tôi vào, hai ông giao ngay nhiệm vụ: “Tình hình phía bắc, Sư đoàn 2 đang chuẩn bị giải phóng huyện Quế Sơn (Quảng Nam); phía nam huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cũng đã được giải phóng. Hiện nay, vùng sơ hở nhất là cửa biển Sa Huỳnh. Quân khu 5 quyết định giao Trung đoàn 141 phải độc lập chiến đấu, sao giải phóng cho được trước 7 giờ sáng 2-2-1972. Biên chế vũ khí được trang bị thêm 40 quả tên lửa B72, tăng cường tiểu đoàn phòng không gồm súng máy 12,7mm; 14,5mm”. Sau mệnh lệnh, đồng chí Trần Kiên còn dặn với tôi mục đích giải phóng là lấy muối cho dân. Tôi hỏi, ngoài Trung đoàn 141, có thêm lực lượng nào nữa không? Hai ông nói cứ độc lập chiến đấu, không đòi thêm được nữa”.
Đại tướng Huốt Chiêng, Phó tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia ân cần hỏi thăm Thiếu tướng Phan Thanh Dư (Đà Nẵng, năm 2014).
Trung đoàn trưởng Phan Thanh Dư đã có những quyết định cân não thời ấy. Bởi theo phương án ban đầu là tấn công tiêu diệt tiểu đoàn 216 của ngụy tại địa phương nhưng giờ địch tăng thêm một tiểu đoàn biệt động quân vào Sa Huỳnh. Nghiên cứu kỹ tương quan lực lượng và chiến thuật, ông vẫn quyết định xuất quân như kế hoạch. Sau khi tấn công, quân ta toàn thắng, tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động 3 bị bắt sống. Đúng 6 giờ 15 phút ngày 2-2, dân địa phương đã treo cờ mặt trận khắp nơi. Nhưng tên chỉ huy tiểu đoàn 216 và một bộ phận quân ngụy vẫn còn sống sót ở đồi Đá Heo và liên tục gọi đồng bọn cứu trợ.
6 giờ 30 phút ngày 2-2-1972, Trung đoàn 141 bắn 3 quả B72 vào đồi Đá Heo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong đó có tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 216. Đến ngày thứ tư, sau khi ta chiếm giữ Sa Huỳnh, địch dùng trực thăng đổ bộ tiểu đoàn 2, trung đoàn 4 thuộc sư đoàn 2 của chúng xuống ngay vị trí Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn Phòng không của Trung đoàn 141 đứng chân. Thế là các đơn vị bao vây, tiêu diệt gọn, đồng thời bắt sống 220 tên, trong đó có tên chỉ huy tiểu đoàn. Kết quả tổng thể của trận đánh ở cửa biển Sa Huỳnh, Trung đoàn 141 đã tiêu diệt 3 tiểu đoàn ngụy, bắt sống hai tên tiểu đoàn trưởng cùng hàng trăm tên địch. Sau khi cửa biển Sa Huỳnh được giải phóng gần nửa tháng thì địch vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trên cả nước, huy động lực lượng khổng lồ từ 3 hướng: Trên không, trên biển và đất liền để chiếm lại Sa Huỳnh sau những trận giao tranh căng thẳng với Trung đoàn 141.
Với kẻ thù chỉ biết tiến công
Là một trong những chỉ huy có mặt đầu tiên ở xứ chùa tháp khi nước bạn kêu gọi giúp đỡ chống lại tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, ông Phan Thanh Dư đã tỏ rõ là người “biết địch, biết ta”. Đơn vị của ông tham gia cuộc chiến đấu trên nước bạn với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Đơn vị ông đã tham gia những trận đánh đuổi quân Pol Pot tới tận biên giới. Để đến được nơi này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 307 phải đi một chặng đường dài, tốn biết bao nhiêu xương máu. Sau khi giúp bạn giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng, ông tiếp tục làm nhiệm vụ tiễu phỉ, chống phản động. Lại có lần ông hỏi tôi: “Cháu có bao giờ thấy khẩu súng của tên Hoàng Cơ Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5 chưa? Do chú tặng đấy”. Vậy là thêm một câu chuyện thú vị tôi được nghe từ ông.
Đầu tháng 7-1987, Hoàng Cơ Minh trực tiếp chỉ huy bọn phản động xâm nhập vào nước ta, lấy tên gọi “cuộc hành quân Đông tiến 2” với mục tiêu đến vùng Tây Nguyên xây dựng căn cứ. Theo kế hoạch, toán quân sẽ vượt sông Mekong sang tỉnh Salavan-miền Nam Lào, rồi từ đó dưới sự dẫn đường của thổ phỉ Lào sẽ đi về tỉnh Sekong và xâm nhập khu vực ngã ba biên giới, gần tỉnh Kon Tum, Việt Nam. Từ đây, chúng định vượt biên vào đất ta. Đại tá Phan Thanh Dư, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 được Bộ tư lệnh Mặt trận giao trực tiếp theo dõi, quyết định phương án tập kích lực lượng phản động này. Đầu tháng 7-1987, ông sử dụng Trung đoàn 676 phối hợp với nước bạn Lào lần theo dấu vết nhóm phản động và đến ngày 27-8, ta đã bao vây toàn bộ nhóm phản động lưu vong của Hoàng Cơ Minh. Hoàng Cơ Minh khi thấy đồng bọn bị tiêu diệt và bắt sống gần hết đã dùng súng tự sát, chấm dứt cuộc đời của tên phản động điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Khám người hắn, ta thu được một khẩu súng còn mới (sau này ông Dư giao cho bảo tàng) và nhiều tài liệu rất quan trọng, trong đó có danh sách gồm hàng trăm tên phản động do địch cài lại ở nước ta, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Kết quả của trận đánh này, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên cùng tài liệu mật. Đơn vị đã bàn giao toàn bộ cho cơ quan chức năng xử lý.
Một cuộc đời với những trận đánh lịch sử, gắn liền với nhiều chiến công lẫy lừng của Quân khu 5, nhưng vị tướng xứ Huế khiêm nhường đến lạ. Vĩnh biệt ông, người chỉ huy tài ba của Bộ tư lệnh Quân khu 5 trải qua 3 cuộc kháng chiến, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngưỡng mộ ông, một nhà cầm quân dũng cảm, với kẻ thù chỉ biết tiến công...
Bài và ảnh: HỒNG VÂN