Bị thương vào tay phải, chiến sĩ đặc công Dương Minh Tâm kề súng B41 vào vai trái và bóp cò. Phát đạn B41 thứ tư này hạ gục xe thiết giáp M113 của địch, góp phần giải vây cho đồng đội lui về cứ an toàn. Chiến tích ấy của anh đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua giết giặc trên chiến trường của Tiểu đoàn Đặc công 19, Sư đoàn 325...
Trong căn nhà nhỏ của CCB Dương Minh Tâm ở quận Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến cuộc gặp gỡ xúc động của những người lính đặc công Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 325. Đó là Đại tá Nguyễn Xuân Dinh, nguyên Chính trị viên Đại đội 1; Đại tá Tạ Văn Rà, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19; CCB Nhữ Trung Tuyến, Nguyễn Cao Sáng, chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 19.
Tháng 8-1972, Mỹ-ngụy tăng cường lực lượng hòng chiếm lại Thành cổ Quảng Trị. Theo phương châm: “Đánh địch từ xa để phân tán lực lượng, tiêu hao sinh lực địch, không để địch tập trung lực lượng công phá thành”, Tiểu đoàn 19 được lệnh đánh, tiêu diệt cứ điểm Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 258 của ngụy đóng tại chợ Sải cách thành cổ khoảng 10km.
CCB Dương Minh Tâm (ngoài cùng, bên trái) tại Lễ họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ của CCB-sinh viên xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ (6-9-1971 - 6-9-2016)
Đêm 24-8, Tiểu đội trưởng Dương Minh Tâm được cử làm tổ trưởng tổ hỏa lực (được trang bị 3 khẩu B41) có nhiệm vụ bảo vệ cửa mở, đánh chặn vòng ngoài, sẵn sàng chi viện bên trong khi cần thiết. Cùng 3 tổ thọc sâu, tổ hỏa lực bí mật tiếp cận các mục tiêu theo kế hoạch.
Đến giờ G, tại Sở chỉ huy địch, một tiếng nổ lớn cùng quầng lửa bùng lên giữa đêm đen. Trận chiến "nở hoa trong lòng địch" đã được phát lệnh. CCB Nguyễn Cao Sáng nhớ lại: Sau tiếng nổ, tổ trưởng Dương Minh Tâm lập tức dùng súng B41 tiêu diệt mục tiêu nhà bạt. Ngay sau đó, tổ hỏa lực bị địch ở ổ đại liên gần đó phát hiện và bắn xối xả về phía đội hình. Anh Tâm vừa ôm súng lắp đạn, vừa lăn vòng trên mặt đất để tránh đạn rồi dừng lại lấy điểm ngắm và bóp cò, ổ đại liên bị tiêu diệt. Khi anh Tâm lắp xong quả đạn thứ ba, cũng là lúc 2 chiếc xe tăng địch gầm rú vừa tiến về phía cửa mở vừa bắn phá dữ dội để phản kích. Anh Tâm ra hiệu lệnh cho tôi tiêu diệt chiếc bên trái còn anh chăm chú lấy đường ngắm để tiêu diệt chiếc bên phải. Tôi nín thở lấy đường ngắm và bóp cò. "Ầm, ầm", hai tiếng nổ vang lên, kèm theo quầng lửa bùng lên trên chiếc xe tăng địch khói bốc nghi ngút.
Hai chiếc xe tăng địch bị tiêu diệt. Anh Tâm và anh Sáng ôm súng B41 lăn xuống hố đạn pháo của địch để ẩn náu. Từ bên trong, một xe thiết giáp M113 tiến ra án ngữ, vãi đạn liên hồi về phía cửa mở và đội hình tổ hỏa lực. Tổ hỏa lực có 3 người thì Khương và Sáng đã bị thương vào vai và bụng. Loạt đạn đầu vừa dứt, Tâm nhổm người dậy, hướng súng về mục tiêu. Chưa kịp bóp cò thì tay phải anh bị trúng đạn giập nát, máu chảy lênh láng. “Đồng đội còn ở trong, phải tiêu diệt mục tiêu để tạo cơ hội cho đồng đội rút lui”-ý nghĩ ấy như truyền thêm sức lực, anh Tâm gắng sức quờ tay trái cầm khẩu súng B41 rơi trên nền đất mà vòng cò đã bị toác một nửa, kề nòng lên một thân cây đổ. Vai trái đỡ báng súng. Mắt ngắm thẳng mục tiêu. Miệng mím chặt kìm nén nỗi đau. Ngón tay trái bóp cò. Viên đạn sinh mạng đã trúng quân thù. Hỏa lực trên chiếc xe M113 im tiếng. Nhờ đó, đồng đội luồn sâu rút theo hướng cửa mở, đồng thời đưa các thành viên tổ hỏa lực về an toàn.
Nhớ đến kỷ niệm và người tiểu đội trưởng thuộc cấp của mình năm xưa, Đại tá Nguyễn Xuân Dinh cho biết thêm: “Đối với người có sức khỏe bình thường chỉ cần bắn 3 quả B41 là có thể bị ù tai, chảy máu... Với thành tích hạ 4 mục tiêu quan trọng của địch dù đã bị thương ở tay phải, tinh thần của đồng chí Tâm đã được đơn vị phát động phong trào thi đua giết giặc lập công; đồng chí được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Đặc biệt hơn, sau trận đánh, đồng chí Tâm tuy là thương binh và được chuyển ra Bắc an dưỡng nhưng đồng chí xin được trở về đơn vị chiến đấu tiếp. Một thân một mình, lúc thì đi bộ, đi nhờ xe, lặn lội gần 300km, để đến cuối tháng 11-1972, anh Tâm tái ngộ với đơn vị trên Cam Lộ khi đang chuẩn bị cho Chiến dịch Huế-Đà Nẵng”.
Bài và ảnh: NGUYỄN THÙY DƯƠNG