Không bao giờ, không bao giờ không bao giờ bỏ cuộc
Nhìn xa là một chuyện, đi tới nơi lại là chuyện khác.
- Constantin Brancusi
Để hoàn thành trước người khác, trước tiên bạn phải hoàn thành.
- Rick Mears
Một bộ tứ phi thường khác?
Mùa hè năm 2001, vợ tôi, Margaret, và tôi đến nước Anh trong 10 ngày cùng với các bạn của mình là Dan và Patti Reiland, Tim và Pam Elmore, và Andy Steimer. Chúng tôi đã là bạn thân với nhà Reiland và Elmore trong 20 năm, và đã đi du lịch cùng nhau nhiều lần, vậy nên chúng tôi hết sức mong đợi chuyến đi này. Và dù quen biết Andy không lâu lắm, nhưng anh ấy cũng đã trở thành bạn tốt của chúng tôi – và anh đã đến nước Anh nhiều lần đến nỗi lần này anh gần như trở thành hướng dẫn viên không chuyên của chúng tôi.
Lúc chuẩn bị cho chuyến đi, vài người trong chúng tôi có sẵn những mối quan tâm đặc biệt và những điểm tham quan di tích lịch sử muốn đến. Ví dụ, tôi muốn đi thăm tất cả các nơi liên quan tới Wesley, một nhà truyền bá Phúc Âm lừng danh của thế kỷ 18. Và vì Tim, chúng tôi thăm trường Cambridge và những địa điểm khác liên quan tới nhà biện lý, giáo sư kiêm nhà văn C. S. Lewis. Andy, vì đã đến nước Anh rất nhiều lần, nên chỉ có một nơi anh cần đến là phòng bảo tàng chiến tranh Winston Churchill.
Ba chúng tôi muốn dạo bước qua những nơi mà các người hùng của chúng tôi đã đi, để có cái nhìn thoáng qua về lịch sử và có lẽ hiểu thêm được đôi chút về số phận của những người lãnh đạo, những nhà tư tưởng vĩ đại này. Và rồi đến Dan. Chắc chắn rồi, Dan cũng hưởng ứng những niềm say mê này của chúng tôi. Anh ấy thích những đề tài về các nhà lãnh đạo, anh đã đọc các tác phẩm của C. S. Lewis, và anh đã được phong chức mục sư của hội giám lý Wesley. Anh đã có những khoảng thời gian tuyệt vời cùng tham quan những địa điểm yêu thích của chúng tôi. Nhưng nơi mà anh chắc chắn phải ghé thăm, đó là làn đi bộ băng ngang đường, nơi ban nhạc The Beatles đã chụp tấm ảnh nổi tiếng cho album Abbey Road. Dan muốn chúng tôi chụp tấm ảnh cùng nhau đi bộ qua đường, giống như John, Ringo, Paul và George của ban nhạc bộ tứ này đã từng làm.
Tôi cũng thích The Beatles, và tôi nghĩ sẽ rất vui khi đến thăm nơi này. Nhưng với Dan thì còn quan trọng hơn thế. Đây là mục đích cốt yếu trong chuyến đi của anh. Nếu chúng tôi không làm được giống như trong album Abbey Road, thì chuyến đi của anh coi như không thành. Chính vì vậy mà mỗi ngày khi chúng tôi khởi hành từ khách sạn tại Luân Đôn, Dan cứ thúc giục: “Nào, các bạn, chúng ta sẽ chụp bộ ảnh Abbey Road chứ?”.
Vào ngày cuối cùng, rốt cuộc chúng tôi cũng lên được chương trình làm một chuyến đi vất vả đến Abbey Road. Mọi người, ngoại trừ Margaret, phải dậy từ sáu giờ sáng và chen chúc nhau trên hai chiếc taxi, để đi một quãng đường dài băng qua thị trấn để đến con đường bên ngoài phòng thu nơi The Beatles đã thu âm album cuối cùng này của họ. Dan thì quá phấn khích đến nỗi tôi nghĩ anh ấy sắp nhảy ra khỏi chiếc taxi.
Khi đến nơi, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Con đường đã bị phong tỏa! Những chiếc xe tải làm đường ở khắp mọi nơi, và những cọc tiêu chóp nón màu cam đặt đầy trên lối đi bộ ngang đường. Trông có vẻ chúng tôi đã có một chuyến đi vô nghĩa. Bởi vì chúng tôi sẽ rời khỏi Luân Đôn ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi sẽ không còn cơ hội nào khác cho bức ảnh. Dan sẽ phải trở về nhà tay không.
Chúng tôi quyết định ra khỏi taxi để xem xét tình hình. Chúng tôi nhận ra rằng đây có lẽ là một công trình xây dựng lớn đang được thực hiện trên con đường bé tí này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khám phá ra một chiếc cần trục khổng lồ được đặt cách đó nửa dặm, mà theo kế hoạch sẽ thi công ở đây vào buổi chiều, và đó là lý do tại sao con đường bị phong tỏa. Điều đó cho tôi hy vọng rằng sau hết thảy thì chúng tôi có thể thực hiện được ý định của mình. Không ai trong chúng tôi muốn Dan bị thất vọng, và tôi luôn thích sự thử thách. Vậy nên chúng tôi bắt tay hành động.
Chúng tôi đến làm quen với những người công nhân phụ trách việc phong tỏa con đường. Đầu tiên, họ không có chút khái niệm gì về cái chúng tôi muốn. Khi họ hiểu được tại sao chúng tôi đến đây, họ khoanh tay lại, nghiêm trang như ngọn núi Gibraltar, và nói với chúng tôi rằng việc đó là không thể được. Đó là lãnh địa của họ, là công việc của họ, và họ không định sẽ di chuyển. Tuy nhiên, tôi đã thử tươi cười khi trò chuyện với một người công nhân khoảng 25 tuổi. Khi tôi nói rằng Dan muốn có một tấm hình như trong album của The Beatles, và tấm hình gốc đó được chụp ngay tại nơi này, anh chàng trẻ tuổi ấy đã hỏi: “Thật ư? Tại đây ư?”.
Chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện thêm với họ. Chúng tôi pha trò và đề nghị mời mọi người bữa trưa. Chúng tôi cũng nói với họ rằng chúng tôi đi xa như thế nào để đến đây và toàn bộ những điều này có ý nghĩa với Dan nhiều như thế nào. “Các bạn sẽ là những người hùng của Dan”, tôi giải thích. Sau một lúc, tôi thấy họ bắt đầu dịu đi. Cuối cùng, một anh chàng cao lớn vạm vỡ có giọng khàn khàn nói: “Thôi được, hãy giúp những người Mỹ này. Cũng đâu có hại gì đâu”.
Điều tiếp theo chúng tôi biết được là họ gần như làm mọi việc vì chúng tôi. Họ bắt đầu dọn những cọc tiêu chóp nón đi và di chuyển những chiếc xe làm đường ra nơi khác. Họ thậm chí để Patti, vợ của Dan, leo vào bên trong một trong những chiếc xe tải để chụp hình, như vậy thì tấm hình sẽ có đúng góc chụp như trong tấm ảnh gốc của The Beatles. Chúng tôi nhanh chóng xếp hàng: Tim đầu tiên, sau đó là Andy, rồi đến tôi (đã cởi đôi giày ra đi chân trần cho giống Paul McCartney), và cuối cùng là Dan. Đó là khoảnh khắc chúng tôi chẳng bao giờ quên được. Và đến bây giờ tấm hình vẫn được đặt trên bàn làm việc của tôi để luôn gợi nhắc tôi về khoảnh khắc tuyệt vời ấy.
Đi vào chi tiết
Mùa hè năm đó ở Luân Đôn, có phải chúng tôi đã thành công nhờ có tài năng xuất chúng? Không phải. Hay bởi vì chúng tôi chọn đúng thời điểm? Chắc chắn cũng không, vì thời điểm chúng tôi chọn đã khiến chúng tôi gặp rắc rối ngay từ đầu. Hay do chúng tôi có sức mạnh số đông? Không, chúng tôi chỉ có sáu người. Chúng tôi thành công bởi vì chúng tôi kiên trì. Khát khao được chụp bức ảnh ấy của chúng tôi mạnh đến nỗi thành công là điều chắc chắn phải xảy ra.
Sẽ là sự kết thúc hợp lý cho cuộc thảo luận về những phẩm chất cốt yếu của một người đồng đội tuyệt vời bằng việc nói về sự kiên trì, bởi kiên trì là yếu tố quyết định cho thành công. Thậm chí những người thiếu tài năng và không trau dồi được một số phẩm chất quan trọng khác cũng có cơ hội góp phần vào thành công của tập thể nếu họ có tinh thần bền bỉ.
Kiên trì có nghĩa là…
1. Cho tất cả, nhưng không cho hơn những gì mình có
Một số người thiếu tính kiên trì tin tưởng một cách sai lầm rằng tính kiên trì đòi hỏi ở họ nhiều hơn cái họ phải bỏ ra. Kết quả là, họ không tự thúc đẩy chính mình. Tuy nhiên, kiên trì đòi hỏi bạn cho đi 100% – không nhiều hơn, nhưng chắc chắn cũng không ít hơn. Nếu bạn cống hiến tất cả những gì bạn có, bạn đã cho chính mình mọi cơ hội đi đến thành công.
Hãy xem trường hợp của Tổng tư lệnh George Washington. Trong suốt cuộc Cách mạng Mỹ, ông chỉ đánh thắng có ba trận. Nhưng ông cống hiến tất cả những gì ông có, và khi ông thắng, đó là những trận thắng quyết định. Tướng Anh Cornwallis, người đã đầu hàng Washington tại Yorktown để chấm dứt chiến tranh, đã nói với vị chỉ huy người Mỹ: “Thưa ngài, tôi cúi chào ngài không chỉ như một nhà lãnh đạo vĩ đại, mà còn như một quý ông Công giáo bất khuất, người không bao giờ đầu hàng”.
2. Làm việc với sự quyết tâm, không chờ vào số phận
Những người kiên trì thường không tin vào sự may mắn, số phận hay định mệnh trong thành công của họ. Và khi hoàn cảnh trở nên khó khăn, họ cứ kiên trì làm việc. Họ biết rằng cố gắng nhiều lần tức là không có thời gian để từ bỏ việc cố gắng. Và đó là điều làm nên sự khác biệt. Dù hàng ngàn người đã bỏ cuộc, sẽ luôn luôn có những người như Thomas Edison, người đã nói rằng: “Tôi bắt đầu ở nơi mà người cuối cùng rời đi”.
3. Chỉ ngừng lại khi công việc hoàn thành, không phải khi bạn mệt mỏi
Robert Strauss * từng nói: “Thành công có chút gì đó giống như cuộc vật lộn với một con khỉ gorilla. Bạn không từ bỏ khi bạn mệt mỏi, bạn chỉ dừng lại khi con khỉ mệt mỏi”. Nếu bạn muốn đội của mình thành công, bạn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cái mình nghĩ rằng mình có thể làm và tìm ra được cái bạn có khả năng làm. Đó không phải là bước đầu tiên mà là bước cuối cùng trên đường đua tiếp sức, là cú đánh cuối trong trận bóng rổ, là phần sân trước cửa khung thành để bạn dẫn bóng, tạo nên sự khác biệt, bởi đó là nơi bạn thắng trận đấu. Napoleon Hill đã kết luận: “Mỗi một người thành công đều nhận thấy thành công vĩ đại sẽ nằm ngay phía bên kia của thời điểm mà họ bị thuyết phục rằng ý tưởng của họ là không thể thực hiện”. Tính kiên trì sẽ giúp bạn giữ vững cho đến khi công việc được hoàn thành.
* Robert Strauss (1913 – 1975) là diễn viên nổi tiếng người Mỹ.
Suy ngẫm
Bạn kiên trì đến đâu?
Khi những người khác bỏ cuộc, bạn có tiếp tục bám trụ không?
Nếu đã là cuối lượt thi đấu thứ chín và đã đánh hỏng hai quả bóng ra ngoài, thì bạn gần như đã thua trận về mặt tinh thần, hay bạn vẫn bình tĩnh để đánh trả và đưa đội bóng của mình tới chiến thắng?
Nếu đội của bạn không thể tìm ra giải pháp để giải quyết một vấn đề, bạn có tiếp tục kiên trì tìm kiếm giải pháp đến cùng nhằm đạt được thành công hay không?
Nếu thỉnh thoảng bạn bỏ cuộc trước khi những người còn lại trong đội bỏ cuộc, bạn có thể cần một liều thuốc mạnh cho tính kiên trì.
Ghi nhớ
A. L. Williams ** nói: “Bạn đánh bại được 50% người Mỹ bằng cách làm việc chăm chỉ. Bạn đánh bại 40% nữa bằng việc là một người trung thực, liêm chính và sẵn sàng đứng lên cho điều gì đó. 10% còn lại là một cuộc quyết đấu trong hệ thống tự do kinh doanh”.
** Arthur L. Williams (1942) là tác giả người Mỹ, được biết đến nhiều nhất với cuốn All you can do is all you can do, but all you can do is enough.
Vì vậy, để nâng cao tính bền bỉ, bạn cần…
- Làm việc chăm chỉ hơn và/hoặc làm việc thông minh hơn. Nếu bạn có khuynh hướng là người “gác đồng hồ”, lúc nào cũng sốt ruột mong đến giờ nghỉ và bất kể thế nào cũng không bao giờ làm thêm giờ, thì bạn cần thay đổi thói quen đó. Hãy thêm 60 hoặc 90 phút làm việc mỗi ngày bằng cách đến sớm 30 đến 45 phút và ở lại thêm chừng đó thời gian sau giờ làm việc bình thường. Nếu bạn đã là người làm thêm việc ngoài giờ, hãy dành thêm thời gian lên kế hoạch để thời gian làm việc của bạn hiệu quả hơn.
- Sẵn sàng đứng lên cho điều gì đó. Để thành công, bạn phải hành động với sự liêm chính. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thêm vào đó sức mạnh của mục đích, bạn sẽ có thêm sự sắc bén. Hãy viết vào một tấm thẻ những công việc hàng ngày có liên quan đến mục đích tổng thể của bạn. Sau đó đọc tấm thẻ mỗi ngày để duy trì ngọn lửa cảm xúc luôn cháy trong mình.
- Biến công việc thành một cuộc thi đấu. Không có gì nuôi dưỡng tính kiên trì tốt như là bản tính cạnh tranh của chúng ta. Hãy cố gắng biến công việc của bạn thành một cuộc thi đấu. Tìm những người trong công ty có cùng đích đến tương tự như bạn, và tạo một cuộc cạnh tranh hữu nghị với họ để thúc đẩy cả đôi bên.
Mỗi ngày một câu chuyện
Người ta nói rằng đó là một công trình không thể hoàn thành – xây một tuyến đường sắt từ mặt nước biển trên bờ biển Thái Bình Dương đi sâu vào dãy núi Andes, dãy núi cao thứ hai trên Trái đất chỉ sau dãy Himalaya. Vậy mà đó là điều Ernest Malinowski, một kỹ sư được sinh ra ở Ba Lan, đã muốn thực hiện. Năm 1859, ông đã đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt từ Callao, trên bờ biển Peru vào sâu trong nội địa – đến độ cao hơn 4.500 mét. Nếu ông thành công, đó sẽ là tuyến đường sắt cao nhất thế giới.
Dãy Andes là dãy núi vô cùng hiểm trở. Độ cao của dãy núi làm cho việc thi công sẽ rất khó khăn, thêm vào đó khí hậu lại lạnh giá, còn có sông băng, và khả năng núi lửa sẽ hoạt động. Ngoài ra, có những sườn núi dốc từ mặt nước biển vút cao lên đến hàng ngàn mét với độ dốc rất cao. Di chuyển tới độ cao như vậy qua những dãy núi đá nhọn lởm chởm sẽ đòi hỏi phải qua rất nhiều khúc quanh gắt, những đường dích dắc ngoằn ngoèo, vô số cây cầu và đường hầm.
Nhưng Malinowski và đội ngũ của ông đã thành công. Jans S. Plachta tuyên bố: “Có khoảng 100 đường hầm và cây cầu, một số trong chúng là những kỳ tích về mặt kỹ thuật. Thật khó mường tượng làm thế nào công việc này có thể hoàn thành với những thiết bị xây dựng tương đối thô sơ, với độ cao như thế, và với địa hình núi đầy chướng ngại vật”. Ngày nay, tuyến đường sắt vẫn còn tồn tại như là một chứng cứ về lòng kiên trì của những người xây dựng nó. Bất chấp mọi điều xảy ra với họ trong suốt quá trình thực hiện, Malinowski và đội ngũ của ông đã không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc.