Khi bạn hòa thuận, mọi người sẽ đồng hành
Các mối quan hệ giúp cho chúng ta xác định được mình là ai và mình có thể trở thành người như thế nào. Hầu hết chúng ta có thể tìm thấy sự thành công của cá nhân trong các mối quan hệ then chốt.
- Donald O. Clifton & Paula Nelson
Ai coi trọng quan điểm của mình hơn của đồng đội sẽ chỉ thúc đẩy quan điểm của mình và bỏ quên cả đội.
- John C. Maxwell
Kết nối mọi người ở mọi nơi
Vào đầu thập niên 1960, Michael Deaver đã là một chàng trai trẻ có xu hướng chính trị, đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo giỏi để anh tin tưởng đi theo. Và anh đã tìm thấy Ronald Reagan, một chính trị gia trước đó từng là diễn viên. Đến năm 1966, Reagan được bầu làm Thống đốc bang California, và ông đã giữ vị trí này trong hai nhiệm kỳ từ năm 1967 đến năm 1975. Trong suốt thời kỳ đó, Deaver trở thành Phó chánh văn phòng cho Reagan, và cũng là người đã hỗ trợ Reagan trở thành Tổng thống thứ 40 của Mỹ.
Deaver thán phục rất nhiều thứ về người lãnh đạo mà anh được làm việc cùng trong 30 năm. Ronald Reagan có rất nhiều phẩm chất vượt trội: sức thuyết phục của ông và tình yêu đối với đất nước, khả năng thấu hiểu bản thân, kỹ năng truyền đạt, và lòng trung thực. Deaver nói: “Tôi dám nói rằng ông ấy thực sự không có khả năng gian dối”. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất về Ronald Reagan là khả năng liên kết tốt với mọi người.
Deaver nhận xét: “Ronald Reagan là một trong những người đàn ông nhút nhát nhất mà tôi từng gặp”. Vậy mà tổng thống có thể kết giao với mọi người, dù là người đứng đầu một nước, một công nhân lao động, hay một phóng viên báo chí hung hăng. Khi được hỏi tại sao Reagan có quan hệ tốt với giới báo chí, Deaver bình luận: “Ừ thì, cơ bản là Reagan thích mọi người, dù họ thuộc giới báo chí hay chỉ là những người bình thường. Điều đó là cần thiết. Trong khi nhiều tờ báo không đồng ý với các chính sách của Reagan, họ vẫn thành thật yêu mến ông ấy như một con người”.
Một phần kỹ năng giao tiếp của Reagan có được từ sự quyến rũ tự nhiên và từ khả năng sử dụng ngôn ngữ khéo léo ông học được lúc còn là diễn viên ở Hollywood. Nhưng quan trọng hơn là khả năng kết giao với mọi người của ông, điều mà ông đã trau dồi trong thời gian đi khắp đất nước suốt một thập kỷ với tư cách là người phát ngôn của tập đoàn General Electric.
Có thể nói rằng Reagan có thể khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy họ như là bạn thân nhất của ông, thậm chí với người mà ông chưa bao giờ gặp trước đó. Quan trọng hơn nữa, ông tạo được mối liên kết thân mật với những người ở gần ông nhất. Ông thật sự quan tâm đến những người trong đội ngũ của mình. “Chánh văn phòng, người làm vườn, hay một thư ký đều được ông quan tâm đối xử như nhau”, Deaver nhớ lại. “Tất cả họ đều quan trọng như nhau”.
Deaver kể lại một câu chuyện đã được kể nhiều lần về mối quan hệ như hai người đàn ông với nhau giữa anh và Reagan. Năm 1975, lúc còn làm thống đốc bang, Reagan có một bài diễn văn trước một nhóm người thuộc khối bảo thủ ở San Francisco, và ban tổ chức đã tặng ông một món quà nhỏ là một con sư tử bằng đồng. Deaver rất thích con sư tử đồng đó và hết lời khen ngợi vẻ đẹp của nó với thống đốc.
Mười năm sau đó, khi Deaver xin từ chức và mang thư từ chức đến gửi Tổng thống Reagan. Reagan bảo Deaver đến phòng Bầu dục vào buổi sáng hôm sau. Khi Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng bước vào, vị tổng thống đã đứng dậy và bước ra trước bàn làm việc của mình để chào hỏi anh.
“Mike này”, ông nói, “tôi đã nghĩ cả đêm qua về một món quà tặng cho anh, để ghi nhớ khoảng thời gian tuyệt vời mà chúng ta làm việc cùng nhau”. Sau đó, Reagan xoay người lại và lấy một thứ gì đó từ trên bàn làm việc của mình. “Anh dường như rất thích món đồ nhỏ bé này, theo như tôi nhớ”, tổng thống nói và đôi mắt ông ngấn nước. Rồi ông trao con sư tử bằng đồng cho Deaver. Deaver vô cùng xúc động. Anh không thể tin được rằng Reagan vẫn nhớ điều này trong suốt nhiều năm qua. Và con sư tử đó đã được đặt ở một nơi trang trọng trong nhà Deaver suốt từ đó.
Đi vào chi tiết
Mọi đội ngũ đều luôn cần những thành viên có khả năng kết giao. Ai cũng thích được ở quanh Ronald Reagan bởi ông yêu quý mọi người và kết nối được với họ. Ông hiểu rằng mối quan hệ là chất keo kết dính mọi thành viên trong đội lại với nhau – quan hệ càng vững chắc, đội ngũ càng gắn bó.
Làm thế nào để bạn biết được liệu mình có xây dựng được các mối quan hệ bền chắc với các thành viên khác trong đội không. Hãy nhìn vào năm đặc điểm sau đây trong mối quan hệ của bạn.
1. Tôn trọng
Khi nói đến mối quan hệ, mọi thứ đều cần được bắt đầu bằng sự tôn trọng. Tác giả Les Giblin nói về mối quan hệ giữa con người như sau: “Bạn không thể làm cho bạn bè cảm thấy sự hiện diện của bạn là quan trọng nếu trong lòng bạn nghĩ rằng họ chả là gì cả”.
Điều thú vị về sự tôn trọng là bạn nên thể hiện nó ra với người khác, thậm chí trước cả khi họ làm được điều gì minh chứng được sự đáng trọng ấy, đơn giản vì họ là người, và con người thì luôn muốn được tôn trọng. Và đồng thời, bạn nên mong đợi luôn được người khác tôn trọng. Nơi bạn đạt được sự tôn trọng từ mọi người nhanh chóng nhất chính là trong những việc khó nhằn.
2. Chia sẻ
Sự tôn trọng có thể đặt nền móng cho một mối quan hệ tốt, nhưng như thế là chưa đủ. Bạn không thể thân thuộc với những người bạn không hề biết. Điều này đòi hỏi bạn và đồng đội phải cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những trải nghiệm trong mọi lúc. Và việc đó không phải là luôn dễ dàng đạt được. Ví dụ, khi Brian Billich, huấn luyện viên của đội Baltimore Ravens vô địch giải bóng bầu dục Mỹ năm 2001, được hỏi về những cơ hội để một đội ngũ trụ hạng giải vô địch, ông đã nói rằng đây sẽ là điều rất khó. Tại sao, bởi vì sẽ có 25% đến 30% số cầu thủ trong đội được thay đổi mỗi năm. Những cầu thủ mới sẽ không có kinh nghiệm nào để chia sẻ với đội bóng, trong khi đấy là điều hết sức cần thiết để mang lại thành công.
3. Tin tưởng
Khi bạn tôn trọng người khác và dành thời gian chia sẻ mọi trải nghiệm với họ, bạn đang đặt mình vào vị trí có thể phát triển lòng tin. Như tôi có đề cập đến quy luật Nền tảng trong cuốn The 21 Irrefutable Laws of Leadership, tin tưởng là nền tảng cho khả năng lãnh đạo. Đây cũng là điều cốt yếu của tất cả các mối quan hệ tốt đẹp. Nhà thơ người Scotland George Macdonald từng nói: “Được tin tưởng còn hơn cả được yêu”. Không có tin tưởng, bạn không thể duy trì bất cứ mối quan hệ nào.
4. Có qua có lại
Mối quan hệ chỉ từ một phía thì không thể kéo dài. Nếu một người luôn là người cho và người kia luôn nhận, mối quan hệ này cuối cùng cũng sẽ tan rã. Tương tự, điều này cũng đúng với những mối quan hệ trong một đội. Để xây dựng và phát triển mối quan hệ trong nhóm, cần phải có sự cho và nhận để mọi người cùng được nhận và cùng cho đi.
5. Cùng tận hưởng
Khi các mối quan hệ lớn mạnh và bắt đầu trở nên bền vững, mọi người sẽ cùng nhau tận hưởng niềm vui. Chỉ cần được ở cùng nhau cũng có thể biến những công việc không mấy hứng thú trở thành những trải nghiệm tích cực. Ví dụ, tôi không phải là người thích làm những việc lặt vặt hay phải xếp hàng. Nhưng thỉnh thoảng khi vợ tôi, Margaret, có kế hoạch đi ra ngoài để giải quyết những việc cần làm của cô ấy, tôi sẽ chỉ đơn giản là đi cùng bởi vì tôi thích được ở bên cô ấy. Cô ấy là đồng đội số một của tôi, và không một ai trên thế giới này mà tôi muốn dành nhiều thời gian để ở bên cạnh hơn là cô ấy. Cả hai chúng tôi đều được lợi. Cô ấy hoàn tất công việc của mình, còn tôi thì được ở bên cô ấy.
Suy ngẫm
Nói đến khả năng kết giao, bạn thấy mình thế nào?
Bạn có dành nhiều thời gian và nguồn lực để xây dựng những mối quan hệ vững chắc với đồng đội không, hay bạn quá coi trọng kết quả, có khuynh hướng phớt lờ những người khác và chỉ cố đạt được các mục tiêu của đội?
Nếu điều sau đúng với bạn, hãy nghĩ về câu nói sáng suốt sau của George Kienzle và Edward Dare trong tác phẩm Climbing the Executive Ladder: “Có rất ít thứ có thể cho bạn nhiều lợi ích hơn là bỏ ra thời gian và chấp nhận những rắc rối để hiểu người khác. Trong đó hầu như không gì có thể thêm vào cho sự phát triển của bạn như một nhà điều hành và một người bình thường. Cũng không có gì đem lại cho bạn sự toại nguyện hay hạnh phúc hơn cả”. Vì thế, trở thành một người có khả năng kết giao tốt sẽ mang đến thành công cho cá nhân và cho cả đội.
Ghi nhớ
Để kết giao với đồng đội tốt hơn, bạn nên…
- Chú trọng tới người khác thay vì chỉ chú trọng đến bản thân. Bước đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng một mối quan hệ tốt là chú trọng đến người khác hơn là bản thân mình. Hãy nghĩ về đồng đội của bạn. Bạn có thể làm tăng thêm giá trị cho họ như thế nào? Bạn có thể cho họ điều gì mà không vì lợi ích bản thân? Đừng quên rằng đội của bạn không phải hoạt động vì bạn.
- Đặt những câu hỏi thích hợp. Nếu bạn không biết rõ về những hy vọng, những khao khát và những mục tiêu của đồng đội là gì, bạn cần hỏi họ. Điều gì làm cho họ cười? Điều gì khiến họ khóc? Họ ước mơ gì? Bằng cách đặt những câu hỏi thích hợp và lắng nghe những câu trả lời, bạn sẽ biết đồng đội của mình thật sự là ai.
- Chia sẻ những kinh nghiệm chung. Bạn sẽ không bao giờ phát triển được một nền tảng chung với đồng đội trừ khi bạn chia sẻ những kinh nghiệm chung với họ. Thời gian làm việc cùng nhau là chủ yếu, nhưng cũng cần thiết lập thêm thời gian giao thiệp với nhau bên ngoài công việc. Hãy kết nối trong công việc với đồng đội. Hãy làm những điều mang tính cộng đồng. Hãy dành thời gian gần gũi với gia đình. Và tìm nhiều cách để chia sẻ cuộc sống với nhau.
- Làm cho người khác cảm thấy họ đặc biệt. Một trong những điểm mạnh của Ronald Reagan là làm cho mọi người trong đội của ông luôn cảm thấy họ đặc biệt. Bạn có thể làm điều tương tự như vậy bằng cách dành cho người khác toàn bộ sự quan tâm của mình khi làm việc cùng họ, gửi đến họ những lời khen chân thành, và đánh giá cao họ trước những đồng nghiệp khác hay trước các thành viên gia đình họ. Mọi người sẽ kết giao với bạn khi bạn cho họ thấy rằng bạn thật sự quan tâm đến họ.
Mỗi ngày một câu chuyện
Vua Frederick William I của nước Phổ được biết đến như là một người có tính khí khó chịu. Ông say mê quân đội của mình, và dành thời gian cả đời để xây dựng nó. Ông ít có tình yêu với bất cứ thứ gì khác hay bất cứ ai khác, kể cả gia đình mình. Ông luôn tỏ ra khắc nghiệt với con trai mình, người sau này kế vị ngai vàng để trở thành vua Frederick II vĩ đại.
Vua Frederick cha thường đi dạo một mình trên các đường phố Berlin, và dân chúng lẩn tránh ông. Một lần nọ, khi ông đi dạo, một dân thường nhìn thấy ông đi tới và cố chạy trốn nhà vua bằng cách núp vào một cánh cửa.
- Này tên kia, – nhà vua gọi, – ngươi đang đi đâu đấy?
- Tôi đang đi vào nhà, thưa bệ hạ. – Người đàn ông run sợ trả lời.
- Đây là nhà của ngươi à? – Frederick thúc ép.
- Dạ không, thưa bệ hạ.
- Vậy tại sao ngươi đi vào đó? – Nhà vua tiếp tục hỏi gặng.
- Ôi chao, thưa bệ hạ – người đàn ông thú nhận, lo sợ rằng sẽ bị nghĩ là kẻ trộm, – vì tôi muốn tránh ngài.
- Tại sao? – Frederick tiếp tục hỏi.
- Bởi vì tôi sợ ngài, tâu bệ hạ.
Vua Frederick giơ cây gậy của mình lên đe dọa người đàn ông và hét lên:
- Ngươi không được phép sợ ta, đồ cặn bã. Ngươi có bổn phận phải yêu kính nhà vua.
Các thành viên trong đội sẽ ít khi đồng hành với người mà họ không thể chịu nổi khi ở cạnh bên.