T
RÁNH THÓI QUEN XẤU
Hiển nhiên rằng tốt nhất là chúng ta tránh được các thói quen có hại cho sức khỏe và cả nhân cách con người như: hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, phạm pháp, lang chạ, lừa dối, ăn nói thô tục, cắn móng tay, ăn uống vô độ… Việc phòng tránh các thói quen này thực ra không hề khó thực hiện như nhiều người thường nghĩ.
Sam Maglitto, giám đốc học vụ Trường phổ thông Bay City, Texas, từng nói với tôi rằng nếu See You at the Top được đem vào trường để giảng dạy cho các em học sinh lớp 6 thì chúng không cần phải học các môn giáo dục giới tính, ma túy và hướng nghiệp. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy vì nhận thấy rằng để phòng tránh các thói quen xấu một cách hữu hiệu thì bước đầu tiên là hướng dẫn, chỉ bảo con em chúng ta ngay từ khi chúng vừa nhận thức được và có cơ hội tiếp cận các thói quen đó. Dạy con từ thuở còn thơ, việc này sẽ giúp các em giữ được một thể xác và tâm hồn lành mạnh, trong sáng, biết sống theo các chuẩn mực đạo đức căn bản và phổ biến nhất.
Bước thứ hai, theo tiến sĩ tâm lý học Forest Tennant của Học viện Công nghệ California (UCLA) là “phát vào mông và dẫn trẻ đi xưng tội”, tức xử phạt và giáo huấn khi phát hiện trẻ tập tành các thói quen xấu. Theo Tennant, đây là biện pháp giúp trẻ có ý thức và chịu trách nhiệm về hành động của mình, từ đó chúng sẽ cân nhắc hơn trước khi làm một việc “ngốc nghếch” nào đó. Nhà tâm lý học James Dobson thì cho rằng thật là tai hại nếu các bậc phụ huynh không biết hoặc không dám thể hiện tình yêu thương thực sự đối với con cái bằng những hình thức kỷ luật đúng cách khi cần thiết. Hãy nhớ rằng: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Bước thứ ba là sống nêu gương, nhưng đừng nêu gương theo kiểu người cha “uống rượu mẫu mực” như tôi vừa đề cập trong chương trước. Nếu bạn hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, chửi thề, nói dối… thì hãy tin chắc rằng con cái của bạn sẽ sớm trở thành “đồng minh” của bạn đấy!
Bước thứ tư, nếu bạn là bậc cha mẹ thì bạn phải là người tỉnh táo nhất trong gia đình trước các mẩu quảng cáo cực kỳ hấp dẫn, đánh thẳng vào tâm lý “ta là người bản lĩnh và sành điệu”, nhưng đầy ngụy tạo, nhất là của các hãng rượu bia, thuốc lá. Chính các quảng cáo kiểu này đã làm gia tăng một cách “ngoạn mục” số lượng thanh thiếu niên Mỹ nghiện rượu trong những năm gần đây.
Bước thứ năm, bạn luôn nhớ là học phải đi đôi với hành. Nếu chúng ta nhìn thấy trước hậu quả của một thói quen xấu thì chúng ta dễ dàng lánh xa nó hơn. Hãy đưa “chú ngựa non háu đá” nhà bạn đi thăm một người nào đó mắc chứng khí thủng hay ung thư phổi do hút thuốc lá để chúng tận mắt chứng kiến “con người bản lĩnh của thời đại” đang thoi thóp và gắng sức kéo từng hơi thở của mình trên giường bệnh. Hoặc, bạn cũng có thể cho con bạn tham quan một trại cai nghiện ma túy để “chiêm ngưỡng” dung nhan và nghe tiếng thét gào của những con nghiện đang được cai thuốc, những kẻ không muốn làm “gà con” trong mắt đám bạn bè hư hỏng đồng trang lứa của chúng. Hoặc, bạn hãy đưa con bạn đến các phòng xử án để nghe các vị quan tòa tuyên án những đứa trẻ vị thành niên vì tội trộm cướp để có tiền ăn diện hay thỏa mãn những cơn nghiện khẩn cấp. Đây là một liệu pháp có thể gây “sốc nặng” với chú nhóc nhà bạn nhưng tôi bảo đảm với bạn rằng nó sẽ giúp bạn và gia đình bạn tránh được nhiều cú sốc khác lớn hơn trong tương lai đấy! Phòng thủ từ xa là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất trong việc tránh khỏi thói quen xấu. Rõ ràng là cách tốt nhất để chấm dứt một thói quen xấu là đừng bao giờ “tập” nó. Nếu bạn không hút điếu thuốc đầu tiên, không uống ly rượu đầu tiên, không hít thứ bột trắng chết người lần đầu tiên, không tham gia vụ cờ bạc lần đầu tiên, không đọc cuốn sách khiêu dâm lần đầu tiên đó… thì bạn chắc chắn sẽ không gặp rắc rối gì có liên quan đến những thứ ấy trong cuộc đời còn lại của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn đã “nhiễm” một thói quen xấu và muốn “xóa sổ” nó thì bạn phải làm thế nào? Đầu tiên bạn phải có ý chí và lòng quyết tâm. Có thể bạn cần người tư vấn, khích lệ nhưng bạn không thể thành công nếu không tự mình xác lập được mục tiêu. Hãy xác quyết rằng bạn, chính bạn là người làm chủ cuộc sống của mình và quyết không làm nô lệ của bất kỳ thói quen hủy hoại nào khác kể từ hôm nay! Sau đó, hãy học hỏi kinh nghiệm của những người đã từng dứt bỏ thành công một thói quen xấu nào đó tương tự thói quen mà bạn đang nỗ lực đoạn tuyệt.
Không có gì kỳ lạ bằng việc loại bỏ một thói quen. Thực ra, từ bỏ một thói quen xấu là hành động thay thế nó bằng một thói quen tốt. Xét ở góc độ tâm lý học, bạn phải có một hoạt động, một công việc hay một thói quen tốt nào đó để “trám” vào vị trí của thói quen xấu mà bạn đang quyết tâm loại trừ. Vì các thói quen xấu (thèm thuốc lá, rượu bia, những cơn “đói thuốc”) tồn tại thường trực trong tâm trí bạn nên bạn hãy làm cho tâm trí mình bận rộn một cách tích cực bằng những thông tin, những dòng chữ, trang sách, ý tưởng lành mạnh, trong sáng và có sức truyền cảm hứng cũng như xây dựng sự tự tin cho bạn. Nói cách khác, đừng dại dột với những thói quen của bạn, thay vào đó hãy vươn tới sự chín chắn và khôn ngoan, đồng thời giữ cho đầu óc của bạn được lành mạnh và tập trung vào những điều lạc quan.
GẦN ĐÈN THÌ SÁNG
Điều thú vị là nhiều người bỏ được thói quen xấu đúng như cách họ đã từng nhiễm nó: nhờ kết giao với những người có tâm hồn giống như họ. Chẳng hạn, trong các trung tâm cai nghiện, những người nghiện rượu, ma túy hay đam mê cờ bạc được cho tiếp xúc thường xuyên với những người đã từng cai nghiện thành công để họ được hướng dẫn, động viên trong quá trình cai nghiện. Từ những câu nói mà họ nghe được hàng ngày như “nếu tôi làm được, anh cũng làm được!”, họ sẽ trở nên tự tin và nhận được sự ủng hộ cần thiết để cai nghiện thành công. Nếu họ sống trong một môi trường đầy những người có đầu óc lạc quan, nhiệt tình, tích cực, kết quả thu được còn nhanh chóng hơn nữa.
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Bạn có để ý rằng khi con em chúng ta chơi với những người bạn tốt hay sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh thì chúng rất khó bị nhiễm các thói quen xấu? Sách Liệt Nữ Truyện của Trung Hoa có một câu chuyện rất hay, thường được biết đến với tên “Mạnh mẫu ba lần dọn nhà”. Chuyện kể rằng:
Cậu bé Mạnh Kha (sau thành nhân lấy hiệu là Mạnh Tử) nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ và sống với mẹ gần một bãi tha ma. Do thường nhìn thấy cảnh chôn người chết và nghe nhiều tiếng khóc than nên về nhà cậu bé cũng bắt chước đào, chôn, than khóc. Mẹ của Mạnh Kha là bà Chương thị (sau gọi là Mạnh mẫu) thấy thế nói: “Đây không phải là chỗ cho con ta!”.
Thế rồi bà dọn nhà đến nơi phố chợ. Mạnh Kha ngày ngày nhìn thấy cảnh thiên hạ mua gian bán lận, bớt xén tiền nong nên về nhà bắt chước làm theo những trò gian dối như người phố chợ. Mạnh mẫu thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải là chỗ cho con ta!”.
Bà liền dọn nhà đến ở gần một trường học. Cậu bé Mạnh Kha thấy trẻ nhỏ thi nhau học tập, bi bô đọc sách thánh hiền, nói năng lễ độ, cư xử ôn hòa thì bắt chước theo. Lúc bấy giờ Mạnh mẫu mới hài lòng nói: “Đây mới đúng là chỗ dành cho con ta!”.
TẬP THÓI QUEN TỐT
Trong Chương 15, tôi đã mô tả khá chi tiết cách thức chào đón một ngày mới bằng sự hứng khởi sau khi bạn thức dậy. Có lẽ cũng như tôi, bạn cảm thấy khó khăn trong những ngày đầu tiên tập thói quen đó. Song, tôi tin rằng sau ba tuần, bạn sẽ có cảm giác như “thiêu thiếu” một điều gì nếu bạn phải bỏ buổi “điểm tâm” dành cho tâm hồn mình vào một ngày nào đó. Và quan trọng hơn, bạn sẽ có cảm giác của một người chiến thắng sau khi “đánh bại” gã lười biếng, mê ngủ bên trong con người bạn và thụ đắc được một thói quen tốt. Đó cũng là một minh chứng hùng hồn để bạn thấy rằng “không gì là không thể” đối với bạn.
Tiết kiệm tiền bạc không những là một thói quen tốt mà lại dễ thực hiện. Bạn chỉ cần dành một phần nhỏ trong thu nhập hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của mình để gầy dựng một gia tài lớn trong tương lai. Điều này có cái lợi trước mắt về mặt tài chính là bạn sẽ không bị “khủng hoảng” khi chẳng may gặp hoạn nạn, hay lúc cần nắm bắt một cơ hội đầu tư. Thứ đến, nó trở thành một đức tính có thể “di truyền” cho con cháu bạn. Tuy nhiên, khi luyện “bí kíp” này bạn cần nhận thức rõ rằng tiết kiệm là chi tiêu xác đáng và hợp lý, chứ không phải sử dụng đồng tiền của bạn theo kiểu Harpagon(26) đâu nhé!
(26) Harpagon: Nhân vật “đại hà tiện” trong tác phẩm bất hủ Lão Hà Tiện (L’avare) của Đại văn hào Pháp Molière (1622-1673).
Sự lịch duyệt, niềm hạnh phúc và lòng nhiệt thành là kết quả của những thói quen tốt. Ban đầu, bạn có thể tự bắt mình phải lịch sự nhã nhặn, vui vẻ và nồng nhiệt với mọi người xung quanh. Tôi tin rằng chỉ sau một thời gian ngắn, hành động đó sẽ trở thành thói quen của bạn.
Cười là một thói quen tốt khác. Phần lớn những nụ cười mà bạn từng nhận được hay cho đi là biểu hiện bên ngoài của những cảm xúc tốt đẹp bên trong của một con người. Hãy cười bất cứ khi nào có thể để cảm xúc của bạn được thăng hoa và để được đáp lại. Đôi khi có người nói rằng họ không thích một nụ cười không thân thiện. Riêng tôi, tôi thà nhìn thấy nụ cười đó hơn là được “tặng” một cái cau mày chân thành. Chúng ta không cười vì chúng ta hạnh phúc, mà chúng ta hạnh phúc nhờ nụ cười của mình. Bạn có nhận thấy rằng nụ cười có hình một đường cong thật mảnh mai nhưng có thể uốn được nhiều thứ trở nên “ngay thẳng” không? Lạc quan, chu đáo với người bạn đời của bạn là thói quen tốt kế tiếp mà tôi muốn đề cập. Con cái bạn sẽ lấy đó làm tấm gương để chúng học hỏi và như thế các thói quen xấu sẽ khó có cơ hội mà len lỏi vào nhà bạn.
Đến đây, hẳn bạn thấy rằng thói quen có thể mang lại hạnh phúc cũng như hủy hoại bản thân, gia đình, sự nghiệp và cả các mối quan hệ của chúng ta. Rằng, thói quen tốt thì khó tập nhưng chúng ta có thể sống theo một cách dễ dàng; còn thói quen xấu thì dễ tập, dễ nhiễm nhưng khó bỏ! Bạn có quyền chọn lựa cho mình một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, thành công hoặc ngược lại. Điều đó tùy thuộc ở bạn và chỉ một mình bạn quyết định. Hãy nhớ rằng bạn xây nhân cách của mình bằng những viên gạch thói quen tốt mà bạn tích lũy hàng ngày. Những viên gạch đó sẽ làm vững chắc thêm ngôi nhà cuộc đời bạn.
Thế là chúng ta đã đứng trên bậc thang thứ tư, bậc thang của THÁI ĐỘ, và tôi rất tự hào về những nỗ lực tuyệt vời của bạn cho đến giờ phút này. Nào, chúng ta hãy cùng nhau viết chữ “HOAN HÔ!!!” thật lớn vào đây, ngay trên trang sách này của bạn.