Những việc cha mẹ cần học được
Có một câu người ta vẫn hay nói: Sinh con dễ nhưng nuôi con thì khó. Câu nói tưởng chừng như rất bình thường song nó lại là một chân lý.
Năm đó, khi tôi làm việc ở trung tâm Vệ sinh tâm lý lứa tuổi nhi đồng, sau khi tiễn các em bị tổn thương cả về mặt thể xác lẫn tinh thần rời khỏi phòng trị liệu, một vài đồng nghiệp trẻ của tôi thường buồn rầu oán trách bố mẹ đứa trẻ đó, tại sao sinh con ra mà không chịu dạy dỗ con? Nếu như không có khả năng để yêu thương con, vậy thì tại sao còn sinh nó ra làm gì? Để nó phải chịu khổ như vậy?
Đúng thế, nuôi con có vẻ như rất dễ, nhưng thực tế lại cần một học vấn cao sâu. Tôi của ngày hôm nay với độ tuổi mỗi lúc một lớn, đã từng trải nghiệm nhiều thăng trầm trong cuộc sống, ngoài việc vẫn cảm thấy rất buồn khi trông thấy những đứa trẻ vì không được dạy dỗ đúng đắn mà phải chịu tổn thương, tôi đã hiểu, đồng thời có một niềm tin vững chắc rằng tất cả các bậc làm cha làm mẹ khi quyết định sinh con ra, ai cũng đều hy vọng có thể đem đến cho con một môi trường trưởng thành và sự dạy dỗ tốt nhất, thế nhưng đôi khi chính bản thân họ lại vẫn còn là một đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý cũng như trí tuệ, có lúc bởi do sự bức bách của hiện thực mà lực bất tòng tâm, khi thì mong muốn lập tức hành động song chẳng tìm được phương pháp thích hợp, do đó, liên tiếp gặp phải khó khăn trắc trở trong việc nuôi dạy con cái, dẫn đến vừa khổ bản thân mình, cũng khổ cả con nữa.
Trong chương này, tôi liệt kê một vài bài học mà các bậc làm cha làm mẹ buộc phải học. Đó đều là những trường hợp dễ dàng gặp phải giữa bố mẹ và con cái trong cuộc sống hằng ngày, cũng là những tình tiết dễ dàng ảnh hưởng đến thể xác và tâm hồn trẻ nhất. Phương pháp của tôi có thể không được xem là chân lý để giải quyết mọi vấn đề, nhưng đó là một phương pháp hiệu quả đúc rút từ kiến thức chuyên ngành được bồi dưỡng bao nhiêu năm và từ chính những kinh nghiệm thực tế của bản thân tôi.
Học cách yêu
Năm 2009, mùa đông ở Bắc Kinh lạnh đến mức dị thường. Chiều ngày lễ Giáng Sinh năm đó, chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt nho nhỏ ở nhà. Ngoài bạn bè của vợ chồng tôi, những người bạn thân thiết từ thuở còn bé của tôi, còn có cả một vài người bạn trong công việc của con trai tôi đến tham gia. Chiều hôm đó, chúng tôi chơi đùa vô cùng vui vẻ, một mạch cho đến tận bảy giờ tối, bầu trời đã hoàn toàn đen kịt, mọi người mới có ý định tàn cuộc.
Khi cả gia đình ba người chúng tôi đứng trước cửa tiễn từng vị khách ra về, vì cửa mở nên những cơn gió lạnh cứ vù vù thổi vào trong, thế là tôi rất tự nhiên mà nói với cậu con trai đang đứng bên cạnh, "Có lạnh không? Đưa tay mẹ xem!". Cậu con trai hai mươi sáu tuổi cao gần một mét tám của tôi cũng rất tự nhiên đưa tay qua, để tôi sờ xem có lạnh hay không.
Không ngờ rằng một hành động hết sức tự nhiên giữa chúng tôi lại thu hút sự chú ý của mấy người bạn thân từ thuở bé của tôi. Vào một lần gặp gỡ sau buổi hôm đó, một cô bạn thân nói với tôi rằng, nhìn thấy hình ảnh thân thiết của "mẫu tử tình sâu" chúng tôi khi đó, cô ấy đã cảm động đến mức thiếu chút nữa là đỏ hoe đôi mắt.
Trên thực tế, rất nhiều cảnh tượng "mẫu tử tình sâu" giữa tôi và con trai đã bị cậu con trai với một khí phách trở thành người đàn ông của tôi khống chế và loại bỏ ngay từ khi nó lên tám lên chín tuổi rồi. Tôi đã không còn nhớ rõ lần cuối cùng mình nói câu "Mẹ yêu con" là khi nào nữa, lần cuối cùng tôi thơm lên đôi má phúng phính đáng yêu của con trai là bao lâu về trước, lần cuối cùng ôm con trong vòng tay có cảm giác ấm áp như thế nào...
Tôi chỉ nhớ mới lên lớp Ba, con trai đã không cho phép tôi thơm vào má nó khi đi trên đường nữa, hoặc ôm nó thật chặt giữa những nơi đông người, cũng không muốn nghe tôi suốt ngày nói từ yêu, chỉ cần tôi nói câu "Mẹ rất yêu con", thằng bé sẽ cố ý bịt tai lại, kêu lên trách móc, "Trời ơi! Thật là sến súa!". Đương nhiên tôi hiểu rằng con trai cũng thích nghe bản thân được yêu thương, nhưng chỉ là làm một "người đàn ông", thằng bé không thích phương thức biểu đạt mà theo như nó nói thì là quá "ủy mị ẽo ợt như dành cho con gái" như thế.
Thế nhưng đương nhiên thằng bé cũng rất muốn được yêu. Khi lên chín tuổi, bắt đầu từ lúc quyết định bản thân sẽ một mình sang Anh học trường nội trú, ước chừng mất khoảng hơn một năm, mỗi tối đi ngủ, thằng bé lại tự động leo lên giường của bố mẹ, cơ thể bày ra hình chữ Đại1, chiếm chỗ ngủ của bố, khiến bố phải sang bên phòng con trai ngủ. Tôi và bố thằng bé trong lòng đều rõ thằng bé muốn nằm cạnh mẹ để cảm nhận cái cảm giác an toàn, vì thế chưa lần nào chúng tôi ngăn cản hành động của thằng bé. Thế nhưng sau khi đưa con sang Anh, tôi lại quay về Đài Loan, cậu bé mười tuổi muốn được ngủ bên cạnh mẹ ngày nào giờ giống như một chàng trai đã trưởng thành, nói với tôi đang đứng ở sân bay Heathrow London khóc hu hu một cách hiếm có rằng: "Mẹ đừng khóc nữa, mất mặt quá!".
Đối với "Làm thế nào để biểu đạt tình yêu", các nhà Tâm lý học đã khái quát thành năm phương thức, chúng lần lượt là: "lời lẽ chắc chắn", "tiếp xúc thân thể", "luôn luôn tỉ mỉ sắp xếp mọi thứ", "tặng quà cáp" và "hành động phục vụ". Năm phương thức này đều khiến đối phương cảm nhận được tình yêu, đồng thời chúng có thể xuất hiện cùng một lúc, hoặc là vận dụng luân phiên nhau.
Tôi tin chắc rằng khi nãy vừa đọc thấy tiêu đề "Học cách yêu", nhất định các bạn sẽ cảm thấy rằng tôi thật nhàm chán, bởi vì nó đã xuất hiện ở một nơi không cần phải xuất hiện nhất và không cần phải dạy nhất. Nếu như bây giờ tôi đang viết một cuốn sách có liên quan đến tình yêu hay quan hệ giữa hai người khác giới, có lẽ các bạn sẽ hiểu được tính cần thiết khi học nó, thế nhưng trong một cuốn sách nói về mối quan hệ giữa bậc cha mẹ và con cái như thế này mà lại nhắc đến nó, nội dung này hình như hơi thừa, bởi vì, có bậc cha mẹ nào lại không yêu con cái của mình? Huống hồ, cha mẹ yêu thương con cái là bản tính trời sinh đẹp đẽ nhất của nhân loại, chúng ta còn cần phải học sao?
Đúng vậy, chúng ta cần phải học, đồng thời phải học nó với một thái độ thật nghiêm túc. Cũng giống như năm phương thức biểu đạt tình yêu mà các nhà Tâm lý học phân thành tôi đã đưa ra ở phía trên, chúng ta cần phải tìm ra cách thức để trẻ có thể tiếp nhận được hoặc bằng lòng tiếp nhận "tín hiệu yêu thương", bởi vì yêu như vậy mới có thể giúp đỡ được trẻ về mặt bản chất, mới không tạo thành khúc mắc khi người mẹ chẳng chút tính toán mà cho đi tình yêu nhưng lại không được đáp trả.
Những chuyên gia Giáo dục nghiên cứu về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái luôn luôn không ngần ngại mà nói với các bậc phụ huynh rằng, mỗi một đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt. Do tổ hợp di truyền và những nguyên nhân không biết khác, mỗi một cá thể riêng biệt đều có những tính tình riêng biệt, cách tư duy riêng biệt, nhân cách phẩm chất riêng biệt, và một cơ chế tình cảm tâm lý riêng biệt. Do đó, khi đối diện với một đứa trẻ độc nhất vô nhị, chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào những phương thức chỉ ra trong sách vở để dạy dỗ trẻ, đương nhiên cũng không thể tự cho mình là đúng mà dựa vào cách nghĩ, phương pháp của mình để yêu thương và chăm sóc trẻ.
Bao nhiêu năm lại đây, khi giải quyết một số vấn đề cảm xúc của trẻ khi những xích mích của chúng với bố mẹ đang đi đến bước đường cùng, tôi thường xuyên nghe thấy trẻ buồn rầu nói rằng, "Cô có thể nói giúp với bố mẹ cháu đừng tạo thêm áp lực cho cháu nữa được không? Cháu biết bố mẹ rất yêu cháu, thế nhưng yêu như thế lại khiến cháu không chịu được, cháu bị họ yêu đến mức sắp ngạt thở rồi!".
Thoạt đầu khi nghe trẻ nói ra những lời vô lương tâm như thế, những bậc làm cha làm mẹ chắc chắn sẽ rất đau lòng, đặc biệt là người mẹ, chắc chắn sẽ nước mắt lưng tròng, không biết phải làm sao. Từng có một người mẹ rất thành công trong sự nghiệp, dẫn đứa con đã tốt nghiệp đại học chính quy đến gặp tôi, khi đó xuất hiện trường hợp như sau.
Cậu bé ấy sinh ra đã được sống trong nhung lụa giàu sang, từ lớp Một đến lớp Mười hai đều học trường trọng điểm của thành phố, thi đỗ thì được vào học, không thi đỗ thì bố mẹ chạy chọt tiền nong rồi cũng được vào học. Cấp ba, cậu bé cũng học trường trọng điểm của thành phố, thế nhưng khi thi đại học thì cũng chỉ thi đỗ được một trường dạy nghề ở cách xa Bắc Kinh đến mấy nghìn dặm. Sinh viên trong trường đó thường không thích học hành là mấy, hoàn toàn khác xa với không khí học tập và tiếng tăm của một trường nổi tiếng như trường cấp ba trọng điểm của thành phố mà cậu học trước đây. Do vậy, dần dần cậu bé càng trở nên không vui vẻ, trong lòng rất coi thường các bạn cùng trường, nhưng lại không có đủ năng lực và nghị lực để thi lại đại học một lần nữa.
Cuối cùng, cuộc sống không mấy vui vẻ ở trường nghề trong ba năm đã khiến cậu bé bị bệnh, ngoài việc không muốn nói chuyện với bố mẹ ra, còn xuất hiện chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức11ở mức độ trung bình.
Trong quá trình tôi tiến hành tâm lý trị liệu cho cậu bé, nói thật lòng là, cùng là một người làm mẹ, có rất nhiều lần tôi tức đến mức muốn phất áo bỏ đi, bởi vì cậu bé luôn luôn không nhìn ra vấn đề của bản thân mình, mà lúc nào cũng oán trách đổ hết tất cả trách nhiệm về sự thất bại này lên người bố mẹ - đặc biệt là mẹ cậu. Cậu bé nói cậu giận nhất mẹ là việc mẹ mang tiền đi chạy chọt cho mình vào được trường tốt, hại cậu không học được cách tự mình học hành, cũng không có cơ hội để chứng minh thực lực của bản thân. Thế nhưng đối với những lời ngụy biện, không có trách nhiệm như thế, ngoài việc giận dữ xuất phát từ góc độ tình cảm, thực ra cũng có thể nhìn từ góc độ lý trí chuyên ngành. Tôi hiểu rằng đây chính là một trong những mấu chốt của vấn đề, một di chứng sinh ra từ việc chìm đắm trong tình yêu không chút điều độ.
Theo như kinh nghiệm nhiều năm, tôi thấy tình yêu của bố mẹ có thể giữ thuyền được thăng bằng nhưng cũng lại có thể khiến chiếc thuyền lật nhào. Mà ranh giới của nó nằm ở cách thức trao yêu thương và biểu đạt tình yêu có đúng lúc và thích hợp hay không. Vậy thì, làm thế nào chúng ta mới có thể học được đúng lúc và thích hợp đây?
Dưới đây tôi xin đưa ra vài phương thức chúng tôi thường dùng để dạy cho các bậc phụ huynh trong phòng trị liệu, hy vọng có thể giúp đỡ và đưa ra một vài gợi ý cho bạn:
Cùng thảo luận với con về vấn đề "biểu hiện tình yêu"
Bắt đầu từ khi trẻ hiểu chuyện, giữa bố mẹ và con cái có thể tiến hành các cuộc hội thoại như sau: "Con thích nhất mẹ yêu con như thế nào?", "Khi nào thì con cảm thấy mẹ yêu con nhất?", "Con cảm thấy mẹ làm như thế nào thì mới là yêu con?", thậm chí có thể hỏi: "Mẹ của các bạn con yêu họ như thế nào? Con nghĩ thế nào?".
Mục đích của những câu hỏi trên không những chỉ để đạt được câu trả lời, quan trọng nhất chính là có thể nhờ vào nó để mở rộng thêm cuộc hội thoại và phạm vi bàn luận, đồng thời thêm một bước hiểu được cách nghĩ và những yêu cầu của trẻ. Thông thường câu trả lời của một cậu bé nhỡ nhỡ sẽ khiến chúng ta kinh ngạc và phải suy nghĩ rất lâu, đồng thời cũng thông qua những lời nói ngộ nghĩnh đáng yêu trẻ con của chúng, chúng ta có thể hiểu được tình yêu của chúng ta có thuận lợi được tiếp nhận, và được đón đợi một cách vui vẻ hay không, đồng thời đủ để kết thành tấm lưới bảo vệ chặt chẽ và an toàn để bảo vệ con cái hay không.
(Là chứng rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến Stress.)
"Để mẹ sờ tay xem" giữa tôi và con trai chính là cách thức biểu đạt tình yêu đã được chúng tôi bàn bạc thống nhất mà đạt được. Lúc đầu, với tư cách là một cậu bé trưởng thành, con trai không cho phép tôi dùng những hành động vô cùng thân thiết hay ôm ấp để bày tỏ tình yêu ở những nơi công cộng (hồi chín tuổi, thằng bé nói rằng, làm như thế ấu trĩ và sến sẩm lắm), thế nhưng thằng bé đồng ý để tôi trao yêu thương và quan tâm cho nó bằng cách thức nắm tay rất "trưởng thành" ấy. Còn con trai tôi, ngoài việc vui vẻ tiếp nhận ra, nó còn có thể hiểu mẹ sẽ tôn trọng những cái nhìn có giá trị tích cực của nó, sẽ không tạo cho nó thêm áp lực, không khiến nó thêm khó xử, và thỏa mãn được yêu cầu đối với tình thân của nó.
Do đó, cách thức "Để mẹ sờ tay xem" đã bắt đầu từ khi con trai tôi lên chín cho đến tận bây giờ, và giờ nó đã trở thành "phương thức bày tỏ tình yêu" không cần nói cũng hiểu lòng nhau giữa chúng tôi rồi.
"Yêu" là sự ấm áp về mặt tinh thần, chứ không chỉ là sự khoan khoái về mặt sinh lý
Rất nhiều nhà Xã hội học đang vô cùng lo lắng cho hiện tượng gia đình con một ở Trung Quốc. Mọi người đều rất lo lắng rằng, dưới sự yêu thương chở che từng li từng tí của bố mẹ, những cô chiêu cậu ấm ấy sẽ yếu đuối "không chịu được một roi". Sự thật cũng chứng minh điều mà các nhà Xã hội học lo lắng là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì thực tế đã có rất nhiều đứa trẻ có biểu hiện về chứng bệnh tâm lý, không cách nào chịu đựng được những khó khăn trắc trở gặp phải. Những đứa trẻ lớn lên trong tình thương yêu và bao bọc của bố mẹ hoàn toàn không hề thể hiện ra cái tự tin, nên có khi được trưởng thành trong bầu không khí ngập tràn tình yêu thương, mà ngược lại, chúng càng bị bao vây bởi cảm giác không tự tin và không an toàn.
Theo như quan sát của riêng tôi, có lẽ vấn đề này xuất hiện ở cách thức biểu hiện tình yêu vô vàn, không bao giờ được coi là hết.
Tôi có một cô bạn gái, con của cô ấy đang học cấp ba, học rất giỏi, có lý tưởng cao đẹp. Cô bạn này của tôi là một người mẹ vô cùng hoàn hảo, cô ấy một mình chăm lo đảm nhiệm tất cả mọi việc trong cuộc sống của con gái. Mùa hè, khi con gái ngồi trước cửa sổ học bài, cô ấy ở bên cạnh quạt cho con, gọt hoa quả rồi chuẩn bị nước mát cho con. Mùa đông, khi con gái học bài dưới ngọn đèn, cô ấy lại chuẩn bị nước ngâm chân, pha sữa, đắp chăn ấm cho con gái. Dường như mọi suy nghĩ của cô ấy đều đặt cả vào con gái, vui cùng niềm vui của con và buồn khi thấy con gái buồn.
Thế nhưng, cô ấy lại rất ít khi có thể thoải mái ngồi trò chuyện cùng con, cô ấy trao cho con tất cả những chăm sóc bao bọc mà một người mẹ có thể cho, cũng làm tất cả mọi việc mà một người mẹ có thể làm, song cô ấy lại thiếu hụt một thứ khác cũng có thể đến từ một người mẹ mà có thể con gái cô ấy rất cần đến - đó là những lời nói dịu dàng và một vòng ôm rộng lớn ấm áp.
Khi con gái thất bại trong việc tranh cử vào ban cán sự lớp, cô ấy không hề ôm con vào lòng nhẹ nhàng an ủi, mà giống như một người lãnh đạo, cô ấy giúp con gái tìm ra và xem xét về nguyên nhân thất bại, rồi tìm ra phương pháp thay đổi cho lần sau. Cô ấy nói, "Không sao, chúng ta tiếp tục cố gắng, lần sau sẽ lại tranh cử. Lần này không được, chúng ta sẽ thay đổi vào lần sau". Những lời ấy nghe thì có vẻ là hoàn toàn hợp lý, cũng thực sự là một thái độ học tập cần thiết cho con gái, thế nhưng đối với một bé gái đang bị tổn thương về tâm hồn vì việc thất bại trong lần tranh cử vào ban cán sự lớp mà nói, cần nhất lúc này chỉ là một vòng tay ấm áp và những lời nói dịu dàng của mẹ mà thôi. Những thứ ấy sẽ giúp cho con gái thỏa sức mà khóc một trận, chữa được vết thương lòng cho con. Còn về vấn đề lần sau có tiếp tục tranh cử nữa hay không, lần này mắc những lỗi sai gì, thì nên đợi đến khi con gái lau khô nước mắt hẵng nghiêm túc bàn bạc đến. (Liên quan đến vấn đề làm thế nào để đối phó với một đứa trẻ đang bị tổn thương về tâm hồn thì tôi sẽ nói chi tiết hơn ở mục "Học cách trò chuyện".)
Buộc phải thừa nhận rằng, hiện tượng kể trên giờ đây đã trở thành khuyết điểm chung của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ. Do con đường để vào được trường đại học lớn càng ngày càng hẹp, bậc cửa để tìm được một công việc tốt ngày càng cao, đối diện với những đứa trẻ tương lai ắt phải dấn thân vào cuộc cạnh tranh t àn khốc như th ế, các b ậc ph ụ huynh lòng như thiêu như đốt, trong đầu, trong lòng, trong mắt họ lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ làm thế nào để "nâng cao sức cạnh tranh của con cái" lên, do đó dần dần lãng quên đi một trách nhiệm khác của người làm cha mẹ, đặc biệt là người mẹ - tình yêu và sự bao dung vô điều kiện.
Đáng tiếc là, sự thiên lệch này lại khiến trẻ hiểu lầm rằng tình yêu của bố mẹ là có điều kiện, tình yêu ấy có quan hệ trực tiếp đến thành tích mà trẻ đạt được, do đó khiến trẻ sợ hãi, nếu như mình thi không đạt kết quả tốt thì sẽ không còn được bố mẹ yêu thương nữa. Nếu như liên tục mấy lần thành tích của trẻ không cao, hoặc là lần sau lại không được chọn vào ban cán sự lớp như mong đợi, trẻ có thể sẽ vì cảm thấy cô độc mà chọn cách từ bỏ chính bản thân mình, bởi vì dù sao thì bố mẹ cũng không còn yêu quý gì mình nữa.
Ngoài ra, nếu như trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hụt sự dịu dàng ấm áp trong một thời gian dài, thì trẻ sẽ hình thành nên một phẩm chất riêng, một nhân cách thiếu hụt sự dịu dàng, hay đề phòng quá độ, thích nịnh hót hòng lấy lòng người khác và không đủ tự tin.
Yêu là một động lực tích cực, chứ không phải là một trở ngại tiêu cực
Trong cửa hàng bách hóa, ở khu vui chơi giải trí hay công viên trung tâm, chắc chắn bạn đã gặp những cảnh tượng này - trẻ đưa tay sờ lên những thứ lồi lõm, mẹ quát lớn: "Đừng có chạm vào đó, có vi khuẩn!"; trẻ trèo lên lan can, mẹ quát lớn: "Mau xuống ngay, đừng có đập vào đấy!"; trẻ nghiên cứu cây cỏ nhỏ trên đất, mẹ lại quát: "Đứng dậy, bẩn!". Thế là trẻ không có cơ hội được biết đến cảm giác khi chạm tay vào những vật thể có bề mặt không giống nhau, không được luyện tập để cơ bắp và tứ chi phát triển đồng đều, không quan sát được quá trình kỳ diệu khi có mầm mới nhú lên khỏi mặt đất, chỉ vì chúng ta quá yêu con, quá lo lắng rằng con sẽ bị thương, chính vì vậy chúng ta đã dùng chính tình yêu ấy để nhốt chặt sự phát triển mà trẻ có thể có, đồng thời cũng dùng chính tình yêu ấy để cản trở sự tìm tòi khám phá mà cần con phải độc lập đi hoàn thành.
Khi con trai mười tuổi, chúng tôi đã cho nó sang Anh học trường nội trú. Vì việc này mà vợ chồng tôi bị cả những người bạn thân thiết và những người không thân thiết chất vấn, câu hỏi mà chúng tôi thường được nghe nhất chính là: "Sao hai người nhẫn tâm thế, thằng bé còn nhỏ như vậy đã để nó một mình sang nước ngoài rồi!". Ẩn trong câu nói đó nghĩa là vợ chồng tôi là những bậc làm cha làm mẹ tàn nhẫn, vô cùng không yêu thương con, vô cùng không có trách nhiệm.
Lúc đầu chúng tôi còn biện hộ bằng tình yêu của mình dành cho con, nhưng dần dà, chúng tôi không nói gì nữa, chỉ trả lời mọi câu hỏi bằng cái cười mỉm, bởi vì trong lòng chúng tôi hiểu rõ, chúng tôi lựa chọn phương thức để bản thân mình cô đơn, quyết buông tay giúp con trai trưởng thành để thể hiện tình yêu với nó. Còn thằng bé, nó cũng dang rộng đôi cánh bay lên thật cao, rồi trở thành một chàng thanh niên ưu tú như ngày hôm nay, bởi vì trong lòng nó chứa đầy tình yêu và sự tin tưởng của bố mẹ.
Đương nhiên, tôi tuyệt đối không cổ vũ tất cả những bậc phụ huynh đều vì yêu con mà đưa con đến một nơi thật xa, dù sao điều này cũng liên quan tới những điều kiện hiện thực phức tạp và những nhân cách phẩm chất mà bản thân đứa trẻ có. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, rất nhiều khi tình yêu mà chúng ta tự cho là đã đủ lại trở thành gông cùm xiềng xích thít chặt khiến trẻ không sao thở nổi, hoặc sẽ trở thành sợi dây thừng cản trở bước tiến của trẻ. Nhiều lần, khi đối diện với những bà mẹ lo âu mà chê trách với tôi rằng con cái họ không đủ tính tự lập, tôi thường cẩn thận hỏi lại: Đứa trẻ không đồng ý tự lập hay chị không đồng ý buông tay để con tự lập?
Đừng lấy tình yêu ra để hợp lý hóa mọi hành động của chúng ta
Không chỉ một lần, trong phòng phụ đạo của trường học, tôi nghe thấy mẹ khóc nức nở mà nói với con: "Vì yêu con nên mẹ mới làm như thế!", "Mẹ làm như thế cũng đều vì muốn tốt cho con!", "Vì con, khổ thế nào mẹ cũng chịu được!", nhưng nhìn vẻ đờ đẫn hiện rõ trên khuôn mặt trẻ, tôi biết trong lòng chúng đang gào thét, "Đừng vì con nữa, mẹ! Xin mẹ buông tha cho con đi, con thật sự không chịu được nữa rồi!".
Cũng giống như yêu hận tình thù giữa những người đang hẹn hò nhau vậy, rất nhiều người đang yêu thường hay dùng cái lý do "Bởi vì anh rất yêu em" để khống chế đối phương, đồng thời dùng nó để làm hợp lý hóa rất nhiều hành động mang tính phi lý của bản thân. Ví dụ như: Bởi vì vô cùng yêu anh ấy, nên tôi cần phải nhìn thấy anh ấy từng giờ từng khắc; Bởi vì quá yêu cô ấy nên tôi không thể chấp nhận được việc cô ấy nói chuyện với người khác. Có đôi khi, tình yêu chúng ta dành cho con cũng giống như cặp tình nhân đang yêu nhau vậy, nó dần biến thành mong muốn chiếm hữu vô cùng mãnh liệt mà mất đi lý trí. Điểm khác nhau là, khi người đang yêu cảm thấy tình yêu ấy khiến mình ngạt thở không sao chịu nổi thì có thể phất áo mà đi, song trẻ lại không thể vì cảm thấy quá ngột ngạt trước tình yêu của cha mẹ mà quay lưng rời xa cha mẹ được.
Cho nên, những đứa trẻ cả ngày bị tình yêu của cha mẹ - thông thường là mẹ - bao quanh tới mức không sao thở nổi chỉ có thể chọn cách bỏ trốn, trốn đến một lâu đài nho nhỏ thuộc riêng tâm hồn mình, ở đó có thể tạm thời thở phào một hơi nhẹ nhõm.
Vậy thì, yêu như thế nào khiến trẻ cảm thấy bực dọc, khó chịu đây?
1. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là chiếm hữu
Con đang ở trong phòng học bài, cứ cách mười lăm phút mẹ lại vào một lần, lúc thì vào đắp lại chăn cho con, khi lại vào đưa tay lên trán kiểm tra thân nhiệt cho con, rồi lại mang cho con nước nóng, khoác thêm áo cho con. Trong mắt mẹ, đó chính là những việc hoàn toàn hợp lý của một người mẹ đang chăm sóc con, thế nhưng đối với con mà nói, đó lại là không ngừng bị làm phiền, bị xâm phạm, đặc biệt là đối với những đứa trẻ lớn một chút, việc mẹ vào rồi đi đi lại lại tự nhiên trong phòng mình chính là đang xâm phạm đến đời tư của chúng. Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với cách nghĩ của trẻ, nhưng tôi có thể hiểu được những gì chúng đang cảm nhận.
2. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là khống chế
Con đang ngồi trước bàn học học bài, mẹ nhoài người ra đất lau sàn, chốc chốc lại đấm lưng, chốc chốc lại thở dài. Con bảo mẹ đi nghỉ một chút đi, đừng lau sàn nữa. Mẹ đáp rằng: "Không sao, chỉ cần con học thật giỏi, mẹ làm gì cũng không sợ mệt!". Bạn có tưởng tượng được rằng câu nói đó đem lại áp lực lớn đến mức nào cho con không? Bản thân mẹ thì không nỡ ăn, không nỡ mặc, cả ngày vất vả khổ sở, luôn miệng nói câu, chỉ cần sau này con thành tài là mẹ hài lòng lắm rồi. Bạn nói xem, đứa trẻ đó còn có thể thoải mái không?
3. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là độc tài "Mẹ không cho con đi cũng chỉ vì muốn tốt cho con thôi!", "Mẹ bắt con ăn món này cũng vì nó có lợi cho sức khỏe của con!", "Mẹ bắt con làm như thế đều là vì yêu thương con!", đến khi nào các bà mẹ mới có thể thôi nói câu "... đều vì muốn tốt cho con", mà thay vào đó là câu "Vậy con thích như thế nào?"? Không nhất thiết chúng ta phải hoàn toàn buông tay để con tự quyết định, trên thực tế chúng ta cũng không thể hoàn toàn buông tay, nhưng chúng ta có thể đừng chụp lên cái mũ "yêu" nữa không? Trước khi quyết định một việc gì, chúng ta chỉ cần khẽ cúi người, bớt chút thời gian, thêm chút kiên nhẫn, thêm chút tôn trọng mà lắng nghe con nói, yêu như vậy mới đủ để bước cùng con vượt qua mọi gió mưa, cũng sẽ không đẩy con ra ngoài cửa.
Học cách trò chuyện
Trong thời gian hỏi đáp lẫn nhau trong chương trình diễn thuyết liên quan đến vấn đề giáo dục gia đình của tôi, một trong những vấn đề xuất hiện nhiều nhất chính là: "Cô Kim, con tôi thường không nói chuyện với tôi, mỗi lần hỏi nó, nó đều trả lời qua quýt một hai câu cho xong, tôi phải làm sao bây giờ?".
Đúng vậy, đây thực sự là một vấn đề khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi cuối cấp một trở lên, tình huống này càng khiến cho phụ huynh lo lắng, bởi vì nếu như trẻ không trò chuyện với chúng ta, chúng ta sẽ không thể biết được tình hình thực tế của chúng, không chỉ không có cách nào giúp đỡ và chỉ bảo cho trẻ, mà còn không có cách nào để trẻ cảm nhận được tình yêu cũng như sự quan tâm đến từ bố mẹ chúng. Thế nhưng trên thực tế, trẻ rất muốn được tâm sự cùng chúng ta, song chỉ vì chính bản thân chúng ta không biết cách trò chuyện mà thôi, nên ngược lại còn khiến cho cánh cửa ấy dần dần đóng lại.
Dưới đây là một vài kỹ xảo chúng ta có thể dùng đến khi trò chuyện với trẻ:
• Đầu tiên, là trò chuyện chứ không phải là chất vấn "Luyện đàn chưa?", "Bài tập làm xong hết chưa?", "Hôm nay ở trường có nghịch ngợm gì không?", "Cô giáo phát giấy thông báo kết quả học tập chưa?" Những câu như vậy đều là câu chất vấn, mà không phải là trò chuyện. Nếu như bạn hỏi một đứa trẻ hai tuổi rằng, "Con yêu, hôm nay có ngoan không nào?", bởi vì khả năng ngôn ngữ và khả năng tư duy vẫn có hạn, nên đứa trẻ ấy sẽ vui mừng mà trả lời mẹ, "Ngoan ạ!". Thế nhưng, đối diện với một đứa trẻ lớn hơn đã vào tiểu học, có một khả năng diễn đạt hoàn chỉnh và một khả năng tư duy, nếu như bạn vẫn tiếp tục hỏi như vậy, thì câu hỏi ấy lại không phải là một cuộc chuyện trò đầy tình yêu nữa, nó đã trở thành một câu chất vấn mang theo ý trách móc trong đó.
Đồng thời, cách thức hỏi kiểu chất vấn như vậy còn dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết. Trẻ thông thường sẽ trả lời như sau:
"Luyện đàn chưa?" "Luyện rồi."
"Bài tập làm xong hết chưa?" "Sắp xong rồi."
"Hômnayởtrườngcónghịchngợmgìkhông?""Không."
"Hôm nay ở trường làm những việc gì?" "Chẳng làm gì cả."
Thế là người làm mẹ mệt nhọc cả một ngày bèn nói: "Sao con lúc nào cũng không trả lời mẹ hẳn hoi thế?".
Đứa trẻ bỗng thấy bực bội và có chút tủi thân, đáp lời: "Mẹ hỏi câu nào con cũng đều trả lời đủ cả mà. Vậy mẹ còn muốn con thế nào nữa?".
• Cho nên trò chuyện cần bắt tay vào "giải quyết từ những vấn đề nhỏ"
Đừng hỏi: "Hôm nay ở trường con làm những việc gì?", mà phải hỏi: "Món tráng miệng trong bữa trưa hôm nay là món gì? Có ngon không?".
Đừng hỏi: "Bài vở làm xong hết chưa?", mà phải hỏi: "Hôm nay môn Tự nhiên, thầy giáo dạy những gì?".
Đừng hỏi: "Hôm nay ở trường có nghịch ngợm không?", mà phải hỏi: "Trong lớp con bạn trai (bạn gái) được nhiều người yêu quý nhất là ai?".
Đừng hỏi: "Luyện đàn chưa?", mà phải hỏi: "Trong lớp con có bạn nào cũng học chơi đàn không? Bạn ấy có thích luyện đàn không?".
Những câu hỏi theo hình thức mở, thu nhỏ được phạm vi kể trên, thứ nhất, có thể giúp trẻ rất dễ dàng mà thuận theo câu hỏi để trả lời, không thể chỉ dùng câu nói trả lời ngắn gọn "Có" hoặc "Không" để tiếp tục cuộc trò chuyện; thứ hai, nó có thể gây nên niềm thích thú thảo luận trong trẻ, bởi vì nó rất cụ thể, đồng thời có những lúc cũng có thể nhắc đến những chuyện lặt vặt linh tinh của người khác; thứ ba, cách hỏi như vậy thể hiện được niềm hứng khởi, sự quan tâm và hiếu kỳ của bạn, mà không phải câu chất vấn chỉ cần có được câu trả lời là đủ; thứ tư, cách hỏi như vậy rất thoải mái, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực như đang đứng trước một loạt mũi tên đã đặt sẵn lên dây cung chỉ chực bắn tới mình.
• Ngoài ra, không nên vội vàng "uốn nắn" hoặc "phủ định", mà trước tiên cần phải thể hiện một trái tim thấu hiểu đồng tình
Khi trò chuyện cùng trẻ, chúng ta rất dễ dàng không thể khống chế bản thân mà rơi vào một khuôn thức - lập tức uốn nắn hoặc lập tức phủ định. Trước tiên tôi lại quay về với một cuộc hội thoại, bạn sẽ hiểu ngay điều tôi muốn nói tới là gì.
Con nói: "Con không thích ăn cà rốt".
Bạn trả lời: "Sao có thể thế được, cà rốt rất ngon, cũng rất bổ cho cơ thể! Nào, ăn một miếng đi, nhất định phải ăn!"...
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Trẻ con không được kén ăn, cái gì cũng phải ăn! Như thế mới có thể phát triển cao được!".
Con nói: "Học môn Toán chán chết đi được!".
Bạn trả lời: "Sao có thể chán được chứ, môn Toán rất quan trọng! Sau này con thi đại học...".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Chán cũng phải học! Không học sau này làm sao mà thi đỗ đại học được".
Con nói: "Con sợ ngày mai thi không đỗ".
Bạn trả lời: "Thi không đỗ thì thôi, chẳng sao cả! Chỉ cần con cố gắng, kết quả của cuộc thi không phải là quan trọng nhất".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Tại sao lại không thi đỗ? Có phải tại con không chăm chỉ học hành, không chú ý lắng nghe cô giáo giảng bài không?".
Con nói: "Con không được chọn vào ban cán sự lớp, buồn quá!".
Bạn trả lời: "Việc đó thì có gì phải buồn, thực ra, không được chọn vào ban cán sự lớp càng tốt, chúng ta có thể tập trung tinh thần vào việc học hành".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Điều đó chắc chắn vì biểu hiện của con chưa đủ tốt, lần sau cần phải cố gắng hơn, nếu không người ta vẫn sẽ không chọn con đâu!".
Các bạn có thể tưởng tượng được kết quả của những cuộc trò chuyện như vậy là thế nào không? Trẻ sẽ oán hận rằng bố mẹ không hiểu mình, mình thật sự không có cách nào để trò chuyện tử tế với họ; còn những bậc làm cha làm mẹ thì lại buồn bã đau lòng than, tôi đã cố hết sức để hiểu nó rồi, thằng bé này sao mà khó bảo đến thế, khó trò chuyện đến thế!
Thực ra, hoàn toàn không phải trẻ khó dạy dỗ hay không muốn trò chuyện tâm sự với bố mẹ, mà trong quá trình nói chuyện, trẻ không cảm nhận được cái "tiếp nhận" đến từ chính bố mẹ mình, đặc biệt là sự tiếp nhận đối với mặt cảm xúc của trẻ. Nhanh chóng uốn nắn hoặc lập tức phủ định sẽ khiến trẻ cảm thấy cách nghĩ, cảm nhận, tình cảm của "mình" chẳng quan trọng gì, bố mẹ chỉ coi trọng cách nghĩ của chính họ mà thôi, đồng thời còn muốn "cậy lớn bắt nạt bé" mà gán ghép cái cách nghĩ ấy lên người mình. Cho nên có rất nhiều đứa trẻ đã "giận" đến mức không còn muốn nói ra suy nghĩ trong lòng mình nữa.
Vậy thì kỹ xảo trò chuyện thể hiện được lòng thấu hiểu là gì?
Con nói: "Con không thích ăn cà rốt!".
Bạn nói: "Ồ, con không thích ăn cà rốt (tiếp nhận ý kiến của con), tại sao thế? Con không thích vị của nó, hay là? (Lắng nghe suy nghĩ của con)".
Con nói: "Học Toán chán chết đi được!".
Bạn nói: "Trời ơi, hồi còn đi học mẹ cũng vô cùng không thích học môn Toán (biểu hiện sự đồng cảm), sao con cũng không thích học môn này thế? (lắng nghe ý kiến của con)".
Con nói: "Con sợ ngày mai làm bài kiểm tra không tốt!".
Bạn nói: "Ừ, trước khi kiểm tra ai cũng có tâm lý lo sợ như vậy (bày tỏ sự thấu hiểu), thế con lo lắng về cái gì? (lắng nghe cảm nhận của con)".
Con nói: "Con không được chọn vào ban cán sự lớp, con buồn quá!".
Bạn nói: "Ừ, không buồn mới là lạ ấy (bày tỏ hoàn toàn hiểu và tiếp nhận điều con nói), con buồn như vậy, thế bây giờ mẹ phải làm thế nào để khiến con vui lên một chút đây? (lắng nghe yêu cầu của con)".
Bạn cảm thấy nghe cuộc trò chuyện như vậy có thoải mái hơn một chút không? Nếu như trò chuyện với chồng, với vợ, với cấp trên, có phải bạn cũng mong muốn họ lắng nghe mình với một thái độ đồng cảm thấu hiểu như thế không? Cho nên không chỉ trẻ con mong muốn chúng ta trò chuyện với chúng bằng một tấm lòng thấu hiểu, mà cho dù là nói chuyện với những người lớn, cái kỹ xảo này vẫn hữu dụng như thế!
• Sau khi thấu hiểu, nhất định phải học cách lắng nghe
Sau khi thể hiện sự thấu hiểu những gì trẻ nói, nếu như chúng ta đặt câu hỏi yêu cầu trẻ trả lời, thì chúng ta phải học được cách nhẫn nại (còn phải biết cách khống chế bản thân), cho phép trẻ được tự do nói hết những điều trong lòng mình, đồng thời phải thật sự chăm chú lắng nghe trẻ nói.
Bản thân tôi cũng là một người mẹ, tôi biết những bà mẹ lúc nào cũng vội vàng, tùy tiện muốn chỉ bảo cho con, để con không mắc lỗi và không phải chịu tổn thương gì. Thế nhưng rất nhiều khi, điều trẻ mong muốn nhất lại chính là sự lắng nghe của bố mẹ, đồng thời trong sự lắng nghe mang lại cảm giác an toàn, trẻ mới có thể yên tâm, thành thực mà kể về những điều trong lòng mình, chúng ta mới có thể biết được trong suy nghĩ non nớt của con rốt cuộc đang chứa những gì.
• Bí quyết đầu tiên cần có trong việc lắng nghe chính là "chuyên tâm", nhìn vào mắt đối phương mà nói
Đầu tiên tôi muốn dựng nên một cuộc hội thoại để các bạn xem xem:
Cô vợ vui vẻ về đến nhà: "Anh yêu, em nói cho anh một tin vô cùng vui nhé, hôm nay trong cuộc họp, sếp đã khen em trước mặt bao nhiêu người, ông ấy nói em là người có tính sáng tạo nhất trong toàn công ty đấy!".
Anh chồng tiếp tục nhìn vào màn hình máy vi tính, nhưng cũng thể hiện sự vui mừng đáp lại: "Thế à? Thế thì tốt quá rồi!".
Cô vợ đi đến phía sau chồng, vòng tay ôm lấy đầu chồng, tiếp tục vui vẻ nói: "Em cảm thấy bản thân mình cũng thật sự rất sáng tạo, anh không biết bản kế hoạch ấy em viết xuất sắc như thế nào đâu!".
Anh chồng ngẩng đầu, khẽ thơm vào má vợ, rồi lại tiếp tục nhìn vào màn hình máy vi tính, nhưng vẫn thể hiện niềm vui, nói: "Ừ, anh đã nói với em rồi mà, bản kế hoạch đấy rất xuất sắc".
Cô vợ không có ý buông tay ra, tiếp tục ôm lấy cổ chồng: "Thế ư? Em thật sự rất vui, cuối cùng cũng có chút cảm giác thành công rồi!".
Anh chồng xoa xoa cánh tay vợ, tiếp tục nhìn màn hình máy vi tính, nói: "Vậy thì tốt! Em vui anh cũng cảm thấy rất vui!".
Cô vợ thu lại vẻ hưng phấn, lấy lại tinh thần: "Ôi! Anh có thể nhìn em mà nói không? Sao em có cảm giác như anh chẳng mấy để ý đến, có phải anh không hy vọng em đạt được thành tích không?".
Cuối cùng anh chồng cũng dời ánh mắt khỏi chiếc máy vi tính, nhìn vào mắt vợ, có chút giận dữ, nói:
"Em đang nói linh tinh cái gì đấy? Thế nào gọi là anh không muốn em thành công?".
Tình huống tiếp theo không cần tôi nói, các bạn cũng có thể đoán được một hai phần!
Đoạn hội thoại trên không phải do tôi hư cấu ra, mà nó thực sự xảy ra giữa tôi và con trai, cũng là một lỗi của tôi mà ngày bé con trai hay oán giận trách móc nhất - mẹ lúc nào cũng không chú ý mà cứ trả lời con cho có lệ thôi.
• Bí quyết thứ hai cần có trong việc lắng nghe
Nếu như bạn cảm thấy anh chồng này thật chẳng hiểu chút gì về phép lịch sự và nghệ thuật giao tiếp, vậy thì hãy tiếp tục xem trường hợp hội thoại dưới đây:
Con trai phấn khích từ phòng học chạy ra: "Mẹ, mẹ, mẹ ơi, mẹ nhìn này, đây là tác phẩm thủ công con làm đấy!".
Mẹ đang đứng trước bàn học, trước bồn rửa bát, trước máy giặt..., cúi đầu xuống nhìn món đồ thủ công trên tay con trai, rồi lại quay đi tiếp tục bận rộn với mớ công việc của mình, nói, "Ừ, con làm giỏi lắm, đẹp lắm, con đúng là một cậu bé có tài!".
Con trai tiếp tục vui mừng, nói vẻ kiêu ngạo, "Mẹ, mẹ, mẹ nhìn xem, cái căn phòng này của con còn có thể hoạt động nữa đấy!".
Mẹ tiếp tục bận rộn với công việc đang dang dở trong tay, "Ừ, đẹp lắm!".
Con trai bỗng cảm giác như mẹ mình không mấy để ý, bĩu môi lên, nói: "Mẹ, mẹ chẳng chú ý nghe con nói gì cả, mẹ toàn trả lời con cho có lệ thôi!".
chính là dùng ngôn ngữ cơ thể một cách thân thiết Cúi người, quỳ xuống, ngồi xuống, ôm con, nhìn vào mắt con, nắm bàn tay nhỏ bé của con, ôm lấy bờ vai con, xoa đầu con, vuốt tóc con, nghe con tâm sự.
Có một bộ phim do Meryl Streep làm diễn viên chính tên gọi Mamma Mia, trong phim có một cảnh khiến tôi lần nào xem cũng thấy vô cùng cảm động, bây giờ dường như cũng vẫn hiển hiện rõ mồn một trước mắt tôi. Đó là vào một buổi sáng, khi cô con gái do diễn viên Julie Walters thủ vai về nhà chồng, bà mẹ của nhân vật do Meryl Streep thủ vai chải tóc trang điểm cho cô dâu trong phòng. Trước ống kính, cô con gái làm nũng vùi mình trong lòng mẹ, để mẹ quét lớp sơn móng lên móng chân mình. Cảnh quay ấy đã thực sự lột tả được tình cảm sâu sắc giữa mẹ và con gái, mặc dù qua màn ảnh nhỏ nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được một thứ tình cảm mãnh liệt ở đó. Đây cũng chính là một cách thức giao tiếp với nhau mà tôi vô cùng ngưỡng mộ - trao yêu thương nồng đượm bằng chính ngôn ngữ cơ thể vô cùng thân thiết.
Cho nên, nhân lúc con còn bé, nhân lúc con còn bằng lòng để chúng ta ôm trong vòng tay, nhân lúc con còn muốn nói với bố mẹ về mọi thứ, hãy đừng lãng phí thời gian, mà hãy ra sức tận hưởng nó! Quần áo có thể ngày mai giặt, công việc có thể làm bù sau, nhưng tình cảm thân thiết của con cái thì chỉ cần chúng ta lơ là một chút thôi là nó sẽ hoàn toàn biến mất.
• Còn nữa, cần phải chú ý lịch sự, không nên chế giễu trẻ
Những đứa trẻ không phải nhỏ lắm mà đang ở độ tuổi nhỡ nhỡ vô cùng mẫn cảm, lòng tự tôn cũng rất cao, chỉ cần người lớn lộ ra ý "buồn cười", đều sẽ có khả năng bị chúng hiểu thành cười chế giễu, khiến cho nhịp cầu giao tiếp bị đứt đoạn. Vì vậy, nếu như trẻ nói ra câu gì ấu trĩ, khiến người khác kinh ngạc thậm chí là lo lắng, nhất định người lớn phải học được cách mặt không chút biến sắc, tiếp tục lắng nghe trẻ nói tiếp, đồng thời cũng phải học được cách khống chế bản thân, không được lập tức uốn nắn hay quở mắng, chờ cho trẻ tâm sự hết rồi, cuộc trò chuyện cũng xong rồi, chúng ta hãy tìm thời gian và phương pháp mà từ từ dạy dỗ trẻ.
Năm con trai tôi mười lăm tuổi, kỳ nghỉ hè, nó trở về từ nước Anh, trong lần nói chuyện đầu tiên, tôi giả bộ tùy ý hỏi con: "Con có bạn gái chưa?". Con trai tôi nghiêm túc suy nghĩ như một chuyện gì đó lạ lắm, rồi trả lời: "Con vẫn chưa có, nhưng con đã từng hôn sáu bạn nữ rồi ạ!". Khi đó, vừa nghe xong, thiếu chút nữa là lộn nhào từ trên ghế xuống, thế nhưng tôi không dám thể hiện ra bất cứ một phản ứng nào, chỉ cố tỏ vẻ vô cùng tự nhiên, hỏi: "Thế cơ à? Hôn hẳn sáu bạn nữ rồi cơ đấy. Thế sau này thì thế nào?". Con đáp lời: "Không có sau này đâu ạ! Dù sao bọn họ đều rất xấu!".
Thế là, trong thời gian tiếp theo, con trai bắt đầu miêu tả những đặc điểm khó coi của mấy bạn nữ này, có bạn thì mụn mọc quá nhiều, có bạn mông lại quá lớn, có bạn răng hơi nhô ra ngoài, còn tôi vẫn cứ chăm chú bàn bạc cùng con trai, cười ngặt nghẽo mà nghe con miêu tả một cách cường điệu hóa, cho đến tận cuối cùng, tôi mới nhẹ nhàng bảo, "Mà này! Con biết sau khi hôn không thể tiếp tục làm gì rồi chứ?". Con trai tôi đáp: "Mẹ yên tâm, con biết, con cũng đâu phải kẻ ngốc, thầy giáo chúng con cũng nói rồi, chúng con bây giờ còn rất nhỏ, vẫn chưa thể chịu trách nhiệm được!".
• Nếu như cánh cửa giao tiếp từ từ đóng lại, có thể dùng phương pháp "xin trẻ chỉ bảo cho mình" để mở cánh cửa ấy ra
Phương pháp này rất có hiệu quả đối với trẻ ở lứa tuổi mười tuổi trở nên. Không chỉ một lần tôi đã truyền cho các bậc phụ huynh bị con đẩy ra bên ngoài, không muốn tâm sự cùng cái phương pháp này, và cũng rất nhiều lần đạt hiệu quả.
Bạn có thể tìm một vấn đề trong cuộc sống hoặc trong công việc khiến bạn cảm thấy khó xử, chọn một khoảng thời gian hơi dài một chút, sau đó đến thỉnh giáo con một cách trịnh trọng và nghiêm túc, hỏi con xem, nếu như bây giờ con đứng ở cương vị bố mẹ thì con sẽ làm thế nào. Thông thường khi nhìn thấy bố mẹ gặp phải khó khăn gì đó, con sẽ tuyệt đối ngay lập tức bằng lòng đưa tay ra để giúp đỡ bố mẹ. Áp dụng phương pháp này có mấy điều lợi sau đây:
Thứ nhất, vì việc này mà con cái biết được công việc, cuộc sống của bố mẹ và những vất vả bố mẹ phải chịu trong đó; thứ hai, con cái sẽ cảm thấy rất tự hào, cảm thấy bản thân mình thật có giá trị, là một người có cống hiến cho gia đình và bố mẹ; thứ ba, con cái sẽ cho rằng bố mẹ đang coi trọng mình, thừa nhận khả năng của mình. Điều này đối với trẻ mà nói, nó là một sự đề cao bản thân vô cùng quan trọng; thứ tư, bạn có thể mở được cánh cửa cùng con tâm sự và trao đổi mọi việc.
Thế nhưng, làm như vậy hoàn toàn không phải chỉ vì muốn nói chuyện được với con, mà chính là thỉnh giáo và bàn bạc một cách thực sự. Chính vì thế, khi con đưa ra cách nghĩ và cách giải quyết của mình, chúng ta nhất định phải khiêm tốn lắng nghe, thành thật thảo luận cùng con cái, mặc dù phương pháp con đưa ra hoàn toàn không thể dùng được, cũng phải cùng nhau đưa ra được kết luận cuối cùng sau quá trình bàn bạc, mà không thể ngay lập tức phủ định hoặc lật ngược lại vấn đề một cách chủ quan. Trên thực tế, rất nhiều khi sau khi bàn bạc và thỉnh giáo ý kiến của con cái, những bậc làm cha làm mẹ sẽ thật sự kinh ngạc khi nhận ra sự trưởng thành và hiểu chuyện của con, phát hiện ra bất tri bất giác con mình đã trưởng thành từ bao giờ, đã có cách suy luận và cách giải quyết vấn đề của riêng mình rồi. Đối với bậc làm cha làm mẹ mà nói, đây cũng chính là niềm vui và niềm an ủi vô cùng to lớn.
• Thiết lập một khoảng thời gian trò chuyện thân mật và yên tĩnh
Sau khi con trai sang Anh học ở trường nội trú từ năm mười tuổi, thời gian mẹ con tôi gặp mặt càng ngày càng ít, chứ đừng nói đến thời gian ngồi tâm sự với nhau. Để không ảnh hưởng đến tình cảm của chúng tôi, tôi đã sắp xếp một khoảng thời gian thân mật với tên gọi "Buổi tâm sự chân tình nồng thắm của hai mẹ con". Mỗi lần đến Anh ở cùng con mấy ngày, hoặc là con được nghỉ phép về thăm nhà, chúng tôi nhất định sẽ lại có khoảng thời gian dành cho "Buổi tâm sự chân thành nồng thắm của hai mẹ con" phải đến mấy lần. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi không hề làm bất cứ việc gì, chỉ nằm trên giường tâm sự với nhau mà thôi, mải trò chuyện có khi đến mấy tiếng đồng hồ trôi qua, thậm chí có khi trò chuyện suốt đêm, không chợp mắt chút nào. Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, điều mà tôi tự hào nhất chính là, bất luận là trong công việc hay trong cuộc sống và tình yêu, mẹ con chúng tôi dường như chẳng còn lời nào là chưa nói cả.
Cho nên, nếu như bạn có được cái may mắn là ngày ngày được nhìn thấy con của mình, vậy thì hãy bớt chút thời gian để mẹ con tâm sự thân mật với nhau, mỗi ngày một lần, mỗi tuần một lần, thậm chí mỗi tháng một lần cũng được, chỉ cần trong khoảng thời gian này, bạn không bị phân tâm, không bận rộn với chuyện đông chuyện tây, mà đặt toàn bộ tinh thần, sự chú ý vào con mình, trả lời mọi thắc mắc của con, đáp lại tình cảm của con, lắng nghe những phiền não của con, chia sẻ niềm vui với con. Như vậy, năng lượng của sự thấu hiểu, tình cảm, an ủi động viên mà khoảng thời gian mẹ con thân thiết tâm sự với nhau mang đến sẽ đủ để giúp con ứng phó được với những áp lực nặng nề trong học tập và trong quan hệ giữa người với người, đồng thời cũng đạt được sự tự tin và cảm giác an toàn đủ đầy.
Học cách khen ngợi
Hồi tôi còn nhỏ, đại đa số những người lớn Trung Quốc đều không biết khen ngợi con cái, "chiều quá khiến con hư" chính là xu hướng nhận thức chủ yếu về giáo dục khi đó, cho nên những người không có quá nhiều lời khen và sự động viên như chúng tôi, ai cũng đều nhút nhát, thiếu tự tin. Thế nhưng, khi nền văn hóa phương Tây đang dần dần du nhập vào nền văn hóa phương Đông như hiện nay, sau khi những chuyên gia nghiên cứu về giáo dục phụ huynh và con cái cuối cùng đã khiến cho các bậc làm cha làm mẹ Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của việc ngợi khen con cái, tình hình dường như lại có chút "không đạt được kết quả như mong muốn". Việc đã làm không sao thu lại được nữa, khiến cho ngày nay không những có những đứa trẻ không có sự tự tin, mà còn có những đứa trẻ luôn tự cho là mình đã hoàn thành xuất sắc công việc, mà không có cách nào đối diện với thất bại hay giải quyết những khúc mắc gặp phải.
Cũng giống như cách nhìn nhận của rất nhiều nhà Tâm lý xã hội học về hiện tượng này, tôi cho rằng, các bậc phụ huynh thời hiện đại đã mắc phải một sai lầm khác, đó chính là "ngợi khen quá độ" hoặc "ngợi khen không thỏa đáng", họ đã nhầm lẫn giữa chỉ bảo một cách yêu thương với tán thưởng ngợi khen một cách tràn lan, không có chừng mực, cho nên mới khiến cho con cái đánh mất đi khả năng đối mặt giải quyết với những việc không mấy hoàn hảo trong chính môi trường được ngợi khen tràn lan ấy.
Chính vì thế học cách khen ngợi cũng là một trong những bài học quan trọng mà bố mẹ cần phải học.
• Ngợi khen cần phải "nói có sách mách có chứng", cũng chính là cần phải khen được vào "đúng chỗ"
Đây là điều tôi thường xuyên nói với những nhân viên kinh doanh khi học tiết Tâm lý học tiêu dùng - phạm vi khen ngợi quá lớn đồng nghĩa với việc không hề khen ngợi. Trong một xã hội có thể cởi mở, tự do bày tỏ tình cảm của mình như ngày hôm nay, khen ngợi và tiếp nhận khen ngợi đã trở thành việc hết sức bình thường, bởi thế ngợi khen luôn luôn mất đi khả năng và sức mạnh vốn phải có của nó.
Trước tiên chúng ta hãy xem hai đoạn hội thoại dưới đây:
Mẹ nói: "Ôi! Bức tranh này vẽ đẹp quá!".
Mẹ nói: "Ôi! Bức tranh này vẽ đẹp quá! Mẹ thích nhất cái cây này, con nhìn xem, cái lá vẽ mới đẹp làm sao, mẹ có thể cảm nhận được dáng vẻ như đang đung đưa trong gió của chúng! Mẹ cũng rất thích cách dùng màu của con".
Mẹ nói: "Gần đây con thể hiện rất tốt!".
Mẹ nói: "Hôm đó ở trong trường mẹ thấy con nói chuyện cùng bạn, mẹ thực sự cảm thấy rất tự hào về con. Mẹ đã nghe thấy con biết hỏi thăm mẹ bạn ấy đang bị bệnh, khi đó mẹ cảm thấy con đã trưởng thành thật rồi, tương lai nhất định con sẽ trở thành một người biết giúp đỡ người khác".
Bạn đã nhìn ra chưa? Nếu như khi khen ngợi người khác, chúng ta có thể nói rõ được nguyên nhân cụ thể, nói rõ về lý do khiến tôi phải khen bạn, vậy thì lời khen của bạn sẽ khiến cho người được khen ngợi cảm nhận được đây không phải là lời khách sáo, trống rỗng chẳng có ý nghĩa gì, mà là lời ngợi khen xuất phát từ trái tim chân thành. Đối với người được khen ngợi mà nói, đây là một việc vô cùng cảm động và vui mừng. Ngoài ra, nếu như chúng ta có thể nói ra lý do cụ thể, còn có thể khiến cho người được khen biết rằng bạn đánh giá cao phần nào của người đó, điều này không chỉ khiến người đó có thêm tự tin vào bản thân mình, mà còn muốn tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phần được đánh giá cao đó.
Còn về những lợi ích mà cách ngợi khen như vậy mang đến cho trẻ thì tôi tin rằng không cần tôi phải nhiều lời thêm nữa, các bạn nhất định cũng sẽ hiểu. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, trong cả cuộc đời, mỗi một đứa trẻ đều đang tìm kiếm sự tán thành của bố mẹ, dù ít hay nhiều. Mà khi trẻ lên năm hoặc sáu tuổi, cái khát khao được bố mẹ tán thành ngợi khen này đã bắt đầu phát triển một cách rõ rệt, cho nên trong thời gian này, nhất định phải cố gắng hết sức để làm hài lòng chúng.
• Cho nên, khen ngợi "đúng chỗ" chính là nói nhiều, chi tiết một chút, đồng thời phải nói ra cảm nhận của bản thân mình
Một người bất kể tuổi tác có lớn thế nào cũng đều muốn nghe người khác khi khen ngợi mình có thể nói chi tiết hơn một chút. Ví dụ như, khi khen một người con gái xinh, bạn nói rằng: "Cô thật là xinh đẹp!". Cô gái đó nghe xong sẽ thấy rất vui mừng nhưng có thể sẽ nghĩ là bạn đang nói khách sáo, hoặc là an ủi cô ấy. Thế nhưng, nếu như bạn nói rằng: "Cô thật là xinh đẹp, đặc biệt là đôi mắt của cô, vừa đen vừa sáng, lông mi dài, mỗi lần nói chuyện với cô, tôi đều không thể không nhìn vào đôi mắt ấy, chúng thật sự là rất đẹp". Tôi cam đoan rằng, nghe thấy bạn khen như vậy, từ đó cô gái ấy sẽ rất tự tin với đôi mắt của mình, đồng thời cô ấy cũng rất muốn được kết bạn với bạn.
Cho nên, mỗi lần muốn ngợi khen con cái, nhất định bạn cần phải cố gắng hết sức mà nói ra chi tiết điều gì của con cái đáng để bạn khen, đồng thời cố gắng miêu tả nhiều thêm về niềm vui và niềm tự hào mà bạn cảm nhận được vì một số ưu điểm ấy của con cái. Đối với trẻ mà nói, ngoài hai điểm tốt mà tôi đã trình bày ở trên - cảm nhận được sự tự tin chân thật và phát huy sự tự tin ấy, thì trẻ cũng sẽ vì điều đó mà hiểu về cách nhìn nhận và đánh giá những sự việc xung quanh của bố mẹ, đồng thời cũng hiểu được bố mẹ hy vọng trẻ sẽ làm được điều gì.
• Khen ngợi đúng chỗ cũng có thể luyện tập mà thành, cả người lớn và con cái đều cần thiết phải học
Khi con trai còn nhỏ, tôi thường xuyên dạy con chơi một trò - "so tài ngợi khen". Tôi để con trai chọn ra một người mà nó muốn khen ngợi nhất trong tuần qua, có thể là anh họ, chị họ, thậm chí là em họ, cũng có thể là bà nội, bà ngoại hoặc ông ngoại, có thể là bạn cùng lớp, hoặc cũng có thể là bố, là mẹ. Còn tôi, tôi cũng sẽ chọn ra một người mà mình muốn khen ngợi.
Tiếp theo mẹ con chúng tôi mỗi người lấy một tờ giấy, rồi viết lên đó lý do mà chúng tôi khen ngợi người đã chọn, sau đó chúng tôi bắt đầu tiến hành cuộc thi biện luận, xem xem người mà ai bình chọn để khen ngợi có lý do để trở thành "Ngôi sao được ngợi khen" trong tuần lễ vừa qua.
Thông qua trò chơi này, trong tất cả các lý do mà con lấy ra khi biện luận, tôi có thể khéo léo biết được con đang để ý về vấn đề gì, nhận thức và đánh giá của con về mọi thứ xung quanh ra sao, biết về nội dung hoạt động của con trong tuần này, trạng thái tình cảm của con, thậm chí cả những điều không vui mà con gặp phải. Ngoài ra, trong quá trình biện luận, tôi cũng có thể dẫn dắt con, giúp con học cách khen thưởng ưu điểm của người khác và "biết nói lời hay ý đẹp", tạo nên một khả năng và một góc nhìn về việc xử lý các mối quan hệ giữa con người với con người sau này cho con.
• Thế nhưng nên nhớ kỹ, khen ngợi kèm theo dẫn chứng cũng phải có chừng có mực, đừng vì cần phải khen ngợi nên khen ngợi
Từ sau khi các nhà chuyên gia nghiên cứu về phương pháp giáo dục cho cả các bậc phụ huynh lẫn con cái khích lệ các bậc làm cha làm mẹ nên khen ngợi con cái nhiều hơn, các bậc phụ huynh Trung Quốc vốn trước giờ không biết khen con cái nay đã vận dụng được điều đó nhưng lại hơi quá độ, để bù lại những chỗ thiếu sót mình đã mắc phải, có những khi họ lại trở thành khen ngợi con quá mức. Ngợi khen tràn lan không có chừng mực ngược lại sẽ trở thành chướng ngại khiến con cái không dám thử bước qua, mãi mãi vẫn chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi.
Tôi xin lấy một ví dụ thường xuyên gặp phải trong các gia đình nhất:
Một bé gái ba tuổi đang vẽ nguệch ngoạc cái gì đó trên bàn trà ngoài phòng khách, trong lúc vô tình đã vẽ nên những hình hoa văn mà ngay đến cả bản thân mình cũng không hiểu nó là thứ gì. Mẹ vừa nhìn thấy, để khích lệ cô bé, bà liền giả bộ kích động vỗ tay khen đẹp: "Vẽ thật giỏi, con gái của mẹ thật thông minh!", bà ngoại ngồi bên cạnh cũng nhìn thấy, bèn vỗ tay tán thưởng theo. Đến chiều bố tan ca về nhà, mẹ vui mừng kể cho bố nghe hôm nay con gái đã xuất sắc thế nào, thế là bố liền vỗ tay khen ngợi con gái một hồi. Bé gái vô cùng vui mừng, tiếp tục vẽ những nét nguệch ngoạc.
Mấy ngày tiếp theo, tình cảnh như vậy vẫn tiếp diễn mấy lần, thế nhưng sau vài ngày liên tiếp vui vẻ vẽ tranh, đột nhiên bé gái cảm thấy mình không còn thích vẽ tranh nữa. Bà và mẹ cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi cô bé: "Chẳng phải con rất thích vẽ tranh đó sao? Tại sao lại không vẽ nữa thế?". Bé gái bĩu môi, quăng chiếc bút màu đi, nói: "Con không thích vẽ tranh!".
Bạn có biết vấn đề có thể nằm ở đâu không?
Lúc đầu, bé gái thực sự cảm thấy rất phấn khởi, cũng cảm nhận được niềm vui mà hội họa mang lại, đồng thời cô bé cũng hiểu rằng, chỉ cần cô bé vẽ tranh là bà và mẹ sẽ rất vui, họ sẽ khen cô bé là đứa trẻ ngoan, tài giỏi và thông minh. Thế nhưng cô bé còn nhỏ tuổi, hoặc cũng có thể do khả năng hội họa của cô bé còn hạn chế, cũng có thể về cơ bản cô bé không biết nên vẽ những gì, và cũng có lẽ vốn dĩ cô bé đã chẳng hề thích thú gì với hội họa cả, cho nên cô bé rất lo lắng, lo lắng nếu như mình không thông minh, không xuất sắc, thì sẽ bị bà và mẹ phát hiện ra, và sau khi phát hiện ra rồi, họ sẽ không yêu quý cô bé nữa. Chính vì thế, cô bé đã cự tuyệt với việc vẽ tranh, đồng thời nói rằng bản thân không hề yêu thích bộ môn Hội họa, tránh việc tiếp tục vẽ sẽ để lộ nhược điểm của mình thì thật là rắc rối!
Do đó, rất nhiều đứa trẻ lúc đầu yêu thích chơi đàn, nhưng sau này cứ học mãi học mãi, bỗng cảm thấy không thích chơi đàn nữa; yêu thích hội họa, nhưng cứ học mãi học mãi rồi lại không thích nữa; thích trượt patin, sau này ngay đến cả đôi giày trượt patin cũng chẳng buồn chạm tới thêm lần nào nữa. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân khiến những đứa trẻ này mỗi khi được bố mẹ nhắc tới thì đều là "thật khiến người ta phải quan tâm nhọc lòng, dù làm cái gì, học cái gì chúng cũng không hề có chút kiên trì nhẫn nại", rất có khả năng chính do sự ngợi khen thái quá của chúng ta, sự ngợi khen không chút chừng mực đã khiến chúng trong lòng lo âu thấp thỏm.
• Cho nên, khen ngợi cũng cần phải "có chừng có mực", đồng thời cần phải "đầy đủ lý do"
Một bé gái ba tuổi đang ngồi vẽ những nét nguệch ngoạc trên bàn trà trong phòng khách, vô tình vẽ ra những hình thù mà ngay đến bản thân cô bé cũng không hiểu đó là thứ gì. Mẹ ngồi bên cạnh nhìn thấy, liền vui mừng nói rằng: "Ôi! Con gái mẹ thật giỏi, con còn biết cầm bút vẽ tranh trên giấy nữa cơ đấy. Bà ra đây mà nhìn cháu này, xem cháu bây giờ đã biết cầm bút mới chắc chắn làm sao! Mẹ nhìn này, màu sắc của cái đường vẽ này thật bắt mắt!".
"Ôi! Con gái mẹ thật giỏi, con còn biết cầm bút vẽ tranh trên giấy nữa cơ đấy!", khen ngợi cô bé thực sự có thành tựu: "Có thể cầm bút vẽ tranh", mà không phải là "Vẽ thật giỏi".
"Bà ra đây mà nhìn cháu này, bây giờ con bé cầm bút mới chắc chắn làm sao!" - đây là thành tích mà trước mắt cô bé có thể đạt được, nếu tiếp tục nỗ lực luyện tập thì sẽ còn có tiến bộ. Do đó mang đến cho cô bé mục tiêu tiếp tục nỗ lực luyện tập.
"Mẹ nhìn này, con bé vẽ màu sắc của đường vẽ này thật bắt mắt!" - đây là khả năng thẩm mỹ đặc trưng không giống ai và vừa sinh ra đã có chứ không bị phụ thuộc vào bất cứ yếu tố môi trường hay giáo dục nào tác động của cô bé, có thêm lý do xác đáng này, cô bé biết được rằng vẽ tranh không chỉ cần vẽ cho thật giống, mà màu sắc đẹp mắt cũng là một trong những yếu tố để tạo nên bức tranh đẹp, và cô bé có khả năng này.
Ngoài ra, tôi cũng rất hy vọng các bậc làm cha làm mẹ có thể hiểu, chúng ta không thể vì để ngợi khen con cái mà "mở to đôi mắt nói lời dối trá". Việc này sẽ đem đến một số kết quả: Thứ nhất, trong lòng trẻ hiểu rất rõ mọi chuyện nhưng không nói ra mà thôi, nếu bạn nói dối trẻ, dỗ dành trẻ, trẻ cũng theo đó mà học cách nói dối hòng dỗ dành người khác; Thứ hai, khen ngợi con cái quá mức, không có chừng mực sẽ khiến trẻ không hiểu rõ vị trí của bản thân mình, sẽ trở nên ngang ngược, không thể ứng phó được với những thất bại chông gai mà không có ai khen ngợi mình cả; Thứ ba, khi trẻ đang thực sự không có khả năng này, vì lời khen của chúng ta, trẻ sẽ rất sợ khiến bố mẹ thất vọng, mất đi tình yêu của bố mẹ, do đó lúc nào cũng lo lắng không yên, như vậy sẽ càng gặp phải những khó khăn khúc mắc.
• Ngoài ra, khen ngợi có rất nhiều cách thức, cách thức khen ngợi khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái nhất mới là cách thức có giá trị nhất
Những đứa trẻ không cùng độ tuổi, không cùng tính cách sẽ có một yêu cầu không giống nhau về khen thưởng, cho nên để khiến việc khen ngợi càng có hiệu lực và càng có sức mạnh, chọn một phương pháp tán thưởng thích hợp cũng là điều vô cùng quan trọng. Có những đứa bé thích được bố mẹ ngợi khen chúng ở trước những nơi đông người, có những đứa trẻ lại cảm thấy vô cùng gượng gạo và xấu hổ nếu bố mẹ làm như thế; có những đứa trẻ thích được bố mẹ động viên khuyến khích bằng vật chất, nhưng lại có những đứa trẻ chỉ thích những cái ôm và những nụ hôn thân thiết tình cảm mà thôi. Những điều này đều có liên quan tới tính cách đặc biệt, vừa sinh ra đã có mà không liên quan đến yếu tố giáo dục hay môi trường bên ngoài tác động của một đứa trẻ, đồng thời cũng liên quan tới nguyên nhân dẫn đến cảm thụ niềm vui của trẻ.
Cho nên tốt nhất thông thường các bậc phụ huynh cũng nên bàn bạc với con cái về vấn đề này, mọi người đều nói về cách nghĩ của mình, xem xem con cái thích cách thức khen ngợi nào nhất, và cách thức nào chúng ta thích nhất. Khi cả người lớn và con trẻ đều biết đối phương thích nhất phương pháp tán thưởng nào và cách nào là hữu dụng nhất rồi, chúng ta sẽ không áp đặt sở thích của bản thân lên người khác, đồng thời việc khen thưởng mới phát huy được sức mạnh và công hiệu lớn nhất của nó.
Khi tôi học đại học năm thứ ba, lúc thực tập trong lớp phụ đạo của một trường học quốc tế, có một lần lớp phụ đạo phối hợp với trường tổ chức hoạt động du xuân, đó là tổ chức một cuộc leo núi Dương Minh. Khi đó, ngoại trừ các cán bộ lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Đài Loan công tác ra, thì phụ huynh học sinh của trường quốc tế ấy cũng có rất nhiều người học thức đã từng du học ở nước ngoài sau đó quay về nước lập nghiệp đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Trưa hôm đó, chúng tôi đưa theo mấy chục học sinh tiểu học đến ăn cơm dã ngoại ở một khu cắm trại trên nền cỏ xanh mượt như nhung. Sau khi ngồi xuống ổn định rồi, bọn trẻ rất nhanh chóng lấy từ ba lô ra những hộp cơm ăn trong buổi dã ngoại đã được người lớn chuẩn bị sẵn từ sáng, thế nhưng duy nhất chỉ có một cậu bé đang học lớp Hai cứ chần chừ không muốn lấy hộp cơm ra ngoài.
Tôi bèn lặng lẽ dẫn cậu bé đó đến dưới một gốc cây lớn phía sau đám học sinh nọ, quỳ xuống bên cạnh cậu bé, dịu dàng hỏi cậu bé vì sao không muốn lấy hộp cơm của mình ra. Cậu bé có một bà mẹ xuất sắc, tiếng tăm lẫy lừng khắp trong giới pháp luật, lúc này ngượng nghịu đáp lời: "Bởi vì sáng nay mẹ cháu đã buộc một cái nơ màu đỏ hình con bướm trên hộp cơm của cháu. Trên đường đi, cháu đã tháo mãi mà vẫn không tài nào tháo được cả!". Tôi cố kiềm chế không để lộ ý cười, hỏi vì sao mẹ cậu bé lại thắt hình một cái nơ màu đỏ hình con bướm trên hộp cơm của cậu bé. Cậu bé trả lời rằng, tối hôm qua, trong nhà đã tổ chức cuộc thi học thuộc thơ Đường (mặc dù những đứa trẻ này là người Trung Quốc, thế nhưng lại được sinh ra ở nước Mỹ nên cơ sở tiếng Trung đều rất kém), cậu bé đã thắng em gái mình, vì vậy để khuyến khích động viên cậu bé, đồng thời cũng để bạn bè biết đến niềm vinh quang của cậu bé, nên mẹ cậu bé đã làm một cái biểu tượng bắt mắt thể hiện niềm vinh dự trên hộp cơm của cậu bé. Thế nhưng, cái biểu tượng vinh dự trong mắt mẹ lại là nỗi xấu hổ gượng gạo không muốn thừa nhận của cậu bé tám tuổi này.
Cho nên chúng ta cần lựa chọn phương pháp khen thưởng, khuyến khích và động viên con cái như thế nào? Xin hãy ghi nhớ một nguyên tắc, người được khen thưởng là con trẻ, chứ không phải là những bậc làm cha làm mẹ, cho nên điều kiện tiên quyết của nó là cần phải thỏa mãn được yêu cầu của trẻ, tôn trọng cách nghĩ của trẻ, chứ không phải làm hài lòng yêu cầu và cách nghĩ của cha mẹ.
Học cách dạy bảo
Trong cuốn sách viết cho các bạn nữ Phụ nữ 30+, tôi đã từng kể về một câu chuyện của bản thân. Có lần tôi tham gia chương trình hỏi đáp của đài truyền hình, nói về vấn đề giáo dục gia đình. Khi anh chàng dẫn chương trình trẻ tuổi hỏi tôi rằng tôi có đánh con không, đương nhiên tôi nói thật với anh ấy, "Đánh chứ, nếu như cần thiết, đương nhiên tôi còn phạt con nữa". Kết quả là, trong cả chương trình ngày hôm ấy, không chỉ một lần tôi bị anh chàng dẫn chương trình vốn vô cùng kinh ngạc giễu cợt. Anh ấy năm lần bảy lượt nói rằng: "Người như cô Kim thế này khi đánh con thì thế này, thế nọ...". Khiến tôi ngày hôm ấy quả thực giống như một người phụ nữ ác độc, cay nghiệt ghê gớm vậy, khiến tôi xấu hổ tới mức không sao ngẩng đầu lên được.
Không phải tôi đang bào chữa cho bản thân, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, dạy dỗ con cái chính là trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, cũng chính là một trong những đức tính trời sinh vô cùng đẹp đẽ thể hiện tình yêu của chúng ta với con cái. Nhưng đối với trẻ ở độ tuổi nào đó, "nỗi đau thể xác" thích hợp thực chất lại là một trong những phương pháp mang tính "nhớ lâu", chỉ cần mức độ dạy bảo hoặc dùng cách xử phạt về thể xác có chừng có mực, thích đáng, thì tuyệt đối không đến mức phải tạo thành sự tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần không cách nào phai mờ được đối với trẻ. Ngoài ra, "yêu" và "dạy dỗ" hoàn toàn không hề đối lập nhau, nhất định không được rơi vào sai lầm cho rằng vì "dạy dỗ theo phương pháp yêu thương" mà mặc sức cưng chiều trẻ.
Vậy thì, đứng từ góc độ Tâm lý học nhi đồng ở lứa tuổi cắp sách tới trường mà nói, dạy dỗ như thế nào mới có thể xem là đưa trẻ vào khuôn khổ một cách thích đáng, đồng thời có thể đạt được hiệu quả?
• Đầu tiên, quan trọng nhất chính là: kiên định, kiên định, và kiên định
Rất nhiều phương pháp dạy dỗ đang sắp thành nhưng rồi lại bại, sự thất bại ấy chính là nằm ở vấn đề bố mẹ không kiên định được với nguyên tắc dạy dỗ. Còn nhớ năm đó, khi làm việc ở trung tâm Vệ sinh tâm lý nhi đồng, có một lần chúng tôi tổ chức buổi nghiên cứu và học tập cho các bậc phụ huynh trong tổ chức xã hội, bảo cách cho họ làm thế nào để dạy dỗ con cái. Trên ba mặt tường của hội trường, chúng tôi dán những chữ rất to, một chữ trong đó chính là "Firm" (kiên định), bởi vì tất cả các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục phụ huynh và con cái đều nhất loạt cho rằng, đây chính là nguyên tắc đầu tiên về giáo dục con cái, đồng thời cũng là nguyên tắc các bậc làm cha làm mẹ không dễ dàng gì mà giữ được.
Tôi xin lấy một ví dụ trong cuộc sống như sau:
Bố quy định, mỗi hôm sau khi tan học, Tiểu Minh buộc phải làm xong bài tập về nhà rồi mới được ngồi xem ti vi một tiếng đồng hồ. Bình thường, mẹ cũng rất tuân thủ nguyên tắc ấy, thế nhưng hôm ấy bà ngoại vốn đã lâu rồi không gặp ở quê đến chơi, sau khi Tiểu Minh tan học về nhà, cậu ngồi luôn ở phòng khách cùng bà vừa ăn đồ, trò chuyện, vừa xem ti vi, cho nên đến tận trước khi đi ngủ, Tiểu Minh mới vội vàng làm xong bài tập về nhà ngày hôm đó.
Sau vài hôm, bà ngoại về quê, vừa tan học về nhà, Tiểu Minh liền đặt mông xuống sô pha, bật ti vi lên xem. Thấy thế, mẹ liền không vui nói rằng: "Sao đã ngồi xem ti vi rồi? Chẳng phải bố đã quy định là phải làm xong bài tập về nhà trước rồi mới được ngồi xem ti vi ư?". Tiểu Minh đáp vẻ không để ý: "Mấy ngày trước chẳng phải con cũng xem ti vi trước, sau đó ăn xong cơm mới đi làm bài tập đấy sao? Vả lại, con cũng làm xong bài tập đấy thôi!". Mẹ vô cùng tức giận, cao giọng mắng: "Mấy ngày trước là mấy ngày trước, vì mấy ngày trước có bà tới chơi nên mẹ mới để con ngồi xem ti vi cùng bà một lát, mau, đi làm bài tập nhanh!".
Có thể Tiểu Minh sẽ vẫn tiếp tục ngồi yên tại đó không nhúc nhích chút nào, nhưng cũng cao giọng nói: "Con không đi đâu!", hoặc chẳng chút cam tâm tình nguyện nào một mặt rời khỏi sô pha nhưng một mặt miệng lại không ngừng làu bàu: "Cái gì cũng do bố mẹ quyết định cả, lúc thì thế này, lúc lại thế kia!".
Chúng ta cần hiểu rằng, đối với trẻ mà nói, đặc biệt là những đứa trẻ tuổi còn nhỏ, chúng sẽ không hiểu lắm về mối quan hệ giữa "hoàn cảnh" và "hành động", sự phát triển nhận thức của chúng vẫn không đủ để hiểu cái chân lý "trong một số hoàn cảnh, nguyên tắc có thể thay đổi và điều chỉnh", chính vì vậy, đối với chúng mà nói, thực sự cũng có chút tủi thân, không thể lý giải nổi tại sao lúc thì thế này khi lại thế kia, thậm chí còn có thể phát hiện ra điều sơ suất trên nguyên tắc dạy dỗ. Nếu như trẻ là một đứa bé bướng bỉnh, ngang ngược, vậy thì có khả năng trẻ sẽ trực tiếp chống đối lại, thách thức mọi quyền uy, dò xét điểm mấu chốt của bố mẹ; còn nếu trẻ tương đối ngoan ngoãn và biết nghe lời, vậy thì mặc dù bề ngoài trẻ rất biết vâng lời, nhưng có khả năng trong lòng lại thấy vô cùng tủi thân.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhân tố dễ dàng ảnh hưởng tới sự kiên định trong dạy dỗ nhất chính là cảm xúc của chúng ta. Chúng ta đưa ra một quy tắc, nhưng khi vui, chính bản thân chúng ta có thể sẽ phá hoại nó, lúc buồn bản thân chúng ta cũng sẽ có thể phá hoại nó.
Mẹ đã từng nói với Tiểu Minh rằng, chỉ cần cậu đạt được điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học thì cả nhà sẽ đi khu vui chơi giải trí chơi, sau đó còn được ăn pizza và kem nữa.
Vào lần kiểm tra định kỳ thứ nhất, Tiểu Minh đã được hai điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học, cả nhà đã cùng nhau đến khu vui chơi giải trí chơi, đồng thời còn được ăn cả pizza và kem nữa. Một hai lần tiếp theo, mẹ cũng vẫn thực hiện theo đúng lời hứa đặt ra. Thế nhưng vào buổi sáng hôm ấy khi bảng điểm thông báo kết quả bài kiểm tra định kỳ được đưa đến, mẹ đã phát hiện ra một tin nhắn trên điện thoại của bố khiến mẹ rất không vui. Chiều tới, khi Tiểu Minh tan học về nhà, cậu vui vẻ háo hức khoe với mẹ mình lại được điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học, thế nhưng mẹ không hề trả lời. Tiểu Minh chẳng hiểu tại sao, bèn nhắc nhở mẹ về chuyện cuối tuần gia đình đi khu vui chơi giải trí chơi. Không ngờ mẹ lại quát lên với cậu: "Con chỉ biết đến chơi thôi! Mau đi làm bài tập đi!".
• Tiếp theo dạy dỗ nhất định phải "ngay lập tức" và "kịp thời đúng lúc"
Dạy dỗ chỉ có tác dụng trong một thời gian hạn định, đồng thời càng là những đứa trẻ nhỏ tuổi càng cần phải chú ý đến điểm này. Thứ nhất, khả năng chú ý của trẻ có hạn, nếu như không lập tức và kịp thời đúng lúc tiến hành dạy dỗ, ngay sau khi xảy ra sự việc, trẻ sẽ quên đi hoàn cảnh khi đó, lúc sau dạy bảo thì hiệu quả đạt được sẽ vô cùng thấp, mức độ của lời khuyên nhủ mà trẻ cảm nhận được cũng sẽ vô cùng kém; thứ hai, đã qua một khoảng thời gian rồi, khi trẻ đang cảm thấy vui vẻ, bạn đột nhiên lật lại chuyện cũ, vô duyên vô cớ mà dạy dỗ trẻ một lượt, cũng sẽ làm cho trẻ cảm thấy hoảng hốt và tủi thân, bởi vì có khả năng trẻ đã sớm quên đây là chuyện gì rồi.
Đối với những đứa trẻ lớn hơn một chút mà nói, dạy bảo không kịp thời, để lại sau này giải quyết sự việc cũng sẽ khiến trẻ thấy lo lắng bất an trong lòng, tạo thành thói quen lo lắng đại họa ập xuống đầu, cuối cùng ảnh hưởng đến tính cách và tư duy của trẻ, đây là kết quả chúng ta không muốn phải nhìn thấy nhất.
Tôi còn nhớ khi con trai còn nhỏ, thằng bé vô cùng không thích ăn rau, có một lần gia đình chúng tôi cùng vài gia đình khác nữa tụ hội với nhau, trong bữa ăn, con trai tôi lại mang vẻ khó chịu không chịu ăn rau. Chồng tôi nhìn thấy tình cảnh như vậy, một lời cũng không nói, lập tức đứng dậy đưa con rời khỏi nơi ấy. Bố con hai người rời khỏi cuộc họp mặt tầm hai mươi phút, khi quay trở lại bàn ăn, con trai tôi đã ngoan ngoãn ăn hết một đĩa rau to. Tôi len lén nhìn khuôn mặt con trai, khuôn mặt ấy không có vết tích đã từng khóc, thế nhưng thần sắc thì thể hiện rõ rằng vừa bị dạy dỗ một trận. Sau khi xảy ra sự việc, tôi vẫn luôn không hỏi sau khi hai người đi ra ngoài đã xảy ra chuyện gì, chỉ làm bộ như không có chuyện gì xảy ra mà tiếp tục ăn cơm, còn con trai cũng giả bộ như không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục ăn cơm, nhưng cũng từ hôm ấy, con trai tôi đã bắt đầu ăn rau.
Tối hôm đó sau khi về nhà, tôi hỏi chồng xem khi hai người ra ngoài đã xảy ra chuyện gì. Chồng tôi nói rằng đã đưa con trai đến một công viên nhỏ cạnh nhà hàng, rồi bảo con trai ngồi xuống trên một chiếc ghế trong công viên, sau đó trịnh trọng một cách lạ thường, cũng rất nghiêm túc mà hỏi con: "Con có biết vì sao người ta nên ăn rau không?". Con trai gật gật đầu, ra vẻ khoe mẽ và cố tỏ ra thông minh nói một tràng về những điều lợi khi ăn rau. Con trai nói xong, bố liền xịu mặt xuống nói: "Tốt, con đã biết tác dụng của việc ăn rau như vậy, vậy bây giờ chúng ta hãy quay lại bàn ăn và ăn rau thôi. Nếu như con không ăn, chúng ta sẽ tiếp tục ra ngoài một lần nữa, nhưng nếu như phải tiếp tục ra ngoài, bố sẽ đánh con!". Nghe lời đe dọa nghiêm túc của bố, đồng thời nghe có vẻ như là lời nói thật, con trai tôi đã nghe lời mà quay về bàn ăn ăn rau!
Trong các cửa hàng tổng hợp, tôi rất sợ khi nghe thấy những bà mẹ dọa nạt con như thế này: "Con mà không ngoan, xem về nhà mẹ bảo bố con như thế nào!". Chúng ta không cần thiết phải dọa nạt con cái như vậy (trên thực tế, dọa dẫm như vậy cũng chẳng có tác dụng gì, con vẫn cứ không ngoan như vậy, thậm chí có khả năng trẻ còn hư hơn, càng khóc càng quấy nhiễu hơn, bởi vì nó bị dọa cho vô cùng sợ hãi), mà chỉ cần ngồi xuống, ôm chặt con vào lòng, thực lòng nói với con rằng, bạn yêu con nhiều như thế nào, sau đó bình tĩnh hòa nhã, từ từ không vội vàng, ngữ khí kiên quyết nhưng tuyệt đối không mang ý uy hiếp hoặc chán ghét mà nói với con, bạn không cho phép con làm như vậy.
Rất nhiều khi, nguyên nhân trừng phạt không thích đáng hoặc dạy bảo không kịp thời của chúng ta là sợ bị mất mặt. Ví dụ như trong cửa hàng bách hóa chúng ta sợ nhất trẻ lại khóc gào không thôi, để dàn xếp ổn thỏa, chúng ta sẽ cố gắng hết sức có thể mà chiều theo yêu cầu của con, sau đó về nhà mới tiếp tục xử lý vấn đề đó. Kỳ thực, tâm hồn của trẻ vô cùng mẫn cảm, trẻ biết rằng cần giữ thể diện chính là điểm yếu của chúng ta, cho nên tr ẻ dùng chiêu đó để kìm hãm chúng ta, đồng thời sau khi thực hiện thành công được một lần, trẻ sẽ ngựa quen đường cũ mà tiếp tục thử lần thứ hai, lần thứ ba, rồi đến lần thứ n. Khi thấy mọi lần thực hiện đều đạt được kết quả, hành động không tốt này sẽ dần dần được thiết lập một cách chắc chắn.
• Thế nhưng, dạy dỗ tức thì đúng nơi đúng lúc nhất định cần phải chú ý đến kỹ xảo, không thể làm nhục con cái hoặc làm tổn thương đến lòng tự tôn của con cái
Nhất định bạn đã từng gặp những cảnh tượng khó coi như thế này: Một bà mẹ dáng vẻ nhếch nhác, hổn hà hổn hển ra sức kéo một đứa bé khóc đến độ đứt hơi khản tiếng ra ngoài, cả người lớn và trẻ nhỏ mặt mũi đều đỏ phừng phừng, đều cảm thấy xấu hổ không sao chịu nổi.
Đứng từ góc độ Tâm lý học phát triển mà xem xét, đứa trẻ từ năm tuổi trở lên đã có lòng tự trọng vô cùng mạnh, do đó trẻ rất dễ dàng bị tổn thương. Cho nên, khi người lớn cho rằng trẻ con như thế làm sao hiểu được chuyện gì, thì chúng sớm đã biết giấu cảm xúc trong lòng rồi. Do đó, khi dạy bảo con cái, chúng ta nhất định cần phải chú ý đến kỹ xảo, ví dụ như, không được mắng trẻ ở chỗ đông người, không được hùng hùng hổ hổ phê bình trách mắng rồi tùy tiện đánh con, không được không lựa chọn lời nói trong cơn thịnh nộ.
Lần trước, dưới sự nhờ vả của một người bạn, tôi đã giải quyết một vấn đề của cậu bé đã học cấp ba rồi. Ở trường, thành tích học tập của cậu bé rất tệ, nhìn thấy rõ rành rành là không thể thi lên đại học được; ở nhà, cậu bé lại hoàn toàn không mở lời trò chuyện cùng bố mẹ, nhiều nhất cũng chỉ trả lời mấy câu ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa như "vâng", "cũng được". Sau hai lần trò chuyện tâm sự cùng cậu bé, tôi đại khái có thể biết được nguyên do vì sao cậu bé lại khép lòng với bố mẹ như vậy. Cậu bé nói cậu bé còn nhớ như in khi mình học lớp Sáu, trong một buổi họp phụ huynh, mẹ bị thầy giáo quở trách đã thẹn quá hóa giận mà lớn tiếng với cậu trước mặt mấy bạn khác: "Tao thật hối hận vì đã sinh ra mày. Có phải mày đã đầu thai nhầm rồi không?". Cậu bé nói khi ấy mình bị làm nhục đến mức không sao có thể ngẩng được đầu lên, trong lòng chỉ cảm thấy rất hận, hận bản thân mình vô dụng, đồng thời cũng hận vì mình lại phải sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy.
Nỗi hận ấy luôn luôn làm bạn cùng cậu bé, mặc dù sau khi sự việc xảy ra mẹ cũng cảm thấy những lời mình nói hơi quá đáng, nhưng đã không còn cách nào có thể xóa nhòa đi cảm giác đau khổ và dấu tích lưu lại như bị tát vào mặt trước mặt bao nhiêu người khi đó của cậu bé. Trong quá trình chỉ dẫn cho các em ở lứa tuổi cắp sách tới trường bao nhiêu vấn đề như vậy, rất nhiều sự tự ti, thành tích học tập kém, tính cách ương bướng hư hỏng và những hành vi bạo lực của trẻ đều có thể tìm thấy vết tích bị người lớn trách phạt, đánh đập, và làm nhục.
Tôi biết các bậc làm cha làm mẹ bây giờ vất vả hơn bậc phụ huynh ngày trước, ngoài những công việc nhà làm mãi không hết, họ còn có áp lực tương đối lớn từ nghề nghiệp. Lúc nào cũng phải bình tĩnh ôn hòa đối mặt với lỗi lầm của con cái, đối với chúng ta thực ra là một môn học rất khó học được. Thế nhưng, gia đình vốn nên là bến cảng vững chắc nhất cho trẻ, bố mẹ vốn nên là bờ vai an toàn nhất cho con cái. Vì những đứa con thân yêu nhất của chúng ta, môn học dù có khó đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng chỉ biết cắn răng học được nó mà thôi.
• Thế nên khi dạy dỗ cần phải tùy theo từng việc mà xem xét, không được để cảm xúc của bản thân xen vào đó
Trong một gian hàng tổng hợp ngoài trời vùng ngoại ô Bắc Kinh, tôi đã từng nghe thấy đoạn hội thoại của cặp cha con ngoại quốc. Khi đó, chúng tôi đang đứng trước một quầy hàng ghi băng đĩa chọn mua những chiếc đĩa DVD. Một đứa trẻ chừng năm tuổi chạy đến bên cạnh bố đang giới thiệu về những chiếc đĩa DVD, nói rằng, "Con muốn mua người máy". Ông bố trả lời rằng, "Ồ, đã đến lễ Giáng Sinh đâu". Đứa bé cao giọng, nói lại một lần nữa, "Con muốn mua người máy". Ông bố đặt chiếc đĩa DVD xuống, nhìn con mà trả lời, "Bố nói rồi mà, đã đến lễ Giáng Sinh đâu". Cậu con trai bắt đầu lớn giọng gào khóc, "Con muốn mua người máy, con muốn mua người máy!". Ông bố nhìn cậu con trai, nói một cách thản nhiên, không lộ chút cảm xúc nào, "Ừ, con mới có năm tuổi, bố đã ba mươi lăm tuổi rồi, con cho rằng bố sẽ nghe con sao?". Đứa trẻ tự cảm thấy chuyện này không mấy hy vọng, bèn thu lại tiếng khóc, quay đầu chạy đi tìm em gái chơi nhanh như một làn khói.
Đứng ở bên cạnh, tôi vô cùng khâm phục người đàn ông này. Anh ta đúng là một "nhà chuyên nghiệp", biết cách làm thế nào để không nổi cáu khi giải quyết vấn đề. Anh ấy đã không hề nổi giận trước sự quấy rầy của con trai, cũng không hề bại dưới tiếng kêu khóc của con trai, không thấy bực dọc cũng chẳng lo lắng, mà chỉ đối xử với con như đối xử với một người lớn, tùy từng việc mà suy xét, khiến con trai hiểu rằng: thứ nhất, vẫn chưa đến lúc được mua người máy; thứ hai, khóc cũng chẳng có tác dụng gì; thứ ba, việc trong nhà do bố lo liệu quyết định.
Rất nhiều khi, hành động ban đầu của trẻ không hề tồi tệ đến mức ấy, nhưng bởi vì trong khi chúng ta giải quyết tình hình, chúng ta đã đặt cảm xúc của bản thân trong đó, nên mới khiến cho vấn đề càng trở nên phức tạp, cuối cùng đến mức không thể nào quay lại được tình hình. Chúng ta nên cố gắng học được cách giữ lại cái bản chất của sự việc lúc đầu, chỉ nhìn thấy tất cả những thứ thuộc về sự việc đang phát sinh như không làm bài tập, đánh nhau với bạn bè trong lớp, chơi điện tử... mà hoàn toàn coi nhẹ và khống chế được cảm xúc vì sự việc ấy mà phát sinh kiểu như: Nếu không làm bài tập về nhà sẽ không thi được vào trường cấp hai tốt, đánh nhau cãi nhau ở trường thì tương lai cũng chỉ là một đứa trẻ hư, chơi điện tử thì sau này chẳng có được thành tích gì cả. Nếu có thể vứt bỏ được hết những cảm xúc trên, chúng ta sẽ không bị chúng làm ảnh hưởng, và từ đó sẽ có thể đối diện với vấn đề một cách khách quan nhất, đồng thời bày tỏ được rõ ràng tâm tư của chúng ta.
Một bà mẹ mệt mỏi trở về nhà từ những bực bội không sao chịu nổi, vừa đặt chiếc túi xách xuống đã bắt đầu rửa tay chuẩn bị nấu ăn. Người mẹ ấy đi vào phòng của Tiểu Minh, nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính, không sao kìm được nỗi tức giận trong lòng: "Làm xong bài tập về nhà chưa?
Sao đã lại lên mạng rồi? Cứ thế này con làm sao mà thi đỗ được? Nếu như không thi được vào trường tốt, con chỉ có thể đi làm thuê làm mướn thôi, dù sao mẹ cũng chả quản con nữa! Rốt cuộc con đã làm bài tập hay chưa!".
Đối diện với sự trách móc nổ ra liên tiếp mang đầy cảm xúc của mẹ, Tiểu Minh giận dữ đến mức không biết phải trả lời ra sao, chỉ có thể nói: "Không quản thì không quản, làm thuê làm mướn thì làm sao chứ, cũng chẳng chết người được!".
Mẹ vô cùng giận dữ trước thái độ không có chí tiến thủ của Tiểu Minh, tiếp tục nói: "Ngày nào mẹ cũng thức khuya dậy sớm, vất vả làm việc như thế là vì cái gì? Nếu như con không thích học hành mà chỉ thích làm thuê làm mướn, vậy được, ngày mai đừng có đi học nữa, mẹ cũng đỡ phải đi kiếm tiền nộp tiền học phí cho con!".
Tiểu Minh tức đến mức vứt cuốn sách trên bàn xuống đất, vùi đầu trên giường, chùm kín chăn, không muốn nói chuyện với mẹ thêm nữa. Trong phòng khách, mẹ cũng tức giận đến nỗi phải gọi điện thoại cho bố, giọng cáu gắt bảo bố về nhà sớm một chút mà dạy dỗ cậu con trai càng ngày càng không biết nghe lời kia.
Thực ra, nếu như mẹ không nổi giận khi vừa nhìn thấy con, khi nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính, mẹ có thể thử kiềm chế tính tình nóng nảy của mình, vứt bỏ cái thành kiến cho rằng "chắc chắn là như vậy", bình tĩnh ôn hòa mà nói một câu đơn giản: "Con lên mạng đấy à?", sau đó lắng nghe xem Tiểu Minh trả lời thế nào, có lẽ như vậy sẽ tránh được tình cảnh chẳng mấy vui vẻ vừa xảy ra.
• Do đó, dạy dỗ không phải là chỉ bảo một chiều, mà cần phải cho con cơ hội để tranh luận và phản bác lại
Tôi biết điều khiến các bậc làm cha làm mẹ Trung Quốc không thể khoan dung nhất chính là con cái dám phản bác lại lời mình, cho rằng như thế có nghĩa là cãi lại, là coi thường và thách thức uy quyền của bố mẹ. Thực ra cách nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm, chúng ta hãy vứt bỏ cảm xúc, mà hãy dùng một lý trí khách quan để suy nghĩ xem, nếu như chúng ta không cho con cái tranh luận, chúng ta làm sao có thể hiểu được đầu đuôi sự việc, làm sao có thể hiểu được trong lòng con đang nghĩ gì, đồng thời cũng làm sao biết được có phải cái cách nghĩ ban đầu của chúng ta là đang hiểu lầm con cái hay không?
Chúng ta cho con cái cơ hội biện bạch và phản bác lại lời mình, không những giúp chúng ta biết được sự thật, mà còn giúp con cái biết rằng giữa chúng và bố mẹ là bình đẳng với nhau, chúng có thể có được sự tôn trọng của chúng ta, cũng có thể có được sự đối đãi công bằng của chúng ta. Xin hãy tin tôi, chỉ cần chúng ta vứt bỏ thành kiến đối với việc con cái cãi lời bố mẹ, để cho con cái có quyền lợi được biện hộ cho hành vi của bản thân, làm như vậy ngược lại có thể giúp con cái học được cách làm thế nào để bình tĩnh, làm thế nào để khống chế cảm xúc của bản thân mà đáp lại sự chất vấn của người khác, việc này cũng giúp ích rất nhiều cho kỹ xảo dạy con cách xử lý các mối quan hệ giữa người và người trong tương lai.
Cho nên khi mẹ với dáng vẻ mệt mỏi nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính ở trong phòng, chỉ cần đi đến gần, dịu dàng xoa đầu con, hỏi nhẹ nhàng: "Con lên mạng đấy à?".
Có khả năng Tiểu Minh sẽ trả lời: "Vâng, con đang làm bài tập ạ. Hôm nay cô giáo lại để bài tập trên blog của cô ấy, con đang xem ạ".
Cũng có thể Tiểu Minh sẽ trả lời: "Vâng ạ, con vừa làm xong bài tập, nên muốn nghỉ ngơi một chút ạ".
Còn có thể trả lời: "Vâng ạ. Hôm nay ở trường vô cùng chán, nên con không muốn làm bài tập, con muốn nghỉ ngơi một chút ạ".
Bất luận câu trả lời của Tiểu Minh có là như thế nào, có phải đều sẽ giúp mẹ theo câu trả lời của con mà tiếp tục trò chuyện với con, tránh được tình cảnh khiến cả mẹ và con đều vô cùng tức giận như ban nãy xảy ra hay không? Quan trọng hơn là có thể khiến con cái dốc bầu tâm sự với mình, thậm chí còn cho chúng ta cơ hội để hiểu thêm về con, giúp đỡ con và an ủi con.
Chính vì vậy, sau này nhất định phải tránh những cách thức trò chuyện như sau:
"Im ngay! Người lớn đang dạy dỗ, đâu có chỗ cho con nói vào!"
"Bây giờ con đã biết cãi lại lời bố mẹ rồi, con có ý kiến riêng rồi, đủ lông đủ cánh rồi phải không?"
"Con thì hiểu cái gì! Cái cầu mẹ qua còn nhiều hơn cả con đường con đi ấy chứ!"
• Cuối cùng, xin hãy hiểu rằng con người chính là động vật có tình cảm, chúng ta đều cần phải được thể hiện cảm xúc
"Không được khóc, động nói đến con là con khóc, con xem có được không?"
"Rốt cuộc con có nhận sai không? Con nói đi xem nào!"
"Mẹ đang nói chuyện với con đấy, con có nghe thấy không? Tại sao một chút phản ứng cũng không có!"
Đây là những lời vô cùng quen thuộc với chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ nhất định không lạ lẫm gì với chúng. Khi chúng ta dạy dỗ con cái, mặc dù đứng địa vị là người trên, có quyền làm chủ và điều khiển người khác, thế nhưng vì quá mệt mỏi, vì thất vọng, và vì những trắc trở gặp phải, cho nên cảm xúc vô cùng nhạy cảm và yếu ớt, trước thái độ biểu hiện cảm xúc của đứa trẻ đang bị trách mắng, chúng ta sẽ có phản ứng nhạy cảm quá mức.
Khi bị trách mắng, đứa trẻ sẽ gào khóc. Có thể trẻ bị đổ oan mà cảm thấy tủi thân, có thể là mắc lỗi nên sợ hãi, cũng có thể là hối hận và thấy buồn bã. Thế nhưng, chúng ta không hề nhìn thấy cảm xúc ấy, thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là trẻ không chịu nhận lỗi, trẻ lấy nước mắt ra để tố cáo, là những tiếng khóc hu hu quấy nhiễu càng khiến chúng ta thấy phiền lòng.
Đứa trẻ bị trách mắng mà không khóc, có thể là do đặc điểm tính cách biết kìm nén cảm xúc, cũng có thể là cố ý đóng kín cảm xúc để bớt phần đau khổ, cũng có thể là thực sự cảm thấy tủi thân nên đã giận dỗi mà chống đối lại. Nhưng chúng ta lại không hề nhìn thấy những động cơ này, thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là trẻ bướng bỉnh không chịu nhận sai, là việc trẻ dùng sự im lặng để chống lại người có vai vế cao, là ánh mắt phẫn nộ khiến chúng ta cảm thấy phần nào mất đi sự tự tin.
Những biểu hiện như thế của chúng ta sẽ khiến trẻ không biết phải làm thế nào, khóc không được, không khóc cũng chẳng xong. Ngoài ra, nếu chúng ta quá nghiêm khắc đối với một đứa trẻ đang ở độ tuổi lớn, thì khi đối mặt với cơn bão cảm xúc ở mặt tiêu cực như vậy, đứa trẻ mà cảm xúc vẫn còn chưa hoàn toàn trưởng thành ấy sẽ khống chế những cơn sóng lớn đang cuộn trào trong lòng, giống như một người không hề gặp phải bất cứ chuyện gì mà thản nhiên đối đáp lại bố mẹ.
"Con nói đi, mẹ dạy dỗ con như thế có đúng không? Sau này con cần phải làm gì? Con nói đi xem nào!"
"Nói đi, sau này có dám nữa không? Con nói đi xem nào!"
"Con nói xem, rốt cuộc hôm nay ở trường đã xảy ra chuyện gì? Con mau nói đi!"
Trời ạ! Có phải chúng ta đang quá tàn nhẫn với một mầm mạ non yếu đuối không?
Do đó, hãy nhớ rằng, khi bị trách phạt chắc chắn trẻ sẽ có cảm xúc, từ góc độ khỏe mạnh về cả thể xác lẫn tâm hồn mà nói, trẻ cũng cần phải được thể hiện cảm xúc này ra bên ngoài, mà cách thức thể hiện cảm xúc của trẻ tùy thuộc vào tính cách của mỗi người mà khác nhau. Có những đứa trẻ nói không chừng còn chưa chạm vào người, mà đã khóc oa oa lên rồi, nói: "Con không dám nữa, con không dám nữa"; cũng có những đứa trẻ bị roi quất trên mông nhưng vẫn cắn chặt răng, không rơi một giọt nước mắt nào. Điều tôi muốn nói ở đây là, cách thức biểu hiện cảm xúc của trẻ không hề liên quan gì tới "phục hay không phục sự trách mắng của bố mẹ", mà chỉ liên quan đến đặc điểm tính cách riêng của trẻ, mà đặc điểm tính cách này, nói xin lỗi, ngoài được di truyền từ bạn ra thì cũng có liên quan đến phương thức giáo dục của bạn đối với trẻ!
Bài học nhỏ
Khi phương thức dạy dỗ con cái của bạn không đồng nhất với phương thức dậy dỗ của mẹ chồng, thì phải làm thế nào?
Khi dạy dỗ con cái, "kiên định" bao gồm kiên định về nguyên tắc và tính đồng nhất trong thái độ dạy dỗ trẻ giữa các người lớn với nhau. Nếu như người lớn có bất đồng trong cách thức dạy dỗ trẻ, đứa trẻ tinh tế nhạy cảm sẽ bắt thóp được điều đó, đồng thời nhất định sẽ lợi dụng nó một cách triệt để.
Nếu như nỗi bất đồng quan điểm này tồn tại giữa vợ chồng với nhau, thì khi đi ngủ hai người có thể thủ thỉ bàn bạc một chút, vấn đề sẽ dễ dàng được giải quyết hơn, bình thường người chồng sẽ vui vẻ mà nhường lại quyền dạy dỗ chủ đạo cho vợ. Thế nhưng nếu như sự bất đồng quan điểm này xảy ra giữa mẹ chồng và con dâu, thì sự bất đồng này về cơ bản chính là hai bên đang "âm thầm phân cao thấp". Về vấn đề tranh giành chủ quyền dạy dỗ trẻ thì lại cần phải có trí thông minh để hòa giải mâu thuẫn này. Thế nhưng, may mà mặc dù giữa mẹ chồng và con dâu tồn tại sự so đo tính toán lẫn nhau nhưng nó đều xuất phát từ tình yêu và sự kỳ vọng dành cho trẻ, thế nên chỉ cần giải quyết thỏa đáng một số bất đồng về phương pháp dạy dỗ trẻ, là có thể dễ dàng hóa giải được mâu thuẫn ấy.
Khi hóa giải những bất đồng, người đầu tiên đứng ra hòa giải phải là người con dâu thuộc thế hệ vãn bối, về tình về lý đều cần gánh vác một trách nhiệm tương đối nhiều ưu tư. Mặc dù người con dâu mới là mẹ của đứa trẻ, song đồng thời cũng là tấm gương cho đứa trẻ noi theo, n ếu như khi đối xử với mẹ chồng để lộ chút không tôn kính bề trên, có những hành động cử chỉ không hiểu chuyện, vậy thì con sẽ "có thế nào học theo thế ấy", sau này cũng sẽ đối xử như vậy với chính mẹ của mình. Ngoài ra, đối với một người đàn ông Trung Quốc mà nói, khi vợ so đo, thậm chí là cạnh tranh với mẹ chồng, vợ mãi mãi là người cuối cùng được bỏ qua. Do đó tôi xin có một lời khuyên với những người làm dâu, rằng tốt nhất chúng ta đừng nên ngốc nghếch mà đi khiêu chiến ở vấn đề này.
Vậy thì làm thế nào để có thể cùng chung một quan điểm về vấn đề giáo dục con cái với mẹ chồng đây? Tôi xin đưa ra một số câu đối thoại sau:
"Mẹ, mẹ không thể quản thúc cháu như thế được!"
"Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không? Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người!"
"Mẹ, chẳng phải hôm trước trên ti vi đã nói rồi sao, không thể để nó ăn nhiều đồ ăn vặt như thế này được, sao mẹ lại quên rồi thế?"
"Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi!"
"Mẹ, mẹ không thể quản thúc cháu như thế được!" - đây là câu nói của người trên nói với người dưới, giống như con dâu đang dạy bảo mẹ chồng, mẹ chồng đương nhiên vô cùng giận dữ rồi. Vì để giữ thể diện và bảo vệ uy quyền của mình, mẹ chồng sẽ nói, "Tôi nuôi dạy nó lớn như thế đấy, nó bây giờ thì làm sao, chẳng phải rất tốt đó sao?".
"Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không?
Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người!" - Câu này không liên quan đến vấn đề dạy dỗ, đây là cùng lo lắng về lợi ích của trẻ, là lý tính chứ không bao hàm bất cứ ý phê bình nào. Thế nhưng bạn không thể nói tiếp rằng: "Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không? Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người! Mẹ dạy cháu như thế là không được!". Nếu không, bao nhiêu công sức lúc trước đều sẽ đổ xuống sông xuống biển cả!
"Mẹ, chẳng phải hôm trước trên ti vi đã nói rồi sao, không thể để nó ăn nhiều đồ ăn vặt như thế này được, sao mẹ lại quên rồi thế?" - đây là câu chất vấn, chỉ trích, trách tội của bề trên đối với bề dưới. Mẹ chồng nghe thấy, mặc dù tự biết bản thân đuối lý, nhưng vì thể diện nên sẽ thà chết chứ không chịu nhận.
"Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi!" - đây là câu trần thuật lại sự việc, không bao hàm cảm xúc, không trách tội, chỉ là dựa vào tính chất vốn có của sự việc mà đưa ra ý kiến mà thôi. Nhưng, bạn không thể nói tiếp câu: "Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi! Mẹ phải nhớ đấy nhé, đừng cho thằng bé ăn nhiều như vậy nữa!".
Cho nên, để đạt được sự đồng nhất quan điểm trong phương pháp dạy dỗ trẻ với mẹ chồng cần phải chú ý những điểm sau đây:
• Giống như ở trên đã nói, phải dựa theo tính chất vốn có của sự việc mà đưa ra nhận định và bàn bạc với nhau, không chất vấn, không chỉ trích, không trách tội.
• Trước tiên nên khéo léo làm thỏa mãn lòng hư vinh của mẹ chồng, sau đó mới đưa ra vấn đề cần bàn.
"Mẹ, mẹ xem khi ấy mẹ thật chẳng dễ dàng gì, một mình nuôi dậy mấy người con như thế, bây giờ ai cũng đều khôn lớn thành tài hết cả. Nhưng mà, haizzz... cuộc sống bây giờ không giống như năm ấy nữa rồi, bọn trẻ bây giờ và trẻ con thời đó cũng đã không giống nhau, thế giới bên ngoài lại phức tạp như vậy, thật chẳng dễ nuôi dạy chút nào!... Mẹ xem đấy, chẳng phải hôm đó ti vi cũng nói rồi sao..." Trước tiên chúng ta cần khẳng định công lao của mẹ chồng, thừa nhận khả năng của bà và làm thỏa mãn lòng hư vinh của bà, nhưng đồng thời cũng khiến cho bậc tiền bối ấy hiểu rằng vận dụng phương pháp dạy dỗ ngày trước vào hoàn cảnh bây giờ sẽ không nhất định là vẫn thích hợp, và cũng không nhất định sẽ đạt được hiệu quả. Như thế, mẹ chồng sẽ không vì vội vã bảo vệ bản thân, vì không tán thành mà phản bác nữa.
• Cần nhớ rằng, phương pháp dạy dỗ của chúng ta không nhất định là đã chính xác, phương pháp dạy dỗ trông có vẻ như đã tụt hậu của mẹ chồng cũng chưa chắc đã là sai. Rất nhiều khi, kinh nghiệm sống thực tế còn hữu dụng hơn cả những kiến thức sách vở dạy. Cho nên, để tốt nhất cho trẻ, đôi lúc chúng ta buộc phải từ bỏ cái kiêu ngạo mà tự mình cho là tiên tiến và nỗi lo canh cánh trong lòng về chủ quyền giáo dục trẻ.
• Đừng gắn kết và so sánh mẹ chồng cũng như những việc mẹ chồng làm với bản thân mình một cách mẫn cảm và cảm xúc hóa. Có khi, con dâu sẽ mẫn cảm mà cho rằng phương pháp dạy dỗ cháu của mẹ chồng chính là sự trách móc hoặc công kích mình (và ngược lại mẹ chồng đôi khi cũng có suy nghĩ như vậy). Điều này chính là căn nguyên dẫn tới mọi đối lập trong phương diện dạy dỗ trẻ giữa mẹ chồng và con dâu. Đối với những bà mẹ chồng tuổi tác đã cao mà nói, bảo bà ấy thay đổi điểm này có lẽ cũng tương đối khó, nhưng đối với những cô con dâu vẫn còn trẻ, học thức cao, có tầm nhìn rộng mà nói, thì lại dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, rốt cuộc thì con cái vẫn thân thiết gần gũi với mẹ hơn, thời gian mẹ con sống cùng nhau cũng dài hơn, cho nên những cái so sánh không cần thiết về hành động của người khác với bản thân có thể tránh được thì nên tránh!
• Còn nữa, nếu như bạn thực sự muốn nghe lời khuyên của tôi, thì tuyệt đối đừng nên kéo cả chồng vào cuộc. Nếu như trong một cuộc thảo luận hết sức bình tĩnh tìm ra một phương pháp dạy dỗ trẻ chung nhất, thì đương nhiên không cần nghi ngờ gì mà phải có sự góp mặt của tất cả các thành viên trong gia đình. Thế nhưng nếu bảo chồng đứng ra xem xét giữa mẹ và vợ ai đúng ai sai thì hãy buông tha cho anh ấy. Hơn nữa nếu như chỉ số EQ và cả IQ của chồng bạn không đủ cao, một kết cục phiền toái rối rắm sẽ khiến cho "hai quân giao đấu", như vậy người xui xẻo chịu thiệt thòi lại là chính chúng ta.
• Cuối cùng, nếu như bạn tin rằng thái độ và phương pháp dạy dỗ trẻ của mình đều là đúng đắn, bạn cũng cần phải trải qua thực tiễn để chứng thực một chút về điều đó, như vậy chúng ta sẽ lễ phép mà dựa theo những chứng cứ xác thực bảo vệ quan điểm phương pháp của bản thân, vận dụng các loại kỹ xảo, để có được một môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Khi dạy dỗ con cái, chúng ta phải làm như thế nào để có thể quản lý được cảm xúc của bản thân?
Hễ khi trẻ cần phải được dạy dỗ chỉ bảo, nhất định sẽ có sự không thoải mái, mà hễ không thoải mái thì không khống chế được cảm xúc là điều không thể tránh được. Nhưng, giống như điều tôi đã nói ở phần trước, khi bảo ban con cái, nếu không kiềm chế được cảm xúc, chúng ta rất dễ nói ra những lời không nên nói, hoặc làm những việc không nên làm, ngoài việc sau này sẽ h ối h ận ra, chúng ta c òn khiến cho cục diện giáo dục càng thêm khó bề giải quyết, hoặc khiến cho kết quả của buổi dạy dỗ trở nên càng tệ hại hơn.
Dưới đây là một vài bí quyết nhỏ giúp ta có thể kiềm chế cảm xúc của mình:
• Khi cảm thấy bản thân sắp không thể kiềm chế cảm xúc được nữa rồi, ta hãy lập tức dừng lại, hít thật sâu rồi thở mạnh ra mấy lần. Đừng nói với tôi việc này khó thực hiện nhé, bạn chỉ cần thử qua mấy lần, sẽ biết ngay hiệu quả của nó tốt đến mức nào, và cũng sẽ phát hiện ra thực hiện điều đó hoàn toàn không hề khó.
• Sau khi hít thật sâu và thở mạnh ra, ta sẽ thầm lẩm nhẩm trong lòng đồng thời nói với bản thân rằng: "Tôi yêu con tôi, tôi yêu con tôi, tôi yêu con tôi, tôi thật sự rất yêu con tôi". Bạn sẽ phát hiện ra rằng: đầu tiên, những thớ thịt vốn đang căng cứng nơi bả vai sẽ mềm mại trở lại; tiếp đó những đường nét vốn "dữ tợn" trên khuôn mặt sẽ trở nên "dịu dàng nhu hòa"; cuối cùng ngay cả giọng nói gay gắt cao vút cũng sẽ trở thành nhẹ nhàng, ôn hòa hơn đôi chút.
• Nếu như thật sự bạn cảm thấy thật khó có thể bình tĩnh trở lại, hãy lập tức cảnh cáo con rằng: "Bây giờ mẹ rất mệt, có thể sẽ nổi giận, con không được tiếp tục như vậy nữa". Nếu như bạn nói với giọng điệu thật sự nghiêm túc, đồng thời cũng không phải là quanh năm suốt tháng dùng đến câu nói ấy (Ví dụ như: Con mà không ngoan là mẹ giận đấy! Mức độ nghiêm túc, sức mạnh và cả mức độ dọa dẫm của hai cách nói này hoàn toàn không giống nhau), thông thường trẻ sẽ rất thức thời mà lập tức nghe theo yêu cầu của mẹ, suy cho cùng thì chẳng ai có thể ngốc đến mức tự mình đi đập đầu vào tường được.
Khi tôi hơn ba mươi tuổi, vừa mới bắt đầu lập nghiệp cùng chồng, do áp lực về vấn đề tài chính quá lớn nên trước kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, tôi đều có "chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt" vô cùng rõ ràng, đặc biêt rất nóng tính và rất dễ dàng nổi cáu. Vì không muốn cảm xúc của mình ảnh hưởng đến chồng con, tôi thường sẽ cảnh cáo họ trước. Tôi sẽ dán một viên đá nam châm màu vàng vẻ mặt khổ sở, thật to, thật tròn trên cánh cửa tủ lạnh, sau khi chồng và con tôi nhìn thấy, họ sẽ chạy thật nhanh đi thông báo và nhắc nhở đối phương.
Có một lần ăn cơm tối xong, đứng bên ngoài cửa phòng ngủ, tôi đã nghe thấy chồng tôi nói với con trai rằng: "Những ngày gần đây cần phải cẩn thận một chút, mẹ đã treo tín hiệu cảnh báo nguy hiểm màu vàng rồi". Con trai tôi trả lời một cách vô cùng hiểu chuyện: "Vâng, con nhìn thấy rồi, con sẽ chú ý bảo vệ bản thân!". Tôi vẫn còn nhớ khi ấy đứng ngoài cửa nghe được những lời như vậy, suýt chút nữa đã cười ha hả lên rồi, trong lòng cảm thấy vô cùng ấm áp, tràn đầy niềm hạnh phúc khi được tiếp nhận và thấu hiểu.
• Sau khi đưa ra báo động trước, ta có thể cho trẻ chút thời gian để phản ứng lại. Bạn có thể nói rằng: "Bây giờ mẹ rất mệt, mẹ sắp nổi cáu rồi, bây giờ mẹ sẽ đếm từ từ từ một đến ba, sau đó con sẽ phải dừng lại, được không? Một... hai... ba...". Trong quá trình bạn đếm chầm chậm từ một đến ba, trẻ có thể sẽ từ trạng thái cuống cuồng mà dần dần lấy lại bình tĩnh. Đối với trẻ mà nói, chúng không thể ngay lập tức "trầm tư như thục nữ, ồn ào như thỏ phi" được, trẻ cần phải có một quá trình hòa hoãn và thu dọn lại cục diện; đồng thời đối với chúng ta mà nói, từ từ đếm từ một đến ba cũng là quá trình tranh thủ thời gian để điều hòa lại hô hấp.
Thế nhưng, từ từ đếm mà tôi nói đến ở đây hoàn toàn không phải là cách đếm mang theo cái uy hiếp dọa dẫm: "Nhanh lên một chút, mẹ đếm đến ba, nếu như con vẫn không dừng lại, mẹ sẽ nói với bố con! Một, hai, ba!".
• Cuối cùng, chúng ta đều là những con người bình thường, những con người bình thường khó tránh được việc tức giận, cũng khó tránh được việc cảm xúc không ổn định. Phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề về cảm xúc chính là:
Thứ nhất, nhận thức được nó. Hãy nhìn thẳng vào cảm xúc của chính mình, không được nhìn thấy nhưng lại cố tình làm ngơ hoặc xem nhẹ nó. Có cảm xúc ưu tư là chuyện bình thường, cũng chứng tỏ chúng ta rất khỏe mạnh, chúng ta không được nghĩ rằng mình sai, hoặc cho rằng mình không phải là một người mẹ tốt.
Thứ hai, thừa nhận nó. Thừa nhận với chính mình, cũng là thừa nhận với những người bên cạnh vẫn luôn yêu thương bạn. Chúng ta càng không dám thừa nhận bản thân có ưu tư, nỗi ưu tư ấy sẽ càng kịch liệt phản công lại bản thân. Chúng ta có thể nói rằng: "Mẹ biết hôm nay tính khí của mẹ rất tệ. Thật xin lỗi con, việc này không liên quan gì đến con, không phải do con gây nên đâu, chỉ là hôm nay những việc cần giải quyết ở công ty quá nhiều...".
Thứ ba, xử lý nó. Ta hãy tìm cách để nỗi bực dọc trong người có thể phát tiết ra ngoài. Nếu như bạn cần được yên tĩnh, sau khi nói rõ ràng về nguyên nhân, bạn hãy ngồi trong phòng một mình; nếu như bạn muốn có người bên cạnh, bạn hãy nói rõ mong muốn đó của mình; nếu như bạn muốn ăn gì đó, thì hãy vui vẻ đi ăn thứ mình thích. Tóm lại, hãy tìm ra phương thức để dễ dàng trút đi nỗi ưu phiền trong lòng nhất, hãy để nó phát tiết ra ngoài chứ đừng nén nhịn ấp ủ trong lòng, đợi khi nó lên men rồi thì càng khó giải quyết hơn.
Thứ tư, rời khỏi nó. Sau khi trút hết nỗi bực dọc ra ngoài, hãy nói với nỗi ưu phiền rằng, những việc cần làm tao đã làm hết rồi, bây giờ mày có thể đi rồi đó. Thời gian từ lúc nỗi ưu phiền được trút ra ngoài cho đến khi rời đi sẽ tùy từng người, từng sự việc, từng hoàn cảnh mà khác nhau, bạn chỉ cần nghiêm túc chống đỡ, thời gian đến rồi, tự nhiên bạn sẽ biết.
Theo các nhà Tâm lý học thì, những cách dạy dỗ này cần hết sức tránh đi:
Nhà Tâm lý học người Mỹ tên M.L Hoffman đã từng làm một nghiên cứu liên quan đến vấn đề trừng phạt có ảnh hưởng như thế nào đến nhi đồng trong môi trường xã hội hóa, kết quả nghiên cứu đã quy nạp những cách thức trừng phạt không tốt lại thành hai loại là "Cưỡng chế" và "Sự thu hồi của tình yêu".
"Cưỡng chế" là từ chỉ cách xử phạt về thể xác không thích hợp mà bố mẹ dùng với con cái đang ở độ tuổi nhi đồng (đánh lung tung tới tấp vào người trẻ, tát vào mặt trẻ), cướp đoạt (không cho ăn cơm, không cho ngủ cùng mẹ, lấy đi thứ đồ mà con yêu thích nhất), uy hiếp (còn như thế này nữa mẹ sẽ ném con ra ngoài, còn thế này nữa mẹ sẽ gửi con đến cô nhi viện) v.v... Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng, trừng phạt bằng phương pháp cưỡng chế ép bức như vậy sẽ cản trở sự tiếp thu của trẻ đối với các quy phạm đạo đức trong xã hội, đồng thời cũng sẽ kìm hãm sự phát triển lương tri của trẻ ở lứa tuổi nhi đồng. Nguyên nhân là sự cưỡng ép sẽ dẫn đến thái độ thù địch của trẻ, đồng thời cũng sẽ đưa đến một cách thức để bày tỏ thái độ thù địch ấy, ví dụ như, trong lúc vô ý, phương pháp trừng phạt của bố mẹ sẽ làm mẫu bảo cho trẻ biết cách đánh người như thế nào.
"Sự thu hồi của tình yêu" chính là chỉ một phương pháp trừng phạt về mặt tâm lý, biểu hiện của nó là bố mẹ không quan tâm đến con cái (cố tình không để ý đến con cái hoặc không nói chuyện với con cái nữa), cô lập trẻ (nhốt con ở trong phòng tối, cố tình bế con nhà hàng xóm vừa thơm vừa khen nó), biểu hiện nỗi thất vọng về con cái (nói với con bố mẹ không còn yêu là một chủ đề tôi thường xuyên đề cập đến khi được quý con nữa, con thật sự khiến bố mẹ vô cùng thất mời tới buổi diễn thuyết dành cho các bậc phụ huynh. vọng) v.v... Cách trừng phạt như vậy sẽ dẫn đến tình giữa bố mẹ và con cái trở nên mờ nhạt, khiến con thấy mối đe dọa và nỗi lo lắng về cảm giác an toàn. Nghiên cứu của M.L Hoffman đã phát hiện ra bố mẹ dùng những cách này để trừng phạt con sẽ khiến con cái nảy sinh cảm giác vô cùng áy náy, lúc này trẻ sẽ tuân thủ những quy tắc về các hành vi xã hội một cách rập khuôn mà không có tính thể thích ứng với hoàn cảnh nhất người ấy có thể bảo linh hoạt sáng tạo.
Những việc cha mẹ cần học được
Có một câu người ta vẫn hay nói: Sinh con dễ nhưng nuôi con thì khó. Câu nói tưởng chừng như rất bình thường song nó lại là một chân lý.
Năm đó, khi tôi làm việc ở trung tâm Vệ sinh tâm lý lứa tuổi nhi đồng, sau khi tiễn các em bị tổn thương cả về mặt thể xác lẫn tinh thần rời khỏi phòng trị liệu, một vài đồng nghiệp trẻ của tôi thường buồn rầu oán trách bố mẹ đứa trẻ đó, tại sao sinh con ra mà không chịu dạy dỗ con? Nếu như không có khả năng để yêu thương con, vậy thì tại sao còn sinh nó ra làm gì? Để nó phải chịu khổ như vậy?
Đúng thế, nuôi con có vẻ như rất dễ, nhưng thực tế lại cần một học vấn cao sâu. Tôi của ngày hôm nay với độ tuổi mỗi lúc một lớn, đã từng trải nghiệm nhiều thăng trầm trong cuộc sống, ngoài việc vẫn cảm thấy rất buồn khi trông thấy những đứa trẻ vì không được dạy dỗ đúng đắn mà phải chịu tổn thương, tôi đã hiểu, đồng thời có một niềm tin vững chắc rằng tất cả các bậc làm cha làm mẹ khi quyết định sinh con ra, ai cũng đều hy vọng có thể đem đến cho con một môi trường trưởng thành và sự dạy dỗ tốt nhất, thế nhưng đôi khi chính bản thân họ lại vẫn còn là một đứa trẻ chưa trưởng thành về tâm lý cũng như trí tuệ, có lúc bởi do sự bức bách của hiện thực mà lực bất tòng tâm, khi thì mong muốn lập tức hành động song chẳng tìm được phương pháp thích hợp, do đó, liên tiếp gặp phải khó khăn trắc trở trong việc nuôi dạy con cái, dẫn đến vừa khổ bản thân mình, cũng khổ cả con nữa.
Trong chương này, tôi liệt kê một vài bài học mà các bậc làm cha làm mẹ buộc phải học. Đó đều là những trường hợp dễ dàng gặp phải giữa bố mẹ và con cái trong cuộc sống hằng ngày, cũng là những tình tiết dễ dàng ảnh hưởng đến thể xác và tâm hồn trẻ nhất. Phương pháp của tôi có thể không được xem là chân lý để giải quyết mọi vấn đề, nhưng đó là một phương pháp hiệu quả đúc rút từ kiến thức chuyên ngành được bồi dưỡng bao nhiêu năm và từ chính những kinh nghiệm thực tế của bản thân tôi.
Học cách yêu
Năm 2009, mùa đông ở Bắc Kinh lạnh đến mức dị thường. Chiều ngày lễ Giáng Sinh năm đó, chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt nho nhỏ ở nhà. Ngoài bạn bè của vợ chồng tôi, những người bạn thân thiết từ thuở còn bé của tôi, còn có cả một vài người bạn trong công việc của con trai tôi đến tham gia. Chiều hôm đó, chúng tôi chơi đùa vô cùng vui vẻ, một mạch cho đến tận bảy giờ tối, bầu trời đã hoàn toàn đen kịt, mọi người mới có ý định tàn cuộc.
Khi cả gia đình ba người chúng tôi đứng trước cửa tiễn từng vị khách ra về, vì cửa mở nên những cơn gió lạnh cứ vù vù thổi vào trong, thế là tôi rất tự nhiên mà nói với cậu con trai đang đứng bên cạnh, "Có lạnh không? Đưa tay mẹ xem!". Cậu con trai hai mươi sáu tuổi cao gần một mét tám của tôi cũng rất tự nhiên đưa tay qua, để tôi sờ xem có lạnh hay không.
Không ngờ rằng một hành động hết sức tự nhiên giữa chúng tôi lại thu hút sự chú ý của mấy người bạn thân từ thuở bé của tôi. Vào một lần gặp gỡ sau buổi hôm đó, một cô bạn thân nói với tôi rằng, nhìn thấy hình ảnh thân thiết của "mẫu tử tình sâu" chúng tôi khi đó, cô ấy đã cảm động đến mức thiếu chút nữa là đỏ hoe đôi mắt.
Trên thực tế, rất nhiều cảnh tượng "mẫu tử tình sâu" giữa tôi và con trai đã bị cậu con trai với một khí phách trở thành người đàn ông của tôi khống chế và loại bỏ ngay từ khi nó lên tám lên chín tuổi rồi. Tôi đã không còn nhớ rõ lần cuối cùng mình nói câu "Mẹ yêu con" là khi nào nữa, lần cuối cùng tôi thơm lên đôi má phúng phính đáng yêu của con trai là bao lâu về trước, lần cuối cùng ôm con trong vòng tay có cảm giác ấm áp như thế nào...
Tôi chỉ nhớ mới lên lớp Ba, con trai đã không cho phép tôi thơm vào má nó khi đi trên đường nữa, hoặc ôm nó thật chặt giữa những nơi đông người, cũng không muốn nghe tôi suốt ngày nói từ yêu, chỉ cần tôi nói câu "Mẹ rất yêu con", thằng bé sẽ cố ý bịt tai lại, kêu lên trách móc, "Trời ơi! Thật là sến súa!". Đương nhiên tôi hiểu rằng con trai cũng thích nghe bản thân được yêu thương, nhưng chỉ là làm một "người đàn ông", thằng bé không thích phương thức biểu đạt mà theo như nó nói thì là quá "ủy mị ẽo ợt như dành cho con gái" như thế.
Thế nhưng đương nhiên thằng bé cũng rất muốn được yêu. Khi lên chín tuổi, bắt đầu từ lúc quyết định bản thân sẽ một mình sang Anh học trường nội trú, ước chừng mất khoảng hơn một năm, mỗi tối đi ngủ, thằng bé lại tự động leo lên giường của bố mẹ, cơ thể bày ra hình chữ Đại1, chiếm chỗ ngủ của bố, khiến bố phải sang bên phòng con trai ngủ. Tôi và bố thằng bé trong lòng đều rõ thằng bé muốn nằm cạnh mẹ để cảm nhận cái cảm giác an toàn, vì thế chưa lần nào chúng tôi ngăn cản hành động của thằng bé. Thế nhưng sau khi đưa con sang Anh, tôi lại quay về Đài Loan, cậu bé mười tuổi muốn được ngủ bên cạnh mẹ ngày nào giờ giống như một chàng trai đã trưởng thành, nói với tôi đang đứng ở sân bay Heathrow London khóc hu hu một cách hiếm có rằng: "Mẹ đừng khóc nữa, mất mặt quá!".
Đối với "Làm thế nào để biểu đạt tình yêu", các nhà Tâm lý học đã khái quát thành năm phương thức, chúng lần lượt là: "lời lẽ chắc chắn", "tiếp xúc thân thể", "luôn luôn tỉ mỉ sắp xếp mọi thứ", "tặng quà cáp" và "hành động phục vụ". Năm phương thức này đều khiến đối phương cảm nhận được tình yêu, đồng thời chúng có thể xuất hiện cùng một lúc, hoặc là vận dụng luân phiên nhau.
Tôi tin chắc rằng khi nãy vừa đọc thấy tiêu đề "Học cách yêu", nhất định các bạn sẽ cảm thấy rằng tôi thật nhàm chán, bởi vì nó đã xuất hiện ở một nơi không cần phải xuất hiện nhất và không cần phải dạy nhất. Nếu như bây giờ tôi đang viết một cuốn sách có liên quan đến tình yêu hay quan hệ giữa hai người khác giới, có lẽ các bạn sẽ hiểu được tính cần thiết khi học nó, thế nhưng trong một cuốn sách nói về mối quan hệ giữa bậc cha mẹ và con cái như thế này mà lại nhắc đến nó, nội dung này hình như hơi thừa, bởi vì, có bậc cha mẹ nào lại không yêu con cái của mình? Huống hồ, cha mẹ yêu thương con cái là bản tính trời sinh đẹp đẽ nhất của nhân loại, chúng ta còn cần phải học sao?
Đúng vậy, chúng ta cần phải học, đồng thời phải học nó với một thái độ thật nghiêm túc. Cũng giống như năm phương thức biểu đạt tình yêu mà các nhà Tâm lý học phân thành tôi đã đưa ra ở phía trên, chúng ta cần phải tìm ra cách thức để trẻ có thể tiếp nhận được hoặc bằng lòng tiếp nhận "tín hiệu yêu thương", bởi vì yêu như vậy mới có thể giúp đỡ được trẻ về mặt bản chất, mới không tạo thành khúc mắc khi người mẹ chẳng chút tính toán mà cho đi tình yêu nhưng lại không được đáp trả.
Những chuyên gia Giáo dục nghiên cứu về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái luôn luôn không ngần ngại mà nói với các bậc phụ huynh rằng, mỗi một đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt. Do tổ hợp di truyền và những nguyên nhân không biết khác, mỗi một cá thể riêng biệt đều có những tính tình riêng biệt, cách tư duy riêng biệt, nhân cách phẩm chất riêng biệt, và một cơ chế tình cảm tâm lý riêng biệt. Do đó, khi đối diện với một đứa trẻ độc nhất vô nhị, chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào những phương thức chỉ ra trong sách vở để dạy dỗ trẻ, đương nhiên cũng không thể tự cho mình là đúng mà dựa vào cách nghĩ, phương pháp của mình để yêu thương và chăm sóc trẻ.
Bao nhiêu năm lại đây, khi giải quyết một số vấn đề cảm xúc của trẻ khi những xích mích của chúng với bố mẹ đang đi đến bước đường cùng, tôi thường xuyên nghe thấy trẻ buồn rầu nói rằng, "Cô có thể nói giúp với bố mẹ cháu đừng tạo thêm áp lực cho cháu nữa được không? Cháu biết bố mẹ rất yêu cháu, thế nhưng yêu như thế lại khiến cháu không chịu được, cháu bị họ yêu đến mức sắp ngạt thở rồi!".
Thoạt đầu khi nghe trẻ nói ra những lời vô lương tâm như thế, những bậc làm cha làm mẹ chắc chắn sẽ rất đau lòng, đặc biệt là người mẹ, chắc chắn sẽ nước mắt lưng tròng, không biết phải làm sao. Từng có một người mẹ rất thành công trong sự nghiệp, dẫn đứa con đã tốt nghiệp đại học chính quy đến gặp tôi, khi đó xuất hiện trường hợp như sau.
Cậu bé ấy sinh ra đã được sống trong nhung lụa giàu sang, từ lớp Một đến lớp Mười hai đều học trường trọng điểm của thành phố, thi đỗ thì được vào học, không thi đỗ thì bố mẹ chạy chọt tiền nong rồi cũng được vào học. Cấp ba, cậu bé cũng học trường trọng điểm của thành phố, thế nhưng khi thi đại học thì cũng chỉ thi đỗ được một trường dạy nghề ở cách xa Bắc Kinh đến mấy nghìn dặm. Sinh viên trong trường đó thường không thích học hành là mấy, hoàn toàn khác xa với không khí học tập và tiếng tăm của một trường nổi tiếng như trường cấp ba trọng điểm của thành phố mà cậu học trước đây. Do vậy, dần dần cậu bé càng trở nên không vui vẻ, trong lòng rất coi thường các bạn cùng trường, nhưng lại không có đủ năng lực và nghị lực để thi lại đại học một lần nữa.
Cuối cùng, cuộc sống không mấy vui vẻ ở trường nghề trong ba năm đã khiến cậu bé bị bệnh, ngoài việc không muốn nói chuyện với bố mẹ ra, còn xuất hiện chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức11ở mức độ trung bình.
Trong quá trình tôi tiến hành tâm lý trị liệu cho cậu bé, nói thật lòng là, cùng là một người làm mẹ, có rất nhiều lần tôi tức đến mức muốn phất áo bỏ đi, bởi vì cậu bé luôn luôn không nhìn ra vấn đề của bản thân mình, mà lúc nào cũng oán trách đổ hết tất cả trách nhiệm về sự thất bại này lên người bố mẹ - đặc biệt là mẹ cậu. Cậu bé nói cậu giận nhất mẹ là việc mẹ mang tiền đi chạy chọt cho mình vào được trường tốt, hại cậu không học được cách tự mình học hành, cũng không có cơ hội để chứng minh thực lực của bản thân. Thế nhưng đối với những lời ngụy biện, không có trách nhiệm như thế, ngoài việc giận dữ xuất phát từ góc độ tình cảm, thực ra cũng có thể nhìn từ góc độ lý trí chuyên ngành. Tôi hiểu rằng đây chính là một trong những mấu chốt của vấn đề, một di chứng sinh ra từ việc chìm đắm trong tình yêu không chút điều độ.
Theo như kinh nghiệm nhiều năm, tôi thấy tình yêu của bố mẹ có thể giữ thuyền được thăng bằng nhưng cũng lại có thể khiến chiếc thuyền lật nhào. Mà ranh giới của nó nằm ở cách thức trao yêu thương và biểu đạt tình yêu có đúng lúc và thích hợp hay không. Vậy thì, làm thế nào chúng ta mới có thể học được đúng lúc và thích hợp đây?
Dưới đây tôi xin đưa ra vài phương thức chúng tôi thường dùng để dạy cho các bậc phụ huynh trong phòng trị liệu, hy vọng có thể giúp đỡ và đưa ra một vài gợi ý cho bạn:
Cùng thảo luận với con về vấn đề "biểu hiện tình yêu"
Bắt đầu từ khi trẻ hiểu chuyện, giữa bố mẹ và con cái có thể tiến hành các cuộc hội thoại như sau: "Con thích nhất mẹ yêu con như thế nào?", "Khi nào thì con cảm thấy mẹ yêu con nhất?", "Con cảm thấy mẹ làm như thế nào thì mới là yêu con?", thậm chí có thể hỏi: "Mẹ của các bạn con yêu họ như thế nào? Con nghĩ thế nào?".
Mục đích của những câu hỏi trên không những chỉ để đạt được câu trả lời, quan trọng nhất chính là có thể nhờ vào nó để mở rộng thêm cuộc hội thoại và phạm vi bàn luận, đồng thời thêm một bước hiểu được cách nghĩ và những yêu cầu của trẻ. Thông thường câu trả lời của một cậu bé nhỡ nhỡ sẽ khiến chúng ta kinh ngạc và phải suy nghĩ rất lâu, đồng thời cũng thông qua những lời nói ngộ nghĩnh đáng yêu trẻ con của chúng, chúng ta có thể hiểu được tình yêu của chúng ta có thuận lợi được tiếp nhận, và được đón đợi một cách vui vẻ hay không, đồng thời đủ để kết thành tấm lưới bảo vệ chặt chẽ và an toàn để bảo vệ con cái hay không.
(Là chứng rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến Stress.)
"Để mẹ sờ tay xem" giữa tôi và con trai chính là cách thức biểu đạt tình yêu đã được chúng tôi bàn bạc thống nhất mà đạt được. Lúc đầu, với tư cách là một cậu bé trưởng thành, con trai không cho phép tôi dùng những hành động vô cùng thân thiết hay ôm ấp để bày tỏ tình yêu ở những nơi công cộng (hồi chín tuổi, thằng bé nói rằng, làm như thế ấu trĩ và sến sẩm lắm), thế nhưng thằng bé đồng ý để tôi trao yêu thương và quan tâm cho nó bằng cách thức nắm tay rất "trưởng thành" ấy. Còn con trai tôi, ngoài việc vui vẻ tiếp nhận ra, nó còn có thể hiểu mẹ sẽ tôn trọng những cái nhìn có giá trị tích cực của nó, sẽ không tạo cho nó thêm áp lực, không khiến nó thêm khó xử, và thỏa mãn được yêu cầu đối với tình thân của nó.
Do đó, cách thức "Để mẹ sờ tay xem" đã bắt đầu từ khi con trai tôi lên chín cho đến tận bây giờ, và giờ nó đã trở thành "phương thức bày tỏ tình yêu" không cần nói cũng hiểu lòng nhau giữa chúng tôi rồi.
"Yêu" là sự ấm áp về mặt tinh thần, chứ không chỉ là sự khoan khoái về mặt sinh lý
Rất nhiều nhà Xã hội học đang vô cùng lo lắng cho hiện tượng gia đình con một ở Trung Quốc. Mọi người đều rất lo lắng rằng, dưới sự yêu thương chở che từng li từng tí của bố mẹ, những cô chiêu cậu ấm ấy sẽ yếu đuối "không chịu được một roi". Sự thật cũng chứng minh điều mà các nhà Xã hội học lo lắng là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì thực tế đã có rất nhiều đứa trẻ có biểu hiện về chứng bệnh tâm lý, không cách nào chịu đựng được những khó khăn trắc trở gặp phải. Những đứa trẻ lớn lên trong tình thương yêu và bao bọc của bố mẹ hoàn toàn không hề thể hiện ra cái tự tin, nên có khi được trưởng thành trong bầu không khí ngập tràn tình yêu thương, mà ngược lại, chúng càng bị bao vây bởi cảm giác không tự tin và không an toàn.
Theo như quan sát của riêng tôi, có lẽ vấn đề này xuất hiện ở cách thức biểu hiện tình yêu vô vàn, không bao giờ được coi là hết.
Tôi có một cô bạn gái, con của cô ấy đang học cấp ba, học rất giỏi, có lý tưởng cao đẹp. Cô bạn này của tôi là một người mẹ vô cùng hoàn hảo, cô ấy một mình chăm lo đảm nhiệm tất cả mọi việc trong cuộc sống của con gái. Mùa hè, khi con gái ngồi trước cửa sổ học bài, cô ấy ở bên cạnh quạt cho con, gọt hoa quả rồi chuẩn bị nước mát cho con. Mùa đông, khi con gái học bài dưới ngọn đèn, cô ấy lại chuẩn bị nước ngâm chân, pha sữa, đắp chăn ấm cho con gái. Dường như mọi suy nghĩ của cô ấy đều đặt cả vào con gái, vui cùng niềm vui của con và buồn khi thấy con gái buồn.
Thế nhưng, cô ấy lại rất ít khi có thể thoải mái ngồi trò chuyện cùng con, cô ấy trao cho con tất cả những chăm sóc bao bọc mà một người mẹ có thể cho, cũng làm tất cả mọi việc mà một người mẹ có thể làm, song cô ấy lại thiếu hụt một thứ khác cũng có thể đến từ một người mẹ mà có thể con gái cô ấy rất cần đến - đó là những lời nói dịu dàng và một vòng ôm rộng lớn ấm áp.
Khi con gái thất bại trong việc tranh cử vào ban cán sự lớp, cô ấy không hề ôm con vào lòng nhẹ nhàng an ủi, mà giống như một người lãnh đạo, cô ấy giúp con gái tìm ra và xem xét về nguyên nhân thất bại, rồi tìm ra phương pháp thay đổi cho lần sau. Cô ấy nói, "Không sao, chúng ta tiếp tục cố gắng, lần sau sẽ lại tranh cử. Lần này không được, chúng ta sẽ thay đổi vào lần sau". Những lời ấy nghe thì có vẻ là hoàn toàn hợp lý, cũng thực sự là một thái độ học tập cần thiết cho con gái, thế nhưng đối với một bé gái đang bị tổn thương về tâm hồn vì việc thất bại trong lần tranh cử vào ban cán sự lớp mà nói, cần nhất lúc này chỉ là một vòng tay ấm áp và những lời nói dịu dàng của mẹ mà thôi. Những thứ ấy sẽ giúp cho con gái thỏa sức mà khóc một trận, chữa được vết thương lòng cho con. Còn về vấn đề lần sau có tiếp tục tranh cử nữa hay không, lần này mắc những lỗi sai gì, thì nên đợi đến khi con gái lau khô nước mắt hẵng nghiêm túc bàn bạc đến. (Liên quan đến vấn đề làm thế nào để đối phó với một đứa trẻ đang bị tổn thương về tâm hồn thì tôi sẽ nói chi tiết hơn ở mục "Học cách trò chuyện".)
Buộc phải thừa nhận rằng, hiện tượng kể trên giờ đây đã trở thành khuyết điểm chung của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ. Do con đường để vào được trường đại học lớn càng ngày càng hẹp, bậc cửa để tìm được một công việc tốt ngày càng cao, đối diện với những đứa trẻ tương lai ắt phải dấn thân vào cuộc cạnh tranh t àn khốc như th ế, các b ậc ph ụ huynh lòng như thiêu như đốt, trong đầu, trong lòng, trong mắt họ lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ làm thế nào để "nâng cao sức cạnh tranh của con cái" lên, do đó dần dần lãng quên đi một trách nhiệm khác của người làm cha mẹ, đặc biệt là người mẹ - tình yêu và sự bao dung vô điều kiện.
Đáng tiếc là, sự thiên lệch này lại khiến trẻ hiểu lầm rằng tình yêu của bố mẹ là có điều kiện, tình yêu ấy có quan hệ trực tiếp đến thành tích mà trẻ đạt được, do đó khiến trẻ sợ hãi, nếu như mình thi không đạt kết quả tốt thì sẽ không còn được bố mẹ yêu thương nữa. Nếu như liên tục mấy lần thành tích của trẻ không cao, hoặc là lần sau lại không được chọn vào ban cán sự lớp như mong đợi, trẻ có thể sẽ vì cảm thấy cô độc mà chọn cách từ bỏ chính bản thân mình, bởi vì dù sao thì bố mẹ cũng không còn yêu quý gì mình nữa.
Ngoài ra, nếu như trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hụt sự dịu dàng ấm áp trong một thời gian dài, thì trẻ sẽ hình thành nên một phẩm chất riêng, một nhân cách thiếu hụt sự dịu dàng, hay đề phòng quá độ, thích nịnh hót hòng lấy lòng người khác và không đủ tự tin.
Yêu là một động lực tích cực, chứ không phải là một trở ngại tiêu cực
Trong cửa hàng bách hóa, ở khu vui chơi giải trí hay công viên trung tâm, chắc chắn bạn đã gặp những cảnh tượng này - trẻ đưa tay sờ lên những thứ lồi lõm, mẹ quát lớn: "Đừng có chạm vào đó, có vi khuẩn!"; trẻ trèo lên lan can, mẹ quát lớn: "Mau xuống ngay, đừng có đập vào đấy!"; trẻ nghiên cứu cây cỏ nhỏ trên đất, mẹ lại quát: "Đứng dậy, bẩn!". Thế là trẻ không có cơ hội được biết đến cảm giác khi chạm tay vào những vật thể có bề mặt không giống nhau, không được luyện tập để cơ bắp và tứ chi phát triển đồng đều, không quan sát được quá trình kỳ diệu khi có mầm mới nhú lên khỏi mặt đất, chỉ vì chúng ta quá yêu con, quá lo lắng rằng con sẽ bị thương, chính vì vậy chúng ta đã dùng chính tình yêu ấy để nhốt chặt sự phát triển mà trẻ có thể có, đồng thời cũng dùng chính tình yêu ấy để cản trở sự tìm tòi khám phá mà cần con phải độc lập đi hoàn thành.
Khi con trai mười tuổi, chúng tôi đã cho nó sang Anh học trường nội trú. Vì việc này mà vợ chồng tôi bị cả những người bạn thân thiết và những người không thân thiết chất vấn, câu hỏi mà chúng tôi thường được nghe nhất chính là: "Sao hai người nhẫn tâm thế, thằng bé còn nhỏ như vậy đã để nó một mình sang nước ngoài rồi!". Ẩn trong câu nói đó nghĩa là vợ chồng tôi là những bậc làm cha làm mẹ tàn nhẫn, vô cùng không yêu thương con, vô cùng không có trách nhiệm.
Lúc đầu chúng tôi còn biện hộ bằng tình yêu của mình dành cho con, nhưng dần dà, chúng tôi không nói gì nữa, chỉ trả lời mọi câu hỏi bằng cái cười mỉm, bởi vì trong lòng chúng tôi hiểu rõ, chúng tôi lựa chọn phương thức để bản thân mình cô đơn, quyết buông tay giúp con trai trưởng thành để thể hiện tình yêu với nó. Còn thằng bé, nó cũng dang rộng đôi cánh bay lên thật cao, rồi trở thành một chàng thanh niên ưu tú như ngày hôm nay, bởi vì trong lòng nó chứa đầy tình yêu và sự tin tưởng của bố mẹ.
Đương nhiên, tôi tuyệt đối không cổ vũ tất cả những bậc phụ huynh đều vì yêu con mà đưa con đến một nơi thật xa, dù sao điều này cũng liên quan tới những điều kiện hiện thực phức tạp và những nhân cách phẩm chất mà bản thân đứa trẻ có. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, rất nhiều khi tình yêu mà chúng ta tự cho là đã đủ lại trở thành gông cùm xiềng xích thít chặt khiến trẻ không sao thở nổi, hoặc sẽ trở thành sợi dây thừng cản trở bước tiến của trẻ. Nhiều lần, khi đối diện với những bà mẹ lo âu mà chê trách với tôi rằng con cái họ không đủ tính tự lập, tôi thường cẩn thận hỏi lại: Đứa trẻ không đồng ý tự lập hay chị không đồng ý buông tay để con tự lập?
Đừng lấy tình yêu ra để hợp lý hóa mọi hành động của chúng ta
Không chỉ một lần, trong phòng phụ đạo của trường học, tôi nghe thấy mẹ khóc nức nở mà nói với con: "Vì yêu con nên mẹ mới làm như thế!", "Mẹ làm như thế cũng đều vì muốn tốt cho con!", "Vì con, khổ thế nào mẹ cũng chịu được!", nhưng nhìn vẻ đờ đẫn hiện rõ trên khuôn mặt trẻ, tôi biết trong lòng chúng đang gào thét, "Đừng vì con nữa, mẹ! Xin mẹ buông tha cho con đi, con thật sự không chịu được nữa rồi!".
Cũng giống như yêu hận tình thù giữa những người đang hẹn hò nhau vậy, rất nhiều người đang yêu thường hay dùng cái lý do "Bởi vì anh rất yêu em" để khống chế đối phương, đồng thời dùng nó để làm hợp lý hóa rất nhiều hành động mang tính phi lý của bản thân. Ví dụ như: Bởi vì vô cùng yêu anh ấy, nên tôi cần phải nhìn thấy anh ấy từng giờ từng khắc; Bởi vì quá yêu cô ấy nên tôi không thể chấp nhận được việc cô ấy nói chuyện với người khác. Có đôi khi, tình yêu chúng ta dành cho con cũng giống như cặp tình nhân đang yêu nhau vậy, nó dần biến thành mong muốn chiếm hữu vô cùng mãnh liệt mà mất đi lý trí. Điểm khác nhau là, khi người đang yêu cảm thấy tình yêu ấy khiến mình ngạt thở không sao chịu nổi thì có thể phất áo mà đi, song trẻ lại không thể vì cảm thấy quá ngột ngạt trước tình yêu của cha mẹ mà quay lưng rời xa cha mẹ được.
Cho nên, những đứa trẻ cả ngày bị tình yêu của cha mẹ - thông thường là mẹ - bao quanh tới mức không sao thở nổi chỉ có thể chọn cách bỏ trốn, trốn đến một lâu đài nho nhỏ thuộc riêng tâm hồn mình, ở đó có thể tạm thời thở phào một hơi nhẹ nhõm.
Vậy thì, yêu như thế nào khiến trẻ cảm thấy bực dọc, khó chịu đây?
1. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là chiếm hữu
Con đang ở trong phòng học bài, cứ cách mười lăm phút mẹ lại vào một lần, lúc thì vào đắp lại chăn cho con, khi lại vào đưa tay lên trán kiểm tra thân nhiệt cho con, rồi lại mang cho con nước nóng, khoác thêm áo cho con. Trong mắt mẹ, đó chính là những việc hoàn toàn hợp lý của một người mẹ đang chăm sóc con, thế nhưng đối với con mà nói, đó lại là không ngừng bị làm phiền, bị xâm phạm, đặc biệt là đối với những đứa trẻ lớn một chút, việc mẹ vào rồi đi đi lại lại tự nhiên trong phòng mình chính là đang xâm phạm đến đời tư của chúng. Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với cách nghĩ của trẻ, nhưng tôi có thể hiểu được những gì chúng đang cảm nhận.
2. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là khống chế
Con đang ngồi trước bàn học học bài, mẹ nhoài người ra đất lau sàn, chốc chốc lại đấm lưng, chốc chốc lại thở dài. Con bảo mẹ đi nghỉ một chút đi, đừng lau sàn nữa. Mẹ đáp rằng: "Không sao, chỉ cần con học thật giỏi, mẹ làm gì cũng không sợ mệt!". Bạn có tưởng tượng được rằng câu nói đó đem lại áp lực lớn đến mức nào cho con không? Bản thân mẹ thì không nỡ ăn, không nỡ mặc, cả ngày vất vả khổ sở, luôn miệng nói câu, chỉ cần sau này con thành tài là mẹ hài lòng lắm rồi. Bạn nói xem, đứa trẻ đó còn có thể thoải mái không?
3. Mang danh tình yêu, nhưng sự thật lại là độc tài "Mẹ không cho con đi cũng chỉ vì muốn tốt cho con thôi!", "Mẹ bắt con ăn món này cũng vì nó có lợi cho sức khỏe của con!", "Mẹ bắt con làm như thế đều là vì yêu thương con!", đến khi nào các bà mẹ mới có thể thôi nói câu "... đều vì muốn tốt cho con", mà thay vào đó là câu "Vậy con thích như thế nào?"? Không nhất thiết chúng ta phải hoàn toàn buông tay để con tự quyết định, trên thực tế chúng ta cũng không thể hoàn toàn buông tay, nhưng chúng ta có thể đừng chụp lên cái mũ "yêu" nữa không? Trước khi quyết định một việc gì, chúng ta chỉ cần khẽ cúi người, bớt chút thời gian, thêm chút kiên nhẫn, thêm chút tôn trọng mà lắng nghe con nói, yêu như vậy mới đủ để bước cùng con vượt qua mọi gió mưa, cũng sẽ không đẩy con ra ngoài cửa.
Học cách trò chuyện
Trong thời gian hỏi đáp lẫn nhau trong chương trình diễn thuyết liên quan đến vấn đề giáo dục gia đình của tôi, một trong những vấn đề xuất hiện nhiều nhất chính là: "Cô Kim, con tôi thường không nói chuyện với tôi, mỗi lần hỏi nó, nó đều trả lời qua quýt một hai câu cho xong, tôi phải làm sao bây giờ?".
Đúng vậy, đây thực sự là một vấn đề khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi cuối cấp một trở lên, tình huống này càng khiến cho phụ huynh lo lắng, bởi vì nếu như trẻ không trò chuyện với chúng ta, chúng ta sẽ không thể biết được tình hình thực tế của chúng, không chỉ không có cách nào giúp đỡ và chỉ bảo cho trẻ, mà còn không có cách nào để trẻ cảm nhận được tình yêu cũng như sự quan tâm đến từ bố mẹ chúng. Thế nhưng trên thực tế, trẻ rất muốn được tâm sự cùng chúng ta, song chỉ vì chính bản thân chúng ta không biết cách trò chuyện mà thôi, nên ngược lại còn khiến cho cánh cửa ấy dần dần đóng lại.
Dưới đây là một vài kỹ xảo chúng ta có thể dùng đến khi trò chuyện với trẻ:
• Đầu tiên, là trò chuyện chứ không phải là chất vấn "Luyện đàn chưa?", "Bài tập làm xong hết chưa?", "Hôm nay ở trường có nghịch ngợm gì không?", "Cô giáo phát giấy thông báo kết quả học tập chưa?" Những câu như vậy đều là câu chất vấn, mà không phải là trò chuyện. Nếu như bạn hỏi một đứa trẻ hai tuổi rằng, "Con yêu, hôm nay có ngoan không nào?", bởi vì khả năng ngôn ngữ và khả năng tư duy vẫn có hạn, nên đứa trẻ ấy sẽ vui mừng mà trả lời mẹ, "Ngoan ạ!". Thế nhưng, đối diện với một đứa trẻ lớn hơn đã vào tiểu học, có một khả năng diễn đạt hoàn chỉnh và một khả năng tư duy, nếu như bạn vẫn tiếp tục hỏi như vậy, thì câu hỏi ấy lại không phải là một cuộc chuyện trò đầy tình yêu nữa, nó đã trở thành một câu chất vấn mang theo ý trách móc trong đó.
Đồng thời, cách thức hỏi kiểu chất vấn như vậy còn dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết. Trẻ thông thường sẽ trả lời như sau:
"Luyện đàn chưa?" "Luyện rồi."
"Bài tập làm xong hết chưa?" "Sắp xong rồi."
"Hômnayởtrườngcónghịchngợmgìkhông?""Không."
"Hôm nay ở trường làm những việc gì?" "Chẳng làm gì cả."
Thế là người làm mẹ mệt nhọc cả một ngày bèn nói: "Sao con lúc nào cũng không trả lời mẹ hẳn hoi thế?".
Đứa trẻ bỗng thấy bực bội và có chút tủi thân, đáp lời: "Mẹ hỏi câu nào con cũng đều trả lời đủ cả mà. Vậy mẹ còn muốn con thế nào nữa?".
• Cho nên trò chuyện cần bắt tay vào "giải quyết từ những vấn đề nhỏ"
Đừng hỏi: "Hôm nay ở trường con làm những việc gì?", mà phải hỏi: "Món tráng miệng trong bữa trưa hôm nay là món gì? Có ngon không?".
Đừng hỏi: "Bài vở làm xong hết chưa?", mà phải hỏi: "Hôm nay môn Tự nhiên, thầy giáo dạy những gì?".
Đừng hỏi: "Hôm nay ở trường có nghịch ngợm không?", mà phải hỏi: "Trong lớp con bạn trai (bạn gái) được nhiều người yêu quý nhất là ai?".
Đừng hỏi: "Luyện đàn chưa?", mà phải hỏi: "Trong lớp con có bạn nào cũng học chơi đàn không? Bạn ấy có thích luyện đàn không?".
Những câu hỏi theo hình thức mở, thu nhỏ được phạm vi kể trên, thứ nhất, có thể giúp trẻ rất dễ dàng mà thuận theo câu hỏi để trả lời, không thể chỉ dùng câu nói trả lời ngắn gọn "Có" hoặc "Không" để tiếp tục cuộc trò chuyện; thứ hai, nó có thể gây nên niềm thích thú thảo luận trong trẻ, bởi vì nó rất cụ thể, đồng thời có những lúc cũng có thể nhắc đến những chuyện lặt vặt linh tinh của người khác; thứ ba, cách hỏi như vậy thể hiện được niềm hứng khởi, sự quan tâm và hiếu kỳ của bạn, mà không phải câu chất vấn chỉ cần có được câu trả lời là đủ; thứ tư, cách hỏi như vậy rất thoải mái, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực như đang đứng trước một loạt mũi tên đã đặt sẵn lên dây cung chỉ chực bắn tới mình.
• Ngoài ra, không nên vội vàng "uốn nắn" hoặc "phủ định", mà trước tiên cần phải thể hiện một trái tim thấu hiểu đồng tình
Khi trò chuyện cùng trẻ, chúng ta rất dễ dàng không thể khống chế bản thân mà rơi vào một khuôn thức - lập tức uốn nắn hoặc lập tức phủ định. Trước tiên tôi lại quay về với một cuộc hội thoại, bạn sẽ hiểu ngay điều tôi muốn nói tới là gì.
Con nói: "Con không thích ăn cà rốt".
Bạn trả lời: "Sao có thể thế được, cà rốt rất ngon, cũng rất bổ cho cơ thể! Nào, ăn một miếng đi, nhất định phải ăn!"...
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Trẻ con không được kén ăn, cái gì cũng phải ăn! Như thế mới có thể phát triển cao được!".
Con nói: "Học môn Toán chán chết đi được!".
Bạn trả lời: "Sao có thể chán được chứ, môn Toán rất quan trọng! Sau này con thi đại học...".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Chán cũng phải học! Không học sau này làm sao mà thi đỗ đại học được".
Con nói: "Con sợ ngày mai thi không đỗ".
Bạn trả lời: "Thi không đỗ thì thôi, chẳng sao cả! Chỉ cần con cố gắng, kết quả của cuộc thi không phải là quan trọng nhất".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Tại sao lại không thi đỗ? Có phải tại con không chăm chỉ học hành, không chú ý lắng nghe cô giáo giảng bài không?".
Con nói: "Con không được chọn vào ban cán sự lớp, buồn quá!".
Bạn trả lời: "Việc đó thì có gì phải buồn, thực ra, không được chọn vào ban cán sự lớp càng tốt, chúng ta có thể tập trung tinh thần vào việc học hành".
Hoặc tệ hại hơn chính là: "Điều đó chắc chắn vì biểu hiện của con chưa đủ tốt, lần sau cần phải cố gắng hơn, nếu không người ta vẫn sẽ không chọn con đâu!".
Các bạn có thể tưởng tượng được kết quả của những cuộc trò chuyện như vậy là thế nào không? Trẻ sẽ oán hận rằng bố mẹ không hiểu mình, mình thật sự không có cách nào để trò chuyện tử tế với họ; còn những bậc làm cha làm mẹ thì lại buồn bã đau lòng than, tôi đã cố hết sức để hiểu nó rồi, thằng bé này sao mà khó bảo đến thế, khó trò chuyện đến thế!
Thực ra, hoàn toàn không phải trẻ khó dạy dỗ hay không muốn trò chuyện tâm sự với bố mẹ, mà trong quá trình nói chuyện, trẻ không cảm nhận được cái "tiếp nhận" đến từ chính bố mẹ mình, đặc biệt là sự tiếp nhận đối với mặt cảm xúc của trẻ. Nhanh chóng uốn nắn hoặc lập tức phủ định sẽ khiến trẻ cảm thấy cách nghĩ, cảm nhận, tình cảm của "mình" chẳng quan trọng gì, bố mẹ chỉ coi trọng cách nghĩ của chính họ mà thôi, đồng thời còn muốn "cậy lớn bắt nạt bé" mà gán ghép cái cách nghĩ ấy lên người mình. Cho nên có rất nhiều đứa trẻ đã "giận" đến mức không còn muốn nói ra suy nghĩ trong lòng mình nữa.
Vậy thì kỹ xảo trò chuyện thể hiện được lòng thấu hiểu là gì?
Con nói: "Con không thích ăn cà rốt!".
Bạn nói: "Ồ, con không thích ăn cà rốt (tiếp nhận ý kiến của con), tại sao thế? Con không thích vị của nó, hay là? (Lắng nghe suy nghĩ của con)".
Con nói: "Học Toán chán chết đi được!".
Bạn nói: "Trời ơi, hồi còn đi học mẹ cũng vô cùng không thích học môn Toán (biểu hiện sự đồng cảm), sao con cũng không thích học môn này thế? (lắng nghe ý kiến của con)".
Con nói: "Con sợ ngày mai làm bài kiểm tra không tốt!".
Bạn nói: "Ừ, trước khi kiểm tra ai cũng có tâm lý lo sợ như vậy (bày tỏ sự thấu hiểu), thế con lo lắng về cái gì? (lắng nghe cảm nhận của con)".
Con nói: "Con không được chọn vào ban cán sự lớp, con buồn quá!".
Bạn nói: "Ừ, không buồn mới là lạ ấy (bày tỏ hoàn toàn hiểu và tiếp nhận điều con nói), con buồn như vậy, thế bây giờ mẹ phải làm thế nào để khiến con vui lên một chút đây? (lắng nghe yêu cầu của con)".
Bạn cảm thấy nghe cuộc trò chuyện như vậy có thoải mái hơn một chút không? Nếu như trò chuyện với chồng, với vợ, với cấp trên, có phải bạn cũng mong muốn họ lắng nghe mình với một thái độ đồng cảm thấu hiểu như thế không? Cho nên không chỉ trẻ con mong muốn chúng ta trò chuyện với chúng bằng một tấm lòng thấu hiểu, mà cho dù là nói chuyện với những người lớn, cái kỹ xảo này vẫn hữu dụng như thế!
• Sau khi thấu hiểu, nhất định phải học cách lắng nghe
Sau khi thể hiện sự thấu hiểu những gì trẻ nói, nếu như chúng ta đặt câu hỏi yêu cầu trẻ trả lời, thì chúng ta phải học được cách nhẫn nại (còn phải biết cách khống chế bản thân), cho phép trẻ được tự do nói hết những điều trong lòng mình, đồng thời phải thật sự chăm chú lắng nghe trẻ nói.
Bản thân tôi cũng là một người mẹ, tôi biết những bà mẹ lúc nào cũng vội vàng, tùy tiện muốn chỉ bảo cho con, để con không mắc lỗi và không phải chịu tổn thương gì. Thế nhưng rất nhiều khi, điều trẻ mong muốn nhất lại chính là sự lắng nghe của bố mẹ, đồng thời trong sự lắng nghe mang lại cảm giác an toàn, trẻ mới có thể yên tâm, thành thực mà kể về những điều trong lòng mình, chúng ta mới có thể biết được trong suy nghĩ non nớt của con rốt cuộc đang chứa những gì.
• Bí quyết đầu tiên cần có trong việc lắng nghe chính là "chuyên tâm", nhìn vào mắt đối phương mà nói
Đầu tiên tôi muốn dựng nên một cuộc hội thoại để các bạn xem xem:
Cô vợ vui vẻ về đến nhà: "Anh yêu, em nói cho anh một tin vô cùng vui nhé, hôm nay trong cuộc họp, sếp đã khen em trước mặt bao nhiêu người, ông ấy nói em là người có tính sáng tạo nhất trong toàn công ty đấy!".
Anh chồng tiếp tục nhìn vào màn hình máy vi tính, nhưng cũng thể hiện sự vui mừng đáp lại: "Thế à? Thế thì tốt quá rồi!".
Cô vợ đi đến phía sau chồng, vòng tay ôm lấy đầu chồng, tiếp tục vui vẻ nói: "Em cảm thấy bản thân mình cũng thật sự rất sáng tạo, anh không biết bản kế hoạch ấy em viết xuất sắc như thế nào đâu!".
Anh chồng ngẩng đầu, khẽ thơm vào má vợ, rồi lại tiếp tục nhìn vào màn hình máy vi tính, nhưng vẫn thể hiện niềm vui, nói: "Ừ, anh đã nói với em rồi mà, bản kế hoạch đấy rất xuất sắc".
Cô vợ không có ý buông tay ra, tiếp tục ôm lấy cổ chồng: "Thế ư? Em thật sự rất vui, cuối cùng cũng có chút cảm giác thành công rồi!".
Anh chồng xoa xoa cánh tay vợ, tiếp tục nhìn màn hình máy vi tính, nói: "Vậy thì tốt! Em vui anh cũng cảm thấy rất vui!".
Cô vợ thu lại vẻ hưng phấn, lấy lại tinh thần: "Ôi! Anh có thể nhìn em mà nói không? Sao em có cảm giác như anh chẳng mấy để ý đến, có phải anh không hy vọng em đạt được thành tích không?".
Cuối cùng anh chồng cũng dời ánh mắt khỏi chiếc máy vi tính, nhìn vào mắt vợ, có chút giận dữ, nói:
"Em đang nói linh tinh cái gì đấy? Thế nào gọi là anh không muốn em thành công?".
Tình huống tiếp theo không cần tôi nói, các bạn cũng có thể đoán được một hai phần!
Đoạn hội thoại trên không phải do tôi hư cấu ra, mà nó thực sự xảy ra giữa tôi và con trai, cũng là một lỗi của tôi mà ngày bé con trai hay oán giận trách móc nhất - mẹ lúc nào cũng không chú ý mà cứ trả lời con cho có lệ thôi.
• Bí quyết thứ hai cần có trong việc lắng nghe
Nếu như bạn cảm thấy anh chồng này thật chẳng hiểu chút gì về phép lịch sự và nghệ thuật giao tiếp, vậy thì hãy tiếp tục xem trường hợp hội thoại dưới đây:
Con trai phấn khích từ phòng học chạy ra: "Mẹ, mẹ, mẹ ơi, mẹ nhìn này, đây là tác phẩm thủ công con làm đấy!".
Mẹ đang đứng trước bàn học, trước bồn rửa bát, trước máy giặt..., cúi đầu xuống nhìn món đồ thủ công trên tay con trai, rồi lại quay đi tiếp tục bận rộn với mớ công việc của mình, nói, "Ừ, con làm giỏi lắm, đẹp lắm, con đúng là một cậu bé có tài!".
Con trai tiếp tục vui mừng, nói vẻ kiêu ngạo, "Mẹ, mẹ, mẹ nhìn xem, cái căn phòng này của con còn có thể hoạt động nữa đấy!".
Mẹ tiếp tục bận rộn với công việc đang dang dở trong tay, "Ừ, đẹp lắm!".
Con trai bỗng cảm giác như mẹ mình không mấy để ý, bĩu môi lên, nói: "Mẹ, mẹ chẳng chú ý nghe con nói gì cả, mẹ toàn trả lời con cho có lệ thôi!".
chính là dùng ngôn ngữ cơ thể một cách thân thiết Cúi người, quỳ xuống, ngồi xuống, ôm con, nhìn vào mắt con, nắm bàn tay nhỏ bé của con, ôm lấy bờ vai con, xoa đầu con, vuốt tóc con, nghe con tâm sự.
Có một bộ phim do Meryl Streep làm diễn viên chính tên gọi Mamma Mia, trong phim có một cảnh khiến tôi lần nào xem cũng thấy vô cùng cảm động, bây giờ dường như cũng vẫn hiển hiện rõ mồn một trước mắt tôi. Đó là vào một buổi sáng, khi cô con gái do diễn viên Julie Walters thủ vai về nhà chồng, bà mẹ của nhân vật do Meryl Streep thủ vai chải tóc trang điểm cho cô dâu trong phòng. Trước ống kính, cô con gái làm nũng vùi mình trong lòng mẹ, để mẹ quét lớp sơn móng lên móng chân mình. Cảnh quay ấy đã thực sự lột tả được tình cảm sâu sắc giữa mẹ và con gái, mặc dù qua màn ảnh nhỏ nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được một thứ tình cảm mãnh liệt ở đó. Đây cũng chính là một cách thức giao tiếp với nhau mà tôi vô cùng ngưỡng mộ - trao yêu thương nồng đượm bằng chính ngôn ngữ cơ thể vô cùng thân thiết.
Cho nên, nhân lúc con còn bé, nhân lúc con còn bằng lòng để chúng ta ôm trong vòng tay, nhân lúc con còn muốn nói với bố mẹ về mọi thứ, hãy đừng lãng phí thời gian, mà hãy ra sức tận hưởng nó! Quần áo có thể ngày mai giặt, công việc có thể làm bù sau, nhưng tình cảm thân thiết của con cái thì chỉ cần chúng ta lơ là một chút thôi là nó sẽ hoàn toàn biến mất.
• Còn nữa, cần phải chú ý lịch sự, không nên chế giễu trẻ
Những đứa trẻ không phải nhỏ lắm mà đang ở độ tuổi nhỡ nhỡ vô cùng mẫn cảm, lòng tự tôn cũng rất cao, chỉ cần người lớn lộ ra ý "buồn cười", đều sẽ có khả năng bị chúng hiểu thành cười chế giễu, khiến cho nhịp cầu giao tiếp bị đứt đoạn. Vì vậy, nếu như trẻ nói ra câu gì ấu trĩ, khiến người khác kinh ngạc thậm chí là lo lắng, nhất định người lớn phải học được cách mặt không chút biến sắc, tiếp tục lắng nghe trẻ nói tiếp, đồng thời cũng phải học được cách khống chế bản thân, không được lập tức uốn nắn hay quở mắng, chờ cho trẻ tâm sự hết rồi, cuộc trò chuyện cũng xong rồi, chúng ta hãy tìm thời gian và phương pháp mà từ từ dạy dỗ trẻ.
Năm con trai tôi mười lăm tuổi, kỳ nghỉ hè, nó trở về từ nước Anh, trong lần nói chuyện đầu tiên, tôi giả bộ tùy ý hỏi con: "Con có bạn gái chưa?". Con trai tôi nghiêm túc suy nghĩ như một chuyện gì đó lạ lắm, rồi trả lời: "Con vẫn chưa có, nhưng con đã từng hôn sáu bạn nữ rồi ạ!". Khi đó, vừa nghe xong, thiếu chút nữa là lộn nhào từ trên ghế xuống, thế nhưng tôi không dám thể hiện ra bất cứ một phản ứng nào, chỉ cố tỏ vẻ vô cùng tự nhiên, hỏi: "Thế cơ à? Hôn hẳn sáu bạn nữ rồi cơ đấy. Thế sau này thì thế nào?". Con đáp lời: "Không có sau này đâu ạ! Dù sao bọn họ đều rất xấu!".
Thế là, trong thời gian tiếp theo, con trai bắt đầu miêu tả những đặc điểm khó coi của mấy bạn nữ này, có bạn thì mụn mọc quá nhiều, có bạn mông lại quá lớn, có bạn răng hơi nhô ra ngoài, còn tôi vẫn cứ chăm chú bàn bạc cùng con trai, cười ngặt nghẽo mà nghe con miêu tả một cách cường điệu hóa, cho đến tận cuối cùng, tôi mới nhẹ nhàng bảo, "Mà này! Con biết sau khi hôn không thể tiếp tục làm gì rồi chứ?". Con trai tôi đáp: "Mẹ yên tâm, con biết, con cũng đâu phải kẻ ngốc, thầy giáo chúng con cũng nói rồi, chúng con bây giờ còn rất nhỏ, vẫn chưa thể chịu trách nhiệm được!".
• Nếu như cánh cửa giao tiếp từ từ đóng lại, có thể dùng phương pháp "xin trẻ chỉ bảo cho mình" để mở cánh cửa ấy ra
Phương pháp này rất có hiệu quả đối với trẻ ở lứa tuổi mười tuổi trở nên. Không chỉ một lần tôi đã truyền cho các bậc phụ huynh bị con đẩy ra bên ngoài, không muốn tâm sự cùng cái phương pháp này, và cũng rất nhiều lần đạt hiệu quả.
Bạn có thể tìm một vấn đề trong cuộc sống hoặc trong công việc khiến bạn cảm thấy khó xử, chọn một khoảng thời gian hơi dài một chút, sau đó đến thỉnh giáo con một cách trịnh trọng và nghiêm túc, hỏi con xem, nếu như bây giờ con đứng ở cương vị bố mẹ thì con sẽ làm thế nào. Thông thường khi nhìn thấy bố mẹ gặp phải khó khăn gì đó, con sẽ tuyệt đối ngay lập tức bằng lòng đưa tay ra để giúp đỡ bố mẹ. Áp dụng phương pháp này có mấy điều lợi sau đây:
Thứ nhất, vì việc này mà con cái biết được công việc, cuộc sống của bố mẹ và những vất vả bố mẹ phải chịu trong đó; thứ hai, con cái sẽ cảm thấy rất tự hào, cảm thấy bản thân mình thật có giá trị, là một người có cống hiến cho gia đình và bố mẹ; thứ ba, con cái sẽ cho rằng bố mẹ đang coi trọng mình, thừa nhận khả năng của mình. Điều này đối với trẻ mà nói, nó là một sự đề cao bản thân vô cùng quan trọng; thứ tư, bạn có thể mở được cánh cửa cùng con tâm sự và trao đổi mọi việc.
Thế nhưng, làm như vậy hoàn toàn không phải chỉ vì muốn nói chuyện được với con, mà chính là thỉnh giáo và bàn bạc một cách thực sự. Chính vì thế, khi con đưa ra cách nghĩ và cách giải quyết của mình, chúng ta nhất định phải khiêm tốn lắng nghe, thành thật thảo luận cùng con cái, mặc dù phương pháp con đưa ra hoàn toàn không thể dùng được, cũng phải cùng nhau đưa ra được kết luận cuối cùng sau quá trình bàn bạc, mà không thể ngay lập tức phủ định hoặc lật ngược lại vấn đề một cách chủ quan. Trên thực tế, rất nhiều khi sau khi bàn bạc và thỉnh giáo ý kiến của con cái, những bậc làm cha làm mẹ sẽ thật sự kinh ngạc khi nhận ra sự trưởng thành và hiểu chuyện của con, phát hiện ra bất tri bất giác con mình đã trưởng thành từ bao giờ, đã có cách suy luận và cách giải quyết vấn đề của riêng mình rồi. Đối với bậc làm cha làm mẹ mà nói, đây cũng chính là niềm vui và niềm an ủi vô cùng to lớn.
• Thiết lập một khoảng thời gian trò chuyện thân mật và yên tĩnh
Sau khi con trai sang Anh học ở trường nội trú từ năm mười tuổi, thời gian mẹ con tôi gặp mặt càng ngày càng ít, chứ đừng nói đến thời gian ngồi tâm sự với nhau. Để không ảnh hưởng đến tình cảm của chúng tôi, tôi đã sắp xếp một khoảng thời gian thân mật với tên gọi "Buổi tâm sự chân tình nồng thắm của hai mẹ con". Mỗi lần đến Anh ở cùng con mấy ngày, hoặc là con được nghỉ phép về thăm nhà, chúng tôi nhất định sẽ lại có khoảng thời gian dành cho "Buổi tâm sự chân thành nồng thắm của hai mẹ con" phải đến mấy lần. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi không hề làm bất cứ việc gì, chỉ nằm trên giường tâm sự với nhau mà thôi, mải trò chuyện có khi đến mấy tiếng đồng hồ trôi qua, thậm chí có khi trò chuyện suốt đêm, không chợp mắt chút nào. Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, điều mà tôi tự hào nhất chính là, bất luận là trong công việc hay trong cuộc sống và tình yêu, mẹ con chúng tôi dường như chẳng còn lời nào là chưa nói cả.
Cho nên, nếu như bạn có được cái may mắn là ngày ngày được nhìn thấy con của mình, vậy thì hãy bớt chút thời gian để mẹ con tâm sự thân mật với nhau, mỗi ngày một lần, mỗi tuần một lần, thậm chí mỗi tháng một lần cũng được, chỉ cần trong khoảng thời gian này, bạn không bị phân tâm, không bận rộn với chuyện đông chuyện tây, mà đặt toàn bộ tinh thần, sự chú ý vào con mình, trả lời mọi thắc mắc của con, đáp lại tình cảm của con, lắng nghe những phiền não của con, chia sẻ niềm vui với con. Như vậy, năng lượng của sự thấu hiểu, tình cảm, an ủi động viên mà khoảng thời gian mẹ con thân thiết tâm sự với nhau mang đến sẽ đủ để giúp con ứng phó được với những áp lực nặng nề trong học tập và trong quan hệ giữa người với người, đồng thời cũng đạt được sự tự tin và cảm giác an toàn đủ đầy.
Học cách khen ngợi
Hồi tôi còn nhỏ, đại đa số những người lớn Trung Quốc đều không biết khen ngợi con cái, "chiều quá khiến con hư" chính là xu hướng nhận thức chủ yếu về giáo dục khi đó, cho nên những người không có quá nhiều lời khen và sự động viên như chúng tôi, ai cũng đều nhút nhát, thiếu tự tin. Thế nhưng, khi nền văn hóa phương Tây đang dần dần du nhập vào nền văn hóa phương Đông như hiện nay, sau khi những chuyên gia nghiên cứu về giáo dục phụ huynh và con cái cuối cùng đã khiến cho các bậc làm cha làm mẹ Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của việc ngợi khen con cái, tình hình dường như lại có chút "không đạt được kết quả như mong muốn". Việc đã làm không sao thu lại được nữa, khiến cho ngày nay không những có những đứa trẻ không có sự tự tin, mà còn có những đứa trẻ luôn tự cho là mình đã hoàn thành xuất sắc công việc, mà không có cách nào đối diện với thất bại hay giải quyết những khúc mắc gặp phải.
Cũng giống như cách nhìn nhận của rất nhiều nhà Tâm lý xã hội học về hiện tượng này, tôi cho rằng, các bậc phụ huynh thời hiện đại đã mắc phải một sai lầm khác, đó chính là "ngợi khen quá độ" hoặc "ngợi khen không thỏa đáng", họ đã nhầm lẫn giữa chỉ bảo một cách yêu thương với tán thưởng ngợi khen một cách tràn lan, không có chừng mực, cho nên mới khiến cho con cái đánh mất đi khả năng đối mặt giải quyết với những việc không mấy hoàn hảo trong chính môi trường được ngợi khen tràn lan ấy.
Chính vì thế học cách khen ngợi cũng là một trong những bài học quan trọng mà bố mẹ cần phải học.
• Ngợi khen cần phải "nói có sách mách có chứng", cũng chính là cần phải khen được vào "đúng chỗ"
Đây là điều tôi thường xuyên nói với những nhân viên kinh doanh khi học tiết Tâm lý học tiêu dùng - phạm vi khen ngợi quá lớn đồng nghĩa với việc không hề khen ngợi. Trong một xã hội có thể cởi mở, tự do bày tỏ tình cảm của mình như ngày hôm nay, khen ngợi và tiếp nhận khen ngợi đã trở thành việc hết sức bình thường, bởi thế ngợi khen luôn luôn mất đi khả năng và sức mạnh vốn phải có của nó.
Trước tiên chúng ta hãy xem hai đoạn hội thoại dưới đây:
Mẹ nói: "Ôi! Bức tranh này vẽ đẹp quá!".
Mẹ nói: "Ôi! Bức tranh này vẽ đẹp quá! Mẹ thích nhất cái cây này, con nhìn xem, cái lá vẽ mới đẹp làm sao, mẹ có thể cảm nhận được dáng vẻ như đang đung đưa trong gió của chúng! Mẹ cũng rất thích cách dùng màu của con".
Mẹ nói: "Gần đây con thể hiện rất tốt!".
Mẹ nói: "Hôm đó ở trong trường mẹ thấy con nói chuyện cùng bạn, mẹ thực sự cảm thấy rất tự hào về con. Mẹ đã nghe thấy con biết hỏi thăm mẹ bạn ấy đang bị bệnh, khi đó mẹ cảm thấy con đã trưởng thành thật rồi, tương lai nhất định con sẽ trở thành một người biết giúp đỡ người khác".
Bạn đã nhìn ra chưa? Nếu như khi khen ngợi người khác, chúng ta có thể nói rõ được nguyên nhân cụ thể, nói rõ về lý do khiến tôi phải khen bạn, vậy thì lời khen của bạn sẽ khiến cho người được khen ngợi cảm nhận được đây không phải là lời khách sáo, trống rỗng chẳng có ý nghĩa gì, mà là lời ngợi khen xuất phát từ trái tim chân thành. Đối với người được khen ngợi mà nói, đây là một việc vô cùng cảm động và vui mừng. Ngoài ra, nếu như chúng ta có thể nói ra lý do cụ thể, còn có thể khiến cho người được khen biết rằng bạn đánh giá cao phần nào của người đó, điều này không chỉ khiến người đó có thêm tự tin vào bản thân mình, mà còn muốn tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phần được đánh giá cao đó.
Còn về những lợi ích mà cách ngợi khen như vậy mang đến cho trẻ thì tôi tin rằng không cần tôi phải nhiều lời thêm nữa, các bạn nhất định cũng sẽ hiểu. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, trong cả cuộc đời, mỗi một đứa trẻ đều đang tìm kiếm sự tán thành của bố mẹ, dù ít hay nhiều. Mà khi trẻ lên năm hoặc sáu tuổi, cái khát khao được bố mẹ tán thành ngợi khen này đã bắt đầu phát triển một cách rõ rệt, cho nên trong thời gian này, nhất định phải cố gắng hết sức để làm hài lòng chúng.
• Cho nên, khen ngợi "đúng chỗ" chính là nói nhiều, chi tiết một chút, đồng thời phải nói ra cảm nhận của bản thân mình
Một người bất kể tuổi tác có lớn thế nào cũng đều muốn nghe người khác khi khen ngợi mình có thể nói chi tiết hơn một chút. Ví dụ như, khi khen một người con gái xinh, bạn nói rằng: "Cô thật là xinh đẹp!". Cô gái đó nghe xong sẽ thấy rất vui mừng nhưng có thể sẽ nghĩ là bạn đang nói khách sáo, hoặc là an ủi cô ấy. Thế nhưng, nếu như bạn nói rằng: "Cô thật là xinh đẹp, đặc biệt là đôi mắt của cô, vừa đen vừa sáng, lông mi dài, mỗi lần nói chuyện với cô, tôi đều không thể không nhìn vào đôi mắt ấy, chúng thật sự là rất đẹp". Tôi cam đoan rằng, nghe thấy bạn khen như vậy, từ đó cô gái ấy sẽ rất tự tin với đôi mắt của mình, đồng thời cô ấy cũng rất muốn được kết bạn với bạn.
Cho nên, mỗi lần muốn ngợi khen con cái, nhất định bạn cần phải cố gắng hết sức mà nói ra chi tiết điều gì của con cái đáng để bạn khen, đồng thời cố gắng miêu tả nhiều thêm về niềm vui và niềm tự hào mà bạn cảm nhận được vì một số ưu điểm ấy của con cái. Đối với trẻ mà nói, ngoài hai điểm tốt mà tôi đã trình bày ở trên - cảm nhận được sự tự tin chân thật và phát huy sự tự tin ấy, thì trẻ cũng sẽ vì điều đó mà hiểu về cách nhìn nhận và đánh giá những sự việc xung quanh của bố mẹ, đồng thời cũng hiểu được bố mẹ hy vọng trẻ sẽ làm được điều gì.
• Khen ngợi đúng chỗ cũng có thể luyện tập mà thành, cả người lớn và con cái đều cần thiết phải học
Khi con trai còn nhỏ, tôi thường xuyên dạy con chơi một trò - "so tài ngợi khen". Tôi để con trai chọn ra một người mà nó muốn khen ngợi nhất trong tuần qua, có thể là anh họ, chị họ, thậm chí là em họ, cũng có thể là bà nội, bà ngoại hoặc ông ngoại, có thể là bạn cùng lớp, hoặc cũng có thể là bố, là mẹ. Còn tôi, tôi cũng sẽ chọn ra một người mà mình muốn khen ngợi.
Tiếp theo mẹ con chúng tôi mỗi người lấy một tờ giấy, rồi viết lên đó lý do mà chúng tôi khen ngợi người đã chọn, sau đó chúng tôi bắt đầu tiến hành cuộc thi biện luận, xem xem người mà ai bình chọn để khen ngợi có lý do để trở thành "Ngôi sao được ngợi khen" trong tuần lễ vừa qua.
Thông qua trò chơi này, trong tất cả các lý do mà con lấy ra khi biện luận, tôi có thể khéo léo biết được con đang để ý về vấn đề gì, nhận thức và đánh giá của con về mọi thứ xung quanh ra sao, biết về nội dung hoạt động của con trong tuần này, trạng thái tình cảm của con, thậm chí cả những điều không vui mà con gặp phải. Ngoài ra, trong quá trình biện luận, tôi cũng có thể dẫn dắt con, giúp con học cách khen thưởng ưu điểm của người khác và "biết nói lời hay ý đẹp", tạo nên một khả năng và một góc nhìn về việc xử lý các mối quan hệ giữa con người với con người sau này cho con.
• Thế nhưng nên nhớ kỹ, khen ngợi kèm theo dẫn chứng cũng phải có chừng có mực, đừng vì cần phải khen ngợi nên khen ngợi
Từ sau khi các nhà chuyên gia nghiên cứu về phương pháp giáo dục cho cả các bậc phụ huynh lẫn con cái khích lệ các bậc làm cha làm mẹ nên khen ngợi con cái nhiều hơn, các bậc phụ huynh Trung Quốc vốn trước giờ không biết khen con cái nay đã vận dụng được điều đó nhưng lại hơi quá độ, để bù lại những chỗ thiếu sót mình đã mắc phải, có những khi họ lại trở thành khen ngợi con quá mức. Ngợi khen tràn lan không có chừng mực ngược lại sẽ trở thành chướng ngại khiến con cái không dám thử bước qua, mãi mãi vẫn chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi.
Tôi xin lấy một ví dụ thường xuyên gặp phải trong các gia đình nhất:
Một bé gái ba tuổi đang vẽ nguệch ngoạc cái gì đó trên bàn trà ngoài phòng khách, trong lúc vô tình đã vẽ nên những hình hoa văn mà ngay đến cả bản thân mình cũng không hiểu nó là thứ gì. Mẹ vừa nhìn thấy, để khích lệ cô bé, bà liền giả bộ kích động vỗ tay khen đẹp: "Vẽ thật giỏi, con gái của mẹ thật thông minh!", bà ngoại ngồi bên cạnh cũng nhìn thấy, bèn vỗ tay tán thưởng theo. Đến chiều bố tan ca về nhà, mẹ vui mừng kể cho bố nghe hôm nay con gái đã xuất sắc thế nào, thế là bố liền vỗ tay khen ngợi con gái một hồi. Bé gái vô cùng vui mừng, tiếp tục vẽ những nét nguệch ngoạc.
Mấy ngày tiếp theo, tình cảnh như vậy vẫn tiếp diễn mấy lần, thế nhưng sau vài ngày liên tiếp vui vẻ vẽ tranh, đột nhiên bé gái cảm thấy mình không còn thích vẽ tranh nữa. Bà và mẹ cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi cô bé: "Chẳng phải con rất thích vẽ tranh đó sao? Tại sao lại không vẽ nữa thế?". Bé gái bĩu môi, quăng chiếc bút màu đi, nói: "Con không thích vẽ tranh!".
Bạn có biết vấn đề có thể nằm ở đâu không?
Lúc đầu, bé gái thực sự cảm thấy rất phấn khởi, cũng cảm nhận được niềm vui mà hội họa mang lại, đồng thời cô bé cũng hiểu rằng, chỉ cần cô bé vẽ tranh là bà và mẹ sẽ rất vui, họ sẽ khen cô bé là đứa trẻ ngoan, tài giỏi và thông minh. Thế nhưng cô bé còn nhỏ tuổi, hoặc cũng có thể do khả năng hội họa của cô bé còn hạn chế, cũng có thể về cơ bản cô bé không biết nên vẽ những gì, và cũng có lẽ vốn dĩ cô bé đã chẳng hề thích thú gì với hội họa cả, cho nên cô bé rất lo lắng, lo lắng nếu như mình không thông minh, không xuất sắc, thì sẽ bị bà và mẹ phát hiện ra, và sau khi phát hiện ra rồi, họ sẽ không yêu quý cô bé nữa. Chính vì thế, cô bé đã cự tuyệt với việc vẽ tranh, đồng thời nói rằng bản thân không hề yêu thích bộ môn Hội họa, tránh việc tiếp tục vẽ sẽ để lộ nhược điểm của mình thì thật là rắc rối!
Do đó, rất nhiều đứa trẻ lúc đầu yêu thích chơi đàn, nhưng sau này cứ học mãi học mãi, bỗng cảm thấy không thích chơi đàn nữa; yêu thích hội họa, nhưng cứ học mãi học mãi rồi lại không thích nữa; thích trượt patin, sau này ngay đến cả đôi giày trượt patin cũng chẳng buồn chạm tới thêm lần nào nữa. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân khiến những đứa trẻ này mỗi khi được bố mẹ nhắc tới thì đều là "thật khiến người ta phải quan tâm nhọc lòng, dù làm cái gì, học cái gì chúng cũng không hề có chút kiên trì nhẫn nại", rất có khả năng chính do sự ngợi khen thái quá của chúng ta, sự ngợi khen không chút chừng mực đã khiến chúng trong lòng lo âu thấp thỏm.
• Cho nên, khen ngợi cũng cần phải "có chừng có mực", đồng thời cần phải "đầy đủ lý do"
Một bé gái ba tuổi đang ngồi vẽ những nét nguệch ngoạc trên bàn trà trong phòng khách, vô tình vẽ ra những hình thù mà ngay đến bản thân cô bé cũng không hiểu đó là thứ gì. Mẹ ngồi bên cạnh nhìn thấy, liền vui mừng nói rằng: "Ôi! Con gái mẹ thật giỏi, con còn biết cầm bút vẽ tranh trên giấy nữa cơ đấy. Bà ra đây mà nhìn cháu này, xem cháu bây giờ đã biết cầm bút mới chắc chắn làm sao! Mẹ nhìn này, màu sắc của cái đường vẽ này thật bắt mắt!".
"Ôi! Con gái mẹ thật giỏi, con còn biết cầm bút vẽ tranh trên giấy nữa cơ đấy!", khen ngợi cô bé thực sự có thành tựu: "Có thể cầm bút vẽ tranh", mà không phải là "Vẽ thật giỏi".
"Bà ra đây mà nhìn cháu này, bây giờ con bé cầm bút mới chắc chắn làm sao!" - đây là thành tích mà trước mắt cô bé có thể đạt được, nếu tiếp tục nỗ lực luyện tập thì sẽ còn có tiến bộ. Do đó mang đến cho cô bé mục tiêu tiếp tục nỗ lực luyện tập.
"Mẹ nhìn này, con bé vẽ màu sắc của đường vẽ này thật bắt mắt!" - đây là khả năng thẩm mỹ đặc trưng không giống ai và vừa sinh ra đã có chứ không bị phụ thuộc vào bất cứ yếu tố môi trường hay giáo dục nào tác động của cô bé, có thêm lý do xác đáng này, cô bé biết được rằng vẽ tranh không chỉ cần vẽ cho thật giống, mà màu sắc đẹp mắt cũng là một trong những yếu tố để tạo nên bức tranh đẹp, và cô bé có khả năng này.
Ngoài ra, tôi cũng rất hy vọng các bậc làm cha làm mẹ có thể hiểu, chúng ta không thể vì để ngợi khen con cái mà "mở to đôi mắt nói lời dối trá". Việc này sẽ đem đến một số kết quả: Thứ nhất, trong lòng trẻ hiểu rất rõ mọi chuyện nhưng không nói ra mà thôi, nếu bạn nói dối trẻ, dỗ dành trẻ, trẻ cũng theo đó mà học cách nói dối hòng dỗ dành người khác; Thứ hai, khen ngợi con cái quá mức, không có chừng mực sẽ khiến trẻ không hiểu rõ vị trí của bản thân mình, sẽ trở nên ngang ngược, không thể ứng phó được với những thất bại chông gai mà không có ai khen ngợi mình cả; Thứ ba, khi trẻ đang thực sự không có khả năng này, vì lời khen của chúng ta, trẻ sẽ rất sợ khiến bố mẹ thất vọng, mất đi tình yêu của bố mẹ, do đó lúc nào cũng lo lắng không yên, như vậy sẽ càng gặp phải những khó khăn khúc mắc.
• Ngoài ra, khen ngợi có rất nhiều cách thức, cách thức khen ngợi khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái nhất mới là cách thức có giá trị nhất
Những đứa trẻ không cùng độ tuổi, không cùng tính cách sẽ có một yêu cầu không giống nhau về khen thưởng, cho nên để khiến việc khen ngợi càng có hiệu lực và càng có sức mạnh, chọn một phương pháp tán thưởng thích hợp cũng là điều vô cùng quan trọng. Có những đứa bé thích được bố mẹ ngợi khen chúng ở trước những nơi đông người, có những đứa trẻ lại cảm thấy vô cùng gượng gạo và xấu hổ nếu bố mẹ làm như thế; có những đứa trẻ thích được bố mẹ động viên khuyến khích bằng vật chất, nhưng lại có những đứa trẻ chỉ thích những cái ôm và những nụ hôn thân thiết tình cảm mà thôi. Những điều này đều có liên quan tới tính cách đặc biệt, vừa sinh ra đã có mà không liên quan đến yếu tố giáo dục hay môi trường bên ngoài tác động của một đứa trẻ, đồng thời cũng liên quan tới nguyên nhân dẫn đến cảm thụ niềm vui của trẻ.
Cho nên tốt nhất thông thường các bậc phụ huynh cũng nên bàn bạc với con cái về vấn đề này, mọi người đều nói về cách nghĩ của mình, xem xem con cái thích cách thức khen ngợi nào nhất, và cách thức nào chúng ta thích nhất. Khi cả người lớn và con trẻ đều biết đối phương thích nhất phương pháp tán thưởng nào và cách nào là hữu dụng nhất rồi, chúng ta sẽ không áp đặt sở thích của bản thân lên người khác, đồng thời việc khen thưởng mới phát huy được sức mạnh và công hiệu lớn nhất của nó.
Khi tôi học đại học năm thứ ba, lúc thực tập trong lớp phụ đạo của một trường học quốc tế, có một lần lớp phụ đạo phối hợp với trường tổ chức hoạt động du xuân, đó là tổ chức một cuộc leo núi Dương Minh. Khi đó, ngoại trừ các cán bộ lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Đài Loan công tác ra, thì phụ huynh học sinh của trường quốc tế ấy cũng có rất nhiều người học thức đã từng du học ở nước ngoài sau đó quay về nước lập nghiệp đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Trưa hôm đó, chúng tôi đưa theo mấy chục học sinh tiểu học đến ăn cơm dã ngoại ở một khu cắm trại trên nền cỏ xanh mượt như nhung. Sau khi ngồi xuống ổn định rồi, bọn trẻ rất nhanh chóng lấy từ ba lô ra những hộp cơm ăn trong buổi dã ngoại đã được người lớn chuẩn bị sẵn từ sáng, thế nhưng duy nhất chỉ có một cậu bé đang học lớp Hai cứ chần chừ không muốn lấy hộp cơm ra ngoài.
Tôi bèn lặng lẽ dẫn cậu bé đó đến dưới một gốc cây lớn phía sau đám học sinh nọ, quỳ xuống bên cạnh cậu bé, dịu dàng hỏi cậu bé vì sao không muốn lấy hộp cơm của mình ra. Cậu bé có một bà mẹ xuất sắc, tiếng tăm lẫy lừng khắp trong giới pháp luật, lúc này ngượng nghịu đáp lời: "Bởi vì sáng nay mẹ cháu đã buộc một cái nơ màu đỏ hình con bướm trên hộp cơm của cháu. Trên đường đi, cháu đã tháo mãi mà vẫn không tài nào tháo được cả!". Tôi cố kiềm chế không để lộ ý cười, hỏi vì sao mẹ cậu bé lại thắt hình một cái nơ màu đỏ hình con bướm trên hộp cơm của cậu bé. Cậu bé trả lời rằng, tối hôm qua, trong nhà đã tổ chức cuộc thi học thuộc thơ Đường (mặc dù những đứa trẻ này là người Trung Quốc, thế nhưng lại được sinh ra ở nước Mỹ nên cơ sở tiếng Trung đều rất kém), cậu bé đã thắng em gái mình, vì vậy để khuyến khích động viên cậu bé, đồng thời cũng để bạn bè biết đến niềm vinh quang của cậu bé, nên mẹ cậu bé đã làm một cái biểu tượng bắt mắt thể hiện niềm vinh dự trên hộp cơm của cậu bé. Thế nhưng, cái biểu tượng vinh dự trong mắt mẹ lại là nỗi xấu hổ gượng gạo không muốn thừa nhận của cậu bé tám tuổi này.
Cho nên chúng ta cần lựa chọn phương pháp khen thưởng, khuyến khích và động viên con cái như thế nào? Xin hãy ghi nhớ một nguyên tắc, người được khen thưởng là con trẻ, chứ không phải là những bậc làm cha làm mẹ, cho nên điều kiện tiên quyết của nó là cần phải thỏa mãn được yêu cầu của trẻ, tôn trọng cách nghĩ của trẻ, chứ không phải làm hài lòng yêu cầu và cách nghĩ của cha mẹ.
Học cách dạy bảo
Trong cuốn sách viết cho các bạn nữ Phụ nữ 30+, tôi đã từng kể về một câu chuyện của bản thân. Có lần tôi tham gia chương trình hỏi đáp của đài truyền hình, nói về vấn đề giáo dục gia đình. Khi anh chàng dẫn chương trình trẻ tuổi hỏi tôi rằng tôi có đánh con không, đương nhiên tôi nói thật với anh ấy, "Đánh chứ, nếu như cần thiết, đương nhiên tôi còn phạt con nữa". Kết quả là, trong cả chương trình ngày hôm ấy, không chỉ một lần tôi bị anh chàng dẫn chương trình vốn vô cùng kinh ngạc giễu cợt. Anh ấy năm lần bảy lượt nói rằng: "Người như cô Kim thế này khi đánh con thì thế này, thế nọ...". Khiến tôi ngày hôm ấy quả thực giống như một người phụ nữ ác độc, cay nghiệt ghê gớm vậy, khiến tôi xấu hổ tới mức không sao ngẩng đầu lên được.
Không phải tôi đang bào chữa cho bản thân, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, dạy dỗ con cái chính là trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, cũng chính là một trong những đức tính trời sinh vô cùng đẹp đẽ thể hiện tình yêu của chúng ta với con cái. Nhưng đối với trẻ ở độ tuổi nào đó, "nỗi đau thể xác" thích hợp thực chất lại là một trong những phương pháp mang tính "nhớ lâu", chỉ cần mức độ dạy bảo hoặc dùng cách xử phạt về thể xác có chừng có mực, thích đáng, thì tuyệt đối không đến mức phải tạo thành sự tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần không cách nào phai mờ được đối với trẻ. Ngoài ra, "yêu" và "dạy dỗ" hoàn toàn không hề đối lập nhau, nhất định không được rơi vào sai lầm cho rằng vì "dạy dỗ theo phương pháp yêu thương" mà mặc sức cưng chiều trẻ.
Vậy thì, đứng từ góc độ Tâm lý học nhi đồng ở lứa tuổi cắp sách tới trường mà nói, dạy dỗ như thế nào mới có thể xem là đưa trẻ vào khuôn khổ một cách thích đáng, đồng thời có thể đạt được hiệu quả?
• Đầu tiên, quan trọng nhất chính là: kiên định, kiên định, và kiên định
Rất nhiều phương pháp dạy dỗ đang sắp thành nhưng rồi lại bại, sự thất bại ấy chính là nằm ở vấn đề bố mẹ không kiên định được với nguyên tắc dạy dỗ. Còn nhớ năm đó, khi làm việc ở trung tâm Vệ sinh tâm lý nhi đồng, có một lần chúng tôi tổ chức buổi nghiên cứu và học tập cho các bậc phụ huynh trong tổ chức xã hội, bảo cách cho họ làm thế nào để dạy dỗ con cái. Trên ba mặt tường của hội trường, chúng tôi dán những chữ rất to, một chữ trong đó chính là "Firm" (kiên định), bởi vì tất cả các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục phụ huynh và con cái đều nhất loạt cho rằng, đây chính là nguyên tắc đầu tiên về giáo dục con cái, đồng thời cũng là nguyên tắc các bậc làm cha làm mẹ không dễ dàng gì mà giữ được.
Tôi xin lấy một ví dụ trong cuộc sống như sau:
Bố quy định, mỗi hôm sau khi tan học, Tiểu Minh buộc phải làm xong bài tập về nhà rồi mới được ngồi xem ti vi một tiếng đồng hồ. Bình thường, mẹ cũng rất tuân thủ nguyên tắc ấy, thế nhưng hôm ấy bà ngoại vốn đã lâu rồi không gặp ở quê đến chơi, sau khi Tiểu Minh tan học về nhà, cậu ngồi luôn ở phòng khách cùng bà vừa ăn đồ, trò chuyện, vừa xem ti vi, cho nên đến tận trước khi đi ngủ, Tiểu Minh mới vội vàng làm xong bài tập về nhà ngày hôm đó.
Sau vài hôm, bà ngoại về quê, vừa tan học về nhà, Tiểu Minh liền đặt mông xuống sô pha, bật ti vi lên xem. Thấy thế, mẹ liền không vui nói rằng: "Sao đã ngồi xem ti vi rồi? Chẳng phải bố đã quy định là phải làm xong bài tập về nhà trước rồi mới được ngồi xem ti vi ư?". Tiểu Minh đáp vẻ không để ý: "Mấy ngày trước chẳng phải con cũng xem ti vi trước, sau đó ăn xong cơm mới đi làm bài tập đấy sao? Vả lại, con cũng làm xong bài tập đấy thôi!". Mẹ vô cùng tức giận, cao giọng mắng: "Mấy ngày trước là mấy ngày trước, vì mấy ngày trước có bà tới chơi nên mẹ mới để con ngồi xem ti vi cùng bà một lát, mau, đi làm bài tập nhanh!".
Có thể Tiểu Minh sẽ vẫn tiếp tục ngồi yên tại đó không nhúc nhích chút nào, nhưng cũng cao giọng nói: "Con không đi đâu!", hoặc chẳng chút cam tâm tình nguyện nào một mặt rời khỏi sô pha nhưng một mặt miệng lại không ngừng làu bàu: "Cái gì cũng do bố mẹ quyết định cả, lúc thì thế này, lúc lại thế kia!".
Chúng ta cần hiểu rằng, đối với trẻ mà nói, đặc biệt là những đứa trẻ tuổi còn nhỏ, chúng sẽ không hiểu lắm về mối quan hệ giữa "hoàn cảnh" và "hành động", sự phát triển nhận thức của chúng vẫn không đủ để hiểu cái chân lý "trong một số hoàn cảnh, nguyên tắc có thể thay đổi và điều chỉnh", chính vì vậy, đối với chúng mà nói, thực sự cũng có chút tủi thân, không thể lý giải nổi tại sao lúc thì thế này khi lại thế kia, thậm chí còn có thể phát hiện ra điều sơ suất trên nguyên tắc dạy dỗ. Nếu như trẻ là một đứa bé bướng bỉnh, ngang ngược, vậy thì có khả năng trẻ sẽ trực tiếp chống đối lại, thách thức mọi quyền uy, dò xét điểm mấu chốt của bố mẹ; còn nếu trẻ tương đối ngoan ngoãn và biết nghe lời, vậy thì mặc dù bề ngoài trẻ rất biết vâng lời, nhưng có khả năng trong lòng lại thấy vô cùng tủi thân.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhân tố dễ dàng ảnh hưởng tới sự kiên định trong dạy dỗ nhất chính là cảm xúc của chúng ta. Chúng ta đưa ra một quy tắc, nhưng khi vui, chính bản thân chúng ta có thể sẽ phá hoại nó, lúc buồn bản thân chúng ta cũng sẽ có thể phá hoại nó.
Mẹ đã từng nói với Tiểu Minh rằng, chỉ cần cậu đạt được điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học thì cả nhà sẽ đi khu vui chơi giải trí chơi, sau đó còn được ăn pizza và kem nữa.
Vào lần kiểm tra định kỳ thứ nhất, Tiểu Minh đã được hai điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học, cả nhà đã cùng nhau đến khu vui chơi giải trí chơi, đồng thời còn được ăn cả pizza và kem nữa. Một hai lần tiếp theo, mẹ cũng vẫn thực hiện theo đúng lời hứa đặt ra. Thế nhưng vào buổi sáng hôm ấy khi bảng điểm thông báo kết quả bài kiểm tra định kỳ được đưa đến, mẹ đã phát hiện ra một tin nhắn trên điện thoại của bố khiến mẹ rất không vui. Chiều tới, khi Tiểu Minh tan học về nhà, cậu vui vẻ háo hức khoe với mẹ mình lại được điểm mười ở hai môn Ngữ văn và Toán học, thế nhưng mẹ không hề trả lời. Tiểu Minh chẳng hiểu tại sao, bèn nhắc nhở mẹ về chuyện cuối tuần gia đình đi khu vui chơi giải trí chơi. Không ngờ mẹ lại quát lên với cậu: "Con chỉ biết đến chơi thôi! Mau đi làm bài tập đi!".
• Tiếp theo dạy dỗ nhất định phải "ngay lập tức" và "kịp thời đúng lúc"
Dạy dỗ chỉ có tác dụng trong một thời gian hạn định, đồng thời càng là những đứa trẻ nhỏ tuổi càng cần phải chú ý đến điểm này. Thứ nhất, khả năng chú ý của trẻ có hạn, nếu như không lập tức và kịp thời đúng lúc tiến hành dạy dỗ, ngay sau khi xảy ra sự việc, trẻ sẽ quên đi hoàn cảnh khi đó, lúc sau dạy bảo thì hiệu quả đạt được sẽ vô cùng thấp, mức độ của lời khuyên nhủ mà trẻ cảm nhận được cũng sẽ vô cùng kém; thứ hai, đã qua một khoảng thời gian rồi, khi trẻ đang cảm thấy vui vẻ, bạn đột nhiên lật lại chuyện cũ, vô duyên vô cớ mà dạy dỗ trẻ một lượt, cũng sẽ làm cho trẻ cảm thấy hoảng hốt và tủi thân, bởi vì có khả năng trẻ đã sớm quên đây là chuyện gì rồi.
Đối với những đứa trẻ lớn hơn một chút mà nói, dạy bảo không kịp thời, để lại sau này giải quyết sự việc cũng sẽ khiến trẻ thấy lo lắng bất an trong lòng, tạo thành thói quen lo lắng đại họa ập xuống đầu, cuối cùng ảnh hưởng đến tính cách và tư duy của trẻ, đây là kết quả chúng ta không muốn phải nhìn thấy nhất.
Tôi còn nhớ khi con trai còn nhỏ, thằng bé vô cùng không thích ăn rau, có một lần gia đình chúng tôi cùng vài gia đình khác nữa tụ hội với nhau, trong bữa ăn, con trai tôi lại mang vẻ khó chịu không chịu ăn rau. Chồng tôi nhìn thấy tình cảnh như vậy, một lời cũng không nói, lập tức đứng dậy đưa con rời khỏi nơi ấy. Bố con hai người rời khỏi cuộc họp mặt tầm hai mươi phút, khi quay trở lại bàn ăn, con trai tôi đã ngoan ngoãn ăn hết một đĩa rau to. Tôi len lén nhìn khuôn mặt con trai, khuôn mặt ấy không có vết tích đã từng khóc, thế nhưng thần sắc thì thể hiện rõ rằng vừa bị dạy dỗ một trận. Sau khi xảy ra sự việc, tôi vẫn luôn không hỏi sau khi hai người đi ra ngoài đã xảy ra chuyện gì, chỉ làm bộ như không có chuyện gì xảy ra mà tiếp tục ăn cơm, còn con trai cũng giả bộ như không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục ăn cơm, nhưng cũng từ hôm ấy, con trai tôi đã bắt đầu ăn rau.
Tối hôm đó sau khi về nhà, tôi hỏi chồng xem khi hai người ra ngoài đã xảy ra chuyện gì. Chồng tôi nói rằng đã đưa con trai đến một công viên nhỏ cạnh nhà hàng, rồi bảo con trai ngồi xuống trên một chiếc ghế trong công viên, sau đó trịnh trọng một cách lạ thường, cũng rất nghiêm túc mà hỏi con: "Con có biết vì sao người ta nên ăn rau không?". Con trai gật gật đầu, ra vẻ khoe mẽ và cố tỏ ra thông minh nói một tràng về những điều lợi khi ăn rau. Con trai nói xong, bố liền xịu mặt xuống nói: "Tốt, con đã biết tác dụng của việc ăn rau như vậy, vậy bây giờ chúng ta hãy quay lại bàn ăn và ăn rau thôi. Nếu như con không ăn, chúng ta sẽ tiếp tục ra ngoài một lần nữa, nhưng nếu như phải tiếp tục ra ngoài, bố sẽ đánh con!". Nghe lời đe dọa nghiêm túc của bố, đồng thời nghe có vẻ như là lời nói thật, con trai tôi đã nghe lời mà quay về bàn ăn ăn rau!
Trong các cửa hàng tổng hợp, tôi rất sợ khi nghe thấy những bà mẹ dọa nạt con như thế này: "Con mà không ngoan, xem về nhà mẹ bảo bố con như thế nào!". Chúng ta không cần thiết phải dọa nạt con cái như vậy (trên thực tế, dọa dẫm như vậy cũng chẳng có tác dụng gì, con vẫn cứ không ngoan như vậy, thậm chí có khả năng trẻ còn hư hơn, càng khóc càng quấy nhiễu hơn, bởi vì nó bị dọa cho vô cùng sợ hãi), mà chỉ cần ngồi xuống, ôm chặt con vào lòng, thực lòng nói với con rằng, bạn yêu con nhiều như thế nào, sau đó bình tĩnh hòa nhã, từ từ không vội vàng, ngữ khí kiên quyết nhưng tuyệt đối không mang ý uy hiếp hoặc chán ghét mà nói với con, bạn không cho phép con làm như vậy.
Rất nhiều khi, nguyên nhân trừng phạt không thích đáng hoặc dạy bảo không kịp thời của chúng ta là sợ bị mất mặt. Ví dụ như trong cửa hàng bách hóa chúng ta sợ nhất trẻ lại khóc gào không thôi, để dàn xếp ổn thỏa, chúng ta sẽ cố gắng hết sức có thể mà chiều theo yêu cầu của con, sau đó về nhà mới tiếp tục xử lý vấn đề đó. Kỳ thực, tâm hồn của trẻ vô cùng mẫn cảm, trẻ biết rằng cần giữ thể diện chính là điểm yếu của chúng ta, cho nên tr ẻ dùng chiêu đó để kìm hãm chúng ta, đồng thời sau khi thực hiện thành công được một lần, trẻ sẽ ngựa quen đường cũ mà tiếp tục thử lần thứ hai, lần thứ ba, rồi đến lần thứ n. Khi thấy mọi lần thực hiện đều đạt được kết quả, hành động không tốt này sẽ dần dần được thiết lập một cách chắc chắn.
• Thế nhưng, dạy dỗ tức thì đúng nơi đúng lúc nhất định cần phải chú ý đến kỹ xảo, không thể làm nhục con cái hoặc làm tổn thương đến lòng tự tôn của con cái
Nhất định bạn đã từng gặp những cảnh tượng khó coi như thế này: Một bà mẹ dáng vẻ nhếch nhác, hổn hà hổn hển ra sức kéo một đứa bé khóc đến độ đứt hơi khản tiếng ra ngoài, cả người lớn và trẻ nhỏ mặt mũi đều đỏ phừng phừng, đều cảm thấy xấu hổ không sao chịu nổi.
Đứng từ góc độ Tâm lý học phát triển mà xem xét, đứa trẻ từ năm tuổi trở lên đã có lòng tự trọng vô cùng mạnh, do đó trẻ rất dễ dàng bị tổn thương. Cho nên, khi người lớn cho rằng trẻ con như thế làm sao hiểu được chuyện gì, thì chúng sớm đã biết giấu cảm xúc trong lòng rồi. Do đó, khi dạy bảo con cái, chúng ta nhất định cần phải chú ý đến kỹ xảo, ví dụ như, không được mắng trẻ ở chỗ đông người, không được hùng hùng hổ hổ phê bình trách mắng rồi tùy tiện đánh con, không được không lựa chọn lời nói trong cơn thịnh nộ.
Lần trước, dưới sự nhờ vả của một người bạn, tôi đã giải quyết một vấn đề của cậu bé đã học cấp ba rồi. Ở trường, thành tích học tập của cậu bé rất tệ, nhìn thấy rõ rành rành là không thể thi lên đại học được; ở nhà, cậu bé lại hoàn toàn không mở lời trò chuyện cùng bố mẹ, nhiều nhất cũng chỉ trả lời mấy câu ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa như "vâng", "cũng được". Sau hai lần trò chuyện tâm sự cùng cậu bé, tôi đại khái có thể biết được nguyên do vì sao cậu bé lại khép lòng với bố mẹ như vậy. Cậu bé nói cậu bé còn nhớ như in khi mình học lớp Sáu, trong một buổi họp phụ huynh, mẹ bị thầy giáo quở trách đã thẹn quá hóa giận mà lớn tiếng với cậu trước mặt mấy bạn khác: "Tao thật hối hận vì đã sinh ra mày. Có phải mày đã đầu thai nhầm rồi không?". Cậu bé nói khi ấy mình bị làm nhục đến mức không sao có thể ngẩng được đầu lên, trong lòng chỉ cảm thấy rất hận, hận bản thân mình vô dụng, đồng thời cũng hận vì mình lại phải sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy.
Nỗi hận ấy luôn luôn làm bạn cùng cậu bé, mặc dù sau khi sự việc xảy ra mẹ cũng cảm thấy những lời mình nói hơi quá đáng, nhưng đã không còn cách nào có thể xóa nhòa đi cảm giác đau khổ và dấu tích lưu lại như bị tát vào mặt trước mặt bao nhiêu người khi đó của cậu bé. Trong quá trình chỉ dẫn cho các em ở lứa tuổi cắp sách tới trường bao nhiêu vấn đề như vậy, rất nhiều sự tự ti, thành tích học tập kém, tính cách ương bướng hư hỏng và những hành vi bạo lực của trẻ đều có thể tìm thấy vết tích bị người lớn trách phạt, đánh đập, và làm nhục.
Tôi biết các bậc làm cha làm mẹ bây giờ vất vả hơn bậc phụ huynh ngày trước, ngoài những công việc nhà làm mãi không hết, họ còn có áp lực tương đối lớn từ nghề nghiệp. Lúc nào cũng phải bình tĩnh ôn hòa đối mặt với lỗi lầm của con cái, đối với chúng ta thực ra là một môn học rất khó học được. Thế nhưng, gia đình vốn nên là bến cảng vững chắc nhất cho trẻ, bố mẹ vốn nên là bờ vai an toàn nhất cho con cái. Vì những đứa con thân yêu nhất của chúng ta, môn học dù có khó đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng chỉ biết cắn răng học được nó mà thôi.
• Thế nên khi dạy dỗ cần phải tùy theo từng việc mà xem xét, không được để cảm xúc của bản thân xen vào đó
Trong một gian hàng tổng hợp ngoài trời vùng ngoại ô Bắc Kinh, tôi đã từng nghe thấy đoạn hội thoại của cặp cha con ngoại quốc. Khi đó, chúng tôi đang đứng trước một quầy hàng ghi băng đĩa chọn mua những chiếc đĩa DVD. Một đứa trẻ chừng năm tuổi chạy đến bên cạnh bố đang giới thiệu về những chiếc đĩa DVD, nói rằng, "Con muốn mua người máy". Ông bố trả lời rằng, "Ồ, đã đến lễ Giáng Sinh đâu". Đứa bé cao giọng, nói lại một lần nữa, "Con muốn mua người máy". Ông bố đặt chiếc đĩa DVD xuống, nhìn con mà trả lời, "Bố nói rồi mà, đã đến lễ Giáng Sinh đâu". Cậu con trai bắt đầu lớn giọng gào khóc, "Con muốn mua người máy, con muốn mua người máy!". Ông bố nhìn cậu con trai, nói một cách thản nhiên, không lộ chút cảm xúc nào, "Ừ, con mới có năm tuổi, bố đã ba mươi lăm tuổi rồi, con cho rằng bố sẽ nghe con sao?". Đứa trẻ tự cảm thấy chuyện này không mấy hy vọng, bèn thu lại tiếng khóc, quay đầu chạy đi tìm em gái chơi nhanh như một làn khói.
Đứng ở bên cạnh, tôi vô cùng khâm phục người đàn ông này. Anh ta đúng là một "nhà chuyên nghiệp", biết cách làm thế nào để không nổi cáu khi giải quyết vấn đề. Anh ấy đã không hề nổi giận trước sự quấy rầy của con trai, cũng không hề bại dưới tiếng kêu khóc của con trai, không thấy bực dọc cũng chẳng lo lắng, mà chỉ đối xử với con như đối xử với một người lớn, tùy từng việc mà suy xét, khiến con trai hiểu rằng: thứ nhất, vẫn chưa đến lúc được mua người máy; thứ hai, khóc cũng chẳng có tác dụng gì; thứ ba, việc trong nhà do bố lo liệu quyết định.
Rất nhiều khi, hành động ban đầu của trẻ không hề tồi tệ đến mức ấy, nhưng bởi vì trong khi chúng ta giải quyết tình hình, chúng ta đã đặt cảm xúc của bản thân trong đó, nên mới khiến cho vấn đề càng trở nên phức tạp, cuối cùng đến mức không thể nào quay lại được tình hình. Chúng ta nên cố gắng học được cách giữ lại cái bản chất của sự việc lúc đầu, chỉ nhìn thấy tất cả những thứ thuộc về sự việc đang phát sinh như không làm bài tập, đánh nhau với bạn bè trong lớp, chơi điện tử... mà hoàn toàn coi nhẹ và khống chế được cảm xúc vì sự việc ấy mà phát sinh kiểu như: Nếu không làm bài tập về nhà sẽ không thi được vào trường cấp hai tốt, đánh nhau cãi nhau ở trường thì tương lai cũng chỉ là một đứa trẻ hư, chơi điện tử thì sau này chẳng có được thành tích gì cả. Nếu có thể vứt bỏ được hết những cảm xúc trên, chúng ta sẽ không bị chúng làm ảnh hưởng, và từ đó sẽ có thể đối diện với vấn đề một cách khách quan nhất, đồng thời bày tỏ được rõ ràng tâm tư của chúng ta.
Một bà mẹ mệt mỏi trở về nhà từ những bực bội không sao chịu nổi, vừa đặt chiếc túi xách xuống đã bắt đầu rửa tay chuẩn bị nấu ăn. Người mẹ ấy đi vào phòng của Tiểu Minh, nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính, không sao kìm được nỗi tức giận trong lòng: "Làm xong bài tập về nhà chưa?
Sao đã lại lên mạng rồi? Cứ thế này con làm sao mà thi đỗ được? Nếu như không thi được vào trường tốt, con chỉ có thể đi làm thuê làm mướn thôi, dù sao mẹ cũng chả quản con nữa! Rốt cuộc con đã làm bài tập hay chưa!".
Đối diện với sự trách móc nổ ra liên tiếp mang đầy cảm xúc của mẹ, Tiểu Minh giận dữ đến mức không biết phải trả lời ra sao, chỉ có thể nói: "Không quản thì không quản, làm thuê làm mướn thì làm sao chứ, cũng chẳng chết người được!".
Mẹ vô cùng giận dữ trước thái độ không có chí tiến thủ của Tiểu Minh, tiếp tục nói: "Ngày nào mẹ cũng thức khuya dậy sớm, vất vả làm việc như thế là vì cái gì? Nếu như con không thích học hành mà chỉ thích làm thuê làm mướn, vậy được, ngày mai đừng có đi học nữa, mẹ cũng đỡ phải đi kiếm tiền nộp tiền học phí cho con!".
Tiểu Minh tức đến mức vứt cuốn sách trên bàn xuống đất, vùi đầu trên giường, chùm kín chăn, không muốn nói chuyện với mẹ thêm nữa. Trong phòng khách, mẹ cũng tức giận đến nỗi phải gọi điện thoại cho bố, giọng cáu gắt bảo bố về nhà sớm một chút mà dạy dỗ cậu con trai càng ngày càng không biết nghe lời kia.
Thực ra, nếu như mẹ không nổi giận khi vừa nhìn thấy con, khi nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính, mẹ có thể thử kiềm chế tính tình nóng nảy của mình, vứt bỏ cái thành kiến cho rằng "chắc chắn là như vậy", bình tĩnh ôn hòa mà nói một câu đơn giản: "Con lên mạng đấy à?", sau đó lắng nghe xem Tiểu Minh trả lời thế nào, có lẽ như vậy sẽ tránh được tình cảnh chẳng mấy vui vẻ vừa xảy ra.
• Do đó, dạy dỗ không phải là chỉ bảo một chiều, mà cần phải cho con cơ hội để tranh luận và phản bác lại
Tôi biết điều khiến các bậc làm cha làm mẹ Trung Quốc không thể khoan dung nhất chính là con cái dám phản bác lại lời mình, cho rằng như thế có nghĩa là cãi lại, là coi thường và thách thức uy quyền của bố mẹ. Thực ra cách nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm, chúng ta hãy vứt bỏ cảm xúc, mà hãy dùng một lý trí khách quan để suy nghĩ xem, nếu như chúng ta không cho con cái tranh luận, chúng ta làm sao có thể hiểu được đầu đuôi sự việc, làm sao có thể hiểu được trong lòng con đang nghĩ gì, đồng thời cũng làm sao biết được có phải cái cách nghĩ ban đầu của chúng ta là đang hiểu lầm con cái hay không?
Chúng ta cho con cái cơ hội biện bạch và phản bác lại lời mình, không những giúp chúng ta biết được sự thật, mà còn giúp con cái biết rằng giữa chúng và bố mẹ là bình đẳng với nhau, chúng có thể có được sự tôn trọng của chúng ta, cũng có thể có được sự đối đãi công bằng của chúng ta. Xin hãy tin tôi, chỉ cần chúng ta vứt bỏ thành kiến đối với việc con cái cãi lời bố mẹ, để cho con cái có quyền lợi được biện hộ cho hành vi của bản thân, làm như vậy ngược lại có thể giúp con cái học được cách làm thế nào để bình tĩnh, làm thế nào để khống chế cảm xúc của bản thân mà đáp lại sự chất vấn của người khác, việc này cũng giúp ích rất nhiều cho kỹ xảo dạy con cách xử lý các mối quan hệ giữa người và người trong tương lai.
Cho nên khi mẹ với dáng vẻ mệt mỏi nhìn thấy Tiểu Minh đang ngồi trước màn hình máy vi tính ở trong phòng, chỉ cần đi đến gần, dịu dàng xoa đầu con, hỏi nhẹ nhàng: "Con lên mạng đấy à?".
Có khả năng Tiểu Minh sẽ trả lời: "Vâng, con đang làm bài tập ạ. Hôm nay cô giáo lại để bài tập trên blog của cô ấy, con đang xem ạ".
Cũng có thể Tiểu Minh sẽ trả lời: "Vâng ạ, con vừa làm xong bài tập, nên muốn nghỉ ngơi một chút ạ".
Còn có thể trả lời: "Vâng ạ. Hôm nay ở trường vô cùng chán, nên con không muốn làm bài tập, con muốn nghỉ ngơi một chút ạ".
Bất luận câu trả lời của Tiểu Minh có là như thế nào, có phải đều sẽ giúp mẹ theo câu trả lời của con mà tiếp tục trò chuyện với con, tránh được tình cảnh khiến cả mẹ và con đều vô cùng tức giận như ban nãy xảy ra hay không? Quan trọng hơn là có thể khiến con cái dốc bầu tâm sự với mình, thậm chí còn cho chúng ta cơ hội để hiểu thêm về con, giúp đỡ con và an ủi con.
Chính vì vậy, sau này nhất định phải tránh những cách thức trò chuyện như sau:
"Im ngay! Người lớn đang dạy dỗ, đâu có chỗ cho con nói vào!"
"Bây giờ con đã biết cãi lại lời bố mẹ rồi, con có ý kiến riêng rồi, đủ lông đủ cánh rồi phải không?"
"Con thì hiểu cái gì! Cái cầu mẹ qua còn nhiều hơn cả con đường con đi ấy chứ!"
• Cuối cùng, xin hãy hiểu rằng con người chính là động vật có tình cảm, chúng ta đều cần phải được thể hiện cảm xúc
"Không được khóc, động nói đến con là con khóc, con xem có được không?"
"Rốt cuộc con có nhận sai không? Con nói đi xem nào!"
"Mẹ đang nói chuyện với con đấy, con có nghe thấy không? Tại sao một chút phản ứng cũng không có!"
Đây là những lời vô cùng quen thuộc với chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ nhất định không lạ lẫm gì với chúng. Khi chúng ta dạy dỗ con cái, mặc dù đứng địa vị là người trên, có quyền làm chủ và điều khiển người khác, thế nhưng vì quá mệt mỏi, vì thất vọng, và vì những trắc trở gặp phải, cho nên cảm xúc vô cùng nhạy cảm và yếu ớt, trước thái độ biểu hiện cảm xúc của đứa trẻ đang bị trách mắng, chúng ta sẽ có phản ứng nhạy cảm quá mức.
Khi bị trách mắng, đứa trẻ sẽ gào khóc. Có thể trẻ bị đổ oan mà cảm thấy tủi thân, có thể là mắc lỗi nên sợ hãi, cũng có thể là hối hận và thấy buồn bã. Thế nhưng, chúng ta không hề nhìn thấy cảm xúc ấy, thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là trẻ không chịu nhận lỗi, trẻ lấy nước mắt ra để tố cáo, là những tiếng khóc hu hu quấy nhiễu càng khiến chúng ta thấy phiền lòng.
Đứa trẻ bị trách mắng mà không khóc, có thể là do đặc điểm tính cách biết kìm nén cảm xúc, cũng có thể là cố ý đóng kín cảm xúc để bớt phần đau khổ, cũng có thể là thực sự cảm thấy tủi thân nên đã giận dỗi mà chống đối lại. Nhưng chúng ta lại không hề nhìn thấy những động cơ này, thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là trẻ bướng bỉnh không chịu nhận sai, là việc trẻ dùng sự im lặng để chống lại người có vai vế cao, là ánh mắt phẫn nộ khiến chúng ta cảm thấy phần nào mất đi sự tự tin.
Những biểu hiện như thế của chúng ta sẽ khiến trẻ không biết phải làm thế nào, khóc không được, không khóc cũng chẳng xong. Ngoài ra, nếu chúng ta quá nghiêm khắc đối với một đứa trẻ đang ở độ tuổi lớn, thì khi đối mặt với cơn bão cảm xúc ở mặt tiêu cực như vậy, đứa trẻ mà cảm xúc vẫn còn chưa hoàn toàn trưởng thành ấy sẽ khống chế những cơn sóng lớn đang cuộn trào trong lòng, giống như một người không hề gặp phải bất cứ chuyện gì mà thản nhiên đối đáp lại bố mẹ.
"Con nói đi, mẹ dạy dỗ con như thế có đúng không? Sau này con cần phải làm gì? Con nói đi xem nào!"
"Nói đi, sau này có dám nữa không? Con nói đi xem nào!"
"Con nói xem, rốt cuộc hôm nay ở trường đã xảy ra chuyện gì? Con mau nói đi!"
Trời ạ! Có phải chúng ta đang quá tàn nhẫn với một mầm mạ non yếu đuối không?
Do đó, hãy nhớ rằng, khi bị trách phạt chắc chắn trẻ sẽ có cảm xúc, từ góc độ khỏe mạnh về cả thể xác lẫn tâm hồn mà nói, trẻ cũng cần phải được thể hiện cảm xúc này ra bên ngoài, mà cách thức thể hiện cảm xúc của trẻ tùy thuộc vào tính cách của mỗi người mà khác nhau. Có những đứa trẻ nói không chừng còn chưa chạm vào người, mà đã khóc oa oa lên rồi, nói: "Con không dám nữa, con không dám nữa"; cũng có những đứa trẻ bị roi quất trên mông nhưng vẫn cắn chặt răng, không rơi một giọt nước mắt nào. Điều tôi muốn nói ở đây là, cách thức biểu hiện cảm xúc của trẻ không hề liên quan gì tới "phục hay không phục sự trách mắng của bố mẹ", mà chỉ liên quan đến đặc điểm tính cách riêng của trẻ, mà đặc điểm tính cách này, nói xin lỗi, ngoài được di truyền từ bạn ra thì cũng có liên quan đến phương thức giáo dục của bạn đối với trẻ!
Bài học nhỏ
Khi phương thức dạy dỗ con cái của bạn không đồng nhất với phương thức dậy dỗ của mẹ chồng, thì phải làm thế nào?
Khi dạy dỗ con cái, "kiên định" bao gồm kiên định về nguyên tắc và tính đồng nhất trong thái độ dạy dỗ trẻ giữa các người lớn với nhau. Nếu như người lớn có bất đồng trong cách thức dạy dỗ trẻ, đứa trẻ tinh tế nhạy cảm sẽ bắt thóp được điều đó, đồng thời nhất định sẽ lợi dụng nó một cách triệt để.
Nếu như nỗi bất đồng quan điểm này tồn tại giữa vợ chồng với nhau, thì khi đi ngủ hai người có thể thủ thỉ bàn bạc một chút, vấn đề sẽ dễ dàng được giải quyết hơn, bình thường người chồng sẽ vui vẻ mà nhường lại quyền dạy dỗ chủ đạo cho vợ. Thế nhưng nếu như sự bất đồng quan điểm này xảy ra giữa mẹ chồng và con dâu, thì sự bất đồng này về cơ bản chính là hai bên đang "âm thầm phân cao thấp". Về vấn đề tranh giành chủ quyền dạy dỗ trẻ thì lại cần phải có trí thông minh để hòa giải mâu thuẫn này. Thế nhưng, may mà mặc dù giữa mẹ chồng và con dâu tồn tại sự so đo tính toán lẫn nhau nhưng nó đều xuất phát từ tình yêu và sự kỳ vọng dành cho trẻ, thế nên chỉ cần giải quyết thỏa đáng một số bất đồng về phương pháp dạy dỗ trẻ, là có thể dễ dàng hóa giải được mâu thuẫn ấy.
Khi hóa giải những bất đồng, người đầu tiên đứng ra hòa giải phải là người con dâu thuộc thế hệ vãn bối, về tình về lý đều cần gánh vác một trách nhiệm tương đối nhiều ưu tư. Mặc dù người con dâu mới là mẹ của đứa trẻ, song đồng thời cũng là tấm gương cho đứa trẻ noi theo, n ếu như khi đối xử với mẹ chồng để lộ chút không tôn kính bề trên, có những hành động cử chỉ không hiểu chuyện, vậy thì con sẽ "có thế nào học theo thế ấy", sau này cũng sẽ đối xử như vậy với chính mẹ của mình. Ngoài ra, đối với một người đàn ông Trung Quốc mà nói, khi vợ so đo, thậm chí là cạnh tranh với mẹ chồng, vợ mãi mãi là người cuối cùng được bỏ qua. Do đó tôi xin có một lời khuyên với những người làm dâu, rằng tốt nhất chúng ta đừng nên ngốc nghếch mà đi khiêu chiến ở vấn đề này.
Vậy thì làm thế nào để có thể cùng chung một quan điểm về vấn đề giáo dục con cái với mẹ chồng đây? Tôi xin đưa ra một số câu đối thoại sau:
"Mẹ, mẹ không thể quản thúc cháu như thế được!"
"Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không? Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người!"
"Mẹ, chẳng phải hôm trước trên ti vi đã nói rồi sao, không thể để nó ăn nhiều đồ ăn vặt như thế này được, sao mẹ lại quên rồi thế?"
"Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi!"
"Mẹ, mẹ không thể quản thúc cháu như thế được!" - đây là câu nói của người trên nói với người dưới, giống như con dâu đang dạy bảo mẹ chồng, mẹ chồng đương nhiên vô cùng giận dữ rồi. Vì để giữ thể diện và bảo vệ uy quyền của mình, mẹ chồng sẽ nói, "Tôi nuôi dạy nó lớn như thế đấy, nó bây giờ thì làm sao, chẳng phải rất tốt đó sao?".
"Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không?
Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người!" - Câu này không liên quan đến vấn đề dạy dỗ, đây là cùng lo lắng về lợi ích của trẻ, là lý tính chứ không bao hàm bất cứ ý phê bình nào. Thế nhưng bạn không thể nói tiếp rằng: "Mẹ, có phải chúng ta cần bàn bạc một chút không? Tốt nhất nên tìm ra một cách dạy trẻ chung giữa hai người! Mẹ dạy cháu như thế là không được!". Nếu không, bao nhiêu công sức lúc trước đều sẽ đổ xuống sông xuống biển cả!
"Mẹ, chẳng phải hôm trước trên ti vi đã nói rồi sao, không thể để nó ăn nhiều đồ ăn vặt như thế này được, sao mẹ lại quên rồi thế?" - đây là câu chất vấn, chỉ trích, trách tội của bề trên đối với bề dưới. Mẹ chồng nghe thấy, mặc dù tự biết bản thân đuối lý, nhưng vì thể diện nên sẽ thà chết chứ không chịu nhận.
"Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi!" - đây là câu trần thuật lại sự việc, không bao hàm cảm xúc, không trách tội, chỉ là dựa vào tính chất vốn có của sự việc mà đưa ra ý kiến mà thôi. Nhưng, bạn không thể nói tiếp câu: "Mẹ, mấy hôm nay thằng bé cứ luôn miệng kêu đau bụng, con thấy có khi phải bớt ăn mấy đồ ăn vặt đi! Mẹ phải nhớ đấy nhé, đừng cho thằng bé ăn nhiều như vậy nữa!".
Cho nên, để đạt được sự đồng nhất quan điểm trong phương pháp dạy dỗ trẻ với mẹ chồng cần phải chú ý những điểm sau đây:
• Giống như ở trên đã nói, phải dựa theo tính chất vốn có của sự việc mà đưa ra nhận định và bàn bạc với nhau, không chất vấn, không chỉ trích, không trách tội.
• Trước tiên nên khéo léo làm thỏa mãn lòng hư vinh của mẹ chồng, sau đó mới đưa ra vấn đề cần bàn.
"Mẹ, mẹ xem khi ấy mẹ thật chẳng dễ dàng gì, một mình nuôi dậy mấy người con như thế, bây giờ ai cũng đều khôn lớn thành tài hết cả. Nhưng mà, haizzz... cuộc sống bây giờ không giống như năm ấy nữa rồi, bọn trẻ bây giờ và trẻ con thời đó cũng đã không giống nhau, thế giới bên ngoài lại phức tạp như vậy, thật chẳng dễ nuôi dạy chút nào!... Mẹ xem đấy, chẳng phải hôm đó ti vi cũng nói rồi sao..." Trước tiên chúng ta cần khẳng định công lao của mẹ chồng, thừa nhận khả năng của bà và làm thỏa mãn lòng hư vinh của bà, nhưng đồng thời cũng khiến cho bậc tiền bối ấy hiểu rằng vận dụng phương pháp dạy dỗ ngày trước vào hoàn cảnh bây giờ sẽ không nhất định là vẫn thích hợp, và cũng không nhất định sẽ đạt được hiệu quả. Như thế, mẹ chồng sẽ không vì vội vã bảo vệ bản thân, vì không tán thành mà phản bác nữa.
• Cần nhớ rằng, phương pháp dạy dỗ của chúng ta không nhất định là đã chính xác, phương pháp dạy dỗ trông có vẻ như đã tụt hậu của mẹ chồng cũng chưa chắc đã là sai. Rất nhiều khi, kinh nghiệm sống thực tế còn hữu dụng hơn cả những kiến thức sách vở dạy. Cho nên, để tốt nhất cho trẻ, đôi lúc chúng ta buộc phải từ bỏ cái kiêu ngạo mà tự mình cho là tiên tiến và nỗi lo canh cánh trong lòng về chủ quyền giáo dục trẻ.
• Đừng gắn kết và so sánh mẹ chồng cũng như những việc mẹ chồng làm với bản thân mình một cách mẫn cảm và cảm xúc hóa. Có khi, con dâu sẽ mẫn cảm mà cho rằng phương pháp dạy dỗ cháu của mẹ chồng chính là sự trách móc hoặc công kích mình (và ngược lại mẹ chồng đôi khi cũng có suy nghĩ như vậy). Điều này chính là căn nguyên dẫn tới mọi đối lập trong phương diện dạy dỗ trẻ giữa mẹ chồng và con dâu. Đối với những bà mẹ chồng tuổi tác đã cao mà nói, bảo bà ấy thay đổi điểm này có lẽ cũng tương đối khó, nhưng đối với những cô con dâu vẫn còn trẻ, học thức cao, có tầm nhìn rộng mà nói, thì lại dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, rốt cuộc thì con cái vẫn thân thiết gần gũi với mẹ hơn, thời gian mẹ con sống cùng nhau cũng dài hơn, cho nên những cái so sánh không cần thiết về hành động của người khác với bản thân có thể tránh được thì nên tránh!
• Còn nữa, nếu như bạn thực sự muốn nghe lời khuyên của tôi, thì tuyệt đối đừng nên kéo cả chồng vào cuộc. Nếu như trong một cuộc thảo luận hết sức bình tĩnh tìm ra một phương pháp dạy dỗ trẻ chung nhất, thì đương nhiên không cần nghi ngờ gì mà phải có sự góp mặt của tất cả các thành viên trong gia đình. Thế nhưng nếu bảo chồng đứng ra xem xét giữa mẹ và vợ ai đúng ai sai thì hãy buông tha cho anh ấy. Hơn nữa nếu như chỉ số EQ và cả IQ của chồng bạn không đủ cao, một kết cục phiền toái rối rắm sẽ khiến cho "hai quân giao đấu", như vậy người xui xẻo chịu thiệt thòi lại là chính chúng ta.
• Cuối cùng, nếu như bạn tin rằng thái độ và phương pháp dạy dỗ trẻ của mình đều là đúng đắn, bạn cũng cần phải trải qua thực tiễn để chứng thực một chút về điều đó, như vậy chúng ta sẽ lễ phép mà dựa theo những chứng cứ xác thực bảo vệ quan điểm phương pháp của bản thân, vận dụng các loại kỹ xảo, để có được một môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Khi dạy dỗ con cái, chúng ta phải làm như thế nào để có thể quản lý được cảm xúc của bản thân?
Hễ khi trẻ cần phải được dạy dỗ chỉ bảo, nhất định sẽ có sự không thoải mái, mà hễ không thoải mái thì không khống chế được cảm xúc là điều không thể tránh được. Nhưng, giống như điều tôi đã nói ở phần trước, khi bảo ban con cái, nếu không kiềm chế được cảm xúc, chúng ta rất dễ nói ra những lời không nên nói, hoặc làm những việc không nên làm, ngoài việc sau này sẽ h ối h ận ra, chúng ta c òn khiến cho cục diện giáo dục càng thêm khó bề giải quyết, hoặc khiến cho kết quả của buổi dạy dỗ trở nên càng tệ hại hơn.
Dưới đây là một vài bí quyết nhỏ giúp ta có thể kiềm chế cảm xúc của mình:
• Khi cảm thấy bản thân sắp không thể kiềm chế cảm xúc được nữa rồi, ta hãy lập tức dừng lại, hít thật sâu rồi thở mạnh ra mấy lần. Đừng nói với tôi việc này khó thực hiện nhé, bạn chỉ cần thử qua mấy lần, sẽ biết ngay hiệu quả của nó tốt đến mức nào, và cũng sẽ phát hiện ra thực hiện điều đó hoàn toàn không hề khó.
• Sau khi hít thật sâu và thở mạnh ra, ta sẽ thầm lẩm nhẩm trong lòng đồng thời nói với bản thân rằng: "Tôi yêu con tôi, tôi yêu con tôi, tôi yêu con tôi, tôi thật sự rất yêu con tôi". Bạn sẽ phát hiện ra rằng: đầu tiên, những thớ thịt vốn đang căng cứng nơi bả vai sẽ mềm mại trở lại; tiếp đó những đường nét vốn "dữ tợn" trên khuôn mặt sẽ trở nên "dịu dàng nhu hòa"; cuối cùng ngay cả giọng nói gay gắt cao vút cũng sẽ trở thành nhẹ nhàng, ôn hòa hơn đôi chút.
• Nếu như thật sự bạn cảm thấy thật khó có thể bình tĩnh trở lại, hãy lập tức cảnh cáo con rằng: "Bây giờ mẹ rất mệt, có thể sẽ nổi giận, con không được tiếp tục như vậy nữa". Nếu như bạn nói với giọng điệu thật sự nghiêm túc, đồng thời cũng không phải là quanh năm suốt tháng dùng đến câu nói ấy (Ví dụ như: Con mà không ngoan là mẹ giận đấy! Mức độ nghiêm túc, sức mạnh và cả mức độ dọa dẫm của hai cách nói này hoàn toàn không giống nhau), thông thường trẻ sẽ rất thức thời mà lập tức nghe theo yêu cầu của mẹ, suy cho cùng thì chẳng ai có thể ngốc đến mức tự mình đi đập đầu vào tường được.
Khi tôi hơn ba mươi tuổi, vừa mới bắt đầu lập nghiệp cùng chồng, do áp lực về vấn đề tài chính quá lớn nên trước kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, tôi đều có "chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt" vô cùng rõ ràng, đặc biêt rất nóng tính và rất dễ dàng nổi cáu. Vì không muốn cảm xúc của mình ảnh hưởng đến chồng con, tôi thường sẽ cảnh cáo họ trước. Tôi sẽ dán một viên đá nam châm màu vàng vẻ mặt khổ sở, thật to, thật tròn trên cánh cửa tủ lạnh, sau khi chồng và con tôi nhìn thấy, họ sẽ chạy thật nhanh đi thông báo và nhắc nhở đối phương.
Có một lần ăn cơm tối xong, đứng bên ngoài cửa phòng ngủ, tôi đã nghe thấy chồng tôi nói với con trai rằng: "Những ngày gần đây cần phải cẩn thận một chút, mẹ đã treo tín hiệu cảnh báo nguy hiểm màu vàng rồi". Con trai tôi trả lời một cách vô cùng hiểu chuyện: "Vâng, con nhìn thấy rồi, con sẽ chú ý bảo vệ bản thân!". Tôi vẫn còn nhớ khi ấy đứng ngoài cửa nghe được những lời như vậy, suýt chút nữa đã cười ha hả lên rồi, trong lòng cảm thấy vô cùng ấm áp, tràn đầy niềm hạnh phúc khi được tiếp nhận và thấu hiểu.
• Sau khi đưa ra báo động trước, ta có thể cho trẻ chút thời gian để phản ứng lại. Bạn có thể nói rằng: "Bây giờ mẹ rất mệt, mẹ sắp nổi cáu rồi, bây giờ mẹ sẽ đếm từ từ từ một đến ba, sau đó con sẽ phải dừng lại, được không? Một... hai... ba...". Trong quá trình bạn đếm chầm chậm từ một đến ba, trẻ có thể sẽ từ trạng thái cuống cuồng mà dần dần lấy lại bình tĩnh. Đối với trẻ mà nói, chúng không thể ngay lập tức "trầm tư như thục nữ, ồn ào như thỏ phi" được, trẻ cần phải có một quá trình hòa hoãn và thu dọn lại cục diện; đồng thời đối với chúng ta mà nói, từ từ đếm từ một đến ba cũng là quá trình tranh thủ thời gian để điều hòa lại hô hấp.
Thế nhưng, từ từ đếm mà tôi nói đến ở đây hoàn toàn không phải là cách đếm mang theo cái uy hiếp dọa dẫm: "Nhanh lên một chút, mẹ đếm đến ba, nếu như con vẫn không dừng lại, mẹ sẽ nói với bố con! Một, hai, ba!".
• Cuối cùng, chúng ta đều là những con người bình thường, những con người bình thường khó tránh được việc tức giận, cũng khó tránh được việc cảm xúc không ổn định. Phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề về cảm xúc chính là:
Thứ nhất, nhận thức được nó. Hãy nhìn thẳng vào cảm xúc của chính mình, không được nhìn thấy nhưng lại cố tình làm ngơ hoặc xem nhẹ nó. Có cảm xúc ưu tư là chuyện bình thường, cũng chứng tỏ chúng ta rất khỏe mạnh, chúng ta không được nghĩ rằng mình sai, hoặc cho rằng mình không phải là một người mẹ tốt.
Thứ hai, thừa nhận nó. Thừa nhận với chính mình, cũng là thừa nhận với những người bên cạnh vẫn luôn yêu thương bạn. Chúng ta càng không dám thừa nhận bản thân có ưu tư, nỗi ưu tư ấy sẽ càng kịch liệt phản công lại bản thân. Chúng ta có thể nói rằng: "Mẹ biết hôm nay tính khí của mẹ rất tệ. Thật xin lỗi con, việc này không liên quan gì đến con, không phải do con gây nên đâu, chỉ là hôm nay những việc cần giải quyết ở công ty quá nhiều...".
Thứ ba, xử lý nó. Ta hãy tìm cách để nỗi bực dọc trong người có thể phát tiết ra ngoài. Nếu như bạn cần được yên tĩnh, sau khi nói rõ ràng về nguyên nhân, bạn hãy ngồi trong phòng một mình; nếu như bạn muốn có người bên cạnh, bạn hãy nói rõ mong muốn đó của mình; nếu như bạn muốn ăn gì đó, thì hãy vui vẻ đi ăn thứ mình thích. Tóm lại, hãy tìm ra phương thức để dễ dàng trút đi nỗi ưu phiền trong lòng nhất, hãy để nó phát tiết ra ngoài chứ đừng nén nhịn ấp ủ trong lòng, đợi khi nó lên men rồi thì càng khó giải quyết hơn.
Thứ tư, rời khỏi nó. Sau khi trút hết nỗi bực dọc ra ngoài, hãy nói với nỗi ưu phiền rằng, những việc cần làm tao đã làm hết rồi, bây giờ mày có thể đi rồi đó. Thời gian từ lúc nỗi ưu phiền được trút ra ngoài cho đến khi rời đi sẽ tùy từng người, từng sự việc, từng hoàn cảnh mà khác nhau, bạn chỉ cần nghiêm túc chống đỡ, thời gian đến rồi, tự nhiên bạn sẽ biết.
Theo các nhà Tâm lý học thì, những cách dạy dỗ này cần hết sức tránh đi:
Nhà Tâm lý học người Mỹ tên M.L Hoffman đã từng làm một nghiên cứu liên quan đến vấn đề trừng phạt có ảnh hưởng như thế nào đến nhi đồng trong môi trường xã hội hóa, kết quả nghiên cứu đã quy nạp những cách thức trừng phạt không tốt lại thành hai loại là "Cưỡng chế" và "Sự thu hồi của tình yêu".
"Cưỡng chế" là từ chỉ cách xử phạt về thể xác không thích hợp mà bố mẹ dùng với con cái đang ở độ tuổi nhi đồng (đánh lung tung tới tấp vào người trẻ, tát vào mặt trẻ), cướp đoạt (không cho ăn cơm, không cho ngủ cùng mẹ, lấy đi thứ đồ mà con yêu thích nhất), uy hiếp (còn như thế này nữa mẹ sẽ ném con ra ngoài, còn thế này nữa mẹ sẽ gửi con đến cô nhi viện) v.v... Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng, trừng phạt bằng phương pháp cưỡng chế ép bức như vậy sẽ cản trở sự tiếp thu của trẻ đối với các quy phạm đạo đức trong xã hội, đồng thời cũng sẽ kìm hãm sự phát triển lương tri của trẻ ở lứa tuổi nhi đồng. Nguyên nhân là sự cưỡng ép sẽ dẫn đến thái độ thù địch của trẻ, đồng thời cũng sẽ đưa đến một cách thức để bày tỏ thái độ thù địch ấy, ví dụ như, trong lúc vô ý, phương pháp trừng phạt của bố mẹ sẽ làm mẫu bảo cho trẻ biết cách đánh người như thế nào.
"Sự thu hồi của tình yêu" chính là chỉ một phương pháp trừng phạt về mặt tâm lý, biểu hiện của nó là bố mẹ không quan tâm đến con cái (cố tình không để ý đến con cái hoặc không nói chuyện với con cái nữa), cô lập trẻ (nhốt con ở trong phòng tối, cố tình bế con nhà hàng xóm vừa thơm vừa khen nó), biểu hiện nỗi thất vọng về con cái (nói với con bố mẹ không còn yêu là một chủ đề tôi thường xuyên đề cập đến khi được quý con nữa, con thật sự khiến bố mẹ vô cùng thất mời tới buổi diễn thuyết dành cho các bậc phụ huynh. vọng) v.v... Cách trừng phạt như vậy sẽ dẫn đến tình giữa bố mẹ và con cái trở nên mờ nhạt, khiến con thấy mối đe dọa và nỗi lo lắng về cảm giác an toàn. Nghiên cứu của M.L Hoffman đã phát hiện ra bố mẹ dùng những cách này để trừng phạt con sẽ khiến con cái nảy sinh cảm giác vô cùng áy náy, lúc này trẻ sẽ tuân thủ những quy tắc về các hành vi xã hội một cách rập khuôn mà không có tính thể thích ứng với hoàn cảnh nhất người ấy có thể bảo linh hoạt sáng tạo.