T
rong cuộc sống, chắc hẳn bạn đã gặp rất nhiều người thành công với công việc lý tưởng, sự nghiệp luôn thăng tiến, thu nhập đáng mơ ước và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Và bạn cũng đã từng chứng kiến những người phải thay đổi nghề nghiệp liên tục, luôn trong tâm trạng lo lắng về tiền bạc và cảm thấy những đóng góp và nỗ lực lao động vất vả của mình đã không được đánh giá đúng mức. Như Henry David Thoreau đã nói: “Họ sống cuộc đời trong tuyệt vọng âm thầm”.
Đã từ lâu, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: “Tại sao có những người thành công hơn người khác? Yếu tố nào quyết định sự thành công trong cuộc sống?”. Và tôi quyết tâm quan sát xung quanh để tìm câu trả lời cho những trăn trở bấy lâu của mình, tôi bất ngờ nhận ra rằng những người thành công không hẳn đã thông minh hay có tính cách vượt trội hơn tôi. Cũng có người rất khó gần và cách cư xử của họ đôi khi cần phải xem xét lại. Thậm chí, những ý tưởng và quan điểm của họ không phải lúc nào cũng là xuất sắc. Tuy nhiên, tôi không thể phủ nhận được là họ vẫn đang làm việc rất hiệu quả và được biết đến như những con người thành công.
Theo thời gian và trải nghiệm, tôi hiểu rằng mọi việc xảy ra không phải do ngẫu nhiên mà đều bắt nguồn từ những quy luật. Phần này sẽ trình bày trong năm quy luật cơ bản của cuộc sống có khả năng tác động đến sự thành công của mỗi chúng ta, trong đó có quy luật Nhân quả của Aristotle. Quy luật này cũng chính là khám phá vĩ đại và bước đột phá đầu tiên của tôi khi đi tìm bản chất thật sự của sự thành công. Vào thời mà con người đều tin rằng số mệnh của mình được định đoạt bởi các vị thần trên đỉnh núi Olympus, thì Aristotle đã đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác biệt góp phần thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới và cuộc sống.
1
QUY LUẬT NHÂN QUẢ
Mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều bắt nguồn từ một lý do cụ thể.
Triết gia Aristotle đã khẳng định rằng thế giới chúng ta đang sống được chi phối hoàn toàn bằng những quy luật chứ không phải bằng định mệnh may rủi. Theo ông, mọi sự việc xảy ra đều có lý do cụ thể và mọi hành động đều phản ảnh một loại kết quả nào đó bất kể nhận thức hay mong muốn của chúng ta.
Đây là một quy luật vô cùng quan trọng, là “quy luật bất biến” của tư tưởng và triết học phương Tây. Tìm kiếm không ngừng về chân lý và các mối quan hệ nhân quả trong các sự việc đã làm phương Tây phát triển mạnh mẽ về khoa học, kỹ thuật, y học, triết học và thậm chí chiến tranh trong hơn hai ngàn năm qua. Ngày nay, quy luật này đang là tâm điểm thúc đẩy những tiến bộ công nghệ làm thay đổi thế giới rõ rệt.
Quy luật này cho rằng thành tựu, của cải, hạnh phúc, sự thịnh vượng và thành công trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh đều là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp hoặc là kết quả của những hành động cụ thể. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể đạt được thành quả như mong muốn nếu bạn nhận diện được mục tiêu rõ ràng. Nếu nỗ lực tìm hiểu và học hỏi sự thành công từ những người đi trước, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công tương tự.
Thành công không phải là ngẫu nhiên
Thành công không đến với bạn một cách tình cờ may mắn hay như một phép nhiệm màu. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, dù là tốt đẹp hoặc không như mong muốn, dù tích cực hoặc tiêu cực. Isaac Newton nhận định: “Bất kỳ hành động nào cũng dẫn đến một phản ứng tác động ngược lại với mức độ tương đương". Còn đối với chúng ta, cách diễn đạt chung nhất cho quy luật này là: “Tư duy là nguyên nhân, còn điều kiện là kết quả”. Nói cách khác, tư duy là sức mạnh mang tính sáng tạo quan trọng nhất trong cuộc sống. Bạn xây dựng toàn bộ thế giới của mình theo cách bạn suy nghĩ và đặt vấn đề về cuộc sống. Giá trị, ý nghĩa của con người, sự việc và tình huống xảy ra xung quanh đều phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính vì vậy, khi bạn thay đổi suy nghĩ cũng có nghĩa là bạn thay đổi cuộc đời mình, đôi khi sự thay đổi này chỉ diễn ra trong thoáng chốc.
Nguyên tắc quan trọng nhất để thành công chỉ gói gọn trong một câu đơn giản: bạn nghĩ mình như thế nào thì bạn sẽ trở nên như thế. Điều này hầu như chính xác trong mọi trường hợp. Rõ ràng, không phải những gì xảy đến với bạn mà chính cách bạn suy nghĩ về những gì xảy ra sẽ quyết định cách phản ứng hay cảm nhận của bạn. Không phải thế giới bên ngoài quyết định điều kiện hay hoàn cảnh sống, mà chính thế giới nội tâm mới là yếu tố tạo ra hoàn cảnh cuộc đời.
Bạn có quyền lựa chọn cuộc đời của mình
Quyền tự do lớn nhất của con người là quyền được lựa chọn cuộc sống. Không ai đủ quyền năng buộc bạn phải suy nghĩ, cảm nhận hay hành động theo cách mà bạn không mong muốn. Mọi cảm xúc và cách cư xử của bạn hoàn toàn bắt nguồn từ cách bạn suy nghĩ, nhận thức về thế giới xung quanh và về những gì đang xảy ra. Tiến sĩ Martin Seligman của Đại học Pennsylvania gọi cách phản ứng này là “phong cách diễn giải” - cách bạn diễn đạt hay giải thích sự việc xảy ra. Phong cách diễn giải này nằm trong tầm kiểm soát của bạn và có thể đạt được thông qua quá trình học hỏi. Bạn có thể diễn giải sự việc theo cách khiến bản thân thấy vui vẻ và lạc quan thay vì tức giận và thất vọng. Bạn có thể quyết định phản ứng mang tính xây dựng và tích cực thay vì bi quan, yếm thế. Tất cả tùy thuộc vào bạn.
Suy nghĩ và cảm xúc của con người luôn thay đổi và chịu tác động nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Ví dụ, khi nhận được một tin tốt lành, bạn lập tức có thái độ hân hoan, vui vẻ, lạc quan. Ngược lại, nếu nhận được tin xấu, ngay lập tức bạn sẽ trở nên khó chịu, buồn phiền và nóng nảy, ngay cả khi đó là tin không chính xác hay sai sự thật. Như vậy, cách bạn diễn giải sự việc cho bản thân sẽ quyết định phần lớn cách phản ứng của bạn.
Bốn quy luật cơ bản
Bốn quy luật cơ bản là Quy luật Niềm tin, Quy luật Kỳ vọng, Quy luật Hấp dẫn và Quy luật Tương thích. Chúng là những quy luật phụ bắt nguồn trực tiếp từ luật Nhân quả và làm nền tảng cơ bản cho tất cả các quy luật trong cuốn sách này cũng như cho những gì chúng ta đang trải nghiệm. Hạnh phúc trong cuộc sống và thành công trong kinh doanh đều xuất phát từ việc bạn hiểu biết và chung sống hài hòa với bốn quy luật này.
2
QUY LUẬT NIỀM TIN
Những gì bạn thực sự tin tưởng bằng tất cả cảm xúc sẽ trở thành hiện thực.
Niềm tin chính là bộ lọc lựa chọn thông tin và chỉ lối cho mọi hành động. Bạn không nhất thiết phải tin những gì mình thấy, nhưng bạn thường có xu hướng thấy những gì bạn đã tin. Bạn cũng thường loại bỏ những thông tin trái ngược với những gì bạn đã tin tưởng mà không xem xét liệu niềm tin và thành kiến của bạn có dựa trên sự thật khách quan hay chỉ là cảm nhận chủ quan.
Thành kiến nghĩa là vội vàng đánh giá, đi đến kết luận trái ngược trước bất kỳ thông tin nào, hoặc thậm chí bất chấp thông tin. Để thành công, bạn cần phải biết kiềm chế việc đánh giá con người hay hoàn cảnh cho đến khi có đầy đủ thông tin. Quan trọng hơn hết, bạn phải kiềm chế việc vội vàng xét đoán bản thân cũng như những suy nghĩ có tính chất “thu hẹp”. Điều này thường xảy ra khi bạn cho rằng mình bị hạn chế về một mặt nào đó. Ví dụ, khi bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, không có năng lực, không giỏi giang như những người khác cũng chính là lúc bạn đang để bản thân rơi vào cái bẫy thông thường là tự chấp nhận những mục tiêu thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế của mình.
Việc “thu hẹp bản thân” này cũng giống như những chiếc phanh kìm hãm tiềm năng và tạo ra hai kẻ thù lớn nhất cho sự thành công : sự hoài nghi và sợ hãi. Chúng làm bạn ngại đón nhận sự mạo hiểm có tính thử thách, vốn rất cần thiết để bạn thể hiện đúng năng lực của mình. Vì vậy, bạn cần phải kiên quyết loại bỏ bất kỳ suy nghĩ hay ý kiến “thu hẹp” nào và trong mọi trường hợp, hãy tin rằng những gì người khác làm được thì bạn cũng làm được.
Khi còn trẻ, tôi phải sống trong điều kiện khó khăn, tôi đã từng mắc kẹt với những ý nghĩ tiêu cực rằng những người khác làm tốt hơn mình hẳn phải thông minh tài giỏi hơn. Tôi nghiễm nhiên kết luận tôi kém giá trị hơn họ. Niềm tin sai lầm này đã kìm hãm bản thân tôi trong nhiều năm liền.
Sự thật là không ai tài giỏi hơn hay thông minh hơn bạn. Nếu có, phần lớn đó là những người biết cách phát triển khả năng và tài năng thiên bẩm của mình nhiều hơn bạn mà thôi. Họ đã tìm hiểu Luật Nhân quả và sớm áp dụng vào cuộc sống cũng như công việc. Trong phạm vi nhất định, bạn cũng có thể làm được bất kỳ điều gì mà những người đó đã làm, chỉ cần bạn có lòng nhiệt thành và sự ham học hỏi.
3
QUY LUẬT KỲ VỌNG
Những gì bạn mong đợi với tất cả sự tự tin sẽ trở thành lời tiên tri hoàn thành ước nguyện của riêng bạn.
Khi bạn suy nghĩ và diễn đạt về các sự kiện sẽ xảy đến cho bản thân cũng là lúc bạn hành động như một nhà tiên tri dự đoán cuộc đời mình. Khi bạn tự tin mong đợi những điều tốt đẹp thì những điều tốt đẹp thường đến với bạn. Khi bạn nghĩ về một điều tiêu cực xảy ra, bạn sẽ phải đón nhận điều tiêu cực đó. Hơn nữa, những kỳ vọng của bạn cũng có tác động nhất định đến những người xung quanh. Những gì bạn mong đợi từ con người và tình huống quyết định thái độ của bạn nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác và mọi người như một tấm gương phản chiếu phản ánh thái độ của bạn ngay sau đó, bất kể là thái độ tích cực hay tiêu cực.
Trong nhiều năm liền, Tiến sĩ Robert Rosenthal của Đại học Harvard đã tiến hành các thí nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm khả năng kỳ vọng của giáo viên đối với việc học tập của sinh viên. Trong cuốn sách tâm đắc của mình – Pygmalion(1) in the Classroom , ông kể nhiều trường hợp trong đó các giáo viên khi mới nhận lớp đã được nhà trường thông báo rằng lớp họ phụ trách có một hoặc nhiều sinh viên vô cùng thông minh, hy vọng sẽ tạo ra những bước đột phá về thành tích học tập trong năm tới. Cho dù những sinh viên này được chọn ngẫu nhiên từ số đông sinh viên của toàn trường, nhưng khi được các giáo viên đặt nhiều kỳ vọng, các em đã nỗ lực học tập và đạt kết quả cao hơn so với các sinh viên khác cùng lớp và cao hơn rất nhiều so với thành tích các năm học trước đây của mình.
(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là một nhà điêu khắc tài ba. Có lần, Pygmalion chọn một viên đá lớn để tạc tượng một người con gái. Khi làm xong, ông thấy bức tượng của mình quá đẹp nên đem lòng say mê. Pygmalion đã cầu xin nữ thần Aphrodite (Venus) cho tượng đá biến thành người thật. Nữ thần xúc động trước lời cầu xin khẩn thiết ấy nên đã đồng ý. Thế là Pygmalion lấy bức tượng đã hóa thành người làm vợ và hai người sống với nhau hạnh phúc trọn đời.
4
QUY LUẬT HẤP DẪN
Bạn như một thỏi nam châm hút vào cuộc sống của mình mọi con người, mọi hoàn cảnh và mọi tình huống hài hòa với những suy nghĩ chủ đạo của bạn.
Quy luật Hấp dẫn đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại cách đây 3.000 năm trước Công nguyên và là một trong những quy luật nền tảng giải thích sự thành công và thất bại trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Quy luật này có sức tác động mạnh mẽ đến mọi hành động, lời nói, thậm chí cả những suy nghĩ và cảm nhận của bạn. Bạn như một thỏi nam châm, hút vào cuộc sống của mình mọi con người, mọi hoàn cảnh và mọi tình huống hài hòa với những suy nghĩ chủ đạo trong bạn. Suy nghĩ của bạn như một dạng năng lượng tinh thần chuyển động theo tốc độ ánh sáng. Chúng có khả năng xuyên qua bất kỳ rào cản nào. Đó là lý do tại sao đôi khi bạn đang nghĩ đến một người ở rất xa và chỉ một lát sau bạn nhận được điện thoại hay thư từ người đó. Trong trường hợp này, suy nghĩ của bạn đã được kết nối với người đó vào chính khoảnh khắc mà bạn nghĩ đến họ.
Các tổ chức phát triển sản phẩm, quy trình, dịch vụ và cách thức kinh doanh để thu hút khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng, nhà đầu tư và những tình huống kinh doanh hòa hợp với tiêu chí kinh doanh chủ đạo của tổ chức. Mỗi nhân tố bên trong và bên ngoài tổ chức là một loại nhạc cụ cùng hòa nhịp tạo nên một dàn nhạc giao hưởng vĩ đại và tiêu chí kinh doanh chính là “người nhạc trưởng” chi phối dàn nhạc ấy.
Khi công việc trong tổ chức không được suôn sẻ, cách nhanh nhất để mang lại sự thay đổi là đưa vào một người mới có khả năng thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của mọi người về bản thân cũng như về những công việc họ đang làm. Giá trị mới, tầm nhìn mới, chiến lược mới và chính sách mới đối với khách hàng cũng như trong nội bộ sẽ mang đến những đổi thay nhanh chóng và sâu sắc.
5
QUY LUẬT TƯƠNG THÍCH
Thế giới bên ngoài phản ánh thế giới nội tâm và tương thích với chiều hướng tư duy chủ đạo của bạn.
Đây là một quy luật đặc biệt giải thích nguồn gốc của may mắn và bất hạnh, thành công và thất bại, điều vĩ đại và thấp kém trong cuộc đời.
Thế giới bên ngoài phản ánh thế giới nội tâm ở mọi khía cạnh. Bất cứ sự kiện nào xảy đến với bạn đều tương thích với một điều gì đó bên trong con người bạn. Đôi khi sự tương thích này được gọi là sự “tương đương về tinh thần”. Bạn cần phải nuôi dưỡng sự tương đương về mặt tinh thần với những gì bạn muốn trải nghiệm ở thế giới bên ngoài. Trong thực tế, bạn không thể đạt được mục tiêu nếu tâm trí của bạn chưa nhận thức rõ ràng về mục tiêu đó. Do đó, nếu muốn thay đổi và cải thiện bất kỳ điều gì trong cuộc sống, bạn phải bắt đầu bằng việc thay đổi tâm trí của mình.
Có thể ví cuộc đời bạn như một chiếc gương 360 độ. Bất kỳ bạn nhìn nơi đâu, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh của mình. Mở rộng hơn, những mối quan hệ sẽ phản ánh bản chất thật sự của bạn cũng như thái độ, sức khỏe và điều kiện vật chất sẽ phản ánh cách bạn tư duy.
Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận thực tế này. Hầu như tâm lý mọi người đều nghĩ rằng các vấn đề trong cuộc sống của họ là do người khác và hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Họ muốn người khác thay đổi nhưng họ lại không muốn thay đổi chính bản thân mình.
Bạn chỉ có khả năng kiểm soát một điều duy nhất - đó chính là suy nghĩ. Và khi đã hoàn toàn kiểm soát được mọi suy nghĩ, bạn sẽ kiểm soát được những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Hãy trở thành người kiến trúc sư hoàn hảo cho cuộc đời của bạn, bắt đầu bằng những suy nghĩ tích cực và lạc quan.
Mọi quy luật kinh doanh mà bạn sẽ tìm hiểu trong cuốn sách này được mở rộng một cách lô-gíc từ Quy luật Nhân quả, kết hợp với Quy luật Niềm tin, Quy luật Kỳ vọng, Quy luật Hấp dẫn và Quy luật Tương thích. Những quy luật này chứa đựng một thông điệp thật đơn giản: Khi thay đổi chất lượng tư duy, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo. Vì khả năng tư duy của bạn không có giới hạn nên những điều tốt đẹp mà bạn sẽ được hưởng trong cuộc đời cũng sẽ vô hạn. Tất cả đều hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.