"Cám ơn cuộc sống đã đem đến cho tôi những trở ngại. Nhờ đó mà tôi tìm thấy chính mình, và thấy cuộc sống này có nhiều ý nghĩa."
- Helen Keller
Hai mươi bốn năm trước, Jim Ritter là một học sinh tiêu biểu ở trường trung học - cậu học rất giỏi, tham gia tích cực mọi công tác xã hội, chơi thể thao rất cừ và là một cây khôi hài của lớp. Cậu là đội trưởng đội bóng nhà trường và có năng khiếu ở môn nhảy đệm lò xo - cậu nổi tiếng với ba cú búng liên tiếp và xoay một vòng rưỡi trên không.
Nhưng, từ năm mười sáu tuổi, cuộc đời của cậu đã thay đổi.
Một ngày mùa hè, như thường lệ, Jim đến phụ bố trông coi cửa hàng. Đến trưa, sau khi ăn cơm xong, Jim bò lên cái cần cẩu trên xe tải của ba cậu, dọn dẹp những khúc cây bên trong để đánh một giấc. Tất cả những gì cậu còn nhớ là một cái gì đó đã lóe sáng lên và giống như có ai đó đã đánh vào gáy và bóp nghẹt mũi cậu. Bố Jim đã khởi động máy và di chuyển cần cẩu mà không nhận ra rằng con trai mình đang nằm ngủ trong đó.
Jim lập tức được đưa vào bệnh viện ở cách đấy sáu mươi lăm dặm. Tai nạn xảy ra làm cho đốt sống thứ ba, thứ tư và thứ năm của Jim bị gãy. Sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ bảo cậu bé sẽ phải sống một đời sống thực vật. Trên cơ thể của Jim, tất cả các dấu hiệu của sự sống đều không còn, ngoại trừ tim vẫn hoạt động. "Suốt đời, cậu bé sẽ phải thở bằng máy. Chúng tôi cũng sẽ làm một ống tiêu hóa thông qua miệng cho cậu ấy."
Thế nhưng Jim đã chứng tỏ với mọi người rằng cậu còn làm được nhiều hơn những gì bác sĩ nói. Sau một thời gian, kỳ diệu thay, thận và các cơ quan khác trong cơ thể Jim bắt đầu hoạt động trở lại tuy toàn thân vẫn còn bất động. Hội đồng y khoa đã phải kiểm tra cho cậu hai giờ một lần, bởi họ cho rằng đây là một kỳ tích.
Jim được chăm sóc đặc biệt trong chín tuần đầu, sau đó các bác sĩ chuyển cậu tới trung tâm chỉnh hình ở Seattle để được theo dõi sát sao hơn. Ở bệnh viện mới, khiếu hài hước đã giúp cậu chiếm được tình cảm của các bác sĩ, y tá, và cả các bệnh nhân nơi đây. Trong phòng bệnh của Jim có treo một bức tranh tĩnh vật rất đẹp. Cậu chú ý đến nó ngay hôm đầu tiên được chuyển đến.
Một ngày nọ, cô y tá vẫn thường tiêm thuốc cho cậu đã hỏi cậu một điều khiến cậu không khỏi bất ngờ:
"Em có muốn thử vẽ một bức tranh không? Chị nghĩ là em có thể đấy, Jim ạ!"
"Em không thể", Jim trả lời cô ấy, "Em không thể cử động được, chị ạ". Nhưng người y tá vẫn thuyết phục Jim rằng, bị liệt không phải là vấn đề quá lớn. Rồi cô lấy cho Jim xem những bức tranh của một cô gái cũng bị liệt giống như Jim, cô ấy đã dùng miệng ngậm bút để vẽ. Và, thật đáng ngạc nhiên, bức tranh tĩnh vật tuyệt đẹp trên tường kia cũng là do cô gái ấy vẽ tặng cho bệnh viện. Hình ảnh cô gái dùng miệng để vẽ nên những bức tranh cứ ám ảnh trong tâm trí Jim, nó thúc giục Jim phải làm một cái gì đó.
"Nếu cô ấy làm được, sao mình lại không thể?", Jim tự hỏi.
Thế là Jim bắt đầu vẽ. Mới nghe nói thì tưởng như dễ dàng lắm, nhưng khi vào cuộc, Jim mới nhận ra việc đó khó khăn đến nhường nào. Có lúc, cậu đã muốn bỏ cuộc nhưng chính hình ảnh cô gái phi thường nọ đã động viên Jim luyện tập không ngừng nghỉ. Dần dần, bức tranh của cậu chuyển từ những vết màu nguệch ngoạc thành những nét vẽ thật đẹp và rất có hồn. Nhìn tranh cậu vẽ, khó ai ngờ rằng, đó là bức vẽ của một cậu bé chưa bao giờ theo học một khóa nghệ thuật nào.
Sáu năm sau ngày xảy ra tai nạn của Jim, mẹ cậu qua đời. Tất cả người dân ở thị trấn Montesano đều rất quan tâm và lo lắng cho hoàn cảnh của cậu. Họ góp tiền mua tặng cậu một chiếc xe lăn, cả thầy hiệu trưởng đã về hưu - người thường hay gắt gỏng và rất khó tính với học sinh - cũng dành thời gian đến nhà và nhẫn nại dạy Jim học toán mỗi ngày. Sự kiên trì và chịu khó của Jim cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng bằng tấm bằng tốt nghiệp trung học.
Nỗ lực của Jim không dừng lại ở đó. Cậu là người duy nhất ngồi xe lăn hát trong dàn đồng ca nhà thờ. Cậu gặp gỡ và nói chuyện với các học sinh khuyết tật, cậu còn đến thăm các bệnh nhân để động viên, khuyến khích họ đấu tranh và chiến thắng bệnh tật.
Cũng trong thời gian ấy, Jim đã gặp Joni Eareckson, một nữ họa sĩ bị liệt và cũng là tác giả của những bức tranh mà cô y tá ngày trước đã cho Jim xem. Chính Joni đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm về sau của cậu.
Họ kết hôn không lâu sau đó và sinh được một bé gái xinh đẹp, đặt tên là Desirée - nghĩa là Ước Mơ. Giờ đây, Jim đã là một họa sĩ tài năng và rất nổi tiếng với nhiều chùm tranh đặc sắc: chùm tranh về mùa đông, mùa xuân, tranh phong cảnh, và cả tranh tĩnh vật nữa. Tranh của Jim đã vinh dự có mặt trong nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Đọc dòng chú thích bên dưới mỗi bức tranh: "Được vẽ bởi Jim Ritter, người bị liệt toàn thân và vẽ bằng miệng", người xem không thể không ngưỡng mộ ý chí, tài năng của chàng họa sĩ tật nguyền.
Thật dễ để từ bỏ giấc mơ của mình nếu cứ viện cớ: "Khó quá, tôi không làm được!". Jim Ritter đã giúp cho những ai từng được biết về anh hiểu ra một điều: Người ta có thể vượt lên trên số phận của mình, nếu họ thật sự muốn như vậy.
- Quỳnh Nga
Theo No Excuses Good Enough