"Tôi cần bạn” là câu nói chứa đầy sức mạnh, thừa nhận rằng chúng ta là những tạo vật thiêng liêng của Tạo hóa, mỗi người hiện hữu trên thế giới này với những mục đích và nhu cầu riêng. Không ai là “người thừa”. Mỗi người giống như một bộ phận của động cơ phản lực, phối hợp với các bộ phận khác để đưa khối kim loại khổng lồ bay cao trên bầu trời; giống như một nhạc cụ không thể thiếu để tạo nên dàn nhạc giao hưởng.
Năm tôi 71 tuổi, tôi cần được ghép tim để có thể duy trì sự sống. Chúng tôi đã gọi điện đến từng trung tâm tim mạch khắp cả nước, nhưng vì tôi quá lớn tuổi nên không nơi nào đồng ý giúp. Cuối cùng Ngài (Sir) Magdi Yacoub, giáo sư, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực của bệnh viện Harefield ở London, đã đồng ý xem xét trường hợp của tôi. Tôi đã gặp ông ở London vì trước tiên ông muốn xác định liệu tôi có khả năng sống sót sau khi ghép tim hay không. Ông nói: “Tôi biết ông đã phải chịu đựng nhiều đến mức nào, nên trước khi tiến hành ca phẫu thuật này, tôi cần biết liệu ông đã chuẩn bị tinh thần cho nó chưa”.
Điều chính yếu ông muốn hỏi tôi là: “Liệu ông có lý do nào đó để tiếp tục sống không?”. Lúc đó, Helen và hai con trai tôi đang ở bên cạnh tôi – ba “lý do” đang đứng sờ sờ ngay đấy! Sau một hồi lâu đối thoại để đánh giá tình hình, ông đã nhận lời điều trị cho tôi. Ơn Trời! Ông ấy đã đồng ý. Tôi thật sự cần đến ông, người duy nhất trên thế giới có thể cứu sống tôi. May mắn thay, sau năm tháng chờ đợi, tôi đã được cấy ghép quả tim mới. Quá trình điều trị là một bài học khác về đức tin nhiệm màu đã che chở cuộc đời tôi, vì một người nhận được quả tim ở tuổi 71 là điều không thể có ở nước Mỹ và lại rất hiếm ở nước Anh. Chỉ riêng việc tìm thấy một vị bác sĩ sẵn sàng xem xét trường hợp của tôi cũng đã là điều không thể tin nổi.
Một thử thách khác nữa chính là loại máu hiếm thấy của tôi, điều đã giới hạn khả năng tìm thấy người hiến tim có cùng nhóm máu như tôi. Nhưng bác sĩ bảo tôi thật sự may mắn khi mang nhóm máu AB, vì bệnh viện tình cờ có tim của những người hiến tim cùng nhóm máu với tôi nhưng chưa có người được cấy ghép nào thích hợp. Không có may mắn đó, tôi sẽ không có cơ hội được thay tim. Còn nữa, vì tôi là công dân Mỹ nên trái tim được hiến tặng phải là quả tim không tương thích với bất kỳ bệnh nhân người Anh nào đang chờ được cấy ghép. Rồi tình thế còn phức tạp hơn khi những đợt kiểm tra cho thấy quả tim được hiến tặng cần phải mở rộng tâm thất phải để thích hợp với trường hợp của tôi.
Trong thời gian chờ đợi, sức khỏe của tôi ngày càng suy yếu. Bác sĩ chuyên khoa tim của tôi lúc đó là Emma Birk đã tìm thấy một người tình nguyện hiến tim. Một phụ nữ ở cùng bệnh viện cần cấy ghép một lá phổi, nhưng các bác sĩ phẫu thuật thường thích cấy ghép đồng thời cả phổi và tim hơn. Bệnh viện đã chỉ định ghép một quả tim và hai lá phổi từ nạn nhân bị tai nạn ô tô cho người phụ nữ ấy. Thế là trái tim khỏe mạnh của cô trở nên dư thừa. Một sự dư thừa quý giá! Kỳ diệu hơn nữa là chính vấn đề về phổi của cô đã làm cho tâm thất phải rộng hơn bình thường.
Giống như việc tôi cần bác sĩ Yacoub, luôn có một người nào đó đang hy vọng, chờ đợi ở bạn. Mỗi người chúng ta đều cần thiết, đều đóng vai trò quan trọng với người khác. Hãy tin thế. Đừng ngần ngại nói với mọi người – người bạn đời, con cái, nhân viên, đồng nghiệp, người lao công,… – rằng “Tôi cần bạn”.
“Không có cái tôi cá nhân nào trong một đội nhóm”, tôi nghe điều này rất nhiều lần từ những người kinh doanh cùng Amway. Amway là công việc kinh doanh của chúng ta. Công việc kinh doanh này được xây dựng trên nguyên tắc thành công của mỗi cá nhân đóng góp cho thành công của tập thể. Mức độ thành công của mỗi người phụ thuộc vào sự thành công của những người xung quanh. Người thành công nhất là những người bảo trợ cho nhiều người thành công. Vì thế, “Tôi cần bạn” là câu nói tôi thường xuyên sử dụng và nhận thấy sức mạnh to lớn của nó trong việc khích lệ tinh thần nhiều người. Ai cũng nên biết rằng sự tồn tại của mình luôn là cần thiết. Hiếm ai có thể sống mà không cần bất kỳ sự tương trợ nào.
Hãy nghĩ về tất cả những người bạn đã hoặc đang cần trong cuộc sống. Họ có thể là cha mẹ bạn, người bạn đời, các thành viên trong nhóm, các đồng nghiệp… những người có thể giúp bạn chiến thắng hoặc hoàn thành nhiệm vụ. Họ có thể là người duy nhất ở bên cạnh bạn suốt khoảng thời gian bạn cần đến họ nhất. Họ có thể là giáo viên, huấn luyện viên, cảnh sát, lính cứu hỏa, thợ sửa ống nước, vị thầy tâm linh nâng đỡ tinh thần bạn, người hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau, nhân viên bảo hiểm, hay vị bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bạn. Và liệu có ai tự hỏi thực phẩm ta dùng hằng ngày có từ đâu, nhờ đâu mà bóng đèn điện có thể cháy sáng, nước sạch luôn sẵn có mỗi khi ta mở vòi.
Mỗi sớm mai thức dậy, nhìn thấy đường phố sạch sẽ, tôi biết những người công nhân vệ sinh đã thức cả đêm để quét dọn. Khi nghe cơ trưởng thông báo: “Chúng ta đã hạ cánh an toàn”, tôi biết cả phi hành đoàn và nhân viên sân bay đã làm rất tốt công việc của họ. Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã nhắc nhở tất cả chúng ta rằng những người lính cứu hỏa và các nhân viên cảnh sát đã mạo hiểm tính mạng của mình để cứu người, họ vẫn làm công việc này dù chúng ta có nghĩ đến họ hay không.
Tôi luôn tâm niệm “Tôi cần bạn” bất cứ khi nào tôi bay. Là một phi công có bằng cấp và thường xuyên di chuyển bằng máy bay cá nhân, tôi đã quen thuộc với hệ thống kiểm soát không lưu nhằm giúp cho các máy bay không va chạm nhau, nhất là khi bay qua Đại Tây Dương. Ra-đa dò tìm không hoạt động trên biển, do vậy thậm chí những phi công giỏi nhất cũng phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của những kiểm soát viên không lưu. Các phi công phải đều đặn báo cáo cho kiểm soát viên không lưu vị trí của họ tại các điểm quy định được thiết lập trên Đại Tây Dương. Xung quanh họ luôn có những chiếc máy bay khác đang vận hành. Người phi công không thể nhìn thấy những chiếc máy bay ấy, nhưng vì tất cả các phi công đều báo cáo vị trí của họ và thời gian khi họ đến mỗi điểm quy định, nên kiểm soát viên không lưu biết được vị trí của từng chiếc máy bay. Cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào những kỹ năng của một số ít người có vai trò vô cùng quan trọng.
Vào năm 2000, một ủy ban được giao nhiệm vụ thực hiện dự án kỷ niệm thiên niên kỷ. Ủy ban này đã quyết định chuyển đổi một phần đất của khu công nghiệp thành công viên để khi hoàn thành nó sẽ có diện tích lớn gấp đôi công viên Trung tâm (Central Park) ở thành phố New York.
Dự án đó, công viên Thiên niên kỷ (Millennium Park) ngày nay mang dáng dấp một bãi biển mini với những nhà nghỉ nằm sát bên “bờ biển”, những con đường mòn tự nhiên, những căn lều cắm trại, các khu vực vui chơi dành cho trẻ em và những hồ nước tự nhiên có thể chèo xuồng, câu cá. Nhiều kế hoạch tham vọng vẫn còn được lưu lại trên bản vẽ đợi ngày hoàn thành. Dự án này sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có sự tận tình, chu đáo của một tình nguyện viên đặc biệt – Peter Secchia, cựu đại sứ Mỹ tại Ý, một doanh nhân nổi tiếng trong cộng đồng chúng tôi. Ông đã đảm nhận dự án này trong thời gian nghỉ hưu. Ông tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, phát động gây quỹ, làm việc với chính quyền và các doanh nghiệp nhằm kêu gọi sự giúp đỡ để hiện thực hóa dự án. Hai thành viên xuất chúng khác trong cộng đồng là David Frey và John Canepa cũng tình nguyện cống hiến thời gian và tài năng của mình cho dự án.
Đó là những ví dụ điển hình về kiểu người mà chúng ta cần. Hãy quan sát cuộc sống quanh ta và thử nghĩ xem điều gì xảy ra nếu không có những người thiện nguyện này.
Cuộc sống chúng ta cần đến sự giúp đỡ của quá nhiều người đến nỗi chúng ta có xu hướng cho rằng họ làm vậy là lẽ đương nhiên. Hãy nghĩ về những nhân viên vệ sinh đường phố, thế giới sẽ ra sao nếu không có họ.
Sau đây là ví dụ điển hình cho phương châm sống “Tôi cần bạn”. Mùa hè năm đó, gia đình tôi đến nghỉ dưỡng trong một ngôi nhà với nét kiến trúc điền viên, dân dã. Khu phố này có một nhân viên thu dọn rác rất tuyệt vời. Ông ấy cực kỳ đúng giờ. Ông không hề gây ra tiếng ồn khi trút rác từ thùng chứa vào xe chở, hay khi đóng nắp thùng rác lại. Sáng sớm nào cũng vậy, ông đi hết một vòng khu phố để làm công việc thường nhật của mình, nhưng vẫn tôn trọng giấc ngủ của mọi người. Một sáng nọ, tôi thức dậy lúc năm giờ rưỡi, cũng là thời gian ông đến. Tôi nói với ông: “Tôi chỉ muốn nói với ông rằng công việc ông đang làm thật tuyệt vời và chúng tôi rất cần ông ở đây”. Ông chỉ trao cho tôi một cái nhìn xa lạ và tiếp tục nhiệm vụ.
Tuần tiếp theo tôi chủ định thức dậy sớm lần nữa và chờ ông. Tôi xem ông đổ rác nhà tôi vào trong xe tải của ông. Tôi nói: “Ông đang làm một công việc tuyệt vời. Tôi chỉ muốn ông biết rằng chúng tôi rất cần đến công việc cao quý của ông và thật sự trân trọng việc ông làm”. Lúc đó ông nhìn tôi và hỏi: “Ông đã có một đêm dài trắng giấc hay vừa bắt đầu một ngày mới vậy?”. Tôi giải thích rằng tôi muốn dậy sớm chỉ để cho ông biết chúng tôi coi trọng công việc tuyệt vời mà ông đang làm.
Hôm khác tôi lại có được cơ hội – cơ hội cuối cùng – để trò chuyện với ông. Ông tâm sự: “Tôi đã làm công việc này 12 năm nay rồi và cho tới tận bây giờ chưa có ai nhận ra giá trị của việc làm này”. Cả khu phố có thể tồn tại được bao lâu nếu rác rưởi cứ chất đống ngày càng nhiều thêm? Chúng ta thường không trò chuyện với người đi gom rác, nhưng lại rất cần đến họ – cũng như ta cần nhiều người khác, những người mà ta thường cho việc họ làm là lẽ thường tình. Thật quan trọng khi nói “Tôi cần bạn”
– Tôi cần bàn bạc giải quyết vấn đề này; tôi cần bạn cùng làm việc với tôi; chúng tôi cần bạn trong công việc kinh doanh sắp tới; chúng tôi thật sự cần bạn ở đây vì bạn là một phần quan trọng trong cộng đồng chúng ta… Chẳng có gì sai trái hay đáng xấu hổ khi nói với người khác rằng bạn phụ thuộc vào họ. Jay và tôi cũng phải cần đến khách hàng trong công việc kinh doanh của mình. Vì thế chúng tôi thẳng thắn nói với họ chúng tôi cần họ, họ rất quan trọng đối với chúng tôi.
Chúng ta phải nương tựa vào rất nhiều người, nhưng gần như rất ít người trong số họ từng nghe bạn nói là bạn cần họ. Ta xem việc giúp đỡ của họ là chuyện đương nhiên và không nghĩ nhiều về họ. Không ai nắm giữ vị trí quản lý cấp cao có thể nói với người ở cương vị thấp hơn rằng: “Tôi không cần anh”. Một công ty sẽ hoạt động ra sao nếu chỉ bao gồm toàn các chủ tịch? Giám đốc công ty không thể đi làm vào những ngày đông tuyết giá nếu không có nhân viên xúc tuyết giữ cho đường phố thông thoáng. Nhà máy sản xuất phải đóng cửa nếu không có những người công nhân tạo ra sản phẩm và bảo trì thiết bị máy móc. Tất cả đều cần đến nhau để tồn tại. Ít ai có thể sống cô lập quạnh quẽ một mình vì hầu như ta không thể sống mà không cần đến những người khác. Như nữ danh ca Barbra Streisand đã hát trong bài People, “Những ai cần đến người khác sẽ là người may mắn nhất trên thế giới”(11).
Ta sẽ hiểu được ý nghĩa của việc mình làm khi ta biết có ai đó đang cần mình. Hãy nghĩ đến những công việc mà người lựa chọn đảm nhiệm chúng mong muốn trở thành người cần thiết cho nhiều người như: giáo viên, cảnh sát, lính cứu hỏa, bác sĩ,...
Vì thế, tôi tin rằng chúng ta đều chia sẻ chung sứ mệnh động viên mọi người nhận thức được sự đóng góp của họ. Chẳng hạn có người hỏi tôi:
(11) Nguyên văn: People who need people are the luckiest people in the world.
“Công việc của anh là gì?”, và tôi trả lời: “Tôi là một hoạt náo viên”. Tôi chỉ đi vòng quanh và giúp mọi người thêm phấn khởi. Tôi cổ vũ tinh thần cho họ. Tôi chạy quanh, vỗ nhẹ vào lưng họ và nói rằng họ thật tuyệt. Amway được xây dựng và phát triển đến ngày nay là nhờ chúng tôi luôn quan tâm đến việc khích lệ tinh thần của mọi người. Chúng tôi nhắc nhở họ rằng họ thật tuyệt vời và họ có thể làm được nhiều hơn thế nữa.
“Tôi cần bạn” là câu nói chứa đầy sức mạnh, thừa nhận rằng chúng ta là những tạo vật thiêng liêng của Tạo hóa, mỗi người hiện hữu trên thế giới này với những mục đích và phục vụ cho những nhu cầu khác nhau. Không ai là “người thừa”. Mỗi người giống như một bộ phận của động cơ phản lực, phối hợp với các bộ phận khác để đưa khối kim loại khổng lồ bay cao trên bầu trời; giống như một nhạc cụ không thể thiếu để tạo nên dàn nhạc giao hưởng, v.v.
Khi biết mình là người hữu ích, ta sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, làm việc hiệu quả hơn, và thậm chí muốn cống hiến nhiều hơn nữa. Tôi rất thích đi dạo quanh các nhà máy sản xuất tại Amway. Tôi ngạc nhiên và say mê ngắm nhìn những cỗ máy, những dây chuyền sản xuất có thể trộn lẫn các thành phần với nhau để tạo thành sản phẩm, rồi đóng gói, dán nhãn, sẵn sàng chuyển đến tay người tiêu dùng. Nhưng tôi bị cuốn hút nhiều hơn ở trí tuệ của những người phát minh và những người tạo nên từng bộ phận, lắp ráp chúng thành chiếc máy hoàn chỉnh. Đáng chú ý nhất là những người công nhân đang làm việc tại đây, mỗi ngày họ đều đến đúng giờ và hoàn thành tốt công việc. Một khu phức hợp gồm nhà máy sản xuất và văn phòng trải dài hơn 1,6 km có thể vận hành tốt mỗi ngày nhờ vào sức lực của hàng ngàn con người thức dậy và chăm chỉ đi làm vào mỗi buổi sáng.
Khách tham quan nhà máy đều có nhận xét tốt về mối quan hệ giữa tôi với nhân viên. Họ chú ý đến cách tôi thể hiện sự quan tâm đến nhân viên, cách bắt chuyện, chào hỏi. Có những nhân viên bước ra khỏi dây chuyền sản xuất để bắt tay tôi hay ngước nhìn lên toét miệng cười và gọi to: “Chào anh, Rich”. Tôi tin mối quan hệ này được xây dựng phần lớn dựa trên tinh thần vì ta cần nhau – chúng tôi cần họ làm việc để duy trì công ty và họ cần chúng tôi vì kế mưu sinh. Tôi để họ biết rằng nếu không có họ thì không một sản phẩm nào có thể được sản xuất. Biết bao nhà phân phối cũng cần đến họ vì công việc kinh doanh của mình. Tôi cho họ biết rằng tôi trân trọng giá trị của họ, bất kể công việc họ làm là gì.
Tôi tin mỗi người trên trái đất này đều tồn tại có mục đích và xứng đáng được tôn trọng.
Nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc truyền đạt thông điệp “Tôi cần bạn”. Bất kỳ ai trở thành nhà lãnh đạo thành công và nhận được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của thuộc cấp đều biết rằng bản thân mình luôn cần đến họ. Vậy mà càng bước lên đỉnh cao danh vọng, nhiều nhà lãnh đạo tỏ ra vô tình với những hậu phương đã hỗ trợ mình và nghĩ mình không còn cần đến họ nữa. Đó là một sai lầm nguy hại. Ở những tổ chức mà người ta thấy mình không còn hữu ích nữa, tổ chức đó tất sẽ thất bại hoặc sẽ gặp nhiều bất trắc. Không ai đủ độc lập để không cần đến người khác. Vậy, tại sao bạn không tạo ra bầu không khí lạc quan, tích cực ở nhà, ở nơi làm việc và trong cộng đồng bằng cách nói: “Tôi cần bạn”?