Không có từ "tôi" trong một tập thể
Cuộc đời không chỉ được đánh giá qua tiêu chuẩn đồng tiền. Tôi không có khuynh hướng phàn nàn rằng mình trồng cây và để người khác hái quả. Người ta chỉ hối tiếc khi họ gieo mà không có ai gặt.
- Charles Goodyear
Khi bạn ngừng cho đi hay ngừng trao tặng điều gì đó cho phần còn lại của thế giới, đấy cũng là lúc ánh sáng lụi tắt.
- George Burns
Người đàn ông chân chính phía sau câu chuyện chiếc cầu
Khi rơi vào tình huống thập tử nhất sinh, hầu hết mọi người đều lo cho bản thân hơn là lo cho người khác. Nhưng điều này không đúng với Philip Toosey. Là một sĩ quan quân đội Anh trong Thế chiến thứ hai, anh trải qua nhiều tình huống với cơ hội để bảo toàn tính mạng bản thân, nhưng thay vào đó anh luôn luôn đặt đơn vị của mình lên hàng đầu.
Năm 1927, chàng trai 23 tuổi Toosey tham gia vào lực lượng quân đội địa phương – một dạng quân dự bị, bởi anh muốn có nhiều thời gian hơn để phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng và mua bán hàng hóa. Anh còn có nhiều mối quan tâm khác nữa. Anh là một vận động viên giỏi và yêu thích môn bóng bầu dục, song bởi nhiều bạn bè anh đăng ký vào quân ngũ, anh cũng quyết định tham gia. Anh được phong hàm thiếu úy trong một đơn vị pháo binh, và ở đó anh đã thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo và là sĩ quan chỉ huy đơn vị. Theo thời gian, anh được nâng lên cấp bậc cao hơn.
Năm 1939, đơn vị của anh được lệnh ra chiến trường khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu. Anh phục vụ một thời gian ngắn ở Pháp, được điều động đến Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, rồi sau đó chuyển đến khu vực Thái Bình Dương. Ở đó, anh đã là một phần của chiến dịch thất bại trong nỗ lực bảo vệ bán đảo Malay và sau đó là Singapore khỏi sự xâm lược của Nhật Bản. Thời điểm đó, Toosey đã được thăng cấp lên hàm trung tá và là sĩ quan chỉ huy Trung đoàn 135 thuộc Sư đoàn 18. Và mặc dù anh và đồng đội của mình chiến đấu xuất sắc trong suốt chiến dịch, nhưng quân đội Anh đã bị buộc phải rút lui nhiều lần, cho đến khi tất cả phải rút khỏi Singapore.
Khi đó, Toosey đã lần đầu tiên thể hiện những hành động quên mình của anh. Khi quân đội Anh nhận ra rằng đầu hàng là việc không thể tránh khỏi, Toosey được lệnh phải rời bỏ binh lính và chuyển đi nơi khác để bảo toàn tính mạng trong vai trò một sĩ quan pháo binh lão luyện, để có thể phục vụ nơi chiến trường khác. Nhưng anh đã từ chối. Sau này anh nhớ lại:
Tôi đã không thể tin vào tai mình, nhưng với tư cách là một quân nhân địa phương (không phải là một sĩ quan chuyên nghiệp), tôi đã từ chối… Tôi chỉ ra cho họ rằng khi còn là một pháo thủ, tôi đã đọc tài liệu Huấn luyện pháo binh, cuốn 2 nói khá rõ rằng trong bất kỳ trường hợp rút lui nào, sĩ quan chỉ huy phải là người rời đi sau cùng.
Anh biết rằng việc rời bỏ binh lính lúc ấy sẽ gây tác động tiêu cực đến tinh thần của họ, vì vậy anh lựa chọn ở lại với những người lính của mình. Thế nên khi lực lượng Đồng minh ở Singapore đầu hàng quân Nhật vào tháng 2 năm 1942, Toosey trở thành tù binh chiến tranh, cùng với những người lính của mình.
Toosey nhanh chóng tìm thấy chính mình khi bị giam trong trại tù binh chiến tranh tại Tamarkan, gần một con sông lớn tên là Kwai Yai. Do là sĩ quan cao cấp, anh cũng trở thành chỉ huy các tù binh của phe Đồng minh. Công việc trong trại tù của anh là xây dựng những cây cầu bằng gỗ tạm thời, sau đó là bằng bê tông và thép bắc ngang qua con sông (Tiểu thuyết và bộ phim The Bridge on the River Kwai dựa trên những sự kiện đã xảy ra trong trại tù này, nhưng Toosey thì không giống với nhân vật Đại tá Nicholson trong phim).
Lúc đầu, khi đối mặt với những mệnh lệnh từ lính Nhật, Toosey đã muốn cự tuyệt. Dù sao thì theo Công ước Hague năm 1907 mà Nhật có tham gia ký kết, có điều lệ ngăn cấm việc các tù binh chiến tranh bị cưỡng ép làm những công việc giúp kẻ thù của họ giải quyết hậu quả chiến tranh. Nhưng Toosey cũng biết việc cự tuyệt của mình sẽ mang tới sự trả đũa, mà như anh mô tả là “ngay lập tức, bằng bạo lực và rất dữ dội”. Nhà văn chuyên viết tiểu sử Peter N. Davies nhận xét: “Trên thực tế, Toosey đã nhanh chóng nhận ra rằng anh ấy thực sự không có lựa chọn nào khác cho vấn đề này và phải chấp nhận sự thật rằng ở đây không còn là việc liệu các tù binh chiến tranh có phải thực hiện công việc này hay không, mà là sẽ bao nhiêu người chết trong quá trình thực hiện”.
Toosey đã đề nghị các tù nhân hợp tác với những người bắt giữ tù binh, nhưng hàng ngày anh liều mạng đứng lên tranh đấu cho việc tăng khẩu phần ăn, đảm bảo giờ làm việc thông thường và một ngày nghỉ hàng tuần. Sự kiên trì của anh đã được đền đáp, mặc dù như anh nói sau này rằng: “Nếu bạn nhận trách nhiệm như tôi đã làm, những đau đớn mà bạn phải chịu đựng sẽ rất lớn”. Anh phải thường xuyên chịu những trận đánh đập và thường phải đứng dưới nắng suốt 12 tiếng đồng hồ. Sự bền bỉ của anh rốt cuộc đã làm cho những người Nhật phải cải thiện các điều kiện dành cho tù binh phe Đồng minh. Và đáng kể là, trong suốt mười tháng thực hiện việc xây dựng những cây cầu, chỉ có chín tù nhân bị chết.
Sau đó, khi giữ vai trò chỉ huy trong bệnh viện của trại tù binh chiến tranh, Toosey đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội của mình, kể cả đi bộ những đoạn đường dài để gặp từng người một trong trại, thậm chí là vào lúc nửa đêm. Anh trao đổi với giới chợ đen để có được thuốc men, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, mặc dù nếu bị phát hiện thì anh sẽ cầm chắc cái chết. Anh cũng không ngần ngại nhận trách nhiệm nghe chương trình phát thanh bất hợp pháp mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị phát hiện bởi những người lính Nhật canh gác trại tù. Và khi chiến tranh kết thúc, việc đầu tiên Toosey quan tâm là tìm lại những người lính trong trung đoàn của mình. Anh đã bôn ba 300 dặm để tập hợp họ lại và để xác định họ vẫn an toàn.
Sau khi trở về nước Anh, Toosey có ba tuần nghỉ phép và rồi trở lại công việc của mình thời trước chiến tranh là làm trong ngân hàng thương mại Barings. Anh chưa bao giờ tìm kiếm vinh quang từ những nỗ lực của mình trong suốt chiến tranh, cũng như không phàn nàn về bộ phim The Bridge on the River Kwai. Chỉ một việc duy nhất trong cuộc sống sau này của anh có liên quan đến chiến tranh đó là anh làm việc cho Far East Prisoners of War Federation (Liên đoàn Tù nhân Chiến tranh vùng Viễn Đông) để giúp đỡ những cựu tù binh. Đây là một hành động tiêu biểu nữa của người đàn ông luôn luôn đặt tinh thần phụng sự lên trên bản thân.
Đi vào chi tiết
Nhà thơ W. H. Auden * từng dí dỏm rằng: “Chúng tôi ở đây, trên Trái đất này, để làm những điều tốt cho những người khác. Còn những người khác ở trên Trái đất này để làm gì thì tôi không biết”. Không tập thể hay đội ngũ nào có thể thành công trừ khi những thành viên của họ đặt lợi ích tập thể lên trên bản thân. Quên mình không phải là điều dễ dàng, nhưng nó luôn cần thiết.
* Wystan Hugh Auden (1907 – 1973) sinh ra và lớn lên ở Anh. Ông bắt đầu sự nghiệp thơ ca ở Anh và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Năm 1939, Auden chuyển sang Mỹ vì lý do cá nhân. Ở đây, ông dạy học và tiếp tục sáng tác thơ, sớm tạo được những ảnh hưởng lớn đến nền văn học nước này.
Là một thành viên, bạn phải làm thế nào để trau dồi thái độ không vị kỷ, luôn nghĩ đến người khác? Hãy bắt đầu bằng những việc sau đây:
1. Rộng lượng
Thánh Francis của thành Assisi đã nói: “Những gì bạn nhận sẽ tách rời bạn khỏi mọi người; những gì bạn cho đi sẽ hợp nhất bạn với mọi người”. Một trái tim không vị kỷ là một trái tim cao thượng. Nó không chỉ giúp hợp nhất mà còn giúp nâng cao vị thế của cả tập thể. Nếu các thành viên đều hào phóng trao đi, thì cả đội đã được an bài đạt đến thành công.
2. Tránh chính trị nội bộ
Một trong những điều tệ hại nhất của tính vị kỷ có thể nhìn thấy được ở những người đang chơi trò chính trị nội bộ. Nghĩa là họ thường ra vẻ hoặc tiếm vị vì chính lợi ích của họ, bất chấp điều đó có thể gây thiệt hại cho những mối quan hệ trong tập thể như thế nào. Còn những thành viên tốt sẽ lo nghĩ cho lợi ích của đồng đội hơn là cho chính họ. Rộng lượng không chỉ giúp ích cho đồng đội, mà còn mang lại lợi ích cho người trao đi. Albert Einstein đã nhận xét: “Người ta thật sự bắt đầu sống khi có thể sống quên mình”.
3. Thể hiện lòng trung thành
Nếu bạn thể hiện lòng trung thành với đồng đội của mình, họ cũng sẽ trung thành với bạn y như vậy. Đó chắc chắn là trường hợp của Đại tá Toosey. Hết lần này đến lần khác, anh đặt bản thân vào thế hiểm nguy vì những người lính của mình, và kết quả là họ cũng đã tích cực làm việc cho anh, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào họ cần phải làm – ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất. Lòng trung thành thúc đẩy sự hòa hợp thành một khối thống nhất, và sự thống nhất làm nên thành công cho cả đội ngũ.
4. Coi trọng sự tương hỗ hơn là sự độc lập
Ở Mỹ, chúng tôi đánh giá cao sự độc lập bởi vì nó thường đi với đổi mới sáng tạo, làm việc chăm chỉ, và sẵn sàng ủng hộ cho cái đúng. Nhưng độc lập quá mức lại là một đặc điểm của tính ích kỷ, đặc biệt nếu nó làm tổn thương hoặc gây cản trở người khác. Triết gia Seneca ** khẳng định: “Không ai có thể sống hạnh phúc khi chỉ biết có riêng mình, chỉ biết biến mọi thứ thành lợi ích riêng cho bản thân. Bạn phải sống vì người khác nếu bạn mong muốn sống cho bản thân”.
** Lucius Annaeus Seneca (4 TCN – 56) là một tên tuổi lớn trong nền triết học La Mã.
Suy ngẫm
Nếu bạn muốn trở thành một thành viên có đóng góp cho thành công của đội, bạn phải đặt lợi ích của cả đội lên trên lợi ích của mình.
Bạn có đồng ý mình là người đứng sau người khác không?
Nếu ai đó được tín nhiệm vì làm tốt công việc, điều đó có làm bạn thấy khó chịu không?
Nếu bạn bị gạt ra khỏi “đội hình chính thức”, bạn có la hét, bĩu môi, hay là vẫn sẽ mạnh mẽ?
Tất cả những điều này là đặc điểm của người không vị kỷ.
Ghi nhớ
Để sống không vị kỷ, hãy…
- Quảng bá cho người khác nhiều hơn bản thân. Nếu bạn có thói quen nói về những thành tựu của mình và luôn tự quảng bá mình với người khác, hãy quyết tâm giữ im lặng về mình và khen ngợi người khác trong vòng hai tuần. Tìm những điểm tích cực để nói về những hành động, phẩm chất của người khác, đặc biệt nói những điều đó với cấp trên, gia đình và bạn bè thân của họ.
- Đóng vai phụ. Khuynh hướng tự nhiên của hầu hết mọi người là chiếm được chỗ tốt nhất và để những người khác tự lo liệu lấy chỗ của họ. Từ hôm nay, bạn hãy rèn luyện tính phục vụ, nhường người khác đi trước, và chấp nhận đóng vai phụ. Hãy làm thử trong một tuần, và xem việc đó tác động đến thái độ sống của bạn như thế nào.
- Bí mật cho đi. Nhà văn Bunyan *** từng xác nhận: “Bạn không thể sống trong thành công hôm nay trừ khi bạn từng làm điều gì đó cho ai mà không cần được đáp trả”. Nếu bạn cho ai đó cái gì mà không cần họ biết đến, họ sẽ không thể đền đáp lại cho bạn. Hãy thử xem. Biến điều đó thành thói quen và duy trì mãi.
*** John Bunyan (1628 – 1688) là nhà văn, nhà truyền giáo người Anh.
Mỗi ngày một câu chuyện
Cứ mỗi mùa thu ở Atlanta, những người hâm mộ ở địa phương lại bắt đầu hào hứng về đội bóng bầu dục Tech của bang Georgia. Ngày nay Tech là một đội bóng chơi khá, nhưng ở thời niên thiếu, đây thật sự là một đội bóng rực lửa. Quay lại thời điểm năm 1916, đội Tech đã thi đấu với đội bóng của trường Đại học Cumberland – một trường luật nhỏ, và các cầu thủ Tech đã “nghiền nát” họ.
Người ta kể rằng gần cuối trận bóng, tiền vệ Ed Edwards của đội trường Cumberland vụng về bắt bóng từ giữa sân, và khi các cầu thủ đội Tech tiến vào khu vực phòng thủ, anh ta hét lên với những đồng đội là hậu vệ ở phía sau: “Bắt lấy bóng! Bắt lấy bóng!”.
Hậu vệ, đã quá mệt vì bị đối phương chia tách tan tác, hét ngược lại với tiền vệ: “Cậu đi mà tự bắt lấy bóng”. Không cần phải nói, Tech đã thắng trận đó. Tỷ số cuối cùng là 222 – 0.