Đặt quyết tâm tìm giải pháp
Luôn luôn lắng nghe ý kiến chuyên gia. Họ sẽ nói cho bạn biết điều gì không thể làm và tại sao. Rồi hãy làm những điều ấy.
- Robert Heinlein
Đừng tìm lỗi; hãy tìm cách khắc phục.
- Henry Ford
Lời giải cho tấn thảm kịch
Trên đời này, còn chuyện gì thuộc về cá nhân bi thảm và gây ra nỗi tuyệt vọng hơn việc mất đi đứa con. John Walsh, người chủ trì chương trình truyền hình America’s Most Wanted, đã ở trong trường hợp đó. Năm 1981, ông và vợ của ông, Reve, đã mất đi đứa con trai Adam sáu tuổi của họ, khi cậu bé bị bắt cóc bên ngoài một trung tâm thương mại ở Florida và sau đó được tìm thấy khi đã bị thủ tiêu. Đôi vợ chồng đã hết sức suy sụp.
Người ta có nhiều kiểu phản ứng khác nhau với loại thảm kịch như thế này. Một số bậc cha mẹ trở nên khép kín và không còn tin tưởng ai nữa. Một số khác đắm chìm trong tuyệt vọng. Nhiều người phản ứng trong giận dữ và tìm cách trả thù. Gia đình Walsh ban đầu cũng đã rất giận dữ. Họ muốn những kẻ sát nhân phải được tìm thấy và bị kết tội. Họ còn muốn kiện cửa hàng nơi mà Adam đã bị bắt cóc. Khi cậu bé biến mất, đã không một ai trong cửa hàng giúp họ tìm cậu, rồi sau đó họ còn phát hiện ra rằng chính người bảo vệ cửa hàng đã yêu cầu cậu bé Adam sáu tuổi ra khỏi cửa hàng. Họ đã rất giận dữ.
Nhưng rất nhanh sau đó ông bà Walsh từ bỏ việc kiện tụng. Thay vì chìm đắm mãi trong quá khứ, John Walsh có tư tưởng luôn hướng tới giải pháp để nhìn về tương lai. Ông xác định mình phải cố gắng làm gì đó với vấn nạn bắt cóc trẻ em đang ngày càng gia tăng khắp đất nước. Ông bắt đầu tạo một hệ thống máy tính quốc gia để hỗ trợ việc tìm kiếm trẻ em bị mất tích. Ông trở thành người bênh vực cho các nạn nhân và vận động hành lang lập pháp. Vào năm 1984, Walsh đồng sáng lập National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC, Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị bóc lột), một tổ chức được thành lập và hoạt động để ngăn ngừa sự ngược đãi, hành hạ trẻ em, hỗ trợ ngăn chặn tội ác với trẻ em, và là một ngân hàng thu thập và cung cấp thông tin về trẻ em bị mất tích trên phạm vi cả nước.
Một trong những chương trình về an toàn cho trẻ em quan trọng nhất mà NCMEC đã phát triển gọi là “Code Adam”, được thực hiện trên hơn 13.000 cửa hàng trên khắp đất nước. Khi có khách hàng trình báo có trẻ em đi lạc hay mất tích, một lệnh báo động sẽ được phát đi toàn hệ thống các cửa hàng, cùng với mô tả nhân dạng đứa trẻ sẽ được gửi cho những nhân viên có nhiệm vụ tìm kiếm bé và theo dõi, kiểm soát các cửa ra vào. Nếu đứa trẻ không được tìm thấy trong 10 phút, các nhân viên phải báo ngay cho cảnh sát.
Qua nhiều năm, các đội ngũ của NCMEC, hiện nay đã có 125 nhân viên, đã hỗ trợ hơn 73.000 trường hợp liên quan đến trẻ em, và giúp các bậc cha mẹ tìm được hơn 48.000 trẻ bị mất tích. Hoạt động của NCMEC đã giúp cho việc nâng cao tỷ lệ tìm thấy trẻ em bị mất tích từ 60% vào những năm 1980 lên 91% như hiện nay.
Tôi nghĩ rằng không ai có thể chê trách John Walsh nếu ông chọn cách sống thu mình sau cái chết của con trai. Nhưng vì là người luôn hướng tới giải pháp, ông đã vượt qua nỗi đau của mình trong tình cảnh đó để giúp hàng chục ngàn người khác bằng việc thành lập một tổ chức giúp đỡ trẻ em.
Đi vào chi tiết
Hầu hết mọi người có thể nhìn thấy những rắc rối. Điều đó không yêu cầu bất cứ khả năng đặc biệt hay tài năng nào. Như Alfred A. Montapert * nhận xét: “Phần đông nhìn thấy những trở ngại; chỉ một số ít nhìn thấy mục tiêu. Lịch sử ghi nhận thành công của những người nhìn thấy mục tiêu, trong khi lãng quên là phần thưởng dành cho những người chỉ nhìn thấy trở ngại”. Người nào nghĩ về giải pháp, thay vì chỉ nghĩ về khó khăn, có thể trở thành người tạo nên sự khác biệt. Một đội ngũ với những người luôn có tư tưởng tìm kiếm giải pháp thật sự có thể hoàn thành mọi việc.
* Alfred A. Montapert (1906 – 1997) là một tác giả người Mỹ nổi tiếng với tác phẩm Supreme Philosophy of Man.
Tính cách, nền tảng giáo dục và lịch sử cá nhân của bạn có thể ảnh hưởng đến cách bạn hướng tới giải pháp một cách tự nhiên. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể trở thành người hướng về giải pháp. Hãy suy nghĩ về những điều mà tất cả những người luôn hướng tới giải pháp đều công nhận dưới đây:
1. Vấn đề nằm ở cách nhìn
Bất kể người khác nói gì với bạn, thì những vấn đề của bạn không phải là vấn đề. Nếu bạn tin rằng đó là vấn đề, thì đó mới là vấn đề. Nhưng nếu bạn tin đấy chỉ là một bước lùi tạm thời, một chướng ngại, hay một giải pháp đang trong quá trình hình thành, thì bạn sẽ không gặp vấn đề khó khăn nào nữa (bởi vì bạn đã không tạo ra nó).
Các chướng ngại, bước lùi, hay thất bại là những mảnh ghép đơn giản mà ta phải gặp trong đời. Bạn không thể tránh khỏi chúng. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đối mặt với chúng bằng một cái đầu luôn hướng tới giải pháp. Đây chỉ là vấn đề liên quan đến thái độ.
2. Mọi vấn đề đều có cách giải quyết
Những người giỏi giải quyết vấn đề thường trở thành những nhà phát minh. Charles Kettering ** giải thích: “Khi tôi là trưởng bộ phận nghiên cứu của General Motors và muốn một vấn đề được giải quyết, tôi đã đặt một cái bàn bên ngoài phòng họp với một tấm bảng “Hãy để thước loga *** ở lại đây”. Nếu tôi không làm thế, tôi sẽ bắt gặp ai đó tìm tới cây thước loga của họ. Và anh ta sẽ mặc định nói với tôi rằng: “Sếp, tôi không làm được”. Cách tiếp cận của Kettering đã mở đường cho ông có một sự nghiệp huy hoàng với hàng trăm bằng sáng chế, là nhà sáng lập Delco, và được vinh danh ở National Inventors Hall of Fame (Ngôi nhà Danh vọng Quốc gia dành cho những nhà phát minh). Ông tin rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, và ông giúp nuôi dưỡng thái độ đó ở mọi người. Nếu bạn muốn là người luôn hướng tới giải pháp, bạn phải sẵn sàng vun đắp thái độ sống này cho chính mình.
** Charles Franklin Kettering (1876 – 1958) là một kỹ sư, nhà sáng chế, doanh nhân người Mỹ, người nắm giữ 186 bằng sáng chế và là người sáng lập công ty điện tử Delco.
*** Thước loga (slide rule) là một loại thước dùng để xử lý các dữ liệu biến thiên, dùng để tính toán số liệu, căn bậc, lũy thừa, log và lượng giác.
3. Những vấn đề, hoặc sẽ cản trở hoặc sẽ mở rộng khả năng của bạn
Orison Swett Marden, nhà sáng lập tạp chí Success, đã nói: “Những trở ngại là lớn hay nhỏ sẽ tùy vào bạn lớn hay nhỏ”. Những vấn đề khó khăn hoặc sẽ gây tổn hại đến bạn hoặc sẽ giúp ích cho bạn. Tùy thuộc vào cách bạn tiếp cận vấn đề như thế nào, chúng sẽ cản trở thành công hoặc sẽ mở rộng khả năng của bạn, để bạn không chỉ vượt qua trở ngại mà còn có thể trở thành người giỏi giang hơn. Lựa chọn là của bạn.
Suy ngẫm
Bạn nhìn cuộc sống như thế nào?
Bạn nhìn thấy giải pháp trong mọi thử thách hay chỉ thấy vấn đề khó khăn trong mọi tình huống?
Đồng đội của bạn có đến với bạn vì bạn có những ý tưởng về cách để vượt qua các trở ngại, hay họ sẽ tránh nói chuyện với bạn bởi bạn chỉ làm cho mọi thứ thêm khó khăn hơn?
Việc bạn là ai sẽ quyết định bạn nhìn thấy gì. Khi nói tới cách tiếp cận những vấn đề khó khăn, bạn chỉ có bốn lựa chọn: chạy trốn chúng, đấu tranh với chúng, quên chúng đi, hoặc đối mặt với chúng. Bạn thường chọn cách nào?
Ghi nhớ
Để biến mình thành một thành viên luôn hướng tới giải pháp, bạn hãy…
- Từ chối bỏ cuộc. Cùng một lúc, khi một người muốn nói: “Tôi đầu hàng”, thì một người khác cũng đối mặt với tình huống tương tự lại nói: “Thật là một cơ hội lớn!”. Hãy nghĩ về một tình huống bất khả thi nào đó mà bạn và đồng đội của mình đã nản lòng bỏ cuộc. Giờ thì hãy quyết tâm rằng bạn sẽ không bỏ cuộc cho đến khi tìm ra được giải pháp cho vấn đề.
- Tập trung suy nghĩ. Không vấn đề nào có thể chống lại sự truy kích của một suy nghĩ liên tục. Hãy dành thời gian chuyên tâm cùng những thành viên chủ chốt của đội để nghĩ ra hướng giải quyết vấn đề. Đảm bảo bạn dành ra khoảng thời gian tốt nhất để suy nghĩ, đừng suy nghĩ khi bạn đang mệt mỏi hoặc phân tâm.
- Cân nhắc lại chiến lược. Albert Einstein nhận xét: “Những vấn đề quan trọng mà chúng ta đối mặt không thể được giải quyết với cùng một mức độ suy nghĩ như lúc chúng ta tạo ra chúng”. Hãy bước ra khỏi chiếc hộp tư duy thông thường của bạn. Hãy phá vỡ một vài luật lệ. Hãy kích não với những ý tưởng có vẻ xuẩn ngốc. Rồi đánh giá lại vấn đề. Hãy làm bất cứ điều gì có thể để phát sinh những ý tưởng và những cách tiếp cận vấn đề mới mẻ.
- Lặp lại quá trình. Nếu trong lần đầu tiên không giải quyết thành công vấn đề, thì hãy kiên trì tiếp tục. Nếu bạn giải quyết được vấn đề, hãy lặp lại quá trình này với những vấn đề khác. Nhớ rằng mục tiêu của bạn là nuôi dưỡng thái độ luôn hướng tới giải pháp mà bạn sẽ áp dụng mọi lúc mọi nơi.
Mỗi ngày một câu chuyện
Năm 1939, quân đội Xô Viết sáp nhập các nước vùng Baltic, bao gồm Latvia. Phó lãnh sự Mỹ ở Riga, thủ đô Latvia, quan sát những gì đang xảy ra và lo ngại rằng quân Xô Viết sẽ chiếm trạm tiếp tế của Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ ở đây. Ông đánh điện về Bộ Ngoại giao Mỹ và xin phép treo cờ Mỹ phía trên cờ của Hội Chữ Thập Đỏ để bảo vệ các nguồn hàng tiếp tế, nhưng cấp trên của ông đã trả lời rằng: “Chưa hề có tiền lệ nào với kiểu hành động như vậy”.
Ngài phó lãnh sự vẫn trèo lên cột cờ và buộc chặt lá cờ Mỹ lên đó. Sau đó, ông gửi một bức điện về Bộ Ngoại giao Mỹ: “Kể từ ngày hôm nay, tôi đã lập một tiền lệ”.
Các giải pháp thường ở ngay trong mắt của người mục kích.