Thấu cảm nhau để cuộc đời tươi đẹp hơn
(Phỏng vấn Annette Herfkens)
"Trong bất kỳ nghịch cảnh nào, dù có nghiệt ngã đến đâu, mỗi chúng ta nên luôn biết cách sống với thực tại và đừng để những ám ảnh “giá như” giày vò tâm trí. Hãy mở lòng, thấu cảm với những ai cùng cảnh ngộ. Bằng cách đó, chúng ta chẳng những sẽ tự xoa dịu vết thương cho chính mình mà còn góp phần san sẻ nỗi đau của người khác.”
Tác giả cuốn sách này, bà Annette Herfkens, đã nói với người dịch như thế về cách vượt qua nỗi đau mất mát. Sẵn sàng trở lại Việt Nam lần nữa, dường như những gì bà Herfkens muốn chia sẻ còn nhiều hơn cả các thông điệp chuyên chở trong cuốn sách.
Người dịch: Thật trùng hợp khi cuốn sách “Turbulence – A survival story” của bà ra đời chỉ chưa đầy 2 tuần trước tai nạn máy bay MH370. Bà đón nhận tin tức về vụ thảm họa đó như thế nào?
Annette Herfkens: Tâm trí tôi lập tức nghĩ đến số phận của các hành khách và thấu cảm với nỗi đau mất mát của gia đình họ. Tôi hiểu được những cú sốc kinh khủng mà gia đình tôi và gia đình chồng sắp cưới của mình đã phải gánh chịu khi mọi người mất liên lạc hoàn toàn với chúng tôi.
Người dịch: Nếu có cơ hội gặp người thân của các nạn nhân MH370, bà sẽ nói gì với họ?
Annette Herfkens: Tôi sẽ khuyên họ hãy đón nhận nỗi đau mất mát và ở yên với nó. Đừng để tâm trí bị giày vò bởi những câu hỏi như: “Có khả năng khác xảy ra không?, “Nếu vậy thì sao?”, “Giá mà”. Hãy đón nhận thực tại và ở trong đó. Thực tại của ở đây và bây giờ. Hãy chấp nhận sự thật là họ đã phải mất người thân.
Thay vì tìm cách đổ lỗi, hãy cố tìm nguồn an ủi – có lẽ là qua sợi dây kết nối với người thân của các nạn nhân khác. Hãy để nỗi đau gắn kết mọi người với nhau. Mở lòng ra, đừng khép kín với nhau.
Hãy để những gì đã diễn ra hòa nhập tự nhiên vào nhịp sống hàng ngày của mình, miễn là đừng để chúng chế ngự. Cứ đón nhận cuộc đời với muôn mặt của nó.
Người dịch: Tâm trạng bà như thế nào khi sắp trở lại Việt Nam lần nữa, với tư cách là tác giả của cuốn sách?
Annette Herfkens: Rất hào hứng và hạnh phúc. Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với Việt Nam, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay của mình. Tôi nghe nói một số gia đình đang dự tính tổ chức một lễ tưởng niệm.
Người dịch: Trong cuốn sách, bà đã chỉ ra một số điểm liên quan đến công tác cứu hộ hồi vụ tai nạn năm 1992 mà bà cho là Việt Nam có thể làm tốt hơn. Đó là những gì, thưa bà?
Annette Herfkens: Phải nói ngay là những người cứu hộ tôi đã làm rất tốt nhiệm vụ; trong khi bệnh viện điều trị tôi cũng đã làm tất cả những gì có thể. Phần khó khăn nhất cho gia đình tôi chính là có rất ít liên lạc với cấp có thẩm quyền và sự thiếu hụt thông tin về vụ tai nạn và số phận các hành khách, trong đó có tôi. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong cuốn sách, đây là những điều hoàn toàn có thể giải thích được nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam năm 1992 – vẫn còn đang trong giai đoạn đổi mới và vẫn còn bị Mỹ cấm vận.
Người dịch: Dư luận đón nhận cuốn sách của bà như thế nào? Và điều đó có ảnh hưởng ra sao đối với cuộc sống riêng của bà?
Annette Herfkens: Mọi người đón nhận nó rất nồng nhiệt. Tôi ngạc nhiên vì số lượng lẫn tính đa dạng của những người đã tìm thấy mình trong câu chuyện của chính tôi. Tôi thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng. Nhờ cuốn sách, tôi có thể kết nối với độc giả khắp nơi trên thế giới về những vấn đề hệ trọng mang tính cột mốc trong cuộc đời mình. Gia đình tôi thấy cảm kích và tự hào vì tôi đã sống để kể lại câu chuyện đời mình.
Người dịch: Đã hơn 20 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, điều gì bà luôn ấp ủ và muốn chia sẻ với mọi người?
Annette Herfkens: Tôi thực sự tin là mỗi chúng ta đều có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, nếu ai cũng luôn cố gắng thấu cảm người khác bằng cách luôn đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ, thật tự nhiên và không e dè.
Người dịch: Xin cảm ơn bà!