Điều tạo nên sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại
Những thành tựu ngoạn mục luôn đạt được nhờ có sự chuẩn bị trước.
- Roger Staubach
Chuẩn bị trước vẫn tốt hơn là phải sửa chữa sau này.
- John C. Maxwell
Người hùng tận tâm
Alvin York được xem là người lính vĩ đại trong Thế chiến thứ nhất. Bởi những hành động của anh trong trận Argonne, mà York, một anh chàng không được học hành ở vùng nông thôn miền núi Tennessee, đã được nhận Huân chương Anh dũng Bội tinh hạng nhì, Huân chương Chiến công và Bắc đẩu Bội tinh do nước Pháp trao tặng, Huân chương Chiến công do nước Ý trao tặng, Huân chương Quân công do Montenegro trao tặng, và Huân chương Danh dự – huân chương cao quý nhất của Mỹ. Tại buổi lễ trao huân chương, viên tư lệnh người Pháp Marshal Ferdinand Foch đã nói với York: “Những gì anh đã làm là điều vĩ đại nhất so với bất cứ một người lính nào trong quân đội châu Âu từng thực hiện”.
Trước chiến tranh, không một ai nghĩ rằng York sẽ trở thành anh hùng, ngay cả York cũng không nghĩ như vậy. Là con thứ ba trong một gia đình có mười ba người con, anh lớn lên tại vùng núi xứ Tennessee. Giống như cha mình, anh làm nông nghiệp, và làm một số công việc của người thợ rèn. Nhưng niềm yêu thích ban sơ của anh là săn bắn. Giống như cha mình, và như hầu hết những người đàn ông ở vùng thôn dã nơi anh lớn lên, anh là một tay súng thiện xạ.
Năm York 24 tuổi, cha anh qua đời, và anh trở thành trụ cột chính trong gia đình. Tuy nhiên, chỉ sau một hay hai năm, York bắt đầu tiêu tốn thời gian vào rượu chè, bài bạc, và đánh nhau. Anh nhanh chóng nổi danh như một kẻ “rỗng túi”. Nhưng đến ngày đầu năm mới 1915, khi đã 27 tuổi, York quyết định phải thay đổi. Anh hứa với mẹ mình rằng sẽ làm lại cuộc đời, và mùa đông năm đó, trong một cuộc họp phục hồi đức tin, York đã trở thành người có đức tin và nguyện dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa.
Trong hai năm tiếp theo, Alvin York đã trở thành một con người khác. Anh bỏ hẳn rượu chè, thuốc lá, không còn chửi thề và đánh nhau. Anh cũng làm việc chăm chỉ để nuôi gia đình. Anh nghiên cứu Kinh Thánh. Rồi anh giúp xây dựng một nhà thờ trong thị trấn của mình, nơi anh trở thành trợ tá chuyên lo việc thờ phụng. Vì thế, khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ vào năm 1917, anh lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh yêu đất nước này, và gia đình anh cũng đã từng chiến đấu cho đất nước trong thời kỳ thuộc địa. Nhưng anh cũng yêu Chúa và muốn phụng sự Người mãi mãi. York viết:
Tôn giáo của tôi và kinh nghiệm sống của tôi mách bảo tôi không nên tham gia chiến tranh, nhưng ký ức tổ tiên lại bảo tôi nên cầm súng và chiến đấu. Thật kinh khủng khi ước muốn của Chúa và của đất nước đối đầu nhau. Tôi muốn trở thành một tín đồ Cơ Đốc giáo, song cũng muốn trở thành một công dân Mỹ tốt.
Thoạt đầu, York đã định từ chối nhập ngũ. Và dù chưa quyết định liệu có ra trận hay không, York vẫn tham dự đợt huấn luyện quân sự cơ bản ở trại Gordon, bang Georgia khi được lệnh. Và ở đó anh đã thể hiện xuất sắc. York có khả năng chỉ huy thiên bẩm, và cuộc đời trước đây đã cho anh một sự chuẩn bị tốt để trở thành một người lính. Anh có thể chất mạnh khỏe, có tính kỷ luật cao, và anh bắn súng trường cực kỳ chính xác ở tầm xa đến 200 mét.
Chỉ có một điều York chưa chuẩn bị trước, đó là trái tim của mình. Anh vẫn không chắc chắn liệu mình có muốn sống một cuộc đời khác hay không. Vì vậy, anh nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Anh thỉnh thị nhiều lần với linh mục của anh. Anh cũng thảo luận tình thế khó xử của anh với đại úy đội trưởng và viên sĩ quan cấp trên. Anh đấu tranh với nó mãi từ ngày 14 tháng 11 (khi anh bước chân vào quân đội) cho đến ngày 30 tháng 4 năm sau (trước khi anh được đưa ra nước ngoài). Và cuối cùng anh đi đến kết luận. Chúa sẽ ban phước lành cho những sứ giả hòa bình, York xác định: “Nếu một người có thể mang đến hòa bình bằng cách chiến đấu, thì anh sẽ là một sứ giả hòa bình”. Kết luận này đã hoàn tất sự chuẩn bị của anh – không chỉ về mặt thể xác và tinh thần, mà còn cả tâm hồn anh.
Mặc dù York đã chiến đấu ở Pháp từ tháng 6, nhưng cho tới ngày 8 tháng 10 năm 1918, những hành động của anh mới thực sự biến anh trở thành người hùng. Trong trận Argonne, khi một nhóm lính Mỹ trong đại đội của anh kẹt cứng dưới hỏa lực súng máy của quân Đức, 17 người, bao gồm York, đã tìm cách băng qua chiến tuyến kẻ thù để đánh lạc hướng. Những người lính nhanh chóng nhận ra họ đang tiến vào một doanh trại nơi có khoảng 20 lính Đức đang gác vũ khí để chuẩn bị bữa ăn. Lính Mỹ nhanh chóng bắt được toán quân Đức này làm tù binh. Nhưng rồi một viên sĩ quan Đức hô mật lệnh, và các họng súng máy từ phòng tuyến phía trước thình lình quay ngược lại nhắm vào họ. Chỉ trong vài giây, trừ 8 người sót lại, tất cả lính Mỹ bao gồm sĩ quan chỉ huy đều chết hoặc bị thương. Điều đó khiến York, người đang là hạ sĩ, lên nắm quyền chỉ huy.
Trong hơn hai thập kỷ, York đã thường xuyên đi săn và thi đấu trong các cuộc thi bắn súng được tổ chức hàng tuần ở quê nhà tại Pall Mall, Tennessee. Sự chuẩn bị đó giúp anh hôm ấy chiến đấu chống trả lại các tay súng máy Đức. Khi quân Đức đứng lên xả đạn vào lính Mỹ, York đã bắn hạ từng tên lính Đức một. Sau một vài loạt bắn, anh đã cố yêu cầu chúng đầu hàng nhưng không thành. Và thế là York đã giết chết 17 tên với 17 phát súng, tiêu diệt hết trọn ổ.
Khi khẩu súng trường của York hết đạn, một toán lính Đức xông lên đâm anh bằng lưỡi lê. York dùng súng lục hạ 8 tên chỉ với 8 phát súng. Sau đó, York và những người lính Mỹ khác bắt các tù binh Đức này, và họ tiếp tục bắt thêm nhiều lính và sĩ quan Đức khác nữa. Lúc trở về trận địa phe Đồng minh, 8 người lính Mỹ đó đã bắt được cả thảy 132 tù binh Đức. Sự chuẩn bị từ những ngày xưa và cái đầu lạnh trước súng đạn của York đã cứu cả đội của anh và giúp làm nên một chiến thắng quan trọng cho phe Đồng minh.
Khi York trở về New York tham gia cuộc diễu binh tuyên dương, danh tiếng và vô số lời đề nghị lợi lộc đã đến với anh. Nhưng mong muốn của York là giúp đỡ những đứa trẻ không được đến trường nơi quê nhà. York viết: “Tôi đại khái nhận ra rằng những thử thách và khổ cực trong chiến tranh đã đặt nền móng cho tôi làm núi công việc này. Tất cả những gì tôi đã chịu đựng khi phải ra trận và phải giết người đã dạy cho tôi giá trị của mạng người. Tất cả những cám dỗ mà tôi đã trải qua chỉ làm cho tính cách của tôi thêm mạnh mẽ”. Năm 1926, anh lập nên Học viện Nông nghiệp York, và học viện này vẫn đang giảng dạy cho các sinh viên cho tới ngày nay.
Đi vào chi tiết
Tiểu thuyết gia người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes từng nói: “Người có sự chuẩn bị xem như đã chiến thắng được một nửa trận đánh”. Điều đó đúng với Alvin York, và nó có thể đúng với bạn nữa. Nếu bạn muốn chuẩn bị cho bản thân mình thật tốt để có thể giúp đội của bạn đối mặt với các thử thách sắp tới, hãy cân nhắc những điều sau:
1. Đánh giá
Sự chuẩn bị bắt đầu từ việc biết mình chuẩn bị cho điều gì. Alvin York đã biết anh ấy phải ra trận, và kết quả là anh ước định được tình trạng sẵn sàng của bản thân. Tương tự, bạn cần xác định được điều mà bạn và đồng đội của mình đang hướng tới. Bạn cần xem xét đánh giá những điều kiện, tình thế có thể xảy ra trên con đường đạt đến điều đó. Và bạn cần xác định cái giá phải trả để tới được đích đến. Nếu bạn không làm điều này, bạn không thể có sự chuẩn bị thích đáng được.
2. Sắp xếp
Tôi thích chơi golf, và môn thể thao này đã dạy tôi một bài học quý giá. Mặc dù bạn biết mình muốn đi đâu, nhưng bạn sẽ không bao giờ tới được đích đến mong muốn nếu bạn không sắp xếp mọi việc đúng hàng thẳng lối. Điều này đúng với sự chuẩn bị cá nhân, cũng như việc chơi golf. Biết cách sắp xếp mọi việc đúng trật tự có thể tạo nên thành công. Không biết cách sắp xếp khiến thành công trở thành điều bất khả – dù bạn đã chuẩn bị kỹ như thế nào. Bạn không thể chỉ làm việc chăm chỉ. Bạn còn phải làm đúng việc.
3. Thái độ
Những người lười biếng thì ít khi chuẩn bị trước. Người siêng năng thường chuẩn bị, nhưng thỉnh thoảng họ va vấp khi gặp thử thách bởi chính thái độ của mình. Để thành công trong mọi nỗ lực, bạn phải rèn luyện để lo liệu về khía cạnh tinh thần. Bạn cũng phải chuẩn bị về mặt thể chất. Và bạn cũng cần có thái độ tích cực đối với bản thân, với đồng đội và với hoàn cảnh của mình. Nếu bạn tin vào bản thân và đồng đội, vậy bạn đã tự an bài cho mình đến với thành công.
4. Hành động
Đến cuối cùng bạn cũng sẽ phải hành động. Có sự chuẩn bị tức là đã sẵn sàng để thực hiện từ bước đầu tiên khi thời cơ đến. Hãy nhớ là lòng dũng cảm không có đồng minh nào lớn hơn ngoài sự chuẩn bị, và nỗi sợ cũng không có kẻ thù nào lớn hơn ngoài sự chuẩn bị.
Suy ngẫm
Bạn có phải là người thích bay bổng không?
Bạn có thử phương pháp ngược là “muốn trở thành một người nào đó và hành động, cư xử giống như bạn đã là họ cho đến khi bạn thật sự trở thành họ” không?
Chuẩn bị chu đáo từng bước là thói quen hàng ngày của bạn?
Nếu bạn liên tục khiến đồng đội của mình thất vọng, thì hẳn bạn đang ở sai vị trí hoặc không đầu tư đủ thời gian và năng lượng để chuẩn bị đối diện với thử thách.
Ghi nhớ
Để nâng cao tinh thần sẵn sàng, bạn cần…
- Trở thành một người suy nghĩ có quy trình. Henry Ford từng nói: “Quan trọng hơn tất thảy mọi thứ, chuẩn bị sẵn sàng là bí mật của thành công”. Sự sẵn sàng đòi hỏi bạn phải suy nghĩ xa hơn về phía trước để ngay từ bây giờ nhận biết được những gì sẽ phải làm về sau. Hãy tạo một hệ thống, hay lên một danh sách cho chính mình để giúp mình thấu suốt trước thời hạn ở bất kỳ quá trình nào, rồi chia nhỏ các nhiệm vụ ra để thực hiện từng bước. Sau đó xác định bạn cần chuẩn bị những gì để hoàn thành mỗi bước.
- Nghiên cứu nhiều hơn. Mỗi người đều ứng dụng một số nghiên cứu nào đó để cải thiện bản thân trong nghề nghiệp của mình. Hãy hiểu rõ hơn các công cụ nghiên cứu trong ngành nghề của bạn và biến mình trở thành một chuyên gia trong việc sử dụng chúng.
- Rút ra bài học từ các sai lầm. Công cụ chuẩn bị quan trọng nhất của một người chính là kinh nghiệm của bản thân người đó. Hãy nghĩ về những sai lầm mà bạn đã mắc phải gần đây khi hoàn thành một dự án hay thực hiện một thử thách nào đó. Viết chúng ra, học từ chúng, và xác định mình có thể làm khác ra sao trong thời gian tới khi bạn gặp phải một tình huống tương tự.
Mỗi ngày một câu chuyện
Năm 1946, nghệ sĩ mù Ray Charles nghe nói ban nhạc của Lucky Millinder sẽ tới thị trấn. Charles xoay xở để thu xếp được một buổi thử giọng, điều này làm anh rất hào hứng. Nếu có thể làm quen được Millinder, nó sẽ là một điều trọng đại với anh.
Khi cơ hội tới, người nghệ sĩ trẻ đó đã chơi piano và hát bằng cả trái tim mình. Vì bị mù, Charles không thể nhìn thấy phản ứng của Millinder đối với phần biểu diễn của anh, nên sau khi hoàn thành màn biểu diễn, Charles kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời. Cuối cùng, anh nghe người quản lý ban nhạc nói: “Chưa đạt, cậu trai trẻ ạ”. Charles trở về phòng và bật khóc.
“Đó là điều tốt đẹp nhất từng xảy đến với tôi”, sau này Charles nhớ lại. “Sau một hồi cảm thấy đau buồn và tiếc cho bản thân, tôi không buồn nữa mà bắt đầu luyện tập thật tốt để không ai có thể nói với tôi như vậy một lần nữa”. Đúng là không có ai nữa. Có câu nói rằng: “Bạn có thể bị bất ngờ một lần; những lần sau là do bạn không chuẩn bị trước”. Sự chuẩn bị sẵn sàng của Charles đã được đền đáp xứng đáng trong hơn nửa thế kỷ sau đó, khi anh đã hát và chơi nhạc với nhiều nghệ sĩ tài năng nhất thế giới. Sự chuẩn bị sẵn sàng có thể không cam kết một chiến thắng, nhưng chắc chắn sẽ đặt bạn vào vị trí xứng đáng.