Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, người đảm nhiệm Trực ban phó tác chiến trong Tổng hành dinh ngay ngày đầu tiên diễn ra trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã kể cho chúng tôi nghe về thời khắc lịch sử chứng kiến máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.
Từ lâu, chúng tôi đã nghe danh “Người bấm còi ở Tổng hành dinh” trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, nhưng nay mới có dịp gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh thông qua người con trai của ông. Theo lịch hẹn, một ngày cuối tháng 10-2022, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của ông ở ngõ 19, phố Liễu Giai, Hà Nội. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh ra tận cửa đón chúng tôi với cái bắt tay nồng ấm. Tuy đã bước sang tuổi 93 nhưng trí nhớ của vị tướng già vẫn mẫn tiệp, giọng đầy nhiệt huyết, nhất là khi ông kể về những ngày làm nhiệm vụ trực ban tác chiến ở Tổng hành dinh, trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Cho chúng tôi xem tập tài liệu gồm những bài tham luận, bài báo của ông viết về những ngày diễn ra trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, ông kể: “Hồi ấy, tôi mang quân hàm Thiếu tá, Trợ lý tên lửa của Cục Tác chiến. Những ngày diễn ra trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tôi làm nhiệm vụ Trực ban phó tác chiến tại hầm T1 (Sở chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu). Đúng 8 giờ ngày 17-12-1972, chúng tôi vào kíp trực ban gồm: Đại úy Trần Độ, trực ban trưởng và tôi là trực ban phó chuyên về tác chiến phòng không. Chúng tôi nhanh chóng truyền lệnh của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu lên mức cao nhất đối với toàn bộ Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Hải quân, lực lượng vũ trang thuộc Thủ đô Hà Nội và các quân khu, binh chủng phía Bắc...”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: THÁI KIÊN
Ngừng một lúc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể tiếp: “Sáng 18-12-1972, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: Cuộc tập kích đường không quy mô lớn, có cả máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ ra miền Bắc, vào Thủ đô Hà Nội sắp bắt đầu. Xế chiều hôm đó, đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài từ sân bay Gia Lâm về hầm T1, chỉ thị cho tôi phải có mặt 24/24 giờ để trực chiến. Mấy phút sau, đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến và tất cả kíp trực ban cũng có mặt tại hầm T1. Đúng 16 giờ 30 phút, đồng chí Phan Mạc Lâm, cán bộ Cục Quân báo sang hầm T1 thông báo: Đã có nhiều tốp B-52 cất cánh từ sân bay Anderson, căn cứ không quân Mỹ ở đảo Guam, mục tiêu sẽ ném bom miền Bắc nước ta...
Ở hầm T1 của Tổng hành dinh có còi báo động phòng không (còi tổng). Khi kéo còi đó, lập tức 15 còi điện ở các địa điểm khác của Thủ đô cũng đồng thời rú theo. Tôi được cấp trên phân công nhiệm vụ kéo còi báo động phòng không liên hồi. Cùng lúc đó, có rất nhiều máy điện thoại trong phòng trực ban đổ chuông. Mồ hôi chúng tôi túa ra, ai nấy đều trả lời: Mời mọi người xuống hầm ẩn nấp!”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh giới thiệu “Rồng lửa” của ta bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh: THÁI KIÊN
Kể đến đây, chúng tôi thấy giọng ông phấn chấn: “19 giờ 40 phút, máy bay địch gầm rú trên bầu trời. Từng loạt bom nổ ì ùng kéo dài. Chốc chốc lại có tiếng rít xoẹt ngang rất thấp của loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” (F-111). Mọi người tận mắt chứng kiến “rồng lửa” của ta vun vút bay lên. Pháo phòng không các cỡ đồng loạt nhả đạn. Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ liên tục báo cáo: “B-52, F-111 đã ném bom các sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Hòa Lạc, các trận địa tên lửa, cao xạ...”.
20 giờ 18 phút, có người hét to: “Một đám cháy to lắm trên bầu trời phía Bắc”. Đồng chí Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ Vũ Xuân Vinh báo lên một tin vui: “Một B-52 rơi rồi, ở phía Đông Anh do Tiểu đoàn Tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 bắn trúng”. Chúng tôi xúc động quá, ôm chầm lấy nhau, vây quanh các thủ trưởng trực chiến ở đây. Mắt ai cũng nhòe đi. Mọi mệt mỏi dường như tan biến. Từ trưa tới giờ chưa ai ăn uống gì cả mà không thấy đói. Cục trưởng Vũ Lăng nói to: “Chưa được đưa tin B-52 rơi, phải đi xác minh đã!”, rồi nhìn về phía tôi... Đồng chí Phùng Thế Tài khẽ kéo tôi lại góc phòng nói nhỏ: “Cậu nói với anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ chuẩn bị một trực thăng Mi-8 ngụy trang ở góc sân bay Bạch Mai, sáng mai tôi, cậu và anh Tri cùng tới chỗ B-52 rơi”. Tôi vô cùng sung sướng, chấp hành ngay...”.
Trước khi khép lại câu chuyện, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh giọng xúc động: “Tôi không thể nào quên hình ảnh Thượng tướng Phùng Thế Tài, đứng trước nhà Con rồng ở Tổng hành dinh, nghẹn ngào: “Xin dâng chiến công này lên Bác”!
THÁI BẢO NGỌC
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 14/11/2022)