“Cùng hoạt động thanh, thiếu niên trong những ngày toàn quốc kháng chiến là “lý do” để sau này chúng tôi gặp lại, cảm mến và nên duyên vợ chồng”, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 và phu nhân, bà Vũ Thị Hồng Vân bồi hồi chia sẻ với chúng tôi trong cuộc trò chuyện tại nhà riêng mới đây.
Tuổi thơ và những ngày kháng chiến
“Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu tham gia cách mạng ở quê nhà Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đến năm 1946, tròn 16 tuổi, tôi được chỉ định làm cán sự thanh niên huyện Thạch Thất, phụ trách 3 xã của huyện. Nhiệm vụ của tôi khi ấy là tập hợp thanh, thiếu niên sinh hoạt, dạy múa hát, truyền cho các em tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Hồng Vân là một trong số đó”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.
Ngày ấy, Vũ Thị Hồng Vân chưa đầy 10 tuổi, người bé nhỏ, lọt thỏm giữa các bạn cao lớn hơn. Nhớ lại chuyện xưa, bà kể: “Một hôm, chúng tôi được thông báo nằm trong đội thanh, thiếu niên của xã đi đón phái đoàn Chính phủ do bác Tôn Đức Thắng dẫn đầu về truyền đạt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ. Dưới sự điều hành của anh Tiến, từ sáng sớm chúng tôi tập trung xếp hàng ngay ngắn. Ấn tượng về anh khi đó với tôi là người thanh niên rất hoạt bát, nhanh nhẹn”.
Vợ chồng Trung tướng Khuất Duy Tiến xem lại những bức ảnh kỷ niệm. Ảnh: KHÁNH AN
Trong ký ức của vợ chồng Trung tướng Khuất Duy Tiến, phái đoàn Chính phủ hôm ấy có 3 người đi bằng một chiếc xe thùng hai bánh, ngựa kéo. Thay mặt Chính phủ, bác Tôn truyền đạt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tới toàn thể nhân dân trong xã. Bác cũng nói rõ âm mưu gây chiến của thực dân Pháp và giải thích cho nhân dân hiểu đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ của Đảng.
Sau sự kiện trên, Khuất Duy Tiến tạm dừng các công việc của người cán sự thanh niên huyện để tập trung vào công tác tiêu thổ kháng chiến. Qua hai tháng chiến đấu, khi các đơn vị chủ lực của ta rút khỏi Thủ đô, Khuất Duy Tiến và các đồng chí của mình cũng rút vào hoạt động bí mật. Chiếm được Hà Nội, quân Pháp tiếp tục mở rộng hoạt động ở các huyện ngoại thành và vùng lân cận. Theo chỉ thị của trên, ông thâm nhập vào lực lượng bảo an để hoạt động bí mật. Khi kế hoạch giết tên lý trưởng ác ôn xã Đại Đồng không thành, ông bị lộ và bị giặc bắt. Trốn được ra ngoài, năm 1950, ông nhập ngũ vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48. Từ đây, ông mải miết đi chiến đấu qua nhiều chiến dịch lớn, nhỏ trong đội hình của Đại đoàn 320-Đại đoàn Đồng Bằng, cho đến ngày hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc.
Đám cưới mùa xuân
Năm 1955, Khuất Duy Tiến được đơn vị cử về Trường Lục quân Việt Nam. Đang hăng say học tập thì ông nhận tin báo phải về cưới vợ là cô gái cùng quê được bố mẹ ông ướm hỏi từ lâu. Nhưng về đến nhà, vừa đặt ba lô xuống thì ông nghe bố rầu rầu kể cô gái đã trả trầu cau do chê gia cảnh nhà ông.
Đám cưới không thành, Khuất Duy Tiến trở lại trường. Không lâu sau, nhân duyên đã mỉm cười với ông trong lần về phép thăm nhà ngay sau đó. “Hôm ấy, tôi từ trường về đến cổng làng thì thấy một cô gái đạp xe tới gần. Cô ấy nhận ra tôi trước và chào: “Nghe tin anh sắp cưới vợ?”. Tôi phân trần: “Không, anh có lấy vợ đâu”. Cô ấy lại bảo: “Thế anh lấy vợ đi!”. Không hiểu sao lúc ấy, tôi lại buột miệng nói luôn: “Lấy cô nhé!”. Cô ấy lườm tôi rồi nói: “Liều thật!” và đạp xe đi mất”, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Hồng Vân đi rồi, Khuất Duy Tiến bối rối đứng lặng một mình hồi lâu. Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng anh bộ đội Khuất Duy Tiến về cô thiếu nữ tuổi 18 tươi trẻ sau vành nón lá. Tìm hiểu qua người làng, anh được biết Hồng Vân đã rời quê theo bố là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) ra làm văn thư ở UBND tỉnh. Anh quyết định viết thư cho cô. Từ đó, những lá thư là cầu nối tình cảm giữa hai người. Có lần, Hồng Vân chia sẻ với người yêu về quyết định đi học dược ở Hải Phòng và được ông nhất mực động viên. Khi tình cảm đã “chín muồi”, Khuất Duy Tiến quyết định gặp bố Hồng Vân xin phép cho hai người đi lại. Ông nhớ lại: “Hôm ấy, tôi cùng 3 người bạn đến nhà Hồng Vân. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Ai đời khi gặp bố vợ tương lai tôi lại nói: “Thưa đồng chí, đồng chí cho phép tôi tìm hiểu đồng chí Vân”. Còn ông cụ thì cười, phụ họa: “Ừ, nếu các đồng chí thấy tìm hiểu được thì tôi cho phép!”.
Đại gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh do nhân vật cung cấp
Mùa xuân năm 1958, hai người tổ chức đám cưới. Lễ cưới giản dị nhưng vui vẻ và ấm áp tình đồng đội, nghĩa xóm giềng. Sau đêm tân hôn, chú rể tiễn cô dâu và bố vợ về lại Quảng Yên, còn mình xách ba lô trở lại trường vì đúng kỳ thi cuối khóa. Ngày 23 tháng Chạp, tức ngày 31-1-1959, bà Hồng Vân sinh người con đầu lòng ở Quảng Yên trong khi ông vẫn mải mê với việc nhà binh. Rồi 6 người con lần lượt ra đời mà không lần nào ông có mặt ở nhà. Công việc của một dược sĩ thời bao cấp bận bịu, thu nhập cũng không cao nên cuộc sống gia đình khá vất vả. Để ổn định cuộc sống, bà xin chuyển công tác về Sơn Tây, rồi về huyện Thạch Thất quê nhà. Vừa chăm lo cho các con, bà cũng cố gắng phấn đấu trong công tác và học tập nâng cao chuyên môn. Mọi việc đành trông cậy vào sự giúp đỡ của gia đình chồng. Bà Hồng Vân chia sẻ, những năm ông công tác xa, bà thật sự biết ơn sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ chồng. Một điều đáng tiếc là do cảnh nhà thiếu thốn, không đủ điều kiện chữa trị lúc đau ốm, hai người con thứ ba, thứ tư của ông bà không may mất sớm...
Cho đến năm 1989, từ Quân đoàn 3, ông chuyển công tác ra Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu thì gia đình mới “thu về một mối”. Năm 1994, ông được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Bận rộn với công việc, ông lại thường xuyên vắng nhà, bà vẫn đảm đang, tần tảo nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ chồng để ông yên tâm. Giờ đây, đã ở tuổi xưa nay hiếm (ông tuổi 90, bà 84), ông mới thấy mình được nghỉ ngơi và toàn tâm toàn ý dành cho bà. Ông vẫn bảo, nếu không có sự thủy chung chờ đợi, lo toan gánh gồng của bà thì ông không thể yên tâm mà theo nghiệp binh như vậy. “Suốt cuộc đời này, tôi phải cảm ơn nhà tôi nhiều lắm!”, Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động nói.
THỦY TIÊN