Nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh hiện đang trở thành một chủ đề tranh luận “nóng” tại Mỹ.
Mọi chuyện bắt nguồn từ một nghiên cứu được công bố gần đây của Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ gồm gần 250 nhà khoa học, nhà phân tích, chuyên gia chính sách và truyền thông với sứ mệnh “dùng khoa học nghiêm túc và độc lập để giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách nhất”. Theo nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí quốc tế Science & Global Security, các tên lửa siêu thanh sẽ không đem đến cho Mỹ “những năng lực quân sự quan trọng nào mới” bởi các vũ khí này “có tốc độ chậm hơn và dễ bị phát hiện hơn” so với các hệ thống tên lửa đạn đạo mà Washington đang sở hữu hiện nay. “Các tên lửa siêu thanh không phải là một loại công nghệ đột phá như người ta vẫn tuyên bố. Mỹ đang rót những khoản tiền khổng lồ vào các loại vũ khí mới vốn có hiệu quả kém hơn về nhiều phương diện so với các tên lửa đạn đạo mà chúng ta đã có”, Tiến sĩ Cameron Tracy, đồng tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Mỹ hồi tháng 3-2020. Ảnh: Breaking Defense
Nghiên cứu của UCS chỉ ra rằng, sự quan tâm tới công nghệ vũ khí siêu thanh-một phần xuất phát từ “những tuyên bố phổ biến nhưng sai lầm”, có thể “làm suy giảm an ninh quốc gia bằng cách khuấy động một cuộc "chạy đua" vũ khí siêu thanh”. Theo Tiến sĩ David Wright, đồng tác giả của nghiên cứu, vũ khí siêu thanh đang tạo ra một cuộc "chạy đua" tốn kém giữa Mỹ và các cường quốc quân sự khác, “khiến các căng thẳng quốc tế leo thang, từ đó có thể làm xói mòn những nỗ lực kiểm soát vũ khí cũng như làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột”.
Các tác giả của nghiên cứu đề nghị Quốc hội và Chính phủ mới của Mỹ cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu thanh. Lầu Năm Góc được cho là hiện đang thực hiện ít nhất 6 chương trình kiểu này với chi phí lên tới khoảng 3,2 tỷ USD trong năm 2021 và thêm hàng tỷ USD nữa trong những năm tiếp theo. “Những tên lửa siêu thanh không hiệu quả như được quảng cáo. Giữa lúc gia tăng nhu cầu đối với các nguồn lực kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, Mỹ không đủ khả năng sắm các loại vũ khí vốn sẽ không giúp đất nước an toàn hơn mà lại còn khuấy động một cuộc "chạy đua vũ trang" nguy hiểm. Chúng tôi không thực sự phản đối việc nghiên cứu các tên lửa siêu thanh mà chúng tôi ủng hộ cắt giảm đáng kể chi phí phát triển những loại vũ khí này”, Tiến sĩ Cameron Tracy nêu rõ.
Lâu nay, các tên lửa siêu thanh được cho là “một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội”, có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, có vận tốc lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Đối phó với các tên lửa siêu thanh được ví như chẳng khác nào đang cố gắng “bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi kết quả nghiên cứu của UCS đã vấp phải ý kiến trái chiều từ Lầu Năm Góc và một số chuyên gia phân tích về quốc phòng.
Trang tin Breaking Defense dẫn lời ông Michael White, người phụ trách chương trình vũ khí siêu thanh của Lầu Năm Góc khẳng định đặc điểm then chốt của vũ khí siêu thanh là đường bay khó đoán định “bởi khả năng cơ động nhờ bay với tốc độ cao trong tầng khí quyển Trái đất”. “Nghiên cứu của UCS so sánh các tên lửa đạn đạo liên lục địa với các thiết bị lượn siêu thanh. Các tác giả kết luận rằng những thiết bị lượn siêu thanh không đem lại nhiều lợi ích bởi chúng không làm giảm đáng kể thời gian tiếp cận mục tiêu và về mặt lý thuyết có thể dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, việc tiếp cận mục tiêu nhanh hơn 5 hay 10 phút không phải là vấn đề chính. Phát hiện một tên lửa siêu thanh đang bay đến không có nghĩa là bạn có thể bắn hạ hoặc xác định được nơi mà nó sẽ gây ra tác động”, ông Michael White nhấn mạnh. Ông Michael White khẳng định Lầu Năm Góc đã thực hiện nghiên cứu và phát hiện ra “sự khác biệt to lớn” giữa tác chiến có và không có sự tham gia của các tên lửa siêu thanh. Trả lời phỏng vấn trang tin Breaking Defense, một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc cho rằng nghiên cứu của UCS sử dụng “phép tính toán tương đối đơn giản hóa”, “những giả định của họ là sai lầm” và “phân tích của họ không liên quan gì tới chiến lược đầu tư của Bộ Quốc phòng Mỹ”. Trong khi đó, chuyên gia Evan Montgomery của trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách có trụ sở tại thủ đô Washington cho biết: “Nếu vũ khí siêu thanh không có tốc độ nhanh và dễ bị phát hiện hơn những gì người ta mô tả, điều đó có lẽ lại làm giảm quan ngại về rủi ro mà chúng có thể gây ra. Nếu kết quả nghiên cứu của UCS là đúng, điều đó cho thấy vũ khí siêu thanh không có khả năng làm xói mòn nghiêm trọng sự ổn định chiến lược”.
HOÀNG VŨ