Gục ngã cũng được, nhưng đừng buông xuôi. Ngày mai tươi sáng vẫn luôn chờ đón bạn
Chuyện đáng buồn nhất trên đời này là con người rơi vào tuyệt vọng.
Hồi nhỏ, tôi ít khi gặp chú và thím. Họ đi làm ở thành phố cả năm. Còn anh họ con nhà chú vì không thể đăng kí hộ khẩu ở thành phố nên đành học ở quê, được bà nội một tay nuôi lớn.
Trong số anh chị em họ, anh họ không phải là lão đại, cũng không phải là người lớn tuổi nhất. Nhưng vì anh họ sống với bà nội từ nhỏ, nên trong đám trẻ con chúng tôi, bà quý anh ấy nhất. Có lẽ, đối với anh họ, bà nội không chỉ là bà, mà còn là mẹ.
Khi anh họ học phổ thông, cảm thấy muốn bù đắp cho con trai, cảm thấy để mẹ già phải chăm cháu quá vất vả, chú thím tôi quyết định rời thành phố, về quê đoàn tụ với anh họ và bà nội.
Sau nhiều năm xa cách, anh họ và chú thím đều có đôi chút mất tự nhiên. Nhưng huyết thống vẫn là huyết thống. Trải qua thời gian ngắn thích ứng, cuộc sống của họ đã dần an ổn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh họ cũng đến tuổi kết hôn. Một ngày nọ, anh ấy dẫn bạn gái quen ở đại học về nhà, nói với chú thím rằng muốn cùng cô ấy xây dựng gia đình. Nhưng chú thím tôi không đồng ý vì sức khỏe của cô gái không tốt. Họ cho rằng, hôn nhân không cần xây dựng trên nền tảng tình yêu, nhưng nhất định phải dựa trên tiền đề có thể nối dõi tông đường.
Biết chuyện, cô gái đau lòng nói lời chia tay với anh họ. Anh họ tuổi trẻ hừng hực cũng vì vậy mà rời xa bố mẹ, rời xa người bà đã nuôi dưỡng mình nên người, rời xa quê nhà đã sinh sống bấy nhiêu năm, đến một thành phố khác mưu sinh.
Anh họ ra đi rất dứt khoát, chẳng mấy khi gọi điện thoại về cho chú thím. Nhưng anh ấy lại rất thường xuyên gọi về cho bà. Còn bà nội bấy giờ tuổi tác đã cao, tai có chút nghễnh ngãng, sức khỏe cũng yếu, thường phải nằm trên giường nói chuyện với anh họ một cách khó khăn.
Tuy thế, những điều này hoàn toàn không cản trở hai bà cháu họ – người trời nam người đất bắc chuyện trò với nhau qua điện thoại.
Qua một thời gian, số cuộc điện thoại anh họ gọi về cho bà nội ngày một ít dần, còn chú thím lại nói chuyện với con trai từ sáng đến tối. Bà nội tuy già cả, nghễnh ngãng, nhưng không hồ đồ. Bà hiểu, bà là bà nội, cháu trai vẫn thân thiết với bố mẹ nó hơn. Nhưng trong lòng bà vẫn cảm thấy buồn đôi chút.
Mãi đến dịp Tết năm ngoái, mọi khúc mắc mới trở nên rõ ràng. Ngày mùng Một, anh họ đến nhà bà nội chúc tết nhưng lại đi tay không. Điều này rất không bình thường. Nhà chúng tôi có gia giáo hết sức nghiêm khắc. Vào dịp năm mới, khi đến chúc tết trưởng bối, nếu không mang theo quà sẽ rất thất lễ. Song, chuyện không vui chưa dừng lại ở đây. Tết đến xuân về vốn là thời khắc cả nhà sum vầy, quây quần ấm áp. Nhưng khi đến nhà bà nội, anh họ lại trưng ra vẻ mặt lạnh tanh, khiến bầu không khí trong phòng chùng xuống.
Trầm lặng đến tay không, không hỏi han ai, sau đó vội vã rời đi.
Bà nội không giấu được nỗi thất vọng trong lòng. Sau khi con cái, cháu chắt ra về, bà gọi một người họ hàng ở lại, nói ra nỗi niềm trong lòng.
Người họ hàng thở dài thườn thượt, những lời chửi đổng cũng theo đó mà bật ra. Hóa ra, trong những ngày tháng anh họ lập nghiệp ở nơi khác, chú thím vẫn kiên trì gọi điện cho con trai. Ban đầu, anh ấy vẫn giữ thái độ lạnh như băng. Nhưng dần dà, băng cũng tan chảy.
Thường xuyên gọi điện qua lại, anh họ và chú thím dần thân thiết hơn xưa. Họ ôn lại những câu chuyện cũ, nhắc đến cả chuyện bà nội nuôi nấng anh họ từ bé. Khi anh họ bày tỏ lòng biết ơn của mình, thì chú thím lại nói với anh ấy rằng, thực chất bà nội không hề thích anh, mà chỉ thương xót anh mà thôi.
Nói một lần, anh họ không tin. Nói hai lần, ba lần, rất nhiều lần, anh ấy đã tin, hơn nữa còn tin tưởng tuyệt đối.
Vì vậy, anh họ mới có thái độ như bấy giờ. Thậm chí sau Tết, anh ấy còn không chào hỏi bà nội đã quay về thành phố nơi mình làm việc.
Bà nội mong ngóng cháu trai tròn một năm trời, nhưng lại chỉ nhìn thấy một gương mặt lạnh như băng, và cũng chỉ nhìn thấy một lần duy nhất.
Kể từ đó, bà nội vốn đã ngày một yếu, lại không chịu ăn uống. Ai đút cho bà, bà cũng gạt tay ra. Bà nội gầy yếu đi từng ngày, chúng tôi đã thử nhiều cách nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Chúng tôi biết bà nội đang trông đợi điều gì, nhưng mãi đến khi tiễn bà về với đất trời, anh họ vẫn không một lần xuất hiện.
Lúc bà nội hấp hối, chúng tôi hỏi bà có muốn gặp anh họ không. Bà nghe xong, chẳng mở mắt ra, chỉ lặng lẽ lắc đầu.
Một người chỉ rơi vào tuyệt vọng khi họ đã mất hết niềm tin vào điều mà họ vốn trân quý, tin tưởng.
Thực ra, tinh thần của chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Chỉ cần bạn quyết tâm vượt lên, không có khó khăn nào có thể đánh gục bạn
Giống như việc mỗi ngày thức dậy bạn đều mỉm cười với chính mình ở trong gương. Có thể hôm qua là một ngày mệt mỏi, có thể tối qua bạn vừa mới khóc, có thể vừa mở mắt ra bạn đã phải đối mặt với hàng núi công việc. Nhưng nhìn thấy nụ cười của chính mình, tâm tình của bạn cũng sẽ tươi đẹp lên nhiều.
Song, nếu bạn dập tắt ngọn đèn sáng nơi đáy lòng, vậy thì bất cứ ngoại lực nào cũng không thể mang đến ánh sáng cho bạn. Bởi lẽ, chỉ có bạn mới biết công tắc bật ngọn đèn nằm ở đâu, cũng chỉ có bạn mới bật được nó.
Khi ánh sáng dẫn bạn tiến bước không còn, bạn sẽ không thể phân biệt được phương hướng, thậm chí là thời gian, địa điểm. Bạn sẽ hoặc lạc đường, hoặc đi mãi không đến đích, hoặc phải quay ngược về nơi xuất phát.
Khi thế giới của bạn đã mất đi điểm tựa, thì bạn cũng sẽ không có động lực để vùng lên. Mất đi ánh sáng của hi vọng, bóng tối tuyệt vọng sẽ bao trùm.
Lúc này đây, chỉ có bạn mới vực dậy được chính mình. Có thể thắp lên một ngọn đèn khác hay không, có thể tìm lại đúng phương hướng hay không, không ai có thể làm thay bạn. Chính bạn cần phải cứu lấy bản thân mình.
Hãy nhớ rằng bạn luôn rất mạnh mẽ và kiên cường. Niềm hi vọng vẫn luôn ở đâu đó trong bạn, chỉ cần tìm được nó, sưởi ấm cho nó, chắc chắn bạn có thể vươn lên từ dưới đáy vực, có thể lội ngược dòng, trở lại là con người tràn đầy sức sống.
Gục ngã cũng được, nhưng đừng buông xuôi. Ngày mai tươi sáng vẫn luôn chờ đón bạn.
Đừng dễ dàng lùi bước khi bạn phải tiến lên.