CHUYẾN BAY KINH HOÀNG Việt Nam - 1992
-Dậy thôi, em yêu! Năm giờ sáng rồi, phải đi thôi! Nửa tiếng nữa là tài xế của anh sẽ đến đón.
Năm giờ sáng? Tài xế? Tài xế nào? Pasje đang nói gì vậy nhỉ? À, thì ra là cái gã tài xế cứ tò tò theo Pasje như thanh tra!
Tôi thức dậy, quờ quạng và loạng choạng, quan sát xung quanh, và nhìn thấy Pasje đứng ở cuối giường. Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam để thăm Pasje – cách tôi gọi Willem, bạn trai mình từ 13 năm nay. Pasje đến Việt Nam cách đây sáu tháng để thành lập hai chi nhánh của Ngân hàng ING. Ông Hùng(*), tài xế, đón tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất tối qua và chở chúng tôi đến khách sạn. Pasje gọi ông Hùng là “ông tháo vát”.
* Trong nguyên bản, tác giả viết tên nhân vật tài xế không có dấu. Vì không có điều kiện kiểm chứng, chúng tôi xin tạm gọi nhân vật này là ông Hùng.
Pasje đưa tôi tách cà phê với nụ cười ái ngại. Anh biết tỏng là tôi ghét dậy sớm như thế nào. Đó là chưa kể chuyện bị lệch múi giờ. Năm giờ sáng? Nghĩ sao vậy chứ? Tôi nhìn Pasje trong chiếc áo choàng tắm do mẹ anh thêu. Khi Pasje quay lại, đập vào mắt tôi là mấy chữ Breda, Leiden, Santiago - những thành phố anh đã đi qua - trên lưng áo. Chưa thấy có “Thành phố Hồ Chí Minh”. Chắc là sau này đến đây thăm Pasje, mẹ anh sẽ thêu tay thêm vào dòng chữ đó. Nhưng tặng Pasje cái áo này thì quả là đúng điệu. Tôi thấy một phần phong cách của Pasje ở chiếc áo ấy. Tôi yêu cái rề rà toát ra từ chiếc áo. Yêu cả cái cách Pasje chậm chạp chuẩn bị cho ngày mới, cách anh ấy pha cà phê - một tách cho tôi trên giường, một cho anh trên bàn. Pasje muốn đến sân bay đúng giờ. Anh ấy muốn chuẩn bị mọi thứ thật thong thả và kỹ lưỡng. Trong khi đó, tôi thì lại thích nhanh và cẩu thả một chút cũng không sao. Nhất là nhờ vậy mà mình có thêm nửa tiếng để mua sắm hoặc ngủ thêm một chút. Nhưng tôi yêu Pasje. Và yêu cả tách cà phê anh ấy pha.
Tôi dành thời gian nhấm nháp cà phê, và do vậy phải mất tám phút để tắm và mặc quần áo. Pasje cố gắng giấu cảm giác bực bội và cả sự nôn nao thường thấy của anh mỗi khi đi đâu xa. Khi hai chúng tôi rời khỏi phòng đúng giờ, Pasje dịu dàng hôn tôi. “Em giỏi lắm”, Pasje nói với tôi.
Khi chúng tôi đến sảnh khách sạn, ông Hùng đã có mặt ở đó, đúng giờ và kiên nhẫn. Ông ta cười với chúng tôi, một nụ cười lấy lòng. Tại sao tôi không ưa ông này được nhỉ? Pasje vỗ vai ông Hùng thân mật. Thật lạ khi thấy Pasje rất thoải mái trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với tôi. Trông Pasje cứ như đang ở nhà, và chuyện tôi có mặt ở Việt Nam hình như không liên quan gì đến sự thoải mái của anh. Nó làm tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi đang ghen chăng?
Bên ngoài trời vẫn còn tối, giống như lúc tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc này giao thông thưa thớt hơn tối qua, nhưng vẫn có nhiều người trên đường hơn cả giờ cao điểm ở Amsterdam.
Khi ông Hùng thả chúng tôi xuống sân bay, Pasje giao cho ông rất nhiều việc phải làm khi anh đi vắng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên đường, từ một sân bay kiểu thập niên 60. Như mọi khi, Pasje lo phần thủ tục đăng ký, sau khi để tôi ngồi chờ ở một quầy ăn nhỏ. Tôi nhìn xung quanh, cảm thấy dễ chịu khi nghĩ đến việc tôi và Pasje sắp khởi hành. Chúng tôi đi rất nhiều và đã quen như vậy từ lâu. Người đàn ông bàn kế bên đang xì xụp húp một tô cỡ lớn, phong cách không khác gì với những thương lái người Hoa tôi bắt gặp ở New York mỗi khi ăn sáng ở khu phố Tàu.
Pasje trở ra với cặp vé lên máy bay trong tay. Anh nói với tôi: “Chúng ta phải đi bộ ra sân bay thôi, không có xe trung chuyển đâu”. Tôi đi theo Pasje xuống cầu thang, ra đường bay. Chúng tôi đi ngang qua vài chiếc chiến đấu cơ, nằm trong thế có vẻ như lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Khi chúng tôi dừng trước cửa máy bay, tim tôi như ngừng đập. Không thể tin được là nó lại nhỏ như vậy.
- Em không vào đâu! - Tôi kêu lên với Pasje, thảng thốt. - Không thể nào em vào được. Anh biết mà!
Trái lại, Pasje rõ ràng là đã tiên liệu được phản ứng của tôi:
- Anh biết rồi. Nhưng anh biết là em làm được mà. Đây là cách duy nhất để đi tới đó.
- Anh nói vậy là sao, cách duy nhất à? Tại sao không đi xe?
- Rừng còn dày đặc và đường sá thì xấu lắm. Đi tới đó phải mất vài ngày. Đi bằng xe thì lúc đến được đó mình phải quay về ngay. Nghe anh đi mà!
“Thôi để em cố”, tôi trả lời. Buộc mình leo từng bước lên cửa sau máy bay, tôi bước vào. Suýt chút nữa là đầu tôi đã đụng trần máy bay. Tôi quay đầu lại ngay lập tức. “Cho em ra khỏi đây”, tôi nói như van nài với Pasje. Anh bước tới chặn tôi lại. Tôi thực sự hoảng sợ và đấm thùi thụi vào ngực Pasje bằng cả hai tay. “Anh nghe em, em không đi được đâu!”, tôi nói. Pasje siết chặt tay tôi và buộc tôi nhìn thẳng vào mắt anh: “Em làm được, anh biết em làm được. Chỉ cần một chút thôi, 20 phút thôi. Cho anh, cho cả chúng ta”.
Sợ chết khiếp nhưng tôi buộc mình phải quay trở lại máy bay. Không ngờ nó lại nhỏ như vậy. Tim đập thình thịch như muốn văng ra khỏi ngực, tôi rón rén theo Pasje đến ngồi ở hàng ghế thứ ba. Có 15 hàng cả thảy. Tôi ngồi cạnh lối đi. Trong máy bay chật đến nỗi nếu muốn, tôi có thể chạm vào hành khách người Trung Quốc cũng ngồi dọc lối đi bên cạnh. Tôi có thể đụng trần máy bay mà không cần duỗi thẳng tay. Đầu gối tôi thì đã chạm vào hàng ghế màu xanh phía trước. Pasje thắt dây an toàn, giống như cách ngồi trên xe hơi. Tôi không thèm làm. Ngột ngạt nhiêu đó đủ rồi. Cô tiếp viên, một cô gái người Việt nhỏ nhắn xinh xắn, làm lơ hành động đó của tôi và tiếp tục thị phạm các động tác ứng cứu khẩn cấp quen thuộc. Tôi cố gắng tập trung, nhưng không tài nào thoát khỏi những suy nghĩ về âm mưu “đào tẩu” khỏi máy bay. Tôi cố gắng nghĩ đến chuyện khác để đầu mình thoát khỏi “âm mưu” đó. Nghĩ về bất cứ cái gì, kể cả bài thơ duy nhất tôi thuộc mà trước đây, cô giáo người Đức của tôi hay dùng đến để phạt học trò. Cuối cùng thì máy bay cũng chuẩn bị cất cánh. Ít ra là chúng tôi cũng đang chuyển động.
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ Rolex 1940 trên tay Pasje mà năm ngoái tôi đã mua tặng anh ở Washington DC. Khi đó, tôi 30 tuổi và Pasje cầu hôn tôi, kèm thời hạn suy nghĩ. Tôi thấy nhẹ
nhõm phần nào khi Pasje cười và lơ đi chuyện tôi hơi vung tay quá trán cho chiếc đồng hồ. Tôi biết Pasje thích nó thế nào qua ánh nhìn
của anh lúc ở cử hàng.
Pasje và chiếc đồng hồ Rolex 1940, Washington DC, tháng 4/1989
Tôi cố hướng suy nghĩ về chuyến đi Mỹ năm ngoái. Chúng tôi đến New York để dự một đám cưới. Pasje bay từ Chile, nơi anh làm việc lúc đó; còn tôi đến từ Madrid. Cha mẹ tôi cũng đến đó, chưa kể bà chị đang sống ở DC. Chính chị tôi bày ra chuyện cầu hôn và hạn chót để trả lời. Vốn không có con, chị tôi rất thèm có cháu. Sau khi Pasje cầu hôn, tôi lo lắng đến rạc người: giảm gần 5 kg, cố gắng nghĩ đến câu trả lời: “Em đồng ý, ngay bây giờ!”. Nhưng quả thực là hoàn cảnh lúc đó chưa khả dĩ lắm. Chúng tôi còn phải có sự nghiệp và bảo đảm tài chính để có thể kết hôn và an cư lạc nghiệp ở cùng một nơi.
Thời gian cứ rờn rợn trôi qua. Hai mươi phút rồi, chưa có dấu hiệu gì cho thấy máy bay sắp hạ cánh.
- Sao chưa hạ cánh? - Tôi hỏi cô tiếp viên.
- Bởi vì thời gian bay là 55 phút, thưa cô. - Cô tiếp viên trả lời với nụ cười thường trực. Tôi quay sang Pasje, và anh đang cố tình lảng tránh ánh nhìn của tôi.
- Anh biết đó là cách duy nhất để em chịu lên máy bay. - Pasje nói, giọng thành khẩn và hối lỗi. Tôi muốn đứng bật dậy nhưng nhận ra làm vậy chỉ tổ bị đụng đầu. Không còn chỗ nào để mà đi, ngoài cái toilet thậm chí còn bé hơn chỗ ngồi này. Tôi nhìn đồng hồ. Tim lại đập thình thịch tới tận mang tai. Pasje xoa cánh tay tôi, nhưng tôi gạt phắt ra.
- Sao anh làm vậy với em? - Tôi nói qua kẽ răng. - Anh gạt em! Nói xong tôi chỉ còn biết tập trung vào chiếc đồng hồ. Và tiếng động cơ gầm gừ.
49 phút rồi. Còn 6 phút nữa. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Bỗng thình lình có sự chấn động mạnh và chúng tôi như bị hút xuống. Hút xuống rất nhanh. Giờ thì Pasje đã chịu nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Anh không thích như thế này chút nào. - Pasje nói đầy căng thẳng.
- Dĩ nhiên rồi, cái thứ đồ chơi nhỏ xíu như thế này thì khi rơi phải như vậy chứ. - Tôi trả lời. Rồi tôi nhẹ nhàng trấn an, khi nhìn thấy ánh sợ rất rõ trong mắt Pasje. - Chỉ là do đi vào vùng nhiễu động thôi, anh đừng lo!
Máy bay lại va chạm mạnh vào một cái gì đó thêm lần nữa và rơi nhanh hơn. Nhiều người hét lên. Pasje bấu lấy tay tôi. Tôi cũng nắm chặt tay anh.
Bóng đen bao trùm.
YAK - CHIẾC MÁY BAY ĐỊNH MỆNH
Chiếc Yak, viết đầy đủ là Yakovlev 40, là máy bay chở khách tầm ngắn, nhỏ, ba động cơ, được hãng hàng không Nga Aeroflot đưa vào sử dụng từ tháng 9/1968. Yak 40 tương đương với chiếc Boeing 727, có tốc độ bay ở độ cao bình thường là 341 dặm (550 km) một giờ.
Chuyến bay mang số hiệu VN474 chở 24 hành khách, 3 tiếp viên, 2 phi công và 1 kỹ sư. Trong lúc đang hạ cánh xuống thành phố biển Nha Trang, vì một lý do nào đó máy bay bị lệch khỏi quỹ đạo bay được ấn định. Cụ thể là máy bay hạ cánh dốc hơn phi hành đoàn dự liệu. Phi công được cho là đã tính toán sai khoảng cách tới bờ biển khi ước chừng nó chỉ khoảng 20 km, trong khi thực ra phải là 43 km. Theo hồ sơ do Vietnam Airlines cung cấp, thời tiết buổi sáng ngày 14/11/1992 thay đổi đột ngột, tạo ra nhiễu động dữ dội. Phi hành đoàn rất khó khăn để điều khiển chiếc máy bay.
VN474 đang bay ở tốc độ 300 dặm một giờ thì đâm vào đỉnh núi. Tuy nhiên, nó có thể cầm cự được cú va đập này vì chỉ bị gãy một cánh và bay tiếp được. Thế nhưng, một chiếc máy bay mất một cánh thì có khác gì hỏa tiễn (trong trường hợp này tôi tạm gọi đó là bán hỏa tiễn). Do vậy, khi VN474 đâm vào ngọn núi tiếp theo, hậu quả thậm chí còn thảm khốc hơn.
Chỗ tôi đang ngồi – ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay – được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách, với tỉ lệ sống sót thấp nhất. Nhưn chỗ ngồi trong trường hợp của tôi hóa ra lại không quan trọng. Vì mọi người đều thắt dây an toàn, còn tôi thì lại không. Dây an toàn được thiết kế chịu được lực tác động khoảng 3.000 pounds (1.360 kg). Chuyên gia cho là con người có thể chịu được lực tác động như vậy và sống sót nếu họ nai nịt chặt chẽ. Các hành khách khác thì đúng là như vậy, chỉ trừ tôi. Tôi bay ngay trong khoang máy bay.
Pasje tử nạn vì xương sườn của anh đâm sâu vào trong phổi, trong khi tôi bật ra khỏi ghế của mình. Tôi ngã nháo nhào ngay trong khoang hành khách, như bộ quần áo lẻ loi bị bỏ trong máy sấy. Đầu, mình, tứ chi tôi hết chạm vào trần máy bay lại va vào ngăn đựng hành lý và ghế. Cuối cùng tôi rơi xuống và trượt dưới ghế ngồi, chân xuống trước, rồi mắc kẹt ở đó. Có lẽ tôi đã ở đó vào đúng thời khắc khủng khiếp hơn xảy ra - máy bay bị vỡ ra làm ba: buồng lái, cái cánh còn lại, và thân máy bay.
Chúng tôi còn cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.
TUỔI TRẺ TƯƠI ĐẸP
The Hague, Leiden - 1979
“Cứ như thể là bạn sinh ra là để hưởng may mắn”, mới đây anh bạn học cũ đã nói với tôi như vậy. Rồi anh tiếp, “Tôi biết bạn phải chịu cái tai nạn khủng khiếp đó, nhưng nếu hỏi tôi có nghĩ bạn sẽ tiêu tùng không, tôi sẽ trả lời ngay là không. Ngược lại thì có. Mọi thứ đối với bạn hình như chỉ xoay quanh chu kỳ hạnh phúc-may mắn. Bạn lúc nào cũng hớn hở. Có anh trai nên lúc nào bạn cũng thoải mái xung quanh những chàng lớn tuổi hơn. Bạn giỏi và làm cái gì cũng thành công: điểm số, thể thao, âm nhạc, thậm chí hội họa nữa. Chơi trong nhóm thì bạn là thủ lĩnh; nhưng qua nhóm khác chơi thì cũng hòa nhập dễ dàng. Còn gì để nói nữa?”.
Tôi may mắn, và gì nữa? May mắn và đặc quyền. Tôi lớn lên tại một khu dân cư xanh tươi và xinh đẹp, trong một đại gia đình. Anh chị em tôi được bảo bọc, nhưng cũng có nhiều tự do theo tiêu chuẩn của người Hà Lan. Với chiếc xe đạp, tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, miễn là trước đó có báo với ba mẹ. Đi học về tôi có thể chạy nhảy rong chơi tại một trong những công viên cổ đẹp nhất khu vực, hoặc đạp xe tới câu lạc bộ quần vợt và chơi nhiều môn khác nhau. Ở tuổi mới lớn, tôi cũng từng tham gia câu lạc bộ thể thao và chơi hockey hoặc tennis.
Thời thiếu nữ, tôi thường cùng với nhóm bạn đến những quán cà phê nhỏ ở trung tâm phố cổ, hoặc hát hò trong những quán bar thiết kế theo kiểu thập niên 1920. Tôi cũng có uống rượu, nhưng chỉ chút ít. Tốt nghiệp trung học, tôi học luật ở Đại học Leiden, đại học lâu đời nhất ở Hà Lan. Định hình những tháng ngày đại học của tôi không phải là những gì liên quan đến sách vở, mà chính là hội sinh viên Leiden, cũng là hội sinh viên đầu tiên ở Hà Lan. Với những sinh hoạt phong phú chỉ dành riêng cho hội viên, trụ sở của hội này tọa lạc trong một tòa nhà rộng lớn với đầy đủ thư viện, quán bar, nhà hàng, và sàn nhảy nữa. Đối với nhiều sinh viên, trở thành hội viên đã trở thành một lựa chọn tất yếu, và truyền thống này đã duy trì qua nhiều thế hệ sinh viên khác nhau. Ai cũng có cơ may vào hội, nhưng chỉ một số được vào, do dựa trên tính chất tự sàng lọc hơn là bị từ chối tư cách tham gia.
Cuộc sống về đêm xoay quanh các hộp đêm. Bạn đến đó lúc 5 giờ chiều và rời khỏi nó 12 tiếng sau đó. Khi đã vào hộp đêm, mọi người luôn trò chuyện rôm rả: từ những câu chuyện phiếm hời hợt mà người nói cố tình chơi khăm nhau cho đến chuyện trò nghiêm túc, thường là với người khác giới. Đối với tôi, chỉ có trò chuyện, tuyệt nhiên không có chuyện tình dục. Vào thời ấy, quan hệ tình dục kiểu đó chỉ làm hư hình ảnh người con gái.
Các cô gái “nổi bật” thời đó sống cùng nhau ở những căn nhà chỉ dành cho nữ sinh, và các chàng trai “nổi bật” cũng sống trong những căn nhà dành riêng cho họ ở trung tâm, dọc theo những con kênh hữu tình ở Leiden. Thời đó nam nữ sinh viên mà ở chung một căn là bị soi mói rất nhiều. Chỉ có một căn nhà dạng này hầu như được chấp nhận: là căn hộ mà tôi ở. Và đó cũng là nơi Willem van der Pas - mà mọi người vẫn gọi thân mật là Pasje - trọ học.
TỈNH DẬY GIỮA NHỮNG XÁC NGƯỜI
Tôi giật mình tỉnh dậy giữa những âm thanh lạ lẫm của khu rừng. Cây rừng hiện lên trong mắt tôi qua những khoảng trống khổng lồ trước thân máy bay. Buồng lái tan nát. Mọi thứ bất động rợn người nhưng ồn ào kỳ lạ.
Tôi vẫn còn trong máy bay, kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gắng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực. Từ dưới thân ghế tôi duỗi chân ra, tưởng chừng như đang xé toạc chúng. Khi đó, tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi.
Chắc hẳn phải có chấn động gì lớn lắm bởi vì bất thình lình tôi lọt ra khỏi khoang máy bay và ngồi lọt thỏm giữa khu rừng, trên muôn vàn cành cây nhỏ. Tôi không nhúc nhích được, đau đớn khắp người. Tôi nhìn xuống cặp chân trần. Chiếc váy đắp không còn nữa. Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Nhìn mọi thứ lúc này cứ như đang lật một trang sách giáo khoa sinh học. Tôi giật giật cử động và ngay lập tức thấy đau thấu xương ở hông. Tôi cố ngồi dậy nhưng cơn đau ở ngực ngăn lại. Hơi thở thì thật nhẹ và nông. Mọi suy nghĩ tuôn ra cùng một lúc và chỉ xoay vần quanh những câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đang ở đâu thế này?
Tôi nhìn quanh. Mình đang ngồi trên dốc núi, dưới nhiều bụi cây thấp ken dày. Mảnh vỡ máy bay vương vãi khắp nơi. Máy bay gãy cánh. Buồng lái nát bét. Một thực tế kỳ dị và hư ảo. Mọi thứ đều hóa xanh. Và những âm thanh kia nữa! Càng lắng tai nghe, dường như những âm thanh ấy càng chói tai hơn.
Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm 3 mét bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết. Cao hơn một chút là thi thể bất động của một người đàn ông. Bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó – một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi:
- Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!
Người đàn ông nói, cách phát âm âm “r” của ông ta cứ như âm “l”, y hệt đồng nghiệp người Nhật Numachi của tôi. Cũng bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi với độc nhất chiếc quần lót. Tôi ngượng ngùng nhìn xuống chân, nhìn xương mình phơi lồ lộ qua từng thớ thịt. Người đàn ông Việt Nam mở chiếc va-li ông đang bấu chặt lấy như chính mạng sống của mình, lấy ra chiếc quần dài đưa cho tôi. Nó làm bằng vải polyester, tôi không cưỡng được ý nghĩ này, nhưng cũng không quên cám ơn ông rối rít. Tuy nhiên khi kéo quần tới hông, tôi chợt nhận ra có một cái gì cực kỳ không ổn đang diễn ra. Một cơn đau khủng khiếp khiến tôi ngừng thở. Xương mông tôi như bị nghiến lại. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ tư cách trước mặt người lạ, dù là trong hoàn cảnh này. Cắn chặt răng, tôi chậm rãi trong vật vã kéo chiếc quần qua khỏi hông, nhanh chóng kéo khóa quần lại và một lần nữa, cám ơn người đàn ông kia. Ông ấy mỉm cười: “Tôi là người quan trọng nên thể nào họ cũng đến cứu tôi”, ông nói.
“Phải rồi!”, tôi trả lời. Và thực lòng mong như vậy. Quả thực tôi cũng thấy an lòng từ những lời trấn an, và từ chính sự hiện diện của người đàn ông này. Sau đó, mạnh ai người ấy thu mình vào vết thương của mình. Một vài tiếng sau đó chúng tôi có nói chuyện vài lần, và đều do tôi bắt chuyện. Nhưng khi nào đội cứu hộ mới tới? Tôi thấy rất rõ là người đàn ông bên cạnh đang yếu dần đi.
- Đừng chết, đừng chết mà! - Tôi nói như van với ông ta. - Tìm một chút nước đi!
- Tôi có nước rồi. - Ông trả lời, nhưng hết sức thều thào. “À, vậy thì tốt”, tôi nghĩ. Miệng tôi khô đắng, và tệ hơn,
vừa hôi vừa nhớp nháp.
- Cho tôi xin miếng nước nhé? - Tôi hỏi.
Người đàn ông nhắm mắt, và cái chết dường như đang đến mỗi lúc một rõ ràng hơn với ông. Tôi khẩn thiết van nài:
- Đừng chết và đừng bỏ tôi, làm ơn đi mà!
Tôi hầu như thét lên. Nhưng hơi thở của ông mỗi lúc mỗi nhọc nhằn. Tôi cảm nhận rất rõ sự sống đang dần lìa khỏi ông. Ông trút hơi thở cuối cùng. Và ra đi. Cô gái người Việt bên cạnh tôi, trước đó ít phút còn rên rỉ thảm thiết, bây giờ cũng im bặt. Xung quanh im lặng đến tê dại. Mọi thứ bất động đến rợn người.
Không còn ai sống sót.
PASJE - TÌNH YÊU CỦA TÔI
Leiden - 1979
Pasje cũng học chuyên ngành luật ở Đại học Leiden và chúng tôi được kết nạp vào câu lạc bộ sinh viên cùng năm.
Anh là bạn với nhóm “thanh niên nghiêm túc” nhất trong trường. Nhưng Pasje vẫn khác. Không chỉ lớn tuổi hơn, anh còn là một người đàn ông thực thụ. Đàn ông từ cách hành xử cho tới vẻ bề ngoài. Vai rộng, dáng chắc nịch, tóc xoăn màu nâu, gương mặt đàn ông nhưng không kém thân thiện. Đó là chưa kể anh có cặp mắt nâu, râu quai nón, và cả lông ngực nữa. Vì vậy anh rất khác với hầu hết thanh niên Hà Lan khác, vốn thường cao, gầy, mắt xanh và ít lông. Điều quan trọng không kém là Pasje luôn có chính kiến của riêng mình, chứ không suy nghĩ bằng cái đầu của cha anh ấy. Anh rất khác biệt, hiểu biết nhiều, lại có quan điểm rõ ràng về tôn giáo, chính trị và tình hình thế giới. Pasje tự nhận mình là người luôn có suy nghĩ độc lập – hoặc một tên vô chính phủ như cách anh tự trào lúc say rượu. Và đương nhiên, anh bất chấp mọi nguyên tắc. Tuy vậy, vẻ ấm áp và sự khoan dung toát ra từ con người anh khiến cho Pasje rất được lòng mọi người.
Đầu tiên tôi chỉ nhắm tới Pasje như một ứng viên khả dĩ để ở chung nhà. Như đã nói, để có thể ở ghép, yêu cầu quan trọng là phải tìm được vài người trong nhóm “thanh niên nghiêm túc” học cùng khóa. Và Pasje trông có vẻ đáng tin để đáp ứng yêu cầu trên. Tôi chủ động tiếp xúc với Pasje trong một đêm ở sàn nhảy. Anh tán tỉnh, nhưng tôi lờ đi. Tôi đưa ra lời đề nghị nghiêm túc, nhấn mạnh căn nhà chúng tôi đang ở nằm tại vị trí đắc địa trên kênh Rapenburg, ở ngay trung tâm của mọi hoạt động xã hội và hàn lâm. Một tháng sau, Pasje dọn tới ở, cùng một người bạn.
Giọng nói của Pasje hơi mang hơi hướm người miền Nam. Tôi phải cố vượt qua thành kiến của một người miền Bắc để đừng để ý tới chuyện đó. Và nhờ vậy, chúng tôi trở thành bạn thân. Bạn đúng nghĩa. Học chung, đi chợ, nấu ăn, xem tivi. Về đêm, chúng tôi cùng đi đến hội sinh viên và tại đó, chúng tôi mỗi người thể hiện một cách sống riêng. Pasje nói anh chỉ thích chơi với bậc đàn anh. Và quả đúng như vậy. Tôi biết nhiều anh lớn tuổi hơn vì họ là bạn anh mình. Tôi cũng để ý một người trong số đó. Cứ sau mỗi đêm đi chơi về là ngày hôm sau tôi lại trò chuyện với Pasje về “tiến độ” trong chuyện tình cảm. Những vui buồn trong các mối quan hệ, tôi đều kể với anh. Trớ trêu thay, tất cả đều kết thúc ngay trước khi kịp bắt đầu. Mỗi lúc như vậy, tôi đều tìm đến bờ vai rộng của Pasje. Chỉ để khóc.
Chúng tôi không ai biết chắc người nào chủ động trước trong chuyện của hai đứa. Đứa này đổ cho đứa kia. Một buổi tối, chỉ có mình tôi và Pasje trong phòng anh. Chúng tôi trò chuyện. Tôi khăng khăng mình không biết sợ, cái gì cũng dám làm. Pasje nhìn thẳng vào mắt tôi, và bất thình lình căng thẳng ập đến. Pasje nói: “Anh biết có chuyện em chẳng dám làm”. Anh nói mà ánh mắt cứ lấp lánh hy vọng.
Vậy là tôi “dám” luôn…
Anh là mối tình đầu của tôi. Ít có ai tin chuyện này. Trong trường, tôi thuộc dạng nói nhiều và luôn biết sống bằng lý trí.
Nhưng chuyện của tôi và Pasje cứ ập đến không lường trước được. Trước khi quen anh, tôi chỉ biết tập trung vào thế giới bên ngoài hơn là bản thân. Tôi cũng chỉ chơi với con trai. Pasje biết hết, và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy anh tinh tế và sâu sắc đến chừng nào.
Hai đứa cứ như trúng độc đắc. Tình yêu của chúng tôi rất thật. Tuy nhiên, lúc mới quen chúng tôi phải giữ mối quan hệ bí mật vì quy định của nhà ở ghép. Để được bên nhau, chúng tôi thường tản bộ dọc cầu Rapenburg đến tòa nhà Academy rồi sau đó trèo lên bờ tường của thảo cầm viên Hortus Botanicus với chai rượu trong tay. Mỗi cuối tuần, khi Pasje về nhà, đối với tôi là những ngày dài bất tận và đầy mong đợi. Và cứ đến mỗi đêm Chủ nhật, Pasje lại cho tôi xem bài thơ anh viết khi chúng tôi không ở bên nhau.
Tôi và Pasje ở Paris, tháng 5/1981
Tôi và Pasje ở tiệc hóa trang, Leiden, 1983
Kỳ nghỉ đầu tiên của chúng tôi là ở Paris. Pasje dẫn tôi đi khắp cái thành phố mà anh tự hào mình là thổ địa, bởi vì bạn gái cũ của anh từng sống ở đây. Từ Paris, chúng tôi vẫy xe đi nhờ đến nhà cha mẹ anh ở Normandy. Cả căn nhà và vùng quê đó đều hoang vắng. Mọi thứ cứ ngọt ngào như tuần trăng mật.
Khi chúng tôi công khai mối quan hệ thì cũng là lúc Pasje phải dọn ra khỏi nhà ở ghép vì quy định không cho phép. Anh dọn đến sống ở căn nhà dành cho nam sinh viên lớn nhất ở Leiden. Nó đủ lớn để cho phép Pasje được tiếp tục làm điều mình muốn. Anh vừa giữ được cá tính vừa giữ được thời gian để chúng tôi có thể tiếp tục yêu nhau – về mọi nghĩa. Anh chẳng bao giờ bị tác động bởi áp lực từ bạn bè – cho dù điều này có liên quan tới tôi. Và Pasje cũng đủ cực đoan để giữ cho sở thích âm nhạc hay quan điểm chính trị của anh không hề bị suy suyển.
Chúng tôi thân nhau lạ thường, như bạn bè chí cốt, và giữa hai đứa hoàn toàn không có khoảng cách hay thẹn thùng gì. Anh gọi tôi là cá heo “bởi vì nụ cười đó với hàm răng nhỏ”. Tôi gọi anh là hải cẩu bởi chính đôi mắt màu nâu. Tôi luôn hôn đôi mắt nâu ngọt ngào đó ngay mỗi khi thức giấc, mỗi khi ở bên nhau. Trong suốt mười ba năm trời.
Thế nhưng, tôi cũng khát khao về một thế giới của riêng mình. Thế là hai năm sau khi chấp nhận lời “thách đố” của Pasje, trong lúc hầu hết bạn bè đang nhăm nhe một vị trí quản lý trong câu lạc bộ sinh viên, tôi lại có mục tiêu để ra khỏi đó: đến châu Mỹ La-tinh. Có Pasje đi cùng vẫn tốt hơn, nhưng dù không có anh thì tôi cũng sẽ đi.
NGÀY ĐẦU TIÊN - ĐAU ĐỚN VÀ CHỜ ĐỢI
Mọi người chết hết rồi. Còn tôi vẫn ngồi đây. Trong khu rừng này. Một mình. Giữa rừng. Tôi đảo mắt nhìn. Chỉ thấy lá, máy bay vỡ, và xác người. Tôi lắng nghe hơi thở của mình, thật nhọc nhằn như chính tôi đang cảm nhận. Ngực thì cứ đau. Đau lắm! Nhưng tôi vẫn đang thở. Rất rõ và rất to!
Tôi lại quan sát mọi vật: âm thanh, khu rừng, lá cây, máy bay, và lại xác người. Và tôi, đang nằm trên một lớp cây bén nhỏ. Lại cảm thấy đau. Tôi nhích người một chút. Lại đau, lần này ở hông. Sao cái gì cũng đau hết thế này! Chúa ơi, xin người hãy giúp con. Hãy giúp con!
Trán tôi đau như thể đang có ai lấy búa nện vào đầu. Chân hầu như không nhúc nhích được. Chúng cứng đơ và bất động. Tôi nhìn vào đôi tay. Đầy máu. Có hai vết thương mở gần cùi chỏ phải. Có vẻ khá lành. Nhưng khi thử sượt ngón tay lên đó, tôi chỉ muốn thét lên.
Tôi lại cố nhìn vào cảnh vật xung quanh. Tập trung vào lá cây. Vào máy bay vỡ. Vào những xác người. Cô gái người Việt chết với nắm tay còn khép chặt. Người đàn ông cạnh tôi trông cứ như đang ngủ thật an lành với nụ cười ngọt ngào. Như Pasje. Không, không được nghĩ đến Pasje. Không được nghĩ đến Pasje. Tôi lại nhìn người đàn ông đó. Ông không có gì là sợ hãi cả, chỉ là chết mà thôi. Tôi biết người chết thì trông như thế nào. Tôi đã nhìn thấy xác chết. Tôi nghĩ về những xác chết mình đã thấy. Ông Bongaerts. Bà tôi. Manuel ở Chi Lê. Bạn chỉ cần nhìn một người chết thôi để đơn giản biết rằng chết là chết. Họ không sợ bất cứ cái gì, và cũng chẳng có gì để mà sợ cả. Tôi nhìn đồng hồ trên tay người đàn ông bên cạnh mình. Trớ trêu là nó vẫn chạy.
10 giờ sáng rồi.
Tôi nhìn bầu trời qua tán cây. Trời đầy mây nhưng không có vẻ gì là sắp mưa cả. Chưa vào mùa mưa sao? Phải chi tôi đọc hết cuốn cẩm nang du lịch. Tôi không biết mình đang ở đâu. Chỉ biết rừng là vô tận. Và tôi cũng không thấy chiếc máy bay nào khác. Chiếc kế tiếp đâu? Nó phải phát hiện ra chúng tôi chứ? Hình như tôi đang ở tận trên núi. Đâu ai biết là bao xa, tính từ cột mốc nào? Tôi thậm chí còn chưa xem bản đồ! Tôi không biết mình đã bay theo hướng nào. Pasje chính là cái la bàn của tôi. Trời ơi, đừng nghĩ đến Pasje nữa mà!
Tôi nhìn ánh mặt trời qua kẽ lá. Màu của ánh sáng và bóng râm thật đẹp. Từng chiếc lá như tỏa sáng lộng lẫy. Mẹ tôi mà có mặt ở đây thì hẳn bà sẽ thích cảnh vật xung quanh lắm. Mẹ tôi luôn nói là bà không phải lo nghĩ gì cho tôi mỗi khi Pasje ở bên tôi. Bà tin là tôi luôn bình an bởi vì có Pasje ở bên cạnh. Pasje là một người đàn ông mà… Lại nữa rồi. Không được nghĩ tới Pasje, không được nghĩ tới Pasje! Cố nghĩ về mẹ vậy. Bà cũng hẳn sẽ rất vui khi biết tôi đã chích ngừa rồi. Mẹ tôi thật tinh quái để “gài” tôi phải đi chích ngừa trước khi sang Việt Nam. Cái gì cũng ngừa, kể cả bệnh uốn ván! Mọi thứ được sắp xếp để buộc tôi phải làm, mặc dù tôi chẳng hề muốn. Mẹ tôi có sự trợ giúp đắc lực của Jaime, và bảo đảm tôi chích ngừa ngay tại sân bay Schiphol, trước khi tôi bay đi Tokyo. Trước khi đi tôi còn hỏi bà: “Chích ngừa làm gì hả mẹ? Tụi con có đi vô rừng đâu”. Đúng là trớ trêu!
Tôi nhìn xuống chân. Chân tôi sưng vù hết rồi, sưng nhiều quá. Đôi giày ưa thích màu xanh xám da cá sấu đang cứa vào các thớ thịt mà bây giờ trông cứ như không còn là của tôi nữa. Tôi chụp lấy túi xách. Lạ kỳ là nó vẫn còn ở đây. Tôi kiểm tra lại trong túi thì không còn gì đáng kể ngoài những thông tin du lịch hết sức cơ bản. Không có bóp ở đây, Pasje giữ tiền rồi. Đồng hồ cũng không, vì Pasje giữ. Đừng nghĩ đến Pasje nữa. Điện thoại di động cũng không thấy. Tôi luôn mang theo điện thoại di động. Để gọi Jaime. Tôi nghĩ về Jaime. Không biết anh sẽ nói gì khi biết tôi đang ở đây. Thời gian sắp tới sẽ là những ngày làm việc đầu tiên mà tôi không thể gọi cho Jaime kể từ khi chúng tôi làm chung với nhau. Cho tới thứ Tư, ngày mà tôi và Pasje sẽ trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Jaime chờ điện thoại tôi ngay khi tôi về đến khách sạn. Khi đi tới đâu tôi cũng gọi cho anh. Chỉ để nói về thị trường nơi đó và những quyết định tiếp theo. Nếu thứ Năm mà Jaime không thấy tôi gọi, thế nào anh cũng làm ầm lên. Làm rùm beng lên, tôi biết tính anh quá rõ.
Tôi tiếp tục lục giỏ xách. Túi trang điểm, máy ảnh, ba gói thuốc lá Philip Morris loại siêu nhẹ và hộp quẹt. Túi trang điểm hiệu Loewe làm bằng da mềm thật đẹp. Có tiền mua được nó là bằng chứng cho việc thành đạt của tôi ở ngân hàng Banco Santander. Nhưng bây giờ thì nó chẳng có giá trị gì. Chiếc máy ảnh thì tôi mua ở Tokyo, cùng với Numachi. Numachi. Người đàn ông Việt Nam vừa chết bên cạnh làm tôi nhớ đến Numachi thật nhiều vì những điểm tương đồng trong cái cách mà ông nói, hay nói đúng hơn, cái cách ông không nói. Và cả cái cách ông cẩn trọng khi trao cho tôi chiếc quần dài khi nãy. Ơn Chúa vì chiếc quần đó, nhờ nó mà tôi không bị lũ côn trùng quái quỷ cắn! Tôi vẫn hy vọng những gì người đàn ông Việt Nam kia nói là đúng. Sẽ có người đến cứu ông ta sớm, và trong hoàn cảnh này, đến cứu tôi sớm. Còn từ bây giờ cho tới thứ Tư, sẽ chẳng có ai nhớ tới tôi. Hôm nay là thứ Bảy. Thứ Bảy. Chủ nhật. Thứ Hai. Thứ Ba. Còn bốn ngày nữa mới tới thứ Tư.
Tôi không có ý định chụp ảnh, hoặc mở chiếc cặp của người đàn ông Việt Nam vắn số kia. Và tôi cũng không biết làm sao quay trở lại phần chính của máy bay, nơi có những xác người đang nằm la liệt, để tìm đồ ăn và thức uống. Tôi còn không dám nhìn xuống vai mình. Tôi chỉ có thể ở yên một chỗ, nhìn xuống sườn núi, tự nhủ với mình rằng tất cả đang diễn ra không phải là mơ. Đây là nơi tôi đang ở. Tôi không có một giọt nước. Chúa ơi, làm ơn giúp con vượt qua nghịch cảnh này. Miệng tôi khô đắng. Khô lắm. Để bớt lạt và khô miệng, tôi định hút thuốc. Nhưng không có đồ ăn và thức uống lúc này, tôi quyết định đây cũng là lúc mình bỏ thuốc. Pasje chắc sẽ tự hào về quyết định này của tôi lắm. Chắc anh không tin đâu. Không được nghĩ đến Pasje! Tôi lại nhìn mặt trời đi xuyên qua kẽ lá. Đẹp làm sao! Thông thường, tôi không thích rừng núi, mà thích nhìn cảnh mặt trời trên mặt nước hơn. Nhưng lúc này cảnh rất đẹp!
Mặt trời lặn dần. Rơi vào một cõi nào đó. Tôi không còn nhìn thấy mặt trời qua những tán cây nữa. Trời sụp tối rất nhanh. Tôi nhìn đồng hồ: đã 6 giờ chiều. Tới giờ đi ngủ rồi sao? Chắc đành vậy. Tôi không thấy sợ, cũng chưa kịp hiểu tại sao.
Tôi chưa bao giờ trơ trọi một mình như vậy.
KỲ THỰC TẬP TẠI VĂN PHÒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Chi Lê - 1983
Trong khi hầu hết bạn bè đang mải mê với cuộc sống sinh viên, tôi dành trọn tâm trí cho kỳ thực tập ở Chi Lê.
Tôi thích cái ý tưởng đi đến châu Mỹ La-tinh. Tôi yêu âm nhạc và những câu chuyện về nơi này. Tôi sinh ra ở Venezuela, nhưng gia đình đã dọn đi nơi khác từ khi tôi còn bé. Như mọi gia đình khác, anh chị tôi luôn hoài nhớ về những tháng ngày thơ ấu ở Venezuela. Trong các câu chuyện kể, anh chị tôi luôn thêu dệt rằng từ lúc mới sinh ra tôi đã bị đánh tráo, và cái cô Annette thực sự vẫn còn đang sống ở Maracaibo. Cô Annette đó vẫn còn đang sống ở khu ổ chuột và, theo lời chị tôi, “không biết cô ấy có gì để ăn không”. Ngược lại, tôi được học hành tử tế, được uống nước sạch và cứ tới kỳ nghỉ là được đi trượt tuyết. Tôi đã tin vào câu chuyện anh chị mình kể trong nhiều năm. Vì vậy, không hợp lý sao khi tôi muốn quay lại nơi nguồn cội của mình?
Tôi học luật quốc tế, chuyên ngành kinh tế. Tôi biết một giáo sư có thể giúp tôi vào làm việc trong trụ sở Liên hiệp quốc tại Chi Lê. Trên một tạp chí kinh tế, vị giáo sư này đã kêu gọi việc hệ thống hóa, tổng hợp lại tất cả các học thuyết kinh tế: từ chủ nghĩa trọng tiền của Friedman cho đến lý thuyết trọng cầu của Keynes. Tôi đã phải làm việc cật lực trong suốt mùa hè, cố diễn giải tất cả những đề xuất của vị giáo sư này trong một bài luận. Sau đó tôi xin ông một cái hẹn. Tôi nhẹ cả người khi vị giáo sư thích bài luận của tôi, hoặc cũng có thể thích việc tôi viết về ông ta. Dù là lý do nào thì ông giáo sư cũng đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực – tôi được nhận thực tập ở văn phòng của Tổ chức lao động thế giới (ILO), một cơ quan của Liên hiệp quốc, đóng tại Santiago (Chi Lê). May mắn hơn nữa là Pasje cũng quyết định theo tôi để nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp của anh về Hiệp ước Andean(*).
Trước khi sang Chi Lê, chúng tôi quyết liên lạc cho bằng được với những người thuộc “phía bên kia”: Cụ thể ở đây là làm quen với người phụ nữ Chi Lê đang sống lưu vong tại Amsterdam. Bà tên là Noemi Baeza, người bị bắt chung với rất nhiều người bạn cánh tả sau cuộc đảo chính quân sự năm 1973. Thời điểm đó, bà đã có mặt ở sân vận động Santiago đầy tai tiếng và sau đó bị đưa tới trại giam; ở đó, bà bị tra tấn tàn bạo tới mức không thể có con. Chồng bà Noemi cũng sống lưu vong ở một đất nước khác và kết hôn với người đàn bà khác có thể sinh con cho ông. Bất chấp tất cả những nghịch cảnh nghiệt ngã đó, Noemi vẫn sống hết sức cởi mở chân tình, và rồi chúng tôi trở nên rất thân với nhau. Lúc tôi và Pasje rời Hà Lan, Noemi đã tin tưởng trao cho chúng tôi địa chỉ của những người bạn của bà vẫn còn đang hoạt động bí mật tại Chi Lê.
Chúng tôi rời Hà Lan vào tháng 9, sau một cuộc chia tay linh đình với nhóm bạn sinh viên. Các bạn ở chung nhà ăn mặc cứ như là “cảnh sát chìm”, như một sự nhắc nhớ có phần hơi suồng sã là tôi đang đi đến sinh sống và làm việc ở một đất nước cảnh sát. Thời của bọn tôi, đi xa như vậy vẫn còn đặc biệt lắm. Các bạn nữ ở chung nhà thậm chí còn viết riêng một bài hát để chia tay tôi. Tựa bài hát là: “Nhớ Herf[kens]”. Họ còn thuộc bài hát đó mãi cho đến 9 năm sau.
* Cộng đồng các quốc gia Andean là một khối mậu dịch bao gồm khu vực tự do thương mại và thuế quan chung. Công đồng này bao gồm các quốc gia Nam Mỹ: Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru. Khối này được gọi là Hiệp ước Andean cho đến năm 1996.
Ở Santiago, tôi và Pasje chính thức chung sống với nhau. Sau khi học tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi có thêm nhiều bạn mới. Chúng tôi dành thời gian đi ăn ở những nhà hàng thời thượng trên phố và xuống phố tham gia biểu tình chống Pinochet. Chúng tôi đều làm việc tại tòa nhà đặt trụ sở làm việc của Ủy ban kinh tế Liên hiệp quốc về châu Mỹ La-tinh (ECLA). Tòa nhà này thật đẹp, tọa lạc ở khu phố thượng lưu nằm dưới chân núi Cordillera, dãy núi trải dài xuyên lục địa từ Venezuela tới miền nam Chi Lê. Khi chiều xuống, cả dãy núi bỗng chuyển màu hồng, trở thành tấm phông tuyệt vời cho khối kiến trúc kỳ vĩ của nhiệm sở chúng tôi.
Tôi và Pasje khi sống cùng ở Chi Lê năm 1983
Pasje tận dụng thư viện để làm luận án. Tôi theo học một khóa về việc làm, do chương trình lao động khu vực châu Mỹ La-tinh và khối Caribbean tổ chức. Chương trình này hoàn toàn đi ngược lại chính sách của Pinochet vì nó cổ xúy cho khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng để tạo việc làm. Theo học cùng tôi có khoảng 20 nhà kinh tế đến từ khắp khu vực châu Mỹ La-tinh, và tất cả đều là cán bộ nhà nước. Thế nhưng, khóa học không thuyết phục được tôi, vốn luôn giữ quan điểm là nhà nước nên để khu vực kinh tế tư nhân tạo ra việc làm. Dù vậy, tôi cũng mừng là có cơ hội được quen thêm nhiều người trong châu lục. Cứ ban ngày học xong là mỗi đêm lớp chúng tôi lại kéo đến Penas, một quán cà phê dạng như hát với nhau ở Chi Lê. Cả lớp yêu cầu mỗi người hát bài của nước mình và chúng tôi cũng cùng hợp ca.
Khi khóa học kết thúc, tôi và Pasje làm một chuyến đi về hướng bắc xuyên qua sa mạc dài nhất của Nam Mỹ để đến Peru, và dự định đi bộ dọc con đường mòn Inca. Tuy nhiên, tôi đổ bệnh nặng sau khi ăn trứng tráng và một người quen bản địa khuyên là chúng tôi phải cắt ngắn chuyến đi. Hai đứa tôi cũng cố leo lên đỉnh Machu Picchu. Quả thực không uổng công. Cảnh vật nhìn từ trên ca đẹp tuyệt vời, thật tráng lệ, và bình an đến choáng ngợp. Cả hai chúng tôi đều như đắm chìm đến không dứt ra được trước vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.
Tôi và Pasje ở Peru, tháng 12/1983
Trở về Chi Lê, Pasje quyết định đã đến lúc trở về nhà và hoàn tất việc học. Nên nhớ là anh lớn hơn tôi 4 tuổi. Trong khi đó, tôi quyết định gia hạn thời gian thực tập tại Santiago thêm 6 tháng nữa. Và dĩ nhiên, sẽ chỉ một mình.
Năm tiếp theo tôi được cấp riêng văn phòng trong tòa nhà Liên hiệp quốc để viết báo cáo như một phần của chương trình thực tập. Bảng báo cáo này cũng sẽ được coi như luận văn tốt nghiệp của tôi. Thỉnh thoảng làm việc xong tôi đi chơi tennis với đồng nghiệp và uống rượu, ăn tối ở khu nhà hàng thời thượng phố trên. Nhưng tôi thường đi xe điện ngầm xuống khu phố dưới nhiều hơn. Tôi đã làm quen và bắt thân với bạn của bà Noemi và chính họ đã đưa tôi tham gia các cuộc biểu tình chống Pinochet. Tôi thật sự hứng thú với không khí đó.
El pueblo unido jamas sera vencido, el pueblo unido jamas sera vencido. Từng câu hát khẩu hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha cứ vang lên liên hồi. “Khi đoàn kết lại với nhau, nhân dân sẽ trở thành bất bại”. Đứng lẫn trong đám đông đang hò hát tại một trường đại học, tôi ngắm nhìn từng khuôn mặt bừng bừng khí thế xung quanh mình với tất cả sự kính nể. Tôi chưa hề có cảm giác đó với bất cứ một cái gì khác. Lý tưởng của đám đông biểu tình như tác động trực tiếp tới tôi còn mạnh hơn cả nỗi lo thiếu nhà ở tại Amsterdam hay đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở châu Âu. Ở khoảng giữa các bài diễn thuyết hào hùng, đám đông ca những bài hát đi thẳng vào tim tôi. Biểu tình xong, chúng tôi đi ăn ở taller, một từ Tây Ban Nha có nghĩa là xưởng vẽ. Và Taller Amistad vừa là nhà kiêm xưởng vẽ của Pablo Madero, một họa sĩ theo chủ nghĩa cộng sản có khuôn mặt chữ điền và tính cách nồng hậu.
Tại El Taller Amistad, Santiago, Chi Lê, tháng 5/1984
Tác phẩm của ông theo phong cách Picasso với gam màu chủ đạo là xanh sáng, đỏ, vàng. Pablo nhận xét tôi mang tính cách của người La-tinh nhiều hơn là người Hà Lan. Điều đó đúng nếu như nói về khía cạnh tôi hay quên giờ giấc. Và quên cả chính mình. Tôi yêu việc tham gia biểu tình, ăn tối muộn, rồi ca hát, tán gẫu. Tôi thích bàn chính trị và kinh tế với Manuel, anh rể của Pablo và là người hiểu biết rộng nhất trong hội chúng tôi. Vì mê tán chuyện mà tôi thường ngủ lại qua đêm trên bộ sa-lông nhỏ trong sảnh xưởng vẽ, sáng dậy tắm nước lạnh rồi trở về đi làm. Tôi luôn quan tâm tới từng cá nhân chủ nhà tiếp mình. Và làm sao tôi có thể không thấu hiểu lý tưởng của những con người đó khi được nghe họ kể chuyện về những mảnh đời ở khu ở chuột. Tôi học được ở người Chi Lê cách sống hết mình và vô điều kiện với bạn bè, cho dù họ sống ở đâu. Họ cho đi, giúp đỡ người khác mà chẳng để tâm là mình đã làm nhiều như thế nào.
Bài luận của tôi nói về ngành lâm nghiệp Chi Lê. Chính phủ Pinochet luôn rất tự hào về chính sách - hay thành tựu - để mặc tư nhân kinh doanh của mình. Tuy vậy, thực tế hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc họ đặt ra, chính quyền Pinochet trợ giá cho ngành lâm nghiệp, và nhờ vậy ngành này phát triển vượt bậc. Tôi muốn chỉ rõ sự mâu thuẫn này để dư luận thấy được chính phủ Chi Lê tệ như thế nào trong lĩnh vực nhân quyền lẫn chính sách kinh tế. Đặt mục tiêu nghiên cứu như vậy, tôi vạch kế hoạch đi sâu vào công trường ở khu rừng phía nam.
Tôi hiểu rõ để bảo đảm nguồn cung tuyệt đối theo nhu cầu, công nhân chỉ được thuê theo hợp đồng ngắn hạn. Phần việc của tôi sẽ bao gồm cả phỏng vấn giới nhân công. Từ đây đến đó đi xe phải mất 10 tiếng, chưa kể 2 tiếng đi vào rừng men theo con đường đầy bụi bặm. Phương tiện di chuyển khả dĩ của tôi là vẫy xe đi nhờ hoặc theo kiểu đi chung với một nhóm khác, rồi chia tiền xe. Đồng nghiệp có hỏi sao tôi không thuê một chiếc tự đi cho khỏe. Câu trả lời hết sức đơn giản: tôi không biết lái xe.
Chặng đầu tiên của chuyến đi, xuống Valparaiso, tôi bị nhét chung đằng sau một chiếc Fiat với ba kỹ sư “cánh tả”. Chúng tôi qua đêm ở một thị trấn mỏ nghèo thảm thương. Không có điện nhưng lại thừa quá nhiều câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh để kể. Từ đó tôi đi một mình, vẫy xe tải nhờ tài xế cho quá giang đến chỗ chặt gỗ. Tôi biết có thể mình đang mạo hiểm khi một thân một mình đi vào rừng như thế này. Nhưng tôi tin vào trực giác bản thân. Và thực ra, cũng không có gì đáng lo. Cánh tài xế và những người bạn đồng hành rất thân thiện và thậm chí hầu như nhoài lên người nhau để “than nghèo kể khổ”, để nói liên tu bất tận về cuộc đời khốn khổ của họ bị ảnh hưởng ra sao vì chính sách kinh tế ban ra từ chính quyền Pinochet.
Một trong số công nhân tại công trường chở tôi về nhà mình bằng chiếc máy kéo để phỏng vấn vợ anh. Anh rất tự hào khoe với tôi tài sản hiện có: 2 con gà, 1 con dê, và 5 nhóc tì dễ thương. Anh giải thích tường tận cách chiết xuất than để sưởi ấm ngôi nhà làm bằng đất sét của mình. Nhưng vào bên nhà rồi tôi vẫn thấy còn lạnh cóng. Anh công nhân này một năm chỉ nhận lương ba tháng. Chín tháng còn lại cả gia đình phải sống nhờ vào khu rừng, vào lũ gà dê. Vợ anh nói với tôi, chồng chị đã trở thành bợm kể từ khi công ty than cấp cho nhân viên rượu uống thả ga tại công trường để làm trơ cảm giác. Nhưng may là chị không bị chồng đánh, vì xung quanh có rất nhiều công nhân đã hóa thành kẻ vũ phu trong suốt thời gian ở nhà dài đằng đẵng.
Trở về văn phòng, tôi không tài nào tập trung được để viết báo cáo. Tôi đã để quá nhiều tâm trí vào thực tế ở đây và cũng bận tít mù trong cuộc đời có đến hai con người tôi khác nhau. Do vậy, tôi quyết định mang tất cả các tài liệu về Hà Lan, về nơi có bức tường lạnh lẽo, ẩm thấp của ngôi trường đại học ở khu phố cổ Leiden. Để rồi từ đó, tôi đưa ra những kết luận mập mờ, tối nghĩa: Mặc dù chính phủ Chi Lê đã thực sự đẩy mạnh phát triển ngành lâm nghiệp, nền kinh tế nước này về tổng thể rất dễ bị những biến động của kinh tế thế giới tác động. Nhưng điều này hóa ra lại tốt cho Chi Lê, vì nền kinh tế thế giới vào lúc này đang có chiều hướng đi lên.
Thật lòng mà nói, tôi rất cảm kích quãng thời gian thực tập tại Chi Lê, nhưng cuối cùng tôi quyết định không theo đuổi sự nghiệp ở Liên hiệp quốc.
NGÀY THỨ HAI - CƠN MƯA ÂN PHÚC
Tôi choàng tỉnh lúc ánh nắng đang rọi vào. Và tôi mở mắt để chứng kiến thực tế lạ lùng nhất trong đời. Cây mọc ken dày xung quanh. Lũ côn trùng bò lổn ngổn đến sởn gai ốc. Và những âm thanh. Và cơn khát. Cơn khát bủa vây choáng ngợp. Tôi nhìn thấy người đàn ông Việt Nam giống ông bạn Numachi người Nhật bên cạnh tôi, mắt nhắm hờ. Tôi cố di chuyển. Đau quá. Tôi cố ngồi dậy, nhưng không tài nào được. Hông tôi như có ai đốt. Và những cành cây con kia nữa! Tôi nhìn đồng hồ ông “Numachi”: 6 giờ rưỡi.
Nhìn xa hơn về bên phải, thi thể cô gái người Việt vẫn ở đó. Tóc cô ấy lấp lánh dưới ánh nắng. Tôi đảo mắt. Bên dưới nữa là cánh máy bay. Mọi thứ được tua lại trong đầu tôi. Tôi đang ở Việt Nam. Đi nghỉ. Với Pasje. Pasje đâu? Không, tôi không thể nghĩ về Pasje. Anh chết rồi. Chết thật rồi. Pasje của tôi. Không còn nữa. Tôi thấy anh. Anh đã chết… Và sau đó? Tôi đã làm gì? Bằng cách nào tôi ra khỏi máy bay? Tôi không nhớ nổi. Nhưng tôi nhớ rõ mọi thứ về Pasje. Anh đã chết. Kẹt trong ghế. Nở nụ cười. Như một xác ướp ngọt ngào. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Cứu! Ai cứu tôi với!
Một lần nữa, cơn đau thắt ở ngực ngăn tôi lại. Khó thở quá. Một lần nữa, tôi phải tự trấn an mình. Không được nghĩ tới Pasje. Thở chậm thôi. Không được nghĩ tới Pasje. Không được khóc. Khóc chỉ tổ làm khát nước thêm. Đừng nhìn lại sau lưng. Hãy nhìn những chiếc lá.
Tôi gục đầu, cố thư giãn, còn mắt thì nhìn trừng trừng vào những chiếc lá. Cơn đau cứ đến rồi đi như những đợt sóng trào. Tôi nheo mắt, nghịch với ánh mặt trời bằng hàng mi. Đẹp làm sao. Từng tia nắng như được chắt lọc, thắp sáng từng giọt sương trên lá. Tôi lắng tai nghe những âm thanh chộn rộn trong khu rừng. Từng âm thanh như thi nhau lên tiếng. Tôi cố nghe ra từng tiếng một. Tiếng khỉ kêu gào chăng? Thật là…
Tôi cố tự nhủ với mình rằng đây là thật. Mọi âm thanh không phát ra từ loa nhạc nào. Cũng chẳng phải từ một bộ phim. Những bộ phim thời chiến tôi đã xem rất nhiều. Chẳng ai bên cạnh tôi lúc này. Tôi hoàn toàn một mình. Một mình đến ngớ ngẩn! Tự dưng lúc này tôi lại nhớ cái thời cùng Pasje trèo lên bức tường của thảo cầm viên ở Leiden. Chỉ để được “một mình”. Có một lần chúng tôi bị cô bạn Jet bắt gặp, nhưng cô nàng chẳng biết chúng tôi định leo lên đó để làm gì. “Tôi biết mấy người đang làm gì rồi. Hút cần sa chứ gì!”, Jet hét toáng lên. Ha ha, thật buồn cười, có bao giờ chúng tôi chơi “món” đó đâu! Thực ra chúng tôi chỉ cố giấu chai rượu trong tay. Và cô nàng Jet kia lúc đó không hề biết chúng tôi đang yêu nhau. Bây giờ, không còn “chúng tôi”. Không còn Pasje. Một mình. Trơ trọi. Đừng suy nghĩ nữa mà! Tôi đang ở đây. Còn sống sót. Trong rừng. Nên nhớ là trong rừng, chứ không phải thảo cầm viên. Nhưng lẽ ra thời tiết phải oi nồng và nóng bức lắm chứ. Sao tôi lạnh thế này?
Tôi nhìn xuống tay. Cái gì màu đen tròn tròn trên đó vậy? Nấm vảy à? Ôi Chúa ơi, mấy con đỉa! Tôi chà xát lưng hai bàn tay lại, nhưng bọn đỉa vẫn ở lì đó. Đừng nhìn chúng, đừng nhìn chúng!
Tôi lại đành nhìn lá. Có thể đánh hơi được từng chiếc. Tôi nhớ rõ hồi trước mình luôn thích ngồi ngắm lá như thế nào qua cửa sổ, cho dù có đang sống ở thành thị. Những chiếc lá đó sao mà khác với bây giờ quá. Quá nhiều lá làm tôi nhớ về những lần đi bộ đường dài. Từ đó dắt dây suy nghĩ của tôi đến đồ ăn. Nhưng bây giờ đói chưa phải là nguy cấp nhất. Tôi chỉ khát. Khát chết đi được.
Và rồi thình lình trời đổ mưa. Mưa nặng như đấm vào người. Mưa như đánh vào vết thương. Mưa rát cả mặt khi tôi ngửa lên, há miệng hứng nước mưa. Tôi gần như khóa miệng lại, nhưng là trong sung sướng để nuốt ừng ực từng giọt nước. Mặt trời bất thình lình xuất hiện khi cơn mưa bắt đầu. Áo tôi ướt đẫm. Tôi tranh thủ vắt một chút nước. Thật khuây khỏa làm sao! Tôi sưởi ấm dưới ánh sáng run rẩy của mặt trời soi qua lá. Lạnh. Lạnh quá.
Tôi nhìn lại mớ tài sản của mình. Sắp xếp gọn gàng ngay bên cạnh. Ướt hết rồi. Máy ảnh. Túi trang điểm. Bật lửa. Bật lửa à? Dĩ nhiên rồi! Bật lửa! Tôi có thể nhóm lửa, như Robinson Crusoe. Tôi cố nhóm lửa, nhưng vô ích. Thậm chí còn không đánh lửa được. Mà làm sao được, ướt quá rồi còn đâu. Và cả những nhánh cây nữa, ẩm quá rồi. Nhưng tôi cần lửa làm gì nhỉ? Nấu ăn à? Có cái gì đâu mà nấu. Đi cũng không được. Ngồi thẳng dậy cũng không. Bây giờ tôi chỉ có thể nhìn thấy cỏ, bụi cây và cây rừng. Phát tín hiệu nhiều hơn à? Như Hiawatha(*). Tôi lại nhớ đến một biệt danh Pasje gọi yêu mình trước đây: “Minnehaha(**) của anh”. Lại rồi, đừng nghĩ đến Pasje nữa.
Thay vào đó, tôi cố nghĩ đến thị trường trái phiếu. Nhưng cuối tuần thì đâu có sàn nào mở cửa. Tôi nghĩ về Jaime. Anh đang làm gì? Chắc là đang chơi với con trai. Một là chơi điện tử, hay là thi “ai đái xa nhất”. Tôi mỉm cười khi nghĩ tới đó. Jaime đúng là con nít. Tôi biết đến chiều thứ Tư không nghe tôi ừ hử gì là anh sẽ cuống lên không biết chuyện gì xảy ra. Cho đến sáng thứ Năm là thể nào cũng làm ầm lên. Tôi sẽ cho Jaime thêm vài ngày nữa để tìm cho ra. Tôi thư giãn chút. Jaime. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Chờ đợi và đợi chờ. Lại tập trung nhìn lá.
* Nhân vật thổ dân châu Mỹ huyền thoại, sống vào khoảng thế kỷ 12-13.
** Một nữ thổ dân châu Mỹ, là nhân vật được hư cấu trong văn học vào thế kỷ 19.
Tờ 50 đô-la chìa ra từ túi áo trên thi thể người đàn ông “hàng xóm” của tôi. Tôi rất cần tới nó. Để bồi dưỡng cho ai đó đến giúp mình. Nhưng chưa phải lúc này. Mặc dù tôi tin là không lâu nữa mình sẽ không thể ngồi cạnh thi thể này nữa khi nó bốc mùi. Thể nào tôi cũng phải dịch ra chỗ khác. Tôi nghĩ kỹ rồi, cho dù mình có đói thế nào thì người đàn ông xấu số kia cũng không kích thích tôi thèm ăn được. Dù có thế nào, tôi cũng sẽ không để mình rơi vào thế phải ăn thịt người chết như thảm kịch rớt máy bay năm 1972 ở dãy Andes(*).
Tôi chỉ khát nước, chứ không khát máu.
Tôi sẽ chờ đội cứu hộ một tuần nữa. Tới lúc đó mà không có nước, thiếu đồ ăn thì tôi chỉ có chết. Chết thật sự, như những hành khách khác. Như Pasje của tôi. Lại nữa rồi, đừng nghĩ tới Pasje nữa mà. Hãy nghĩ tới tất cả những ai yêu quý mình. Mà lạ thật. Rất nhiều người quan tâm lo lắng cho chúng tôi, nhưng tới tận bây giờ không một ai hay biết gì cả.
* Andes là dãy núi dài nhất thế giới, gồm một chuỗi núi liên tục chạy dọc theo bờ tây lục địa Nam Mỹ. Tháng 10/1972, chuyến bay thuê bao của không lực Uruguay chở 45 hành khách, trong đó có một đội tuyển bóng bầu dục, đâm vào dãy Andes. Chỉ 16 người sống sót, và khi nghe tin qua đài là cuộc tìm kiếm nạn nhân ngừng lại, họ đã phải ăn thịt những hành khách xấu số khác để tồn tại trước khi được cứu hơn 2 tháng sau đó.
Tôi nghĩ đến cậu em út, Bernard. Nó đang làm gì? Chắc hẳn là đang bay đâu đó rồi. Tôi cố mường tượng hình ảnh em mình trong bộ đồng phục không quân. Và tôi mỉm cười với luồng tưởng tượng đó. Bất cứ nơi nào Bernard đi tới, nó luôn là linh hồn của nhóm hội. Nếu Bernard ở đây lúc này, nó sẽ nói gì? Cho tôi lời khuyên xác đáng nào đó? Nó đã giúp tôi rất nhiều trong cách ứng xử giữa xã hội hỗn tạp này. Nó luôn dặn tôi trước khi mở miệng nói cái gì thì phải dùng đầu suy nghĩ cho thật chín chắn: “Khi về nhà, chị đừng khoe với mọi người là mình đã đi chỗ này chỗ kia. Không ai muốn nghe, không ai thích biết đâu”. Phải chi lúc này tôi được ở nhà.
Nếu đến thứ Bảy này không ai tới thì tôi sẽ bò vào rừng. Cứ tính vậy đi, để sống sót cho tới thứ Bảy. Sáu ngày nữa.
CHI LÊ VÀ NỀN DÂN CHỦ BỊ BÓP NGHẸT
Leiden, Chi Lê - 1984
Thời điểm tôi từ Chi Lê quay về Hà Lan cũng là lúc tôi có thâm niên trong ngôi nhà ở đó và do vậy, được quyền ở căn phòng lớn nhất. Căn phòng nhìn ra con kênh đào nổi tiếng nhất Leiden là Rapenburg. Cửa sổ phòng thì đối diện tòa nhà Academy của Đại học Leiden, được thành lập nhờ ơn của hoàng tử xứ Orange.
Kể từ khi rời Chi Lê, những bài hát chống chính quyền từ quốc gia Nam Mỹ này vẫn không ngừng rền vang trong đầu tôi. Tôi bị chứng “nhớ Chi Lê” mất rồi. Nhưng tôi cũng bị sốt thật, sốt cao nữa là khác. Cao đến mức tôi phải ở nhà tịnh dưỡng một mình, trong khi Pasje và tất cả bạn bè đi ra ngoài ăn mừng ngày kỷ niệm 170 năm thành lập Câu lạc bộ Sinh viên.
Cơn sốt ngày một trầm trọng, và khi tôi xuống bếp lấy nước uống, tôi chóng mặt đến mức ngất xỉu. Tôi không biết gì nữa cho đến khi nhận ra Pasje nhấc bổng tôi lên đặt vào xe và chạy đến nhà ba mẹ tôi. Hai người không có ở nhà vào cuối tuần. Pasje đặt tôi lên giường và đi mua đồ ăn tối. Đồ ăn McDonald’s.
Tôi ăn một cái Big Mac và nôn hết ra trên xe cấp cứu sau đó. Tôi lại xỉu. Lần này tôi choàng thức trong phòng bệnh viện với ba bệnh nhân khác. Ba người phụ nữ luống tuổi cùng đồng thanh: “Con gái, con hét to quá làm ai cũng sợ!”. Và họ cứ nói như vậy suốt đêm, bằng tiếng Tây Ban Nha lẫn Hà Lan: “Con gái, con làm chúng ta sợ thật đó. Con hét cái gì giống như là: ‘Tôi không nói đâu, mấy người kéo hết móng tay tôi cũng không nói’. Cái gì vậy con?”.
Tôi được điều trị theo phác đồ dành cho bệnh nhân sốt rét. Nhưng không thành công. Tôi bệnh nặng hơn và phải chuyển sang chăm sóc đặc biệt. Thì ra tôi bị “thập diện mai phục” bởi nhiều loại bệnh mà nhiều tháng qua bằng cách nào đó tôi đã lơ đi và lướt qua được: thương hàn, nhiễm ký sinh trùng, viêm gan. Tôi lập tức bị cách ly với nhóm nữ bệnh nhân luống tuổi kia và được nằm phòng riêng. Bạn bè đến thăm mỗi ngày còn mẹ tôi thì làm đồ ăn ở nhà mang vào. Tôi khỏe dần dần, và lúc nào cũng có Pasje bên cạnh. Yêu anh làm sao!
Cuối cùng thì tôi cũng được xuất viện sau ba tuần. Nhưng tôi phải mất thêm ba tuần nữa để hồi phục. Hầu như khỏe hẳn. Nhưng vẫn còn yếu và có thể đổ bệnh lại bất cứ lúc nào. Những năm sau đó tôi cứ ngất đi như vậy khi vượt quá ngưỡng chịu đựng cả về thể chất lẫn tinh thần. Những lúc như vậy mắt tôi cứ như cuộn lại trong vài phút và trôi về miền vô định nào đó. Nghĩ lại, có lẽ là tôi đã quay trở lại trường quá sớm. Những con chữ cứ như nhảy múa trước mắt.
Tôi cố tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, nhiều hơn so với khả năng mình. Nhưng thực sự cảm giác được trở về bên Pasje làm tôi thấy hạnh phúc. Hạnh phúc như thể mình chưa bao giờ đi xa. Hạnh phúc cho tới một ngày tôi mở thùng thư ra và thấy vé máy bay trong đó. Các bạn khá giả của tôi ở Chi Lê đã góp tiền lại để mua nó, cho tôi. Nhóm bạn này cho rằng tôi nên quay lại Chi Lê để hoàn toàn bình phục. “Không khí trong lành, thời tiết ấm áp sẽ tốt hơn nhiều cho bạn. Tốt hơn nhiều cuộc sống đại học ẩm ướt mưa và lạnh giá ở Hà Lan”.
Trở lại Santiago ở Chi Lê, tôi quả thật cảm nhận sự khác biệt rất rõ về môi trường - hiểu theo mọi nghĩa - ở đây. Pinochet đang cắt bỏ nhiều chiến tích tự do vừa gầy dựng được từ nhiều phong trào phản kháng, nhằm nhấn chìm vô vàn các phong trào chính trị khác đang âm thầm hoạt động. Các đảng phái chuyển từ cánh tả sang trung hữu đang tự tổ chức lại nhằm chuẩn bị cho một tương lai dân chủ mà họ tin là đang rất gần. Thế nhưng, bất chấp lời hứa cải cách, Pinochet nuốt lời. Ông chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực tuyệt đối của mình. Phải mất sáu năm nữa.
Bạn tôi, Noemi, được phép trở lại Chi Lê. Nhưng sau mười ba năm sống lưu vong ở Amsterdam và khao khát được hòa mình vào nhịp sống của những người bạn cũ ở Santiago, lúc này đây Noemi cảm thấy thật khó khăn để tìm lại cảm giác thân thuộc với một số người bạn đó. Họ có vẻ dị ứng với cuộc sống sung túc của Noemi ở Hà Lan. Cũng phải thôi, những người bạn Chi Lê này đã vất vả thế nào để tồn tại được dưới chính sách kinh tế trọng người giàu của Pinochet vốn đã và đang làm cho họ thậm chí còn nghèo hơn bao giờ hết.
Noemi quả thật cảm thấy sợ, rất khiếp sợ. Cô luôn liên tục nhìn qua vai mình, hạ thấp giọng với một sự lo lắng thường trực. Noemi cảnh báo rằng có rất nhiều người tôi kết bạn đang gặp nguy hiểm. Trong số đó có Manuel Guerrero, vị giáo sư đại học tôi đã gặp rất nhiều lần tại Taller Amistad. Khi ông diễn thuyết tại một cuộc biểu tình bí mật ở một trường đại học, chúng tôi tranh thủ gặp và ôm nhau. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Manuel.
Một tuần sau Noemi gọi điện, khóc như điên dại. Manuel đã mất tích. Có kẻ đã xông vào và bắt ông đi ngay tại giảng đường trước đó hai ngày. Từ đó hoàn toàn bặt tin về Manuel. Ngay cả Noemi bây giờ cũng không dám ở nhà, sợ là sẽ sớm tới lượt mình. Tôi muốn cho Noemi đến ở cùng nhưng không thể. Bà chủ nhà người Chi Lê quá sợ chuyện không hay sẽ xảy đến. Một đồng nghiệp cũ của tôi tại Liên hiệp quốc đồng ý cho chúng tôi một căn phòng của anh. Cả hai chúng tôi cùng dọn đến đó.
Sau một tuần trôi qua trong hồi hộp và sợ hãi, thi thể của Manuel và hai “phần tử phản động” khác được tìm thấy trên đường dẫn tới sân bay. Cổ họng cả ba đều bị cắt. Chúng tôi đến nhìn thi hài của Manuel tại nhà ông, cảm giác rờn rợn như quỷ ám. Khuôn mặt Manuel được trang điểm rất dày. Một miếng băng trắng quấn vòng quanh cổ. Khi chúng tôi đi quanh quan tài, tôi nhận ra cả móng tay và chân của Manuel không còn nữa. Các đầu ngón tay, được đặt chéo ngang ngực Manuel theo nghi thức truyền thống, thì đỏ bầm và xanh. Chúng kéo mất hết các móng tay của ông rồi!
Tôi thậm chí còn không có thời gian để đi thật chậm quanh quan tài. Gia đình Manuel nói với tôi họ cảm thấy an ủi phần nào khi có một người nước ngoài (là tôi) đến chứng kiến đám tang. Để thấy tận mắt người ta đã làm gì đối với con trai, chồng và cha họ. Gia đình cũng bí mật dúi vào tay tôi một cuốn băng video. Chắc họ tin là tôi sẽ kể cho cả thế giới nghe về câu chuyện bi thương này?
Lúc đưa thi hài ra nghĩa trang, tôi đi ngay phía sau quan tài. Nghĩa trang nằm ở phía bên kia của thành phố. Tôi đi bên cạnh gia đình Manuel, theo sau là dòng người ngày càng đông. Đám đông dài đến hàng dặm. Vậy là, một đám tang đã vô hình trung biến thành cuộc tuần hành; từ cuộc tuần hành bỗng hóa thành cuộc biểu tình. Thực sự ấn tượng. Khi chúng tôi đi đến con đường dẫn vào nghĩa trang, cuộc biểu tình đó đã thu hút đến hàng ngàn người! Tôi thực sự hoang mang. Không thể tin được
là nỗi đau này lại do chính chính phủ gây nên – một chính phủ quân sự luôn tự coi mình là rất vì dân.
Chúng tôi đến cổng nghĩa trang. Người người xuất hiện ở khắp nơi. Mọi người khóc, la thét và gọi tên Manuel. Trời đang tối dần. Bất thình lình, nghĩa trang bị bao vây bởi rất nhiều xe buýt đầy binh lính. Đám đông nhanh chóng giải tán. Tốt nhất là ra khỏi đây. Noemi chộp lấy tay tôi và, đầy miễn cưỡng nhưng cũng hết sức vội vàng, chúng tôi đi đến trạm xe điện ngầm gần nhất.
Chị của Manuel tuyệt thực tại một nhà thờ ở trung tâm Santiago. Tôi đến thăm chị cùng với hai người nữa. Đó là một cách thể hiện tình đoàn kết. Nhưng không khí ở đấy có cái gì đó thật lạ. Ở đấy toàn là những con người có học thức, văn minh, và tất cả đều đang bị đặt trong tầm theo dõi của cảnh sát, những “Pasco”. Đâu là giới hạn của chính phủ đưa ra? Khi nào họ sẽ quyết định “can thiệp”? Tôi sẽ có câu trả lời sớm thôi.
Cũng có rất nhiều nam thanh niên lảng vảng trong nhà thờ. Họ trông giống như Che Guevara(*) vậy: râu quai nón, tóc dài. Cũng có nhiều người như vậy bên ngoài, đang làm náo động không khí với băng rôn và khẩu hiệu. Họ đang sống cho lý tưởng của mình. Tôi đưa chị của Manuel một ít nước và ôm từ biệt cả gia đình. Khi tôi đang chuẩn bị rời khỏi sân nhà thờ thì một chiếc xe buýt quân đội trờ tới ngay trước cổng. Năm viên cảnh sát nhảy phóc ra và bao vây người biểu tình, đẩy họ về phía xe buýt. Những cảnh sát này được trang bị gậy cao su và có vẻ như sẽ không ngần ngại để sử dụng thứ vũ khí đó. Mặc dù có gào thét, nhưng tất cả dòng người biểu tình đều tuân theo sự điều khiển của lực lượng cảnh sát. Họ chấp nhận bị “lùa” lên xe buýt.
* Ernesto Guevara de la Serna (1928-1967), thường được biết đến với tên Che Guevara, El Che hay đơn giản là Che, là một nhà cách mạng Mác-xít nổi tiếng người Argentina, là thầy thuốc, người tạo ra học thuyết quân đội, nhà lãnh đạo quân du kích và phong trào cách mạng Cuba.
Những gì đang diễn ra tại hiện trường níu chặt tôi lại theo dõi. Bất thình lình một viên cảnh sát chộp lấy tay tôi và kéo đi. Thoạt đầu tôi bất ngờ đến nỗi cứng đơ, không kịp phản ứng gì và để mặc cho anh ta kéo tôi về xe buýt. Cho tới khi bước lên bậc đầu tiên của xe buýt thì tôi mới buột miệng hỏi, bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Anh không thấy tôi là người nước ngoài sao?
- Chúng tôi biết rõ cô là ai!
Viên cảnh sát trả lời và đẩy tôi lên xe, lần này thậm chí còn mạnh hơn. Nhìn vào mắt anh ta, tôi chợt hiểu lúc này nói lý lẽ với kẻ mạnh cũng bằng không. Theo bản năng sinh tồn, tôi dùng hết sức đẩy viên cảnh sát ra thật mạnh và bắt đầu tháo chạy. Khi ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy rõ gương mặt thất thần của viên cảnh sát. Tôi cứ chạy, như thể chưa bao giờ chạy như thế trong đời. Chạy hay là chết, chỉ vậy thôi. Tôi chạy liên tục trong khoảng 15 phút, băng qua những khu vực sầm uất nhất của thành phố. Khi đến Nhà thờ Vicaria, nơi còn ủng hộ lý tưởng dân chủ, dù chưa kịp hoàn hồn tôi đã báo ngay với vị linh mục ở đó những gì mình vừa chứng kiến.
Tôi hiểu trái tim mình cũng hướng theo lý tưởng đó. Nhưng đó không phải là con đường tôi chọn để đi. Tuy vậy, ít ra thì tôi cũng có thể mang cuộn băng video mà gia đình Manuel đã bí mật trao cho tôi ra khỏi Chi Lê. Cụ thể hơn, gia đình Manuel muốn tôi mang nó đến Amsterdam và trao cho Phong trào Chi Lê ở đó.
Tim tôi muốn văng ra khỏi lồng ngực khi đi qua trạm kiểm soát hải quan. Nhưng cuối cùng, tôi cũng qua lọt.
NGÀY THỨ BA - NHỮNG XÁC NGƯỜI PHÂN RÃ
Khi tôi giật mình thức dậy, trời lại sáng. Và mưa! Tôi khát nước quá. Nên cứ thè lưỡi ra. Cũng đỡ được một chút. Tôi mở miệng rộng tối đa có thể. Và cứ nhấm nháp bất cứ giọt nhỏ nào rơi vào. Mưa tạnh, mặt trời lên. Đối với người Hà Lan, đó là tín hiệu tốt lành, trong mọi hoàn cảnh. Tôi lại nhìn xung quanh. Nhìn đi nhìn lại. Mọi thứ đều xanh tươi. Xanh đến nỗi chúng có thể hút cả tôi vào. Thông, cỏ dày, rêu và cây xanh ở khắp nơi.
Bây giờ là thứ Hai. Jaime đang trên đường từ Madrid về New York. Anh sẽ đi thẳng từ sân bay tới văn phòng rất trễ. Thị trường sẽ diễn biến như thế nào? Đúng ra tôi không nên quan tâm làm gì. Cho tới thứ Tư. Lúc đó thì chuyện gì Jaime cũng làm, cho dù là dời non lấp bể. Chắc chắn. Tôi tin Jaime.
Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ sáng. Tôi lại nhìn người đàn ông vắn số. Tôi không có ý nhìn ông ta, chỉ là vì ông nằm đó, ngay bên cạnh tôi. Ê, có cái gì trắng đang động đậy từ khóe mắt của ông ta. “Sâu trắng” à? Dĩ nhiên rồi. Tới lúc này thì xác ông ta phải bắt đầu phân hủy. Ở những nơi nóng và ẩm ướt thế này thì phân hủy còn nhanh hơn. Phân hủy à? Ôi Chúa ơi, tôi rùng mình khi nghĩ đến đó và khẽ liếc mắt nhìn lại. Tôi vẫn thấy chúng và bây giờ đã có thể gọi chính xác tên của những con “sâu trắng” kia: giòi! Lúc nhúc trên thi thể người đàn ông! Cái mùi tôi ngửi được nãy giờ chính là cái mùi này đây. Mùi thối rữa! Bất thình lình mà tôi nhận thức đầy đủ về nó. Cái mùi thối rữa càng ngửi càng chỉ muốn đổ bệnh. Tôi cố lết đi nơi khác. Và cơn đau ở hông lại nhói lên dữ dội! Tôi nhìn kỹ hai tay mình: không có giòi. Chỉ có lũ đỉa đang say sưa hút máu. Bình tĩnh lại. Đừng nhìn.
Tôi hít thở sâu. Và thấy mọi việc đang diễn ra hợp lý. Đây là rừng xanh. Như một cái tử cung khổng lồ sản sinh tất cả muôn loài. Hết sức tự nhiên thôi. Tự nhiên. Sinh và tái sinh. Vòng luân hồi của cuộc đời. Sự tươi đẹp của cuộc đời. Đừng nhìn lũ giòi nữa. Hãy tận hưởng vẻ đẹp của khu rừng đi. Tôi nhìn cây và lá. Nhìn cứ như thể là mình đang hít thật sâu sự tinh túy của chúng chứ không phải là cái mùi kinh khủng kia. Có hiệu quả. Bình tĩnh lại.
Tôi quyết định đã đến lúc không thể ở gần cái xác đang phân hủy của người đàn ông này nữa. Tôi chộp lấy tờ 50 đô-la trên túi áo ông ta. Mắt tôi dừng lại ở chiếc đồng hồ trên tay ông. Có nên lấy nó luôn không? Nếu muốn vậy thì tôi phải chạm vào cánh tay lạnh lẽo và lúc nhúc giòi trên đó. Không, tôi không thể. Lúc mới lớn, tôi có đọc một cuốn sách tiếng Hà Lan về một cậu bé phát hiện ra xác chết trôi trên sông. Cậu bé nhìn vào chiếc đồng hồ của xác chết và nói: “Đi đi, nếu không tôi lấy cái đồng hồ bây giờ!”, nhưng sau đó vẫn lấy nó bất luận xác chết có “nghe” cậu nói hay không. Tôi không làm được như vậy. Tôi cũng chợt nhớ lại một cảnh trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ, trong đó những người chủ phòng trọ cuối cùng phải trộm tài sản của những xác chết từ trong hầm mộ ở Paris. Tôi đã xem vở nhạc kịch này ở cả Broadway (New York) và Covent Garden (Luân Đôn). Ôi, những thế giới khác nhau vời vợi!
Tôi di chuyển bằng cùi chỏ. Đau thấu xương. Cùi chỏ phải tôi có vết thương mở rất to. Nhất cử nhất động, tôi đều có cảm giác như những nhánh cây khô và cả bụi nữa đều đang cứa và thịt mình. Nhưng tôi đâu còn lựa chọn nào khác: hông thì không thể giữ thăng bằng, chân thì gãy. Tôi phải trườn cả thân mình cùng cánh tay. Tôi “đi” qua xác người đàn ông. “Đi” qua xác cô gái, ngón tay cô không còn nắm chặt lại nữa. Trên tay cô vẫn còn cái túi vải. Suy nghĩ đắn đo, cân nhắc một hồi, tôi quyết định lấy cái túi vải đó. Đeo nó lên vai, tôi trườn xuống đồi, về phía cái cánh còn lại của máy bay. Mọi thứ đau cứ như là bị tra tấn ở địa ngục. Địa ngục! Đừng nhìn xuống! Đừng nghĩ tới Pasje. Tôi tìm cho mình một điểm “an cư” mới, bên cạnh cánh máy bay.
Tôi nhìn quanh. Ở đây tôi có thể nhìn mọi vật thoáng hơn. Cảnh quá đẹp. Quá nhiều thứ để chiêm ngưỡng. Bên phải tôi là dãy núi hùng vĩ. Tai nạn máy bay đã phá nát một vạt rừng, để lại những cái cây trụi lủi. Theo hướng tích cực, điều này cũng có cái lợi của riêng nó, ít nhất là cho riêng tôi. Cây mất ngọn, tạo điều kiện cho ánh mặt trời đi thẳng xuống mặt đất. Tôi sung sướng sưởi từng tia nắng đó.
Tôi mở cái túi của cô gái ra: một cuốn sách ngữ pháp tiếng Đức-Việt và một cái áo choàng đi mưa màu xanh. Cái áo choàng này có mũ trùm đầu nhọn và thân trước dài. Tôi nhận ra cách thiết kế này, vốn được dành cho những ai đi xe đạp, khi đó thân trước sẽ che phủ lên ghi-đông. Ở Hà Lan, các cô cậu bán báo hay xài áo choàng kiểu này. Nhiều lắm. Tôi trùm áo choàng lên đầu. Có lẽ nhờ vậy tôi sẽ giữ cho thân mình không bị ướt và giúp giữ ấm cơ thể. Tôi ở yên một chỗ. Vẫn lạnh. Lạnh lắm. Run bần bật. Đến khi kiệt sức, tôi gục đầu xuống.
Trăng mọc ngay cạnh ngọn núi. Trăng rất tròn. Có vài đám mây. Cảnh vật lúc này giống như là một bộ phim Disney. Thiên nhiên thơ mộng. Chỉ có ánh trăng. Tôi đúng là đứa con gái thành thị, chưa bao giờ được chứng kiến những cảnh như thế này.
Đến giờ ngủ rồi. Tôi chợp mắt và mơ về văn phòng. Về Ana Botin, Helen, Jaime, và về thị trường chứng khoán…
CÔNG VIỆC MƠ ƯỚC
Amsterdam - 1986
Sau khi hoàn tất việc học hành, tôi và Pasje đến Amsterdam. Anh rể tôi giờ đã là Thị trưởng thành phố này, còn chị gái tôi là Nghị sĩ của The Hague. Vì công việc bận rộn, anh chị tôi không sống chung một nhà với nhau. Cũng như anh chị mình, tôi và Pasje quyết định không sống chung, mặc dù mối quan hệ của chúng tôi lúc này đã khắng khít lắm rồi. Pasje ở với vài người bạn thân chung của hai đứa. Tôi thì cùng hai người bạn khác có nhà ở theo chính sách “chống chiếm nhà”.
Vào thập niên 1980 ở Amsterdam, những ngôi nhà bị bỏ trống trên thị trường luôn có nguy cơ bị rơi vào tay những phần tử chuyên đi chiếm đóng nhà. Một trong những giải pháp để đối phó với vấn nạn này là nhờ người vào ở trông coi nhà. Chúng tôi sẽ sống trong thời gian ngắn hạn ở những ngôi nhà như thế, tùy theo yêu cầu chủ nhà. Điều tuyệt vời là những ngôi nhà như thế thường rất đẹp, lại nằm ở vị trí đắc địa. Khi nào chủ bán được nhà, chúng tôi lại tìm chỗ mới. Hết sức tình cờ, tôi lại sống cạnh ngay nhà ông thị trưởng – và vì vậy, thỉnh thoảng sống cạnh chị gái mình – trong sáu tháng.
Tôi và Pasje dành thời gian bên nhau hầu hết ở chỗ anh, vốn có nhiều tiện nghi hơn và nằm trên con kênh hữu tình ngay kế bên khu đèn đỏ. Cái quan trọng là Pasje “an cư” hơn tôi nhiều, vì hầu như không phải di chuyển liên tục.
Tôi kỳ vọng có một chân trong Ngân hàng ING. Cuối cùng cả tôi và Pasje đều được làm việc ở đó, cho dù là ở những bộ phận khác nhau. Pasje bị coi là quá già để có thể tham gia chương trình quản trị viên tập sự ở bộ phận quốc tế. Nhưng nhờ vậy anh lại có cơ hội chứng tỏ mình là một chuyên viên ngân hàng thực sự. Còn tôi thì chưa.
Có lẽ cái sự khinh khỉnh từ các đồng nghiệp – đều là nam – dành cho tôi trong năm đầu tiên ở ngân hàng không chỉ đơn thuần liên quan đến việc tôi là nữ quản trị viên tập sự duy nhất. Tôi biết cái thái độ kẻ cả đó còn xuất phát từ trực giác của họ cho là tôi đã ở nhầm chỗ. Tuy vậy, tôi muốn trở thành người phụ nữ đầu tiên tồn tại được ở đây.
Sáu tháng tập sự đầu tiên, tôi làm việc tại một chi nhánh địa phương của ngân hàng ở phía bắc Hà Lan. Pasje cũng vậy. Hàng ngày chúng tôi cùng đón xe lửa đi làm. Khi hết thời gian thực tập ở chi nhánh ngân hàng, tôi chuyển đến phòng tín dụng lớn hơn tại trụ sở chính ở Amsterdam và được bổ nhiệm vào bộ phận công nghiệp xây dựng.
Cứ phân tích báo cáo thường niên từ cái này tới cái khác thì thật là chán. Lĩnh vực duy nhất tôi nắm “quyền sinh sát” là thẩm định hồ sơ xin cho vay để xếp chúng thuộc vào dạng “dưới chuẩn” hay “đủ chuẩn”. Không có chuyện ỡm ờ ở giữa. Và trong hầu hết các trường hợp, tôi thẩm định là “khách hàng đủ chuẩn” vì đó đều là những trường hợp tái tục các khoản vay. Rồi một ngày nọ, khi thẩm định hồ sơ tín dụng và phần tổng hợp các bài báo viết về một công ty, tôi thấy có cái gì đó không ổn. Tôi không hiểu vì sao, nhưng có một cái gì đó về ông tổng giám đốc của công ty này mà tôi không thích. Công ty đặt ở Eindhoven, và tôi cầm ngay điện thoại gọi cho người anh họ đang làm việc cho công ty Philips và có nhiều mối quen biết ở đó. Các đồng nghiệp trong phòng đều nghe lõm bõm được nội dung cuộc nói chuyện điện thoại của tôi. “Bây giờ cô đổi nghề, sang làm việc cho công ty thám tử tư rồi hả?”, các đồng nghiệp hỏi khi tôi cúp máy. Anh họ tôi gọi lại và khẳng định ông giám đốc khả nghi đó là một tay chơi cá ngựa. Tôi lập tức đóng dấu “khách hàng dưới chuẩn” lên bộ hồ sơ. Sau đó ông tổng giám đốc ngân hàng đến bàn làm việc của tôi và yêu cầu tôi giải thích chi tiết hơn về thẩm định của mình, để dựa vào đó ông có thể bảo vệ quyết định này trước hội đồng quản trị.
Sau khi xong việc, tôi và Pasje đến quán Hoppe, một quán rượu ở Amsterdam được giới ngân hàng ưa chuộng, để ăn mừng thành quả đầu tiên của tôi. Sau đó, khi đang ăn tối ở nhà Pasje, anh có điện thoại từ người pha chế thân thiện ở Hoppe: Tôi đã bỏ quên cặp táp mình ở đó, với tài liệu tuyệt mật bên trong!
Cứ mỗi tháng một lần các quản trị viên tập sự - bảy tên đàn ông và một mình tôi – lại nhóm họp ở trụ sở chính để thảo luận về tiến độ công việc. Sau đó, John, người phụ trách nhân sự với công việc duy nhất là quản lý các tập sự viên, sẽ dẫn chúng tôi ra quán Hoppe uống rượu. John luôn muốn tìm cách phát triển chương trình này hơn nữa và muốn đem những ý tưởng mới nhất của mình ra thảo luận. Chúng tôi không khác gì vật thí nghiệm của John.
Tại quán rượu, John báo với chúng tôi là ngân hàng AMRO vừa cho các quản trị viên tập sự của mình theo học một khóa rèn luyện kỹ năng sống còn ở Ardennes (Pháp). “Lái bè dọc sông, bị bỏ rơi trong rừng vào ban đêm, và còn nữa. Chúng tôi có nên cho các bạn đi học khóa đó không?”
Mấy tên đàn ông ngay lập tức tán đồng. Trong mắt họ, đó là con đường tuyệt vời để khám phá những kỹ năng mới, để xây dựng tính cách. Nhưng John, người luôn công khai thích thú việc “chia để trị” chúng tôi, nói rằng mục đích của khóa học là để tìm ra người lãnh đạo thực sự. Và anh nhìn tôi đầy nhạo báng, hỏi: “Quý cô nghĩ sao?”. Tôi cố tình nhún vai: “Cứ tự nhiên đi. Có thể anh sẽ ngạc nhiên. Tôi sẽ làm ngon lành” và nói tiếp: “Nhưng không nhất thiết điều đó sẽ giúp tôi trở thành một chuyên gia ngân hàng giỏi”.
Chúng tôi không đi lái bè. Nhưng theo thời gian, giai đoạn tập sự của chúng tôi càng lúc càng trở nên cạnh tranh gay gắt. Đã trải qua 2/3 chương trình, chúng tôi sắp được biết vị trí công tác ở nước ngoài đầu tiên của mình là ở đâu. Và mọi người ai cũng hối hả để sẵn sàng lên đường. Nơi được săn đón nhiều nhất là New York. Tôi – cũng như những người khác – đều nhận thức rất rõ là nếu tôi vượt qua chương trình này – tôi sẽ là nữ quản trị viên tập sự đầu tiên được một ngân hàng Hà Lan cử ra nước ngoài.
Tôi không tin mình xứng đáng. Nhưng thực tế thì tôi đã được đi New York.
NGÀY THỨ TƯ - CƠN MƠ TRÀ LIPTON
Tôi choàng tỉnh trong “chỗ ở” mới. Không còn thi thể “hàng xóm” nào xung quanh. Đồng hồ cũng không còn, nhưng hình như vẫn còn sớm. Tôi ngước nhìn mặt trời. Dãy núi bên phải tôi nhú ra như chóp nón khổng lồ. Cây dại mọc đầy giữa cái khe chia cắt tôi với dãy núi. Như khu rừng của Tarzan. Và tôi là Jane(*). Phải rồi.
Dưới chân tôi khoảng ba mét không còn cảnh rừng trơ trọi vì máy bay rơi. Và rừng lại được là rừng. Chỗ tôi ngồi đây phải là khá cao trên núi. Nếu tự tôi leo lên đây bình thường thì phải vất vả lắm. Theo kế hoạch thì tôi còn phải đợi thêm bốn ngày nữa. Tôi lật sơ qua cuốn sách ngữ pháp Đức-Việt của cô gái và đọc thử một trang. Chưa bao giờ tôi thích tiếng Đức. Hay là mình thử dùng tiếng Việt? Khó tập trung quá. Đầu tôi cứ nhẹ bẫng. Cứ như là từng đám mây cứ thay phiên trùm lấy đầu tôi. Thôi, cố quên đi. Tôi quay lại là mình. Mình của chờ đợi.
Ở chỗ mới, tôi có thể chiêm ngưỡng quang cảnh thoáng đãng hơn. Tôi nhớ những tiểu tiết của từng chiếc lá ở nơi cũ, nhưng ở đây tôi có thể nhìn xuống khe núi sâu hơn ở bên phải. Nơi đó, rừng thật dày đặc, như một bức tường xanh khổng lồ. Và hơn thế nữa, ngồi ở đây tôi có thể nhìn thấy máy bay cứu hộ! Và họ cũng có thể thấy tôi.
* Jane Porter, nhân vật nữ chính trong bộ tiểu thuyết - và sau đó được chuyển thể thành phim - Tarzan.
Bất chợt tôi nhận ra việc chỉ đơn thuần mình có mặt ở đây, sống sót và vẫn còn ý thức, đã quan trọng đến dường nào. Tâm trí tôi cùng lúc vừa hoang mang vừa quyết tâm. Nước! Phải rồi, tôi phải uống nước. Tôi cần nước. Tôi ngước nhìn phần cánh bị gãy của máy bay và nhận ra các thiết bị cách nhiệt đều được làm từ giấy hoặc bọt xốp. Tôi nảy ra một ý: có thể tận dụng các thiết bị cách nhiệt này như một vật xốp có thể hút nước! Phải rồi, tôi phải lấy cho được! Bằng cách nào đó, tôi buộc mình từ từ đứng dậy. Trên đôi chân gãy. Tôi với tay về cái cánh gãy. Hông tôi lại đau thấu xương. Không với nổi. Tôi tiến lại gần hơn, và thử lại lần nữa. Ngực đau như có ai đâm, nhưng tôi vẫn dùng hết sức bình sinh để chạm tới cái cánh. Cuối cùng thì tôi cũng chạm vào được các thiết bị cách nhiệt đó. Chộp lấy những mảnh nhỏ, tôi rải chúng xuống mặt đất, ngay bên cạnh chỗ tôi nằm. Cho là đã lấy đủ, tôi cố quay trở lại chỗ cũ của mình. Lần này thậm chí còn đau hơn. “Aaahhh!”. Tôi thét lên vì đau. Khi nằm dài ra, tôi bắt đầu gom lại các mảnh xốp, nặn chúng thành bảy quả bóng nhỏ, xếp chúng ra đó, và lại chờ đợi. Đợi mưa. Khát, khát quá đi thôi. Tôi mệt kinh khủng. Chỉ cố gắng đứng trong vài phút mà bây giờ cơ thể tôi hầu như kiệt quệ. Tôi gục đầu ngủ.
Tôi lại thức giấc. Bởi vì trời mưa. Mưa như trút nước! Mưa lớn đến nỗi tôi phải giữ cái mũ trong áo choàng đi mưa của mình với cả hai tay để hứng nước, và uống ừng ực từng giọt. Ôi, ngon có khác gì rượu sâm banh! Tôi hoan hỉ nhìn từng quả bóng xốp đang thấm nước, và tự chúc mừng mình: thành công rồi! Nhờ vậy mà mấy ngày tới tôi có thể lây lất được đây!
Mặt trời bắt đầu lặn. “Đi ngủ thôi”, tôi tự nhủ. “Ngủ đi, đừng suy nghĩ gì hết”. “Chỗ ở” mới sáng sủa hơn nên tôi ngủ dễ hơn. Rõ ràng là tôi thấy cô bạn Helen, xuất hiện từ dãy núi. Helen lớn lên ở New Jersey và là đứa con thứ hai trong gia đình có bốn người con. Cô này có thói quen mời tôi đi ăn ở Madrid, và bây giờ đang đưa cho tôi một ly trà đá Lipton, một trong những thức uống Mỹ khoái khẩu của Helen. Nhưng chưa kịp lấy cốc trà thì tôi chợt thấy Helen lùi dần vào dãy núi.
“Này, đừng đi!”, tôi thét lên. Tôi biết rất rõ là mình đang ngủ và cũng chẳng thể nào đi tới chỗ của Helen. Nhưng tôi thực sự muốn cô bạn mình quay lại. Tôi cứ gào thét, gào thét tên cô. Tôi muốn có ly trà đá của mình!
SỰ NGHIỆP THĂNG TIẾN
New York, Amsterdam, Luân Đôn – 1987-1989
“Tôi sẽ làm cho cô khóc”, vị trưởng phòng quản lý nguồn vốn dành cho các nước kém phát triển nói với tôi như vậy khi tôi vừa chân ướt chân ráo đến New York. “Ai cũng khóc dưới tay tôi rồi. Lap vừa khóc cách đây mới một tiếng”, ông trưởng phòng ám chỉ nhân viên lão luyện người Mỹ gốc Hoa của mình.
Tôi nhìn sếp mới của mình đầy ngờ vực. Dù gì thì mình cũng đã qua hai năm thực tập sinh mà không khóc một lần. Làm sao ở đây có thể tệ hơn được. Cuối cùng tôi đã được đến nơi mình muốn, ở ngay thánh đường của phòng quản lý nguồn vốn dành cho các nước kém phát triển. Đây là lý do vì sao tôi chọn Ngân hàng ING ngay từ lúc đầu. Bộ phận này tuy nhỏ nhưng là tâm điểm của thị trường còn non trẻ này.
Ông trưởng phòng chưa ra đòn bao giờ. Nhưng phải công nhận ông có uy vô cùng. Đích thực là vậy. Toát ra từ ông là sự nhiệt thành với công việc và một tài năng lỗi lạc. Phòng của tôi quy tụ toàn người trẻ và tài giỏi. Niềm vui công việc của chúng tôi là tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ, chứ không chỉ là tiền bạc.
Vào thập niên 70, thế giới tràn ngập đồng đô-la dầu khí. Chạy theo lợi nhuận, ông chủ các ngân hàng đua nhau cho các nước kém phát triển, bây giờ được gọi là thị trường mới nổi, vay đồng đô-la vượt trần quy định. Đầu thập niên 80, lãi suất tăng hơn gấp đôi do cuộc khủng hoảng dầu khí. Điều này tạo ra những khoản nợ khổng lồ không có khả năng thu hồi ở các nước kém phát triển vì họ cạn sạch đồng đô-la để trả các khoản vay này. Từ đó, một thị trường thứ cấp ra đời. Một thị trường ngoại lai thú vị, mới mẻ và đầy hấp dẫn: thị trường mua bán nợ xấu. Tôi yêu công việc này. Và tôi cũng khóc ít đến nỗi tôi được chuyển về Amsterdam để tiếp tục công việc tại bộ phận quản lý nguồn vốn cho các nước châu Âu kém phát triển.
Có cảm giác như nhóm chúng tôi thuộc thành phần cao cấp trong ngân hàng. Việc chào giá vẫn được tiến hành qua điện thoại; thời đó chưa có giao dịch qua màn hình. Chúng tôi phải ôm máy điện thoại, gọi liên tục để kiểm tra xem ai đang làm gì, và với giá nào. Nếu đang giao dịch với New York, dĩ nhiên nhóm chúng tôi phải ở lại công ty trễ hoặc chạy về nhà và tiếp tục làm việc. Thời đó chưa được trang bị điện thoại di động.
Trẻ trung, hiện đại và chuyên nghiệp – tất cả chúng tôi đều hội đủ những yếu tố đó. Chúng tôi gọi điện đến ngân hàng để thuyết phục họ chuyển đổi hoặc bán nợ. Chúng tôi tư vấn họ cơ cấu các khoản giao dịch và cả danh mục đầu tư. Chúng tôi tự cấu trúc từng khoản giao dịch và chuẩn bị đống hồ sơ cho vay dài bất tận. Chúng tôi thức cả đêm ngồi bên cạnh máy fax, cắt từng cuộn giấy fax dài lê thê thành những trang thông thường. Và sau đó kết thúc công việc ở văn phòng luật sư.
Tôi làm việc tại Bộ phận mua bán nợ các thị trường mới nổi, Luân Đôn, tháng 1/1989
Tôi có cảm giác mình như đứa trẻ được bỏ vào quầy bánh kẹo. Mọi thứ hết sức hợp với sở trường và sở nguyện mình. Kinh tế toàn cầu, nợ nước ngoài, trao đổi qua điện thoại, và chấp nhận rủi ro. Và hơn thế nữa, tôi được sống ở Amsterdam với Pasje.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm, ngân hàng quyết định chuyển bộ phận của chúng tôi đến Luân Đôn. Tôi cũng được biết là rất ít có khả năng mình được luân chuyển đến đó. Ngân hàng không muốn tôi chỉ là chuyên gia trong một lĩnh vực đơn thuần; họ muốn tôi thành một chuyên gia ngân hàng thực sự. Ngân hàng vẫn chưa đầu tư huấn luyện cho tôi theo kiểu tôi có thể mua vào 50 đồng và bán đi được 52 đồng rưỡi.
Nhưng đó cũng tình cờ là cái nghiệp đeo đuổi tôi. Lúc tôi đang chuẩn bị rời khỏi ING và đang phỏng vấn xin việc ở một số ngân hàng khác thì nhân viên quản lý nguồn vốn ở Luân Đôn bất thình lình qua đời. Số phận bi thảm của anh này hóa ra lại là cơ may của tôi.
Trớ trêu thay, sự nghiệp của tôi cất cánh lại là nhờ vào một tai nạn máy bay rơi.
Hernan là một nhân viên người Argentina còn trẻ, đang trên đà thăng tiến, và có cô vợ xinh đẹp tên Fabiana. Cả hai hết sức đẹp đôi, đẹp đôi đến mức “quá hoàn hảo để tồn tại ở thế giới này” như lời một thư ký người Anh đã thốt lên sau khi cặp vợ chồng này tử nạn. Họ chỉ vừa chuyển đến Luân Đôn từ Buenos Aires trước đó năm tháng, và vừa quyết định vào phút chót là sẽ bay qua New York trước khi về nhà nghỉ Giáng sinh. Họ chọn vé của hãng Pan Am và cuộc đời của cặp đôi hoàn hảo này kết thúc trên bầu trời Lockerbie (Scotland).
Một tháng sau tai nạn, tôi được thăng tiến và chuyển đến Luân Đôn. Để đi đến quyết định này thì người trong cuộc đã phải trải qua rất nhiều cuộc họp hành và thỏa thuận; Ngân hàng ING Amsterdam không muốn để tôi đi. Tôi được đào tạo để trở thành quản lý ở một trong các văn phòng đại diện nước ngoài, chứ không phải nhân viên mua bán nợ. Trong lúc chờ đợi lãnh đạo đàm phán giằng co để có thể đưa ra quyết định cuối cùng, tôi cứ thu xếp hành lý, rồi lại không, rồi lại thu xếp… Pasje theo dõi nhất cử nhất động của tôi, thay đổi kế hoạch theo tôi, vẫn là theo cái cách hài hước thường thấy của anh. Cuối cùng thì quyết định cũng được gút lại: tôi đến Luân Đôn theo một hợp đồng biệt phái ngắn hạn. Ngoài khoản lương lãnh như hiện nay ở Hà Lan, tôi có thêm một khoản trợ cấp. Nhờ vậy, tôi có đủ tiền trả hết một lần các khoản vay lúc còn sinh viên. Còn hơn thế nữa, tôi và Pasje được phép thăm nhau cách mỗi cuối tuần, và dĩ nhiên ngân hàng sẽ chi trả tất cả những khoản này. Căn hộ của tôi ở Amsterdam cũng được giữ lại.
Tôi không những được thừa hưởng công việc và các khoản phúc lợi của Hernan, mà thậm chí còn được vào ở trong căn hộ đắt tiền của anh. Nó nằm ngay giao lộ Knightsbridge, Chelsea, và Nam Kensington. Cuộc sống cao cấp ngay tại Luân Đôn! Để đi đến chỗ làm, phương tiện duy nhất của tôi là tàu điện ngầm lúc nào cũng chật như nêm - hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của thế giới. Mắc bệnh sợ phòng kín, tôi thực sự có ấn tượng với cách người Anh hành xử cực kỳ biết tôn trọng khoảng không riêng của người khác. Trên tàu điện ngầm, người Anh luôn sẵn sàng cuộn tờ Financial Times của họ lại trong một mảnh bé xíu chỉ để tôn trọng không gian riêng khoảng 5 inch vuông của hành khách khác. Họ cũng sẽ chẳng bao giờ bất thình lình lùi lại – hay nói chuyện – khi tàu dừng lại, cho dù có dừng trong nửa tiếng đi chăng nữa. Khi trời nóng đổ lửa vào mùa hè, và mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt đầy cam chịu, những vị hành khách người Anh này thà vẫn cứ mặc áo khoác hơn là cởi nó ra để bạn thấy được những đốm lấm tấm trên chiếc áo sơ mi thiết kế của họ.
Tổng giám đốc của tôi có nền tảng học vấn chỉn chu (tốt nghiệp trường Oxford) và trông giống như một bức tranh biếm họa. Trong bộ com-lê sọc ca-rô, ông lúc nào cũng tỏ ra tỉnh như không trong mọi tình huống, ngay cả khi người khác cuống lên hoặc phát cáu.
Tôi yêu công việc và cuộc sống độc lập của mình ở Luân Đôn. Tan sở làm là tôi lại đi uống với đồng nghiệp. Và ở đó, chúng tôi trao đổi với nhau mọi thứ: những câu chuyện phiếm, bia, thông tin – tất cả mọi điều trong một không khí thân thiện nhưng cũng cạnh tranh.
Sở trường của tôi là giao dịch với các khách nợ ở Đông Âu. Họ tin tưởng tôi. Các khách hàng này vẫn chưa rành rẽ với thị trường, và tôi thực sự đặt lợi ích khách hàng của mình lên đầu
– và về phương diện này tôi hơn đứt các đồng nghiệp to mồm ở New York lúc nào cũng chỉ chăm chăm làm cách nào kiếm lời nhiều hơn. Tôi chỉ kiếm những khoản lời tôi cho là hợp lý, và vào thời đó như vậy vẫn là quá đủ rồi.
Khi thị trường của chúng tôi phát triển, các khoản thưởng cũng tăng theo. Chúng tôi ngày càng thấy mình xứng đáng được ăn tại những nhà hàng sang trọng nhất, thưởng thức các loại rượu thượng hạng và ở những khách sạn xa hoa nhất.
NGÀY THỨ NĂM - CHỐNG CHỌI VỚI CƠN KHÁT VÀ NỖI CÔ ĐƠN
Tôi nhìn vị trí của mặt trời. Mấy giờ rồi nhỉ? Không thể tin chắc về kiến thức hướng đạo sinh của mình, nhưng ít ra tôi nghĩ mình có thể biết được đã bao nhiêu tiếng trôi qua, đủ để tôi đáng được nhấm nháp một ngụm nước. Để xài tới quả bóng nhỏ bằng xốp kia. Ba tiếng một lần, tôi tự hứa với mình như vậy. Dù gì đi nữa thì tôi cũng có trực giác tốt về những con số.
Uống thôi. Tôi hút nước từ đó ra và nhấm nháp từng giọt. Hai hay ba tiếng trôi qua rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi vắt nước từ một quả bóng khác. Chỉ là nước thôi mà sao lúc này mùi vị ngon tuyệt vời. Đáng để chờ đợi quá đi chứ! Tôi tận hưởng cái nhịp điệu đều đều này. Bây giờ thì tôi đã bắt đầu tận hưởng những việc lặp đi lặp lại như thế này!
Tôi nhìn xuống tay. Bàn tay ngọc ngà – phần duy nhất trên cơ thể mà tôi thực sự cảm thấy tự hào. Giờ đây nó đã trở thành đôi bàn tay khổng lồ. Chúng phù lên và sưng húp đến mức chiếc nhẫn của Pasje như đang cắt vào ngón tay tôi. Chúng tôi mua chiếc nhẫn đó cách đây 13 năm tại de Haarlemmerstraat (Leiden), với giá 25 đồng guilder (tiền Hà Lan). Tuy vậy, chiếc nhẫn đó vẫn giúp tôi an ủi phần nào.
Tôi nhìn kỹ lại đôi tay mình. Mấy con đỉa khát máu đó vẫn đang tiếp tục tận hưởng! Chân tôi bây giờ cũng to lên gấp đôi. Trời đất! Tôi chỉ mang một chiếc giày. Mất chiếc còn lại khi nào vậy? Trên cái chân không giày đó bây giờ đầy vết thương. Móng chân tôi thì tím đen lại. Tôi chờ đợi. Tôi tính thời gian và tiếp tục chờ đợi. Nhưng mà mình đã đợi quá lâu rồi mà! Thật là kiên nhẫn quá đi! Tôi tự cười mình, cười cái tình huống cực kỳ trớ trêu của mình. Bệnh sợ phòng kín và thiếu kiên nhẫn. Không đủ kiên nhẫn để làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ tới chuyện tắm nắng ở Madrid, nhớ về việc tôi chẳng bao giờ có thể tắm nắng trong nửa tiếng. Đối với tôi, 20 phút đã là quá lâu và tôi không thể làm gì khác ngoài việc đánh bài chuồn. Tôi chẳng bao giờ chờ cho đến lúc tóc mình được sấy khô mỗi khi đi cắt tóc với cô bạn Helen ở Jacques Desanges. Lâu lắm, không có kiên nhẫn chờ.
Vậy mà bây giờ tôi ở đây, để chịu số phận bi đát là chờ đợi và ở yên một chỗ. Thật kiên nhẫn.
Nỗi sợ phòng kín của tôi chắc chắn là có liên quan tới sự thiếu kiên nhẫn. Tôi chỉ muốn liên tục di chuyển. Tôi ghét máy bay, dù là kích cỡ nào, khi chúng không chịu di chuyển như lẽ ra phải thế, khi chúng nằm yên trên đường băng. Tôi đã gặp chuyện này khi bay ở Washington DC, và khi đó Pasje phải thỏa thuận với tổ lái là tôi được đi vào buồng lái. Tôi “phải ra khỏi đây”. Nỗi sợ hãi khi “không động đậy” xảy ra ngay cả khi đi thang máy, trên tàu, hay ngồi trên thang đưa đến dốc trượt tuyết, thậm chí trong xe hơi.
Vậy mà bây giờ tôi lại ở đây. Kẹt cứng. Không sợ hãi. Chỉ biết chờ đợi.
Tôi hòa vào dàn âm thanh của khu rừng. Tiếng côn trùng vo ve. Tiếng dế réo rắt. Tiếng chim líu lo. Đều là những âm thanh quen thuộc. Chúng làm tôi nhớ lại bộ phim “Lực lượng thầm lặng”, bộ phim truyền hình dài tập chiếu trên đài truyền hình Hà Lan. Lúc xem phim đó mình bao nhiêu tuổi nhỉ? Chắc chừng 12? Bộ phim dựa trên một cuốn tiểu thuyết Hà Lan cùng tên, lấy bối cảnh Indonesia lúc còn là thuộc địa của Hà Lan. Cả câu chuyện cứ mang một sắc thái tối tăm và huyền bí. Bây giờ tôi mới hiểu. Sự bí hiểm nằm trong không khí. Trong âm thanh. Chắc chắn phải là một cú sốc văn hóa cho những người Hà Lan khi phải đến một môi trường sống như vậy. Như bà tôi, người đã kết hôn thông qua mai mối. Bà đã đi khắp trái đất bằng tàu trong suốt cả cuộc đời với người đàn ông bà quen biết chỉ qua lớp khiêu vũ. Cha hay kể cho tôi nghe những câu chuyện đáng sợ về Mắt Quỷ hay những con người đáng sợ, theo cách nhìn của người phương Tây. Kể như chuyện cười, nhưng rõ ràng là sắc thái của những câu chuyện đó thì không đùa chút nào. Tôi thường mang mấy câu chuyện này ra kể lại cho cô em họ nghe mỗi khi cô bé sang ở nhà tôi. Làm vậy đúng là hơi ác. Cô em tôi lần nào nghe xong cũng hãi hùng vì sợ. Còn tôi thì không. Lúc này cũng không.
Vậy nếu những nhân vật đáng sợ đó có xuất hiện ở đây ngay lúc này thì sao? Có lẽ sẽ làm tôi thấy bớt quạnh quẽ hơn vậy!
HÀI LÒNG VỚI MADRID
Chi Lê, Luân Đôn, Madrid - 1989
- Anh có điều bất ngờ dành cho em!
Pasje nói với tôi câu ấy vào một buổi tối thứ Sáu tôi trở về Amsterdam nghỉ cuối tuần. Chúng tôi đang đi uống nước ở sân thượng yêu thích. Com-lê chỉnh tề. Cặp táp gọn gàng bên cạnh. Cả hai đều là chuyên gia ngân hàng cao cấp rồi mà. Pasje nói tiếp:
- Anh sẽ ra nước ngoài sống. Tôi nhìn anh, ngơ ngác:
- Anh nói sao?
- Anh nghĩ về chuyện này cũng lâu rồi. Nếu hai đứa thực sự muốn có tương lai với nhau, anh phải trở thành công dân quốc tế thôi. Bởi vậy, anh vừa thỏa thuận xong với bộ phận quan hệ quốc tế.
Tôi nói không nên lời.
- Không đi đâu xa lạ đâu. Đi Chi Lê ấy mà. – Pasje nói tiếp. Tôi nghe mà như không thể tin vào tai mình. Pasje sắp đi.
Đi đến phía bên kia của thế giới. Đến Chi Lê. Chi Lê của tôi. Của chúng tôi.
Pasje trấn an tôi:
- Sẽ ổn thôi. Tin anh đi.
Pasje đi vào tháng Chín. Tháng Mười Hai tôi đến thăm anh, trong ba tuần. Thật tuyệt khi quay trở lại Chi Lê. Cứ như thể tình yêu chúng tôi dành cho nhau là do đất nước Nam Mỹ này định đoạt, hết lần này đến lần khác. Định đoạt bằng âm nhạc, ngôn ngữ, sự hiếu khách, và cả những nghịch lý ở đây. Còn định đoạt bởi những dãy núi, bởi vùng quê thuần hậu, bởi đại dương hoang dã, hoang dã từ trong tính cách.
Người bạn chung của chúng tôi, Noemi, đã bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Noemi làm việc với trẻ em nghèo ở khu ổ chuột và tổ chức các hội thảo chuyên ngành cho một chương trình phát thanh về các hoạt động nhân đạo của tổ chức Quyền quốc tế cho Trẻ em thuộc Liên hiệp quốc. Noemi và nhiều người bạn của chúng tôi ở đây run lên vì vui mừng khi Pinochet thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý năm
1988. Bây giờ Chi Lê thực sự “văn
minh” rồi.
Tôi và Pasje cùng mở quà cho ngày Thánh Nicolas từ gia đình của hai chúng tôi Pasje cũng mời anh chị và cả anh rể tôi đến Chi Lê. Em trai tôi, Bernard, vừa trải qua đợt điều trị ung thư. Những sang chấn về tinh thần lẫn thể xác dường như rút kiệt con người nó. Tôi và Pasje đưa Bernard cùng đi trong những chuyến du ngoạn đến vùng biển, và nó phục hồi thấy rõ. Có vẻ như vào lúc đó, Pasje cũng muốn trở thành bạn thân nhất của em trai tôi.
Trở lại Luân Đôn, tôi nhận được cuộc gọi từ trợ lý của Jaime Lupa, trưởng bộ phận giao dịch dềnh dàng nhưng cũng rất sinh động của Citibank ở New York. Người trợ lý này nói: “Ông Jaime Lupa sẽ đến Luân Đôn vào tuần tới. Ông ấy muốn mời cô ăn tối. Chỉ hai người”. Ăn tối? Hai người? Tôi biết ông Jaime này không thích sếp tôi, nhưng gặp tôi thì hình như cũng không ổn. Sếp thì phải gặp sếp chứ.
Tôi quen Jaime, dù trước giờ chỉ qua điện thoại. Tôi là người đầu tiên anh gọi mỗi sáng, khi sàn giao dịch New York bắt đầu làm việc. Jaime gọi để tìm hiểu xem các ngân hàng châu Âu đang làm ăn ra sao, và tôi nghe được những gì từ các giao dịch viên khác ở quán rượu đêm hôm trước. Thông tin chính là quyền lực và quyền lực cũng chính là thông tin. Jaime thích nói chuyện với tôi. Tôi cũng thích giọng nói lẫn cách phát âm của anh; thích luôn khiếu hài hước và quyền lực toát ra từ anh – một trong những nhà đầu tư đầu tiên tại thị trường của chúng tôi. Jaime thuộc kiểu dân giao dịch thực sự: cẩn trọng tối đa trong tất cả những vấn đề liên quan đến tính thanh khoản, tiền mặt… Nói tóm lại, Jaime thuộc mẫu người “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Bởi vậy tôi vui vẻ nhận lời mời ăn tối. Vừa đặt máy xuống thì Jaime cũng gọi tôi để “nói về thị trường”.
- Sao trịnh trọng vậy. – Tôi hỏi. – Sao cho thư ký gọi tôi trước làm gì khi mà anh gọi liền cho tôi như thế này?
- Bởi vì đó là cách làm việc ở Citibank. – Jaime trả lời đầy tự hào.
Ồ, tốt thôi. Bảo thủ có chọn lọc và lòng trung thành. Sao cũng được. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy căng thẳng khi gặp Jaime.
Luôn có cái gì đó kỳ kỳ khi lần đầu gặp riêng bên ngoài một ai đó bạn quen qua các giao dịch trên thị trường, sau khi đã bàn đã đời các kế hoạch nghỉ cuối tuần lẫn nghỉ dài hạn qua điện thoại trong thời gian dài. Với Jaime, các cuộc tán dóc qua điện thoại như vậy thậm chí còn thân mật hơn, chắc là vì về nguyên tắc chúng tôi không được làm vậy – và do vậy điều này chỉ càng làm cuộc trò chuyện thêm phần hứng thú. Khi Jaime muốn có thông tin gì thì lẽ ra anh phải gọi văn phòng New York của chúng tôi, nhưng anh lại không chịu làm vậy. Tôi và Jaime nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, và nhờ vậy không ai trong văn phòng tôi hiểu.
Những ai bạn đã từng nói chuyện nhưng chưa gặp bao giờ thường trông rất khác với những gì mà bạn tưởng tượng. Có vẻ như mọi người hay hình dung tôi thuộc kiểu phụ nữ ngăm đen, thấp đậm; nhưng ngoài đời tôi hoàn toàn ngược lại. Khi Jaime nói trước với tôi vào phút chót trước khi gặp là anh tóc dài, tôi hình dung ngay tới kiểu tóc đuôi ngựa bóng mượt, sáng loáng. Thực tế thì lại hết sức phũ phàng khi Jaime bước vào. Tóc không hề bóng mượt, mà lại quá rậm rạp. Cái kiểu tóc dài chấm vai. Và râu ria cũng rậm rạp. Và con người cũng đầy lông lá nữa. Trong khi tôi còn ngồi đó há hốc mồm thì sếp tôi đã kịp nhanh chóng đưa Jaime vào phòng hội nghị. “Không bao giờ tôi đi ăn tối với dạng người đó!” tôi nói với các đồng nghiệp đang lặng lẽ cười thầm. Họ nhắc nhở là tôi có bổn phận phải vào phòng hội nghị. Miễn cưỡng bước vào. Miễn cưỡng ngồi xuống cạnh Jaime. Đến lúc đó thì tôi nhận ra giọng nói của anh. Tôi cố trấn tĩnh. Cho đến lúc Jaime chộp lấy mấy điếu thuốc của tôi, tôi đã cười toe toét. Cười toe toét cả trong bữa ăn tối sau đó.
Jaime nói với tôi là anh đã ly dị. “Bị đá”, anh nói. “Có lý do đàng hoàng”. Anh trông có vẻ “mắc tội” nhưng nhanh chóng bồi tiếp: “Tôi chưa bao giờ ngoại tình”.
Jaime và các con
“Ồ”, tôi trả lời. Tôi biết nói gì về những chuyện này nhỉ? Hay là xem hình trong ví? À, đây rồi, hai đứa con trai của Jaime: dễ thương và kháu khỉnh vô cùng.
Jaime trông có vẻ dễ tổn thương. Không phải là Jaime mạnh mẽ sắt đá tôi từng mường tượng. Không phải Jaime mà ai cũng nhắc tới và cảnh báo tôi. Không phải tay trưởng bộ phận giao dịch tàn nhẫn, khôn ngoan “không có đối thủ” của Citibank. Jaime cất hình vào ví, nhẹ nhàng và cẩn thận, đặt chúng sau mớ thẻ tín dụng.
- Tấm hình mấy đứa nhóc là thứ có giá trị nhất. – Jaime nói. Vài tuần sau Jaime gọi tôi:
- Cô tới Madrid bao giờ chưa?
- Chưa. Sao vậy?
- Cô biết Ana Botin, cô con gái của ông chủ Ngân hàng Santander không? Mới mời tôi phỏng vấn. Cô ấy muốn Santander có tên trên bản đồ.
- Cũng hay. – Tôi trả lời lơ đãng, tay vẫn điền hồ sơ.
- Tôi cũng nói với Ana là sẽ không tới đó một mình. Tôi phải chọn ra ai từ Luân Đôn đi cùng.
- Anh nói vậy hả? – Bất thình lình tôi trở nên vô cùng hào hứng.
Vậy là chúng tôi cùng đến Madrid và được mời làm việc ngay lập tức. Lời mời quá hấp dẫn và do vậy khó lòng từ chối. Ana Botin cũng cho chúng tôi toàn quyền quyết định trong mọi chuyện. Chúng tôi muốn làm gì cũng được, miễn là đưa được Ngân hàng Santander vào tốp 10 thị trường mới nổi. Tôi phụ trách khối thị trường Đông Âu, lúc đó hầu như chưa tồn tại, và phụ trách luôn mảng doanh nghiệp, giao dịch. Jaime thì hướng dẫn các giao dịch viên ở Santander cần phải làm gì ở các nước Mỹ La-tinh. Tôi và Jaime hầu như bằng vai phải vế với nhau, và đối với tôi đây là một bước tiến lớn của bản thân.
Tôi và Jaime biết nhau từ những cuộc trò chuyện qua điện thoại. Anh biết tôi là người Hà Lan, có bạn trai. Mặc dù tôi trông có vẻ rất thân thiện, Jaime cũng biết rằng trong công việc tôi thật sự là một đối thủ đáng gờm. Trong những hợp đồng lớn chúng tôi đều chọn giải pháp “đối tác”; khi các gói cho vay quá lớn, chúng tôi sẽ chia nhỏ nó ra. Đã hơn một lần tôi dọa mua nguyên cả gói vay một mình nếu Jaime không chịu “chuốt” giá lại cho hợp lý hơn.
Khi đến Madrid, tôi và Jaime ở khách sạn riêng biệt: anh ở
5 sao, còn tôi thì 4 sao. Điều này làm tôi lo lắng và không ngại ngần chia sẻ với Jaime:
- Không phải tôi và anh bằng vai phải vế sao?
- Đừng lo. Đây chỉ là kiểu trọng đàn ông trong vấn đề nhân sự thôi. Họ không biết nhiều hơn vậy đâu. – Jaime trả lời.
Jaime mời tôi tới căn phòng 5 sao thượng hạng của anh để xem Hà Lan đá với Đức ở World Cup. Vậy mà ti-vi bị hư, hư vào một trận đấu thuộc hàng quan trọng nhất đối với cổ động viên Hà Lan. Tôi đổ quạu về chuyện này, làm Jaime cũng hơi căng thẳng theo. Các đồng nghiệp ở Santander mời chúng tôi chơi tennis. Tôi kết hợp với Jaime thành một cặp đánh đôi đáng gờm.
Cuộc sống giới văn phòng luôn hào hứng và không thể nào dứt ra được guồng quay công việc. Từ Madrid, chúng tôi phải chịu trách nhiệm luôn thị trường Luân Đôn và New York. Từ 10 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Áp lực công việc khủng khiếp, nhưng chúng tôi thích nghi tốt. Chúng tôi không gặp phải các loại giấy tờ nhiêu khê phiền hà trong công việc, và chỉ sau 6 tháng giao dịch chúng tôi đã đưa Santander vào một vài “tốp 5” ở châu Âu. Các ông chủ ngân hàng trung ương ở Đông Âu vui lòng cho phép chuyển tài khoản theo tôi đến Santander và tôi cũng đảm bảo việc chuyển giao đó không gây chút thiệt hại nào cho họ. Đền bù hậu hĩnh nữa là khác.
Cách làm việc theo kiểu ban lệnh từ trên xuống dưới của người Tây Ban Nha khác hẳn với mô hình dựa trên đồng thuận tuyệt đối ở người Hà Lan. Ở Tây Ban Nha, nhân viên chỉ biết làm theo lệnh, không cần phải thuyết phục hay khích vào cái tôi của họ. Tôi cũng hết sức nhẹ nhõm khi không còn phải chứng kiến thêm bất kỳ một sự việc mang hơi hướm trọng nam khinh nữ nào ở đây nữa. Trái ngược với ngân hàng ING, ở Santander có rất nhiều phụ nữ nắm các vị trí chủ chốt ngay trên tầng làm việc của tôi. Sếp tôi là con gái của ông chủ tịch ngân hàng. Chồng của cô cũng làm việc cùng tầng và chơi ném dĩa với chúng tôi. Hoặc chơi tất cả những trò gì có ở đây. Phóng phi tiêu, đánh gôn, nhiều lắm.
Làm việc xong, thường là 11 hoặc 12 giờ đêm, tôi và Jaime thường đi ăn tối ở một nhà hàng nào đó. Nhưng tôi gầy đến nỗi tôi đề nghị về nhà mình nấu ăn lúc 9 giờ tối và làm việc với cánh môi giới ở New York qua loa điện thoại. Kiểu sắp xếp ăn/làm việc như thế này phát huy hiệu quả. Chúng tôi có thể vừa làm việc vừa chế sốt mayonnaise cùng lúc, với tinh thần đồng đội cao. Cuộc sống văn phòng ngang bằng cuộc sống riêng tư. Tất cả các bạn của chúng tôi cũng là đồng nghiệp. Chúng tôi làm tiệc nướng trên sân thượng, xem ti-vi và các bộ phim không lồng tiếng Jaime mang về từ New York. Chúng tôi chơi hái nấm và cứu được công chúa khi trời vừa qua thời khắc nửa đêm.
NGÀY THỨ SÁU - CHÌM VÀO THẾ GIỚI TỰ NHIÊN
Tôi phải đi toilet. Để bài tiết, chính xác là như vậy. “Eeew!”, Helen thế nào cũng sẽ nói như vậy nếu cô ở đây lúc này. Helen không bao giờ đi toilet trước mặt bạn trai. Nhưng tôi thì có.
Bây giờ làm sao đi được đây? Đầu tiên là phải dịch chuyển ra khỏi chỗ này, ra khỏi những quả bóng nhỏ bằng xốp thần thánh. Tôi tự lôi mình xềnh xệch lên cao. Bằng lưng. Và chỉ sử dụng cùi chỏ. Uỵch, uỵch, uỵch. Tôi hy vọng lúc trượt xuống trở lại thì sẽ bớt đau hơn là lúc này. Bây giờ tôi phải kéo cái quần mượn này xuống. Tôi mở khóa quần. Bắt đầu kéo nó xuống. Đau! Đau quá! Không thể tin được là hông lại bị đau như vậy. Tôi tính thôi không kéo nữa nhưng cái ý nghĩ phải giữ mình đúng mực ngăn lại. Không thể nào “xử” ngay trong quần mình được! Cho dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không thể làm như vậy. Tôi bắt đầu kéo quần xuống lần nữa, chầm chậm, lần này hơi nhón hông lên. Đau dữ dội! Tôi thấy rõ từ chiếc quần tất là mình đang tới kỳ kinh nguyệt. Dĩ nhiên rồi! Họa vô đơn chí. Xảy ra ngay vào lúc này!.
Tôi làm những gì phải làm. Mặc dù đau thấu trời xanh. Ôi, những nhánh cây con. Tôi dùng lá để chùi sạch. Sống văn minh và phải trả bằng cái giá đau đớn, khổ sở nhất. Cuối cùng cũng xong. Tôi trở về chỗ cũ. Lại bằng lưng, bằng cùi chỏ. Tôi kiệt sức rồi.
Tôi tự hỏi không biết ba mẹ mình đang làm gì. Anh chị tôi, bạn bè tôi. Mọi người đang vùi ngủ trên chiếc giường ấm áp của mình? Đang tắm? Đang ăn? Tự nhiên tôi thèm chỉ được uống nước dễ dàng như họ, mở nắp cũng thật dễ dàng làm sao.
Một con rết bò ngang chân tôi. Tôi cứ ở yên đó. Chúng tôi chia nhau khoảng không này. Con rết là một phần của khu rừng. Tôi là một phần khác.
Khoảng thời gian còn lại trong ngày trở thành một trải nghiệm đầy ảo diệu. Tâm trí tôi như ngừng lại. Tôi còn không nghĩ tới việc làm cách nào để đừng nghĩ tới Pasje nữa. Tôi cứ lơ lửng như vậy; và đã trở thành một phần của môi trường xung quanh. Cứ như thể là tôi đang sống nhờ vào những cái cây kia. Càng nhìn, tôi càng thấy chúng đẹp. Cứ như thể là tôi đang hít thở chúng vào. Hơi thở nhọc nhằn của tôi cứ như đang mở toang lồng ngực đau nhói bằng một thứ năng lượng làm tôi thấy chóng mặt. Theo cách tốt của nó. Một cách phóng thích, tự do. Nó giúp tôi thoát khỏi nỗi đau, cứ như thể bước ra khỏi thân xác của chính mình. Trong khi lúc đầu tôi phải tự buộc mình tập trung vào vẻ đẹp của khu rừng, bây giờ tôi cảm nhận nó thật tự nhiên – như thể tôi đang ở trong vẻ đẹp đó. Tôi đang hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Với vẻ đẹp. Với người chết. Với quá trình phân hủy, chết, rồi tái sinh. Mọi thứ thật tuyệt vời. Mấy ngày trước tôi phải đọc tên của người thân, gia đình và bạn bè để nhớ lại tình yêu họ dành cho tôi cũng như tôi dành cho mọi người. Bây giờ tôi chỉ cảm giác như tôi đang nằm trên chiếc giường tình yêu. Hay một loại tần số tình yêu nào đó cứ như đang nằm trong không khí xung quanh. Hoặc cũng có thể tôi nằm trong tần số đó, bước sóng đó, di chuyển trong nội vi đó. Có cảm giác như tâm trí tôi đang đạt đến một ngưỡng cao mới, đạt đến mức hài hòa vô song với môi trường xung quanh.
Một môi trường sống thoải mái và đẹp vô cùng. Đẹp đến mức, dễ chịu đến mức tôi sẵn lòng ở lại trong đó. Mãi mãi.
YÊU XA, VÀ VIỄN CẢNH VIỆT NAM
Madrid, Chi Lê, Việt Nam – 1987-1992
Pasje cũng vô cùng hào hứng với việc tôi chuyển sang Madrid. Anh thích công việc mua bán nợ và việc tôi tham gia các giao dịch đó. Anh sẽ dễ dàng cảm thông khi gọi cho tôi mà đầu dây bên tôi trả lời: “Ôi, em đang bận cái này chút. Để em gọi lại cho anh sau nhé”, và sau đó quên luôn lời hứa. Pasje sẽ gọi lại. Luôn luôn là như vậy. “Em cứ như thằng Joe”, anh nói và phá lên cười. Joe là bạn thân nhất của Pasje, làm nghề giao dịch chứng khoán. Pasje có vẻ tự hào về tôi. Rất tự hào.
Anh ấy cũng yêu luôn những gì công việc mới mang lại cho tôi: tiền bạc và sự tự do. Tôi có thể dễ dàng kết hợp các chuyến công tác để đi thăm Pasje ở Chi Lê. Hoặc chúng tôi cũng có thể gặp nhau giữa đoạn đường dọc địa cầu, tại New York.
Chúng tôi ngày một quen với việc chia sẻ mọi thứ với nhau qua điện thoại. Chúng tôi “nấu cháo” điện thoại với nhau ít nhất hai lần mỗi ngày. Chênh nhau 5 tiếng, tôi là người đánh thức Pasje dậy. Giọng đánh thức có thể khẽ khàng thẽ thọt bằng tiếng Hà Lan nếu tôi đang ngồi trên bàn giao dịch hoặc lớn hơn nếu như tôi kiếm được một căn phòng hội nghị bỏ trống. Đáp lại, Pasje sẽ gọi từ văn phòng anh và nói chuyện cho đến khi tôi đi ngủ. Hai đứa cũng thường tán chuyện trong khoảng từ 6 đến 7 giờ tối, khi Pasje ăn trưa trên bàn làm việc còn tôi thì ăn tối, cũng trên bàn làm việc. Và cứ đến kỳ nghỉ thì chúng tôi lại đi cùng nhau. Tôi hiểu cuộc đời anh. Và anh cũng vậy.
Nhiệm kỳ công tác của Pasje dự tính kéo dài hai năm. Sau đó chúng tôi sẽ có những kế hoạch thực sự nghiêm túc về việc cả hai cùng sống chung ở một nơi. Luân Đôn hay New York có vẻ là lựa chọn khả dĩ nhất. Sếp mới của tôi thường ngầm ủng hộ rằng bà có thể chuyển tôi đi bất cứ nơi nào tôi muốn, khi thời gian chín muồi.
Chúng tôi cũng không vội. Một cuộc sống bên nhau chỉ là vấn đề thời gian. Không phải chúng tôi có cả quãng đời còn lại trước mắt đó sao?
“Annette, họ đề nghị anh sang Việt Nam”, Pasje nói với tôi qua điện thoại. “Để thành lập hai chi nhánh tại đó. Anh phải bắt đầu xây dựng lại mọi thứ từ đầu. Anh có thể sẽ trở thành tổng giám đốc nếu làm tốt”. Nghe giọng Pasje có vẻ hào hứng. “Nếu được vậy thì rõ ràng là anh sẽ thăng tiến nhiều lắm. Anh luôn luôn quan tâm tới khu vực châu Á này, và Việt Nam là một vùng đất hoàn toàn mới mẻ. Là thử thách thực sự của anh”.
Vậy là, tương lai của chúng tôi lại có một ngã rẽ khác.
Kỳ nghỉ hè cuối cùng của tôi và Pasje, Bahia, Brazil, 1991
NGÀY THỨ BẢY - NGƯỜI ĐÀN ÔNG MẶC ĐỒ DA CAM
Nhiều ngày đã trôi qua. Tôi không nghĩ là mình mất dấu. Việc cần làm là chỉ đếm bao nhiêu đêm rồi thôi. Đây là ngày thứ sáu hay thứ bảy rồi nhỉ?
Đầu tôi nhẹ bẫng. Cây cối xung quanh như tỏa sáng. Tôi không còn thấy đau nữa. Tôi vừa như thoát ra khỏi cơ thể mình vừa như rất gần với nó. Như là đã đi khỏi đây, nhưng vẫn hiện hữu nơi này. Khi mở mắt, tôi thấy cây cối lấp lánh trong ánh mặt trời. Khi nhắm mắt lại, hiện lên trong tôi là những tia sáng màu vàng cứ đan xen hòa hợp lẫn nhau. Có một quả bóng sặc sỡ to lớn, cứ như cảnh mặt trời lặn vào buổi chiều muộn. Quả bóng này thật lạ, có tối lẫn sáng, và có hết thảy các màu. Một hỗn hợp đa dạng các màu. Nhưng tôi lại có thể phân biệt từng màu một. Tối hòa lẫn với sáng, ngày với đêm, mọi thứ với hư không. Tôi cảm thấy được che chở, bảo vệ hết mức có thể. Tôi đã buông bỏ, phó mặc bản thân mình tuyệt đối. Cho cây, cho lá, cho dế, cho kiến, và cả rết. Cho cuộc sống này. Hay là tôi đã phó mặc bản thân mình cho cái chết?
Tạp âm của khu rừng giờ đã hóa thành bản giao hưởng. Của sự lặng thinh. Tôi thuộc về đó, không quá khứ cũng không tương lai. Tôi là tôi, của thời khắc hiện tại. Một khoảnh khắc vô tận của tự do mê ly. Một khoảnh khắc mang lại cho tôi bình an, tính đồng nhất và nỗi hân hoan; một khoảnh khắc thuộc về cái gì đó lớn hơn cuộc sống của chính bản thân mình rất nhiều. Tôi chính là hiện tại. Tôi thuộc về cuộc đời này. Thuộc về vũ trụ. Thuộc về Chúa. Tôi cảm nhận được mình gắn kết với vạn vật, theo một cách đồng nhất, mầu nhiệm, và tươi đẹp. Không phân cách, không biên giới, không chia lìa – chỉ như thể sinh ra là để gắn kết với nhau. Tôi đang hiểu được bí mật. Tôi cũng chính là bí mật.
Nhưng chính vào lúc đó, bất thình lình tôi nghe tiếng gỗ rừng răng rắc. Bằng tầm mắt thường của mình, rõ ràng là tôi thấy cái gì di chuyển. Tôi quay đầu nhè nhẹ và cố tập trung đôi mắt. Là một người đàn ông. Một người đàn ông? Tôi chết rồi sao? Không, người đàn ông này là thật! Ông ta đang ở ngay đây mà! Tôi cố gắng tập trung lần nữa để nhìn cho kỹ hơn. Rõ ràng là một người đàn ông. Ở bên kia khe núi. Tôi còn nhìn rõ mặt ông ta – đang đội mũ trùm đầu. Cái mũ màu cam. Người đàn ông này mặc bộ đồ cũng màu cam. Ông ta đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi cố gắng “xốc” lại tâm trí đang bồng bềnh của mình bằng mọi cách có thể, cố gắng trở lại nhận thức thực tế và duy lý. Tôi cố tìm lại giọng mình. Rồi tiếng nói phát ra, nhỏ và khào khào:
- Xin chào, làm ơn giúp tôi được không?
Tôi cố lại lần nữa. Giọng có khỏe hơn lần trước. Tôi tin và mong như vậy.
- XIN CHÀO! Làm ơn giúp tôi được không?
Người đàn ông đó vẫn không hề nhúc nhích. Chỉ đứng đó, và tiếp tục nhìn tôi chằm chằm. Tôi la to hơn:
- Ông ơi! Giúp tôi! GIÚP TÔI!
Tôi gào càng lúc càng to hơn, nhưng ông ta vẫn cứ bất động.
- Ông không thấy là tôi cần giúp đỡ hay sao? - Tôi bắt đầu nổi điên. - Làm cái gì đi chứ, ông bị sao vậy?
Tôi vùng thoát ra ngay cái thế giới ảo diệu mình đang cảm nhận và trở lại mặt đất. Trở lại hoàn toàn ngay mặt đất, theo đúng nghĩa đen của nó. Rõ ràng là vậy, vì tôi cảm nhận rất rõ mặt đất mình đang ngồi, và cả những nhánh cây con đau nhói. Tôi phải ra khỏi đây. Và người đàn ông đó có thể giúp tôi. Ông ta nên giúp tôi chứ. Tôi kêu gào, lại tiếp tục kêu gào. Và cả chửi rủa bằng tất cả các thứ tiếng mà tôi biết. Nhưng hỡi ôi, ông ta tuyệt nhiên không hề động đậy, dù là nhúc nhích cơ bắp. Ông chỉ đứng đó, lại nhìn tôi chằm chằm, thậm chí không hề chớp mắt. Trong nhiều giờ liền.
Ông ta là ai? Ông ấy muốn gì? Muốn nhìn tôi chết à?
Và sau đó, ông ta biến mất. Biến mất như bóng ma, như cái cách lúc xuất hiện. Người đàn ông đó có phải là bóng ma thật không? Hay do tôi tự tưởng tượng ra? Nhưng nếu vậy thì tại sao tôi phải tưởng tượng như vậy? Tôi đang có một cõi của riêng mình và hoàn toàn chú tâm vào thế giới đó trước khi ông ta xuất hiện kia mà. Tôi còn quá hạnh phúc trong thế giới đó nữa là đằng khác. Bây giờ đây, tôi lại trôi dần về một thế giới khác. Giờ đây, tôi lại cảm nhận rất rõ những cơn đau. Tất cả những bực dọc, bất an. Trời ơi, thật là khó ở làm sao! Tôi cố tập trung vào khu rừng, một lần nữa. Khi trời sập tối, tôi buộc mình đi ngủ. Cố gắng xóa bỏ hình ảnh người đàn ông khi nãy ra khỏi đầu. Có thể đó chỉ là ảo giác mà thôi.
MÙA HÈ ĐẰNG ĐẴNG
Việt Nam - 1992
Pasje chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/1992. Anh là một trong những người đầu tiên thành lập văn phòng đại diện cho ngân hàng nước ngoài tại đất nước này, vốn còn đang trong giai đoạn tìm mọi cách để thoát ra hậu quả của chiến tranh dai dẳng. Pasje bây giờ trở thành người tiên phong.
Chính phủ Việt Nam cử một người làm trợ lý cho Pasje, để tư vấn anh về những gì nên và không nên làm tại đây. Cũng là một cách để giám sát Pasje. Ông Hùng vừa là tài xế, cố vấn, người trung gian, và đại loại nhiều nhiệm vụ khác nữa. Nhưng rõ ràng là ông Hùng cũng có những ưu tiên rõ ràng: ông là người của chính phủ; và do vậy, những nhiệm vụ chính phủ giao cho phải là ưu tiên hàng đầu. Sau đó là đến chính bản thân ông, thứ nữa là Pasje. Pasje hiểu rõ đó là cái giá phải tuân thủ nếu muốn làm ăn ở Việt Nam vào thời điểm này và do vậy, anh luôn duy trì mối quan hệ thân thiện với ông Hùng. Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Pasje phải thuê văn phòng ở xa trung tâm thành phố, và người cho thuê văn phòng đó là bà con của ông Hùng. Với sự hỗ trợ duy nhất của cô quản trị viên trẻ tên là Carola, Pasje cuối cùng cũng xoay xở mở được cả hai văn phòng ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10. Vừa kịp lúc, trước khi một đoàn chuyên gia từ trụ sở chính sang Việt Nam.
Những ngày đầu tiên của Pasje ở đây thực sự nháo nhào cả lên. Tín hiệu điện thoại thường xuyên bị mất. Nhưng Pasje vẫn tìm cách liên lạc với tôi, qua fax. Ngọt ngào và trìu mến, Pasje khuyên tôi cố kiên nhẫn. Pasje không giấu hoàn cảnh của mình lúc này, khi mà anh phải chật vật với hàng đống thủ tục hành chính nhiêu khê - ở Việt Nam và ngay cả trong nội bộ ngân hàng của chính mình.
Chúng tôi gặp nhau ở Hà Lan, chỉ một tuần vào cuối tháng
6. Và chúng tôi cùng với bạn bè dành hầu hết thời gian để cổ động cho đội tuyển Hà Lan tại giải Euro. Tôi và Pasje đều chưa nghĩ tới chuyện nghỉ hè thực sự.
Pasje vẫn còn trong giai đoạn đàm phán hợp đồng với trụ sở chính ngân hàng ở Amsterdam. Bất thình lình có chuyện, do phía ngân hàng gây nên. Ngân hàng chỉ đồng ý chi trả tiền vé máy bay cho chúng tôi gặp nhau khi nào cả hai chính thức kết hôn. Thì thôi vậy, chúng tôi tự lo chuyện này cũng được. Nhưng để kết hôn thì cả hai phải thực sự ở bên nhau. Hơn thế nữa, ở Hà Lan các cặp đôi đều phải trải qua giai đoạn chờ đợi sáu tuần để có thể kết hôn, và do vậy Pasje phải trở về nước hai lần. Bởi vì Pasje chưa ký hợp đồng với ngân hàng, anh vẫn chưa thể tham dự hội nghị tổng giám đốc vào tháng 8 ở Hà Lan. Ở Việt Nam thì công việc lại đang ngập đầu, và do vậy Pasje quyết định sẽ ở lại Việt Nam và tôi sẽ đến thăm anh vào tháng 9.
Kế hoạch cứ phải thay đổi xoành xoạch. Một trong những cô bạn thân nhất của tôi ở Hà Lan quyết định làm đám cưới vào tháng 9. Cô đã có thai, ngập tràn hạnh phúc; và cô bạn này cũng muốn tôi tham dự đám cưới của cô. Làm sao tôi có thể nói không. Vậy là đành phải thay đổi kế hoạch sang Việt Nam – tôi và Pasje dự định tháng 10, mặc dù thời điểm đó anh sẽ rất bận rộn tiếp phái đoàn từ trụ sở chính sang. Tôi không muốn mình làm vướng víu anh. Vậy là cuối cùng gút lại là tháng 11. Còn 5 tháng nữa. Chưa bao giờ, trong suốt 13 năm quen nhau, chúng tôi lại xa nhau lâu đến vậy.
Mùa hè năm ấy cứ dài đằng đẵng, vì tôi nhớ Pasje quá. Nhớ đến mức hạ cũng hóa thu. Tôi cảm nhận rất rõ sự thiếu vắng Pasje ở đám cưới cô bạn thân. Đến thủ tục ném hoa cưới, cô dâu không ném mà cầm bó hoa đặt thẳng vào tay tôi. Tôi chỉ biết nhăn mặt, mọi người thì vỗ tay.
Tại đám cưới bạn tôi, Amsterdam, tháng 10/1992
Rõ ràng là lúc đó ai cũng nghĩ sau cô bạn thân, tôi sẽ là người tiếp theo lên xe hoa.
NGÀY THỨ TÁM - CHẬP CHỜN THỰC HƯ
Tôi thức giấc vì những tia nắng mặt trời nóng rẫy trên mặt. Ngày thứ bảy hay thứ tám rồi nhỉ? Có thể là tôi không nhớ mình đếm đến đâu nữa. Thứ Bảy rồi à? Tôi nhớ đến người đàn ông mặc đồ cam kia. Ông ta đâu rồi? Tôi nhìn sang bên phải. Đây rồi, ông ấy lại ở đó! Đứng cách tôi khoảng chừng 15 mét, với cây rừng ken dày xung quanh. Hay là ông ta đang ngồi chồm hổm ở đó nhỉ?
Tôi quyết định sẽ “điều nghiên” ông này thật kỹ, thay vì thét vào khoảng không như một tên ngốc lần trước. Tôi nhìn kỹ gương mặt ông. Một khuôn mặt đẹp. Khuôn mặt rất đẹp, rất người. Và là người Ấn Độ, tôi tin như vậy. Da ngăm đen, mắt nâu, tóc thẳng và đen. Lại nhìn tôi chằm chằm, vô hồn. Ông này lại mặc bộ đồ toàn một màu cam. Cam sáng. Cái màu cam của những vật dụng bằng nhựa hình nón người ta vẫn hay đặt ở các công trình xây dựng trên đường để cảnh báo xe cộ. Cái mũ của ông ta có chóp nhọn. Giống như con gấu Paddington. Con gấu Paddington màu cam. Pasje mua cho tôi một con nhỏ như vậy ở Luân Đôn. Cách đây năm năm rồi… Pasje nữa hả? Bây giờ từng phần tâm trí của tôi cứ lúy túy ngả nghiêng. Tôi kết luận, một lần nữa, là chắc chắn mình đã bị ảo giác, tự tạo dựng một người bạn chỉ có trong trí tưởng tượng. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, tôi vẫn gào thét với ông ta. “Xin chào!”. Ít ra thì việc gào thét và tập trung vào người đàn ông này cũng có tác dụng tốt cho tôi, cho dù tôi có thực sự bị ảo giác hay không. Người đàn ông này đưa tôi vào thế giới thật, giải thoát tôi khỏi cái cõi mộng mị của mình.
Tôi nghĩ là ít nhất cũng đã vài giờ trôi qua vào lúc mình nhận ra người đàn ông bí ẩn đó lại biến mất, y như ngày hôm trước. Đi thật rồi. Biến vào thinh không. À không, vào lớp không khí dày đặc chứ. Tôi lại trở về trạng thái tinh thần tĩnh lặng của riêng mình. Cõi ảo diệu tuyệt vời. Hãy cứ ở đó đã.
Dường như có một chiếc khăn trùm bằng vàng đang phủ lấy tâm trí tôi. Tôi thấy mình như ngộp trong một thứ năng lượng ấm áp. Từng tế bào cứ như được ôm ấp lấy bởi dòng năng lượng kia, nhưng từng tế bào lại cũng như không có một lằn ranh nào. Tôi nhận thức rõ từng tế bào cũng như sự vô tận của chúng. Đôi mắt tôi cứ như đang di chuyển đằng sau bộ óc của mình. Và cũng sẽ thật thiếu sót nếu lúc này chỉ nghĩ đến tầm quan trọng của khối óc như một thực thể riêng lẻ. Tất cả đều như được kết nối với nhau, và được hòa vào quả bóng năng lượng rực rỡ khổng lồ. Và tình yêu. Một tình yêu lớn lao, không nhọc thân tìm kiếm, và cũng không cảm nhận được bằng bất cứ vật thể hữu hình nào.
KỲ NGHỈ MƠ ƯỚC
The Hague, Tokyo, Hồng Kông, Việt Nam - 1992
Thứ Bảy ngày 7/11/1992, tôi và Jaime cùng bay từ Madrid tới Amsterdam. Ngày hôm sau Jaime sẽ đi New York thăm con trai, việc anh luôn làm cách mỗi cuối tuần. Tôi thì sẽ đi Tokyo để chào hỏi khách hàng người Nhật, trước khi đi Việt Nam gặp Pasje. Lần đầu tiên tôi đi thăm Pasje kể từ khi anh đến Việt Nam vào tháng Tư. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp nhau.
Ở The Hague, tôi và Jaime đi chơi với em trai tôi và ngủ ở nhà ba mẹ. Đây chỉ mới là lần thứ hai Jaime gặp gia đình tôi. Anh ngủ ở căn phòng trên lầu – đây là căn phòng tôi ở thời mới lớn và đã bỏ trống từ lâu kể từ khi mấy chị em tôi rời khỏi gia đình. Tôi ngủ ở tầng 1, trong một căn phòng nhỏ gần phòng ba mẹ. Ở gần ba mẹ lúc nào cũng thấy ấm áp.
Lúc ăn sáng, mẹ tôi nói mẹ không yên tâm chuyện Pasje cho rằng tôi không cần chích ngừa mũi nào khi sang Việt Nam. Mẹ đã hỏi ý kiến bác sĩ của gia đình và sắp xếp việc tiêm ngừa cho tôi ngay tại sân bay:
- Ra đó con cứ đi thẳng tới phòng sơ cứu. Họ biết tên con.
- Mẹ nói sao, họ biết tên con? - Tôi ngạc nhiên. - Mẹ à, con không cần chích ngừa đâu. Tụi con chỉ ở trong thành phố và đi tắm biển thôi mà!
- Một mũi chích ngừa nhiều bệnh, con à. - Mẹ tôi nói tiếp, đầy nhẫn nại. - Có cả bệnh uốn ván nữa mà.
À, bệnh uốn ván, nỗi ám ảnh của mẹ tôi.
- Ngày mai cả nhà sẽ đưa con ra sân bay sớm; và vì vậy đừng có giở bổn cũ ra là con trễ chuyến bay rồi nên không chích ngừa được.
Tôi vẫn ngoan cố phản đối:
- Nhưng Pasje nói là con không cần chích ngừa. Tụi con sẽ đi tắm biển! Đâu có đi bộ trong rừng hay giống như vậy đâu mẹ.
Nhưng rõ ràng là “phản đối vô hiệu”. Mẹ tôi đã quyết và có cách của riêng bà.
Trước đây tôi đã sang Tokyo, nhưng bây giờ trở lại vẫn thấy lạc lõng. Cho dù bây giờ đã có nhiều bảng hiệu bằng tiếng Anh hơn, nhưng một cái gì đó mang đậm tính tập thể của người Nhật vẫn làm cho tôi thấy mình không thuộc về nơi này. Lúc này tôi thoáng cảm nhận được tâm trạng của một người da màu khi phải sống trong một môi trường mà trong đó chỉ toàn người da trắng.
Cũng may là tôi không hoàn toàn cảm thấy bị lạc lõng, nhờ vào Tomyuki Numachi, vị trưởng bộ phận đầu tư tại Nhật của ngân hàng chúng tôi. Tommy, như cách tôi gọi anh, có cách của riêng mình để tôi cảm thấy phần nào được an ủi tại đây. Anh liên tục hỏi tôi: Cô thích đi xem gì? Muốn ăn gì? Cần mua gì?
Tôi và Numachi ở Tokyo, tháng 11/1992
Chúng tôi đã gầy dựng mối quan hệ có phần hoạt kê này trong ba năm làm việc chung. Rất thường xuyên, cứ 2, 3 giờ sáng là Tommy lại dựng tôi dậy, yêu cầu tôi định giá các gói cho vay mà mấy ngân hàng Nhật đang bán. Giọng nói của tôi chắc hẳn cũng rất khó hiểu đối với Tommy như chính tiếng Anh của anh đối với tôi vậy. Chúng tôi đã chật vật xoay xở rất nhiều để vượt qua những rào cản ngôn ngữ không hề nhỏ. Và cả hai đều học cách tồn tại bằng tiếng Tây Ban Nha, trong một nền văn hóa quá khác biệt so với chúng tôi. Nhưng nhờ vậy mà cũng tạo ra một sự gắn kết giữa hai chúng tôi. Bây giờ tôi có thể thậm chí làm Tommy phá lên cười, chứ không chỉ là cười khúc khích nữa.
So với bản tính cởi mở, phóng khoáng và có phần vô tư lự của tôi, Tommy là người nghiêm túc và nhút nhát, luôn giữ mọi thứ chặt trong lòng. Anh làm việc nhiều hơn bất cứ người nào tôi từng gặp. Anh làm việc không ngơi nghỉ. Xuất thân từ gia đình thượng lưu, Tommy nói với tôi: “Người Nhật chúng tôi theo đạo Phật và tin vào sự cần cù. Không như các Phật tử châu Á khác, thay vì ngồi dưới gốc cây chờ khai sáng, người Nhật chúng tôi chọn làm việc như cách của riêng mình để tìm đến sự khai sáng”.
Ở khách sạn, tôi cố đọc thật nhiều về Phật giáo. Tôi tìm thấy cuốn Những điều răn của Phật trong phòng, đặt trên cuốn Kinh thánh. Từng trang sách in bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh. Trông rất thú vị. Để đó đọc sau, tôi nghĩ vậy, và nhét cuốn sách vào hành lý.
Tommy xem lịch trình của tôi rất kỹ, xem tôi đi đâu làm gì từ sáng sớm cho đến đêm. Từng phút một.
- Cô muốn làm gì, Annette? - Anh hỏi tôi sau khi đến các ngân hàng.
- Anh muốn làm gì? - Tôi hỏi lại.
- Không, cô muốn làm gì, nói đi?
Khi tôi mất tích, Tommy gửi cho Jaime một bản fax dài 7 trang miêu tả tỉ mỉ tôi làm gì lần cuối trước khi rời Nhật Bản. Từng bước một. Cứ như thể là Tommy đang ngăn trước cái chết đến với tôi bằng cách rà soát lại nhất cử nhất động của tôi khi còn sống.
Từ Tokyo, tôi bay đi Hồng Kông và ở đó hai ngày, để ghé thăm một vài ngân hàng. Tôi ăn tối với một đồng nghiệp cũ ở Ngân hàng ING. Chúng tôi có quá nhiều thứ để nói với nhau: cùng học ở Leiden; anh bạn này cũng từng ở trong căn nhà tập thể của Pasje; và anh cũng từng tham gia chương trình quản trị viên tập sự giống như tôi.
Ngày tiếp theo, thứ Năm 12/11, tôi sẽ bay tới Thành phố Hồ Chí Minh lúc 5 giờ chiều. Tôi chỉ có một cuộc hẹn vào bữa ăn sáng và có nguyên khoảng thời gian còn lại ở Hồng Kông. Để mua sắm – còn làm gì nữa?
Tôi bắt chuyến phà đông đúc đi đến chợ Stanley. Tôi thực sự ngạc nhiên với cái cách người Hoa nói chuyện điện thoại oang oang, thậm chí là trong một không gian hẹp. Và ở đây người ta sử dụng điện thoại di động nhiều quá. Ở Tây Ban Nha, việc tôi xài di động vẫn là một cái gì đó cách tân lắm, và nó khiến mọi người thường nhìn theo. Người Hà Lan cũng thường không cổ xúy khi thấy tôi xài di động, họ thậm chí còn hét vào mặt tôi trên đường: “Muốn chơi nổi hả?”. Giá mà mấy người Hà Lan đó ở đây lúc này, nghe thấy đám đông nhộn nhạo cùng lúc thét vào điện thoại di động như thế nào!
Mấy lần trước đi chợ Stanley tôi rất thích. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ cần mua một vài cái áo sơ-mi trắng bằng lụa để mặc đi làm hàng ngày là đủ. Tôi muốn quay lại khách sạn, lấy hành lý và ra thẳng sân bay. Tôi chỉ muốn bay tới với Pasje. Ý nghĩ đó thôi thúc đến mức tôi trả phòng khách sạn sớm ba tiếng. Cả đời tôi chưa hề làm được như vậy bao giờ. Trái lại, tôi thường có cái kiểu hay rẽ ngang đi mua sắm vào phút chót, thậm chí là trên đường tới sân bay bằng taxi. Và vì vậy, tôi rất thường bị trễ chuyến bay đến nỗi phải luôn chạy trối chết tới cửa lên máy bay để kịp giờ. Nhưng bây giờ thì không. Tôi sắp sửa được gặp Pasje sau 5 tháng. Lần không gặp nhau lâu nhất giữa hai đứa tôi.
Khi tôi đến quầy check-in và chìa vé ra, cô nhân viên ở đó bỗng cực kỳ luống cuống:
- Chúng tôi cố liên lạc với cô cả ngày nay. Máy bay sẽ đi sớm bốn tiếng. - Cô này nói và nhìn đồng hồ. - Thực ra là bay ngay bây giờ.
Nói xong, cô cuống cuồng gọi điện thoại. Cúp máy xong, cô giục tôi bỏ hành lý lên dây chuyền.
- Cô may mắn lắm, chuyến bay sẽ đợi cô. Đưa tôi vé lên máy bay, cô lại giục tiếp:
- Làm ơn nhanh lên. Ngày mai không có chuyến bay nào đâu. Cô cực kỳ may mắn!
Tôi chạy quáng quàng qua khâu kiểm tra thị thực và lao bổ về cửa máy bay. Tuy vậy, ánh mắt tôi vẫn không quên tiếc nuối liếc qua các cửa hàng mua sắm ở sân bay Hồng Kông.
Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế thật tiện nghi trên máy bay. Cô tiếp viên đưa khăn lạnh và một ly sâm banh. Tôi tự nâng ly, nhấm nháp, và bắt đầu hành trình ngắn đến gặp tình yêu của đời mình.
Lúc tôi đến Việt Nam thì trời đã sập tối. Pasje đang đứng chờ ở sân bay. Anh đứng đó và vẫn không thay đổi: mạnh mẽ, rắn chắc, nồng ấm và đầy háo hức. Tôi chạy đến và cuộn tròn trong vòng tay anh.
Buổi sáng hôm sau, tôi ngồi trên giường soạn va-li trong gian phòng khách sạn mà bây giờ Pasje gọi là nhà. Bảy giờ sáng ngày mai, chúng tôi sẽ hưởng một kỳ nghỉ ngắn bên bờ biển. Tôi hỏi Pasje:
- Sao anh luôn làm vậy với em?
- Làm cái gì hả em? - Pasje đáp lại.
- Đặt chuyến bay liền chỉ một ngày sau khi em đến. Em mới đến đây thôi mà.
Vừa nhằng nhì Pasje, tôi vừa bỏ bộ đồ bơi vào túi, nai nịt sẵn sàng cho chuyến bay đến biển.
- Em mới tới đây thôi. - Tôi nói nữa, lần này hơi gắt gỏng, bỏ đống đồ còn lại vào ngăn tủ rồi cho luôn đồng hồ, dây chuyền và vòng đeo tay vào dưới đáy tủ. Tôi khoe với Pasje cái kẹp tóc sành điệu mới mua ở Tokyo.
Anh mỉm cười:
- Anh biết chắc em chẳng bao giờ xài kẹp tóc. Tôi biết, và bỏ luôn cái kẹp tóc đó và ngăn tủ.
- Bây giờ mời em đi xem cuộc đời mới của anh ở đây. - Pasje nói, đầy vẻ tự hào.
Tôi tự nhiên mềm hẳn ra và buông xuôi hết những bực bội cáu kỉnh. Pasje đang rất muốn cho tôi xem thành quả anh đã gầy dựng sau sáu tháng làm việc không ngơi nghỉ ở đây: hai văn phòng, những mối quan hệ mới, và những bước đệm quan trọng cho tương lai chúng tôi. Tôi quay lại và vòng tay lên cổ Pasje, hôn lên môi anh: ngọt ngào, quen thuộc và dứt khoát. Chúng tôi tạm dừng việc chuẩn bị hành lý.
Sau đó chúng tôi đi bộ đến câu lạc bộ thể thao ngoài trời của Pasje ở trên sông. Chúng tôi lướt qua từng đoàn người đi xe đạp, một vài cái chợ. Pasje rất cảnh giác với nạn móc túi. Anh bảo tôi đừng tin bất cứ ai. Cách đây một tháng, hai phụ nữ luống tuổi có vẻ ngoài thân thiện đã kẹp Pasje ở giữa và móc sạch túi anh. Chắc hẳn là anh cảm thấy thất bại thảm hại lắm sau tất cả những kinh nghiệm cảnh giác mà chúng tôi đã tích lũy được sau những lần đi xa. Tôi cũng thấy ngạc nhiên. Pasje mạnh mẽ của tôi bị hai người đàn bà trấn lột? Ý nghĩ này càng làm tôi cảnh giác hơn.
Chúng tôi dành trọn ngày hôm đó ở hồ bơi, đầy những người nước ngoài đang sinh sống tại đây, da dẻ hồng hào. Đây là ngày nghỉ ngơi thực sự của Pasje sau nhiều tháng trời. Anh phơi nắng nhiều đến mức bị phồng rộp cả da, đến mức khó ngồi yên vào buổi tối lãng
mạn của chúng tôi sau đó.
Đêm đó cũng rất ngắn, vì hôm sau chúng tôi phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để lên chuyến bay đến bờ biển. Hôm đó là thứ Sáu, ngày 13/11.
Tấm ảnh cuối cùng của Pasje chụp tại ban công khách sạn, sáng ngày 14/11/1992, TP. HCM (trong chiếc máy ảnh vẫn “sống sót” sau tai nạn máy bay).