Có lẽ không cần phải giải thích lại cho bạn Chat GPT - công cụ đang làm thế giới "xôn xao" - là gì nữa.
Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, bạn hẳn đã biết tới Chat GPT, nghe đồn về sự siêu thông minh của nó và có thể bạn từng dùng thử đôi lần vì tò mò.
Bạn hỏi mấy thông tin căn bản và thấy nó tổng hợp khá nhanh (thay vì bạn phải mở kết quả từng trang tìm kiếm trên Google).
Bạn hỏi mấy câu kiến thức khó khó, nó cũng nói được nhưng không sâu sắc lắm. Bạn hỏi chuyện tư vấn tình cảm và mấy thứ riêng tư, Chat GPT từ chối trả lời.
Bạn hỏi lịch sử Việt Nam hoặc bắt nó làm thơ. Thơ ngang phè.
Bạn thấy mạng xã hội share vài bức ảnh vui về chuyện Chat GPT bị “thao túng tâm lý” hay một số câu trả lời nó tự “bịa” ra. Dữ liệu của nó còn mới chỉ cập nhật đến 2021.
Bạn kết luận nó cũng chỉ gọi là dùng được, thấy hay hay. Nhưng chỉ thế thôi.
Vậy tại sao Chat GPT sau 1 tuần ra mắt lại có hơn 1 triệu người đăng ký? Số người dùng hiện nay (thời điểm viết bài này) đang trên đà 100 triệu? Thậm chí Google phải phát "báo động đỏ" cho toàn bộ nhân viên về một thứ đe dọa sự thống trị của công ty này? Còn Microsoft công bố đầu tư vào đây khoảng 10 tỷ USD?
Câu trả lời lại rất đơn giản!
Nếu bạn không thấy Chat GPT tuyệt vời, nhiều khả năng bạn đang dùng công cụ này một cách tự phát. Bạn không biết cách đặt câu hỏi, viết “prompt” nên chưa hề tối ưu được sức mạnh của nó.
Bạn chỉ cần hiểu “prompt” là thuật ngữ mô tả tất cả thông tin mà người dùng chỉ dẫn cho AI để chúng thực hiện. Câu trả lời của Chat GPT “thường thường” là do cách chúng ta viết yêu cầu (prompt) cũng “thường thường” đó.
Không sao cả, ngay bây giờ chúng ta sẽ cùng học cách đặt ra các câu hỏi chất lượng, đưa ra những tip (mẹo) để khai thác nhiều dữ liệu giá trị nhất được trả về từ Chat GPT.
Bắt đầu nào!