K
HI TÊN TRỘM LÀ MỘT HỌA SĨ CÓ TÀI
Chuyện xảy ra vào năm 1887 tại một tiệm tạp hóa nhỏ. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi trông rất đạo mạo bước vào cửa tiệm mua một ít củ cải. Ông đưa cho cô bán hàng tờ 20 đô-la và đứng chờ nhận lại tiền thừa. Trong khi loay hoay tìm tiền lẻ để thối lại cho khách, cô bán hàng chợt nhìn thấy một đầu ngón tay của mình dính vết mực từ tờ giấy bạc bị vấy nước từ mớ củ cải. Sau một chút đắn đo, cô tự trấn an rằng dù sao ông Emmanual Ninger cũng là người quen. Lẽ nào một người hàng xóm quen biết lâu năm như thế lại đưa cho cô tiền giả? Và, cô quyết định trao hàng và tiền lẻ cho người khách quen.
Tuy vậy, cô vẫn không hết băn khoăn bởi vào thời đó, 20 đô-la là một khoản tiền không nhỏ. Cô quyết định tìm đến cảnh sát. Trước sự việc xảy ra, cô nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Người này quả quyết đó là tiền thật, người kia lại tỏ vẻ nghi ngờ nguồn gốc của vết mực lem. Cuối cùng, họ quyết định khám xét nhà Ninger và tìm thấy các dụng cụ in tiền trên tầng thượng của ngôi nhà. Họ còn tìm thấy một tờ 20 đô-la đang in dở cùng ba bức chân dung do chính tay Emmanual Ninger vẽ.
Ninger là một họa sĩ có tài. Những tờ 20 đô-la giả được vẽ hết sức tỉ mỉ, cẩn thận từng nét một đã đánh lừa tất cả mọi người, cho đến khi sự thật bị phơi bày dưới những ngón tay thấm nước của cô gái bán tạp hóa. Sau khi Ninger bị bắt, ba bức chân dung do ông vẽ được đem bán đấu giá và thu được tổng cộng 16.000 đô-la. Trớ trêu thay, thời gian và công sức mà Emmanual Ninger dành để vẽ một tờ 20 đô-la cũng bằng với thời gian và công sức mà ông đã bỏ ra để vẽ một bức chân dung trị giá trên 5.000 đô-la! Dù có nói thế nào đi nữa thì con người tài hoa đó đã bị xem là một tội phạm, và điều đáng tiếc hơn cả là người bị ông ấy lấy đi nhiều nhất chính là Emmanual Ninger, tên tuổi của chính ông. Nếu biết thể hiện tài năng của mình một cách hợp pháp, chẳng những ông đã có thể trở nên giàu có mà còn mang đến niềm vui và lợi ích cho nhiều người khác. Emmanual Ninger là một trong số những người đã “đánh cắp” chính mình trong khi rắp tâm đánh cắp của cải, công sức của người khác.
TÊN TRỘM HIẾM THẤY
Arthur Barry là tên trộm thứ hai mà tôi muốn nhắc tới trong quyển sách này. Arthur là một tên trộm kim hoàn chuyên nghiệp vào những thập niên đầu thế kỷ hai mươi, tài trộm của hắn vang danh ra cả một số nước. Một điều hết sức thú vị là hắn không chỉ thực hiện những phi vụ “xuất quỷ nhập thần” mà còn rất am hiểu về nghệ thuật. Và, Barry chỉ nhắm vào những người nổi tiếng, địa vị xã hội cao và dĩ nhiên cũng phải lắm tiền nhiều của.
Trong một lần thực hiện phi vụ, Barry bị cảnh sát phục kích. Quằn quại trong đau đớn vì bị bắn, bị kiếng vỡ găm vào mắt, hắn thốt lên một câu không làm ai bất ngờ lắm: “Tôi sẽ không bao giờ làm chuyện này nữa!”. Thế rồi như có phép lạ, hắn chạy thoát và sống ung dung ngoài vòng pháp luật trong ba năm sau đó. Nhưng rồi, một cô gái vì ghen tuông đã tố giác hắn. Hắn bị bắt và lãnh án 18 năm tù. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là sau khi mãn hạn tù, hắn đã giữ lời hứa và không bao giờ quay lại con đường trộm cướp nữa. Barry chọn New England làm quê hương thứ hai của mình và sống rất gương mẫu. Cư dân trong vùng bầu chọn Barry làm chủ tịch hội cựu chiến binh địa phương.
Tin tức về một tên trộm khét tiếng đã hoàn lương và đang được nhiều người nể trọng lan nhanh. Phóng viên từ khắp nơi tìm đến để phỏng vấn. Câu chuyện được hé mở khi một phóng viên hỏi:
- Thưa ông Barry, từ trước đến nay ông đã thực hiện không biết bao nhiêu vụ trộm chấn động, liệu ông có nhớ ai là người bị ông lấy đi nhiều nhất không?
Barry trả lời mà không chút do dự:
- Nhớ chứ. Người bị tôi lấy đi nhiều nhất chính là Arthur Barry. Lẽ ra giờ đây tôi đã là một doanh nhân thành đạt và đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Nhưng tôi đã chọn con đường trở thành một tên trộm và đã lãng phí hai phần ba tuổi xuân của mình sau song sắt nhà tù.
Vâng, cũng như Emmanual Ninger, Arthur Barry đã từng “đánh cắp” chính mình.
TÊN TRỘM “CÓ MỘT KHÔNG HAI”
Còn một tên trộm nữa mà tôi cũng muốn nói đến, đó là bạn đấy! Bởi vì, nếu bạn không tin vào sức mạnh của bản thân hay chưa sử dụng hết tiềm năng của mình tức là bạn đang “trộm” tài sản của chính mình, của những người yêu thương và xét trên phương diện năng suất lao động xã hội thì bạn cũng đang đánh cắp nhiều thứ của xã hội. Chính vì không ai ý thức được rằng mình đang là một tên trộm nên “tệ nạn” này ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Vậy bạn sẽ tiếp tục làm một tên trộm như thế hay muốn trở nên khác đi? Chắc chắn là bạn muốn khác đi, đúng không nào? Sứ mệnh của cuốn sách này là động viên, tạo nguồn cảm hứng và mang lại những kiến thức hữu ích nhằm giúp bạn tự tin sử dụng các khả năng của mình một cách tối ưu. Không hẳn là ngay khi đọc xong quyển sách này bạn sẽ nắm rõ mọi vấn đề. Cũng giống như cơ thể cần được bổ sung dưỡng chất mỗi ngày, bạn hãy thường xuyên nuôi dưỡng tinh thần và ý chí. Chắc chắn bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn không còn là một “tên trộm chính mình” nữa.
Bản thân tôi luôn cho rằng hình ảnh tự thân tích cực là điều kiện tiên quyết đưa chúng ta đến với mục tiêu của mình. Sự thật là nếu không đi thì chúng ta sẽ không bao giờ đến.
Chúng ta cùng xem xét tình huống sau: Một người bạn rất thân gọi điện thoại đến và nói rằng: “Mình gọi cho cậu không phải để nhờ vả gì cả. Mình chỉ muốn nói rằng cậu là người dễ mến nhất. Cậu rất có ích cho xã hội. Mình thích được ở bên cậu vì những lúc đó, mình cảm thấy phấn chấn hơn trong mọi việc. Ước gì ngày nào mình cũng được gặp cậu vì cậu luôn biết cách làm cho mình trở nên là chính mình. Mình chỉ muốn nói thế thôi. Mong sớm gặp lại cậu”.
Khi nghe những lời nói hết sức nghiêm túc và chân thành đó, cảm xúc của bạn sẽ ra sao? Hẳn là sẽ hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn dù rằng chẳng có ai nói thêm điều gì về công việc hiện tại của bạn. Tâm trạng, suy nghĩ và hành động của bạn cũng thay đổi vì bạn đã thay đổi cách nhìn về mình. Khi hình ảnh tự thân trở nên tốt đẹp hơn, chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn. Và khi tự tin, bạn dám nghĩ, dám làm những điều to lớn hơn. Cứ thế năng lực của bạn ngày càng được cải thiện. Nói ngắn gọn là, khi hình ảnh tự thân trở nên tốt đẹp hơn thì kết quả đạt được cũng cao hơn rất nhiều. Đó là sức mạnh từ những tiếng chuông điện thoại. Vậy thì, ngay bây giờ bạn còn chần chừ gì nữa mà không nhấc điện thoại lên, gọi ngay cho người mà bạn quý mến và tôn trọng để nói với họ về những điều tốt mà họ đã mang đến cho bạn? Chắc chắn người đó sẽ rất cảm kích tấm lòng của bạn, điều đó càng làm bạn thấy tự hào hơn nữa về bản thân mình.
MỘT BƯỚC TRỞ THÀNH THIÊN TÀI
Khi Victor Seribriakoff được 15 tuổi, thầy giáo khuyên cậu nên thôi học và tìm một nghề nào đó kiếm sống vì đầu óc tăm tối như cậu thì khó mà học cao được. Victor vâng lời và trong suốt mười bảy năm sau đó, cậu đã làm không biết bao nhiêu công việc mưu sinh vặt vãnh khác nhau. Vì bị bảo rằng mình là kẻ dốt nát nên suốt mười bảy năm đó, cậu luôn nghĩ rằng mình dốt nát thật. Đến năm 32 tuổi, một điều kỳ diệu đã xảy đến với cuộc đời Victor. Anh tình cờ tham gia một cuộc thi và được đánh giá là có đầu óc của một thiên tài, chỉ số thông minh (IQ – Intelligent Quotient) của anh ở mức 161. Kể từ giây phút đó, anh bắt đầu suy nghĩ và hành động như một thiên tài thực sự. Anh viết sách, phát minh nhiều thứ và giữ nhiều bằng sáng chế và rồi trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng có lẽ thành công lớn nhất của Victor chính là được bầu vào vị trí Chủ tịch Hiệp hội Mensa Quốc tế, một hiệp hội mà tiêu chuẩn duy nhất để một người trở thành hội viên là phải có chỉ số thông minh tối thiểu là 140. Câu chuyện về cuộc đời của Victor Seribriakoff làm chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi liệu có bao nhiêu thiên tài như thế đang ở quanh ta trong những con người bị cho là “tăm tối” hay “ngu dốt”. Không phải bỗng nhiên Victor có được một vốn kiến thức to lớn như thế, mà anh có được bước “nhảy vọt” đó là vì anh đã bất ngờ nhận được một niềm tin lớn vào khả năng của mình. Và khi cái nhìn của anh về bản thân mình khác trước, anh hành động một cách thông minh và thật sự khác biệt. Anh bắt đầu thiết lập các kỳ vọng và rồi gặt hái được những kết quả thật phi thường.
HÌNH ẢNH TỰ THÂN QUAN TRỌNG ĐẾN MỨC NÀO?
Rất quan trọng! Mildred Newman và Bernard Berkowitz trong tác phẩm Làm thế nào để trở thành người bạn tốt nhất của chính mình (How to Be Your Own Best Friend) có đặt câu hỏi thế này: “Nếu chúng ta không yêu thương chính mình, làm sao chúng ta có thể yêu thương người khác?”. Bạn không thể cho đi cái bạn không có. Tôi biết rằng sẽ rất khó khăn nếu bạn buộc phải cư xử khác với những điều bạn đang nghĩ về mình. Nhưng nếu tin rằng mình làm được thì bạn sẽ làm được. Vẫn còn rất nhiều cơ hội để bạn thay đổi và hoàn thiện hơn. Trong các món quà mà Đấng Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, quyền được chọn lựa điều mình thích chính là món quà quý giá nhất.
Chúng ta dường như không thể kiểm soát được suy nghĩ và trí tưởng tượng của mình, và điều này biểu hiện rất rõ trong hình ảnh tự thân của mỗi người. Chẳng hạn việc đi lại trên một tấm ván rộng 40 cm đặt trên sàn nhà đơn giản hơn rất nhiều so với đi trên một tấm ván tương tự nhưng được bắc ngang qua hai tòa nhà cao 10 tầng! Bạn “có cảm giác” mình sẽ an toàn hơn khi đi trên tấm ván đặt trên sàn nhà và bạn “có cảm giác” như mình sắp sửa rơi xuống đất khi đi trên tấm ván bắc trên cao. Tất cả đều chỉ là “cảm giác” của bạn mà thôi. Đó là do bạn và chính điều mà bạn tưởng tượng làm cho bạn sợ hãi. Khi đánh bóng xuống hồ nước hay khi đánh bóng đi quá xa, một tay golf nào đó thường thốt lên: “Tôi biết là mình sẽ đánh hỏng trái này mà!”. Anh ta đánh hỏng bởi vì anh đang làm đúng theo những gì mình suy nghĩ. Cũng như vậy nhưng với một ý nghĩa khác, những người chơi golf giỏi luôn định trước trong đầu đường đi chính xác của quả bóng. Người bán hàng chuyên nghiệp cũng hình dung trước hình ảnh mình ký kết hợp đồng ra sao trước khi thực hiện cuộc gọi cho khách hàng. Và hẳn là nhà điêu khắc tài danh Michelangelo đã nhìn thấy rõ mồn một hình ảnh uy nghi của tiên tri Moses trong khối đá hoa cương trước khi ông hạ nhát búa đầu tiên.
ĐỪNG “ÁN BINH BẤT ĐỘNG”
Hành động khó hiểu và gây thất vọng nhất là khi một cầu thủ bóng chày giương gậy ở vị trí đánh bóng nhưng lại không tung được một cú quạt bóng nào sau ba cú ném của đối phương. Đó là ba cơ hội vàng chí ít là để ghi điểm và vượt lên đối thủ, hoặc có thể là để giành chiến thắng chung cuộc, nhưng anh ta “án binh bất động”, thật là đáng thất vọng làm sao! Khi được hỏi vì sao không đánh trả, cầu thủ đó nói rằng: “Vì tôi linh cảm rằng mình sẽ đánh hụt và sẽ bị loại khỏi đội”.
Chúng ta sẽ càng thất vọng hơn nữa khi chứng kiến ai đó bước vào trò chơi cuộc đời, tiến vào vị trí của mình nhưng lại không hề tung một cú bóng nào. Những người này chỉ tin vào nhận định của mình mà không chịu tiếp thu những điều mới mẻ và tự giam hãm mình trong thế giới của những điều tầm thường. Thất bại đem đến cho ta nhiều trải nghiệm mới mẻ và giúp ta tránh được không ít sai lầm trong tương lai. Ai không làm gì ắt không thể học hỏi được gì. Thế nhưng hình ảnh tự thân mà họ xây dựng cho chính mình là “gục ngã – thất bại – và bị loại”. Thật không may là sau khi tư tưởng của họ vẽ ra bức tranh ấy, người đời lại nhập thêm vào đó cả tấn những sự “lẽ ra điều đó đã…” khiến họ càng thêm nhụt chí. Vì vậy, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Maxwell Maltz, đồng thời là một tác giả nổi tiếng trong thể loại sách “selfhelp” (rèn ý chí và vượt lên chính mình) nói rằng: Mục tiêu của bất kỳ hình thức chữa trị tâm lý nào cũng đều là nhằm thay đổi hình ảnh tự thân của bệnh nhân.
TIN VÀO CHÍNH MÌNH
Tiến sĩ Joyce Brothers, một tác giả nổi tiếng, một phóng viên giỏi đồng thời là một nhà tâm lý học lỗi lạc, cho rằng: “Ý niệm về chính bản thân là cốt lõi trong nhân cách của một con người. Nó tác động trực tiếp đến khả năng học hỏi, mức độ trưởng thành, chất lượng của những quyết định, mức độ thay đổi, cách chọn bạn bè, bạn đời, nghề nghiệp… Vì thế, sẽ không quá đáng khi nói rằng có được một hình ảnh tự thân tích cực chính là có được nền tảng vững chắc nhất để xây dựng tương lai”.
Nếu bản thân bạn không tin vào chính mình thì tất cả những lời động viên, ý nghĩa của mục tiêu, sức mạnh của tư duy tích cực… đều không thể phát huy sức mạnh giúp bạn tin tưởng vào cuộc sống hoặc đạt đến thành công được. Bạn phải là người đầu tiên nhận thấy rằng mình xứng đáng được thành công và hạnh phúc trước khi điều đó trở thành hiện thực. Những người sở hữu một hình ảnh tự thân yếu kém sẽ không khỏi thắc mắc khi chứng kiến hiệu quả lớn lao của những yếu tố trên được thể hiện ở người khác.
SỬ DỤNG TÀI NĂNG ĐÚNG CÁCH
Nhiều người không nhận ra những tiềm năng to lớn còn ngủ yên của mình trong khi có không ít người khác nhận ra nhưng lại sử dụng khả năng đó vào những việc hầu như vô nghĩa.
Có lần, tôi cho một người đi nhờ xe. Anh ta vừa yên vị trên ghế là tôi nhận ra ngay rằng mình vừa phạm một sai lầm. Anh chàng này vừa uống rượu trước đó và nói nhiều kinh khủng! Chẳng bao lâu sau tôi biết rằng anh ta vừa được ra tù sau 18 tháng bị giam vì tội bán rượu lậu. Tôi hỏi anh ta có kiến thức gì khác, ngoài các mánh khóe bán rượu lậu, để có thể kiếm sống sau khi được phóng thích không. Anh ta hồ hởi đáp rằng có thể nhớ tên tất cả các quận, thị trấn ở khắp 50 bang của nước Mỹ, và toàn bộ các xứ đạo của riêng tiểu bang Louisiana!
Thật lòng tôi nghĩ anh ta nói dối và đã thách anh ta kể tên các thị trấn thuộc bang South Carolina, nơi tôi từng sống 18 năm ở đó. Thế là anh ta chẳng những kể vanh vách không sót một cái tên nào thuộc South Carolina mà còn nói cả sang hàng loạt các bang lân cận. Qua trò chuyện, tôi biết anh ta là người ít học, nhưng lại có một “bộ nhớ” tuyệt vời! Chỉ tiếc là, anh ta đã sử dụng “bộ nhớ” đó cho một mục đích không thực tế. Lẽ ra anh ta nên sử dụng khả năng đặc biệt của mình để tích lũy những thông tin hữu ích hơn, những thông tin mà anh ta có thể biến thành phương tiện kiếm sống sau khi mãn hạn tù, hoặc chí ít cũng mang lại một lợi ích thực tế nào đó cho người khác, như học tiếng Nhật hay tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn.
Một điểm bạn cần hiểu rõ là học vấn và sự thông minh không phải là một. Ba người thông minh nhất và thành đạt nhất mà tôi biết chỉ học hết lớp ba, lớp năm và lớp tám. Henry Ford, nhà sáng lập hãng ô tô Ford phải bỏ học vào năm 14 tuổi, Thomas J. Watson, nhà sáng lập hãng máy tính IBM bắt đầu sự nghiệp là một nhân viên bán hàng với mức lương 6 đôla mỗi tuần. Vì thế, đừng vin vào cớ “học vấn thấp” mà làm thui chột hình ảnh tự thân của mình. Học vấn là quan trọng, nhưng sự quên mình theo đuổi đến cùng một mục đích, một hoài bão còn quan trọng hơn bội phần.
LÀM GIÀU VÀ PHỤNG SỰ XÃ HỘI
Tôi biết nhiều luật sư, bác sĩ, giáo viên, tài xế xe tải, thư ký, mục sư… chỉ kiếm được một khoản tiền khiêm tốn trong khi nhiều đồng nghiệp của họ có thể có những khoản thu nhập rất cao. Tất nhiên người làm ra nhiều tiền hơn là người đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Nhưng cũng có một số ngoại lệ. Đó là một thầy giáo chấp nhận về vùng xa xôi hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn để mang kiến thức và hy vọng thay đổi số phận đến cho những mái đầu xanh, những cộng đồng vốn thiệt thòi hơn so với nhiều cộng đồng khác. Nhiều mục sư, linh mục, nữ tu sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu để thực hiện sứ mệnh mà Chúa đã trao cho họ… Họ làm điều đó vì tin rằng “tôi sẽ có mọi thứ trên đời nếu tôi giúp người khác đạt được điều họ muốn”. Họ xả thân phục vụ và đó là cách họ cống hiến cho đời.
Đó là những con người cao thượng và tôi trân trọng đóng góp của họ. Mặt khác, tôi hoàn toàn tán thành và khuyến khích bạn làm giàu một cách chính đáng bởi đó là thước đo giá trị, thước đo mức độ cống hiến của một con người đối với xã hội. Tôi chỉ mong bạn nhớ rằng đừng bao giờ xem tiền bạc là “đấng tối cao” của mình. Tiền bạc chỉ là phương tiện để bạn có một cuộc sống tốt đẹp chứ không phải là mục đích tối thượng của cuộc sống. Chừng nào tiền bạc còn mang lại cho bạn hạnh phúc và bình an thì bạn vẫn còn đi đúng hướng. Bạn thử nghĩ xem, mấy năm qua có bao nhiêu tỷ phú qua đời và họ đã mang theo những gì, để lại những gì? Họ không mang theo gì cả mà để lại tất cả!
Thỉnh thoảng có người bảo tôi rằng họ không muốn làm ra thật nhiều tiền. Nếu người nói là nữ tu, mục sư, thầy giáo, những người làm công tác xã hội thì tôi tin, còn phần đông là họ đang nói dối chính mình.