Khi trẻ giận dữ, cáu kỉnh chúng thường khóc, gào, vứt đồ, nằm lăn ra đất. Nhẹ nhàng hơn thì xịu mặt, mếu máo hoặc khóc tấm tức.
Gặp những tình huống trên, các ông bố bà mẹ nên làm gì? Đây là một số lời khuyên của mình. Bạn thử xem cách nào sẽ phù hợp với bé nhà bạn nhé.
1. Tảng lờ: Đôi khi trẻ cáu kỉnh, giận dữ vì muốn gây sự chú ý nên bạn cứ tạm thời tảng lờ đã.
2. Cho trẻ sang một không gian khác: Ví dụ con đang ở trong nhà hàng, giữa chỗ đông người, bạn đưa con đến một chỗ vắng vẻ, yên tĩnh hơn. Điều đó có thể góp phần làm trẻ dịu lại.
3. Ôm con thật chặt: Chỉ ôm thôi, không cần nói gì cả. Một cái ôm đúng nghĩa sẽ làm trẻ thấy dễ chịu.
4. Để con được ở một mình: Có một số trẻ cần được ở một mình để có thể bình tĩnh trở lại.
5. Đừng vội giải thích, đừng đưa ra lí lẽ để thuyết phục trẻ ngay tại thời điểm đó. Hãy đợi đến khi con vui vẻ.
6. Đừng mắng mỏ hay phủ nhận những cảm xúc của trẻ. Không nên nói: Có gì đâu mà con lại khóc, cáu, giận dữ. Mẹ không hài lòng với con...
7. Nên chuẩn bị sẵn một số đồ mà bạn nghĩ có thể gây được sự chú ý của con, ví dụ như một đồ chơi nho nhỏ mà con thích, một cuốn sách, một cái sticker. Đôi lần, khi con cáu kỉnh, bạn cứ lấy ra, thong thả thôi nhé, như kiểu bạn làm ảo thuật ý. Yếu tố “gây nhiễu” khiến con có thể quên nỗi ấm ức của mình.
8. Dùng ngôn ngữ kí hiệu/ hình vẽ để thay thế cho lời nói. Điều này mình được học trong khóa GVI của một cô giáo người Mỹ. Cách thức cô hướng dẫn thì dài nhưng tóm tắt lại là có một hệ thống hỗ trợ bằng hình, miêu tả các mức độ giận dữ của con, từ thấp đến cao. Bạn có thể hướng dẫn để con tự chỉ vào hình, biểu lộ xem mình đang ở mức độ nào. Và bạn sẽ làm cùng để con có thể giảm dần từ mức cao đến thấp (Bạn có thể tra bảng thể hiện 5 mức độ này trên mạng).
9. Tuyệt đối không đánh. Nhớ nhé, đừng nên đánh, dù chỉ là tét vào mông. Mình nghĩ nếu bạn đánh con, có thể con sẽ nín khóc nhưng không có nghĩa là con hết ấm ức, buồn bã, giận dữ đâu.
Còn đây là những lời khuyên để giúp con ngăn chặn các cơn giận dữ, cáu kỉnh:
1. Đừng tạo áp lực lên con. Một đứa trẻ bị nhiều áp lực sẽ hay cáu bẳn.
2. Cho con được vận động nhiều.
3. Kiểm soát thời lượng xem ti vi/ chơi game. Xem ti vi/ chơi game nhiều khiến trẻ hay cáu kỉnh, thậm chí ưa bạo lực.
4. Bố mẹ tự kiểm soát những hành vi của mình. Bạn ơi, bạn chính là tấm gương cho trẻ biết là bạn sẽ xử lí thế nào khi gặp những điều không như mong muốn. Nếu bạn hay cáu kỉnh, hay “đá thúng đụng nia”, “giận cá chém thớt”, bạn hay kém vui... con bạn sẽ dễ học theo như vậy.
5. Nên cho con ăn uống đúng bữa, ngủ đúng và đủ giấc. Trẻ bị đói cũng hay cáu kỉnh.
6. Thiết lập giờ giấc theo thời gian biểu từ khi con còn nhỏ. Điều đó sẽ giúp nhịp sống của con điều hòa và dễ chịu. Khi ấy cả bạn và con đều sẽ thư thái hơn.
7. Hãy tập thở. Mỗi khi bạn thấy mệt mỏi, lo lắng vì con cáu, bạn cứ hít thở thật sâu, cho luồng hơi đi xuống thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng. Hít vào niềm vui, thở ra nỗi buồn, bạn nhé.
8. Nên chuẩn bị những đồ vật giúp con thư thái và đặt tên cho chúng như “gối bình tĩnh” hoặc “ghế bình tĩnh”. Bạn quy ước với con: Khi nào con thấy khó chịu, con có thể ngồi vào đó. Mẹ sẽ đợi con.
9. Hãy dạy con biết chờ đợi. Đừng thỏa hiệp với những gì đã thành nguyên tắc. Bạn nên nói KHÔNG một cách bình tĩnh và cương quyết trước những đòi hỏi vô lí của con. Và bạn cũng đừng vì muốn con nghe lời mà tạo nên những thói quen xấu ở con. Ví như bạn muốn con ăn hết suất ăn khi con cứ ề à, không chịu ăn thì bạn đừng nói: Để mẹ bật ti vi cho con xem nhé. Như thế bạn đã vô tình làm con hiểu, nếu mình có những đòi hỏi, mình sẽ được đáp ứng bằng một cách khác.
Bạn ơi, bạn có thể quên tất cả những điều trên nhưng bạn rất nên nói hai câu này hàng ngày:
Con à, bố mẹ yêu con.
Con à, bố mẹ sẵn sàng lắng nghe con.
Và con thì cứ dễ thương thôi!
• Bạn nhận thấy con hay nổi cáu nhất là khi nào?
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
• Mỗi lúc đó, bạn làm gì để giúp con?
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
• Lần gần đây nhất bạn nói với con rằng Bố / mẹ yêu con là khi nào?
.........................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
• Bạn hãy ngồi lại cùng con để quy ước với nhau khi nào con giận dữ, con có thể vẽ hình dưới đây và cho mẹ biết
................................................................................................
................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................
• Nhưng mình tin chắc là cả nhà sẽ phấn đấu để luôn có khuôn mặt như thế này:
...............................................................................................
................................................................................................
.........................................................................................................
.........................................................................................................