Hai tiếng “Cảm ơn” không chỉ là lời nói đầu môi, ta cần có thái độ trân trọng, biết ơn những phúc lành mà Tạo hóa đã hào phóng ban tặng. Đừng quên chia sẻ phúc lành đó với những người kém may mắn và bất hạnh hơn mình.
Tôi tin rằng lòng tri ân có sức mạnh vô cùng to lớn và là một trong những chìa khóa mở ra một xã hội tốt đẹp, tích cực hơn.
Khi còn bé, mỗi khi được người lớn cho kẹo hay tặng quà, bố mẹ bạn chắc chắn sẽ hỏi nhắc bạn: “Con sẽ nói gì nào?”. Lẽ dĩ nhiên, họ đang cố nhắc bạn nói “Cảm ơn”. Cha mẹ luôn hy vọng con mình sẽ nhớ nói lời cảm ơn với người tặng quà và không khiến cha mẹ bị “mất mặt” khi trẻ chẳng nói lời nào mà cứ chộp lấy gói quà và chạy đi.
Hãy đưa từ “Cảm ơn” vào vốn ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của bạn và xếp nó lên hàng ưu tiên để thể hiện thái độ tôn trọng đối với tất cả những người đã thực hiện tốt vai trò của mình. Tiếng “Cảm ơn” cũng là sự thừa nhận tấm lòng hào phóng của người khác.
Khi hoàn thành xong tòa nhà trụ sở của tập đoàn Amway, chúng tôi tổ chức một buổi lễ khánh thành với sự tham dự của Gerald Ford (khi đó ông còn là Hạ nghị sĩ), lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý doanh nghiệp và nhiều vị khách quan trọng khác. Nhưng trước buổi tiệc cấp cao này, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện đặc biệt khác.
Đó là buổi tiếp đón những người thợ khéo léo đã góp sức xây dựng nên tòa nhà này. Những nhân công giỏi nghề và tận tụy – bao gồm nhà thiết kế, thợ xây dựng, người đảm nhiệm trang trí nội thất và ngoại thất – đã rất vui vẻ trong buổi tiệc mà chúng tôi tổ chức, và có cơ hội được nhìn thấy thành quả từ sự lao động cần mẫn của họ. Vào thời điểm đó, rất hiếm khi các công nhân xây dựng có cơ hội được chiêm ngưỡng công trình sau khi nó được hoàn thành. Vì thế, chúng tôi mời họ đến ngắm nhìn tòa nhà hoàn thiện, đồng thời có dịp bắt tay chào hỏi họ, và quan trọng hơn hết là nói lời “Cảm ơn”. Họ đánh giá cao điều đó và lấy làm ngạc nhiên khi được mời tham dự một sự kiện đặc biệt như thế.
Sự kiện hiếm hoi này cho thấy chúng ta đôi khi bỏ lơ những người đáng được cảm kích. Khi có vấn đề nảy sinh trong công việc, ta nhanh chóng phàn nàn, phê bình. Nhưng khi công việc diễn ra ổn thỏa, không có gì vướng mắc, ta lại xem là điều hiển nhiên vì đó là chuyên môn của họ. Năm 2007, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng khách sạn JW Marriott ở trung tâm thành phố Grand Rapids theo đúng kế hoạch, không có tai nạn lao động, không có bất kỳ vướng mắc nghiêm trọng nào. Tất cả nhân công có tay nghề và các nhà thầu đều đã hoàn thành tốt công việc, tận tâm hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Hàng ngày, công nhân đến công trường làm việc đúng giờ, ra về đúng lúc với cảm giác tự hào vì được đóng góp khả năng của mình cho một công trình quan trọng.
Đây là những con người xứng đáng được tuyên dương trong buổi lễ khánh thành.
Tại Amway, mỗi năm nhân viên đều được nhận quà Giáng sinh. Họ có thể chọn quà từ quyển danh mục quà tặng. Họ là nhân viên của công ty và không có dịp nào khác ý nghĩa hơn là Giáng sinh để chúng tôi bày tỏ lòng cảm kích với họ. Qua việc tặng quà, chúng tôi muốn họ biết rằng họ luôn được trân trọng. Thật kinh ngạc khi một hành động nho nhỏ để tỏ lòng tri ân lại có sức mạnh lớn đến không ngờ, làm cho người khác cảm thấy bản thân họ là người cần thiết và có giá trị. Trong gia đình cũng vậy, khi đã trở nên quá quen thuộc với nhau, thường ta không để ý nhiều đến thái độ cư xử của mình, song hãy đừng quên hai tiếng “Cảm ơn” vô cùng ý nghĩa. Hành động ấy sẽ tạo nề nếp tốt để con cháu chúng ta noi theo.
Những lời lẽ, hành động thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn chứa đựng cả tình cảm quý mến, suy nghĩ tốt đẹp của ta về người khác. Cho nên người ta thường kèm theo câu nói “Tấm lòng là chính” mỗi khi trao tặng ai đó một món quà nho nhỏ. Vì vậy, hãy đặt cả tấm lòng mình vào những hành động tri ân, dù là đơn giản, như gửi thiệp chúc mừng, tặng quà,…
Chỉ cảm thấy biết ơn thôi sẽ chẳng thể hiện được lòng trân trọng của bạn. Chúng ta thường nghĩ đến việc nói lời cảm ơn, nhưng không hiểu sao lại không dành ra thời gian để thực hiện điều đó. Sẽ ra sao nếu như người giáo viên ta yêu mến không còn giảng dạy nữa mà họ vẫn chưa nghe được hai tiếng “Cảm ơn” của ta, hoặc không hề biết rằng có người nào đó cảm kích tài năng và nỗ lực của họ.
Ta có thể bày tỏ lòng biết ơn chỉ bằng hai tiếng “Cảm ơn” đơn giản hoặc bằng cách thức nào đó cầu kỳ hơn. Nếu thích hợp, những hành động tri ân “cầu kỳ” có thể làm nên những điều kỳ diệu. Nhiều năm trước, lúc tôi còn là thành viên ban quản trị trường Đại học Grand Valley State, khi ấy mọi người bàn bạc về cách gia tăng nguồn quỹ cho trường. Tôi đề xuất ý kiến rằng cách tốt nhất là hãy tuyên dương nghĩa cử cao đẹp của các mạnh thường quân. Chúng tôi mời họ đến tham dự các bữa tiệc với tư cách khách mời danh dự, trao cho họ món quà lưu niệm, và treo ảnh chân dung của họ trong trường. Cách làm tri ân ấy đã trở thành truyền thống của nhà trường. Họ có thể là những giáo sư lỗi lạc hay những công dân có đóng góp quan trọng đối với trường. Chúng tôi gửi lời biết ơn sâu sắc đến họ bằng cách vinh danh họ trước công chúng. Hiện nay, lịch công tác ở thành phố Grand Rapids được xếp kín các sự kiện tôn vinh những người có công đóng góp cho cộng đồng. Có những bữa tiệc tối trang trọng với những vị diễn giả khách mời xuất chúng đến tham dự kín hội trường. Đó là những người gây quỹ cho tổ chức của mình và kêu gọi nhiều nhà hảo tâm khác ủng hộ vì mục đích cao cả, đồng thời họ cũng là những cá nhân ưu tú xứng đáng được tri ân.
Năm 1999, Jay và tôi đã vinh dự được xướng tên trong buổi lễ đánh dấu chặng đường 30 năm đóng góp về mặt kinh tế giúp tái thiết thành phố Grand Rapids. Sự kiện gây quỹ ủng hộ với chủ đề Lời cảm ơn gửi đến Jay và Rich vì nỗ lực chấn hưng thành phố, và thành phố thán phục chúng tôi vì “những nỗ lực bền bỉ và hào phóng của hai con người đóng vai trò then chốt trong việc chấn hưng thành phố Grand Rapids; kết quả là các cơ sở kinh doanh nhỏ đã phát triển lớn mạnh”. Suốt ngần ấy năm, chúng tôi đã vui vẻ giúp đỡ thành phố quê hương mà chẳng hề bận tâm đến việc mình sẽ được cảm ơn.
Tuy nhiên, con người luôn cần đến những lời cảm ơn. Lòng tốt sẽ khô cạn khi chúng ta không có những biểu hiện ghi nhận nghĩa cử tốt đẹp của người khác. Một số người có những đóng góp thật ý nghĩa bởi họ tin vào mục đích cao cả, hoặc hành động xuất phát từ tấm lòng cao đẹp.
Tôi còn nhớ khi gây quỹ cho tòa nhà Trung tâm Khoa học Sức khỏe Cook DeVos (the Cook DeVos Health Sciences Building) của trường Đại học Grand Valley State, tôi có bắt chuyện làm quen với một quý ông lớn tuổi tôi gặp trong bãi đậu xe của tòa nhà. Ông độ chín mươi tuổi nhưng trông trẻ hơn nhiều trong chiếc áo sơ mi có thắt cà vạt, khoác bên ngoài chiếc áo thể thao màu xanh dương nhạt. Tôi chào bắt chuyện: “Trông ông như một nhà triệu phú!”.
Sau đó, tôi tình cờ gặp lại ông bên trong tòa nhà và nhận ra ông là một trong những nhà hảo tâm tiềm năng cho nỗ lực gây quỹ của chúng tôi. Vì thế, tôi nói với ông: “Trông ông như một nhà triệu phú, nhưng thật sự tôi ở đây là để hỏi xin ông một triệu đô-la. Chúng tôi sẽ đặt tên cho mỗi tầng của tòa nhà này theo tên của người hiến tặng một triệu đô-la, và tôi lấy làm cảm kích với tấm lòng hào phóng của ông”. Ông bảo ông sẽ ủng hộ. Tôi cũng nói thêm là sẽ có một khoản đóng góp khác cho người muốn yêu cầu đặt tên tòa nhà theo tên mình. Người cháu trai đi cùng với ông nghe được cuộc trò chuyện và bảo: “Ông ơi, đừng quên những đứa cháu của ông nhé!”. Trò chuyện với ông một hồi lâu và lắng nghe câu chuyện về cách ông kiếm tiền, tôi nhận ra rất ít người trong thành phố biết đến ông. Họ không biết ông bắt đầu công việc kinh doanh như thế nào và bằng cách nào ông xây dựng nó trở nên lớn mạnh. Tôi quyết định phải làm điều gì đó thiết thực, ý nghĩa hơn nữa thay vì chỉ là đặt tên cho các tầng của tòa nhà, chẳng hạn như truyền cảm hứng cho sinh viên bằng những câu chuyện “người thật việc thật” về các nhà hảo tâm. Thường thì các tòa nhà trong khuôn viên trường đều được đặt theo tên của người đóng góp, nhưng sinh viên không biết gì về cá nhân họ trừ cái tên. Thế là trường đưa ra ý tưởng đặt ở mỗi tầng một tủ kính trưng bày những hiện vật minh họa cho mỗi một câu chuyện của người đóng góp. Giờ thì các sinh viên có thể dừng lại xem và trầm trồ thán phục: “Vậy ra đây là điều mà con người này đã làm. Đó là lý do tại sao ông ta có mặt ở đây và tại sao tầng nhà này được đặt theo tên ông”. Đây cũng là một cách làm hay để thay cho lời “Cảm ơn”.
Ngoài ra, có rất nhiều cách làm sáng tạo để thể hiện lòng kính trọng và tri ân đối với những người tạo ra ảnh hưởng tích cực trong cuộc đời bạn mà không cần phải cầu kỳ như trên. Một lá thư hay mẩu ghi chú nhỏ không bao giờ bị xem nhẹ.
Dù bạn đang nắm giữ vai trò nào – doanh nhân, lãnh tụ tinh thần, cha mẹ, hay bất kỳ vai trò lãnh đạo nào, bạn không nên bỏ qua việc nói lời “Cảm ơn”. Bạn có thể cảm ơn con bạn vì đã học tập chăm chỉ ở trường, tặng cho chúng món quà đặc biệt vì kết quả học tập tốt, tổ chức tiệc ăn mừng lễ tốt nghiệp, dành cho con một ngày đặc biệt nào đó, v.v. Tuy nhiên, đối với con cái, thời gian là món quà giá trị nhất mà bậc làm cha mẹ có thể trao tặng. Tôi còn nhớ lúc Doug mười hai tuổi, đó cũng là thời gian tôi bận rộn gầy dựng sự nghiệp. Doug cứ trách tôi: “Ba không bao giờ về nhà”. Tôi bảo: “Có mà. Ba ở nhà rất nhiều”. Nó không đồng tình: “Ba chờ chút, con sẽ đi lấy lịch cho ba xem”. Thằng bé có một tờ lịch treo đằng sau cánh cửa tủ đựng đồ ăn trong bếp, tờ lịch đánh dấu chéo (x) vào những ngày tôi đi vắng. Ngạc nhiên chưa! Quả thật thời gian mới là món quà quý giá nhất. Tấm lịch của Doug đã làm tôi “sáng” ra, thấy được tầm quan trọng của việc hiện diện ở nhà, “tổ ấm” thân thương, và có mặt trong cuộc đời của các con. Một trong những cách tôi dành thời gian ở bên bọn trẻ trong lúc bận rộn với những chuyến công tác xa nhà là dẫn chúng theo cùng. Tôi dẫn theo một đứa vào mỗi chuyến công tác ra nước ngoài. Con trai đầu của tôi, Dick, có chuyến đi đầu tiên đến nước Úc, và lần lượt từng đứa một sẽ đi cùng tôi trong chuyến công tác kéo dài từ hai đến ba tuần. Giáo viên của chúng thường không hài lòng về điều đó, nhưng vợ chồng tôi lại cảm thấy những chuyến đi chính là cơ hội giáo dục lý tưởng, đồng thời cho tôi khoảng thời gian tuyệt vời được ở bên con.
Cùng với việc tri ân những người mà ta cảm kích hay những người tốt bụng đã giúp đỡ ta, ta cũng cần lưu ý đến thái độ của mình đối với họ. Lời “Cảm ơn” sẽ không bao giờ vơi cạn khi ta sử dụng càng nhiều.
Chúng ta thường chậm trễ nói lời “Cảm ơn” nhưng lại nhanh chóng than phiền. Có lẽ do quá tập trung vào bản thân và bận rộn với cuộc sống riêng nên ta đã quên gởi đi những lời hàm ơn vô cùng hữu ích. Chúng ta có xu hướng xem sự may mắn và hạnh phúc của mình là điều hiển nhiên, giống như câu chuyện về một người chủ nhà thuê công ty bất động sản viết mẩu quảng cáo rao bán căn nhà mình đang ở. Sau khi đọc xong mẩu quảng cáo nêu lên những đặc điểm đáng chú ý của ngôi nhà mình trên báo, ông đã gọi cho công ty bất động sản để hồi lại ý định bán nhà. Khi được hỏi điều gì đã làm ông thay đổi quyết định, người chủ nhà nói: “Đọc xong mẩu quảng cáo của anh, tôi mới nhận ra tôi đang sống trong căn nhà mà tôi luôn mơ ước sở hữu”.
Câu chuyện trên tương tự như điều mà Norman Vincent Peale đã thuyết giảng trong nhiều năm – nếu bạn lo lắng về các vấn đề rắc rối của mình và cảm thấy khó tập trung vào những điều tích cực thì hãy “Thoát khỏi bản thân”, bắt đầu suy nghĩ về những điều khác. Bất kể những điều may mắn, tốt lành xuất hiện quanh ta mỗi ngày, chúng ta vẫn cứ săm soi tìm kiếm cái gì đó để than phiền. Nếu chịu nghĩ về ai đó kém may mắn hơn mình và giúp đỡ họ, ta sẽ cảm thấy trân trọng vô cùng những điều kiện thuận lợi bản thân đang có. Peale tin tưởng rằng những con người thật sự vĩ đại thường sống khác bình thường vì họ có thói quen nghĩ về người khác và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần. Khi ta làm việc tốt cho người khác, ta sẽ cảm thấy biết ơn và cảm kích nhiều hơn nữa những ai đã từng giúp ta.
Có một câu chuyện kể về một nhóm nông dân ngồi xung quanh lò sưởi trong một tiệm tạp hóa khi ngoài trời đang có bão. Người đầu tiên mở lời: “Này, các anh còn nhớ vào năm 1970 chúng ta đã có một trận hạn hán tồi tệ không? Khi đó mùa màng thất bát và mọi thứ cháy khô trên các cánh đồng”. Mọi người đều gật gù đồng ý, rồi một người nữa góp thêm: “Đến năm 1984, cây cối đang phát triển xanh tốt thì đột nhiên không có lấy một giọt mưa nào, thế là mọi thứ lại bị khô cháy trên cánh đồng?”. Và tất cả đều nhớ đến sự kiện đó. Cuối cùng, một người nông dân lớn tuổi nói: “Đúng rồi, nhưng đừng quên năm 1987 nhé! Đó là một năm tuyệt vời. Chúng ta đã có một vụ mùa bội thu và mọi thứ diễn ra rất êm đẹp. Tuy nhiên nó đã vắt kiệt chất dinh dưỡng trong đất của chúng ta”.
Thế đấy, cũng giống như câu chuyện trên, đôi khi ta cảm thấy khó khăn trong việc biết ơn, trân quý những điều tốt đẹp. Vì vậy, nếu con bạn học được những điều mới mẻ ở trường, hãy cảm ơn các giáo viên đã dạy dỗ chúng. Nếu bạn có những ký ức êm ái thời tuổi thơ – nền tảng để bạn trở thành một người hữu ích sau này, hãy nhớ đến công ơn của cha mẹ. Hãy cảm ơn ông bà của bạn vì những hiểu biết sáng suốt từ sự trải đời của họ. Cảm ơn sếp vì công việc bạn đang làm, v.v.
Nếu bạn cảm thấy bình yên và an toàn trong ngôi nhà, cộng đồng và đất nước của mình, hãy cảm ơn những người hàng xóm, những anh cảnh sát hay những anh lính đang làm nhiệm vụ. Hãy cảm ơn người đồng nghiệp khi họ hỗ trợ bạn hoàn thành công việc.
Hai tiếng “Cảm ơn” không chỉ là lời nói đầu môi, ta cần có thái độ trân trọng, biết ơn những phúc lành mà Tạo hóa đã hào phóng ban tặng. Đừng quên chia sẻ phúc lành đó với những người kém may mắn và bất hạnh hơn mình.
Tôi tin rằng lòng tri ân có sức mạnh vô cùng to lớn và là một trong những chìa khóa mở ra một xã hội tốt đẹp, tích cực hơn.