Kinh nghiệm cá nhân hay Khả năng quan sát
Bước thứ tư trên nấc thang Giàu có
+
Có hai loại kiến thức: kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên sâu. Những kiến thức cơ bản chính là kiến thức chung và cho dù kiến thức chung của bạn đa dạng đến đâu đi chăng nữa thì chúng cũng ít được dùng đến trong việc kiếm tiền. Các khoa lớn của các trường đại học danh tiếng phần lớn đều giảng dạy những kiến thức cơ bản về thế giới và nền văn minh nhân loại nhưng hầu hết các giáo sư và giảng viên lại không phải là những người giàu nhất trên thế giới. Họ rất giỏi trong việc truyền đạt kiến thức nhưng lại không hề có chuyên môn tổ chức hay sử dụng những kiến thức có được để làm giàu.
Kiến thức sẽ không thể thu hút được tiền bạc (hay thành công) nếu chúng không được tổ chức, định hướng đúng đắn và được thực hiện thông qua một kế hoạch hành động để đạt tới mục tiêu cuối cùng là có được tiền bạc hay thành công. Chúng ta buộc phải nhắc đến điều tưởng chừng khá đơn giản này vì có hàng triệu người vẫn tiếp tục hiểu lầm rằng “Kiến thức là sức mạnh”. Quan điểm này không đúng! Kiến thức chỉ là sức mạnh tiềm năng mà thôi. Kiến thức chỉ trở nên hiệu quả và có sức mạnh khi chúng được đưa vào những kế hoạch hành động cụ thể và hướng tới một cái đích rõ ràng.
Sự “yếu kém” này thể hiện rõ trong hệ thống giáo dục khi các trường đại học thất bại trong việc đào tạo và dạy cho sinh viên cách tổ chức và ứng dụng những kiến thức mình có.
Rất nhiều người sai lầm khi cho rằng Henry Ford là người thất học vì thời gian ngồi trên ghế nhà trường của ông vô cùng ít ỏi. Thực ra, chính họ mới hoàn toàn không hiểu bản chất của từ “giáo dục”. Từ này bắt nguồn từ “educo” trong tiếng Latin, có nghĩa là “rút ra”, “chiết xuất”, tức là phát triển từ bên trong.
Người có giáo dục không nhất thiết phải là người có được các loại kiến thức cơ bản hay kiến thức chuyên môn. Người có giáo dục là người có thể phát triển được khả năng và trí tuệ của mình, tiếp thu được tất cả những gì họ muốn và cần mà không xâm phạm tới quyền lợi của những người khác. Henry Ford đã thể hiện chính xác ý nghĩa của quan điểm này.
Trong thời kỳ Thế chiến Thứ nhất nổ ra, có một bài báo đăng trên trang nhất của tờ Chicago đã gọi Henry Ford là “kẻ theo chủ nghĩa hòa bình dốt nát”. Ngài Ford phản đối bài báo xúc phạm mình và phát đơn kiện lên tòa vì những lời phỉ báng bôi nhọ danh dự của ông. Tại tòa, luật sư bào chữa bên tờ báo đã yêu cầu ngài Ford trả lời khá nhiều câu hỏi nhằm mục đích chứng minh sự thiếu kiến thức của ông. Họ đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau với ý định cho tòa án và thiên hạ thấy rằng: ngài Ford chỉ biết duy nhất lĩnh vực sản xuất ô tô và không am hiểu bất cứ lĩnh vực nào khác.
Các câu hỏi được đặt ra kiểu như: “Benedict Arnold1 là ai?” hay “Nước Anh cử bao nhiêu lính sang Mỹ để trấn áp Quân phiến loạn năm 1776?”. Ngài Ford trả lời câu hỏi cuối cùng rằng: “Tôi không biết nước Anh đã cử bao nhiêu lính, tôi chỉ biết là số người quay về nhà ít hơn rất nhiều so với số người ra đi”.
1 Anh hùng yêu nước người Mỹ.
Cuối cùng, ngài Ford cảm thấy thực sự mệt mỏi với những câu hỏi kiểu như vậy. Khi có một câu hỏi được đưa ra với mục đích xúc phạm, ngài lao người lên phía trước, chỉ tay vào luật sư: “Nếu thật sự muốn trả lời mấy câu hỏi ngớ ngẩn của ông, tôi chỉ cần nhấn nút trên bàn làm việc và sẽ có hàng loạt các chuyên gia của tôi có thể trả lời tất cả các câu hỏi mà tôi đang ngồi đây phí phạm thời gian vì chúng. Hãy cho tôi biết tại sao tôi lại phải nhồi nhét vào đầu mình những điều ngớ ngẩn kia chỉ để chứng minh rằng tôi có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, khi trong tay tôi có đủ người tài giỏi có khả năng cung cấp cho tôi bất kì thông tin nào tôi cần.”
Câu trả lời của ngài Ford quả thực rất hay và vô cùng hợp lý. Vị luật sư nọ hoàn toàn lúng túng. Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa đều thán phục câu trả lời thông minh và có giáo dục của ngài Ford. Một người được giáo dục luôn biết cần lấy kiến thức ở đâu, khi nào và bằng cách nào để biến nó thành một kế hoạch hành động rõ ràng. Nhờ có sự trợ giúp của Nhóm Trí tuệ, ngài Henry Ford có trong tay những kiến thức đặc biệt mà ông cần, giúp ông trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ. Ông không cần phải có tất cả những kiến thức đó trong đầu. Chắc chắn sẽ chẳng có ai đủ ham thích và trí thông minh để nhồi nhét vào đầu tất cả những kiến thức về tự nhiên, thế giới, xã hội…
Trước khi bạn có khả năng biến đổi mong muốn thành số tiền mà bạn mơ ước, bạn sẽ cần những kiến thức chuyên môn về hàng hóa, dịch vụ hay nghề nghiệp nào đó mà bạn định hướng để có được sự giàu có. Có lẽ bạn cần kiến thức chuyên môn nhiều hơn khả năng bạn có thể tiếp thu hay muốn học hỏi. Và nếu điều này là sự thật thì bạn cần phải bù đắp điểm yếu của mình nhờ nhóm trí tuệ.
Andrew Carnegie cho biết, ông không biết nhiều về kỹ thuật trong ngành kinh doanh thép. Thêm vào đó, ông cũng không đặc biệt quan tâm đến nó. Kiến thức chuyên môn mà ông cần trong lĩnh vực sản xuất và marketing thép ông đều có thông qua những thành viên trong nhóm trí tuệ của mình.
Nếu muốn có tài sản lớn hay đạt được mục đích thì bạn phải có sức mạnh, mà sức mạnh cần có một hệ thống kiến thức chuyên sâu được tổ chức tốt và định hướng một cách thông minh. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải có đầy đủ những kiến thức này.
Câu nói trên của Henry Ford mang lại hi vọng và động lực cho những người có ước mơ làm giàu nhưng không được học hành đầy đủ để có đủ kiến thức chuyên sâu cần thiết. Đôi khi chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi và khổ sở vì cho rằng mình “kém giá trị” do sự “thất học” này. Nhưng nếu một người có khả năng tổ chức nhóm trí tuệ và biết điều khiển nhóm, có khả năng sử dụng nhóm cho mục tiêu của mình, chắc chắn họ cũng sẽ có kiến thức như bất cứ thành viên nào trong nhóm. Hãy nhớ rằng nếu bạn tự cho mình là kém cỏi, chính bạn sẽ tự hạn chế khả năng của mình.
Trong cả cuộc đời, Thomas A. Edison chỉ ngồi trên ghế nhà trường không quá ba tháng nhưng ông hoàn toàn không phải là người không có học vấn và cũng không hề nghèo đói.
Henry Ford chưa học hết lớp sáu nhưng ông quản lý tài chính rất hiệu quả.
Việc cung cấp kiến thức chuyên sâu là một trong những dạng dịch vụ dồi dào nhất và cũng rẻ mạt nhất! Nếu bạn hoài nghi thì hãy xem xét mức học phí ở bất cứ trường đại học nào.
MUA KIẾN THỨC NHƯ THẾ NÀO?
Đầu tiên, bạn cần phải xác định rõ mình cần loại kiến thức đặc biệt nào và dùng chúng để làm gì. Nếu mục đích của bạn rõ ràng và nghiêm túc, nếu bạn có kế hoạch lâu dài thì mục đích bạn đang hướng tới sẽ giúp bạn xác định những kiến thức cần thiết. Khi xác định được rồi, bạn cần tìm hiểu những nguồn thông tin chính xác liên quan đến kiến thức bạn muốn có. Quan trọng nhất trong số đó là:
• Học vấn và kinh nghiệm của bạn.
• Những tri thức và kinh nghiệm bạn có được do giao tiếp với những người khác (trí tuệ).
• Các trường cao đẳng và đại học.
• Các thư viện công cộng (sách báo và tạp chí định kỳ, trong đó tập trung tất cả những kiến thức mà nền văn minh nhân loại có được).
• Các khóa học đặc biệt (các lớp học buổi tối hay đào tạo tại nhà)
Kiến thức cần được hệ thống hóa, được tổ chức và sử dụng vì mục tiêu cụ thể thông qua những kế hoạch thực tế. Kiến thức tự nó không có giá trị nếu không được áp dụng vào những mục đích có giá trị. Đây chính là lý do tại sao bằng cấp trong các trường đại học không được đánh giá cao. Nó không thể hiện được điều gì trừ những kiến thức hỗn tạp và lộn xộn.
Nếu bạn nghĩ mình cần phải học thêm thì đầu tiên, bạn phải xác định bạn cần cái đó để làm gì, rồi sau đó tìm hiểu xem nên học những kiến thức đó ở đâu thông qua những nguồn tin cậy.
Bất kì ai thành công trong lĩnh vực nào cũng muốn trau dồi thêm kiến thức liên quan tới doanh nghiệp hoặc nghề nghiệp hay mục đích chính của họ. Có một sai lầm thường thấy ở những người không thành công, đó là họ thường cho rằng mình đã tiếp thu được tất cả mọi kiến thức trên ghế nhà trường. Thực ra, hệ thống giáo dục này chỉ dạy những kiến thức cơ bản và giúp bạn dễ dàng tiến đến con đường trau dồi kiến thức thực tế sau này.
Ngày nay chúng ta đang tìm kiếm bản thân mình trong một thế giới thay đổi, và chúng ta cũng đang nhìn thấy những thay đổi đáng kinh ngạc trong những yêu cầu về giáo dục. Đòi hỏi của thời đại là chuyên môn hóa! Câu chuyện của ông Robert P. Moore (khi còn là nhà quản lý hành chính của trường Đại học Columbia) đã nhấn mạnh sự thật này.
Khan hiếm chuyên gia
Những ứng cử viên được tuyển dụng thường là những người có chuyên môn trong các lĩnh vực sau: tốt nghiệp các trường kinh doanh, được đào tạo về kế toán thống kê, phóng viên, kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà khoa học và cả những nhà lãnh đạo giỏi...
Trong số những sinh viên tốt nghiệp với kết quả học tập tốt thì những người năng động hơn sẽ có ưu thế hơn hẳn. Họ hoạt động tích cực vào những hoạt động của ký túc xá, đoàn đội và vượt trội so với các bạn cùng lứa trong phần lớn các chỉ tiêu. Họ cũng thường làm thêm những công việc thích hợp với trình độ của họ và có khả năng kết nối, hòa hợp với mọi người. Trong số họ, có một số người về sau nhận được một vài lời đề nghị làm việc, thậm chí một vài người có thể nhận được đến sáu lời đề nghị làm việc sau khi ra trường.
Người ta đang dần loại bỏ quan niệm cho rằng một sinh viên “Loại A” sẽ luôn có được những lựa chọn công việc tốt hơn. Ông Moore cho rằng hầu hết các công ty đều không chỉ nhìn vào những bảng điểm mà còn nhìn vào những thành tích thực tế và phẩm chất của các sinh viên.
Một trong những hãng công nghiệp lớn nhất đã gửi thư cho ngài Moore như sau:
“Chúng tôi quan tâm tìm kiếm những người có khả năng sáng tạo ra những quy trình quản lý mới và hiệu quả. Chính vì vậy, các phẩm chất về tính cách, cá nhân, trí tuệ được chúng tôi đánh giá cao, thậm chí còn hơn cả trình độ học vấn.”
Thực hành
Khi đề xuất sinh viên cần được thực tập tại các công ty, cửa hàng hoặc nhà máy sản xuất vào mỗi dịp nghỉ hè, ngài Moore đã yêu cầu rằng: sau hai hoặc ba năm học tập ở trường, mỗi sinh viên cần tự chọn cho mình một con đường rõ ràng cho tương lai. Nếu sinh viên nào không xác định được mục đích của mình mà phó mặc cho những khóa học trên lớp thì sinh viên đó sẽ phải nghỉ học.
“Các trường cao đẳng và đại học phải đối mặt với thực tế là hiện nay công việc nào cũng cần những người có chuyên môn.” Ông cố thuyết phục các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
Các lớp học buổi tối là một trong những nguồn kiến thức chuyên sâu khá tin cậy và dễ tiếp cận với những ai có nhu cầu. Các khóa học này thường được mở tại các thành phố lớn. Các lớp học phù hợp sẽ tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu ở bất cứ đâu có nhu cầu trên đất Mỹ về tất cả các chủ đề và chuyên ngành. Nước Mỹ cũng là nơi có rất nhiều loại sách dành cho người tự học các khóa học và những loại tài liệu khác có thể được sử dụng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Một lợi thế của việc tự nghiên cứu là tính linh hoạt trong chương trình, học viên có thể học trong khoảng thời gian rỗi, học trong lúc giải lao, thậm chí ngay cả trong lúc đi du lịch.
Thường thì ta sẽ không bao giờ đánh giá cao hoặc tin tưởng thứ mà ta có được một cách dễ dàng, không phải nỗ lực hay mất mát gì nhiều. Do vậy, có lẽ chúng ta ít khi nhận được điều gì bổ ích khi học trong trường. Một chương trình học chuyên sâu thu học phí có thể tạo cho học viên tinh thần tự giác. Tôi đã học được điều này khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Tôi tham gia vào một khóa học tại nhà về quảng cáo. Sau khi tham gia tám hay chín buổi học, tôi đã bỏ học. Nhưng tôi vẫn đều đặn nhận được giấy báo yêu cầu thanh toán tiền từ nhà trường, thậm chí họ còn yêu cầu tôi phải trả tiền đủ cho dù có tiếp tục học hay không. Vì vậy, tôi quyết định mình cần phải kết thúc khóa học để không lãng phí số tiền đã bỏ ra. Lúc đó, tôi thấy rằng việc nhà trường đòi tiền học phí là điều hết sức có ý nghĩa trong quá trình học, nếu không gặp chuyện như vậy, có lẽ tôi đã không học tiếp. Vì bị áp lực buộc phải trả tiền, tôi đã cố học và hoàn thành khóa học. Sau này, tôi đã nhận ra rằng khóa học mà tôi đã miễn cưỡng tham gia ấy thật hữu ích trong việc giúp tôi kiếm tiền.
Chúng ta đang sống trong một đất nước có hệ thống trường học công tốt nhất thế giới. Chúng ta đã đầu tư một số lượng đáng kể những tòa nhà chất lượng tốt. Chúng ta cung cấp dịch vụ giao thông tiện lợi cho những trẻ em sống ở vùng sâu vùng xa và những khu vực khác. Nhưng có một điểm yếu lớn trong hệ thống tuyệt vời ấy - tất cả đều miễn phí! Tâm lý con người thật kỳ lạ: họ chỉ cảm thấy điều gì đó có giá trị khi họ phải trả tiền để có được nó.
Nếu học ở trường và vào thư viện mà chẳng tốn tiền thì mọi người sẽ không coi trọng chuyện đó! Đó chính là nguyên nhân giải thích việc nhiều người sau khi học xong vẫn phải tiếp tục học thêm khi chuẩn bị đi làm hoặc trong lúc đang đi làm. Đó cũng là lý do tại sao nhiều nhà doanh nghiệp đánh giá cao những nhân viên tham gia thường xuyên các khóa tự học và những hình thức khác để phát triển chuyên môn. Họ học từ kinh nghiệm của mình rằng những người có tham vọng sử dụng thời gian rảnh rỗi cho việc học để tự trau dồi kiến thức chuyên môn chính là những người có được những phẩm chất cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo. Quan điểm này không phải là quan điểm mang tính nhượng bộ. Điều này chứng tỏ thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào những người lãnh đạo.
Con người có một điểm yếu mà không có loại thuốc nào chữa được, đó là: K hông có tham vọng! Những người, đặc biệt là người làm công ăn lương dành thời gian rỗi cho việc tự học để phát triển bản thân sẽ không bao giờ bị tụt hậu. Hành động của họ sẽ mở ra con đường tiến lên phía trước, giúp họ vượt qua những trở ngại và biết cách thu hút những người có tài năng tạo cơ hội cho họ.
Phương pháp tự học hay tự cải tiến thường dành riêng cho những người cần bổ sung kiến thức đặc biệt, họ đang làm việc và không có thời gian học tại trường.
Những điều kiện kinh tế thay đổi khiến hàng nghìn người có được nguồn thu nhập mới hoặc thu nhập bổ sung. Với nhiều người trong số họ, giải pháp cho vấn đề của họ chỉ có thể được tìm thấy nhờ những kiến thức chuyên môn. Rất nhiều người đã phải thay đổi hoàn toàn công việc của mình. Khi các thương gia nhận thấy rằng có một loại hàng hóa không được khách hàng mua, họ sẽ thay thế nó bằng một loại hàng khác mà khách có nhu cầu. Những người kinh doanh các dịch vụ cá nhân hay những người làm marketing cũng vậy, họ cần phải làm việc một cách hiệu quả như các thương gia trên. Nếu dịch vụ không mang lại kết quả tương xứng, họ buộc phải thay đổi sang một lĩnh vực hay loại hình dịch vụ khác, nơi có nhiều cơ hội đang rộng mở và sẵn có cho công việc của họ.
Stuart Austin Wier được đào tạo trở thành kỹ sư xây dựng và vẫn tiếp tục đi trên con đường anh đã chọn cho tới khi lĩnh vực này rơi vào thời kỳ suy thoái và không đem lại cho anh khoản thu nhập anh mong muốn. Sau khi đánh giá và xem xét kỹ khả năng của mình, anh quyết định đổi nghề và trở thành luật sư và anh quyết định quay lại trường để học thêm những khóa học đặc biệt cần thiết để trở thành luật sư. Cho dù trên thực tế Thời kỳ Suy thoái vẫn chưa chấm dứt, anh đã hoàn thành khóa học, vượt qua các kỳ kiểm tra đối với luật sư và nhanh chóng thành lập văn phòng luật sư riêng tại Dallas, Texas bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm cho các công ty. Công ty của anh làm ăn rất tốt.
Nếu ai dừng việc học tập chỉ đơn thuần vì họ đã kết thúc việc học trên ghế nhà trường thì mãi mãi sẽ bị coi là kẻ tầm thường, bất kể là vì lý do gì. Con đường thành công chính là con đường không ngừng tích lũy kiến thức.
Chúng ta hãy cùng xem trường hợp sau:
Trong Thời kỳ Suy thoái (thập niên 1930), một ngày nọ, ông chủ hiệu tạp hóa hiểu ra rằng mình đã sạt nghiệp. Có chút kinh nghiệm về sổ sách, ông học thêm một khóa đặc biệt về kế toán và tìm hiểu các dạng báo cáo kế toán mới, nghiên cứu thêm về các doanh nghiệp. Từng có kinh nghiệm về bán hàng, ông đã ký hợp đồng với hơn 100 cửa hiệu nhỏ và tư vấn về sổ sách kế toán cho họ với mức phí hàng tháng hợp lý. Ý tưởng của ông thành công đến mức chỉ sau một thời gian ngắn, ông mua một chiếc xe nhỏ và trang bị cho nó thiết bị tài vụ hiện đại để biến nó trở thành chiếc xe “tài vụ”. Giờ đây ông là chủ của một đoàn xe “tài vụ”, dưới ông là đội ngũ trợ lý, nhân viên cung cấp dịch vụ kế toán tốt nhất cho các thương gia nhỏ với chi phí rất thấp.
Chuyên môn cộng với Trí tưởng tượng là những nhân tố mang đến thành công độc đáo trong kinh doanh. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ông đã đóng thuế nhiều gấp mười lần so với công việc trước kia. Thời kỳ nền kinh tế Suy thoái khiến ông bị khốn đốn tạm thời cũng chính là cơ hội để ông đưa ra những quyết định và có được thành công như ngày hôm nay.
Điểm khởi đầu cho sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh chính là ý tưởng!
Tôi từng giới thiệu ý tưởng của ông chủ hiệu tạp hóa trên với một nhân viên bán hàng thất nghiệp nhưng anh ta phản ứng: “Ý tưởng đó thật tuyệt vời, nhưng quả thật tôi không biết cách thực hiện nó như thế nào để thu được tiền.” Chính xác là anh ta kêu ca rằng không biết cách tiếp thị những kiến thức sổ sách của mình ra thương trường sau khi đã học được nó.
Điều này khiến một vấn đề mới nảy sinh và cần được giải quyết. Với sự giúp đỡ của một cô thư ký trẻ khá thông minh trong lĩnh vực tính toán và tổng hợp các tư liệu, cô có thể chuẩn bị một hồ sơ hấp dẫn mô tả tính ưu việt của hệ thống kế toán mới. Cô đánh máy những trang giấy cẩn thận, tập hợp thành một tập hồ sơ đầy đủ cùng với những mẩu chuyện về kinh doanh. Tập hồ sơ đã được giới thiệu hiệu quả đến nỗi ông chủ nhanh chóng có được số khách hàng nhiều hơn cả khả năng anh ta có thể cung cấp dịch vụ.
Hiện nay ở Mỹ có hàng ngàn người có nghiệp vụ buôn bán như người phụ nữ sẽ được nói tới dưới đây, họ đều có khả năng chuẩn bị những tài liệu hấp dẫn để sử dụng trong công việc tiếp thị dịch vụ cá nhân. Thu nhập hàng năm từ dịch vụ như vậy vượt xa số tiền nhận được từ trung tâm cho thuê dịch vụ đó, và lợi ích của những dịch vụ như vậy đối với người mua dịch vụ cũng lớn hơn nhiều so với việc họ phải thuê dịch vụ từ trung tâm.
Ý tưởng về việc tiếp thị các dịch vụ cá nhân trên xuất phát từ việc cần phải khắc phục hoàn cảnh bất ngờ, nhưng nó không dừng lại ở đó khi chỉ phục vụ được một người. Người phụ nữ trong ví dụ này có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Bà đã nhận thấy rằng ý tưởng mới này có thể trở thành một nghề đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn người - những người đang cần những chỉ dẫn thực tế và cụ thể trong việc tiếp thị bản thân.
Bà rất vui khi “Kế hoạch tiếp thị cho những dịch vụ cá nhân” đã thành công ngay từ khi mới xuất hiện và bà đã nhanh chóng áp dụng ý tưởng này cho con trai mình. Chàng trai tốt nghiệp trường cao đẳng nhưng chưa tìm được nơi phù hợp để thể hiện khả năng của mình. Bà đã chuẩn bị cho con trai mình một bản hồ sơ tiếp thị dịch vụ cá nhân tốt nhất mà tôi từng thấy.
Bản hồ sơ dài gần 50 trang, được trình bày đẹp, có đầy đủ chi tiết những thông tin cần thiết. Đó là thông tin về năng khiếu, học vấn, kinh nghiệm, thành tích đạt được khi còn đi học, mục đích, địa vị xã hội mà anh muốn có được… cùng với kế hoạch chi tiết mà anh sẽ sử dụng nếu được nhận vào vị trí anh ứng tuyển.
Bà đã mất vài tuần để hoàn thành được tập hồ sơ này. Bà đã yêu cầu con mình hàng ngày đến thư viện tra cứu những thông tin cần thiết để có thể kinh doanh dịch vụ của anh ta với lợi thế tốt nhất. Bà cũng yêu cầu con quan tâm cả đến những đối thủ của người chủ trong tương lai với mục đích thu thập thông tin quan trọng về phương pháp hoạt động kinh doanh của họ, những thông tin này có giá trị rất lớn cho kế hoạch mà anh định sử dụng khi có được vị trí anh tìm kiếm. Khi bản kế hoạch của anh hoàn thành, nó bao gồm hơn một nửa là những lời đề nghị rất hữu ích cho công ty, đem lại lợi ích cho người quản lý trong tương lai của anh. (Những gợi ý này sẽ được đem vào sử dụng bởi chính công ty anh định tham gia.)
Ai đó có thể hỏi tôi rằng: “Tại sao lại cần phải làm việc vất vả như vậy chỉ để đảm bảo cho một công việc?” Câu trả lời sẽ đi thẳng vào vấn đề, khá sâu sắc: Chúng ta làm vậy để giải quyết một vấn đề được cho là góp phần lớn vào tỉ lệ thất bại hay thành công của những con người chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là dịch vụ cá nhân.
Câu trả lời là: “Nỗ lực làm tốt một việc sẽ chẳng bao giờ là sai lầm! Kế hoạch tuyệt vời mà người phụ nữ đó chuẩn bị cho con trai mình đã giúp anh nhận được công việc mà anh mong muốn, và ngay buổi phỏng vấn đầu tiên, anh đã nhận được mức lương anh yêu cầu.”
Hơn thế nữa, quan trọng là người thanh niên trẻ tuổi này không phải bắt đầu từ bậc thấp nhất. Anh bắt đầu là người điều hành cấp thấp và nhận được mức lương của một người điều hành.
Có thể bạn sẽ thắc mắc: “Tại sao ta phải làm thế?”. Câu trả lời là: Chính bản kế hoạch đó đã giúp chàng trai rút ngắn được khoảng thời gian 10 năm để có được vị trí này.
Có rất nhiều người bắt đầu từ vị trí thấp và do họ không đứng ở vị trí đủ cao để có thể phát hiện ra cơ hội nên họ vẫn mãi ở dưới đáy. Bên cạnh đó, tầm nhìn từ dưới lên cũng sẽ bị hạn chế. Nhiều người có thể mất tham vọng vì điều này và đành chịu an phận, không muốn thay đổi công việc thường ngày bởi thói quen là bản năng thứ hai của con người, và rồi dần dần, mong muốn thay đổi điều gì đó trong cuộc sống cũng sẽ biến mất. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta không nên bắt đầu từ con số không mà nên bắt đầu từ bậc một hay bậc nào đó cao hơn. Chúng ta cần hình thành thói quen có tầm nhìn rộng, quan sát mọi người và xem họ trưởng thành như thế nào, chờ đợi cơ hội và chớp thời cơ, không do dự.
Dan Halpin là ví dụ điển hình cho điều tôi đang muốn nói. Khi đang học đại học, anh phụ trách đội bóng nổi tiếng National Championship Notre Dame, khi đó đang dưới dự dẫn dắt của huấn luyện viên Knute Rockne.
Có lẽ anh đã được truyền cảm hứng từ huấn luyện viên bóng đá tuyệt vời này để hướng đến những mục đích cao hơn và không mắc sai lầm trong những thất bại tạm thời. Người huấn luyện viên đó cũng giống như Andrew Carnegie, ông vua thép của nền công nghiệp Mỹ, người đã truyền lửa cho những người làm việc với mình rằng họ cần đặt ra những cái đích cao hơn cho chính bản thân họ. Halpin ra trường vào đúng thời điểm không thuận lợi, khi nền kinh tế Suy thoái làm cho công việc trở nên khan hiếm, sau khi làm thử tại ngân hàng đầu tư và lĩnh vực điện ảnh, anh đã có được cơ hội đầu tiên đó là bán thiết bị trợ thính và hưởng hoa hồng. Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu sự nghiệp với công việc này, Halpin biết điều đó, và chỉ cần thế thôi cũng đủ để mở cánh cửa cơ hội cho anh.
Anh đã làm công việc mình không thích gần hai năm liền, nhưng có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ tiến xa hơn thế nếu anh chịu chấp nhận số phận, cam chịu và không thử một cơ hội khác. Anh đặt mục tiêu đầu tiên cho mình là cần phải làm trợ lý trưởng phòng kinh doanh và anh đã làm được điều đó. Vị trí này đã đặt anh lên tầm cao hơn, từ đó anh có thể nhìn thấy những cơ hội lớn hơn. Đúng vậy, anh được đặt vào nơi cơ hội có thể thấy anh.
Anh đã thực sự thành công trong việc bán thiết bị trợ thính đến mức ngài A. M. Andrews, Chủ tịch Tập đoàn Dictograph Products, một đối thủ cạnh tranh với công ty mà Halpin đang làm việc, muốn biết về “người đàn ông đó, Dan Halpin”, người đã cướp đi doanh số bán hàng rất lớn từ Công ty Dictograph Products lâu năm. Ông ta nhắn gặp Halpin. Khi buổi phỏng vấn kết thúc, Halpin được tuyển làm Giám đốc bán hàng của Bộ phận thiết bị trợ thính. Sau đó, để kiểm tra bản lĩnh của chàng trai này, ông Andrews đã đi đến Florida ba tháng, cố tình để anh tự mình xử lý mọi công việc, hoặc bị chết đuối hoặc là bơi trong công việc mới của mình. Anh đã không chết đuối! Chính tinh thần của huấn luyện viên Knute Rockne: “Thế giới yêu người chiến thắng và không có thời gian dành cho kẻ thua cuộc” đã khuyến khích anh có được ngày hôm nay, đó là vị trí Phó chủ tịch Tập đoàn và là Tổng quản lý của bộ phận thiết bị và đài trợ thính, một công việc mà hầu hết những người điều hành đều thèm muốn và phải cống hiến bảy năm nỗ lực trung thành may ra mới có được trong khi Halpin chưa mất đến sáu tháng đã có được vị trí này.
Thật khó có thể nói giữa Andrews và Halpin, ai là người xứng đáng nhận được lời khen ngợi, vì cả hai đều đã chứng minh được trí tưởng tượng phong phú và sâu sắc của họ. Ngài Andrews rất xứng đáng vì đã đặt niềm tin cũng như những yêu cầu cao nhất vào một chàng trai trẻ dám nghĩ dám làm Halpin. Còn Halpin xứng đáng vì anh đặt niềm tin vào việc từ chối thỏa hiệp với cuộc sống chỉ biết chấp nhận và duy trì một công việc mà anh không mong muốn, và đó chính là những vấn đề cốt lõi tôi muốn nhấn mạnh trong toàn bộ triết lý này - việc chúng ta có được vị trí trên cao hay ở lại dưới đáy tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có kiểm soát được những điều kiện mà chúng ta muốn kiểm soát chúng hay không.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là: Thành đạt hay thất bại đều là kết quả của thói quen! Tôi tin rằng sự kết hợp chặt chẽ giữa Halpin với nhà huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng của Mỹ đã gieo vào nhận thức của anh mong muốn chiến thắng và khiến cho đội bóng Notre Dame nổi danh toàn thế giới, giống như cách ta khâm phục các anh hùng, đặc biệt là anh hùng chiến thắng. Halpin đã nói với tôi rằng Rockne là một trong những nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất của mọi thời đại.
Tôi tin rằng sự cộng tác là những yếu tố cần thiết đối với cả thành công lẫn thất bại, điều này đã được chứng minh khi con trai Blair của tôi thương thảo với Dan Halpin về một vị trí công việc. Ngài Halpin đã tuyển con trai tôi vào một vị trí với mức lương khởi điểm chỉ bằng một nửa mức lương mà Blair có thể nhận được từ một công ty đối thủ cạnh tranh. Tôi đã phải dùng ảnh hưởng của một người cha để thuyết phục con mình đồng ý với đề nghị của Halpin vì tôi tin rằng việc con trai tôi được làm việc cùng với một người không chịu đầu hàng với số phận ông ta không muốn chính là thứ tài sản không thể đo được bằng tiền.
Vị trí thấp nhấp là một nơi buồn chán, đơn điệu và không ích lợi cho bất kì ai. Đó là lý do tôi đã dành thời gian để mô tả những khởi đầu chậm chạp có thể được thay đổi bởi một kế hoạch đúng đắn. Đó là lý do tại sao tôi lại dành nhiều thời gian để tôn vinh câu chuyện về người phụ nữ đã quyết tâm tạo ra một công việc hoàn toàn mới, là kết quả tuyệt vời của việc lập kế hoạch để con trai bà có được vị trí và mức lương như mong muốn.
Có lẽ có vài người sẽ nhận thấy trong những ý tưởng được tóm tắt ở đây mô tả cốt lõi của sự giàu có mà họ mong muốn! Những ý tưởng đơn giản sẽ là cây giống con cho những tương lai vĩ đại sau này khi nó được phát triển trên đất Mỹ. Ví dụ như ý tưởng năm và mười xu1 của Woolworth2 lúc đầu rất đơn giản và hoàn toàn không được mọi người để ý và xem xét, nhưng thực tế nó đã ẩn chứa trong đó một vận may cho người sáng tạo ra nó.
1 Mô hình kinh doanh một giá, tất cả các sản phẩm được bán đồng loạt với một mức giá năm xu hoặc mười xu.
2 Frank Winfield Woolworth: Một trong những người giàu nhất nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Hệ thống bán lẻ của ông có hàng nghìn cửa hàng, có mặt trên khắp nước Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Sẽ chẳng có mức giá cố định nào cho những ý tưởng tuyệt vời!
Đằng sau những ý tưởng là những kiến thức chuyên sâu. Thật không may cho những người không tìm thấy sự giàu có trong những kiến thức chuyên môn phong phú mà họ có thể dễ dàng có được chúng hơn là những ý tưởng. Năng lực có nghĩa là trí tưởng tượng, là phẩm chất kết hợp giữa kiến thức chuyên môn với những ý tưởng. Trí tưởng tượng thể hiện dưới dạng kế hoạch có tổ chức và kế hoạch này được lập ra để đạt được mục đích trở nên giàu có.
Nếu bạn có trí tưởng tượng thì nội dung chương này sẽ khuyến khích bạn bắt đầu với một ý tưởng hiệu quả để làm việc như một sự khởi đầu cho sự giàu có mà bạn mong muốn. Hãy nhớ rằng, ý tưởng là yếu tố quan trọng - kiến thức chuyên môn có thể được tìm thấy ở đâu đó! Trí tưởng tượng là chất xúc tác và nếu được kết hợp với ý tưởng hay kiến thức chuyên môn thì bạn sẽ thành công.
+
Ai cũng có thể mơ ước được giàu có,
và hầu hết mọi người đều như vậy, nhưng chỉ rất ít người
biết rằng một kế hoạch cụ thể,
cộng với mong muốn cháy bỏng
trở nên giàu có, là những phương tiện đáng tin cậy
duy nhất cho việc tích lũy sự giàu có.
+
Giới hạn duy nhất chính là những thứ
mà con người tạo ra trong suy nghĩ của họ.