Để cải thiện đội ngũ, hãy cải thiện chính mình
Hoàn hảo là điều bạn luôn phấn đấu đạt đến, song hoàn hảo lại là điều bất khả. Tuy nhiên, phấn đấu cho sự hoàn hảo thì không phải là điều bất khả. Hãy làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Điều đó mới là đáng kể.
- John Wooden
Hãy học như thể bạn sống mãi; và hãy sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai.
- Khuyết danh
Từ những cái cây tới chiếc điện thoại
Nếu bạn sở hữu hoặc có quyền truy cập nhanh vào một chiếc điện thoại di động, hãy đặt cuốn sách này xuống một lát và cầm lấy nó. Khi tôi đang viết những dòng này, tôi cũng ngừng lại để cầm lên chiếc điện thoại của tôi. Bây giờ hãy nhìn vào tên nhà sản xuất trên chiếc máy. Nếu bạn giống như tôi – và giống với một phần ba người trên thế giới đang sở hữu điện thoại di động – thì máy của bạn có hiệu Nokia.
Nokia từng được biết đến là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, nhưng chắc chắn bạn không đoán được rằng công ty này đã được bắt đầu như thế nào. Nó được thành lập hơn một thế kỷ trước bởi Fredrik Idestam. Giữa những năm 1860, khi ngành công nghiệp gỗ bùng nổ ở Phần Lan, Idestam đã xây dựng một nhà máy chế biến bột giấy từ gỗ bên cạnh con sông Emakoski, và bắt đầu sản xuất giấy (Hẳn bạn đã nghĩ rằng Nokia luôn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông).
Trong một vài năm đầu, công ty xoay xở khá chật vật, đặc biệt là ở Phần Lan. Nhưng từ khi Idestam đạt được huy chương đồng về sản phẩm bột giấy tại hội chợ Paris World năm 1867, việc kinh doanh của Nokia bắt đầu cất cánh và nhanh chóng được củng cố vững chắc. Nokia nổi trội không chỉ ở Phần Lan mà còn khai thác và tạo dựng thị trường ở các nước như Đan Mạch, Nga, Đức, Anh và Pháp. Không lâu sau công ty đã có thêm hai nhà máy giấy nữa.
Trong những năm cuối 1890, Nokia tính đến việc đa dạng hóa ngành nghề. Công ty xây dựng nhà máy thủy điện ở gần nhà máy chế biến bột giấy đầu tiên, và nó thu hút được công ty Cao su Phần Lan trở thành khách hàng chính. Sau một vài năm, công ty cao su chuyển hoạt động về gần nhà máy thủy điện của Nokia. Cuối cùng thì hai công ty trở thành đối tác với nhau.
Hai công ty đã hợp tác rất tốt trong và sau Thế chiến thứ nhất. Vào năm 1922, họ mua cổ phần nắm quyền kiểm soát của công ty Dây cáp Phần Lan, và hoạt động kinh doanh lại càng tốt hơn. Họ tiếp tục bán các sản phẩm hiện có từ ngành lâm nghiệp và cao su, nhưng sự phát triển lớn mạnh của công ty trong 40 năm tiếp theo lại là kinh doanh trong ngành dây cáp – những sản phẩm như dây cáp điện, cáp điện thoại, và thiết bị điện thoại. Vào những năm 1960, công ty có bốn lĩnh vực kinh doanh chính: lâm nghiệp, cao su, dây cáp, và thiết bị điện tử.
Trong suốt hai thập kỷ tiếp theo, Nokia phải trải qua một thời kỳ khó khăn. Công ty 100 năm tuổi này đã trở thành một tập đoàn khổng lồ và phải tiêu tốn rất nhiều tiền để vận hành. Những nhà quản lý điều hành Nokia biết rằng công ty cần phải cải thiện tình hình.
Giải pháp cho các vấn đề của Nokia đến từ một nguồn không ngờ tới. Năm 1990, một nhà điều hành trẻ tuổi, người đã làm việc với Nokia được 5 năm, được đề nghị tiếp quản bộ phận điện thoại di động đang hoạt động không hiệu quả để khôi phục lại nó. Tên anh là Jorma Ollila, và kinh nghiệm của anh lại là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Song anh đã rất thành công với nhiệm vụ này, và nhờ đó anh đã trở thành chủ tịch và CEO của Nokia vào năm 1992.
Thử thách kế tiếp của Ollila là vực dậy những phần còn lại của công ty. Chiến lược của anh gồm hai phần. Đầu tiên, anh xác định tập trung mọi nỗ lực vào ngành đang có tiềm năng lớn nhất: công nghệ thông tin. Điều đó có nghĩa là phải loại bỏ những ngành khác, bao gồm những ngành khởi đầu của công ty là cao su và giấy. Thứ hai, Ollila muốn thay thế cây cối bằng con người, nghĩa là công ty nhận ra giá trị của mình nằm ở nguồn lực con người, không phải từ nguồn lực tự nhiên. Điều đó đặc biệt quan trọng với một công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. “Thử thách chính của các công ty công nghệ ngày nay là làm thế nào chúng ta làm mới chính mình”, Ollila nói. “Những vòng đời công nghệ ngày càng ngắn hơn. Chúng ta phải xây dựng dựa trên những gián đoạn của chính chúng ta và biến chúng thành ưu thế của mình”.
Cá nhân Ollila biết giá trị của việc làm mới bản thân. Anh có ba bằng thạc sĩ về khoa học chính trị, kinh tế và kỹ thuật. Anh cũng có những mục tiêu cá nhân về việc tự cải thiện bản thân và đưa nó trở thành mục tiêu của công ty. “Nokia Way” – Đường lối Nokia, được hình thành từ bốn mục tiêu: sự thỏa mãn của khách hàng, sự tôn trọng đối với cá nhân, đạt thành tựu và không ngừng học hỏi.
“Mục tiêu không ngừng học hỏi cho phép mọi nhân viên ở Nokia luôn phát triển bản thân và tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả công việc”, Ollila nói. “Và điều gì đúng đắn đối với từng cá nhân cũng sẽ là điều đúng đắn đối với toàn bộ công ty”. Để cải thiện một đội ngũ – dù là một đội ngũ có hơn 60.000 con người như Nokia – vẫn cần sự cải thiện của từng cá nhân trong đội ngũ đó.
Chiến lược này đã đi đúng hướng. Ollila đã biến Nokia từ một tập đoàn thua lỗ thành một tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu có doanh thu đạt 20 tỷ đô la. Và Nokia tiếp tục là nhà tiên phong đổi mới trong lĩnh vực này. Từ năm 1992, công ty đã đi đầu khai phá 15 thị trường trọng yếu. Nếu chiếc điện thoại di động của bạn có màn hình với màu sắc đặc biệt và logo của hãng, hoặc nó cho phép bạn sử dụng nhạc chuông vui nhộn, hoặc có chức năng trò chuyện bằng tin nhắn, thì bạn nên cám ơn Nokia. Nokia đã đưa những ý tưởng trên vào thị trường; và vẫn đang khai phá những vùng đất mới. Tại sao? Bởi vì những con người ở Nokia vẫn đang tự cải tiến, và nếu họ ngày càng tốt hơn, giỏi hơn thì Nokia cũng vậy.
“Tôi không nghĩ rằng có một công ty nào khác có vị thế tốt hơn chúng tôi trong việc xử lý những biến đổi kế tiếp”, Ollila quả quyết. “Đây là một tổ chức mà, nếu bạn muốn chứng minh bản thân, nếu bạn muốn phát triển bản thân và làm cho bản thân bạn thêm lớn mạnh, chúng tôi sẽ cho bạn bệ đỡ.” *
* Quyển sách này được tác giả xuất bản lần đầu tiên vào năm 2002 với những thông tin thị trường ngành công nghệ viễn thông của giai đoạn đó, không thể hiện cái nhìn với thị trường hiện nay.
Đi vào chi tiết
Chúng ta đang sống trong một xã hội với căn bệnh “phải về đích”. Có rất nhiều người muốn làm đủ để “đến nơi”, và sau đó họ chỉ muốn nghỉ ngơi. Bạn của tôi, Kevin Myers nói về điều này như sau: “Ai cũng đang tìm kiếm một giải pháp nhanh, nhưng cái họ thật sự cần là sự phù hợp. Những người tìm kiếm giải pháp nhanh sẽ không tiếp tục làm điều cần làm nữa một khi áp lực đã được giảm xuống. Những người theo đuổi sự phù hợp thì làm những gì họ nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Đó là cách mà những người tại Nokia đã làm. Họ tìm kiếm sự phù hợp một cách chuyên nghiệp, và vì thế họ luôn tự cải thiện, nâng cao bản thân.
Những người không ngừng cải thiện bản thân sẽ thực hiện ba quá trình sau đây trong mỗi chu kỳ phát triển của cuộc đời họ:
1. Chuẩn bị
Napoleon Hill từng lưu ý: “Không phải là những gì bạn sẽ làm, mà là những gì bạn đang làm mới có giá trị”. Những thành viên luôn tự cải thiện bản thân sẽ nghĩ họ có thể làm tốt hơn như thế nào vào ngày hôm nay chứ không phải trong tương lai xa xôi. Khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, họ tự hỏi bản thân: “ Tôi sẽ học hỏi được điều gì trong ngày hôm nay?”. Và rồi họ cố gắng nắm bắt lấy những khoảnh khắc đó. Cuối ngày, họ sẽ tự khẳng định lần nữa: “ Những gì tôi đã học được hôm nay sẽ cần học nhiều hơn nữa vào ngày mai”. Điều đó đặt họ vào sự phát triển liên tục. Khi những cá nhân luôn luôn chủ đích học hỏi hàng ngày, họ sẽ giải quyết tốt hơn tất cả những thử thách mà họ gặp.
2. Suy ngẫm
Tôi tình cờ đọc được câu nói sau: “Nếu bạn nghiên cứu về cuộc đời của những vĩ nhân có ảnh hưởng đến cả thế giới, bạn sẽ tìm thấy rằng trong hầu hết mọi trường hợp, họ đều dành những khoảng thời gian đáng kể ngồi một mình – suy ngẫm, thiền định và lắng nghe”. Thời gian ngồi một mình là cần thiết để cải thiện bản thân. Nó cho phép bạn có được cái nhìn toàn diện về những thất bại và thành công của mình để rút ra bài học từ chúng. Nó cho bạn thời gian và không gian để mài giũa và làm sâu sắc thêm tầm nhìn của tổ chức và của bản thân. Và nó cũng cho phép bạn lập kế hoạch để làm thế nào cải thiện bản thân trong tương lai. Nếu bạn muốn luôn trở nên tốt hơn, hãy cho bản thân một ít thời gian để tránh xa mọi thứ và sống thật chậm.
3. Áp dụng
Nhạc sĩ Bruce Springsteen đưa ra lời khuyên sáng suốt thế này: “Cơ hội đến khi bạn ngừng chờ đợi mẫu người mà bạn muốn trở thành và bắt đầu sống như mẫu người mà bạn muốn sống”. Nói cách khác, bạn cần áp dụng những gì bạn đã học. Điều này thỉnh thoảng có thể khó khăn bởi vì nó đòi hỏi sự thay đổi. Hầu hết mọi người chỉ thay đổi khi một trong ba điều sau đây xảy ra: bị tổn thương đủ để họ phải thay đổi, học hỏi đủ để họ muốn thay đổi, hoặc nhận được đủ để họ có thể thay đổi. Mục tiêu của bạn phải là không ngừng học hỏi để từ đó có thể thay đổi sao cho tốt hơn mỗi ngày.
Suy ngẫm
Vượt trội hơn người khác thì chưa có gì đáng tự hào, tiến bộ là phải tự vượt lên bản thân mình trước đây.
Bạn có đang phấn đấu cho điều gì không?
Bạn có cố gắng để trở nên tốt hơn so với chính bạn của năm ngoái, tháng trước, tuần trước không?
Bạn có đang tìm cách học hỏi mỗi ngày không?
Hay bạn đang hy vọng đến được nơi mà mình không còn cần phải cải thiện bản thân nữa? (Có thể bạn tin rằng bạn đã đến được nơi đó rồi).
Bạn không thể chờ đợi hoàn cảnh hay người nào khác giúp bạn trở nên tiến bộ. Bạn phải tự chịu trách nhiệm về bản thân. George Knox ** đã đúng khi nói rằng: “Khi bạn không còn trở nên tốt hơn, bạn cũng không còn tốt nữa”.
** George Knox (1765 – 1827) là một chính khách người Ireland.
Ghi nhớ
Để tự cải thiện bản thân, bạn cần…
- Trở thành người ham học hỏi. Sự kiêu hãnh là kẻ thù đáng sợ của sự tự cải thiện. Trong một tháng, bạn hãy đặt mình trong vai trò một người học hỏi bất cứ lúc nào có thể. Thay vì nêu ý kiến của mình trong các cuộc họp, hãy chỉ lắng nghe. Thực hiện một loại kỷ luật mới, dù bạn chưa cảm thấy thích nghi. Hãy đặt câu hỏi bất cứ khi nào bạn không hiểu về một điều gì. Hãy chọn thái độ của một người học hỏi, chứ không phải là một chuyên gia.
- Lập kế hoạch cho sự tiến bộ của bản thân. Xác định bạn sẽ học như thế nào theo hai cấp độ. Thứ nhất, chọn lĩnh vực bạn muốn cải thiện. Dự kiến các cuốn sách bạn sẽ đọc, những hội thảo bạn sẽ tham dự, và những chuyên gia bạn sẽ gặp trong sáu tháng tới. Thứ hai, tìm những khoảnh khắc có thể học hỏi ở bất cứ nơi đâu mỗi ngày để không ngày nào trôi qua mà bạn không trải nghiệm chút tiến bộ nào.
- Xem trọng việc tự cải thiện hơn là tự quảng bá. Vua Solomon của vương quốc Israel cổ đại đã nói: “Kiến thức và sự chỉ dẫn có ý nghĩa nhiều hơn cả bạc vàng. Sự thông thái đáng giá hơn nhiều so với trang sức quý báu hay bất cứ cái gì khác mà bạn hằng khao khát”. Hãy làm cho sự nghiệp sắp tới của bạn tiến lên theo cách cải thiện bản thân ra sao, thay vì làm đầy túi tiền thế nào.
Mỗi ngày một câu chuyện
Trong cuốn The 17 Indisputable Laws of Teamwork, tôi đã viết về người phi công và là nhà thám hiểm Charles Lindbergh. Ngay cả chuyến bay một mình vượt Đại Tây Dương của anh ấy cũng là một sự nỗ lực của cả đội nhóm – tức là sự tài trợ của chín doanh nhân từ thành phố St. Louis và sự giúp đỡ của công ty Hàng không Ryan, đơn vị sản xuất ra chiếc máy bay của anh. Nhưng những điều này không làm giảm đi giá trị những nỗ lực cá nhân của anh. Trong hơn 33 giờ bay, anh đã một mình trải qua một đường bay đáng kinh ngạc dài 3.600 dặm.
Đó không phải là loại công việc mà một người chỉ cần bước ra và làm. Anh ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện được nó. Lindbergh đã làm như thế nào? Một câu chuyện do bạn anh ấy là Frank Samuels kể lại đã cho chúng ta sự thấu suốt về quá trình thực hiện của anh.
Những năm 1920, Lindbergh thường lái những chuyến bay chuyển phát thư ra khỏi thành phố St. Louis. Anh thỉnh thoảng cũng bay tới San Diego để kiểm tra quá trình sản xuất chiếc máy bay của mình, chiếc Spirit of St. Louis. Samuels thỉnh thoảng đi cùng anh, và ở đó hai người cùng trọ trong một khách sạn nhỏ. Một đêm nọ, Samuels thức giấc sau nửa đêm và thấy Lindbergh đang ngồi bên cửa sổ ngước nhìn những vì sao. Đó là sau một ngày làm việc dài, nên Samuels hỏi:
- Tại sao giờ này cậu còn ngồi đây?
- Tớ chỉ đang luyện tập. – Lindbergh trả lời.
- Luyện tập cái gì? – Samuels hỏi.
- Tỉnh táo suốt đêm.
Khi lẽ ra có thể tận hưởng một giấc ngủ ngon sau một ngày làm việc, Lindbergh đã đem hết mọi nỗ lực của mình để cải thiện bản thân. Đó là một khoản đầu tư mà sau này anh đã được đền đáp xứng đáng. Và bạn cũng có thể làm điều tương tự.